Đôi Nét Về Văn Hóa Và Kinh Doanh Tại Việt Nam


‌‌


CHƯƠNG II: TÁC ĐỘNG CỦA VĂN HÓA NƯỚC NGOÀI TỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM


I. ĐÔI NÉT VỀ VĂN HÓA VÀ KINH DOANH TẠI VIỆT NAM


1. Đôi nét về văn hóa Việt Nam

Nền văn hóa Việt Nam từ trước tới nay vẫn được biết đến là một nền văn hóa lúa nước, hay nền văn minh thực vật. Đất nước Việt Nam nằm ở khu vực tiếp xúc giữa nhiều nền văn hóa và có một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, là ngã tư đường của các nền văn minh (tuyến đường Bắc - Nam, Đông - Tây và ngược lại). Do thuận lợi về vị trí địa lý, Việt Nam có điều kiện tiếp xúc và giao lưu với hai nền văn minh lớn của nhân loại là Trung Quốc và Ấn Độ từ rất sớm. Kết quả là ảnh hưởng của hai nền văn hóa này đến Việt Nam khá rõ nét, nhất là văn hóa Trung Hoa. Theo Arnold Toynbee trong “A study of history” “trong lịch sử nhân loại từ xưa đến nay có 34 nền văn minh lâu đời, trong đó có văn minh Việt Nam là một trong 18 nền văn minh còn tồn tại và phát triển trong thế giới hiện đại”. Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa Việt Nam hình thành từ thiên niên kỷ IV đến thiên niên kỷ III trước công nguyên, từ thời xã hội Văn Lang của vua Hùng. Điều đó khẳng định Việt Nam có một bề dày lịch sử với một văn hóa đáng tự hào có hệ thống giá trị bền vững, tiến bộ, với nhiều điểm tích cực và phù hợp với xã hội hiện đại ngày nay.

Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, văn hóa Việt Nam đã trải qua nhiều biến cố quan trọng. Con người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã nỗ lực gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp trong bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tích cực tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú thêm cho nền văn hóa dân tộc. Dưới thời kỳ Bắc thuộc, văn hóa Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Trung Hoa. Nhưng người Việt Nam đã biết tiếp thu có chọn lọc, có cải biến cho phù hợp với văn hóa dân tộc. Song song với quá trình tiếp thu ấy, ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc vẫn luôn tồn tại trong người Việt. Trong

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 116 trang tài liệu này.


Tác động của văn hóa nước ngoài tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam và hướng tới tiếp thu các giá trị văn hóa quốc tế kết hợp với các giá trị truyền thống để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập - 7



thời kỳ bị thực dân, đế quốc xâm lược, văn hóa Việt Nam có sự giao lưu với văn hóa phương Tây. Một mặt, có sự chống lại phong trào Tây hóa để bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, mặt khác lại tiếp nhận những tinh hoa của văn hóa phương Tây. Các tư tưởng tự do, dân chủ, bình đẳng của phương Tây cũng được các trí thức Việt Nam tiếp nhận, và phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân. Khi nước ta giành được độc lập, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đề cương văn hóa Việt Nam, với ba mục tiêu là dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa nền văn hóa Việt Nam. Cũng trong quá trình giao lưu văn hóa, Việt Nam đã tiếp thu các tư tưởng như tinh thần cá nhân, ý thức dân chủ, tư duy phân tích,... văn học, nghệ thuật ở phương Tây, trong đó học thuyết Marx đóng vai trò quan trọng. Theo quan điểm chỉ đạo của nghị quyết V, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII “Về việc xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong những năm đầu của thế kỷ XXI, văn hóa Việt Nam đang tiếp tục tiếp thu văn hóa thế giới, và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng một nền văn hóa hiện đại, năng động và đóng góp tích cực cho hoạt động kinh doanh nói riêng, sự phát triển bền vững của con người và xã hội Việt Nam nói chung.

