Tác động của cấu trúc vốn đến mức độ bền vững và hiệu quả xã hội (spi) của các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam - 1

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM


HỌC VIỆN NGÂN HÀNG

---------


NGUYỄN BÍCH NGỌC


TÁC ĐỘNG CỦA CẤU TRÚC VỐN ĐẾN MỨC ĐỘ BỀN VỮNG VÀ HIỆU QUẢ XÃ HỘI (SPI) CỦA CÁC TỔ CHỨC

TÀI CHÍNH VI MÔ TẠI VIỆT NAM


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 41 trang tài liệu này.

Chuyên ngành: Tài chính - Ngân hàng Mã ngành: 9 34 02 01


Tác động của cấu trúc vốn đến mức độ bền vững và hiệu quả xã hội (spi) của các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam - 1

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ KINH TẾ


Hà Nội, 2021

CÔNG TRÌNH ĐƯỢC HOÀN THÀNH TẠI HỌC VIỆN NGÂN HÀNG


Người hướng dẫn khoa học:


1. PGS.TS. ĐÀO VĂN HÙNG


2. PGS.TS. LÊ THANH TÂM


Phản biện 1: ............................................................


Phản biện 2: ............................................................


Phản biện 3: ............................................................


Luận án được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp cơ sở vào hồi …… giờ ngày

…. tháng …. năm ….. tại Học viện Ngân hàng.


Có thể tìm hiểu luận án tại:


- Thư viện Học viện Ngân hàng


- Thư viện quốc gia


LỜI MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

1.1 Yêu cầu nghiên cứu lý luận

Tại các quốc gia trên thế giới và đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, tài chính đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nói chung (Agnello và cộng sự, 2012; Ashta, 2010) và xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nói riêng (Ledgerwood, 2013; Chowdhury, 2009). Tuy nhiên, nếu như mức độ tiếp cận với các dịch vụ tài chính cũng như phạm vi dịch vụ bị hạn chế thì lại có thể kìm hãm sự phát triển của cá nhân, doanh nghiệp, và tỉ lệ người nghèo trong xã hội cũng vì thế mà tăng lên. Chính vì vậy phát triển một hệ thống tài chính toàn diện, đáp ứng nhu cầu của tất cả các cá nhân trong xã hội là mục tiêu mà bất kì nền kinh tế nào cũng muốn hướng tới.

Trong xu hướng đó, đối tượng người nghèo, người có thu nhập thấp nhận được sự quan tâm nhiều hơn cả, bởi còn nhiều rào cản như trình độ, mức độ rủi ro hay giới tính… hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính từ khu vực được cấp phép của những đối tượng này. Chính vì vậy, vào khoảng thế kỷ thứ 17, tài chính vi mô đã được ra đời nhằm giúp người nghèo dễ dàng tiếp cận hơn với các dịch vụ tài chính. Mô hình này sau đó đã nhanh chóng phát triển và lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới.

Cụ thể, qua quá trình hoạt động, số liệu thống kê của Microfinance Barometer cho thấy các tổ chức tài chính vi mô trên thế giới đã cung ứng dịch vụ cho khoảng 136 triệu khách hàng thu nhập thấp vào năm 2016 và 139 triệu khách hàng vào năm 2017. Cũng theo thống kê này, tỉ lệ tăng trưởng về số lượng khách hàng của MFIs cho hai năm 2016 và 2017 lần lượt là 9.6% và 5.6%. Như vậy, có thể thấy mặc dù số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ từ các tổ chức tài chính vi mô trên thế giới vẫn đang trên đà tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại dần. Quan trọng hơn, khi so sánh giữa quy mô khách hàng hiện nay của tổ chức tài chính vi mô với tỉ lệ 10.9% người trên thế giới đang phải sống dưới mức thu nhập $2/ngày theo thống kê của tỉ lệ người nghèo trên thế giới vào năm 2018, rõ ràng đối tượng người nghèo được tiếp cận với dịch vụ tài chính vi mô vẫn còn rất nhỏ so với nhu cầu.

