Văn Du Ký Với Cái Nhìn Lý Tưởng Hóa Cuộc Sống Thôn Dã Và Chất Hoài Cổ

đầu của chủ nghĩa lãng mạn. Tính tích cực của nó dễ thấy: khuyến khích sự khám phá thế giới, tìm hiểu các nền văn hóa lạ, những vùng đất mới, chấp nhận mạo hiểm. Tinh thần phiêu lưu đầy chất lãng mạn này có thể bắt gặp trong văn du ký một số tác giả Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Nghiên cứu tinh thần lãng mạn trong văn du ký giai đoạn này có thể mở rộng, bổ sung, làm hoàn chỉnh hơn quan niệm về lãng mạn trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Đề tài du lịch hồ Ba Bể được nhiều người viết trong văn du ký. Đây là một thắng cảnh nổi tiếng đã đành, Ba Bể còn là một sự mời gọi, một thách thức đối với khách du vì đương thời, đường đi tới đó rất hiểm trở. Hoàng Văn Trung kể lại chuyến đi Ba Bể của mình qua sông qua phà nguy hiểm như thế nào do phương tiện cầu phà rất lạc hậu. “Nguyên con đường đi Ba Bể, cách tỉnh lỵ hơn nghìn thước tây, có con sông Cầu chảy qua, trên bắc cái cầu bằng phên nứa. Tuy gọi bằng phên nứa, nhưng cầu cũng to và chắc chắn lắm, vậy mà cứ đến mùa mưa nước lên to chảy rất mạnh, thì cầu dù chắc cũng phải đổ” [228]. Vì thế mà mùa mưa ông đi qua khúc sông, xe oto của các ông phải dùng phà. Nhưng giữa mùa nước lên to, phà lại cũ kỹ, “phà đã rò, lại chở nặng, nước rỉ vào, tròng trành như chiếc lá giữa dòng, người với xe những muốn lăn tòm xuống sông mà phó theo dòng nước. Cố đẩy mãi mới sang đến bờ bên kia, thì phà đã đầy nước, liền chìm xuống đáy sông. May được chỗ nông và nhờ có hai ba mươi nhân lực xúm lại, kéo được chiếc xe lên” [228]. Cảm xúc của ông sau cơn hiểm nguy là: “Lúc bấy giờ trong lòng khoan khoái vô cùng, cho hay phàm việc gì cũng vậy, càng trải qua nguy hiểm khó khăn càng thấy nhiều lạc thú”. Đây là cảm xúc điển hình của con người mang tinh thần của chủ nghĩa lãng mạn đi tìm trong giông tố sự bình yên. Tác giả còn trải nghiệm một số cảm xúc mạnh khác trong chuyến đi. Xe oto chạy trên đường núi: “Bên thì núi cao vòi vọi, cây mọc rườm ra, bên thì khe sâu thăm thẳm, suối chảy róc rách. Ôi! Tính mệnh chiếc xe chạy trên lưng chừng, khá nên nguy hiểm thay! Tưởng người cầm lái chỉ tay vô ý một tí là xe lăn xuống vực” [228].

Cảm giác nguy hiểm thêm ý vị cho cuộc phiêu lưu. Nhật Nham trong bài du ký thăm hồ Ba Bể in trên Tri tân hai chục năm sau vẫn trải qua cảm xúc tương tự khi ngồi trên tàu hỏa: “Ra khỏi phố Đầm Hồng, xe hỏa bắt đầu chạy mau qua các

dẫy núi cao. Khi thì hai bên đầu núi đường hỏa xa đi giữa; khi thì một bên là núi, một bên là thung lũng, có vực sâu thăm thẳm; có khi một bên là thác ở trên cao đổ xuống ầm ầm (... ). Cạnh đường tầu, có một con suối chảy rất mạnh: nước từ cao đổ xuống qua các tảng đá lớn, tỏa ra nghìn tấm bạc trông thật đẹp! Tiếng nước chảy ầm ầm, như có thiên binh vạn mã, nghe mà rùng rợn! Nếu vô ý mà sa chân xuống đấy, thực chết không kịp ngáp, có thánh phục sinh cũng vô kế khả thi! Chỉ nháy mắt là thành một cái xác vô hồn, thịt nát xương tan, bị luồng nước dập vùi, nện xuống các tảng đá như búa, đe thiên tạo rồi cuồn cuộn bi cuốn đi một nơi vô cùng vô tận” [126, số 62].