Trong tác phẩm “Việt Nam văn hóa sử cương” tác giả Đào Duy Anh nhận xét “về tính chất tinh thần, người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay ít người có trí tuệ lỗi lạc, phi thường. Sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí tuệ hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lý. Phần nhiều người có tính ham học, song thích văn chương phù hoa hơn là thực học, thích... hình thức hơn là hoạt động... Dân tộc Việt Nam ít người mộng tưởng mà phán đoán thường có vẻ thiết thực lắm. Sức làm việc khó nhọc, nhất là ở miền Bắc thì ít dân tộc bì kịp. Cảm giác hơi chậm chạp song giỏi chịu đựng đau đớn cực khổ và hay nhẫn nhục. Tính khí cũng hay nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, ưa khoe khoang khang trang bề ngoài, ưa hư danh và ham mê cờ bạc. Thường thì nhút nhát và chuộng hư danh, song lúc ngộ sự thì cũng biết hi sinh vì đại nghĩa. Não sáng tác thì ít, song tài bắt chước, thích ứng và dụng hóa thì rất tài. Người Việt Nam lại rất trọng lễ giáo, song cũng có não tinh




vặt, hay bôi bác, chế nhạo”. Tuy vậy, có thể tóm tắt văn hóa Việt Nam qua một số đặc trưng cơ bản sau:

- Văn hóa Việt Nam đặc trưng bởi lối sống trọng tình trọng nghĩa. Người Việt Nam đối xử với nhau có tình có nghĩa, có trước có sau, chú trọng tạo dựng các mối quan hệ keo sơn, gắn bó. Điều đó thể hiện trong các quan niệm dân gian vẫn được lưu truyền đến tận ngày nay như “hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau”,... Các mâu thuẫn thường được giải quyết theo khuynh hướng dĩ hòa vi quý, nhiều khi giải quyết theo hướng hòa cả làng, đúng sai không rõ ràng.

- Văn hóa Việt Nam bị ảnh hưởng bởi ý thức về thể diện. Ảnh hưởng tích cực của ý thức về thể diện thể hiện ở lòng tự trọng của con người Việt Nam. Mất nước là một nỗi nhục không thể chấp nhận được của người Việt Nam, do đó, mọi người luôn đồng lòng tập hợp nhau dưới các ngọn cờ khởi nghĩa để đấu tranh giành độc lập dân tộc. Truyền thống đấu tranh bất khuất, hào hùng của dân tộc đã thể hiện rõ nét niềm tự hào và tự tôn dân tộc, không chấp nhận việc đất nước bị đô hộ, coi việc sống nô lệ là một việc vô cùng mất thể diện. Cũng vì sợ mất thể diện trước đám đông nên người Việt Nam có tính cẩn trọng khá cao. Tính cẩn trọng được thể hiện qua lời nói, khi bàn bạc, lối nói “vòng vo tam quốc”, không đi trực diện vào vấn đề thường được sử dụng để chỉ trích đối tác, hoặc để trình bày quan điểm đối ngược của mình trước một vấn đề. Xét về góc độ tích cực thì đó là cá tính tế nhị, khéo léo, còn nếu nhìn từ góc độ tiêu cực thì đây lại là cá tính không trung thực, nói một đằng làm một nẻo.

- Một đặc điểm khác trong văn hóa Việt Nam là khuynh hướng thích sự hài hòa. Do hướng tới sự hài hòa nên người Việt rất dễ thích nghi với sự thay đổi môi trường và tiến bộ xã hội. Ngoài ra, địa hình Việt Nam với hệ thống sông ngòi chằng chịt có nhiều thuận lợi cho việc giao thông, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, do đó, một thành phần không nhỏ người Việt Nam là cư dân sông nước, giỏi dùng thuyền làm phương tiện vận tải và làm nơi ăn chốn ở. Truyền thống quen sông nước và thạo nghề sông nước tạo cho người Việt Nam có khả năng đối phó linh hoạt với




mọi tình thế, có lối ứng xử mềm dẻo, cởi mở, dễ hội nhập. Người dân Việt Nam thông thường được bạn bè quốc tế đánh giá là học hỏi, tiếp thu nhanh, nắm bắt rất tốt và nhanh những công nghệ và thành tựu khoa học, kinh tế, kỹ thuật, công nghệ,... trong cả khu vực và trên thế giới, áp dụng rất tiến bộ các sản phẩm hiện đại, luôn đi tắt đón đầu những biến chuyển của thời đại. Tuy nhiên, mặt trái của lối sống sinh hoạt linh hoạt là làm nảy sinh thói quen tùy tiện. Tình trạng không tôn trọng giờ giấc, thường xuyên trễ giờ, thay đổi lịch làm việc, thay đổi tùy tiện hoặc thiếu tôn trọng các điều khoản đã ký trong hợp đồng, cũng như vi phạm luật giao thông,... không có gì là đáng ngạc nhiên với một người Việt thông thường.

