Ảnh hưởng của rủi ro công nghệ thông tin đến chất lượng thông tin kế toán trong các doanh nghiệp tại Việt Nam - 10


thay đổi không chủ ý đối với dữ liệu (Probst và cs, 2010). Khi xem xét các mối đe dọa bên ngoài, thì tin tặc là đối tượng thường được nghĩ đến, nhưng NC trước đây chỉ ra chi phí và ảnh hưởng của các mối đe dọa trong nội bộ có thể còn lớn hơn (Posey và cs, 2011; Wall, 2012).

Với sự thành công của HTTTKT thì chất lượng dữ liệu là rất quan trọng vì nó đảm bảo cho vấn đề cải tiến hiệu quả tại công ty (Emeka-Nwokeji, N. A., 2012). Zhang và cs (2002) cũng lập luận rằng sự chính xác của dữ liệu có mối quan hệ với sự thành bại của vận hành hệ thống ERP. Redman (1992) và Xu (2003) đồng tình với quan điểm sự không đầy đủ và không chính xác của dữ liệu có thể gây hại đến tính cạnh tranh so với đối thủ, chất lượng dữ liệu kém ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu ra HTTTKT.

Laudon và Laudon (2018) tư vấn cho các tổ chức cần phải có kế hoạch khắc phục sự cố dữ liệu nếu nó xảy ra, tăng cường vai trò kiểm toán chất lượng dữ liệu và mã hoá dữ liệu để đem đến cho HTTT sự tin cậy, độ bảo mật, và an toàn. Ngoài ra cần phải chú ý đến các đe doạ đối với dữ liệu của tổ chức đến từ cả bên trong lẫn bên ngoài (Yang và Jiang, 2014; Zhuang, 2014).

Kế thừa quan điểm từ các NC trước của Redman (1992); Zhang và cs (2002); Yang và Jiang (2014); Zhuang (2014) và Laudon và Laudon (2018) và hàm ý lý thuyết ngẫu nhiên (Galbraith, 1973; Wetherbe và Whitehead, 1977; Otley, 1980; Ginzberg, 1980; Chenhall và Morris, 1986; Mahmood và Swanberg, 2001; Daoud và Triki, 2013), giả thuyết tiếp theo được đưa ra:

H3: Rủi ro dữ liệu có ảnh hưởng đến CLHTTTKT.

Mối quan hệ giữa rủi ro ứng dụng tiến bộ CNTT và CLHTTTKT

CNTT tác động đến CLHTTTKT (được đo lường bằng phạm vi, độ tin cậy, tổng hợp, tính linh hoạt, tính kịp thời và tính hữu ích), từ đó tác động đến chất lượng của TTKT (Wisna, 2013).

Tương lai của HTTTKT sẽ tiếp tục gắn bó chặt chẽ với nền tảng công nghệ. Công nghệ điện toán đám mây cung cấp sức mạnh xử lý cho đến nay không phải DN nào cũng có được (Strauss và cs, 2015), sự lan rộng của HTTTKT sẽ tăng lên theo đà phát


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 321 trang tài liệu này.

triển chưa từng thấy của công nghệ. Các DN nhỏ hơn sẽ có thể sử dụng HTTTKT hiệu quả như các DN lớn đã có được trong nhiều thập kỷ qua, dữ liệu có thể được thu thập không chỉ từ nguồn đầu vào của người dùng thông thường, mà còn từ các thiết bị hỗ trợ internet không được liên kết với mạng trước đây, kết nối vạn vật (Internet of things) sẽ cung cấp cho DN dữ liệu từ những nơi khác thường nhất, được sử dụng cho mục đích kế toán (Mazhelis và cs, 2012). Bên cạnh đó, sự ra đời ngày một nhiều các thiết bị di động thông minh cho phép những người ra quyết định truy cập và truy xuất TTKT từ HTTTKT của họ mọi lúc, mọi nơi. Vì thế, tương lai công nghệ của HTTTKT có vẻ đầy triển vọng và tươi sáng (Quinn và Strauss, 2018).

