Mối Quan Hệ Giữa Thuyết Tam Tòng Và Thuyết Tứ Đức Trong Nho


mối liên hệ ràng buộc không thể tách rời giúp người phụ nữ có vẻ đẹp hoàn thiện theo tiêu chuẩn của Nho giáo.

2.1.2.2. Mối quan hệ giữa thuyết tam tòng và thuyết tứ đức trong Nho

giáo Trung Quốc

Điểm chung giữa thuyết tam tòng, tứ đức: chúng đều là những quy tắc, lễ nghĩa, chuẩn mực bắt buộc đối với người phụ nữ. Cả hai cùng được giai cấp thống trị phong kiến sử dụng ngày một triệt để như một công cụ đắc lực để giáo hóa người phụ nữ với mục đích ổn định xã hội, bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị và vai trò của nam giới.

Điểm khác biệt giữa thuyết tam tòng, tứ đức thể hiện ở phạm vi, đối tượng đề cập. Tam tòng chỉ mối quan hệ giữa phụ nữ với nam giới trong gia đình và ngoài xã hội, đó là: cha, chồng, con trai - đề cao sự phục tùng một chiều, sự thuỷ chung tuyệt đối của phụ nữ đối với nam giới. Còn tứ đức lại chú trọng vào sự tu dưỡng phẩm chất đạo đức cá nhân của chính bản thân người phụ nữ một cách toàn diện, đẹp về cả hình thức lẫn nhân phẩm. Tu dưỡng công

- dung - ngôn - hạnh để đạt được tam tòng. Tứ đức là điều kiện để thực hiện tốt đạo tòng cha, tòng chồng, tòng con. Ngược lại, tam tòng chứng minh cho tứ đức, chứng minh cho phẩm hạnh cao quý của người phụ nữ.

Trong thuyết tứ đức, các đức cũng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Đó là mối quan hệ giữa vẻ đẹp nội dung và vẻ đẹp hình thức. Đức hạnh chỉ vẻ đẹp nội dung. Đức công, đức dung, đức ngôn chỉ vẻ đẹp hình thức. Chúng bổ sung cho nhau, thể hiện thông qua nhau. Công, dung, ngôn là biểu hiện cụ thể hóa của đức hạnh. Đức hạnh tốt đẹp, tất yếu công, dung, ngôn sẽ thể hiện đúng theo chuẩn mực của lễ giáo Nho giáo. Ngược lại, qua công, dung, ngôn, hạnh, người đời đánh giá được phẩm hạnh của người đàn bà. Như vậy, Nho giáo đòi hỏi ở người phụ nữ vẻ đẹp toàn diện theo một khuôn mẫu nhất định. Sâu xa hơn, nó đòi hỏi sự phấn đấu, sự hy sinh hết mình, phục tùng tuyệt đối với cha, chồng, con trong gia đình và vua, quan ngoài xã hội.

Ngoài những phẩm chất trên, các tư tưởng đạo đức của Nho giáo như: “Chính danh”, “Tam cương”, “Ngũ thường”, “Hiếu đễ”... cũng có ảnh hưởng nhất định tới đạo đức người phụ nữ trong gia đình và xã hội; thắt chặt hơn sự


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 177 trang tài liệu này.

tác động của thuyết tam tòng, tứ đức đối với người phụ nữ. Chính danh là một trong những yêu cầu cơ bản đối với đạo đức con người. Ai ở địa vị nào thì phải suy nghĩ và hành động cho đúng với địa vị ấy, không được tranh giành địa vị, quyền lợi của người khác. Tư tưởng “tam cương” nhằm mục đích quy định bổn phận và trách nhiệm của bề tôi, con, vợ vào các đối tượng vua, cha, chồng. Trong gia đình, người phụ nữ luôn phải tuân theo ý chồng, phục vụ gia đình nhà chồng, tránh tư tưởng phản kháng, đấu tranh.