- Văn hóa Việt Nam bị ảnh hưởng bởi tâm lý học để làm quan. Tâm lý coi trọng khoa bảng từ thời phong kiến nhìn chung vẫn còn ảnh hưởng nặng nề tới xã hội Việt Nam. Thói quen “học gạo”, học chỉ để lấy điểm cao thay vì học để lấy kiến thức, để tiếp thu tri thức xã hội đã ăn sâu, bám rễ trong tiềm thức của nhiều thế hệ, và đến nay vẫn để lại dấu ấn trong nhiều lớp học sinh, sinh viên Việt Nam. Điều đó khiến cho nhận thức của người Việt trẻ có rất nhiều hạn chế, đặc biệt trong việc học hỏi tinh hoa thế giới, chủ động tiếp cận công nghệ mới và bắt nhịp với tiến bộ xã hội. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp chỉ dựa vào bằng cấp và bảng điểm để tuyển dụng lao động. Có những công việc chỉ cần kỹ năng lành nghề với trình độ trung cấp hay cao đẳng nhưng các doanh nghiệp vẫn yêu cầu các ứng viên phải có bằng đại học hoặc cao hơn nữa, mặc dù sau khi đã tuyển dụng, các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đào tạo lại, do yêu cầu công việc đòi hỏi có tay nghề cao. Do đó, tâm lý “học để làm quan” ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nhân lực, các nguồn lực khác của xã hội và của chính bản thân các doanh nghiệp. Nhà nước Việt Nam trong một vài năm gần đây đã có nhiều cố gắng trong việc thay đổi, tiến tới xóa bỏ tâm lý này để thích nghi hơn với tiến bộ thế giới.

- Văn hóa Việt Nam mang đặc trưng của lối sống trọng tĩnh. Lối sống trọng tĩnh ảnh hưởng lên cách thức làm việc và kinh doanh của các cá nhân cũng như các doanh nghiệp. Người lao động Việt Nam thích làm những công việc có tính ổn định cao, không thích thay đổi chỗ làm việc nên nhiều người thích làm việc tại các doanh




nghiệp nhà nước cho dù vị trí làm việc chưa xứng đáng với khả năng và nguyện vọng của họ. Lối sống trọng tĩnh còn làm cho người Việt Nam có tính ôn hòa, ít khi dám trực tiếp bảo vệ ý kiến của mình.

- Việt Nam có nền văn hóa mang tính cộng đồng cao. Người Việt Nam rất quan tâm đến nhau, họ sẵn sàng quyên góp sức người sức của để giúp đỡ nhau khi hoạn nạn hoặc khó khăn. Các hoạt động xã hội nhận được nhiều sự ủng hộ và tham gia của mọi người. Tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, tương thân tương ái, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” đến nay vẫn được nêu cao khi một bộ phận nào đó trong xã hội gặp khó khăn, hoạn nạn, như lũ lụt ở miền Trung với các chương trình “hướng về miền Trung thân yêu”, hay thể hiện qua các chương trình nhằm khắc phục hậu quả của rét đậm rét hại tàn phá cuộc sống của những người dân miền núi phía Bắc, trong các chương trình xóa đói giảm nghèo của nhà nước, các chương trình từ thiện được tổ chức hàng năm bởi nhiều tổ chức khác nhau ở Việt Nam,...

- Người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng của tư tưởng gia tộc. Đối với mỗi người dân Việt Nam, gia đình có vị trí rất quan trọng. “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” là tâm lý chung của mỗi người Việt Nam. Coi trọng gia đình và chỉ quan tâm chăm lo cho gia đình của mình là lối suy nghĩ phổ biến của nhiều người dân Việt Nam. Tục ngữ Việt Nam có câu “an cư lạc nghiệp” hay tiếp thu tinh hoa Trung Quốc trong câu “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” để nhắc nhở rằng có gia đình ổn định mới có thể thành công được. Tâm lý này đã ảnh hưởng nhiều tới tâm lý làm việc của người lao động Việt Nam hiện nay. Việc giải quyết các công việc riêng tư trong giờ làm việc là khá phổ biến và sử dụng tài sản công vào các mục đích cá nhân không có gì là lạ. Ngoài ra, tâm lý này còn ảnh hưởng đến cả quyết định lựa chọn công việc của các nhân viên, nhất là đối với các nhân viên nữ, tâm lý chọn những công việc có nhiều thời gian rảnh để chăm lo gia đình được nâng lên thành chuẩn mực lựa chọn nghề nghiệp của họ.




