Quản lý đầu tư công tại tỉnh Tiền Giang 1669815612 - 21


Thứ nhất, thực hiện tốt các khâu chuẩn bị, đặc biệt là giải phóng mặt bằng.

Thứ hai, theo dõi, giám sát, đánh giá chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải ngân và/hoặc bố trí nguồn vốn, và những trục trặc phát sinh để có biện pháp khắc phục sớm.

Thứ ba, đấu thầu và mua sắm công cạnh tranh và minh bạch.

Thứ tư, tạo điều kiện cho sự tham gia và giám sát của những bên có lợi ích liên quan.

5.3.1.2. Về công tác quản lý quá trình Vận hành dự án đầu tư công

Tại Tiền Giang, quy trình quản lý ĐTC chấm dứt sau khi dự án ĐTC hoàn tất và dự án được bàn giao cho tổ chức vận hành. Cụ thể, trường hợp tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương. Đây là tuyến đường cao tốc nối TP. Hồ Chí Minh với tỉnh Tiền Giang và các tỉnh ĐBSCL nói chung, dài 50km, có điểm đầu tuyến là nút giao thông Chợ Đệm, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh và đi qua địa bàn năm huyện của tỉnh Tiền Giang, cụ thể là các xã, phường, thị trấn Tân Lập 1, Tân Hội Đông, Tân Lý Đông, Tam Hiệp, Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành). Điểm cuối là nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (km 50) huyện Châu Thành, Tiền Giang.

Chủ đầu tư của dự án này là PMU Mỹ Thuận, thực hiện theo phương thức chìa khóa trao tay. Sau khi hoàn thành dự án, PMU Mỹ Thuận tiến hành bàn giao dự án cho Công ty Cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC), và kết thúc trách nhiệm của mình ở đó. BEDC sau đó chịu trách nhiệm thanh toán tiền đầu tư cho chính phủ, quản lý tuyến cao tốc (bao gồm cả thu phí, thực hiện bảo trì, bảo dưỡng).

Quy trình quản lý ĐTC và phân chia trách nhiệm giữa các bên tại khâu vận hành như thế này có nguy cơ dẫn đến tình trạng rủi ro đạo đức. Hậu quả của việc dự án bị chậm tiến độ gần 3 năm và chi phí đội lên gấp rưỡi - tất cả thuộc trách nhiệm của PMU Mỹ Thuận - đã được chuyển hoàn toàn sang BEDC sau khi dự án được bàn giao. Không chỉ chịu tình trạng liên quan đến tình trạng chi phí bị đội lên gấp rưỡi, BEDC còn phải giải quyết hậu quả do chất lượng đường xuống cấp nhanh chóng ở một số nơi, làm tăng chi phí bảo trì và bảo dưỡng. Đề bù đắp các chi phí tăng lên này, hiển nhiên là BEDC sẽ cần phải tăng phí đường một cách tương ứng. Nhưng trên thực tế, khi làm như vậy, rất nhiều phương tiện đã quay trở lại sử dụng đường quốc


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 180 trang tài liệu này.

lộ. Điều này một mặt làm suy giảm thêm khả năng thu hồi vốn, đồng thời làm đi ngược lại mục tiêu ban đầu của dự án.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy nhân tố này có tác động tích cực thứ hai trong các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý ĐTC tại Tiền Giang, do đó trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả quản lý ĐTC tại tỉnh Tiền Giang, cần tăng cường hiệu quả của công tác vận hành dự án như sau:

Quản lý đầu tư công tại tỉnh Tiền Giang 1669815612 - 21

Thứ nhất, yêu cầu chủ đầu tư (đơn vị triển khai dự án) có trách nhiệm bảo hành trong một thời gian nhất định đối với các dự án họ thực hiện.

Thứ hai, gắn khả năng được phép thực hiện các dự án trong tương lai với chất lượng và hiệu quả thực hiện các dự án trong quá khứ.

Thứ ba, thực hiện đăng bộ tài sản hình thành từ ĐTC một cách đầy đủ.

Thứ tư, theo dõi và hạch toán đầy đủ những thay đổi về giá trị của tài sản công trong suốt quá trình vận hành.

Thứ năm, theo dõi chất lượng và hiệu quả cung ứng dịch vụ của dự án đầu tư công.