Vì vậy, khi hiểu được mối quan hệ giữa các phạm trù trong học thuyết này, chúng ta tránh hiểu chúng một cách rời rạc hoặc tuyệt đối hóa một phạm trù nào trong thuyết tam tòng, tứ đức hoặc giữa thuyết tam tòng, tứ đức với các phạm trù đạo đức của Nho giáo nói chung. Cần phải có thái độ khách quan, biện chứng khi xem xét sự ảnh hưởng của nó đối với người phụ nữ Việt Nam ngày nay trên cả hai phương diện tích cực và hạn chế.

Thuyết tam tòng, tứ đức trong nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với phụ nữ Việt Nam hiện nay - 5

2.1.3. Nội dung thuyết tam tòng, tứ đức trong Nho giáo Trung Quốc

Thuyết tam tòng

Tam tòng (三從) có nguồn gốc từ Nghi lễ, Tang phục, Tử Hạ truyện có

ghi: Phụ nhân hữu tam tòng chi nghĩa, vô chuyên dụng chi đạo, cố vị giá tòng phụ, ký giá tòng phu, phu tử tòng tử (婦人有三從之義,無專用之道,故未嫁從父,既嫁從夫,夫死從子), ( Nghĩa là: Người đàn bà có cái nghĩa

phải theo ba điều, mà không có cái lễ (đạo) làm theo ý mình, cho nên, khi chưa lấy chồng thì theo cha, khi đã lấy chồng thì theo chồng, khi chồng chết thì theo con).

Sau này, các nhà Nho vận dụng thuyết tam tòng, tứ đức vào việc giáo hóa người phụ nữ. Vì vậy, theo Nho giáo, phụ nữ có ba điều phải tuân theo, không có quyền tự định đoạt theo ý mình:

1. Tại gia tòng phụ (在家從父): người con gái khi còn ở nhà phải nghe

theo cha.

2. Xuất giá tòng phu (出嫁從夫): lúc lấy chồng phải nghe theo chồng.

3. Phu tử tòng tử (夫死從子): nếu chồng qua đời phải theo con trai.


Có nghĩa: người phụ nữ khi còn sống ở nhà từ bé đến lúc trưởng thành, khi chưa lấy chồng thì theo cha. Người cha quyết định mọi việc của con gái, từ công việc, cuộc sống cho đến hạnh phúc còn người mẹ chỉ giữ vai trò thứ yếu vì bản thân cũng là người phụ nữ phụ thuộc vào người chồng. Người con gái không có quyền quyết định hôn nhân, hạnh phúc của mình. Mạnh Tử đã từng nói: “Nếu chẳng đợi lệnh cha mẹ, chẳng chờ lời mai mối, mà lén dùi lỗ để nhìn nhau, vượt tường để theo nhau, thì cha mẹ và người trong xứ đều khinh rẻ mình” (Bất đãi phụ mẫu chi mệnh, mối trước chi ngôn, toàn huyệt khích tương khuy, du tường tương tùng, tắc phụ mẫu, quốc dân giai tiện chí) [23, tr.14]. Quy định tam tòng khiến người phụ nữ khi xuất giá lấy chồng thì hoàn cảnh tốt hay xấu thế nào cũng đã trở thành người nhà chồng, chứ không được nương nhờ ai. Khi lấy chồng thì phải theo chồng dù sướng hay khổ vẫn phải chấp nhận, nếu chồng qua đời phải theo con trai không được đi bước nữa phải ở vậy suốt đời “tòng” con, không được tái giá. Danh nho đời Tống Trình Y Xuyên đã nói “Nhược thú thất tiết giả dĩ phối thân, thị kỷ thất tiết dã” [23, tr.13-14] người đàn ông đi cưới người thất tiết thì chính mình cũng là người thất tiết cho nên với người phụ nữ goá bụa dù có khổ cực, nghèo đói, không có nơi nương tựa cũng không được tái giá, chết đói là chuyện rất nhỏ thất tiết mới là chuyện lớn (Nhiên ngạc tử sự cự tiểu, thất tiết sự cực đại) [23, tr.14].

