Theo Beck (2004), sự mất ổn định và dễ vỡ của các tổ chức tài chính và các NHTM riêng lẻ đang ngày càng trở nên đáng lo ngại vì nó đặt mạng lưới an toàn tài chính quốc gia dưới áp lực lớn. Một số cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng có hệ thống đã bắt đầu từ khủng hoảng tại các ngân hàng riêng lẻ. Hơn nữa, sự thất bại của các ngân hàng quốc tế lớn có mặt tại một số quốc gia có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hoạt động tài chính xuyên biên giới, như nghiên cứu của Herstatt (1974) đã chỉ ra.
Dựa trên các nghiên cứu của Boyd & Graham (1986), Hannan & Hanweck (1988), đã có một số nghiên cứu sử dụng chỉ số Z-score nhằm đo lường mức độ ổn định tài chính của các NHTM.
Ổn định tài chính trong hoạt động của các NHTM có thể được đo lường bằng khả năng phá sản của ngân hàng. Nghiên cứu của Boyd, De Nicolo và Jalal (2006) sử dụng Z-score, là tỷ lệ vốn trên tổng tài sản cộng lợi nhuận trên tổng tài sản, chia cho độ lệch chuẩn của lợi nhuận trên tài sản. Kết quả của chỉ số này cho biết số độ lệch chuẩn trong lợi nhuận trên tổng tài sản mà một ngân hàng cách với khả năng phá sản, từ đó đo lường khả năng vỡ nợ của ngân hàng.
Hesse và Cihak (2007) phân tích thực nghiệm vai trò của các ngân hàng hợp tác trong việc ổn định tài chính. Các tính toán được dựa trên dữ liệu của từng ngân hàng được lấy từ cơ sở dữ liệu BankScope, do Bureau van Dijk cung cấp, bao gồm dữ liệu của các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác và ngân hàng tiết kiệm trong cơ sở dữ liệu từ 29 nền kinh tế tiên tiến và thị trường mới nổi là các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tổng cộng là 16.577 ngân hàng từ năm 1994 đến năm 2004, bao gồm 11.090 ngân hàng thương mại, 3.072 ngân hàng hợp tác, và 2.415 ngân hàng tiết kiệm. Nghiên cứu sử dụng Z-score để đo lường xác suất rủi ro và khả năng phá sản của ngân hàng, là xác suất mà giá trị tài sản trở nên thấp hơn giá trị các khoản nợ. Kết quả cho thấy rằng các ngân hàng hợp tác ổn định hơn các ngân hàng thương mại, do sự biến động lợi nhuận thấp của các ngân hàng hợp tác, bù đắp lại khả năng sinh lời thấp hơn và vốn hóa thấp hơn, và do khả năng của các ngân hàng hợp tác trong việc sử dụng thặng dư khách hàng như là
một mức đệm trong thời kỳ suy yếu. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng trong các hệ thống có sự hiện hữu của các ngân hàng hợp tác, các ngân hàng thương mại yếu kém sẽ mất ổn định nhiều hơn.
Ivičić và ctg (2008) nghiên cứu tác động của các biến số kinh tế vĩ mô và đặc điểm ngân hàng riêng biệt đối với rủi ro thanh toán của các ngân hàng ở 7 nước khu vực Trung và Đông Âu từ năm 1996 đến năm 2006. Kết quả ước tính hồi quy riêng cho mỗi quốc gia đưa ra bằng chứng thực nghiệm cho thấy sự ổn định của ngân hàng giảm trong thời kỳ tăng trưởng tín dụng, lạm phát và sự tập trung ngân hàng cao. Rủi ro thanh toán của ngân hàng được đo bằng Z-score, chỉ số khoảng cách đến phá sản. Bên cạnh chỉ số Z-score thực tế, nghiên cứu xây dựng chỉ số Z-score có điều kiện liên kết trực tiếp rủi ro phá sản ngân hàng với các chỉ số ngân hàng cụ thể và chỉ số kinh tế vĩ mô. Các biện pháp đo lường rủi ro thanh toán được áp dụng cho kết quả có sự gia tăng tính ổn định của ngân hàng ở tất cả các nước thuộc khu vực Trung và Đông Âu trong thời gian nghiên cứu.
