Vấn đề bảo hộ quyền tác giả theo pháp luật Hoa Kỳ - 9

khuôn cối, đầu máy, băng, phim âm bản, hoặc các đồ vật khác mà nhờ chúng các bản sao hoặc bản ghi có thể được tái bản. Như một phần của quyết định hoặc bản án trung thẩm, Tòa án có thể ra lệnh phá hủy hoặc xử lý thích hợp khác tất cả các bản sao hoặc bản ghi bị phát hiện là đã được làm hoặc đã được sử dụng xâm phạm quyền tác giả của chủ sở hữu các quyền độc quyền, và tất cả các khuôn in, khuôn đúc, khuôn cối, đầu máy, băng, phim âm bản, hoặc các đồ vật khác mà bằng phương tiện đó các bản sao hoặc bản ghi có thể được tái bản.

Ba là, bồi thường thiệt hại và lợi nhuận (Điều 504). Ngoại trừ quy định khác tại Điều luật này, người xâm phạm quyền tác giả có nghĩa vụ bồi thường hoặc là: (1). Thiệt hại thực tế của Chủ sở hữu quyền tác giả và bất kỳ khoản lợi nhuận tăng thêm nào của người xâm phạm như quy định tại Khoản (b) Điều 504; hoặc (2). Thiệt hại theo luật như quy định tại Khoản (c) Điều 504. Thiệt hại thực tế và các khoản lợi nhuận: chủ sở hữu quyền tác giả có quyền thu hồi những khoản thiệt hại thực tế mà mình phải chịu do hệ quả của sự xâm phạm, và bất kỳ khoản lợi nhuận nào của người vi phạm mà có thể quy kết là do sự xâm phạm và chưa được tính đến khi xác định thiệt hại thực tế. Trong việc xác định lợi nhuận của người vi phạm, chủ sở hữu quyền tác giả được yêu cầu chỉ đưa ra bằng chứng về thu nhập ròng của người vi phạm và người vi phạm được yêu cầu chứng minh các khoản chi phí có thể khấu trừ của mình và các phần lợi nhuận có thể quy kết là do các nhân tố khác không phải là từ tác phẩm được bảo hộ.

Bồi thường thiệt hại theo luật. Ngoại trừ quy định tại Điểm (2) của Khoản này, chủ sở hữu quyền tác giả có thể lựa chọn, vào bất kỳ thời điểm nào trước khi quyết định chung thẩm được đưa ra, việc đòi, thay vì các khoản thiệt hại thực tế và lợi nhuận, các khoản phạt bồi thường thiệt hại theo luật đối với tất cả sự xâm phạm bao hàm trong vụ kiện đó, đối với bất kỳ một tác phẩm nào mà về các khoản phạt bồi thường này bất kỳ một người vi phạm phải chịu trách nhiệm cá nhân hoặc bất kỳ hai hoặc nhiều người vi phạm nào phải chịu trách nhiệm liên đới và theo phần độc lập, một khoản tiền không ít

hơn $500 hoặc không vượt quá $20.000 như xét xử công bằng của Tòa án. Trong phạm vi của khoản này, tất cả các phần của tác phẩm hợp tuyển hoặc tác phẩm phái sinh tạo thành một tác phẩm.