Chính vì vậy, việc duy trì hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô trong dài hạn để có thể phục vụ nhiều hơn nữa khách hàng có thu nhập thấp trong tương lai là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Trong đó Crabb (2007); Daher và Le Saout (2013) và Quayes (2015) đều nhấn mạnh đạt được bền vững chính là chìa khóa của vấn đề bởi chỉ khi các tổ chức tài chính vi mô hoạt động bền vững, họ mới có thể phục vụ khách hàng trong một thời gian dài (Rhyne, 1998; Meyer, 2002) và giúp cho khách hàng của họ


thoát nghèo một cách bền vững. Quan điểm này cũng hoàn toàn đồng nhất với kết luận được đưa ra bởi các nhà nghiên cứu trong nước như Nguyễn Kim Anh và cộng sự (2013) và Nguyễn Kim Anh và cộng sự (2012) khi các tác giả khẳng định đạt được sự bền vững chính là cơ sở nền tảng để các tổ chức tài chính vi mô có thể phục vụ thêm được nhiều khách hàng hơn nữa trong tương lai.

Tuy nhiên, Ndanyenbah (2017) trong nghiên cứu về sự biến đổi, sụp đổ và bền vững tài chính của MFIs chỉ ra rằng từ những năm 1990 khi mà các nhà tài trợ và Chính Phủ cho thấy không còn đủ nguồn để tài trợ cho người nghèo thông qua hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, thì cấu trúc vốn đã thực sự trở thành thách thức đối với các tổ chức tài chính vi mô trên con đường đạt được sự bền vững. Điều này đã dẫn tới nhu cầu tìm kiếm các nguồn vốn từ bên ngoài để phục vụ cho hoạt động của MFIs. Tuy nhiên, cũng trên con đường thương mại hóa, vấn đề đảm bảo hiệu quả xã hội của MFIs cũng là đề tài được nhiều nhà nghiên cứu lưu tâm, bởi quan điểm hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ động lực và mục tiêu của các nhà tài trợ khác nhau (Jasmina Devinck, 2013). Do đó, sự thay đổi trong cấu trúc vốn của MFIs hẳn nhiên có những tác động nhất định đến định hướng phát triển cả về bền vững tài chính và hiệu quả xã hội của các tổ chức tài chính vi mô trong tương lai.

1.2 Yêu cầu nghiên cứu thực tiễn

Được hình thành từ khá sớm vào giai đoạn những năm 1980, hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam đã trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển với những thành quả đáng ghi nhận như giá trị tổng tài sản không ngừng tăng lên, số lượng khách hàng được tiếp cận với các dịch vụ tài chính và phi tài chính tại các tổ chức tài chính vi mô cũng tăng trưởng liên tục qua các năm (Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Hải, 2016), công tác triển khai các sản phẩm, dịch vụ như tín dụng, huy động tiết kiệm cũng nhận được đánh giá ngày càng cao từ phía khách hàng (VMFWG, 2017).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, hoạt động của tổ chính tài chính vi mô tại Việt Nam trong những năm gần đây cũng vấp phải những khó khăn và tồn tại những hạn chế nhất định. Cụ thể, thời điểm năm 2010 khi nước ta được cấp phép bước vào hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình với nguồn vốn ưu đãi của tổ chức Phi Chính Phủ nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng thu hẹp dần, thì việc tìm kiếm các nguồn vốn để duy trì hoạt động của các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô bắt đầu trở nên khó khăn hơn. Điều này đã tạo nên thách thức cho các tổ chức trong việc phải nhanh chóng thích nghi, và tìm kiếm các nguồn vốn mới thay thế nhằm duy trì hoạt động trong dài hạn. Tuy nhiên, để tiếp cận với các nguồn vốn từ thị trường, yêu cầu đặt ra cho các tổ chức là phải đáp ứng các quy định về hoạt động và chế độ tài chính theo yêu cầu của pháp luật – những điều kiện mà


không phải trong thời gian ngắn các tổ chức có thể đáp ứng được. Bên cạnh đó, đa phần các tổ chức tài chính vi mô đều chưa có định hướng cụ thể về việc nên lựa chọn và phát triển nguồn vốn nào trong tương lai. Chính vì vậy, công tác quản lý và phát triển nguồn vốn phục vụ cho hoạt động của tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam thực sự là một thách thức đối với lãnh đạo của MFIs.