Giống như các chuyên ngành khác, kế toán viên và chuyên gia tài chính phải đối diện với các thách thức mới nổi do công nghệ mới mang lại, không chỉ là báo cáo tuân thủ bên ngoài và bên trong (Belfo và Trigo, 2013). Công nghệ không đầy đủ để phục vụ cho HTTTKT có thể gây ra gánh nặng cho công ty với sự gia tăng của chi phí bảo trì và phục hồi dữ liệu và các vấn đề về độ tin cậy dữ liệu, bảo mật và quyền riêng tư. Do đó, công nghệ không đầy đủ đưa đến có khả năng làm hỏng kết quả của HTTTKT, cụ thể là các báo cáo và thông tin đáp ứng cho việc ra quyết định (Ghasemi và cs, 2011), dẫn đến quyết định không chính xác, không đáng tin cậy.

Ảnh hưởng của rủi ro công nghệ thông tin đến chất lượng thông tin kế toán trong các doanh nghiệp tại Việt Nam - 10

Quinn và Strauss (2018), chỉ ra một số thách thức mới nổi đối với việc áp dụng công nghệ trong HTTTKT liên quan đến phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, và công nghệ di động trong giai đoạn hiện nay. Cơ sở hạ tầng thông minh và mạnh mẽ hơn kết hợp với khả năng truy cập dữ liệu vô song đang tạo ra các mô hình kinh doanh mới gắn liền với sự phức tạp mới; sự phức tạp mà HTTTKT không thể thoát ra khỏi đó.

Cạnh tranh toàn cầu gia tăng và những thay đổi liên tục trong công nghệ xử lý thông tin đặt ra những thách thức mới cho cả kiểm toán viên và nhà quản lý, những đối tượng có trách nhiệm thiết lập, thực hiện, và giám sát các giải pháp KSNB trong tổ chức.

Do tốc độ thay đổi nhanh chóng của CNTT, nhiều tổ chức gặp khó khăn trong việc cập nhật các kỹ năng trong việc vận hành hệ thống mới, đồng thời phải hiểu được


tác động của công nghệ xử lý thông tin mới này. CNTT mang lại những cơ hội nhưng nó cũng mở ra cánh cửa cho các mối đe dọa mới đối với các KSNB HTTTKT (Korvin, 2004). Những rủi ro CNTT có thể đe doạ HTTT của DN bao gồm: không theo dõi hoặc không thích ứng với sự thay đổi của CNTT, sự bất ổn của kiến trúc CNTT, sự không phù hợp của CNTT với nhu cầu kinh doanh, CNTT mới khó sử dụng và sự phức tạp của CNTT cũng được lưu ý trong NC của S.A. Sherer và S. Alter (2004).

Theo Abu-musa (2006), những tiến bộ về công nghệ cũng đã tạo ra những rủi ro đáng lưu ý liên quan đến việc đảm bảo tính bảo mật và tính toàn vẹn của HTTTKT trên máy tính. Trong nhiều trường hợp, công nghệ được phát triển nhanh hơn so với sự tiến bộ trong thực tiễn kiểm soát và không được kết hợp với sự phát triển tương tự về kiến thức, kỹ năng, nhận thức và tuân thủ của nhân viên.

Kế thừa hàm ý lý thuyết ngẫu nhiên (Galbraith, 1973; Wetherbe và Whitehead, 1977; Otley, 1980; Ginzberg, 1980; Chenhall và Morris, 1986; Mahmood và Swanberg, 2001; Daoud và Triki, 2013) và quan điểm NC của Korvin (2004), S.A. Sherer và S. Alter (2004) và Abu-Musa (2006), giả thuyết sau được hình thành:

H4: Rủi ro ứng dụng tiến bộ CNTT có ảnh hưởng đến CLHTTTKT.

