- Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án ngoài các trường hợp quy định trên đây mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội (người bị khởi tố nhưng được tại ngoại) [60, tr. 54].
Một khái niệm cũng tương đối gần với khái niệm “oan” mà hay được nhắc tới đó là khái niệm “sai”. Theo từ điển tiếng Việt thì “sai” được hiểu là “không phù hợp với cái hoặc điều có thật, mà có khác đi”. Trong TTHS, việc giải quyết vụ án sai là trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng (viết tắt CQTHTT), người tiến hành tố tụng giải quyết vụ án một cách không khách quan, trái với những quy định của pháp luật. Nói cách khác “sai” trong TTHS được hiểu là tính chất của hoạt động hoặc chất lượng giải quyết vụ án hình sự của CQTHTT, người tiến hành tố tụng không đúng với qui định của pháp luật, không đáp ứng được yêu cầu khách quan trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Hiện nay trong hệ thống pháp luật nước ta chưa có một văn bản nào xác định các tiêu chí đánh giá oan, sai trong các giai đoạn TTHS. Theo giải thích trên thì khái niệm “sai” có phạm vi rộng hơn so với khái niệm “oan”, việc làm “oan” người vô tội luôn là hệ quả của “sai”. Không phải trường hợp hành vi
„sai‟ của CQTHTT đều dẫn đến việc làm “oan” người vô tội. Tuy nhiên, việc phân biệt thế nào là “oan”, “sai” trong hoạt động TTHS là một vấn đề phức tạp cả về mặt lý luận cũng như pháp luật thực định [9]. Thực tiễn lập pháp cho thấy, pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng không phân biệt hai khái niệm “oan”, “sai” mà chỉ quy định các trường hợp được bồi thường thiệt hại. Luật TNBTCNN chỉ quy định các đối tượng bị “oan” mới được yêu cầu BTTH; còn các trường hợp bị “sai” không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật. Có tác giả cho rằng, trường hợp công dân bị truy tố, xét xử, kết án theo một tội danh nặng hơn so
với tội danh trên thực tế đã phạm hoặc bị tòa án áp dụng hình phạt nặng hơn so với hình phạt mà hành vi phạm tội của họ phải thực hiện và bản án đã được tòa án cấp trên sửa theo hướng nhẹ hơn về tội danh hoặc hình phạt mà tòa án cấp dưới đã xét xử thuộc nội hàm của khái niệm “oan” trong TTHS là chưa có tính thuyết phục vì không phù hợp với thực tiễn lập pháp của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng; trường hợp này cũng không nằm trong phạm vi được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật TNBTCNN.
Hiện nay, có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm và phạm vi của “oan” như sau:
- Thứ nhất, “oan” là trường hợp người không thực hiện hành vi phạm tội nhưng bị tạm giữ, tạm giam, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nội diên của khái niệm này chỉ ra rằng chỉ những người bị tạm giữ, tạm giam, bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLTTHS nhưng sau đó được xác định rằng họ không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi của họ không cấu thành tội phạm mới được xác định là “oan”.
- Thứ hai, người bị tạm giữ oan là người hoàn toàn không có hành vi vi phạm pháp luật (bao gồm luật hình sự và các ngành luật khác: luật hành chính, lao động, dân sự, kinh tế…). Trường hợp bị tạm giam oan, thi hành án oan là người đã có hành vi có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Có thể bạn quan tâm!
- Bảo đảm quyền con người thông qua cơ chế bồi thường nhà nước cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự - 1
- Bảo đảm quyền con người thông qua cơ chế bồi thường nhà nước cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự - 2
- Sự Phát Triển Của Pháp Luật Việt Nam Về Bảo Đảm Quyền Con Người Thông Qua Cơ Chế Bồi Thường Nhà Nước Cho Người Bị Oan Trong Hoạt Động Tố Tụng
- Giai Đoạn Từ 2003 Đến Trước Khi Có Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015
- Căn Cứ Và Phạm Vi Trách Nhiệm Bồi Thường Của Nhà Nước Trong Hoạt Động Tths
Xem toàn bộ 100 trang tài liệu này.