Thứ sáu, có dự toán đầy đủ chi phí thường xuyên cho hoạt động vận hành cũng như bảo trì, bảo dưỡng dự án khi đi vào hoạt động.

Nói tóm lại, những nội dung cơ bản liên quan đến vận hành dự án như bảo trì, bảo dưỡng tài sản hình thành từ dự án; hạch toán những thay đổi về giá trị tài sản; và đánh giá mức độ hữu dụng của dự án căn cứ vào chất lượng và số lượng dịch vụ nó mang lại hiện nay cần quản lý chặt chẽ và khoa học, sẽ góp phần nâng qua hiệu quả quản lý ĐTC trong quy trình quản lý ĐTC của Tiền Giang.

5.3.1.3. Về công tác Đánh giá độc lập đối với thẩm định dự án đầu tư công

Tại Tiền Giang hiện nay không có hội đồng thẩm định đầu tư công thường trực, và cũng không có hội đồng thẩm định hay đánh giá đầu tư công độc lập. Do đó, khi phát sinh các dự án ĐTC, thì các hội đồng này mới được thành lập bằng cách tập trung các thành viên chủ yếu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính.

Về mặt pháp lý, văn bản pháp quy cao nhất và mới nhất về ĐTC hiện nay là Luật Đầu tư công năm 2019; Luật đã có những chỉnh sửa, bổ sung để đẩy mạnh phân cấp trong việc xem xét quyết định các phê duyệt chủ trương đầu tư, đặc biệt là phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Cụ thể, Luật Đầu tư công 2019 đã tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trình tự, thủ tục, phân cấp thẩm quyền quyết


định chủ trương đầu tư dự án ĐTC. Trong đó, đáng chú ý nhất là phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, đưa vấn đề này trở thành một nội dung của thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, và do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thẩm định (trừ chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ) trên cơ sở tổng số vốn kế hoạch trung hạn của đơn vị được cấp có thẩm quyền phân bổ.

Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư công 2019, về mặt danh nghĩa, theo chức năng nhiệm vụ được phân công, một số sở, ban, ngành đặc biệt là Sở Kế hoạch và Đầu tư và trong một chừng mực ít hơn là Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang được giao nhiệm vụ theo dõi chung hoạt động ĐTC tại Tiền Giang, về nguyên tắc, có quyền và trách nhiệm xem xét lại kết quả thẩm định của các ngành và địa phương liên quan. Nhưng trên thực tế, một mặt vì các sở, ban, ngành tại Tỉnh không được giao nhiệm vụ cụ thể; mặt khác vì nguồn lực về tổ chức, con người, thời gian, tài chính hết sức hữu hạn nên các năng lực quản lý cũng không có khả năng bao quát hết việc đánh giá độc lập đối với thẩm định dự án.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy, nhân tố này có tác động tích cực và đứng thứ ba trong các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý ĐTC tại Tiền Giang, do đó trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả quản lý ĐTC tại tỉnh Tiền Giang cần:

Thứ nhất, cần tập trung thẩm quyền và năng lực thẩm định dự án vào một cơ quan để có thể theo dõi một cách triệt để, cụ thể là Sở Tài chính hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ hai, áp dụng các chuẩn mực quốc tế về thẩm định dự án đối với tất cả các dự án ĐTC. Đồng thời, sử dụng thống nhất các chuẩn mức thẩm định dự án cho mọi dự án ĐTC, bất kể nguồn vốn như thế nào.

Thứ ba, áp dụng chế độ thẩm định khác nhau với ba nhóm dự án: đối với những dự án có tầm quan trọng và quy mô đặc biệt thì nhất thiết cần thành lập hội đồng thẩm định độc lập. Đối với những dự án có tầm quan trọng nhưng có quy mô thấp hơn mà nếu có một trong các tiêu chí thẩm định vượt ngưỡng quy định, thì tuy không cần thành lập hội đồng thẩm định độc lập, song nên thực hiện đánh giá lại kết quả thẩm định một cách độc lập. Đối với các dự án còn lại, chỉ cần đánh giá lại kết quả thẩm định khi thấy cần thiết.