Mối quan hệ giữa rủi ro nguồn lực con người và CLHTTTKT

Theo Aziz và cs (2012), nhân tố thành công nhất đối với HTTT được cho là có mối liên hệ với nhân tố cá nhân và điều đó đã tiết lộ rằng đối với bất kỳ tổ chức nào thì con người cũng luôn là tài sản quan trọng. Việc ứng dụng CNTT và vận hành HTTT bị ảnh hưởng bởi trình độ kỹ năng, trình độ học vấn, trình độ đào tạo, chuyên môn và thái độ từng cá nhân đối với CNTT và HTTT trong tổ chức (Mahmood và Swanberg, 2001). Mkonya và cs (2018) trích từ NC Tambovcevs (2010), nhân viên thiếu kỹ năng cũng được cho là nguyên nhân thất bại trong việc vận hành HTTT.

Kinh nghiệm làm việc của người quản lý cũng góp phần là nhân tố thành công quan trọng (Hyvari, 2006). Sự kém hiệu quả của HTTTKT là do thiếu nhân viên có kỹ năng, năng lực và nhân viên không được đào tạo (Shareia, 2006 trong trích dẫn của Mkonya và cs, 2018). Ngoài ra, năng lực của nhân viên kế toán cũng được coi là then chốt đối với sự thành bại của HTTTKT (Daoud và Triki, 2013). Hơn nữa, kiến


thức của nhà quản lý kế toán từ lâu cũng đã được công nhận là có ảnh hưởng đến HTTTKT (Komala, 2012).

Xu và cs (2003) cho rằng con người mới là quan trọng và còn quan trọng hơn cả hệ thống. Những nhân tố liên quan đến con người có tác động lớn hơn nhiều đến CLTTKT và nhân viên CNTT không thể tạo ra được hết các kiểm soát để đưa vào hệ thống mà vẫn cần đến con người để thực thi các quy tắc và các kiểm soát.

Wongsim (2013) lập luận rằng việc thiếu huấn luyện và đào tạo thích hợp có thể đưa đến những vấn đề trầm trọng cho tổ chức do có tác động đến CLTTKT và CLHTTTKT. Shien (2015) trích dẫn Romney và Steinbart (2012), cho biết sự thành công của HTTT thường lệ thuộc vào khả năng vượt qua các trở ngại/ ràng buộc của tổ chức. Iskandar (2015) kết luận cam kết của nhà quản lý và năng lực người dùng đã ảnh hưởng đến CLHTTTKT. Người dùng là những người tạo ra kết quả và phải chịu trách nhiệm về việc làm cho hệ thống hoạt động theo mong đợi. Lý do chính của huấn luyện và đào tạo là để nâng cao chuyên môn và trình độ kiến thức cho những người trong công ty (Zhang và cs, 2002).

Giả thuyết sau được đưa ra từ hàm ý lý thuyết ngẫu nhiên (Galbraith, 1973; Wetherbe và Whitehead, 1977; Otley, 1980; Ginzberg, 1980; Chenhall và Morris, 1986; Mahmood và Swanberg, 2001; Daoud và Triki, 2013) và thừa hưởng quan điểm NC của Xu và cs (2003), Zhang và cs (2002), Wongsim (2013), Iskandar (2015) và Shien (2015):

H5: Rủi ro nguồn lực con người có ảnh hưởng đến CLHTTTKT.