- Thứ ba, người bị tạm giữ oan là người thực tế không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự; còn các hành vi vi phạm khác như vi phạm pháp luật dân sự, kinh tế… không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật TNBTCNN. Đối với người bị tạm giam, bị thi hành án oan là những người có hoặc không có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, đã được các cơ quan THTT ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không phạm tội do không cấu thành tội phạm hoặc được Tòa án tuyên bố không phạm tội.
Từ những nhận định trên, có thể hiểu: Oan trong TTHS là việc một người trên thực tế không thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, không cấu thành tội phạm nhưng đã bị các CQTHTT áp dụng biện pháp ngăn chặn, bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
1.1.3. Khái niệm cơ chế bồi thường nhà nước cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự
Bồi thường nhà nước là khái niệm xuất hiện từ thời kỳ cận đại, sau khi giai cấp tư sản làm cách mạng dành được chính quyền vào thế kỷ XVIII ở phương Tây. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với tính cách là một loại hình trách nhiệm pháp lý đặc biệt, chỉ xuất hiện trong những điều kiện và có cơ sở pháp luật cụ thể. Nhà nước, với tư cách là chủ thể của quan hệ pháp luật, có những quyền và nghĩa vụ nhất định, đồng thời phải chịu những hậu quả pháp lý phát sinh từ những quan hệ pháp luật đó. Nếu Nhà nước và các cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ có hành vi vi phạm pháp luật, gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường. Theo đó, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được phát sinh từ các hoạt động mang tính công quyền, do cơ quan nhà nước hoặc các cá nhân, tổ chức nhân danh Nhà nước thực hiện [47, tr. 15-17].
Cơ chế bồi thường nhà nước bản chất là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong pháp luật dân sự. Việc xác định mức độ thiệt hại cũng như mức bồi thường đều mang bản chất của quan hệ dân sự, dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện thỏa thuận, định đoạt giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại. Như vậy, mặc dù bản chất của quan hệ giữa Nhà nước và công dân là quan hệ pháp luật công nhưng quan hệ bồi thường thiệt hại của Nhà nước phát sinh từ quan hệ công lại mang bản chất của quan hệ dân sự. Như vậy, cơ sở của chế định bồi thường nhà nước dựa trên các quyền con người, quyền của công dân, được pháp luật ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm thực hiện bởi Nhà
nước. Hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ mà gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thì Nhà nước với tư cách người sử dụng lao động, trước hết phải chịu trách nhiệm bồi thường [47, tr. 32].
Tuy nhiên, khác với bồi thường thiệt hại thông thường là trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây thiệt hại thì cơ chế bồi thường nhà nước cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự là trách nhiệm Nhà nước phải khắc phục hậu quả mà người có thẩm quyền THTT gây ra do xâm phạm quyền tư pháp bằng cách bù đắp, đền bù những tổn thất về vật chất, tinh thần và khôi phục danh dự, uy tín, nhân phẩm của con người, của công dân.
