Sự phát triển của pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần ở Việt Nam - 2

Việc hoàn thiện pháp luật về công ty cổ phần nói chung và pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số nói riêng mang một ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với bản thân các công ty cổ phần trong sự phát triển của nền kinh tế-xã hội, mà còn đảm bảo lợi ích cá nhân cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Từ đó, góp phần giúp đất nước Việt Nam hội nhập hơn nữa với quốc tế, tiến tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để góp phần cho việc hoàn thiện này, phân tích, tổng kết và đúc rút kinh nghiệm lịch sử là việc làm không thể thiếu.

Vì những lí do trên, em xin lựa chọn đề tài “Sự phát triển của pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần ở Việt Nam” làm đề tài cho Luận văn thạc sĩ luật học của mình.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

Chế định pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần là là nội dung quan trọng của pháp luật thương mại, được nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau quan tâm nghiên cứu. Các tác giả khác nhau tiếp cận vấn đề theo cách thức khác nhau. Mặt khác, do yếu tố khách quan mà tại mỗi thời điểm nghiên cứu sẽ có cách nhìn nhận khác nhau về một vấn đề. Có những nghiên cứu về một khía cạnh, một phương diện; cũng có những nghiên cứu chuyên sâu, tổng quát. Kết quả của những công trình đó được xuất bản dưới nhiều hình thức như: Sách, Báo, Tạp chí, Luận Văn, Luận án, hay được đưa lên mạng với rất nhiều bài viết. Trong khả năng nghiên cứu của mình, em xin đề cập đến một vài nghiên cứu như:

- Quách Thúy Quỳnh, 04/2010, “Quyền của cổ đông thiểu số theo pháp luật Việt Nam”, Tạp chí luật học, Hà Nội. Bài viết đưa ra hai luận điểm chính: thứ nhất, bảo vệ quyền lợi của CĐTS - vấn đề của quản trị công ty trong các nền kinh tế chuyển đổi; thứ hai, quyền cổ đông - phương tiện bảo vệ CĐTS. Từ đó đề ra một số giải pháp để tăng cường bảo vệ CĐTS.

- Bành Quốc Tuấn & Lê Hữu Linh, Tháng 3-4/2012, “Hoàn thiện cơ chế bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần”, Doanh nghiệp – Vị thế & Hội nhập. Bài viết trình bày 03 nội dung. Thứ nhất, định nghĩa cổ đông thiểu số của Công ty cổ phần tại Việt Nam. Thứ hai, nêu lên cơ chế bảo vệ cổ đông thiểu số theo quy định của Pháp luật Việt Nam hiện hành và thực tiễn áp dụng. Thứ ba, đưa ra giải pháp hoàn thiện cơ chế bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần

- Đỗ Thái Hán, 2012, “Bảo vệ Cổ đông thiểu số trong Công ty Cổ phần ở Việt Nam”, Luận Văn Thạc sĩ, Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội. Luận văn trình bày những vấn đề cơ bản về quyền của cổ đông và sự cần thiết phải bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần. Tìm hiểu cơ chế bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần ở Việt Nam và so sánh với pháp luật một số nước trên thế giới: thực trạng bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần, thực tiễn quản lý và điều hành công ty cổ phần ở Việt Nam, bảo vệ cổ đông thiểu số theo pháp luật của Nhật Bản, của Pháp, của Mỹ, và theo nguyên tắc quản trị công ty của OECD, một số nghiên cứu tham khảo áp dụng tại Việt Nam. Từ đó, đưa ra Giải pháp và kiến nghị.

- Nguyễn Thị Thu Hương, 01/2015, “Pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần ở Việt Nam hiện nay”, Luận án Tiến sĩ, Học Viện Khoa học Xã hội, Hà Nội. Luận án nghiên cứu quan niệm và nhu cầu bảo vệ CĐTS, góp phần làm rõ nhận thức về bảo vệ CĐTS; góp phần làm rõ vai trò của pháp luật về bảo vệ CĐTS cũng như những yêu cầu đối với pháp luật về bảo vệ CĐTS, xác định được những yếu tố tác động đến pháp luật về bảo vệ CĐTS và chỉ ra cơ chế đảm bảo thực thi pháp luật bảo vệ CĐTS; phân tích và đánh giá một cách toàn diện và khách quan về thực trạng các quy định cũng như thực tiễn thi hành pháp luật về bảo vệ CĐTS; chỉ ra những ưu điểm và những hạn chế chủ yếu trong các quy định pháp luật về bảo vệ CĐTS, từ đó

đề ra phương hướng và các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, góp phần hoàn thiện pháp luật về bảo vệ CĐTS.

Ngoài ra còn có các cuốn sách sâu sắc, mang lại cho em kiến thức chung nhất về công ty cổ phần, như:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 110 trang tài liệu này.

