Quản lý nhà nước đối với hoạt động của Công giáo trên địa bàn tỉnh Gia Lai - 16


Sớm ban hành Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, làm cơ sở pháp lý xử phạt những sai phạm trong công tác quản lý, trong hoạt động tôn giáo.

Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, điều chỉnh một số nội dung trong Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Giáo dục tạo cơ sở pháp luật đồng bộ với Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Chính phủ sớm xây dựng và củng cố bộ máy làm công tác QLNN về tôn giáo. Trong đó, QLNN đối với tôn giáo bên cạnh những nội dung cần phải điều chỉnh và xây dựng mới, thì cần coi trọng việc phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa, cụ thể hơn nữa.

Thường xuyên mở các lớp đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng cho đội ngũ CBCC làm công tác QLNN về tôn giáo.

Bộ Nội vụ cần ban hành thông tư quy định biên chế CBCC làm công tác tôn giáo ở cấp huyện, xã. Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng ban hành chính sách và tiêu chuẩn đối với cán bộ làm công tác tôn giáo để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đạt hiệu quả cao.

Cần xây dựng, phân bổ ngân sách hoạt động cho công tác tôn giáo.

Nên bố trí một khoản kinh phí đặc biệt để chi cho công tác tôn giáo vận, cho đội ngũ cốt cán ở cơ sở. Cần có định biên cụ thể về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách tôn giáo của chính quyền các cấp và có chính sách đãi ngộ riêng đối với cán bộ làm công tác tôn giáo.

3.5.2. Với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Gia Lai

* HĐND tỉnh Gia Lai

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 148 trang tài liệu này.

Tăng cường giám sát định kỳ công tác QLNN về tôn giáo tại cơ sở.

* UBND tỉnh Gia Lai

Quản lý nhà nước đối với hoạt động của Công giáo trên địa bàn tỉnh Gia Lai - 16


UBND tỉnh cần ban hành quy định thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quản lý hoạt động TNTG và chủ động mạnh dạn phân cấp, phân quyền QLNN đối với tôn giáo hơn nữa cho cấp cơ sở.

Rà soát lại các chương trình, dự án kinh tế, xã hội liên quan đến lĩnh vực nông, lâm nghiệp góp phần đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh xã hội và an ninh nông thôn. Đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tôn giáo trong đó có Công giáo, góp phần hạn chế vấn đề mua bán, hiến nhượng đất đai của tổ chức, cá nhân Công giáo.

Tổ chức nhiều hơn nữa các lớp bồi dưỡng cho CBCC làm công tác tôn giáo các cấp. Đồng thời, nên thường xuyên tổ chức hội nghị giao ban, trao đổi, rút kinh nghiệm giải quyết các vụ việc tôn giáo phức tạp xảy ra. Việc này sẽ là cơ sở để các địa phương làm tốt công tác phòng ngừa không để xảy ra các vụ việc tôn giáo phức tạp.

Cần có kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức tôn giáo cơ sở trong việc tổ chức hoặc tổ chức lồng ghép các hội nghị tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo.

Về đất đai cơ sở thờ tự của các tôn giáo, đề nghị UBND tỉnh cần có nghiên cứu cơ bản để trình Trung ương sớm ban hành chính sách phù hợp; đồng thời cũng có vận dụng sáng tạo tùy tình hình thực tế của địa phương.

Kiện toàn bộ máy làm công tác tôn giáo ở cấp huyện, cấp xã theo hướng tăng cán bộ chuyên trách. Có chính sách cụ thể cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo và kiêm nhiệm công tác tôn giáo.

Phải làm cho cấp ủy Đảng, Chính quyền, MTTQ và các Ban, ngành, đoàn thể nắm vững những quan điểm, nguyên tắc và chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các tôn giáo, nhất là phải quán triệt nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của các tôn giáo trong tình hình mới.


Khi giải quyết các vấn đề lớn có liên quan đến tôn giáo, cần phải thống nhất về quan điểm xử lý từ trong nội bộ, từ trên xuống dưới, mà quan điểm chung là phải kiên quyết về chủ trương nhưng phải hết sức thận trọng, mềm dẻo và linh hoạt về phương pháp, tránh sơ hở để kẻ xấu lợi dụng, kích động, gây bạo loạn.

QLNN đối với hoạt động Công giáo là một nhiệm vụ phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi phải đảm bảo hài hòa các mặt: tôn trọng pháp luật, đời sống tín ngưỡng của các tín đồ, chức sắc được hoạt động bình thường cùng các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội khác. Đồng thời, dựa trên cơ sở thực tế và khách quan, linh hoạt nhạy bén, vận dụng những kiến thức lý luận vào thực tiễn một cách sáng tạo; đội ngũ chuyên trách cần phải biết nắm vững tâm tư, nguyện vọng tình cảm của các tín đồ, chức sắc để giải quyết công việc.