Mối quan hệ giữa rủi ro cam kết quản lý và CLHTTTKT

Nếu việc vận hành một HTTT được nhà quản lý ở nhiều cấp độ hỗ trợ và cam kết, khả năng nhiều là sẽ được cả nhân viên IT và người dùng đánh giá tích cực. Cả hai nhóm đối tượng này sẽ tin rằng việc họ tham gia vào quá trình phát triển hệ thống sẽ nhận được sự quan tâm và ưu tiên cao hơn. Họ sẽ được công nhận và khen thưởng cho thời gian và nỗ lực mà họ dành cho công việc thực hiện. Hậu thuẫn của quản lý cũng đảm bảo rằng HTTT sẽ có đủ nguồn lực và kinh phí để thành công. Ngoài ra, những thay đổi trong thói quen và quy trình làm việc, hoặc sắp xếp tổ chức ảnh hưởng


đến hệ thống mới sẽ được thực hiện hiệu quả khi có sự phụ thuộc vào hỗ trợ của cấp quản lý. Khi các nhà quản lý coi một hệ thống mới là ưu tiên, nó sẽ làm tăng khả năng cấp dưới sẽ hành xử tương tự (Laudon và Laudon, 2018).

Về chức năng, các nhà quản lý cấp cao được xem là người ra quyết định, hoạch định chính sách, phân bổ nguồn lực, giám sát và đánh giá thực hiện HTTTKT, có sự hỗ trợ và cam kết của họ sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến việc thiết kế và thực hiện HTTTKT và thành công của thông tin (Young và Jordan, 2009). Mkonya và cs (2018) cho rằng sự hỗ trợ của quản lý cấp cao là tạo lập chính sách, phân bổ nguồn lực và giám sát thực thi HTTTKT. Darma, J. và cs (2018) trích dẫn NC của Fortune và Peters (2005) có đưa ra nhận định hỗ trợ từ nhà quản lý cấp cao đề cập đến sự sẵn lòng của người quản lý trong việc cung cấp các tài nguyên cần thiết để vận hành HTTT thành công. Mahmood và Swanberg (2001) nhận thấy sự hỗ trợ của quản lý tạo ra cơ hội tốt hơn để tránh cho hệ thống không hiệu quả và thất bại. Zhang và cs (2002) thêm vào, việc thực hiện HTTT có thể bị khuyết tật nghiêm trọng nếu một số nguồn lực quan trọng (con người, tài chính và thiết bị) không có sẵn. Bên cạnh đó, việc thiếu hỗ trợ của quản lý cấp cao, độ chính xác của dữ liệu và sự tham gia của người dùng là nguyên nhân của sự thất bại trong vận hành hệ thống. Trong tuyên bố của Wilson và cs (1994) được trích dẫn bởi Zhang và cs (2002) về vận hành hệ thống ERP, cũng chỉ ra việc thiếu sự hỗ trợ quản lý cấp cao, những thay đổi trong nhân sự, thiếu kỷ luật, chống đối, và thiếu cam kết rộng rãi của công ty là những yếu tố chính làm chậm tiến trình triển khai hệ thống.

Các dự án HTTTKT đòi hỏi phải phân bổ các nguồn lực để thiết kế, đào tạo nhân viên và quy trình công nghệ (Mkonya và cs, 2018). Zhang và cs (2002) thêm vào, hỗ trợ quản lý cấp cao trong vận hành ERP có hai khía cạnh chính: (1) cung cấp khả năng lãnh đạo và (2) cung cấp các nguồn lực cần thiết. Để triển khai hệ thống ERP một cách suôn sẻ và thành công, các DN yêu cầu ban chỉ đạo tham dự họp nhóm và giám sát các nỗ lực thực hiện, dành thời gian cho mọi người và đưa ra định hướng rõ ràng của dự án.


Trong mọi giai đoạn của chu trình phát triển hệ thống, lãnh đạo cấp cao đều giữ vai trò cực kỳ quan trọng, gồm cả việc lên kế hoạch dự kiến và thực hiện (Meiryani, 2014). Mkonya và cs (2018) trích dẫn Mahmood và Swanberg (2001) trong NC của mình, nhận định rằng sự hỗ trợ của các nhà quản lý sẽ cho cơ hội tốt hơn để tránh sự kém hiệu quả và thất bại của hệ thống. Sự hỗ trợ của lãnh đạo cấp cao không chỉ quan trọng đối với việc phân bổ các nguồn lực cần thiết mà còn đưa ra một thông điệp mạnh mẽ tới nhân viên rằng những thay đổi được thực hiện là cần thiết cho vận hành hệ thống (Shien, 2015 trích dẫn theo Muntoro, 1994).