Hơn thế nữa, trong bối cảnh nguồn vốn gặp khó khăn, các nhà quản lý của các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam còn phải đối mặt với áp lực đảm bảo cân bằng giữa bền vững tài chính và hiệu quả xã hội bởi đây chính là nguồn gốc sức mạnh của ý tưởng về tài chính vi mô (Sinha, 2006). Cụ thể, cũng trong khoảng thời gian từ 2010 trở về đây, số liệu thu thập được từ Danh bạ tài chính vi mô của Nhóm công tác tài chính vi mô Việt Nam cho thấy khả năng bù đắp các chi phí hoạt động từ thu nhập hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Bên cạnh đó, chỉ số hiệu quả xã hội theo tính toán của tác giả cũng có chiều hướng đi xuống. Xuất phát từ thực tiễn đó, việc tiến hành nghiên cứu thực trạng cấu trúc vốn của tổ chức tài chính vi mô, và đặc biệt tác động của từng nguồn vốn đến mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của tổ chức tài chính vi mô để có những định hướng, khuyến nghị phù hợp cho tổ chức tài chính vi mô trong việc lựa chọn và phát triển nguồn vốn là điều cần thiết. Do đó, tác giả đã quyết định lựa chọn đề tài “Tác động của cấu trúc vốn đến mức độ bền vững và hiệu quả xã hội (SPI) của các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam” làm đề tài nghiên cứu.

2. Tổng quan tình hình nghiên cứu, khoảng trống trong lĩnh vực nghiên cứu

2.1. Tổng quan nghiên cứu về cấu trúc vốn và mức độ bền vững của tổ chức tài chính vi mô

2.1.1 Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài

Các nghiên cứu về tác động của cấu trúc vốn đến mức độ bền vững của tổ chức tài chính vi mô đã nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu quốc tế; trong đó, các nghiên cứu có thể được thực hiện trong phạm vi một quốc gia hoặc nhiều quốc gia khác nhau.

Đại diện cho các nhà nghiên cứu phân tích tác động của cấu trúc vốn đến mức độ bền vững của MFIs tại nhiều quốc gia khác nhau là Bogan (2012), Iezza (2010), Muriu (2011) và Tehulu (2013) với các kết quả khá đa dạng với tác động của từng cấu phần nguồn vốn (vốn chủ sở hữu, vốn huy động, nợ vay) đến mức độ bền vững là không đồng nhất. Tuy nhiên, phần lớn các kết quả đều cho thấy vón huy động có tác động tích cực, trong khi nợ vay có tác động tiêu cực tới mức độ bền vững.

Thực hiện nghiên cứu tác động của cấu trúc vốn đến mức độ bền vững chỉ trong phạm vi một quốc gia, kết quả nghiên cứu của Nyamsogoro (2010), Sekabira (2013), Kinde (2012), Kidzuga (2011), Kyereboah – Coleman (2007), Mwizarubi và cộng sự


(2015) và Hosain và Asam (2016) cũng không thống nhất bởi những sự khác biệt trong môi trường hoạt động tại mỗi nước. Tuy nhiên, phần lớn các kết quả cũng khẳng định vốn huy động từ tiền gửi đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy mức độ bền vững của MFIs.

2.1.2 Tình hình nghiên cứu ở trong nước

Kế thừa các mô hình nghiên cứu về phân tích về mức độ bền vững của MFIs trên thế giới, các nghiên cứu trong nước cũng đã tiến hành phân tích thực trạng hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính vi mô tại Việt Nam bao gồm các tổ chức tín dụng nói chung và tổ chức tài chính vi mô, tổ chức tài chính vi mô được cấp phép nói riêng. Đại diện tiêu biểu cho các nhà nghiên cứu lĩnh vực này trong nước gần đây gồm Đào Lan Phương (2019), Nguyễn Quỳnh Phương (2017) và Phan Thị Hồng Thảo (2019).