3.5.3. Với các chức sắc Công giáo

Cần định hướng cho các linh mục, tu sĩ, tín đồ nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân trong việc giữ gìn sự đoàn kết dân tộc. Chủ động và sẵn sàng phối hợp với chính quyền các cấp trong việc thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật về kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh - quốc phòng mà Công giáo có thế mạnh như: y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo. Xây dựng giáo xứ, giáo họ, dòng tu: không tệ nạn, chấp hành luật giao thông, bảo vệ môi trường. Tích cực sưu tầm, lưu giữ và đưa văn hóa các dân tộc thiểu số vào trong cử hành nghi lễ, trong hội họa, kiến trúc, âm nhạc để phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong hoạt động tôn giáo.

Trong xu thế phát triển của Công giáo như hiện nay, hy vọng việc thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp mà tác giả nêu trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả QLNN đối với hoạt động của Công giáo ở tỉnh Gia Lai trong thời gian tới.


Tiểu kết chương 3

Chương 3, luận văn tác giả đã đạt được những nội dung chính sau:

Thứ nhất, luận văn tác giả đã nghiên cứu, tìm hiểu và làm sáng tỏ những quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về công tác tôn giáo; chủ trương của Đảng đối với Công giáo. Trong giai đoạn hiện nay, QLNN đối với hoạt động tôn giáo nói chung và hoạt động của Công giáo nói riêng, các chủ thể QLNN phải nắm vững những chủ trương, đường lối của Đảng về tín TNTG theo tinh thần của Nghị quyết 24/NQ-TW năm 1990 của Bộ Chính trị về Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới và Nghị quyết 25/NQ- TW năm 2003 về công tác tôn giáo; những Văn kiện, Nghị quyết, Chỉ thị, Thông báo của Ban Chấp hành trung ương, của Ban Bí thư trung ương về công tác tôn giáo và Công giáo trong những năm qua.

Thứ hai, nghiên cứu và đưa ra những nhận định, dự báo về tình hình phát triển của Công giáo ở Việt Nam trong những năm kế tiếp. Kết quả nghiên cứu cho thấy Công giáo ở Việt Nam trong những năm tới có xu thế phát triển tăng lên; hoạt động đạo dần đi vào nền nếp, chấp hành chính sách và pháp luật Nhà nước nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, diễn biến khó lường.

Thứ ba, qua nghiên cứu quan điểm của Đảng về TNTG, về công tác đối với Công giáo; phương hướng QLNN đối với Công giáo, tác giả đã xây dựng và đề xuất một hệ thống bảy giải pháp QLNN đối với hoạt động của Công giáo ở Gia Lai hiện nay bao gồm: (1) Tập trung nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vấn đề tôn giáo trong đó có Công giáo; (2) Tăng cường công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị ở cơ sở; (3) Tăng cường QLNN về tôn giáo; (4) Tăng cường công tác tổ chức, cán bộ làm công tác tôn giáo; (5) Sửa đổi quy chế và triển khai thực hiện quy chế tăng cường phối hợp công tác


giữa các cơ quan chức năng của địa phương; (6) Thực hiện tốt chính sách nhà đất liên quan đến Công giáo; (7) Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ Công giáo; (8) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo và Công giáo trên địa bàn tỉnh.

Thứ tư, qua việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp, tác giả cũng đã có những khuyến nghị với các cơ quan QLNN về tôn giáo trong việc đổi mới, nâng cao hiệu quả QLNN đối với hoạt động của Công giáo hiện nay. Để phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của Công giáo đối với đời sống xã hội, cần quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo, đảm bảo ổn định chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng; cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp: về nhận thức, về chính sách và thực thi chính sách, về giải quyết những bất cập liên quan đến tôn giáo và đấu tranh với âm mưu, hành vi của các thế lực xấu lợi dụng Công giáo gây bất ổn Tây Nguyên; đồng thời cần thực hiện việc tuyên truyền và phổ biến Luật Tín ngưỡng tôn giáo đến cán bộ chính quyền và chức sắc, tu sĩ, tín đồ Công giáo, giúp họ nâng cao tính tự giác trong chấp hành pháp luật và để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống. Các giải pháp trên không chỉ đảm bảo cuộc sống người dân mà còn thu hút nguồn lực của Công giáo, làm cho tín đồ, chức sắc thấy được trách nhiệm và quyền lợi của họ đối với việc giữ gìn an ninh trật tự của địa phương, không tạo cớ để các thế lực phản động lợi dụng niềm tin tôn giáo gây bất ổn. Phát huy ảnh hưởng tích cực của Công giáo còn nhằm tạo đồng thuận xã hội, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc - tôn giáo tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng Gia Lai phát triển từ chính nội lực của người dân.


KẾT LUẬN

Triển khai nghiên cứu về thực trạng QLNN đối với Công giáo trên địa bàn tỉnh Gia Lai, luận văn rút ra một số kết luận sau:

1. QLNN về tôn giáo là sự quản lý tổng hòa các mối quan hệ, là việc tổ chức thực hiện các chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận nhân dân, thực hiện đại đoàn kết toàn dân, phát huy những mặt tích cực của tín ngưỡng, tôn giáo.