Các quan điểm trên chỉ ra rằng cam kết hỗ trợ từ nhà quản lý trong mọi giai đoạn phát triển HTTTKT là rất cần thiết. Chính sự tham gia của họ vào việc lên kế hoạch, thực hiện, giám sát, và đánh giá HTTTKT, cũng như định hướng rõ ràng cho thực hiện hệ thống sẽ khiến cho nhân viên cấp dưới thấy được mục tiêu hành động rõ ràng, tạo động lực và truyền cảm hứng cho họ thực thi nhiệm vụ nhằm đạt được các mục tiêu của đơn vị và vận hành thành công HTTTKT. Hơn nữa, việc hỗ trợ kịp thời và đúng lúc các nguồn lực cần thiết như nhân sự, tài chính, thời gian và phương tiện từ nhà quản lý cũng làm cho HTTTKT được vận hành trơn tru và không bị gián đoạn. Một HTTTKT được vận hành hiệu quả và thành công sẽ là một HTTTKT có chất lượng, kéo theo sự gia tăng chất lượng của TTKT. Ngược lại, một tổ chức nếu thiếu đi sự cam kết hỗ trợ từ nhà quản lý sẽ có nguy cơ gây ra sự thất bại, thậm chí là thảm hại đối với việc vận hành HTTTKT tại tổ chức đó.

Từ quan điểm NC của Zhang và cs (2002), Meiryani (2014), Shien (2015) và Mkonya và cs (2018) và vận dụng hàm ý lý thuyết ngẫu nhiên (Galbraith, 1973; Wetherbe và Whitehead, 1977; Otley, 1980; Ginzberg, 1980; Chenhall và Morris, 1986; Mahmood và Swanberg, 2001; Daoud và Triki, 2013), giả thuyết sau được hình thành:

H6: Rủi ro cam kết quản lý có ảnh hưởng đến CLHTTTKT.

Mối quan hệ giữa rủi ro văn hoá tổ chức và CLHTTTKT

Văn hóa DN ảnh hưởng đến cách một tổ chức đặt ra chiến lược và mục tiêu; cơ cấu kinh doanh; nhận biết, đánh giá và ứng phó với rủi ro; và do đó là nền tảng cho


tất cả các thành phần còn lại của quản lý rủi ro DN (ERM). Có ba yếu tố ảnh hưởng đến việc thiết kế HTTTKT: phát triển CNTT, chiến lược kinh doanh và văn hóa tổ chức. Môi trường nội bộ yếu kém hoặc không tồn tại thường dẫn đến việc quản lý và kiểm soát rủi ro thất bại (Romney và Steinbart, 2018). Theo Omar và cs (2016) trong trích dẫn Kieso và cs (2007) cho thấy việc áp dụng HTTTKT phụ thuộc nhiều vào văn hóa DN để hệ thống kế toán hoạt động tốt. Stair và Reynold (2010) cũng cho rằng hiệu quả của việc phát triển các HTTT mới bị ảnh hưởng bởi văn hóa tổ chức.

Wongsim (2013) đã chỉ ra rằng việc thiếu tinh thần đồng đội và giao tiếp giữa các bộ phận tiềm ẩn những rủi ro trong việc triển khai HTTTKT. Zhang và cs (2002), trong NC của họ về hoạt động thành công của hệ thống ERP tại thị trường Trung Quốc, đã phát biểu rằng sự khác biệt về văn hóa giữa các nước phương Đông và phương Tây là những nhân tố ảnh hưởng đến sự thành công của hệ thống. Nói cho rõ hơn, Zhang và cs viện dẫn NC của Krumbholz và Maiden (2001) khẳng định rằng sự xung đột giữa văn hóa được đưa vào trong ERP và văn hóa tổ chức hiện hữu là nguyên nhân ảnh hưởng đến thực thi thành công hệ thống ERP.