Trong trường hợp mà chủ sở hữu quyền tác giả chịu trách nhiệm chứng minh và Tòa án thấy là sự xâm phạm này đã thực hiện một cách cố ý, Tòa án trong phán quyết của mình có thể tăng mức phạt bồi thường thiệt hại theo luật lên một khoản không vượt quá $100.000. Trong trường hợp mà người vi phạm chịu trách nhiệm chứng minh, và Tòa án thấy là người vi phạm này đã không nhận thức được và không có lý do nào để xác định là các hành vi của mình cấu thành sự xâm phạm quyền tác giả, Tòa án trong phán quyết của mình có thể giảm mức phạt bồi thường thiệt hại một khoản không ít hơn $200. Tòa án sẽ đình chỉ các khoản bồi thường thiệt hại theo luật trong bất kỳ trường hợp nào mà người vi phạm tin là hoặc có cơ sở hợp lý để tin là việc sử dụng tác phẩm được bảo hộ của mình là sử dụng hợp lý theo Điều 107, nếu người vi phạm này là: (i) người làm công hoặc đại diện của một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, Thư Viện, cơ quan lưu trữ hoạt động trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình hoặc của tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, Thư viện, cơ quan lưu trữ đó mà đã xâm phạm thông qua việc tái bản tác phẩm dưới dạng các bản sao hoặc bản ghi; hoặc (ii) một tổ chức phát sóng công cộng hoặc một người mà, như một phần thông thường của các hoạt động phi lợi nhuận của tổ chức phát sóng (như quy định tại Khoản (g) của Điều 118) đã xâm phạm thông qua việc trình diễn một tác phẩm văn học phi kịch nghệ đã công bố hoặc thông qua việc tái bản chương trình phát sóng bao hàm sự trình diễn tác phẩm đó.

Bốn là, chi phí tố tụng và lệ phí luật sư (Điều 505). Trong bất kỳ vụ khởi kiện dân sự nào theo Điều luật này, Tòa án trong phán quyết của mình có thể cho phép thu hồi toàn bộ chi phí bởi hoặc đối với bất kỳ bên thứ ba nào khác không phải là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ hoặc công chức của họ. Ngoại trừ quy định khác tại điều luật này, Tòa án cũng có thể quyết định khoản lệ phí luật sư hợp lý đối với bên thắng kiện như là một phần của chi phí tố tụng.

Năm là, các hình phạt hình sự (Điều 506). Luật bản quyền tác giả Hoa Kỳ xác định vi phạm mang tính chất hình sự là bất kỳ người nào mà xâm phạm một cách cố ý quyền tác giả phục vụ cho mục đích thu lợi nhuận thương mại hoặc giành các mục tiêu tài chính cá nhân sẽ bị phạt tù theo quy định của Điều 2319 của Điều luật số 28. Theo điều luật này, người nào vi phạm hình sự quyền tác giả sẽ bị phạt tù đến 5 năm hoặc bị phạt một khoản tiền, hoặc cả hai hình phạt. Trong trường hợp tái phạm, người vi phạm bản quyền có thể bị phạt tù đến 10 năm, hoặc bị phạt tiền, hoặc áp dụng cả hai hình phạt.

Cùng với hình phạt nêu trên, Tòa án theo thẩm quyền của mình có thể áp dụng các biện pháp sau:

- Tịch thu và tiêu hủy: Tòa án theo thẩm quyền xét xử của mình, cùng với hình phạt được quy định trong đó, sẽ ra lệnh tịch thu và tiêu hủy hoặc xử lý khác tất cả các bản sao hoặc bản ghi vi phạm và tất cả những công cụ, phương tiện hoặc thiết bị được sử dụng trong việc sản xuất các bản sao hoặc bản ghi vi phạm đó.

- Gian lận trong ký hiệu quyền tác giả: bất kỳ người nào mà, với ý định lừa dối, in trên bất kỳ đồ vật nào một ký hiệu quyền tác giả hoặc cụm từ có ý nghĩa tương tự mà người này biết sự lừa dối đó, hoặc người mà, với ý định lừa dối, phân phối tới công chúng hoặc nhập khẩu để phân phối tới công chúng bất kỳ đồ vật nào mang ký hiệu hoặc cụm từ như vậy mà người này biết sự lừa dối đó, sẽ bị phạt không vượt quá $2.500

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.

- Gian lận trong việc xóa bỏ ký hiệu quyền tác giả: bất kỳ người nào mà, với ý định lừa dối, xóa bỏ hoặc sửa đổi bất kỳ ký hiệu quyền tác giả nào trên bản sao của một tác phẩm được bảo hộ sẽ bị phạt không vượt quá $2.500.

- Gian lận trong việc trình bầy: bất kỳ người nào mà biết rằng là tạo ra gian dối trong việc trình bày về sự thật tư liệu sử dụng trong việc nộp đơn đăng ký quyền tác giả theo quy định tại Điều 409, hoặc trong bất kỳ một tuyên bố bằng văn bản nào được nộp liên quan tới đơn đăng ký đó, sẽ bị phạt không quá $2.500.