Soedarmono và ctg (2011) xem xét liệu các ngân hàng Châu Á có nguy cơ về đạo đức trong cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997. Để đo lường sự biến động về thu nhập và phản ánh các chiến lược rủi ro của ngân hàng, nghiên cứu sử dụng độ lệch chuẩn của lợi nhuận trên tài sản bình quân (SDROA) và lợi nhuận trên vốn bình quân (SDROE). SDROA được tính từ giá trị lợi nhuận trên tài sản bình quân (ROAA) được lấy từ giai đoạn t đến t - 2 (trung bình 3 năm). Tương tự như vậy, SDROE được tính từ lợi nhuận trên vốn bình quân (ROAE) trong 3 năm. Cách tiếp cận này phù hợp với Agoraki & ctg (2011). Để xác định rủi ro thanh toán của ngân hàng, nghiên cứu sử dụng Z-score dựa trên ROAA. Z-score (ZROA) cho thấy độ lệch chuẩn mà ROAA của ngân hàng phải giảm xuống dưới giá trị kỳ vọng trước khi vốn hoàn toàn cạn kiệt. Dựa trên mẫu nghiên cứu của các ngân hàng thương mại từ 12 nước châu Á trong giai đoạn 2001-2007, kết quả nghiên cứu cho thấy sức mạnh của thị trường của ngân hàng cao hơn dẫn đến sự bất ổn định cao hơn. Mặc dù các ngân hàng được vốn hóa tốt hơn ở những thị trường ít cạnh tranh hơn nhưng rủi ro vỡ nợ vẫn cao hơn. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu sâu hơn cho thấy hành vi
Có thể bạn quan tâm!
- Cơ Sở Lý Thuyết Về Ổn Định Tài Chính Của Các Nhtm
- Phương Pháp Đo Lường Ổn Định Tài Chính Và Bất Ổn Tài Chính
- Tác Động Của Kỳ Hạn Nợ Dài Hơn Và Mức Độ Giữ Tiền Mặt Nhiều Hơn Tới Sự Ổn Định Của Ngân Hàng
- Đánh Giá Các Nghiên Cứu Trước Và Phát Triển Giả Thuyết
- Đo Lường Và Phân Tích Các Yếu Tố Tác Động Đến Mức Độ Cạnh Tranh Của Các Nhtm Việt Nam.
- Kiểm Định Tác Động Của Cạnh Tranh Ngân Hàng Tới Sự Ổn Định Tài Chính
Xem toàn bộ 156 trang tài liệu này.
như vậy phụ thuộc vào môi trường kinh tế. Tăng trưởng kinh tế cao hơn góp phần làm trung hòa rủi ro cao hơn và sự bất ổn định cao hơn ở các thị trường ít cạnh tranh.
Rahman & ctg (2012) nghiên cứu về mối quan hệ giữa cơ cấu sở hữu và rủi ro của ngân hàng và tác động của các quy định của nhà nước về vốn. Phân tích thực nghiệm này giới hạn cho các ngân hàng thương mại Malaysia trong giai đoạn 1995- 2008, bao gồm 9 ngân hàng trong nước và 12 ngân hàng nước ngoài. Nghiên cứu sử dụng chỉ cố Z-score để đo lường mức độ rủi ro của ngân hàng, trong đó Z-score được tính bằng chỉ số ROA (lợi nhuận trước thuế trên tài sản) cộng CAP (tỷ lệ vốn trên tài sản) chia cho độ lệch chuẩn của ROA. Dữ liệu trong 5 năm được sử dụng để tính độ lệch chuẩn của ROA với kỳ vọng rằng thời gian 5 năm là đủ để phản ánh các thay đổi và biến động trong lợi nhuận của ngân hàng (Nash and Sinkey, 1997). Kết quả cho rằng cơ cấu sở hữu của các ngân hàng Malaysia có tác động tích cực đến các ngân hàng; cho thấy ảnh hưởng của các cổ đông lớn trong các ngân hàng Malaysia giúp làm giảm rủi ro và tăng sự ổn định của ngân hàng. Sở hữu gia đình và sở hữu nước ngoài làm tăng rủi ro ngân hàng thông qua nguy cơ phá sản cao hơn trong khi sở hữu nhà nước sẽ làm giảm rủi ro và gia tăng sự ổn định cho các ngân hàng. Các phát hiện cũng cho thấy các quy định về vốn đóng một vai trò quan trọng ảnh hưởng đến tác động của quyền sở hữu đối với rủi ro ngân hàng. Tuy nhiên, quy định vốn cao hơn cũng có những tác động không mong muốn, theo đó các ngân hàng có thể đáp ứng quy định này bằng cách tăng mức độ rủi ro.