Gây oan là một việc làm nhạy cảm trong hoạt động tư pháp nói chung, hoạt động TTHS nói riêng. Hoạt động của CQTHTT chiếm một vị trí vai trò hết sức quan trọng trong bộ máy nhà nước phản ánh sâu sắc và đầy đủ bản chất của công lý, của quyền tư pháp và thể hiện rò đạo đức xã hội chủ nghĩa. Bản thân CQTHTT trước hết là một loại cơ quan nhà nước thực hiện chức năng nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng do luật định nhằm bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, Nhà nước. Trong đó, người tiến hành tố tụng là người đại diện quyền lực Nhà nước để giải quyết khách quan, đúng pháp luật những vụ việc theo trình tự, thủ tục nhất định. Hoạt động của họ trong khuôn khổ nhiệm vụ được giao chính là hoạt động công vụ nhân danh Nhà nước bảo vệ quyền lợi của cá nhân, tổ chức trong xã hội. Bên cạnh những hoạt động tích cực thì đôi lúc họ cũng gặp phải những sai lầm vì nguyên nhân này hay nguyên nhân khác. Do vậy bản thân họ phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước nhân dân về những sai lầm đó. Nhưng nếu để các cá nhân người thi hành công vụ phải chịu trách nhiệm bồi thường trực tiếp cho những người bị thiệt hại thì đôi khi sẽ ảnh hưởng đến tính tích cực và chủ động của nhân viên Nhà nước khi thi hành công vụ, bởi đây thực chất là trách nhiệm của Nhà
nước. Do đó hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phân định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do oan theo nguyên tắc là sẽ có cơ quan đại diện Nhà nước để giải quyết bồi thường phát sinh từ hoạt động tố tụng: đó có thể là một cơ quan độc lập hoặc là chính CQTHTT đã gây ra oan cho người bị thiệt hại, còn người tiến hành tố tụng đã gây oan có thể phải chịu trách nhiệm hoàn trả cho Nhà nước một phần tiền bồi thường mà Nhà nước đã chi trả. Như vậy, đặc điểm của cơ chế bồi thường nhà nước cho người oan trong hoạt động tố tụng hình sự, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường. Trong mối quan hệ bồi thường thiệt hại cho người bị oan thì Nhà nước chính là chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường do hành vi làm oan người vô tội của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra, trong đó, Nhà nước có thể giao một cơ quan thay mình đứng ra giải quyết bồi thường. Đó có thể là một cơ quan độc lập hay chính là cơ quan tiến hành tố tụng đã ra thiệt hại, tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường vẫn thuộc trách nhiệm của Nhà nước.
Thứ hai, chủ thể được hưởng bồi thường là người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự bị thiệt hại hoặc cả thân nhân của họ hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ví dụ, trường hợp một cá nhân bị đi tù oan, thì ngoài việc bồi thường những thiệt hại vật chất và tinh thần đối với chủ thể đó, Nhà nước còn phải xem xét trách nhiệm bồi thường của mình đối với những thiệt hại mà thân nhân hay người có liên quan tới chủ thể bị tù oan phải gánh chịu phát sinh từ sự kiện đó.
Thứ ba, bồi thường nhà nước cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tuy nhiên BTTH cho người bị oan trong TTHS có đặc thù thể hiện rò ở sự mâu thuẫn về quyền lợi giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại, trong đó bên gây thiệt hại là người THTT, CQTHTT bên bị thiệt hại là người bị oan. Bản thân quá trình
này có đặc điểm là để khắc phục hậu quả xấu do người THTT gây ra đối với tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị oan.
Thứ tư, bồi thường nhà nước cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự là sự bù đắp tổn thất, mất mát về vật chất hoặc tinh thần và khôi phục danh dự, uy tín, nhân phẩm cho người bị oan. Tuy nhiên không phải trường hợp thiệt hại nào cũng có thể xác định chính xác mức độ thiệt hại, nhất là thiệt hại về tinh thần. Trong nhiều trường hợp, sự bù đắp có thể không tương xứng với thiệt hại nhưng vẫn có ý nghĩa, vì nếu không xác định được chính xác thiệt hại mà bỏ qua việc bồi thường thì có nghĩa là trật tự pháp luật bị xâm phạm, quyền lợi hợp pháp của cá nhân không được pháp luật bảo vệ. Với những tổn thất về tinh thần, sự bù đắp của việc BTTH có ý nghĩa an ủi, chia sẻ những mất mát mà người bị thiệt hại hoặc thân nhân của họ phải gánh chịu, góp phần giúp cho người bị thiệt hại ổn định lại cuộc sống sau những gì họ phải chịu đựng. Đó cũng là đạo lý cần được giữ gìn thông qua sự điều chỉnh của pháp luật, và mang ý nghĩa tinh thần của một sự bù đắp có tính vật chất, tài sản.