Thuyết tứ đức

Tứ đức ( 四 德 ) có nguồn gốc từ Chu lễ (sách ghi những quy định về lễ nghĩa thời nhà Chu), thiên Quan trủng tể có ghi: Cửu tần chưởng phụ học chi pháp, dĩ cửu giáo ngự: phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công

(九嬪掌婦學之法,以九:婦德、婦言、婦容、婦功). (Nghĩa là: Cái phép học

của người vợ cả là lấy chín điều - tập trung trong bốn đức: công, dung, ngôn, hạnh)

Sau này, các nhà Nho vận dụng vào việc giáo hóa sự tu dưỡng phẩm chất đạo đức của người phụ nữ. Theo Nho giáo, với người phụ nữ, tứ đức gồm phụ công (婦功), phụ dung (婦容), phụ ngôn (婦言) và phụ hạnh (婦行):


1. Công: nữ công, gia chánh phải khéo léo. Tuy nhiên các nghề với phụ nữ ngày xưa chủ yếu chỉ là may, vá, thêu, dệt, bếp núc, buôn bán, với người phụ nữ giỏi thì có thêm cầm kỳ thi hoạ.

2. Dung: dáng người đàn bà phải hòa nhã, gọn gàng, biết tôn trọng hình thức bản thân

3. Ngôn: lời ăn tiếng nói khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng

4. Hạnh: Tính nết hiền thảo, trong nhà thì nết na, kính trên nhường dưới, chiều chồng thương con, ăn ở tốt với anh em họ nhà chồng. Ra ngoài thì nhu mì chín chắn, không hợm hĩnh, cay nghiệt.

Cụ thể: Công là công việc, nghĩa là biết làm việc, bao hàm cả tài năng khéo léo, trí tuệ thông minh, được rèn luyện thử thách. Công nói lên sự khéo léo đảm đang của người phụ nữ trong việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, tổ chức đời sống gia đình. Trước hết, người phụ nữ biết tề gia nội trợ, khéo léo sắp xếp công việc gia đình, nuôi dạy con cái. Họ phải giỏi nữ công gia chánh, nấu ăn ngon cho chồng con, biết làm cỗ khi nhà có giỗ, khi đãi khách... Họ biết thêu thùa, vá may, nuôi tằm, dệt vải. Như vậy, với tư cách người vợ, người mẹ, phụ nữ phải giỏi giang công việc nội trợ gia đình, tay hòm chìa khóa, quán xuyến chi tiêu của gia đình theo đúng chức năng nhiệm vụ của họ, người phụ nữ phải nhập gia tuỳ tục, có trách nhiệm trong việc bảo đảm nối dõi tông đường. Một số phụ nữ giỏi, con nhà quyền quý thì có thêm tài: cầm, kì, thi, hoạ. Ở những dòng họ quý tộc, người vợ phải thay chồng quản lý nhân công, kẻ ăn người ở trong nhà, coi sóc ruộng nương, điền sản.

Dung là dung nhan, diện mạo, dáng dấp người phụ nữ thể hiện ra bên ngoài, với gương mặt, thân hình khả ái. Đó cũng là cái nết na thể hiện qua cách ứng xử, nói cười, làm ăn. Trang phục của người phụ nữ phải chỉnh tề, không lộ liễu, khêu gợi. Đầu tóc của họ phải gọn gàng, trải gỡ hàng ngày. Xưa kia người phụ nữ đạt tiêu chuẩn “dung” thì như liễu yếu đào tơ, đi lại nhẹ nhàng, e lệ, khép nép, không được mặt ủ mày chau, cau có, bẳn gắt. Dung mạo luôn tươi tắn, sáng sủa, kể cả lúc bị chồng mắng, chồng chê cũng vui vẻ.

Ngôn là lời ăn tiếng nói, ngôn từ giao tiếp khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng, có duyên, biết thưa gửi; người phụ nữ không được quá nặng lời lúc


nóng giận, không ba hoa khi hứng chí, không nói đãi bôi, giả dối khi giao tiếp. Họ phải luôn cân nhắc, biết lúc nào nên nói, lúc nào không nên, điều gì nên và chưa nên nói ra. Lời nói biểu hiện tâm hồn con người. Người nhân đức tiếng nói trong sáng, ấm áp, người cay nghiệt tiếng nói rin rít qua kẽ răng, người đanh đá tiếng nói the thé. Người hay văng tục chứng tỏ ít được giáo dục, người nói năng lễ độ, đúng mực chứng tỏ là con nhà gia giáo, được học tập, dạy dỗ từ bé.

