Báo dân chúng với cuộc đấu tranh vì dân sinh dân chủ - 2

Ngoài ra còn sử dụng phương pháp đối chiếu, so sánh, thống kê để xử lý tài liệu và thông tin liên quan nhằm đảm bảo tính chính xác và khoa học cho luận văn.

6. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN

Đánh giá một cách khách quan, khoa học về vai trò của Báo Dân Chúng trong việc tuyên truyền quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và cổ động, tập hợp quần chúng đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chuẩn bị cho những bước đi tiếp của cách mạng giải phóng dân tộc, chuẩn bị điều kiện tiếp nhận thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền.

Bước đầu rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức quần chúng trong hoạt động báo chí.

Góp phần vào việc nghiên cứu, biên soạn, giảng dạy và học tập lịch sử thời kỳ 1936-1939 và lịch sử báo chí Việt Nam.

7. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, Luận văn được kết cấu thành 3 chương:

Chương 1: Khái lược về sự xuất hiện và hoạt động của báo Dân Chúng. Chương 2: Cuộc đấu tranh đòi dân chủ.

Chương 3: Cuộc đấu tranh đòi cải thiện dân sinh.

CHƯƠNG 1: KHÁI LƯỢC VỀ SỰ XUẤT HIỆN VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BÁO DÂN CHÖNG‌‌

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 173 trang tài liệu này.

1.1. Tình hình thế giới, Việt Nam và báo chí nói chung của Đảng Cộng sản Đông Dương trong những năm 1936-1939.

1.1.1. Tình hình thế giới và Việt Nam những năm 1936-1939.

Báo dân chúng với cuộc đấu tranh vì dân sinh dân chủ - 2

1.1.1.1. Tình hình thế giới

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933, nền kinh tế các nước, nhất là các nước tư bản phát triển, vẫn còn để lại những hậu quả nặng nề. Những mâu thuẫn xã hội vốn có trong lòng các nước này, mâu thuẫn giữa các nước đế quốc với nhau càng thêm sâu sắc.

Trong thời gian này Liên Xô đang trên đà phát triển, hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1933-1937). Phong trào đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc bùng nổ ở nhiều nước trên thế giới.

Trước tình hình đó, giới cầm quyền một số nước tư bản, tìm lối thoát bằng con đường phát xít hóa đất nước. Chủ nghĩa phát xít đã hình thành và phát triển ở Italia, Đức, Nhật Bản. Lò lửa chiến tranh đã được nhen nhóm ở châu Âu và châu Á. Cuối năm 1935, Đức, Nhật, sau đó là Italia đã ký kết “ Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản”. Trục phát xít Béclin-Tôkiô-Rôma hình thành.

Chủ nghĩa phát xít còn xuất hiện ở nhiều nước khác, như Ba Lan, Bungari, Hunggari, Tây Ban Nha. Họa phát xít và nguy cơ chiến tranh phát xít đang đe dọa cả loài người.

Trước tình hình đó, Đại hội lần thứ VII, Quốc tế Cộng sản họp tháng 7/1935 ở Mátxcơva với sự có mặt của 65 đoàn đại biểu Đảng Cộng sản của các nước, trong đó lần đầu tiên có đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc tham gia với tư cách “đại biểu tư vấn”.

Đại hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, như xác định kẻ thù trước mắt của nhân dân thế giới là chủ nghĩa phát xít; nhiệm vụ trước mắt của giai cấp công nhân là đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, chống nguy cơ chiến tranh, bảo vệ hoà bình, thành lập mặt trận rộng rãi của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa phát xít.

Trong Báo cáo đọc trước Đại hội, đồng chí Đimitơrốp - Tổng bí thư Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản đã nhận định: “Chủ nghĩa phát xít chính là sự tiến công tàn bạo nhất của tư bản chống lại quần chúng lao động” “ Chủ nghĩa phát xít nắm quyền là nền chuyên chính khủng bố công khai của những phần tử phản động nhất, sô vanh nhất, đế quốc chủ nghĩa nhất của tư bản tài chính” “ Ngày nay trong nhiều nước tư bản chủ nghĩa, quần chúng lao động trước mắt phải lựa chọn một cách cụ thể không phải giữa nền chuyên chính vô sản với chế độ dân chủ tư sản, mà là giữa chế độ dân chủ tư sản với chủ nghĩa phát xít” [20, tr.142].