Kết quả từ các bài nghiên cứu là khá tương đồng khi cùng chung nhận định vốn chủ sở hữu có tác động thuận chiều đến mức độ bền vững của tổ chức, trong khi vốn vay thì không.

Qua phân tích các nghiên cứu trước đây tác giả nhận thấy có một số điểm chính sau:

- Thứ nhất, đa phần kết quả của các nghiên cứu trước đây đều chỉ ra rằng nhóm biến cấu trúc vốn có tác động mạnh đến mức độ bền vững của các tổ chức tài chính vi mô; tuy nhiên, chiều tác động của các biến về cấu trúc vốn là không tương đồng cũng như không có sự thống nhất hoàn toàn trong kết quả của các nghiên cứu tại các quốc gia khác nhau. Điều này xuất phát từ thực tế khác biệt trong điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, cũng như đặc điểm hoạt động của tổ chức tài chính vi mô tại mỗi đất nước. Chính vì vậy, việc tập trung nghiên cứu tác động của cấu trúc vốn đến mức độ bền vững của các tổ chức tài chính vi mô có cùng môi trường hoạt động sẽ giúp nhận diện chính xác hơn chiều hướng tác động của cấu trúc vốn đến mức độ bền vững.

- Thứ hai, các nghiên cứu ngoài nước đa phần thực hiện nghiên cứu ở phạm vi rộng, nhiều quốc gia với mỗi quốc gia có những quy định và điều kiện hoạt động tài chính vi mô khác nhau; chính vì vậy, các nghiên cứu chưa đưa ra được các giải pháp, cũng như khuyến nghị phù hợp nhằm cải thiện mức độ bền vững dựa trên nhóm biến về cấu trúc vốn. Bên cạnh đó, các nghiên cứu trong nước hiện tại chưa nghiên cứu nào tập trung vào khai thác sâu tác động của cấu trúc vốn đến mức độ bền vững của tổ chức tài chính vi mô; do đó, việc đưa ra các khuyến nghị phù hợp nhằm thúc đẩy mức độ bền vững dựa trên cấu trúc vốn của tổ chức còn khá hạn chế.

2.2 Tổng quan nghiên cứu cấu trúc vốn và hiệu quả xã hội của tổ chức tài chính vi mô

2.2.1 Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài

Nghiên cứu về mối quan hệ giữa đầu tư tư nhân và sự phát triển của tổ chức tài chính vi mô, Bérengère Basset và Julien Lefilleur (2009) nhận định thu hút nguồn vốn từ


các nhà đầu tư tư nhân là cần thiết đối với sự phát triển của tổ chức tài chính vi mô. Tuy nhiên, các tác giả cũng lưu ý sự can thiệp của khu vực tư nhân đôi khi gây ra những bất lợi trong việc thực hiện sứ mệnh xã hội của MFI. Chính vì vậy việc phân tích các yếu tố tác động đến hiệu quả xã hội của MFIs trong đó có cân nhắc tới tác động của cấu trúc vốn cũng đa thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước.

Điều đặc biệt là các nghiên cứu nước ngoài nghiên cứu về đề tài này thường được thực hiện trên dữ liệu mẫu tại nhiều quốc gia (Hartarska và Nadolnyak (2007); Khachatryan và cộng sự (2017); Hoque và Chisty (2011); Bogan (2012); Adair và Berguiga (2013), Bibi và cộng sự (2018), Awaworyi và Marr (2012). Chính vì vậy, kết quả tác động cũng khá đa dạng. Bên cạnh đó việc lựa chọn biến đại diện cho hiệu quả xã hội của các tổ chức tài chính vi mô cũng không có sự thống nhất giữa các nghiên cứu, khiến cho kết quả cũng tương đối khác biệt.