- Người Việt Nam nhìn chung tôn trọng thứ bậc trong xã hội và có quan điểm thủ tiêu vai trò cá nhân. Sự thủ tiêu vai trò cá nhân trong cộng đồng khiến cho các thành viên không dám đi ngược lại ý kiến tập thể, họ phải cư xử và hành động theo các chuẩn mực và quy tắc của tập thể nên thiếu đi tính chủ động trong công việc, luôn luôn chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên, thậm chí còn sinh ra thói dựa dẫm ỷ lại vào tập thể. Tình trạng “cha chung không ai khóc” “khuyết điểm là do cả tập thể gây ra”... trở nên rất phổ biến trong các doanh nghiệp. Ngoài ra, sự thủ tiêu vai trò cá nhân trong tập thể khiến các nhân viên cũng như ban lãnh đạo có xu hướng che giấu đi những cá tính riêng độc đáo của mình, họ thường rụt rè, không dám nói lên suy nghĩ, chính kiến của mình tại các cuộc họp chính thức nhưng sau đó lại bàn tán, bình luận... Do tính ảnh hưởng tôn trọng thứ bậc trong xã hội nên giao tiếp trong nội bộ và trong kinh doanh của doanh nghiệp thường bị chi phối bởi quan hệ tuổi tác, địa vị xã hội...

- Một đặc điểm nữa là tư tưởng sùng bái thế lực tự nhiên và siêu nhiên. Do tư tưởng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” đã bám rễ sâu trong đời sống tinh thần người Việt Nam nên ngày nay vẫn có người tin vào các yếu tố thần linh, ngay cả với các cán bộ cấp cao. Ngoài ra, việc quyết định các mối quan hệ hợp tác dựa vào tuổi tác, vận hành ngày giờ,... cũng làm mất đi rất nhiều thời cơ, nhất là trong mối quan hệ hợp tác quốc tế.

2. Đôi nét về sản xuất và kinh doanh tại Việt nam

Hoạt động sản xuất và kinh doanh truyền thống ở Việt Nam được biết đến với ba ngành nghề chính là nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, đất đai khá phì nhiêu là môi trường tự nhiên thuận lợi cho kinh tế nông nghiệp trồng trọt, đặc biệt là trồng lúa nước phát triển tại Việt Nam. Phần lớn người dân trong xã hội trước đây sinh sống bằng nghề nông. Theo học giả Đào Duy Anh thì “phương pháp canh tác... xét bề ngoài thì đơn giản, chất phác, không tiến bộ chút nào mà kỳ thực rất tinh tế thích đáng, rất phù hợp với thổ nghi và hoàn cảnh ở nước ta, thực ra là kết quả của một cuộc kinh nghiệm kiên nhẫn dồn chứa từ thời thượng cổ...” Những kinh nghiệm canh tác, trồng trọt có thể dễ dàng




được tìm thấy trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam như “tua rua thì mặc tua rua, mạ già ruộng xấu không thua bạn điền” hay “tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà”,... Tuy nhiên, do trình độ công nghệ lạc hậu, đất đai manh mún, nên nông nghiệp chỉ phát triển theo hướng sản xuất nhỏ, với các công cụ lao động thủ công, năng suất thấp.

Nghề thủ công nghiệp ở Việt Nam đã xuất hiện từ lâu và cũng được mở rộng thêm trong quá trình giao lưu với Trung Quốc. Cũng theo học giả Đào Duy Anh, “tính chất đặc biệt nhất của công nghệ nước ta là gia đình công nghệ. Mỗi công xưởng là một gia đình, người làm việc đều là bà con trong một nhà, ở dưới quyền gia trưởng chứ không có chủ và thợ”. Người Việt Nam được tiếng là chăm làm và khéo tay nhưng nghề thủ công nghiệp ở Việt Nam không phát triển.