Vấn đề bảo hộ quyền tác giả theo pháp luật Hoa Kỳ - 9

Đối với các hình phạt như ghi và buôn bán bản ghi âm và các băng video âm nhạc của các buổi biểu diễn nhạc sống không được phép. Điều 2319A, Mục số 18, Bộ luật Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (có tiêu đề là Hình phạt và các thủ tục tố tụng hình sự) cũng áp dụng hình phạt tù (lên tới 10 năm) và phạt tiền tới $250.000. Đồng thời, hình phạt tịch thu và phá hủy đối với bất kỳ bản sao hoặc bản ghi cũng như các khuôn đúc, khuôn in, khuôn cối, đĩa master, băng, phim âm bản mà thông qua chúng, các bản ghi hoặc bản sao có thể được tạo ra. Tòa án cũng có thể ra lệnh tịch thu và tịch biên các bản sao hoặc bản ghi của buổi trình diễn nhạc sống được ghi ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ mà không được sự đồng ý của người trình diễn. Các bản sao hoặc bản ghi thuộc đối tượng tịch biên hoặc tịch thu tại Hoa Kỳ theo qui định tương tự như các tài sản được nhập khẩu vi phạm Luật Hải quan Hoa Kỳ. Việc áp dụng thủ tục tịch biên, tịch thu và tiêu hủy có thể đối với cả tầu thuyền, xe cộ, máy móc và hành lý xách tay được sử dụng vào việc vi phạm Luật Bản quyền và Luật Hải quan Hoa Kỳ. Đối với các hành vi vi phạm mang tính chất hình sự khác như: gian lận trong tác quyền (in trên bất kỳ đồ vật nào một ký hiệu quyền tác giả với ý định lừa dối, phân phối tới công chúng hoặc nhập khẩu, nhập khẩu để phân phối tới công chúng); gian lận trong việc xóa bỏ ký hiệu quyền tác giả (xóa bỏ hoặc sửa đổi bất kỳ ký hiệu quyền tác giả nào trên bản sao của một tác phẩm với ý định lừa dối); gian lận trong việc trình bầy (tạo ra gian dối trong việc trình bày về sự thật tư liệu sử dụng trong việc nộp đơn đăng ký quyền tác giả)… đều có thể bị phạt tới $2,500.

Sáu là, cấm nhập khẩu và phân phối: Luật Quyền tác giả Hoa Kỳ dành Chương 6 với 3 điều (Điều 601 đến 603) nhằm qui định việc cấm sản xuất, nhập khẩu và phân phối các bản sao và bản ghi tại Hoa Kỳ.

Việc cấm nhập khẩu vào Hoa Kỳ các bản sao hoặc bản ghi của tác phẩm mà không được phép của Chủ sở hữu quyền tác giả là xâm phạm độc quyền phân phối và có thể bị khởi kiện theo pháp luật Hoa Kỳ.

Giám đốc Cục ngân khố và Cục bưu điện Hoa Kỳ ban hành qui chế về thi hành các qui định của Luật bản quyền về cấm nhập khẩu. Các bản sao và bản ghi vi phạm qui định cấm nhập khẩu sẽ bị tịch thu tiêu hủy như các tài sản được nhập khẩu vi phạm Luật Chống hàng lậu.

Việc cấm nhập khẩu và phân phối này cũng có những ngoại trừ như:

- Việc nhập khẩu bản sao hoặc bản ghi theo sự cho phép của Chính phủ Hoa Kỳ hoặc của chính quyền các Bang để phục vụ cho mục đích lưu trữ;

- Việc nhập khẩu cho việc sử dụng cá nhân và không nhằm phân phối (không quá 1 bản) như một phần của hành lý xách tay của người nhập khẩu;

- Việc nhập khẩu của các tổ chức hoạt động giáo dục đào tạo, tín ngưỡng và không nhằm thu lợi nhuận cá nhân, chỉ dùng cho mục đích lưu trữ (không quá 5 bản).