2.2.2 Tình hình nghiên cứu ở trong nước

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp bên cạnh việc thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng không ngừng thể hiện sự quan tâm của mình đối với xã hội. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa khi số lượng các doanh nghiệp, các công ty đa quốc gia gia nhập vào Việt Nam càng nhiều, thì xu hướng này lại càng được thúc đẩy mạnh mẽ. Tuy nhiên, có phần khác biệt với các quốc gia khác khi hiệu quả xã hội của tổ chức được quan tâm đánh giá trên cả bốn phương diện gồm cải thiện mức độ tiếp cận, chất lượng phục vụ, mang lại lợi ích cho khách hàng và cải thiện trách nhiệm xã hội, thì đa phần các nghiên cứu tại Việt Nam về mảng xã hội của doanh nghiệp mới chỉ trọng tậm vào nội dung về trách nhiệm xã hội. Còn trong lĩnh vực tài chính vi mô, các nghiên cứu về hiệu quả xã hội của MFIs cũng chưa nhiều.

Cụ thể, tại Việt Nam các nghiên cứu có đề cập về hiệu quả xã hội của MFIs bao gồm Lebovics và cộng sự (2016) và Phạm Bích Liên (2016). Tuy nhiên, việc đánh giá hiệu quả xã hội mới chỉ dừng lại ở đánh giá dựa trên mức độ tiếp cận, ngoài ra, sự tác động của cấu trúc vốn đến hiệu quả xã hội của chưa được nghiên cứu.

Thông qua phân tích các nghiên cứu trước đây tác giả nhận thấy có một số điểm chính sau:

Thứ nhất, các quan điểm về khái niệm và cách thức đo lường hiệu quả xã hội của tổ chức tài chính vi mô là khá đa dạng với hai phương pháp đo lường tiếp cận phổ biến là thông qua độ rộng hoặc độ sâu tiếp cận và thông qua bộ chỉ số đánh giá hiệu quả xã hội của tổ chức. Tuy nhiên, mỗi phương pháp tiếp cận đều có những ưu và nhược điểm riêng; do đó, tùy theo điều kiện về sự phù hợp của dữ liệu mà các nhà nghiên cứu lựa chọn phương pháp đánh giá cho phù hợp. Tại Việt Nam, các nghiên cứu về đánh giá hiệu quả xã hội của tổ


chức tài chính vi mô chưa nhiều; quan trọng hơn, các nghiên cứu mới chỉ dừng lại đánh giá hiệu quả xã hội của MFIs thông qua mức độ tiếp cận nên mức độ khái quát hóa chưa cao.

- Thứ hai, trong các nghiên cứu về hiệu quả xã hội của tổ chức tài chính vi mô, số lượng các nghiên cứu chứng minh tác động rõ nét của cấu trúc vốn lên hiệu quả xã hội của MFIs là tương đối nhiều; qua đó, có thể thấy cấu trúc vốn là một trong các biến quan trọng có tác động đến hiệu quả xã hội của MFIs. Tuy nhiên, hầu như chưa có nghiên cứu nào tập trung nghiên cứu về tác động này tại Việt Nam.

2.3 Khoảng trống nghiên cứu

Thông qua việc tìm hiểu các nghiên cứu cả trong và ngoài nước, tác giả rút ra một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu như sau:

Thứ nhất, bổ sung khung lý thuyết về hiệu quả xã hội của tổ chức tài chính vi mô.

Thứ hai, xây dựng chỉ tiêu đo lường hiệu quả xã hội của các tổ chức tài chính vi mô.

Thứ ba, bổ sung nghiên cứu về tác động của cấu trúc vốn lên đồng thời cả mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của MFIs.

3. Mục tiêu nghiên cứu

- Mục tiêu tổng quát: Nghiên cứu tập trung đưa ra các khuyến nghị phù hợp về cấu trúc vốn của tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam để nâng cao mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của các tổ chức này.

- Mục tiêu cụ thể:

(i) Hoàn thiện khung lý thuyết về cấu trúc vốn, mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam;

(ii) Phân tích và đánh giá thực trạng cấu trúc vốn, mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam dựa trên bộ tiêu chí;

(iii) Đánh giá tác động của cấu trúc vốn đến mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam qua mô hình kinh tế lượng;

(iv) Đề xuất hệ thống khuyến nghị nhằm nâng cao mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam.

