Quá Trình Triển Khai Chương Trình Ấp Tân Sinh Ở Các Tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ

Cách mạng đã nhận thấy: “Danh từ ấp chiến lược đã hoàn thành và hiện không còn phù hợp với cục diện xã hội đang tiến triển” [76].

Để phù hợp với chương trình bình định mới, chính quyền VNCH đã thay đổi toàn bộ hệ thống tổ chức ACL cũ. Ngày 05 – 03 – 1964, “Ủy ban bình định Trung ương” có Phiếu trình Thủ tướng VNCH về việc thực hiện “chương trình ấp tân sinh” (hay còn gọi là ấp đời mới), trong đó giải thích:

“Chương trình xây dựng ấp tân sinh mới gồm hai phần là vãn hồi an ninh và phát triển tân sinh tại nông thôn để tiến tới mục tiêu cuối cùng là gây được sự tự nguyện hưởng ứng trong dân chúng đối với chính phủ trong cuộc chiến đấu tiêu diệt cộng sản. Kỹ thuật lập ấp tân sinh: cần chú ý đến yếu tố đắc nhân tâm, là yếu tố căn bản quyết định sự thành bại của chính sách. Gom dân: phải hạn chế đến mức tối thiểu, phải chuẩn bị về mặt tâm lý quần chúng, phải cho họ được hưởng bồi hoàn tức thì. Ta cố gắng phát triển mọi mặt trong ấp để họ nhìn rõ kết quả và tự nguyện xin vào ấp” [76].

Như vậy, thực chất ATS chính là ACL trước đây, nhưng đứng trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quân và dân ta đã buộc Mỹ và chính quyền VNCH phải hạ thấp các tiêu chuẩn, hình thức, biện pháp gom dân, chủ trương đóng góp cũng như những thủ đoạn kìm kẹp nhân dân. Vì vậy, ATS chính là sự điều chỉnh về thủ đoạn, cách thức thực hiện của Mỹ và chính quyền VNCH nhằm tiếp tục theo đuổi mục tiêu của cuộc chiến tranh. Theo quan điểm của Mỹ và phái bộ BRIAM thì ACL dù có tên gọi như thế nào đi chăng nữa cũng chỉ là “Sự khác biệt giữa chế độ cũ và chế độ mới là sự hành động để diễn tả ý chí của chính phủ trong việc thi hành chính sách ấp chiến lược một cách có hiệu quả hơn trước. Dù muốn hay không, thành hay bại, tự do hay nô lệ của Việt Nam cũng tùy thuộc nơi chính sách đã thu hút đại đa số tài nguyên (nhân – vật – lực) của đất nước” [74, tr.3].

Ngày 09 – 03 – 1964, tướng Nguyễn Khánh ký sắc lệnh “Giải tán Ủy ban Liên bộ đặc trách ấp chiến lược và Ủy ban đặc trách ấp chiến lược, khu chiến thuật”, thay tên gọi ấp chiến lược thành ấp tân sinh, lập “Tổng nha Tân sinh nông thôn” để làm công việc của Ban Thường vụ ấp chiến lược cũ. Chương trình xây dựng ấp tân sinh bắt đầu từ ngày 01 – 04 – 1964 theo hai bước:

Bước 1: từ ngày 01 – 04 – 1964 đến tháng 12 – 1965, tiếp tục mở các cuộc hành quân càn quét, đánh phá liên tục kết hợp với việc dồn dân lập ấp tân sinh trên các địa bàn trọng điểm: Vùng I chiến thuật (Bắc Trung Bộ) tập trung ở khu vực duyên hải từ đường sắt đến ven biển; Vùng II chiến thuật (Nam Trung Bộ) chủ yếu ở các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Ninh Thuận, thung lũng Bình Khê, Củng Sơn, trục lộ các tỉnh Plâyku, Phú Bổn, Đắk Lắk, Quảng Đức, Tuyên Đức và Lâm Đồng; Vùng III chiến thuật (Đông Nam Bộ) là xung quanh Sài Gòn – Gia Định; Vùng IV chiến thuật (đồng bằng sông Cửu Long) chủ yếu ở các tỉnh An Giang, Châu Đốc, Vĩnh Long, Gò Công và một phần các tỉnh Phong Dinh, Kiến Phong, Kiến Giang, Định Tường, Ba Xuyên, Bạc Liêu.