Nghị quyết của Đại hội đã kịp thời giúp các Đảng Cộng sản đề ra chủ trương đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh từng nước. Nó đã thống nhất hành động cách mạng của giai cấp công nhân thế giới trong mục tiêu chung.

Năm 1936, phong trào chống phát xít giành được nhiều thắng lợi. Ở Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch buộc phải bắt tay với Đảng Cộng sản. Mặt trận Dân tộc Thống nhất được hình thành, gồm Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quốc dân Đảng Trung Quốc và những lực lượng yêu nước dân chủ hiệp sức chống Nhật.

Ở châu Âu, mặt trận nhân dân Tây Ban Nha giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử đầu năm 1936. Trên cơ sở thắng lợi đó, Chính phủ Mặt trận nhân dân Tây Ban Nha được thành lập.

Tháng 4/1936, Mặt trận nhân dân Pháp giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử đã đứng ra thành lập nội các mới do lãnh tụ Đảng Xã hội Lêông Blum làm Thủ tướng. Đối với thuộc địa, Chính phủ Pháp có 3 quyết định quan trọng: trả tự do cho chính trị phạm; thành lập Ủy ban điều tra tình hình thuộc địa; thi hành một số cải cách xã hội cho nhân dân lao động. Tại các thuộc địa Pháp ở châu Phi, phong trào đấu tranh lên cao. Ở Angiêri, Marốc, Sênêgan, những cuộc mít tinh, biểu tình đòi dân chủ, tự do, đòi thực hiện những cải cách xã hội diễn ra ở nhiều nơi.

1.1.1.2. Tình hình Việt Nam

- Tình hình kinh tế:

Về nông nghiệp : Chính quyền thực dân thực hiện chính sách tạo điều kiện cho tư bản Pháp chiếm đoạt ruộng đất. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế,

phần lớn đất đai canh tác tập trung vào tay tư bản Pháp và một số ít vào tay địa chủ, quan lại Việt Nam. Trong toàn quốc, khoảng 2/3 hộ nông dân không có ruộng hoặc ít ruộng.

Phần lớn đất đai nông nghiệp độc canh trồng lúa. Phần còn lại trồng ngô, khoai, sắn. Các đồn điền trồng cao su phân bố ở Nam kỳ và Nam Trung kỳ. Tính đến năm 1939, diện tích trồng cao su ở Việt Nam là 86.628 ha [20, tr.144]. Ngoài cao su, các chủ tư bản Pháp còn trồng những cây công nhiệp khác như chè, cà phê, đay, gai, bông

Về công nghiệp: Ngành công nghiệp khai thác mỏ được đẩy mạnh hơn cả thời kỳ trước khủng hoảng. Nguyên nhân do nhiều nước nhập nguyên liệu chiến lược chuẩn bị cho chiến tranh. Tổng sản lượng công nghiệp khai thác mỏ năm 1929 trị giá 18,6 triệu đồng, năm 1939 là 29,5 triệu đồng. Sản lượng các ngành công nghiệp dệt, chế cất rượu, sản xuất xi măng tăng. Các ngành điện, nước, cơ khí, lọc đường, làm giấyít phát triển.

Về thương nghiệp: Nhà nước thực dân độc quyền bán thuốc phiện, rượu, muối và thu được lợi nhuận kếch sù. Về ngoại thương, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là khoáng sản và nông sản, nhập cảng máy móc và sản phẩm công nghiệp tiêu dùng.