Fu & ctg (2014) nghiên cứu mối quan hệ giữa cạnh tranh và ổn định tài chính, sử dụng thông tin và số liệu của 14 nền kinh tế Châu Á Thái Bình Dương từ năm 2003 - 2010 để xem xét ảnh hưởng của cạnh tranh ngân hàng, sự tập trung, các quy định và thể chế của các quốc gia đối với tính dễ vỡ của các ngân hàng được xác định thông qua xác suất phá sản và Z-score của ngân hàng. Kết quả cho thấy tập trung nhiều hơn dẫn đến bất ổn tài chính cao hơn và quyền lực thị trường thấp hơn cũng gây ra rủi ro ngân hàng, sau khi đã kiểm soát các yếu tố kinh tế vĩ mô, đặc thù ngân hàng cụ thể, các quy định và thể chế. Về các quy định và thể chế, kết quả cho
thấy những hạn chế trong việc gia nhập thị trường có thể đem lại sự ổn định cho ngân hàng, trong khi các chương trình bảo hiểm tiền gửi cao hơn lại làm gia tăng sự bất ổn của ngân hàng.
Chiaramonte & ctg (2015) đánh giá độ chính xác của chỉ số Z-score, là một biến đại diện được sử dụng rộng rãi nhằm đo lường mức độ ổn định tài chính của các ngân hàng, dựa trên mẫu nghiên cứu của các ngân hàng châu Âu từ 12 quốc gia trong giai đoạn 2001-2011. Cụ thể, nghiên cứu phân tích giữa Z-score và các biến số liên quan trong mô hình CAMELS, sử dụng mô hình hồi quy Probit và log-log bổ sung. Kết quả cho thấy khả năng xác định và dự báo rủi ro của Z-score, trong suốt thời gian nghiên cứu (2001 – 2011) và cả trong những năm khủng hoảng (2008-2011) ít nhất cũng tốt ngang bằng như việc sử dụng các biến trong mô hình CAMELS, nhưng với lợi thế là dữ liệu cần cho việc phân tích ít hơn. Cuối cùng, Z- score đã tỏ ra hiệu quả hơn khi áp dụng vào các mô hình kinh doanh ngân hàng phức tạp hơn như trường hợp của các ngân hàng lớn và ngân hàng thương mại.
Strobel và Lepetit (2015) sử dụng mô hình Z-score để đánh giá và xem xét mối liên hệ giữa Z-score và xác suất phá sản của các ngân hàng, giúp cung cấp một biện pháp đo lường cải tiến hơn mà không áp đặt các giả định phân phối tiếp theo. Phương pháp đo lường truyền thống về xác suất phá sản có thể cung cấp một ràng buộc trên kém hiệu quả về khả năng phá sản, nhưng nó có thể được diễn giải một cách có ý nghĩa như là một phương pháp để xác định xác xuất mất khả năng thanh toán. Nghiên cứu của Strobel và Lepetit(2015) đã ứng dụng thêm Z-score điều chỉnh bằng lnZ-score trong mối quan hệ với rủi ro phá sản ngân hàng, và cho thấy lnZ-score tỷ lệ nghịch với xác suất phá sản.