4. Câu hỏi nghiên cứu

Câu hỏi 1 (Q1): Cấu trúc vốn tác động thế nào đến mức độ bền vững của tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam?

Câu hỏi 2 (Q2): Cấu trúc vốn tác động thế nào đến hiệu quả xã hội (SPI) của các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam?

Câu hỏi 3 (Q3) Các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam nên thay đổi cấu trúc vốn theo hướng như thế nào để đảm bảo được mức độ bền vững và hiệu quả xã hội?


5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

5.1 Đối tượng nghiên cứu

- Cấu trúc vốn, mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam.

- Tác động của cấu trúc vốn đến mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam.

5.2 Phạm vi nghiên cứu

- Về nội dung: cấu trúc vốn, mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của các tổ chức TCVM được cấp phép theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước và các quỹ xã hội hoạt động tài chính vi mô, chương trình tài chính vi mô chuyên trách nhưng chưa đăng kí thành lập tổ chức tài chính vi mô.

- Về không gian: Đề tài tập trung nghiên cứu các tổ chức tài chính vi mô được cấp phép theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng 2010 và các quỹ xã hội hoạt động tài chính vi mô, chương trình tài chính vi mô chuyên trách nhưng chưa đăng kí thành lập tổ chức tài chính vi mô.

- Về thời gian:

+ Nghiên cứu thực trạng cập nhật cho giai đoạn 2011 – 2019

+ Đánh giá tác động của cấu trúc vốn đến mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam giai đoạn 2011 – 2017. Dữ liệu của đề tài chủ yếu dựa vào dữ liệu thứ cấp được công bố trong ấn phẩm Danh bạ các tổ chức tài chính vi mô được xuất bản bởi Nhóm công tác tài chính vi mô tại Việt Nam; tuy nhiên, tại thời điểm nghiên cứu ấn phẩm mới chỉ công bố dữ liệu đến năm 2017. Chính vì vậy, số liệu sử dụng trong mô hình phân tích tác động của cấu trúc vốn đến mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam chỉ mới cập nhật tới 2017.

+ Đề xuất khuyến nghị đến năm 2025.

6. Phương pháp nghiên cứu

6.1 Thiết kề nghiên cứu

Quy trình nghiên cứu tác động của cấu trúc vốn đến mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam được cụ thể hóa gồm các bước như sau:


Sơ đồ 1: Quy trình nghiên cứu


Tổng quan nghiên cứu

Tác động của cấu trúc vốn đến mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của MFIs


Khoảng trống nghiên cứu


Xác định chủ đề nghiên cứu

“Tác động của cấu trúc vốn đến mức độ bền vững và hiệu quả xã hội (SPI) của MFIs tại Việt Nam”


Nghiên cứu lý thuyết

- Thu thập tài liệu về chủ đề nghiên cứu qua sách, báo, hội thảo..

- Phân loại, sắp xếp tài liệu theo từng chủ đề

- Tổng hợp thông tin để hình thành khung lý thuyết của luận án

Nghiên cứu lý thuyết



Xây dựng khung lý thuyết của luận án

Lực chọn, thiết kế mô hình nghiên cứu phù hợp



Thu thập dữ liệu thứ cấp (VMFWG, The Mix)

So sánh, phân tích chỉ số

- Phân tích hồi quy các nhân tố ảnh hưởng bằng mô hình FEM và REM.

- Kiểm định Hausman để lựa chọn mô hình.

Nghiên cứu cuối cùng

Nghiên cứu thực tiễn

Hoàn thiện nghiên

Thực hiện phỏng vấn chuyên sâu với chuyên gia và lãnh đạo của MFIs tại Việt Nam


6.2 Phương pháp nghiên cứu

6.2.1 Phương pháp thu thập dữ liệu

Luận án tập trung khai thác dữ liệu từ hai nguồn chính gồm dữ liệu thứ cấp về MFIs Việt Nam được cung cấp bởi các tổ chức có uy tín, và dữ liệu được thu thập từ quá trình tác giả thực hiện phỏng vấn chuyên sâu với đại diện của các tổ chức tài chính vi mô, cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính vi mô tại Việt Nam.