Hạnh là hạnh kiểm, đức hạnh. Đó là đạo đức đoan trang, đứng đắn, nết na của người phụ nữ. Trong gia đình, biết kính trên nhường dưới, chiều chồng thương con, ăn ở tốt với họ hàng nhà chồng. Ra ngoài, đối xử với người mình giao tiếp một cách chín chắn, nhu mì, không hợm hĩnh, chua ngoa, đáo để. Hạnh thể hiện những phẩm chất đạo đức cơ bản của người phụ nữ, trước hết là sự thuỷ chung với chồng, đức hy sinh với con cái và giàu lòng nhân ái với mọi người xung quanh.

2.1.4. Thuyết tam tòng, tứ đức trong lịch sử phát triển của Nho giáo

Trung Quốc

2.1.4.1. Thuyết tam tòng, tứ đức trong Nho giáo nguyên thuỷ

Nho giáo là hệ tư tưởng của giai cấp thống trị. Giáo dục đạo đức Nho giáo với ngũ luân; ngũ thường là một trong những biện pháp để giáo hóa con người làm cho xã hội từ “loạn” tới “trị”, làm cho con người có đạo đức. Mặc dù với chủ trương giáo dục “hữu giáo vô loại” nhưng có một thực tế là không phải ai cũng được giáo dục, giáo hóa vì như lời của Mạnh Tử: “dân thường ăn còn chẳng xong huống gì là học hành” cho nên Nho giáo nguyên thuỷ chỉ tập trung vào xây dựng mẫu người quân tử - mẫu người lý tưởng trong xã hội.

Vì vậy, Khổng Tử cho rằng, phụ nữ là một lực lượng đông đảo để xây dựng xã hội, nhưng trên cơ sở “trọng nam khinh nữ” nên ông không bàn nhiều về phụ nữ, không xây dựng mẫu người phụ nữ cụ thể cho xã hội đương thời. Người phụ nữ nói chung, người vợ nói riêng chỉ được nhận sự giáo hóa trong gia đình ở cha mẹ đẻ hoặc nhà chồng. Khổng Tử và các học trò của ông trước sau có đến gần ba nghìn người, nhưng đặc biệt, trong đó không ai là nữ. Thậm chí Khổng Tử còn xếp người phụ nữ ngang hàng với kẻ tiểu nhân, cho


rằng đó là những người khó dạy bảo “phụ nhân nan hóa”. Trong Luận ngữ, Khổng Tử nói: “Chỉ có bọn đàn bà và tiểu nhân là khó đối đãi: thân cận thì họ khinh nhờn, xa lánh thì họ oán trách” [66, tr.637]. Phụ nữ là những người thấp kém, giáo dục họ chỉ bằng thừa vì: “chỉ có thượng trí và hạ ngu là không thay đổi được tính tình” [66, tr.614] nên Nho giáo ít bàn đến phụ nữ.

Trên cơ sở đó, Khổng Tử đưa ra chuẩn mực về người phụ nữ (được viết trong sách quyển Thượng - Trần Trọng Kim) Tam tòng: “tại gia tòng phụ - xuất giá tòng phu - phu tử tòng tử” (ở nhà thì theo cha - đi lấy chồng thì theo chồng - chồng chết thì theo con trai). Tứ đức: Công, dung, ngôn, Hạnh (Công chỉ nữ công gia chánh, tề gia nội trợ. Dung chỉ vẻ đẹp hình thức. Ngôn chỉ lời ăn tiếng nói. Hạnh chỉ hạnh kiểm, đức hạnh). Trong bốn đức này Khổng Tử nhấn mạnh đức “hạnh”. Hạnh là nội dung, được biểu hiện ra bên ngoài hình thức ba đức: công, dung, ngôn. Đức “hạnh” là yêu cầu cơ bản, là điều bắt buộc của đạo đức Nho giáo đối với người phụ nữ mà khi đi lấy chồng người mẹ nào cũng phải dạy con gái mình phải biết tuân thủ, phục tùng.