Đảng và Nhà nước ta luôn quán triệt, thực hiện các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, đó là: “Tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo” và yêu cầu mọi hoạt động tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, mọi công dân, người theo tôn giáo cũng như người không theo tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, đều có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Tuy nhiên, vấn đề tôn giáo là vấn đề phức tạp và nhạy cảm nên quá trình giải quyết và xử lý vấn đề tôn giáo không được chủ quan, nóng vội, đơn giản mà cần phải phân biệt rõ vấn đề thuộc tín ngưỡng – tâm linh, đâu là vấn đề bị kẻ xấu lợi dụng để có thái độ rõ ràng và cách đối xử đúng. Mọi sơ suất, chủ quan, nóng vội hoặc đơn giản trong xử lý vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo đều có thể dẫn đến nguy cơ chia rẽ, làm rạn nứt khối đoàn kết toàn dân tộc, làm suy yếu sức mạnh quốc gia.

Luận văn đã làm rõ một số khái niệm liên quan đến Công giáo, sự cần thiết và các yếu tố ảnh hưởng đến QLNN đối với Công giáo; chủ thể, nội dung và phương thức QLNN đối với Công giáo; kinh nghiệm QLNN đối với hoạt động Công giáo ở một số địa phương và rút ra bài học kinh nghiệm QLNN đối với hoạt động Công giáo của tỉnh Gia Lai.

2. Gia Lai là địa bàn cư trú của 35 dân tộc và là tỉnh có nhiều tôn giáo (số tín đồ chiếm 25% dân số, trong đó đại đa số là đồng bào các dân tộc thiểu


số). Có thể thấy QLNN đối với hoạt động của Công giáo trên địa bàn tỉnh là một việc làm mang tính cấp thiết, khách quan, bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn của đời sống xã hội của nhân dân, mặt khác QLNN đối với hoạt động Công giáo trên địa bàn cũng nhằm tạo các điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện quyền tự do TNTG của mình, đồng thời cũng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi lợi dụng hoạt động tôn giáo để thực hiện những âm mưu phi tôn giáo, gây ảnh hưởng đến sự bình yên của đời sống xã hội.

3. Thực hiện nhiệm vụ QLNN đối với hoạt động của Công giáo trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh ổn định, hòa bình, hiện đại, song bên cạnh đó cũng còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: hệ thống tổ chức bộ máy chưa hoàn thiện; đội ngũ cán bộ, công chức QLNN về tôn giáo còn yếu và thiếu về chuyên môn, nghiệp vụ công tác; công tác tuyên truyền và thuyết phục tín đồ còn mang tính hình thức, chưa đổi mới; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn chưa hiệu quả; việc quản lý đất đai, cơ sở thờ tự, cấp phép xây dựng còn có nhiều vướng mắc; chưa quản lý được hoạt động các dòng tu; còn để xảy ra những hiện tượng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài; sơ hở trong đấu tranh phòng ngừa hành vi lợi dụng Công giáo để xâm phạm đến an ninh, trật tự của tỉnh.

4. Công giáo ở Tây Nguyên nói chung và trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng, đang có những bước phát triển hết sức nhanh chóng. Dự báo trong thời gian tới, Công giáo sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa, với những hoạt động đa dạng và còn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, việc QLNN đối với Công giáo phải ngày càng được chú trọng trên địa bàn tỉnh Gia Lai; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc giữa đồng bào có đạo và không có đạo; giữa đồng bào theo Công giáo và tín đồ các tôn giáo khác; từ đó, đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân.


5. Để thực hiện có hiệu quả hơn nhiệm vụ QLNN đối với hoạt động của Công giáo trên địa bàn tỉnh, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Từ việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong việc triển khai thực hiện chính sách; hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách đối với tôn giáo, trong đó có Công giáo vào tình hình thực tế tại địa phương; hoàn thiện tổ chức bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC làm công tác tôn giáo; tuyên truyền vận động chức sắc, chức việc và tín đồ Công giáo về chính sách của Đảng và Nhà nước; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các địa phương trong việc QLNN về tôn giáo trên địa bàn tỉnh; giải quyết tốt các nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo cho đồng bào có đạo và tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách đối với tôn giáo. Đồng thời kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước ta; cũng như đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào có đạo.

Từ những vấn đề nêu trên, luận văn đưa ra một số giải pháp cụ thể đối với việc QLNN hoạt động Công giáo trên địa bàn tỉnh Gia Lai, qua đó nhằm phát huy những thành tựu và khắc phục những hạn chế của việc QLNN về tôn giáo trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Hy vọng rằng luận văn sẽ góp một phần nhỏ để cùng các cơ quan chức năng của tỉnh làm tốt việc QLNN đối với Công giáo trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh./.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/02/2023