Thứ nhất, đối với nguồn dữ liệu thứ cấp, căn cứ vào các nghiên cứu về tài chính vi mô trong và ngoài nước, tác giả nhận thấy hai nguồn dữ liệu chính được các nhà nghiên cứu tin dùng là Danh bạ các tổ chức tài chính vi mô Việt Nam được phát hành bởi Trung tâm Tư vấn nguồn lực Tài chính vi mô Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa (tiền thân là Nhóm Công tác Tài chính vi mô Việt Nam – VMFWG) và MIX market – chuyên trang cung cấp dữ liệu về các tổ chức tài chính vi mô trên thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian luận án được thực hiện, trang MIX Market đã có sự chuyển đổi trong quản lý dữ liệu về tài chính vi mô sang cho Ngân hàng thế giới; và dự kiến đến cuối năm 2019, bộ dữ liệu này mới được công bố trên trang web được cấp phép của World Bank. Do đó, nguồn dữ liệu thứ cấp chính được sử dụng trong nghiên cứu này được thu thập từ Danh bạ các tổ chức tài chính vi mô Việt Nam.

Thứ hai, đối với nguồn dữ liệu sơ cấp, tác giả đã tiến hành phỏng vấn chuyên sâu với đại diện của các tổ chức tài chính vi mô cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính vi mô tại Việt Nam để luận án có được góc nhìn bao quát nhất về hoat động của các tổ chức dưới cả giác độ chuyên gia, nhà quản lý và các tổ chức hoạt động thực tiễn. Qua đó, góp phần củng cố thêm cho việc phân tích thực trạng hoạt động của tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam. Cụ thể, tác giả đã thực hiện cả hình thức phỏng vấn trực tiếp và gửi bảng khảo sát qua email tới các tổ chức tài chính vi mô để thu thập các thông tin liên quan đến cấu trúc vốn; hoạt động của tổ chức tài chính vi mô; những vướng mắc, kiến nghị của tổ chức trong quá trình hoạt động và kết quả hoạt động của tổ chức trong giai đoạn 2018 – 2019 (nội dung câu hỏi cụ thể được thể hiện trong phụ lục 6).

6.2.2 Phương pháp phân tích dữ liệu

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu đề ra, tác giả đã tiến hành sử dụng đồng thời cả phương pháp phân tích định tính và phương pháp định lượng. Cụ thể như sau:

- Phương pháp nghiên cứu định tính:

+ Phương pháp phân tích, tổng hợp lý thuyết: Trong luận án, tác giả đã tiến hành nghiên cứu các sách, báo, tài liệu nghiên cứu khác nhau về cấu trúc vốn, mức độ bền vững


và hiệu quả xã hội của doanh nghiệp nói chung và tổ chức tài chính vi mô nói riêng; qua đó, tác giả hình thành nên cơ sở lý thuyết cho luận án tại chương 1. Đặc biệt các nghiên cứu về lý thuyết và thực nghiệm tác động của cấu trúc vốn đến mức độ bền vững và hiệu quả xã hội cũng được tác giả tổng hợp và phân tích cụ thể để lựa chọn ra mô hình nghiên cứu phù hợp cũng như xây dựng khung phân tích và hình thành các giả thuyết khoa học cho luận án.

+ Phương pháp so sánh, phân tích chỉ số: Dựa trên bộ dữ liệu thứ cấp thu thập được từ danh bạ các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam, và dữ liệu từ các cuộc phỏng vấn chuyên sâu với lãnh đạo tại các tổ chức tài chính vi mô, tác giả đã sử dụng phương pháp so sánh để xác định xu hướng, mức độ biến động của các chỉ tiêu về cấu trúc vốn, mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của tổ chức tài chính vi mô rtong khoảng thời gian từ 2011 đến 2019 tại chương 2.