Tóm lại, những năm 1936-1939 là thời kỳ phục hồi và phát triển nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên sự phát triển chỉ tập trung vào một số ngành, đáp ứng nhu cầu chiến tranh. Nền kinh tế Việt Nam vẫn bị phụ thuộc và lạc hậu.

- Tình hình xã hội: Mặc dù nền kinh tế có chiều hướng phục hồi, nhưng số người không có việc làm rất đông. Năm 1936 có 408.336 người thất nghiệp. Mức lương của công nhân thời kỳ này thấp so với năm đầu của cuộc khủng hoảng. Trong khi đó giá cả sinh hoạt tăng vọt, mức sống của những người làm công ăn lương giảm sút.

Số đông nông dân ít ruộng hoặc không có ruộng. Nhiều nông dân trở thành tá điền. Đời sống của họ cơ cực vì địa tô chiếm gần nửa hoa lợi mùa màng. Những năm 1936-1939, thiên tai ngập lụt, vỡ đê xảy ra liên tiếp. Năm nào cũng có nạn đói, bệnh dịch. Ngoài ra ở các làng xã, nông dân phải chịu những thủ đoạn vơ vét, bóc lột của bọn lý dịch, cường hào, những hủ tục cưới cheo, đình đám

Tư sản dân tộc có ít vốn, không có khả năng lập ra những công ty lớn, lại bị thuế khóa nặng nề và sự chèn ép của tư bản Pháp.

Tầng lớp tiểu tư sản, trí thức bị thất nghiệp nhiều. Công chức Việt Nam lương thấp, không đủ ăn. Địa chủ vừa và nhỏ bị chủ đồn điền Pháp hoặc đại địa chủ người Việt chèn ép, lấn chiếm ruộng đất. Các tầng lớp lao động khác cũng phải chịu giá sinh hoạt đắt đỏ, thuế má tăng.

Nhìn chung, đời sống của đa số nhân dân khó khăn, cực khổ. Chính vì thế, họ đã hăng hái đứng lên đấu tranh đòi tự do, cơm áo dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

- Tình hình chính trị:

Trước tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến chuyển, tháng 7/1936 Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Lê Hồng Phong-Uỷ viên Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản chủ trì đã họp tại Thượng Hải (Trung Quốc). Hội nghị đã dựa trên những luận điểm cơ bản của Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, Quốc tế Cộng sản, căn cứ vào tình hình cụ thể của Việt Nam để đề ra đường lối và phương pháp đấu tranh thích hợp. Nghị quyết Hội nghị đề cập tới một số vấn đề cơ bản sau đây:

- “Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam là chống đế quốc, chống phong kiến không hề thay đổi. Nhưng để phù hợp với tình hình mới Đảng xác định mục tiêu trực tiếp, trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo, hoà bình. Kẻ thù chủ yếu trước mắt của nhân dân Đông Dương là bọn phản động thuộc địa và tay sai của chúng.

- Khẩu hiệu đấu tranh: Tạm thời chưa nêu khẩu hiệu “ Đánh đổ đế quốc Pháp, giành độc lập dân tộc” và khẩu hiệu “tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân nghèo” mà nêu: “ Đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo, hòa bình”.

- Tổ chức: Chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương bao gồm các giai cấp, đảng phái, dân tộc, tổ chức chính trị, xã hội và tôn giáo khác nhau.

- Phương pháp đấu tranh: Kết hợp các hình thức công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp; đấu tranh chính trị và hòa bình” [20, tr.146]

Hội nghị Trung ương tháng 7/1936 là sự vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản vào điều kiện cụ thể ở Đông Dương. Hội nghị đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa mục tiêu chiến lược với mục tiêu cụ thể trước mắt của cách mạng, mối quan hệ giữa mục tiêu đấu tranh với hình thức tổ chức và hình thức đấu tranh, mối quan hệ giữa liên minh công nông với mặt trận tập hợp lực lượng rộng rãi, mối quan hệ giữa phong trào cách mạng Đông Dương với phong trào cách mạng ở Pháp và trên thế giới

Những nội dung cơ bản của Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 7/1935 được bổ sung, phát triển thêm trong các nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng năm 1937 và 1938.