Bên cạnh các biện pháp thực thi nêu trên, Luật bản quyền còn đề cập tới các biện pháp thực thi khác như: Bảo hộ các sản phẩm vi mạch bán dẫn (Chương 9); Bảo hộ các phương tiện và thiết bị ghi âm và ghi hình kỹ thuật số (Chương 10); Bảo hộ bản ghi âm và chương trình video âm nhạc (Chương 11).

Để bảo đảm cho việc thực thi quyền tác giả tốt hơn phù hợp với đặc thù của nhà nước Liên bang, Luật bản quyền tác giả quy định cụ thể nghĩa vụ của các bang, các cơ quan nhà nước của bang và các công chức nhà nước các bang đối với xâm phạm quyền tác giả (Điều 511) và thời hiệu của việc khởi kiện và thông báo nộp đơn và quyết định khởi kiện (Điều 507, 508). Theo đó, bất kỳ bang nào, bất kỳ cơ quan nhà nước của bang nào và bất kỳ công chức hoặc nhân viên của bang hoặc làm việc cho bang nào hoạt động trong chức năng nhiệm vụ chính thức của mình không được miễn khỏi vụ việc tại Toà án Liên bang bởi bất kỳ người nào kể cả các tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ, theo Luật sửa đổi lần thứ 11 Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ hoặc theo bất kỳ học thuyết ưu đãi miễn trừ nào, về sự xâm phạm bất kỳ quyền độc quyền nào của chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại Điều 106 tới 119, về

việc nhập khẩu bản sao hoặc bản ghi vi phạm Điều 602, hoặc về bất kỳ sự vi phạm nào theo điều luật này. Các biện pháp thực thi: trong vụ việc quy định tại Khoản (a) đối với sự vi phạm nêu tại Khoản đó, các biện pháp thực thi (bao gồm cả các biện pháp thực thi theo luật và Luật thông lệ) được áp dụng đối với sự vi phạm này có nội dung tương tự như các các biện pháp thực thi được áp dụng đối với sự vi phạm trong vụ kiện chống lại bất kỳ tổ chức tư nhân hoặc đoàn thể nào không phải là thuộc chính quyền bang, cơ quan nhà nước của bang, công chức hoặc nhân viên của bBang hoạt động trong phạm vi chức năng nhiệm vụ chính thức của mình. Các biện pháp thực thi này bao gồm tịch thu và xử lý các đồ vật vi phạm theo Điều 503, các khoản bồi thường thiệt hại thực tế và lợi nhuận và các khoản bồi thường thiệt hại theo luật quy định tại Điều 504, chi phí tố tụng và lệ phí luật sư quy định tại Điều 505 và các biện pháp thực thi quy định tại Điều 510.

Thời hiệu của việc khởi kiện các thủ tục tố tụng hình sự: không một thủ tục tố tụng hình sự nào sẽ được thụ lý theo các quy định của điều luật này trừ phi nó được bắt đầu trong vòng 3 năm sau khi nguyên nhân của sự khởi kiện phát sinh.

Thời hiệu của việc khởi kiện các thủ tục tố tụng dân sự: không một thủ tục tố tụng dân sự nào sẽ được duy trì theo các quy định của điều luật này trừ phi nó được bắt đầu trong vòng 3 năm sau khi khiếu nại nẩy sinh.

Trong vòng 1 tháng sau khi việc nộp đơn về bất kỳ việc khởi kiện nào theo điều luật này, thư ký của các Tòa án của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ sẽ gửi thông báo bằng văn bản tới Cơ quan đăng ký trong phạm vi chỉ rõ trong hồ sơ được nộp tại Tòa án trình bầy các tên và địa chỉ của các bên và tên của tác phẩm, tác giả, và số đăng ký của từng tác phẩm bao hàm trong vụ kiện. Nếu có bất kỳ tác phẩm được bảo hộ nào khác sau này được đưa vào vụ kiện đó thông qua việc sửa đổi, phúc đáp hoặc kháng nghị khác, người thư ký này cũng phải gửi thông báo về việc đó tới cơ quan đăng ký trong vòng 1 tháng sau khi kháng nghị đó được nộp. Trong vòng 1 tháng sau khi quyết định hoặc

phán quyết trung thẩm của vụ việc được tuyên, người thư ký của Tòa án sẽ thông báo tới Cơ quan đăng ký về việc đó, gửi kèm theo thông báo bản sao của quyết định hoặc phán quyết cùng với đáng giá bằng văn bản của Tòa, nếu có.