Không những bản thân trải qua những nguy hiểm trong cuộc du lịch như một chuyến phiêu lưu, tác giả còn chứng kiến cảnh những cô gái dân tộc bơi những chiếc thuyền độc mộc trên mặt nước mênh mông: “Ôi! Chiếc thuyền rất nhỏ bé, vừa bằng một ôm, thế mà khách liễu yếu đào tơ, vẫn nói cười dịu dàng, mặt mày hớn hở, không chút quan tâm, khiến cho ký giả cũng phải khen thầm cái lòng can đảm ấy” [126]. Tìm kiếm cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm là một phần của cảm hứng du lịch đã được các tác giả du ký ghi nhận.

Mộng Tuyết lý giải vì sao những người đi du lịch Phú Quốc lại chọn việc đi bằng thuyền buồm: “Thuyền chúng tôi đi đây là thuyền trài buôn, chở nước mắm đi Rạch Giá ghé qua Hà Tiên, tiện đường chúng tôi đi theo để nếm qua cho biết cái thú đi biển bằng thuyền buồm. Cái tính hiếu kỳ và “mạo hiểm” ấy đã nuôi sẵn trong lòng mỗi khi đọc truyện Télémaque phiêu lưu, chuyện Quả dưa đỏ hay những bài du ký của Alain Gerbault. Đối với người đi biển thì Phú Quốc, Hà Tiên mà đi như thế là rất thường, và rất bình yên, nhưng đây chúng tôi, dùng chữ “mạo hiểm” là nói với một kẻ con gái học trò mới từng bước xuống thuyền đi biển lần đầu, thì trong lòng bấy giờ cũng được cái tự phụ như chàng Alain Gerbault mới bước chân xuống chiếc Yacht qua biển Đại Tây Dương” [237]. Một cô gái Việt Nam 17 tuổi vốn bị xã hội ấn định cho vai trò nữ nhi khuê các thì chuyến ra đảo đầu tiên hẳn là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Lãng mạn không đơn giản là thoát ly cuộc sống như có thời một số nhà nghiên cứu suy diễn mà có ý nghĩa tích cực, rèn luyện nhân cách, bản lĩnh, khát vọng của con người cá nhân.

Mộng Tuyết còn kể đi du lịch đảo Phú Quốc đã đem lại cho mình những ấn tượng và cảm xúc mạnh mẽ thế nào: “Con tầu từ từ rẽ sóng..tiến lên. Tiếng sóng vỗ vào be tầu nghe như một khúc nhạc hùng hồn mãnh liệt. Chúng tôi cảm thấy lòng sung sướng mạnh mẽ…Hôm nay trời râm mát, mấy đám mây đen lơ lửng bóng tối, tưởng tượng như con chim đại bàng to lớn xòe đôi cánh bay lướt qua biển Nam Minh” (cảnh mây nước hùng vĩ khiến Mộng Tuyết liên tưởng đến chim bằng bay qua biển Nam Minh của Trang Tử). Đó là cảm xúc mạnh của một cô gái mới lớn trước trời bể bao la, vĩ đại. Hoặc: “Nhớ lại những chuyện nguy hiểm khó khăn của người đi biển bằng thuyền buồm mà chúng tôi lấy làm sung sướng quá. Trong sáu tiếng đồng hồ đi một cách bình yên mà đã được trải qua cái cảnh bềnh bồng trên mặt biển, được thở hút cái không khí thanh tân man mác chốn biển khơi, và được trông thấy bao cảnh vật thanh kỳ ở chốn trời nước gió mây thần tiên xa lạ, đối với cái đời im lặng kín đáo của người con gái ở chốn buồng khuê, thật là một dịp may đặc biệt” [237].