Bước 2: bắt đầu từ năm 1966, tấn công các vùng căn cứ, tiêu diệt chủ lực quân giải phóng, phá hủy các cơ sở quân sự, chính trị của cách mạng miền Nam.

Như vậy, kế hoạch Johnson - McNamara là một bước thụt lùi so với kế hoạch Staley - Taylor vì kế hoạch Staley - Taylor là kế hoạch “tấn công chiến lược” với mục tiêu là “bình định” toàn bộ miền Nam trong vòng 18 tháng, còn kế hoạch Johnson - McNamara là „phòng ngự chiến lược” với mục tiêu là “bình định” miền Nam có trọng điểm trong 2 năm. Mặc dù trong kế hoạch Johnson - McNamara, Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường viện trợ thêm về lực lượng cố vấn quân sự, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho chính quyền VNCH, tăng thêm quân đội VNCH, đồng thời tiếp tục sử dụng chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” để mở các cuộc hành quân càn quét kết hợp dồn dân lập ATS nhưng trên thực tế những chiến thuật này cùng với “quốc sách ấp chiến lược” đã bị quân dân ta đánh bại về cơ bản trong năm 1963.

Như vậy, thực chất ATS chính là ACL trước đây và chỉ là sự điều chỉnh thủ đoạn của Mỹ và chính quyền VNCH từ chỗ ra sức càn quét với chủ trương “bằng bất cứ giá nào”, “đạp lên oán hờn”, “thanh toán cộng sản nằm vùng” để dồn dân lập ACL, đến chỗ “chú ý đến yếu tố đắc nhân tâm”, “hạn chế tối thiểu gom dân”, “khám phá và thanh toán hạ tầng cơ sở của Việt Cộng”. Điều này cho thấy sự thất bại và là một bước thụt lùi về chiến lược trong chương trình ấp chiến lược của Mỹ và chính quyền VNCH. Tuy nhiên, Mỹ - chính quyền VNCH vẫn kiên trì tiếp tục

thực hiện với tên gọi mới ấp tân sinh nhằm tiếp tục cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam nên đã đầu tư nhiều tiền của, công sức trong việc thực hiện “Chương trình cải tiến dân sinh nông thôn” ở miền Nam. Bên cạnh đó, theo tin từ Đài phát thanh Sài Gòn ngày 15 – 03 – 1964, chính quyền VNCH đã hứa hẹn: “… gia hạn cho tá điền được canh tác trong thời hạn 5 năm, chấp nhận cho tá điền mua ruộng truất hữu được trả tiền cho chính quyền trong 2 năm, tạm thời bãi bỏ thuế điền thổ cho dân nghèo có dưới 5 sào đất, xây nhà ánh sáng kiểu mẫu ở thôn ấp, hướng trọng tâm công tác y tế về nông thôn” [126, tr.202]. Ngoài ra, Mỹ còn đưa ra “Chương trình phát 5 triệu bao phân hoá học cho 1 triệu gia đình nông dân, 4 triệu bao ngô và bột mỳ cùng một số dầu thảo mộc, cung cấp thuốc diệt chuột, trừ sâu và 3 triệu sách học cho thanh thiếu niên nông thôn” [126, tr.203], đưa nhiều hoạt động văn hoá, xã hội, dựng phim tuyên truyền chương trình ATS với hy vọng “làm cho đời sống của nông dân khá lên và an ninh hơn, để cho Việt Cộng một khi đã bị đuổi ra khỏi vùng rồi thì khó mà trở lại được” [126, tr.203].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 215 trang tài liệu này.

3.1.2. Quá trình triển khai chương trình ấp tân sinh ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ

Trong giai đoạn từ năm 1964 đến năm 1965, chính quyền VNCH tiến hành thực hiện chính sách ấp tân sinh, trong đó chủ trương trong 12 tháng sẽ “bình định” và thiết lập mới các ấp ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, tiêu biểu như ở các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận.