Qua những phân tích trên có thể thấy trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động TTHS là một loại trách nhiệm nhà nước trong đó Nhà nước phải bồi thường cho người thiệt hại và người tiến hành tố tụng gây thiệt hại có thể phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả cho Nhà nước tùy từng trường hợp. Bản chất của loại trách nhiệm này xuất phát từ tính chất của hoạt động công vụ của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là hoạt động nhân danh quyền lực Nhà nước bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích xã hội. CQTHTT và người tiến hành tố tụng là những thiết chế đại diện cho quyền lực nhà nước khi hoạt động tố tụng gây thiệt hại cho công dân thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm về hoạt động của các cơ quan đại diện cho mình tức là phải có trách nhiệm khắc phục những tổn thất gây ra. Từ những phân tích trên có thể đưa ra khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người có thẩm
quyền tiến hành tố tụng gây ra là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra là trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho người bị oan, nhằm bù đắp, đền bù thiệt hại vật chất, tinh thần và khôi phục danh dự, uy tín cho người đó.
Bồi thường nhà nước cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự do người có thẩm quyền trong CQTHTT gây ra vừa mang tính đặc thù của bồi thường dân sự là mang tính chất đền bù, vừa mang đặc thù của quyền tư pháp là nhằm khẳng định sự nghiêm minh, tính công bằng, dân chủ của pháp luật.
Như vậy, Cơ chế bồi thường nhà nước cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự bao gồm tổng thể các quy định của pháp luật và biện pháp thi hành để thực hiện trách nhiệm của Nhà nước nhằm khắc phục những hậu quả bất lợi về vật chất, tinh thần mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã gây ra do xâm phạm quyền tư pháp bằng cách bù đắp, đền bù những tổn thất về vật chất, tinh thần và khôi phục danh dự, uy tín, nhân phẩm cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.
Tóm lại, từ những khái niệm nêu trên về quyền con người, về người bị oan, về cơ chế bồi thường cho người bị oan, tôi cho rằng bảo đảm quyền con người thông qua cơ chế bồi thường nhà nước cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự thể hiện trong việc xây dựng một hệ thống quy tắc xử sự chung thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động TTHS với người bị oan nhằm bảo vệ những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người, của người bị oan được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
1.2. Những thiệt hại của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự
1.2.1. Quan điểm chung về thiệt hại của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự
Thiệt hại, dưới góc độ ngôn ngữ học, được hiểu là “mất mát, hư hỏng
nặng nề về người và của” [64]. Theo Từ điển giải thích thuật ngữ luật học của Trường Đại học Luật Hà Nội thì thiệt hại là “tổn thất về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ” [50]. Dưới góc độ luật thực định, không có một khái niệm cụ thể về thiệt hại, tuy nhiên, từ cách tiếp cận khái niệm “trách nhiệm bồi thường thiệt hại” trong quan hệ pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, BLDS quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần, trong đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất được xác định là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm nghĩa vụ gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút và trách nhiệm của người đã gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền cho người bị thiệt hại. Trong lĩnh vực pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật TNBTCNN (Điều 2) quy định đối tượng được bồi thường bao gồm “Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần...”.
Như vậy, theo quan điểm phổ biến hiện nay, dưới góc độ thuật ngữ và dưới góc độ khoa học pháp lý thì “thiệt hại có thể hiểu là sự không nguyên vẹn như trạng thái ban đầu của sự vật sau khi chịu sự tác động bên ngoài” [47, tr.31]. Cụ thể, thiệt hại bao gồm: thiệt hại về chật chất và thiệt hại về tinh thần. Thiệt hại về tinh thần bao gồm: tổn thất về danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc suy sụp về tâm lý, tình cảm của cá nhân và thiệt hại về vật chất bao gồm: tài sản bị mất, hủy hoại, bị hư hỏng; chi phí phải bỏ ra để khắc phục, ngăn chặn thiệt hại cùng những hoa lợi, lợi tức không thu được mà đáng ra thu được.