Cảm giác ngồi xe oto đi từ Ninh Hòa lên Ban Mê Thuột dài 163 km cũng là một cảm giác mạo hiểm. “Tới đây đã bắt đầu vào sơn phận, bắt đầu leo dốc. Xe chạy đến cây số 44, phải qua cái đèo của núi Yok kao, cao hơn 900 thước. Đường ngoạch hơn chữ “chi”, hết mé núi này đến mé núi kia, hai bên toàn rừng rậm, non cao, tuyệt nhiên không thấy bóng người! Cứ ở núi nọ ngoạch sang núi kia, xe lại phải qua một cái cầu bắc toàn bằng thân cây gỗ ghép lại. Khi sắp tới cầu, xe phải lao mình xuống dốc. Ngồi trong xe, tưởng như sắp bị đập mình vào quả núi chắn ngang; lại tưởng như mình sắp sa xuống hố. Mỗi lúc qua cầu là một phen “mất vía”. Qua cầu rồi, xe lại bò lên dốc một cách uể oải khó khăn, vì cái nghẹo chữ “chi” liền ngay đầu cầu lên dốc. Nếu tay lái non, thì có lẽ cả ngày chỉ đâm xuống suối!” [8, s.53]. Những cảm giác của xe oto chạy trên đường núi mang lại một ý vị lãng mạn, một cảm giác mạnh mà du ký trung đại không có. Đúng như Huỳnh Thị Bảo Hòa từng viết trên Nam phong số 163 năm 1941: “Muốn tắm mát lên ngọn sông đào, nếu không có gan mạo hiểm thì sao khám phá được hết cảnh trí thiên nhiên của thợ Tạo” [32, 51]. Đi để tìm cảm giác mạnh, để có cảm giác thay đổi, đi để đôi diện với mọi thách thức, để khẳng định mục đích. Xu hướng này đã được Nguyễn Tuân đẩy lên thành triết lý xê dịch với biểu tượng là chiếc valy.

Để đóng lại tiểu mục này, xin dẫn một đoạn phân tích của Carl Thompson về ý nghĩa của những thử thách, gian truân trên đường du lịch khám phá thế giới: “Những nguy hiểm, khó khăn mà cuộc du hành có thể đặt ra trên đường đi của họ không những không làm nản chí các lữ khách mà kỳ lạ hơn và không kém nghịch lý hơn, trên thực tế chúng là một phần của hứng thú vị và mục đích của chuyến đi” [261, 2]. Người du lịch Anh thế kỷ XVIII lãng mạn hóa những nguy hiểm, gian khó, đau khổ trong du hành. Nhân vật Harold-một nhân vật tưởng tượng của Byron, khi vượt eo biển Anh, đã hát: “Và giờ đây tôi đang một mình trên đời/ Trên biển khơi bao la, bao la”. Nhân vật của Byron không muốn làm một nhà du lịch đơn thuần mà ông hình dung mình trong sự cộng hưởng rất mạnh của sự tưởng tượng theo tinh thần chủ nghĩa lãng mạn: một khách du hành không may mắn, với những thử thách khủng khiếp trên biển cả, được khắc họa một cách tự hào [261, 60]. Kiểu nhân vật đó làm say mê nhiều nhà văn đương thời: “Và cũng như Byron, các nhà văn này - nhất là những người mà ngày nay ta gọi là nhà văn lãng mạn-không quan tâm việc thuật lại một cách đơn giản các điều bất hạnh này mà họ cảm nhận niềm tự hào sâu sắc khi nhận diện mình cùng với những nỗi bất hạnh đó. Một số còn vận các nhân vật đó vào chính mình và trong các trang viết hình dung mình trải qua các bất hạnh của kẻ đi biển như đắm tàu” [261, 60].

Nhìn từ góc độ của chủ nghĩa lãng mạn trong văn học du lịch Anh từ thế kỷ XVIII, chúng ta có thể nói văn du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX cũng có màu sắc lãng mạn. Chủ nghĩa lãng mạn trong nghĩa này rò ràng là một điểm tích cực, nó làm giàu cho chủ nghĩa lãng mạn nói chung trong văn học, nó cấp cho ta tư liệu để khắc phục cách nhìn chính trị hóa văn học, xem văn học lãng mạn là thoát ly, tiêu cực. Mặt khác, về thể loại, chính văn du ký đảm nhiệm tốt hơn việc chuyển tải nội dung phiêu lưu, mạo hiểm tốt hơn thơ văn lãng mạn. Trong nhân vật Dũng (Đoạn tuyệt) hay người khách chinh phu (Giây phút chạnh lòng), người ly khách (Tống biệt hành) cũng phảng phất tinh thần lãng mạn phiêu lưu của con người cá nhân, song văn học lãng mạn không có thực nhiều cảm hứng phiêu lưu mạo hiểm như văn du ký.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 184 trang tài liệu này.