5.3.1.4. Về công tác Điều chỉnh dự án đầu tư công

Tình trạng chậm tiến độ tất yếu dẫn đến việc phải điều chỉnh các nội dung khác của dự án, nhất là là chi phí đầu tư. Điều này dẫn đến tình trạng khó quản lý đối với các nhà quản lý ĐTC tại Tiền Giang. Nếu giữ nguyên kỷ luật ngân sách, không cho phép điều chỉnh chi phí đầu tư thì các dự án đang triển khai có thể không bao giờ được hoàn thành, và lãng phí trong ĐTC là hệ quả chắc chắn. Mặt khác, nếu cho phép điều chỉnh thì hiển nhiên là sẽ làm tăng gánh nặng ngân sách, đặc biệt là ở cấp trung ương. Trong đa số trường hợp, sức ép của chỉ tiêu ĐTC và tăng trưởng, cùng với sự hối thúc của các sở, ngành tại Tiền Giang dẫn đến một sự thỏa hiệp đối với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thực tế thời gian qua cho thấy rất nhiều dự án ĐTC phải điều chỉnh, từ đó tạo ra nhiều xáo trộn trong hệ thống quản lý ĐTC, đặc biệt là công tác lập kế hoạch và bố trí nguồn vốn.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy nhân tố này có tác động tiêu cực trong các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý ĐTC tại Tiền Giang, do đó trong thời gian tới cần siết chặt kỷ luật đối với việc điều chỉnh dự án. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan quản lý ĐTC tại Tiền Giang cần phải:

Thứ nhất, thắt chặt khả năng điều chỉnh tiến độ, dự toán và phương án tài chính

để buộc chủ đầu tư phải tính toán căn cơ ngay từ trước khi thực hiện dự án.

Thứ hai, những dự án đề nghị điều chỉnh cần có luận chứng chi tiết. Những luận chứng này sau đó phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá và chấp thuận.

Thứ ba, quy rõ trách nhiệm đối với những tổ chức và cá nhân là nguyên nhân của việc phải điều chỉnh dự án.

5.3.1.5. Về công tác Đánh giá và kiểm toán sau khi hoàn thành dự án

Công tác kiểm toán và đánh giá sau khi dự án kết thúc hiện nay đang được thực hiện một cách hình thức, còn việc kiểm toán sau khi dự án kết thúc được tiến hành trong một phạm vi rất nhỏ. Như vậy, cũng tương tự như khâu thẩm định dự án, việc đánh giá dự án được giao cho chủ đầu tư, và điều này hiển nhiên tạo ra nguy cơ về xung đột lợi ích. Hệ quả là việc đánh giá đầu tư mặc dù có thể được quy định hết sức chi tiết về mặt pháp lý nhưng lại được thực hiện hết sức hình thức trên thực tế. Tất nhiên, về nguyên tắc, cơ quan quyết định đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư có thể thực hiện đánh giá đột xuất dự án đầu tư thuộc quyền quản lý của mình. Tuy nhiên, nhìn chung hiệu quả và hiệu lực của hoạt động này rất thấp.


Trên thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới là cơ quan đầu mối giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá ĐTC. Nội dung và việc tổ chức giám sát, đánh giá dự án ĐTC được quy định trong văn bản mới nhất của Chính phủ vừa ban hành là Nghị định số 01/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư. Theo Nghị định này, nội dung đánh giá dự án đầu tư bao gồm đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc, đánh giá tác động, và đánh giá đột xuất, trong đó đánh giá kết thúc bao gồm các nội dung sau:

- Đánh giá quá trình chuẩn bị đầu tư dự án;

- Đánh giá quá trình thực hiện dự án: hoạt động quản lý thực hiện dự án; kết quả thực hiện các mục tiêu của dự án; các nguồn lực đã huy động cho dự án; các lợi ích do dự án mang lại cho những người thụ hưởng và những người tham gia; các tác động của dự án; tính bền vững và các yếu tố bảo đảm tính bền vững của dự án;

- Các bài học rút ra sau quá trình thực hiện dự án và đề xuất các khuyến nghị cần thiết.

Trong đó, Nghị định số 01/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm quy định về phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư chương trình ĐTC. Cụ thể:

Thứ nhất, tùy theo quy mô và tính chất của dự án, có thể sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu (giữa kết quả/số liệu thực tế thu thập tại thời điểm đánh giá và mục tiêu/kế hoạch đặt ra; hoặc giữa các thông số của dự án tại thời điểm đánh giá với các chỉ số tiêu chuẩn; hoặc kết hợp) hoặc phương pháp phân tích chi phí – lợi ích.