- Nguyễn Ngọc Bích và Nguy ễn Đình Cung (2009), “Công ty: vốn, quản lý & tranh chấp theo luật doanh nghiệp 2005”, NXB Tri Thức.

- Ngô Huy Cương (2013), “Giáo trình Luật Thương Mại - Phần chung và thương nhân”, NXB ĐHQGHN.

Sự phát triển của pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần ở Việt Nam - 2

- Bùi Xuân Hải (2011), “Luật doanh nghiệp bảo vệ cổ đông pháp luật và thực tiễn”, NXB Chính trị quốc gia.

Những công trình kể trên đã có những đóng góp nhất định cho khoa học pháp lý Việt Nam. Tác giả luận văn kế thừa những đóng góp khoa học đó trong quá trình viết Luận văn. Tuy nhiên, đề tài mà tác giả nghiên cứu toàn diện và chuyên sâu về sự phát triển của pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số trong cổ ty cổ phần ở Việt Nam, nên mục tiêu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài Luận văn không trùng lặp hoàn toàn với các công trình đã công bố nêu trên.

3. Mục tiêu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài

3.1. Mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài Luận văn là làm rõ những nét đại cương về Pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần để phân chia các giai đoạn phát triển của Pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số ở Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, nêu và đánh giá các cơ chế bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần ở Việt Nam qua các giai đoạn, qua đó rút ra một số định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số qua kinh nghiệm lịch sử.

3.2. Đối tượng nghiên cứu của đề tài Luận văn

Luận văn chỉ nghiên cứu những vấn đề pháp lý, không đi sâu nghiên cứu các vấn đề kinh tế, xã hội liên quan tới từng giai đoạn phát triển của pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần ở Việt Nam.

3.3. Phạm vi nghiên cứu của đề tài Luận văn

Trong khuôn khổ của một luận văn thạc sĩ luật học và giới hạn về thời gian, Luận văn chỉ nghiên cứu những vấn đề liên quan trực tiếp tới sự phát triển của pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần ở Việt Nam chủ yếu qua Luật công ty 1990 và các Luật doanh nghiệp đã được ban hành ở Việt Nam (LDN 1999, LDN 2005 và LDN 2014). Đây là các văn bản pháp luật thực định quy định trực tiếp về các vấn đề của công ty cổ phần nói chung và các vấn đề liên quan đến cổ đông thiểu số nói riêng. Luận văn không phân tích sâu các ưu khuyết của các văn bản này thông qua thực tiễn áp dụng hay điều tra xã hội học và phỏng vấn chuyên gia.

Luận văn chủ yếu tập trung nghiên cứu về văn bản qui phạm pháp luật thể hiện sự tổng kết phát triển pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần của từng giai đoạn phát triển.

4. Phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu

Để tiếp cận nghiên cứu đề tài này một cách hệ thống và hiệu quả, Luận văn đã sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin gồm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.

Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu là:

(i) Phương pháp phân tích, tổng hợp; phương pháp lịch sử,... được sử dụng tại Chương 1 khi nghiên cứu Khái quát pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số và phân chia các giai đoạn phát triển của pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số ở Việt Nam

(ii) Phương pháp thống kê, phương pháp phân tích, phương pháp so

sánh, đối chiếu; phương pháp đánh giá, bình luận... được sử dụng tại Chương 2 khi nghiên cứu quá trình phát triển của pháp luật về bảo vệ CĐTS trong CTCP tại Việt Nam.

(iii) Phương pháp tổng hợp, phương pháp diễn giải, phương pháp dự báo... được sử dụng tại Chương 3 khi nghiên cứu Một số định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số ở Việt Nam qua kinh nghiệm lịch sử.

5. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mục lục, danh mục tài liệu tham khảo, mở đầu và kết luận, nội dung của luận văn gồm 3 chương:

- Chương 1: Khái quát pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số và phân chia các giai đoạn phát triển của pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần ở Việt Nam

- Chương 2: Nội dung của sự phát triển của Pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần ở Việt Nam qua các giai đoạn

- Chương 3: Một số định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số ở Việt Nam qua kinh nghiệm lịch sử.

Chương 1

KHÁI QUÁT PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ CỔ ĐÔNG THIỂU SỐ VÀ PHÂN CHIA CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA PHÁP LUẬT

VỀ BẢO VỆ CỔ ĐÔNG THIỂU SỐ Ở VIỆT NAM


1.1. Khái quát Pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần ở Việt Nam

1.1.1. Định nghĩa Pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần ở Việt Nam

Bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần phải được thực hiện dựa trên những căn cứ pháp lý nhất định, đó chính là Pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số.

Pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến cổ đông thiểu số, nhằm bảo về các quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông thiểu số.

Nguồn của pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần ở Việt Nam là các văn bản pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến công ty cổ phần nói chung và cổ đông thiểu số nói riêng. Tùy vào quy mô và lĩnh vực hoạt động, CTCP chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước sau: Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBCKNN, các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán, cơ quan quản lý thuế, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, hệ thống cơ quan thống kê. Do vậy, hệ thống pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số ở nước ta, ngoài việc được quy định chủ yếu tại Luật công ty 1990 và các Luật doanh nghiệp, còn xuất hiện ở Pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán (Liên quan đến các công ty cổ phần niêm yết chứng khoán), hay ở Bộ luật tố tụng dân sự, Luật trọng tài thương mại (Liên quan đến cơ chế khởi kiện), và các nghị định hướng dẫn

thi hành những văn bản pháp luật nêu trên… Tuy nhiên trong khả năng giới hạn của mình, em chỉ xin phép nghiên cứu sự phát triển của pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần ở Việt Nam qua Luật công ty và các Luật doanh nghiệp quy định trực tiếp về công ty cổ phần ở Việt Nam.

1.1.2. Khái quát về Cổ đông, Cổ đông thiểu số, Nhóm cổ đông trong Công ty cổ phần

1.1.2.1. Cổ đông

Theo cách hiểu đơn giản nhất, Cổ đông là cá nhân hay tổ chức tham gia góp vốn vào công ty dưới hình thức mua cổ phần. Khoản 2 Điều 4 LDN 2014 định nghĩa “Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần”. Mặc dù hiện nay pháp luật Việt Nam không có quan niệm về CTCP một cổ đông, và tại Điểm b Khoản 1 Điều 110 LDN 2014 quy định trong CTCP “số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa”. Nhưng trên thực tế ở Việt Nam vẫn có CTCP một cổ đông. Theo nghiên cứu của PGS.TS Ngô Huy Cương, pháp luật nhiều nước trên thế giới thừa nhận và điều tiết CTCP một thành viên [2, tr.229]. Trong CTCP, các cổ đông chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

Mọi CTCP đều phải lập sổ đăng ký cổ đông theo quy định của Pháp luật. Sổ đăng ký cổ đông có thể là văn bản, tập dữ liệu điện tử hoặc cả hai loại này; được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty hoặc Trung tâm lưu ký chứng khoán. Cổ đông có quyền kiểm tra, tra cứu hoặc trích lục, sao chép nội dung sổ đăng ký cổ đông. Khoản 2 Điều 121 LDN 2014 quy định sổ đăng ký cổ đông phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

- Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty;

- Tổng số cổ phần được quyền chào bán, loại cổ phần được quyền chào bán và số cổ phần được quyền chào bán của từng loại;

- Tổng số cổ phần đã bán của từng loại và giá trị vốn cổ phần đã góp;

- Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;

- Số lượng cổ phần từng loại của mỗi cổ đông, ngày đăng ký cổ phần.

Như vậy, dưới góc độ pháp lý để xác lập tư cách cổ đông của CTCP, tổ chức, cá nhân phải thoả mãn đồng thời hai điều kiện: (i) tổ chức, cá nhân phải sở hữu ít nhất một cổ phần đã phát hành của CTCP và(ii) những thông tin về tổ chức, cá nhân phải được ghi đúng và đủ theo quy định của Pháp luật vào Sổ cổ đông của công ty. Tóm lại theo các quy định của pháp luật hiện hành, Cổ đông là cá nhân hay tổ chức sở hữu cổ phần của CTCP và được đăng ký vào Sổ cổ đông của công ty.

* Căn cứ quyền/nghĩa vụ gắn liền với loại cổ phiếu mà cổ đông sở hữu, cổ đông được phân loại thành:

- Cổ đông sáng lập: là những cổ đông đầu tiên góp vốn để hình thành nên CTCP.

- Cổ đông phổ thông: là người sở hữu cổ phần phổ thông trong CTCP, và thường chiếm đa số trong CTCP.

- Cổ đông ưu đãi: là người sở hữu cổ phần ưu đãi trong CTCP. Cổ đông ưu đãi có quyền và lợi ích đặc biệt mà cổ đông phổ thông không có như quyền ưu đãi biểu quyết, quyền ưu đãi cổ tức, quyền ưu đãi hoàn lại. Trong đó, cổ đông ưu đãi biểu quyết hay còn gọi là cổ đông đặc biệt là cổ đông (thường là Nhà nước) mặc dù có thể chỉ nắm một số lượng cổ phần nhỏ, mang tính chất tượng trưng, nhưng có quyền phủ quyết trong một số quyết sách quan trọng (được quy định trong điều lệ công ty) của CTCP.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/05/2022