3.2.2. Văn du ký với cái nhìn lý tưởng hóa cuộc sống thôn dã và chất hoài cổ

Quay lưng với cuộc sống hiện tại xô bồ, quay về với quá khứ được lý tưởng hóa, với cuộc sống bình dị nơi sơn cùng thủy tận, xa biệt phố thị ồn ào, đó cũng là một nét lãng mạn của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Nguyễn Tuân tìm về một thời vang bóng, Xuân Diệu bảo Chúng ta nay trong cuộc thế ao tù/ Đốt điếu thuốc chiêu hồn sương quá khứ (Mơ xưa). Chất lãng mạn mang đậm cảm hứng phê phán thực tại xã hội. Văn du ký có một đóng góp riêng của thể loại này cho cảm hứng lãng mạn như vậy. Cảm hứng lãng mạn quay về quá khứ, lý tưởng hóa cuộc sống thôn dã cũng còn là một nét riêng của văn học lãng mạn Việt Nam trong bối cảnh đất nước bị thực dân ngoại bang thống trị.

Văn du ký nửa đầu thế kỷ XX và tiến trình hiện đại hóa văn học - 13

Trong thiên du ký Bốn năm trên đảo Các Bà, hứng vị của chuyến du lịch bốn năm bộc lộ khi con thuyền đưa tác giả tiến ra đảo: “ Chầm chậm tiến lên, thuyền dần dần xa bến. Gió bể gieo vào thuyền một thứ không khí khác thường, nhưng rất trong sạch. Không khí này quen với tôi lắm. Chỉ một chút gió phớt qua, một chút lạnh lùng đưa lại, lòng tôi đã gây gấy lên một cơn sốt nhẹ nhàng, nhưng sôi nổi để tha thiết những cái gì cao cả mênh mông của vũ trụ, nhưng cái gì chân thật, vĩnh viễn, không giả dối, không khinh bạc của loài người. Phải chăng là gió với mây, trăng với nước, là bạn chí thân của những tâm hồn ẩn dật?” [37, s. 149].

Đứng từ thuyền ngoài biển nhìn vào, du khách thấy: “Bến Cát Hải đã lần lượt hiện ra trước mắt chúng tôi: một màu cây xanh và mát. Đây là nơi làm nước mắm, thứ nước mắm mà phường Vạn Vân vẫn chở thuyền đi bán khắp nơi. Một doi bể phong phú phồn thịnh, đã phơi ra trước du khách, những nếp nhà ngói kiên cố, những con đường sạch và trắng, chen chúc giữa đám cau và chuối xanh xanh nhưng vụng về như một cô con gái nhà giầu xứ quê, e lệ ra mắt khách lạ. Nghề làm cá ở Cát Hải đã cho một số đông dân ở đây được no đủ, sống đời thái bình và ít phải cạnh tranh. Nếu không cần đem nước mắm đi bán khắp nơi để làm giàu thêm cho các nhà chế tạo nước mắm, Cát Hải có thể sống riêng một còi an cư lạc nghiệp, như đời xưa không cần đến ai” [37, s.149]. Cái nhìn thông báo về mục đích ra đảo của khách du lãng mạn, người muốn đi tìm một không gian riêng tách biệt với còi đời trần tục, không gian đô thị ồn ào trong đất liền kia.