Với chủ trương đó, Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo quần chúng đấu tranh trên các mặt trận trong thời kỳ 1936-1939.

Từ cuối năm 1936, phong trào cách mạng ở Việt Nam bắt đầu đi lên với khí thế mới, tiếp tục phát triển trong năm 1937, đến năm 1938 có thể coi là đỉnh cao cả về chiều rộng và chiều sâu, diễn ra trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng, với nhiều hình thức đấu tranh phong phú, rất hiếm có ở một nước thuộc địa. Bằng sức mạnh đoàn kết của quần chúng, chính quyền thực dân buộc phải nhượng bộ những yêu sách cụ thể, trước mắt của chúng ta.

Nhưng do tình hình chính trị ở Pháp xấu đi, thực dân Pháp ở Đông Dương phản công lại Đảng Cộng sản và quần chúng nhân dân Đông Dương. Sang năm 1939, cách mạng Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam vẫn tiếp tục đẩy mạnh các cuộc đấu tranh cố giữ những quyền lợi đã giành được và chống nguy cơ chiến tranh, chống phát xít Nhật xâm lược.

Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, đối với Đông Dương, thực dân Pháp công khai thực hành chủ nghĩa phát xít, trước hết đánh vào Đảng và các đoàn thể quần chúng do Đảng lãnh đạo. Đảng Cộng sản Đông Dương chuyển vào hoạt động bí mật. Tháng 11/1939 Đảng tổ chức Hội nghị Trung ương để nhận định tình hình, và đề ra nhiệm vụ cho cách mạng Đông Dương trong điều kiện lịch sử mới.

1.1.2. Tình hình báo chí của Đảng Cộng sản Đông Dương trong những năm 1936-1939.

1.1.2.1. Chính sách báo chí của thực dân Pháp ở Đông Dương trong những năm 1936-1939.

Ở Đông Dương, đối với chính sách báo chí, chính quyền thực dân Pháp đưa ra nhiều đạo luật, sắc lệnh, có loại quy định ở nước Pháp, được ban hành và có hiệu lực ở Đông Dương, cũng có loại của toàn quyền Đông Dương ban hành riêng cho Đông Dương.

Đạo luật về tự do báo chí của Quốc hội Pháp thông qua ngày 29/7/1881 được ban hành ở Nam kỳ theo Nghị định của toàn quyền Đông Dương, ngày 12/9/1881.

Đáng lẽ sau ngày 12/9/1881 các báo chí ở Nam kỳ xuất bản bằng tiếng Việt phải được tự do theo luật báo chí này của Quốc hội Pháp. Nhưng thực dân Pháp ở Đông Dương đã tùy tiện không chịu thi hành, bác bỏ hiệu lực pháp lý của nó, buộc mọi tờ báo tiếng Việt đều phải làm đơn xin phép. Chỉ khi nào được Toàn quyền chuẩn y, mới được ra báo. Trong quá trình biên tập phải chịu kiểm duyệt cắt bỏ những đoạn hay những bài xét ra không có lợi cho sự thống trị thực dân. Khi cần thiết, chúng ra lệnh thu hồi giấy phép, đóng cửa tòa soạn.

Trong thư đề ngày 02/02/1889 của Toàn quyền Đông Dương Risô gửi cho Bộ trưởng thuộc địa G.Rốc có đoạn viết:

“ Đạo luật 1881 không thể thực hiện được ở đây, và cái tính cách thuộc địa của nó đã làm cho chúng ta bó tay trong rất nhiều trường hợp: trên lãnh thổ được nhượng bộ bởi vua An Nam này, nên nhớ một điều là chúng ta không sống trên một thuộc địa, nơi mà chúng ta có thể hưởng tất cả những quyền lợi quốc gia và hành chính, chúng ta cũng phải đang sống ở một nước bảo hộ thường mà nơi ấy chúng ta chỉ có một việc làm là bảo vệ kiều dân của chúng ta. Vì lý do đó mà chúng ta hiểu tại sao báo chí hay những ấn phẩm phải theo đúng những điều kiện thích hợp trong một nước bảo hộ và cũng là một cách để chúng ta có thể đề phòng những gì không hay rất có thể xảy ra” [37, tr.40]