Thực tế cho thấy, việc thực thi quyền tác giả tại Hoa Kỳ được tiến hành một cách rất nghiêm túc và nghiêm khắc. Có thể lấy ví dụ về vụ việc xử lý hành vi vi phạm bản quyền vì phát tán nhạc lên mạng. Theo BBC, một sinh viên Mỹ đã bị tuyên phạt phải trả 675 nghìn USD cho bốn nhãn đĩa vì phạm luật bản quyền khi chia sẻ nhạc có bản quyền trên mạng. Đó là Joel Tenenbaum, sinh viên của Đại học Boston, đã thừa nhận tại tòa rằng anh đã tải và phát tán 30 bài hát có bản quyền lên mạng. Joel là trường hợp thứ hai nhận án phạt tiền tại Mỹ khi chia sẻ các file nhạc có bản quyền. Trường hợp đầu tiên là một người phụ nữ tại Minneapolis. Bà này đã bị tuyên phạt phải trả 1,92 triệu USD vì chia sẻ 24 bài hát. Ngày 31 tháng 7 năm 2009, Tòa đã tuyên phạt Joel phải trả 22.500 USD cho mỗi bài hát vi phạm (675 ngàn USD cho 30 file nhạc). Joel đã sử dụng máy tính tại nhà của bố mẹ và máy tính của bạn bè để tải và phát tán các file nhạc dạng số. Các điều tra viên đã cáo buộc Joel vi phạm với 30 bài hát. Các vụ xử như với Joel hay trường hợp ở Minneapolis là những vụ điểm mang tính răn đe hành vi tải và phát tán nhạc có bản quyền. Bốn nhãn đĩa mà Joel vi phạm bản quyền nhạc của các hãng Universal Music, Warner Music and Sony (33).


KẾT LUẬN CHƯƠNG 2


Với những nội dung pháp luật về bảo hộ quyền tác giả được trình bày trong chương này cho thấy, quyền tác giả đã được Nhà nước Liên bang Hoa Kỳ quan tâm xây dựng nhằm thiết lập một hành lang pháp lý cho việc bảo hộ quyền tác giả. Nhìn chung,các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả theo pháp luật Hoa Kỳ được quy định chi tiết, cụ thể có tính chất hướng dẫn, định hướng cho việc bảo hộ quyền tác giả, như các định nghĩa, khái niệm quyền tác giả và những vấn đề liên quan; chủ sở hữu quyền tác giả và vấn đề

chuyển nhượng quyền tác giả, thời hạn bảo hộ, cách thức ghi ký hiệu, nộp lưu chiểu cũng như vấn đề đăng ký bảo hộ quyền tác giả; quy định về quản lý nhà nước về quyền tác giả; việc thực thi bảo hộ quyền tác giả...

Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã đạt được những thành tựu to lớn trong quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại cũng như vấn đề bảo hộ quyền tác giải thông qua việc hai nước ký kết Hiệp định Quyền tác giả năm 1997 và Hiệp định thương mại Việt Nam Hoa Kỳ ngày 13 tháng 7 năm 2000, tạo tiền đề pháp lý cho việc bảo hộ quyền tác giả giữa hai nước. Dù có những khác biệt về chế độ chính trị, truyền thống và tư duy pháp lý, song pháp luật của Việt Nam đã có sự thống nhất với các cam kết bảo hộ quyền tác giả giữa hai quốc gia. Tuy vậy, trong thực tiễn thi hành pháp luật bảo hộ quyền tác giả giữa Việt Nam - Hoa Kỳ cũng có sự khác nhau đáng kể. Những điểm khác biệt này cần phải được nghiên cứu, xem xét nhằm tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho việc bảo hộ quyền tác giả ở cả Việt Nam và Hoa Kỳ.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/11/2023