Quả thực, Vân Đài nhìn cuộc sống của cư dân trên hòn đảo này qua lăng kính lãng mạn. Trong thiên du ký đăng trên Tri tân số 156, tác giả có phần lý tưởng hóa những thôn làng cô tịch trên đảo Các Bà - làng Tân Châu và Xuân Đám: “Làng Tân châu và Xuân đám là một còi riêng, gần như một thế giới khác. Người ở đây sống biệt lập, và vẫn giữ được căn bản người Việt Nam. Đến đấy, ta có cảm tưởng như sống trong một thế hệ cũ vì người và cảnh vẫn có một vẻ mộc mạc thời xưa. Mười năm về trước, trong lúc các nơi đã bỏ nghề nuôi tằm dệt lụa, ở đây cũng vẫn có những bãi dâu, những khung cửi, những cô gái mặc váy đũi, yếm cổ xẻ và những ông già bạc đầu chống gậy trúc, mặc áo lụa mộc, chiều chiều đi ngắm cảnh dưới tà dương… “Khỏe mạnh” và “mộc mạc”, hai tiếng ấy có thể nói về tất cả đờn ông, đờn bà ở hai làng này. Họ có một thân thể rất đều đặn và màu da rất hồng hào. Họ không hề biết qua sự bão lụt, sự đói kém ở các nơi. Họ không bao giờ trông thấy người gầy còm vì đói, vì rét. Họ không giầu nhưng đầy đủ…Hỏi đến Hà Nội, Hải Phòng, họ tưởng là một thế giới nào ở đâu xa lạ. Thậm chí tỉnh Quảng Yên là một tỉnh mà hai làng ấy thuộc dưới quyền quản trị, cũng còn có người cả đời chưa đi tới. Mà họ cần đi tới để làm gì?... Cả hai làng có ai đi học, may ra được có người biết ít chữ quốc ngữ, biết cũng không làm gì! Nơi cả năm không một tờ báo lạc tới và cả đời không ai gửi một lá thư thăm ai!” [37, s. 156]. Khác với nhiều thiên phóng sự của các nhà văn hiện thực phê phán thường phanh phui cái cảnh bùn lầy nước đọng, những hủ tục bên trong lũy tre làng, nêu yêu cầu “cải lương hương chính”, các thiên du ký thường ca ngợi vẻ đẹp nguyên chất, trong trắng, thuần phác của con người nơi thôn dã.

Bài du ký của Nhật Nham Sau tám năm trở lại thăm Laokay in trên Tri tân năm 1942 cũng lý tưởng hóa cuộc sống nơi biên viễn. Những suy tư lãng mạn về ý nghĩa của cuộc sống khi quan sát về cuộc sống người miền núi: “Dân vùng này cũng đã được hưởng văn minh của Tàu nhiều lắm. Có văn hóa, có vò công, có lễ nghi, có trật tự, biết sinh nhai một cách êm đềm, biết chế tạo những khí mãnh và các thức ăn mặc, thích thú đoàn viên, không ham danh lợi, ngày tháng chỉ bạn cùng non nước. Thực là một dân tộc tự ta cho là trong cảnh Đào nguyên vậy” [125, s. 47].

Vẫn Nhật Nham, người ham đi du lịch các vùng núi phía Bắc, ghi lại cảm xúc khi dự bữa cơm tại đất Bắc Cạn: “Khi ăn tôi thấy nhiều món là gia sản của chủ nhà, chẳng hạn thịt gà thịt vịt luộc và rán, chấm với muối mỡ, canh măng nứa chua và món lòng xào mộc nhĩ. Tôi nhân tự nghĩ: nhân sinh mấy vật cần dùng, dân miền sơn cước không hề thiếu thốn. Cứ hiện trạng dân miền xuôi giờ gáo nước thanh củi chưa phải đã dồi dào! Thế mà người thổ trước, củi rừng, nước suối thừa thãi đã đành, lại thóc chất đầy gác, gà lợn đầy gầm, vải dệt, áo may, măng rừng, củ núi, họa chăng có thiếu chỉ thiếu dầu, muối, sắt, đồng phải mua của người. Mỗi khi mưa rét, công việc đồng, việc rừng nhàn nhã, đốt bếp giữa nhà, thổi nấu, vợ chồng con cái quây quần, vừa sửa vừa dạy con cháu may vá, thêu thùa, vừa khuyên con gái lấy đạo làm người, hưởng cảnh no ấm, êm đềm. Cái lạc thú gia đình của họ có phần cực điểm” [126, s. 69].

Ông bình luận thêm: “Cuộc đời đương buổi cạnh tranh, hơn được kém thua, lệ thường thiên diễn, mà riêng người thổ trước được yên hưởng một cuộc đời êm đềm, đầy đủ và vô tư lự, thực cũng là hạnh phúc của hóa công dành cho người sơn cước! Dù có phải hy sinh về phần vật chất, nhưng so với dân trung châu ta, họ vẫn còn nhiều phần vui sướng về tinh thần. Đối với người thổ trước, nhân thế phải chăng là nơi khổ hải?” [126, s. 69].

Tất nhiên, nhà văn đã không lưu ý độc giả rằng cuộc sống có vẻ sung túc đó là cuộc sống ở nhà viên lý trưởng xã Nhu Viễn- người thuộc tầng lớp trên- chứ không phải là tại nhà một người nông dân cùng khổ. Điều mà tác giả muốn nhắm tới là lý tưởng hóa cuộc sống nơi sơn dã so với cuộc sống thị thành chứ vị tất là sự thực phổ biến.