Người quản lý sẽ luôn muốn duy trì văn hóa cũ trong việc áp dụng các HTTT mới (trích dẫn theo Susanto, 2013 bởi Omar và cs, 2016). Các kết quả NC thực hiện trên các DN niêm yết ở Iran được thực hiện bởi Salehi và Abdipour (2011) cho thấy văn hóa tổ chức trở thành rào cản cho việc thiết lập HTTTKT.

Napitupulu (2015) trích dẫn từ McShane và Glinow (2010), xác nhận văn hóa tổ chức có ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc xây dựng và vận hành HTTT trong DN. Văn hoá tổ chức được thể hiện qua các đặc tính: chú ý đến chi tiết, đổi mới, định hướng nhóm, định hướng kết quả, định hướng con người, sự ổn định và sự nhiệt huyết.

Romney và Steinbart (2018), nhấn mạnh các tiêu chuẩn nguồn nhân lực cần thu hút, tạo động lực phát triển và giữ người có năng lực. Văn hoá tổ chức cần chú trọng tính chính trực và cam kết với các giá trị đạo đức và năng lực. Ban quản lý càng thể hiện trách nhiệm thì nhân viên càng có nhiều khả năng hành xử có trách nhiệm. Nếu ban quản lý ít quan tâm đến KSNB và quản lý rủi ro, thì nhân viên sẽ ít siêng năng hơn trong việc đạt được các mục tiêu kiểm soát.


Vận dụng hàm ý từ lý thuyết cấu trúc (Giddens 1979, 1984; Walsham 1993, 2002; Bratteteig và Gregory, 1999; Wanyama, I., và Zheng, Q., 2010) và kế thừa quan điểm NC tương tự (Zhang và cs, 2002; Wongsim, 2013; Napitupulu, 2015 và Romney và Steinbart, 2018), tác giả xây dựng giả thuyết:

H7: Rủi ro văn hoá tổ chức có ảnh hưởng đến CLHTTTKT.

Mối quan hệ giữa CLHTTTKT và CLTTKT

Romney và Steinbart (2018) cho rằng HTTTKT có khả năng sao chụp, ghi chép, lưu trữ và xử lý dữ liệu để tạo ra thông tin cho các quyết định kinh doanh. Meiryani (2014), trích dẫn O'Brien (2003), phát biểu rằng HTTT hỗ trợ các nhà quản lý thực hiện các chức năng quản lý bằng cách cung cấp thông tin họ cần. Hall (2011) tuyên bố rằng mục đích của HTTTKT là (1) cung cấp thông tin về các nguồn lực được tổ chức sử dụng, (2) cung cấp thông tin liên quan đến việc ra quyết định của cấp quản lý và (3) giúp nhân viên thực thi nhiệm vụ của họ một cách hữu hiệu và hiệu quả.

Một NC của Sajady và cs (2008), đánh giá tính hiệu quả của HTTTKT, cho thấy kết quả hoạt động của HTTTKT dẫn đến cải thiện chất lượng của BCTC và xử lý giao dịch nhanh hơn. Một kết luận khác của Sačer và cs (2006) mô tả mối quan hệ giữa HTTTKT và báo cáo dựa trên các đặc tính chất lượng của TTKT (độ chính xác, độ tin cậy, khả năng truy cập kịp thời, cập nhật, tính sẵn sàng, đáp ứng kỳ vọng của người dùng, …). Cuối cùng, theo Schipper và Vicent (2003), HTTTKT được công nhận là hệ thống báo cáo quan trọng cung cấp cho các bên liên quan TTKT chất lượng để đưa ra các quyết định hữu ích.

Những bằng chứng chỉ ra ở trên đưa đến giả thuyết cuối cùng:

H8: CLHTTTKT có ảnh hưởng lên CLTTKT.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/03/2023