Thứ hai, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư dự án ĐTC: Mức độ đạt được mục tiêu đầu tư dự án theo quyết định đầu tư đã được phê duyệt; chỉ số khai thác, vận hành thực tế của dự án so với các chỉ số khai thác, vận hành của dự án đã được phê duyệt; các tác động KTXH, môi trường và các mục tiêu phát triển đặc thù khác (xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, hộ chính sách, đối tượng ưu tiên); các biện pháp để giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực về xã hội, môi trường được thực hiện.

Tuy nhiên, tại Tiền Giang việc đánh giá dự án và việc kiểm toán sau khi dự án kết thúc vẫn còn tình trạng thực hiện một cách hình thức, để nâng cao hiệu quả và hiệu lực của các hoạt động này, các cơ quan quản lý tại Tiền Giang nên áp dụng việc đánh giá dự án cho mọi dự án. Tuy nhiên, đối với những dự án đặc biệt quan trọng cần có một hội đồng đánh giá độc lập, có thể chính là hội đồng thẩm định độc lập ban


đầu; và đối với những dự án quan trọng thì hội đồng đánh giá có thể là hội đồng kiểm tra bản thẩm định dự án ban đầu, trong giai đoạn nghiên cứu, vấn đề này chưa được thực hiện một cách đầy đủ và thực chất.

5.3.2. Giải pháp phân phối và sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực Nông nghiệp, Giao thông, Công nghệ thông tin và truyền thông

Do vị trí địa lý cũng như hệ thống sông rạch chằng chịt nên việc bố trí các nguồn vốn ĐTC trong lĩnh vực Giao thông phải được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng. Cụ thể các nguồn vốn đầu tư trong tương lai nên tập trung vào đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cả giao thông đường bộ và đường thủy nhưng nên tập trung những tuyến chính, quản lý nguồn vốn ĐTC trong Giao thông cũng như tiến độ thi công là điều quan trọng. Ngoài ra, việc xúc tiến thi công, bê tông hóa hệ thống cảng sông, cảng biển, bến bãi, tăng cường nâng cấp hệ thống phương tiện vận tải… cũng là điều mà UBND tỉnh Tiền Giang nên lưu tâm đến.

Nhà nước điều tiết các nguồn vốn theo hướng cân đối, hài hòa và tương đồng giữa các ngành nghề, những lĩnh vực, những vùng/miền, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển theo định hướng đã đề ra. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy có mối quan hệ tương tác qua lại giữa tác động của vốn ĐTC trong CNTT&TT và Nông nghiệp đến tăng trưởng kinh tế của Tiền Giang. Do đó, việc phân phối và cân đối hai nguồn vốn này cũng là quyết định cẩn trọng, bởi sự phát triển kinh tế cần sự phát triển đồng đều giữa các ngành để tạo nên sự tăng trưởng kinh tế bền vững.

Ngoài ra, tại Tiền Giang vẫn còn tình trạng phân bổ vốn phát sinh do trước đó không có kế hoạch vốn trung và dài hạn, cần tới đâu xin bổ sung vốn đến đó nên dẫn đến tình trạng đầu tư manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính đồng bộ theo liên kết vùng. Bên cạnh đó, vốn đầu tư phân bổ chồng chéo, trùng lắp, nên gây lãng phí nguồn lực của nhà nước, phá nát không gian kinh tế, đặc biệt với hệ thống sông ngòi chằng chịt tại Tiền Giang.

Để khắc phục được vấn đề này, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương và UBND tỉnh Tiền Giang cần xem xét lại các tiêu chí phân bổ vốn ngân sách, quy trình duyệt và phê duyệt cấp NSNN đến các huyện, xã nhằm mục tiêu phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng kinh tế.


5.3.3. Một số khuyến nghị khác

Có thể nói, Tiền Giang là một trong những tỉnh có cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh thì vốn đầu tư của nhà nước có vai trò càng quan trọng nhằm tạo sự lan toả đến những nguồn vốn khác. Do đó, UBND Tiền Giang nên thực hiện các giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng hấp dẫn hơn, cụ thể là thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại doanh nghiệp, tham gia khảo sát các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, tạo điều kiện để các đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tham quan tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh, đồng thời UBND tỉnh Tiền Giang cũng nên quan tâm đến các chính sách ưu đãi nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư cũng như nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của địa phương.