Đối lập với cuộc đời bình lặng, tự cấp tự túc của vùng sơn dã, hải đảo được ca ngợi là cảnh nhố nhăng giữa chốn phồn hoa đô hội, nơi nhà văn du ký chỉ nhìn thấy phong hóa đạo đức suy đồi một cách đáng buồn. Đêm tháng sáu chơi hồ Hoàn Gươm của Hội Nhân là một tiếng thở dài chán ngán về cảnh đạo đức suy đồi xuống cấp của thành phố Âu hóa. “Ôi! Đến chỗ kia là chỗ chi chi, mà đôi trai gái cặp cùng nhau trơ trẽn ra vào, cười tiền, hôn bạc, yêu dối, tình vờ; làm cho tinh thần trác táng, thân thể hao mòn, gây nên bệnh hoạn, gia đình bởi đó mà hỏng, phong hóa bởi đó

mà suy, quốc gia bởi đó mà không còn nguyên khí! Thương thay! Cho cái lòng dục của con người ta vốn sẵn có từ trời cũng như con vật, thế mà không lấy cái đạo đức để hạn chế nó lại, thời người ta với thú có khác gì? -Đây là sở Phó Toàn quyền, đây là nhà thư viện mấy năm nay sách xếp đó mục ra mà người mình thưa thớt kẻ vào xem, đôi khi đến trông rêu bám nhện chằng, thương cho người mình lười biếng hư thân! -Trên một tí là Đền vua Lê Thái Tổ, tượng đồng cột đá cũng uy nghi. Tiếc thay! Một chốn linh thiêng đáng sùng bái mà ít người đi lại bằng các nơi các cậu, các cô cùng bà mẹ, ông lớn, thoải phủ, lục cung”… [31, 266-267].

Không chỉ tìm về không gian cô tịch, xa xôi trên rừng núi, hải đảo, các cuộc du lịch được gọi là hành hương, đưa khách du thoát khỏi thời gian hiện tại mà trở về với thời gian quá khứ cũng có một ý vị lãng mạn riêng. Mảng đề tài này về phương diện nào đó có thể được xem là nối tiếp dòng văn học yêu nước của nhà nho cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX trong điều kiện xã hội hiện đại, kết hợp với cảm hứng lãng mạn đi tìm những không gian và thời gian thoát tục, sự chán ghét cuộc sống phố phường hiện đại. Mảng đề tài này khá phổ biến trong văn du ký nửa đầu thế kỷ XX có lẽ vì nó đã có một dòng chảy tiếp tục từ văn học trung đại, nhưng có những điểm mới mẻ, hiện đại.

Nhà nho Tùng Vân (Nguyễn Đôn Phục) đi chơi Sài Sơn với tâm thế của nhà nho truyền thống, trước hết tìm thấy ý nghĩa phong thủy của địa điểm đến thăm viếng. Sài Sơn là một ngọn núi đứng cao nhất trong quần thể 18 ngọn núi đá, bên cạnh dòng sông Hát. Địa linh nhân kiệt, vùng này sản sinh nhiều người tài, gắn với nhiều công trạng, thi ca, lịch sử [245]. Nhưng mặt khác, ông cảm nhận được thời gian xưa cũ như đọng lại nơi đây qua việc phục sức của phụ nữ vùng Sơn Tây: “Xem ra thì nhân vật miền Sơn Tây phần nhiều còn là nhân vật chất phác, theo lối cổ phong”. Vì sao? Tùng Vân cho hay, phần nhiều các cô gái Sơn Tây hồi này vẫn mặc áo vá đi xem hội. Hỏi chuyện một bà cụ thì được biết, đó là phong cách cần kiệm từ ngàn xưa; vả lại, con gái phải giỏi khâu vá, người ta có thể nhìn vào đường kim mũi chỉ mà đánh giá con người. “Nghe nói mà lấy làm kính thay” [33, 130]. Một thế giới cách biệt với thành phố Hà Nội hào nhoáng. Đó là một phát hiện cũng mang màu sắc lãng mạn vì nhà văn du ký dẫn người đọc vào thế giới của thời gian “muôn năm cũ”, nói như Hoài Thanh, ở đây thời gian như ngừng trôi.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/07/2022