Thương mại Việt Nam thời phong kiến không mấy được coi trọng. Thương nhân thời kỳ đó thường bị xã hội coi thường, khinh rẻ, bị xếp vào hàng cuối cùng trong hệ thống các nghề trong xã hội. Kinh tế hầu như không phát triển. Do chính sách bế quan tỏa cảng của các triều đại phong kiến, ngoại thương không có điều kiện để phát triển, chủ yếu là nội thương. Tuy nhiên, do tình hình canh tác manh mún, chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, thủ công nghiệp không mấy phát triển, nên kéo theo một kết quả là nhu cầu thương mại của người dân không cao, cộng thêm thái độ thiếu coi trọng kinh doanh, tâm lý “trọng nông, ức thương” nặng nề,... tất yếu thiếu điều kiện để kinh tế phát triển.

Dưới thời kỳ Pháp thuộc, kinh tế Việt Nam có bước phát triển hơn so với thời kỳ phong kiến. Các ngành nghề kinh doanh được mở rộng và đa dạng hóa hơn. Việt Nam bắt đầu mở rộng ngoại thương với các hoạt động xuất nhập khẩu. Hoạt động đầu tư nước ngoài được tiến hành bởi các nhà tư sản Pháp với sự trợ giúp của chính quyền thực dân mang tính cưỡng bức, chủ yếu phục vụ lợi ích của thực dân Pháp. Tuy nhiên, thời điểm này cũng đã hình thành một tầng lớp tư sản dân tộc, bước đầu tham gia vào ngành thương mại với quy mô lớn, và cả hoạt động xuất nhập khẩu, không còn phụ thuộc vào thương nhân ngoại quốc nữa.




Giai đoạn 1954 - 1975 do hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh nên kinh tế hầu như không phát triển. Ở miền Bắc, hoạt động ngoại thương chủ yếu được tiến hành với các nước xã hội chủ nghĩa, xuất khẩu manh mún, lẻ tẻ, chủ yếu là nhập khẩu lương thực, hàng tiêu dùng, tư liệu sản xuất để phục vụ cho nhu cầu nội địa. Do cơ chế quan liêu bao cấp nên hoạt động sản xuất rất kém hiệu quả. Các ngành nghề khác hầu như không phát triển được. Hoạt động đầu tư nước ngoài hầu như không có. Lực lượng tư sản dân tộc hình thành trong thời Pháp thuộc đã hoàn toàn bị triệt tiêu. Kinh tế tư nhân bị hạn chế ở mức thấp nhất, nghề kinh doanh bị xã hội nhìn bằng cặp mắt nghi ngờ, thiếu thiện cảm.

Ở miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy hoạt động kinh doanh tương đối phát triển, buôn bán với các nước khá phát đạt. Tuy nhiên, sau khi đất nước thống nhất năm 1975 do cơ chế bao cấp và tư duy kinh tế lạc hậu, hoạt động kinh doanh quốc tế ở miền Nam bị gián đoạn, chủ yếu kinh doanh theo mô hình bao cấp của nhà nước nên kinh doanh quốc tế trên toàn quốc đều ở trình độ yếu kém, không theo kịp trình độ phát triển của thế giới.

Kể từ khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là sau năm 1991, với sự sụp đổ của Liên Xô và khối nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam mới thực sự được nhìn nhận đúng đắn và được cung cấp những điều kiện cần thiết để phát triển. Vai trò của thương nhân được nâng cao rõ rệt. Thương nhân trở thành một lực lượng chủ đạo trong sự nghiệp phát triển đất nước. Nghề kinh doanh được xã hội coi trọng. Những doanh nhân thành đạt nhận được nhiều sự kính trọng và nể phục của người dân. Bước vào thế kỷ 21 với sự kiện hiệp định thương mại Việt - Mỹ được ký kết, Việt Nam chính thức tham gia vào APEC, gia nhập WTO, cùng bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động kinh doanh của Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển nhiều hơn nữa. Các ngành nghề kinh doanh mới được hình thành. Hệ thống kinh doanh được mở rộng và hoàn thiện hơn, đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và tăng cường vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/09/2022