Hammami & Boubaker (2015) xem xét tác động của cơ cấu sở hữu đối với rủi ro ngân hàng, sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính của 72 ngân hàng thương mại từ 10 nước Trung Đông và Bắc Phi (MENA) từ năm 2000 đến năm 2010. Sau khi đã kiểm soát các đặc điểm riêng của ngân hàng và các hiệu ứng của quốc gia, kết quả nghiên cứu cho thấy thấy rằng cơ cấu sở hữu tập trung gắn liền với sự gia tăng rủi ro của ngân hàng. Hơn nữa, các ngân hàng nước ngoài có nguy cơ cao hơn
các ngân hàng trong nước; và các ngân hàng có sở hữu nhà nước thì đang ổn định hơn. Đối với các ngân hàng niêm yết, tỷ lệ sở hữu gia đình có tác động cùng chiều đến rủi ro tín dụng. Các chủ sở hữu gia đình thường áp đặt những chiến lược nguy hiểm nhất khi họ nắm giữ tỷ lệ cổ phần cao hơn. Đối với các ngân hàng chưa niêm yết, tỷ lệ sở hữu gia đình và tổ chức có tác động ngược chiều đối với rủi ro tín dụng. Như vậy, ảnh hưởng của tỷ lệ sở hữu đối với rủi ro ngân hàng phụ thuộc vào thực tế là ngân hàng niêm yết hay không niêm yết.
Nguyễn Minh Hà & Nguyễn Bá Hướng (2016) xác định các yếu tố hưởng đến rủi ro phá sản ngân hàng Việt Nam bằng phương pháp Z-score, từ đó gợi ý chính sách phù hợp nhằm tăng cường sự ổn định và lành mạnh trong hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu gồm 23 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam với 115 quan sát từ 2009-2013. Nghiên cứu tìm thấy các yếu tố có mối quan hệ nghịch chiều với rủi ro phá sản ngân hàng như: Tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ dự phòng nợ xấu, tỷ lệ thu nhập lãi thuần, vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản, đa dạng hóa thu nhập, sở hữu nhà nước, số năm hoạt động của ngân hàng và ngân hàng đã niêm yết. Các yếu tố có mối quan hệ đồng biến với rủi ro phá sản ngân hàng gồm hiệu quả quản lý chi phí và quy mô.
Võ Xuân Vinh & Trần Thị Phương Mai (2015) xem xét vấn đề lợi nhuận và rủi ro của các NHTM Việt Nam và tác động của đa dạng hóa thu nhập. Nghiên cứu sử dụng phương pháp ước lượng hồi quy cho dữ liệu bảng với mẫu gồm 37 NHTM Việt Nam giai đoạn 2006 – 2013. Chỉ số Z-score, RAROA và RAROE được sử dụng làm biến đo lường rủi ro ngân hàng. Kết quả cho thấy các ngân hàng càng đa dạng hóa hoạt động thì lợi nhuận càng cao, tuy nhiên lợi nhuận điều chỉnh rủi ro giảm.
Nguyễn Đăng Tùng và Bùi Thị Len (2015) sử dụng phương pháp thống kê mô tả để đánh giá tình hình tài chính của các ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua tăng trưởng tài sản, tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận sau thuế và tỉ lệ nợ xấu –là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến hoạt động trong tương lai của các ngân hàng. Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng mô hình Altman Z’’
để đánh giá nguy cơ phá sản của hệ thống ngân hàng thương mạiViệt Nam thông qua dữ liệu báo cáo tài chính của 39 ngân hàng thương mại trong giai đoạn 2008 - 2013. Kết quả cho thấy chỉ số Z’’ bình quân của các nhóm NHTM nằm trong giới hạn an toàn, biến động giảm dần qua các năm và có sự khác biệt giữa các nhóm quy mô vốn khác nhau thông qua kiểm định One way ANOVA. Nhóm ngân hàng có quy mô vốn lớn nhất và nhỏ nhất có Z’’ nhỏ hơn hai nhóm còn lại.