- Phương pháp nghiên cứu định lượng: Luận án sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính thông thường (OLS), mô hình tác động cố định (FEM) và mô hình tác động ngẫu nhiên (REM) để xử lý dữ liệu bảng bao gồm dữ liệu chéo là các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam và dữ liệu chuỗi thời gian từ 2011 đến 2017. Bên cạnh đó, luận án cũng sử dụng kiểm định Hausman để lựa chọn mô hình phù hợp giữa 3 mô hình trước khi phân tích tác động của cấu trúc vốn đến mức độ bền vững và hiệu quả xã hội tại chương 3.

7. Đóng góp mới của luận án

Trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu trong và ngoài nước hiện có về cấu trúc vốn, mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của tổ chức tài chính vi mô, luận án có những đóng góp mới cả về lý luận và thực tiễn như sau:

Thứ nhất, trong nội dung cơ sở lý thuyết, luận án đã làm rõ được khái niệm cấu trúc vốn, mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của tổ chức tài chính vi mô.

Thứ hai, luận án đã xây dựng mô hình mô phỏng cơ chế tác động của cấu trúc vốn đến mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của tổ chức tài chính vi mô. Lý thuyết M&M, lý thuyết đánh đổi và lý thuyết trật tự phân hạng là các lý thuyết thường được sử dụng trong các nghiên cứu về cấu trúc vốn tại doanh nghiệp nói chung và tổ chức tài chính vi mô nói riêng. Tuy nhiên, cơ chế tác động của cấu trúc vốn đến hiệu quả hoạt động của tổ chức tài chính vi mô có khác biệt so với doanh nghiệp, và vấn đề này chưa được đề cập tại các công trình nghiên cứu khác. Luận án đã đi sâu làm rõ những điểm nổi bật trong cơ cấu nguồn vốn của tổ chức tài chính vi mô. Đây là nền tảng quan trọng để tiếp tục phân tích và đặc biệt là xây


dựng mô hình mô phỏng tác động của cấu trúc vốn đến mức độ bền vững và hiệu quả hoạt động tại các tổ chức tài chính vi mô.

Thứ ba, luận án sử dụng nguồn dữ liệu thứ cấp từ danh bạ các tổ chức tài chính vi mô Việt Nam kết hợp cùng dữ liệu thu thập được từ quá trình phỏng vấn với chuyên gia và các nhà quản lý tổ chức tài chính vi mô để đánh giá thực trạng cấu trúc vốn, mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của MFIs tại Việt Nam. Các khía cạnh trên được luận án so sánh và phân tích giữa hai nhóm tài chính vi mô được cấp phép và tổ chức tài chính vi mô có đăng kí. Qua đây có thể thấy, mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của cả hai nhóm tổ chức đều có xu hướng giảm dần.

Thứ tư, luận án phát triển mô hình đánh giá tác động của cấu trúc vốn đến mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam dựa trên lý thuyết, quá trình khảo lược các nghiên cứu trước đây, và đặc biệt là thực trạng hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam.

Thứ năm, luận án đã đề xuất các khuyến nghị nhằm nâng cao mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam theo 2 hướng là khuyến nghị đối với các tổ chức tài chính vi mô và khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó dựa trên kết quả của mô hình nghiên cứu, khuyến nghị được đưa ra đối với các tổ chức tài chính vi mô là tập trung vào phát triển nguồn vốn huy động. Bên cạnh đó, dựa trên tài liệu phân tích thực trạng hoạt động của tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam và nhận định của các chuyên gia cùng nhà lãnh đạo, quản lý của MFIs, khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý Nhà nước tập trung vào tạo điều kiện để các tổ chức tài chính vi mô dễ dàng tiếp cận và thu hút thêm được nhiều nguồn vốn huy động từ thị trường.

8. Kết cấu luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án được kết cấu thành 4 chương

Chương 1: Cơ sở lý thuyết về cấu trúc vốn, mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của tổ chức tài chính vi mô.

Chương 2: Thực trạng cấu trúc vốn, mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam

Chương 3: Đánh giá tác động của cấu trúc vốn đến mức độ bền vững và hiệu quả xã hội của các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/04/2022