Theo đề nghị của Toàn quyền Đông Dương, ngày 25/3/1889 Ủy ban tố tụng của Hải quân và thuộc địa họp đã quyết định Đạo luật về tự do báo chí ngày 29/7/1881 không áp dụng ở các xứ thuộc địa như Bắc kỳ, Trung kỳ (và cả Lào, Campuchia). Bộ thuộc địa ra Sắc lệnh ngày 30/12/1898, ban hành ở Đông

Dương ngày 30/6/1899. Nội dung của Sắc lệnh nhằm đối phó với báo chí xuất bản ở Đông Dương, Sắc lệnh này bãi bỏ việc thực hiện tự do báo chí theo luật ngày 29/7/1881 ở Nam kỳ.

Sắc lệnh này là cơ sở chủ yếu cho thực dân Pháp ở Đông Dương áp dụng đối với báo chí ở Đông Dương, nó đã mở rộng quyền hạn cho Toàn quyền Đông Dương tùy tiện ngăn cấm và cản trở lưu hành những báo chí có những bài công kích Chính phủ thuộc địa phản động. Bên cạnh đó, nhà cầm quyền còn cấp tiền cho các báo có khuynh hướng chính trị xấu để lôi kéo và nuôi dưỡng những tờ báo phản động.

Rất nhiều đơn gửi lên Toàn quyền Đông Dương xin phép ra báo đã bị bác bỏ. May lắm có tờ nào ra được thì cũng qua kiểm duyệt, xem xét kéo dài.

Cho đến khi tờ Dân Chúng được xuất bản công khai ở Sài Gòn mà không xin phép trước, bước qua tất cả các Sắc lệnh, Nghị định phản động về báo chí, mặc nhiên bước đầu nhà cầm quyền phải làm ngơ. Ngày 30/8/1938, Chính phủ Pháp ra Sắc lệnh cho phép xuất bản báo chí, ấn phẩm không cần phải xin phép ở Nam kỳ. Song đến ngày 29/8/1939 đứng trước ngưỡng cửa chiến tranh, Chính phủ Pháp ra Sắc lệnh buộc các báo chí quốc văn, cũng như Pháp văn đều phải chịu sự kiểm duyệt trước khi ấn hành và không hạn định giá trị về thời gian.

1.1.2.2. Báo chí của Đảng Cộng sản Đông Dương những năm 1936-1939

Sau cao trào cách mạng 1930-1931, một loạt báo chí có xu hướng tiến bộ, yêu nước bị đình bản. Trong 4 năm từ 1931-1934 có 161 tờ báo và tạp chí bị đóng cửa, trong đó Nam kỳ 67 tờ, Trung Kỳ 14 tờ, Bắc kỳ 80 tờ. Chỉ còn lưu hành những báo chí của thực dân, bảo hoàng, những tờ báo được nhà nước thực dân trợ cấp. Các tờ báo của tư nhân còn lại phải nín thở hoạt động dưới chiêu bài “rút giấy phép” và hiển nhiên nếu báo nào muốn tồn tại phải nói dựa theo tiếng nói của nhà cầm quyền.

Con số 161 tờ báo bị đình bản trong 4 năm đủ chứng minh chính sách đàn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí của chính quyền thực dân Đông Dương. Đồng thời nó cũng nói lên tinh thần đấu tranh bất khuất của giới báo chí tiến bộ. Ngay trong tình hình đó thì các chiến sĩ yêu nước vẫn tiến hành những cuộc đấu tranh. Kết quả là các nhà báo tiến bộ đã buộc chính quyền thực dân Pháp phải hủy bỏ cơ quan kiểm duyệt báo chí từ 1/1/1935.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 24/05/2022