Phong trào chống, phá ấp chiến lược ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ 1961 – 1965 - 13

Tại Bình Định, một trong những tỉnh nằm trong vùng trọng điểm “bình định” của chính quyền VNCH ở miền Nam nên quân đội VNCH đã tăng cường lực lượng lên 18.000 quân chủ lực gồm trung đoàn 40 của Sư đoàn 22, 2 tiểu đoàn biệt động, 3 chi đoàn xe M113, 27 đại đội địa phương quân, bảo an, biệt kích, 100 trung đội dân vệ, 250 trung đội thanh niên chiến đấu [2, tr.85]. Đồng thời, Mỹ và chính quyền VNCH ra sức tăng cường công sự phòng thủ, củng cố các vùng giáp ranh, tăng thêm hàng kẽm gai và hào sâu (25 cứ điểm cấp đại đội trở lên và 300 chốt điểm nhỏ). Ở địa bàn Tây Phù Cát, Tây Bắc Hoài Nhơn, chúng ra sức củng cố hệ thống phòng thủ cơ bản quanh thị xã Quy Nhơn và các quận lỵ, các trục đường giao thông chiến lược. Chỉ tính từ tháng 03 đến tháng 06 – 1964, quân đội VNCH sử

dụng Sư đoàn 9 và lực lượng bảo an mở 243 trận đánh phá, càn quét vào vùng giải phóng từ Tây Bắc Hoài Nhơn đến Đông Bắc Bình Khê, lấn chiếm 45 thôn, lập lại 35 ATS và một số ATS mới ở Hoài Nhơn, Bắc Phù Mỹ, với hơn 30.000 dân [2, tr.86].

Ở Phú Yên, đầu năm 1964, quân đội VNCH ra sức tập trung lực lượng đánh phá liên tục, có trọng điểm vào căn cứ cách mạng. Chính quyền VNCH đẩy mạnh bắt lính, tăng cường mật độ phi pháo, rải chất độc hoá học phá hoại hoa màu ở vùng giải phóng. Từ tháng 06 – 1964, Sư đoàn 23 quân đội VNCH liên tiếp mở hàng loạt các trận càn quét với quy mô từ 3 đến 5 tiểu đoàn, lợi dụng cả trong lúc lũ lụt lớn ở đồng bằng, lúc nhân dân bị thiên tai tàn phá để càn quét như trận càn “Vì dân 112” ở Tuy Hòa [10, tr.230]. Quân đội VNCH sử dụng máy bay, xe bọc thép M113 kết hợp bộ binh và phi pháo yểm trợ do các cố vấn Mỹ chỉ huy với lực lượng quân sự ở cấp tiểu đoàn, trung đoàn mở các cuộc tấn công vào vùng giải phóng. Ở huyện Sơn Hòa, quân đội VNCH liên tục mở các cuộc càn quét “Vì dân 102” (2 – 1964), “Vì dân 105” (3 – 1964), “Vì dân 104” (4 – 1964). Ở huyện Đồng Xuân, quân đội VNCH mở trận càn “Quyết thắng 404” (6 – 1964) kết hợp với lực lượng biệt kích ở căn cứ Đồng Tre (xã Xuân Phước) do Mỹ chỉ huy tiến hành rải chất độc hoá học nhằm phát quang để lực lượng cách mạng không còn nơi ẩn nấp và tạo ra những vùng đất trắng, khô về mặt sinh thái ở những vùng kiểm soát và vùng tranh chấp nhằm dồn dân, lập ATS, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh tâm lý và bao vây kinh tế.

Tại Khánh Hòa, đầu năm 1964, Mỹ và chính quyền VNCH vạch ra kế hoạch nhằm tổ chức định cư, nâng cao mức sống của nhân dân tại nông thôn với việc xây dựng 284 ATS, lực lượng thanh niên chiến đấu là 5.703 người, các ATS ở vùng an ninh được bình định trước rồi tiến dần đến các ATS ở vùng kém an ninh hơn [142, tr.2]. Bên cạnh đó, chính quyền VNCH còn cung cấp thêm 19.440 kg kẽm gai,

106.556 cọc sắt, 15.733 bao xi măng, 76 máy truyền tin HT1, 73 máy truyền tin TR20 [142, tr.6]. Ngày 27 – 11 – 1964, quân đội VNCH huy động 1 Tiểu đoàn bảo an, 5 tổng đoàn dân vệ mở cuộc càn quét vào thôn Tiên Du (Ninh Hòa). Ngày 08 – 12 – 1964, Mỹ huy động 1 đại đội biệt kích, 4 máy bay trực thăng UH-1A mở cuộc tấn công vào các thôn Tiên Du, Hội Bình, Hội Phú, Hà Liên nhằm đánh chiếm lại các vùng đã mất, lập lại ATS.