Hoàng Công Gia Khánh & Trần Hùng Sơn (2015) sử dụng số liệu của 25 NHTM Việt Nam với 214 quan sát trong giai đoạn từ 2005-2013, nhằm xem xét mối quan hệ giữa phát triển thị trường tài chính và rủi ro của các NHTM Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng Z-score làm chỉ số đo lường rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và rủi ro thị trường của các NHTM. Ngoài ra, nghiên cứu còn sử dụng phương pháp của Kohler (2015) chia chỉ số Z-score thành hai biến RAROA phản ánh khả năng sinh lời điều chỉnh theo rủi ro và RACAR phản ánh quy mô vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản điều chỉnh theo rủi ro. Kết quả nghiên cứu cho thấy phát triển thị trường tài chính tại Việt Nam có khuynh hướng làm gia tăng rủi ro của ngân hàng. Các yếu tố như cấu trúc tài sản, an toàn vốn, quy mô tài sản làm giảm rủi ro ngân hàng. Khả năng sinh lời có khuynh hướng làm gia tăng rủi ro ngân hàng, cho thấy các ngân hàng có khuynh hướng tham gia vào các hoạt động rủi ro cao để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Nghiên cứu còn cho thấy tăng trưởng kinh tế tỷ lệ nghịch với rủi ro. Kết quả nghiên cứu không tìm thấy mối quan hệ giữa hiệu quả hoạt động, đa dạng hóa thu nhập và làm phát tới rủi ro ngân hàng.
Nguyễn Thanh Dương (2013) nghiên cứu mẫu 36 NHTM tại Việt Nam trong giai đoạn 2006-2011 và sử dụng phương pháp định lượng nhằm xác định sự tác động của các chỉ tiêu đặc trưng đến rủi ro ngân hàng. Kết quả cho thấy tỷ lệ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trên thu nhập lãi thuần, tỷ lệ thu nhập lãi thuần trên tổng tài sản bình quân đồng biến với rủi ro ngân hàng; trong khi đó tỉ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng vốn huy động; và tỉ lệ cho vay trên vốn huy động ngắn hạn nghịch biến với rủi ro ngân hàng. Nghiên cứu cũng khẳng định việc tăng vốn chủ sở hũu là điều kiện tiên quyết nhằm bảo vệ ngân hàng trước rủi ro khánh kiệt, và góp ý về chính
sách và nâng cao trình độ quản lý rủi ro hệ thống ngân hàng, đề xuất hoàn thiện chức năng quản lí tài sản và nguồn vốn.
2.2.3. Các nghiên cứu thực nghiệm về tác động của cạnh tranh tới sự ổn định tài chính của các NHTM
Hiện nay, có khá nhiều tranh luận trong các nghiên cứu về tác động của mức độ cạnh tranh đến sự ổn định của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là trong điều kiện khủng hoảng tài chính. Theo quan sát từ những cuộc khủng hoảng tài chính gần đây sự bất ổn có thể được lan truyền rộng rãi đến toàn bộ nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng. Các cơ chế lan truyền chủ yếu là thông qua sự sụp đổ của thị trường cho vay liên ngân hàng và các phương tiện thanh toán, giảm nguồn cung ứng tín dụng, và đóng băng các khoản tiền gửi (Berger và cộng sự, 2008).
Đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng mức độ cạnh tranh ngân hàng càng cao thì càng dễ dẫn đến bất ổn tài chính thông qua suy giảm sức mạnh thị trường, mà hậu quả là làm giảm lợi nhuận, và giảm giá trị thương hiệu. Các nghiên cứu này ủng hộ quan điểm "cạnh tranh – dễ vỡ". Theo quan điểm này, các ngân hàng được khuyến khích chấp nhận nhiều rủi ro hơn để tăng lợi nhuận, đồng thời suy giảm chất lượng của danh mục cho vay (nghiên cứu của Marcus, 1984; Keeley, 1990 và Carletti và Hartmaan, 2003). Có rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm khác nhau ủng hộ mối quan hệ này như Keeley (1990) thấy rằng tăng cạnh tranh ngân hàng và giảm bớt các quy định ở Mỹ trong những năm 1990 làm giảm tính độc quyền và góp phần vào sự đổ vỡ các ngân hàng. Hellmann et al. (2000) kết luận rằng việc loại bỏ trần lãi suất, và từ đó tạo ra cạnh tranh về giá cao hơn, đã làm giảm giá trị thương hiệu và khuyến khích nhiều hành vi rủi ro đạo đức trong các ngân hàng. Jimenez et al. (2007) nghiên cứu các lĩnh vực ngân hàng ở Tây Ban Nha cho thấy rằng cạnh tranh ngân hàng càng lớn dẫn đến rủi ro của danh mục cho vay càng cao (tăng nguy cơ nợ xấu). Berger et al. (2008) nghiên cứu 23 quốc gia phát triển và đưa ra kết luận ủng hộ quan điểm "cạnh tranh – dễ vỡ", trong đó quyền lực thị trường càng cao hay cạnh tranh càng thấp giúp làm giảm rủi ro của ngân hàng. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng cho thấy rằng quyền lực thị trường càng cao làm tăng rủi ro
danh mục cho vay, điều này có thể được hiểu là một bằng chứng cho quan điểm "cạnh tranh - ổn định". Vives (2010) đã đánh giá các lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ “cạnh tranh - ổn định” và cho rằng mặc dù cạnh tranh không phải là một yếu tố quyết định sự bất ổn nhưng có thể làm trầm trọng thêm vấn đề bất ổn.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây đã ủng hộ quan điểm “cạnh tranh - ổn định”. Beck et al. (2006) nghiên cứu một nhóm 69 quốc gia và thấy rằng các nước có mức độ tập trung của thị trường thấp hay cạnh tranh cao thì ít có khả năng bị khủng hoảng tài chính. Boyd và De Nicolo (2005) cho rằng quyền lực thị trường càng lớn hay cạnh tranh càng thấp trong các thị trường cho vay làm tăng rủi ro cho ngân hàng vì các mức lãi suất cao hơn làm cho việc hoàn trả của khách hàng trở nên khó khăn hơn. Điều này có thể làm trầm trọng thêm vấn đề rủi ro đạo đức, đồng thời, lãi suất cao hơn thu hút những người vay có độ rủi ro cao hơn. Hơn nữa, tại các thị trường tập trung độc quyền cao, các tổ chức tài chính có thể tin rằng họ là "quá lớn để sụp đổ" và điều này có thể dẫn đến các khoản đầu tư rủi ro hơn (Berger et al., 2008). Đã có một số nghiên cứu thực nghiệm gần đây ủng hộ giả thuyết này. Các nghiên cứu của Boyd et al. (2006), De Nicolo và Loukoianova (2006) đều tìm thấy mối quan hệ ngược chiều giữa mức độ tập trung độc quyền thị trường cao hay cạnh tranh thấp và ổn định của hệ thống ngân hàng. Các nghiên cứu này cho rằng nguy cơ sụp đổ của ngân hàng tăng ở các thị trường tập trung độc quyền cao hơn. Các tác giả ước tính mức độ ổn định tài chính bằng chỉ số Z-score và mức độ tập trung độc quyền thị trường bằng chỉ số Herfindahl-Hirschman (HHI). Schaeck et al. (2006) nghiên cứu lĩnh vực ngân hàng của một nhóm các quốc gia bằng cách áp dụng mô hình Logit và phân tích thời gian. Hơn nữa, các tác giả ước tính chỉ số Rosse-Panzar (Thống kê - H) để đo lường mức độ cạnh tranh. Phát hiện chính của nghiên cứu này cho thấy mức độ cạnh tranh ngân hàng càng cao dẫn đến khả năng đỗ vỡ của các ngân hàng thấp hơn hay ổn định hơn so với hệ thống ngân hàng độc quyền.