Trước tiên, tỉnh Tiền Giang nên tập trung hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình chuyển tiếp các công trình trọng điểm, để đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH và dân sinh như trường mầm non tại khu công nghiệp Long Giang, bệnh viện đa khoa mới tại huyện Châu Thành, khu bãi rác công nghệ cao tại huyện Tân Phước... Trong các giải pháp này, việc xây dựng chương trình tiếp thị và mời gọi đầu tư theo hướng tập trung mạnh các doanh nghiệp, các dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh là một trong những giải pháp quan trọng, sẽ góp phần phát triển các ngành dịch vụ thương mại theo hướng hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp, các ngành công nghiệp phụ trợ cung cấp nguyên phụ lịêu cho các ngành sản xuất có liên quan tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư ổn định, kinh doanh hiệu quả.

Thứ hai, cần tập trung đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đăng ký thành lập mới, thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh qua mạng (hiện tại tỷ lệ đăng ký kinh doanh trực tuyến chỉ đạt hơn 25% trên tổng số doanh nghiệp đăng ký), cần rà soát dữ liệu doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để cập nhật thông tin và kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh nội dung đăng ký doanh nghiệp theo đúng quy định... nhằm tránh những rườm rà không đáng có trong khâu thủ tục hành chính.

Nâng cao chất lượng chuyên mục "Đối thoại doanh nghiệp" trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang cũng như tiếp nhận các phản ánh về dịch vụ hành chính công "Một cửa điện tử" của tỉnh để tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của người dân,


doanh nghiệp khi có yêu cầu, cần có bộ phận chuyên trách trực và phản hồi ý kiến thắc mắc của các doanh nghiệp một cách chính xác và kịp thời. Có thể nói, từ sự minh bạch, công khai này, sẽ ngày càng kiến tạo, bồi đắp lòng tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư vào môi trường đầu tư - kinh doanh của Tỉnh.

Quản lý ĐTC không phải thực hiện riêng lẻ mà ĐTC luôn gắn kết với tổng thể hệ thống thể chế, chính sách quản lý kinh tế. Bởi chính sách quản lý ĐTC không được định hình và thực hiện một cách biệt lập mà trong một môi trường thể chế và chính sách nhất định. Điều này có nghĩa là bản thân hoạt động quản lý ĐTC không phải là nhân tố duy nhất quyết định chất lượng và hiệu quả ĐTC. Chẳng hạn như hiệu quả và hiệu lực của hệ thống phân bổ ngân sách, quản trị doanh nghiệp nhà nước, và hệ thống quản lý nợ công, tất cả đều có ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống quản lý ĐTC.

5.4 Hạn chế và hướng nghiên cứu tiếp theo

Thứ nhất, phạm vi nghiên cứu chỉ trong địa bàn Tiền Giang, kết quả nghiên cứu sẽ khái quát hơn nếu nghiên cứu trong phạm vị rộng hơn, như toàn bộ các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh phía Nam hoặc trên cả nước. Đề tài nghiên cứu mới chỉ thực hiện đánh giá tác động của thay đổi của ba loại vốn ĐTC gồm: vốn ĐTC trong Nông nghiệp, Giao thông, CNTTT&TT mà chưa đánh giá và xác định ảnh hưởng của vốn ĐTC đến tăng trưởng kinh tế theo 21 ngành kinh tế tại Tiền Giang.

Thứ hai, nghiên cứu chỉ dựa trên đối tượng khảo sát là các nhà quản lý, các chuyên viên đã, đang công tác quản lý các dự án ĐTC. Do đó, câu trả lời của các đối tượng này chủ yếu dựa trên kinh nghiệm đã quản lý, công tác mà chưa nghiên cứu đến các đối tượng không trực tiếp tham gia, quản lý các dự án ĐTC và các đối tượng thụ hưởng các công trình ĐTC, cụ thể là các tầng lớp dân cư tại Tiền Giang.

Do đó, hướng nghiên cứu tiếp theo có thể mở rộng thêm các đối tượng khảo sát, mở rộng thêm phạm vi nghiên cứu (theo 21 ngành kinh tế để có cái nhìn bao quát kỹ hơn về tác động của vốn ĐTC tại Tỉnh) cũng như các nhân tố ảnh hướng đến quản lý ĐTC sẽ đem lại kết quả bao quát hơn.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 30/11/2022