Trong chương Đằng Văn Cương, chương Cú hạ, Mạnh Tử đã giảng giải rõ hơn nhiệm vụ của người con gái khi đi lấy chồng. Hầu hết các cô gái khi đi lấy chồng đều được mẹ đẻ dặn rằng: “Mày về nhà chồng, phải kính, phải răn, chớ trái lời chồng. Lấy nhu thuận làm chính yếu, ấy là đạo người vợ” [66, tr.971]. Như vậy, theo quan niệm của các nhà Nho, đạo của người làm vợ đó là phải kính trọng, tuân phục, không được làm trái ý chồng, trong mọi tình thế dù đúng dù sai người con gái đều phải nhẫn nhịn, chịu đựng; không được phản kháng. Quan niệm này đã cản trở người phụ nữ thể hiện cái tôi và khát vọng cá nhân, họ chỉ biết chấp nhận, hy sinh nhu cầu và ham muốn của bản thân để thuần phục, vâng lời, giữ gìn khuôn phép cho gia đình. Điều đó cũng không nằm ngoài tinh thần “trọng nam khinh nữ” của Nho giáo.

Ngoài ra, theo Khổng Tử, người phụ nữ đạt đến đức “hạnh” điều căn bản phải có tấm lòng “hiếu” đối với cha mẹ vì “duy người có hiếu với cha mẹ, mới biết xử tử tế với anh em” [66, tr.233]. Vậy, hiếu với cha mẹ phải như thế nào? Nho giáo cho rằng “hiếu” với cha mẹ phải dựa trên cơ sở là “ái” và “kính”. Nuôi cha mẹ thì phải kính, chứ không kính thì không phải hiếu vì


“ngày nay những người tự xưng là hiếu đều nói rằng mình đã nuôi nổi cha mẹ. Đến như loài chó, loài ngựa còn có người nuôi được mà. Chẳng kính, lấy gì làm phân biệt” [66, tr.220]. Hiếu với cha mẹ còn thể hiện ở việc thường xuyên chăm sóc, để tâm tới cha mẹ: “cha mẹ còn sống, chớ đi chơi xa; đi chơi phải có nơi nhất định” [66, tr.280] và “tuổi của cha mẹ không thể không biết tới, vừa để vui mừng vừa để lo” [66, tr.281].

Trong đạo hiếu của người làm con nói chung, của người phụ nữ nói riêng, Khổng Tử nhấn mạnh hai điều “vô vi” và “vô cải”. “Vô vi” là cách đối nhân xử thế với cha mẹ trong hoàn cảnh bình thường, thờ cha mẹ không trái lễ. Vô vi đó là thờ cha mẹ sao cho đúng lễ: “lúc cha mẹ còn sống, lấy lễ mà thờ kính; lúc cha mẹ qua đời, lấy lễ mà chôn cất, lấy lễ mà tế tự” [66, tr.218]. Lễ là hợp nghĩa lý, là vừa phải, chứ không thái quá hay bất cập miễn là “vừa sức nhà giàu nhà nghèo mà làm cho phải lẽ thường” [78, tr.148]. “Vô cải” là cách đối xử với cha mẹ trong hoàn cảnh biến. Lấy lễ mà thờ cha mẹ không phải là cha mẹ làm điều gì trái đạo mà người con gái cũng nghe theo. Ở hai điều vô vi, vô cải, Khổng Tử muốn nhấn mạnh đến sự phục tùng, đến chữ “tòng” của người phụ nữ đối với cha mẹ. Tuy nhiên, bên cạnh đó ông lại có quan niệm rất tiến bộ khi cho rằng phục tùng cha mẹ “thờ cha mẹ thì khi cha mẹ có làm điều gì lầm lỗi, con phải tìm cách êm đềm dịu dàng mà can ngăn, thấy cha mẹ không nghe, thì lại kính mà không trái lễ, dẫu có phải điều gì đau đớn khó nhọc cũng không oán giận” [78, tr.149] hay “lúc cha còn sống, xem chí hướng của người, lúc cha mất rồi, xem cách cư xử của người; ba năm không thay đổi đường lối của cha, khá gọi là hiếu vậy” [66, tr.206]. Kế thừa tư tưởng “hiếu” của Khổng Tử, các nhà Nho sau này như Mạnh Tử, Tuân Tử cũng đề cao và bàn nhiều về đức “hiếu” của con người.

Tóm lại, Nho giáo nguyên thuỷ không bàn nhiều về người phụ nữ mà chỉ tập trung vào xây dựng mẫu người quân tử để đưa xã hội từ “loạn” tới “trị”. Khi bàn về phụ nữ thì các nhà Nho đều chủ trương “trọng nam kinh nữ”

- người phụ nữ không được đề cao. Cả cuộc đời của họ là phải “tòng”, “tuỳ”

theo nam giới.

2.1.4.2. Thuyết tam tòng, tứ đức trong Hán Nho


Cuối thời kỳ Chiến Quốc, chiến tranh giữa các nước diễn ra liên miên, lúc này tư tưởng “đức trị” của Khổng Tử, đường lối “nhân chính” của Mạnh Tử không còn được trọng dụng, các nhà cầm quyền đã đề cao tư tưởng “pháp trị”. Nhà Tần sử dụng tư tưởng “pháp trị” để thống nhất Trung Quốc vào năm 221 - tr.CN.

Sau khi thống nhất Trung Quốc, nhà Tần đã thi hành chính sách “đốt sách, chôn Nho” gây ra rất nhiều phẫn uất trong nhân dân. Sự thống nhất của nhà Tần dựa trên bạo lực, cơ sở kinh tế xã hội phong kiến còn non yếu, chính trị tàn bạo, văn hóa phản động nên nhà Tần sớm mất vị trí thống trị của mình.

Nhà Tần suy tàn, Lưu bang diệt Hạng Vũ và giành được chính quyền lập ra nhà Tây Hán. Lúc này các học thuyết Bách gia thời Xuân Thu - Chiến Quốc dần dần được sống lại và có ảnh hưởng nhất định đối với nhà Hán. Nhà Nho có công lớn trong việc khôi phục, phát triển Nho giáo thời kỳ nhà Hán là Đổng Trọng Thư.

Đổng Trọng Thư (180 - 104 Tr.CN), người huyện Quảng Xương, tỉnh Hà Bắc. Ông tự coi mình là người tiếp tục tư tưởng của học phái Nho gia, nhưng thực tế ông đã tiếp thu và khuyếch trương những yếu tố duy tâm trong triết học Khổng - Mạnh, “Âm dương - Ngũ hành” để nhào nặn nên học thuyết của mình - một học thuyết mang đậm màu sắc chính trị duy tâm thần bí và khắc nghiệt. Học thuyết này được coi là hệ tư tưởng chính thống, là khuôn mẫu đạo đức xã hội của các triều đại phong kiến Trung Quốc.

Tư tưởng triết học và chính trị của ông thể hiện mục đích phục vụ vương quyền của chế độ chuyên chế phong kiến. Về lý luận đạo đức xã hội, ông xây dựng một hệ thống các phạm trù “tam cương”, “ngũ luân”, “ngũ thường” làm khuôn mẫu cho mọi hành vi cư xử, giáo dục và tự trau dồi cá nhân của mọi giai tầng trong xã hội. “Tam cương”, “ngũ luân”, “ngũ thường” đã được Khổng - Mạnh đề cập đến, nhưng ở đây Đổng Trọng Thư đã tước di những yếu tố có tính chất nhân đạo, tiến bộ mà đưa vào quan niệm một chiều khắt khe.

Về vai trò của người phụ nữ, Đổng Trọng Thư đã đưa ra tư tưởng “phu xướng phụ tòng” - chồng nói vợ phải nghe theo, người phụ nữ phải phục tùng người chồng dù đúng hay sai. Ông còn áp đặt thuyết “Âm dương - Ngũ hành”

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 05/11/2022