Tại Ninh Thuận, chính quyền VNCH đẩy mạnh phát triển các lực lượng vũ trang, đặc biệt là tổ chức thanh niên chiến đấu, tăng cường trang bị vũ khí, tuyển thanh niên người Chăm xây dựng lực lượng tự trị Chiêm Thành, xây thêm đồn bốt để phục vụ cho kế hoạch bình định. Tháng 6 – 1964, quân đội VNCH huy động một trung đoàn với phi pháo hỗ trợ đánh phá vùng Suối Khô (huyện Bác Ái) nhằm tiêu diệt căn cứ cách mạng ở Bác Ái, tiến hành các hoạt động để cải tiến ACL theo mô hình ATS.

Như vậy có thể thấy trong hoàn cảnh lịch sử mới, Mỹ và chính quyền VNCH vẫn tiếp tục thực hiện chính sách dồn dân lập ACL với tên gọi mới là ATS ở miền Nam nói chung và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng. Những âm mưu và thủ đoạn mới của Mỹ và chính quyền VNCH đã đặt ra cho cách mạng các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ nhiệm vụ hết sức nặng nề để tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.

3.2. CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM VỀ CHỐNG, PHÁ ẤP TÂN SINH

3.2.1. Chủ trương của Trung ương Đảng và Trung ương Cục miền Nam

Đứng trước những thay đổi to lớn của tình hình miền Nam, xuất phát từ đặc trưng của từng địa bàn chiến lược và để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức chỉ huy, đảm bảo chi viện tiếp tế trên các chiến trường một cách nhanh chóng, phù hợp với tình hình mới, tháng 11 – 1963, Bộ Chính trị nhấn mạnh: “trong 2, 3 năm tới phải phá cho được về căn bản ấp chiến lược của địch và phải làm chủ thật sự các xã, thôn giải phóng” [53, tr.196-197]. Cuối năm 1963, TW Đảng quyết định điều chỉnh địa giới một số chiến trường: Khu V được bổ sung thêm hai tỉnh của Khu VI là Đắk Lắk và Khánh Hòa. Khu VI bổ sung thêm tỉnh Phước Long của Khu VII.

Tháng 12 – 1963, Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 9 đã tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh những năm qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho cách mạng miền Nam trong những năm tiếp theo. Hội nghị đánh giá kế hoạch Staley - Taylor của địch nhằm bình định miền Nam trong vòng 18 tháng đã bị thất bại; một nội dung quan trọng của kế hoạch đó là dồn dân lập ACL ở miền Nam không thực hiện

được như chúng dự định, không những địch không gom được 2/3 dân vào ACL mà những ACL của chúng bị cách mạng phá từng mảng, nhiều ACL đã biến thành làng chiến đấu của cách mạng.

Hội nghị nhấn mạnh hai mục tiêu chủ yếu mà cách mạng miền Nam cần phải đạt cho bằng được: (1) Tiêu diệt từng bộ phận quân đội địch, tạo điều kiện làm tan rã hoàn toàn lực lượng quân sự, chỗ dựa chính của đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam. (2) Làm thất bại kế hoạch gom dân lập ấp chiến lược của địch, phá phần lớn ấp chiến lược, giành nhân lực, vật lực cho cách mạng, làm chủ rừng núi và phần lớn đồng bằng” [57, tr.804]. Hai nhiệm vụ trên phải có liên hệ chặt chẽ với nhau và hỗ trợ cho nhau nhằm đạt mục tiêu đi đến thắng lợi cuối cùng. Có tiêu diệt sinh lực địch, làm tan rã từng bộ phận quân đội địch mới phá được các ACL một cách nhanh chóng và có phá được phần lớn các ACL mới tạo điều kiện để tiêu hao và tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Về nhiệm vụ chống phá ACL, Nghị quyết xác định chính quyền VNCH đã dùng những chính sách kìm kẹp với những thủ đoạn xảo quyệt về kinh tế, chính trị, nhất là về quân sự để tiến hành dồn dân lập ACL. Tuy nhiên, do bị thất bại nặng nề nên quân đội VNCH buộc phải phân tán phần lớn lực lượng để giữ các ACL ở những vùng rộng lớn. Trên cơ sở đó, ACL chính là chỗ yếu của chính quyền VNCH để lực lượng cách mạng có thể đẩy mạnh tiến công. Vì vậy, Nghị quyết nêu rõ:

“Việc phá ấp chiến lược phải được phát triển song song với chiến tranh du kích, làm tan rã các tổ chức dân vệ và thanh niên chiến đấu, làm tê liệt quân bảo an và hạn chế quân chủ lực của địch. Phải biết dùng hết khả năng của lực lượng quân sự kết hợp với đẩy mạnh tột bực phong trào đấu tranh chính trị và công tác binh vận. Thực tế đã chứng minh rằng phong trào phá ấp chiến lược càng mạnh thì lực lượng thanh niên chiến đấu và dân vệ của địch càng mau tan rã, quân bảo an của địch càng mất chỗ đứng và bị tê liệt, đồng thời quân chủ lực của chúng cũng bị cầm chân và phân tán trong việc hành quân đánh phá, càng quét. Ngược lại, các lực lượng dân vệ bị tan rã, quân địa phương bị tê liệt, quân chủ lực địch bị cầm chân lại thì phong trào phá ấp chiến lược càng được mở rộng” [60, tr.844].

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW Đảng lần thứ 9, tháng 03 – 1964, TW Cục miền Nam họp Hội nghị lần thứ 2. Hội nghị xác định nhiệm vụ trong năm 1964 là phải tranh thủ thời cơ, chủ động liên tiếp tổ chức tấn công nhằm đánh bại kế hoạch tập trung quân để dồn dân lập ACL của chính quyền VNCH. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng vùng căn cứ, vùng giải phóng, xây dựng thực lực chính trị và vũ trang, nhất là lực lượng vũ trang để tiến lên giành những thắng lợi to lớn hơn nữa.

Về việc chống phá ACL, Hội nghị đề ra yêu cầu trong năm 1964 là lực lượng cách mạng phải ra sức đánh bại những cuộc tiến công lấn chiếm, dồn dân lập ACL của quân đội VNCH vào vùng giải phóng, san bằng đại bộ phận khu, ấp chiến lược trong vùng đang tranh chấp và chuyển thành xã chiến đấu, phá lỏng hầu hết các ACL trong vùng chính quyền VNCH còn kiểm soát, làm thất bại kế hoạch củng cố hệ thống ACL của chính quyền VNCH có trọng điểm, rồi loang dần ra.

Hội nghị nhấn mạnh hai mục tiêu cần phải đạt được là:

1. Làm thất bại mưu đồ gom dân lập ấp chiến lược của địch, phá phần lớn các ấp chiến lược địch đã làm được, đảm bảo giành nhân tài vật lực cho cách mạng, làm chủ phần lớn nông thôn và rừng núi.

2. Tiêu diệt sinh lực địch và làm tan rã từng bộ phận quân đội địch, tạo điều kiện làm tan rã lực lượng quân sự, chỗ dựa của chế độ Mỹ và tay sai.

Hai mục tiêu này quan hệ chặt chẽ với nhau, đảm bảo thắng lợi của nhau. Có tiêu diệt sinh lực địch, làm tan rã từng bộ phận quân đội địch mới đảm bảo nhanh chóng phá ấp chiến lược và có phá được nhiều ấp chiến lược mới tạo điều kiện để tiêu hao, tiêu diệt địch [61, tr.718].

Để thực hiện chủ trương trên, TW Cục miền Nam ra chỉ thị cho các Khu ủy phải cụ thể hóa theo từng địa phương và phải xem nhiệm vụ chống, phá ACL là công tác trọng tâm hàng đầu. Ngay trong lúc quân đội VNCH đang đặt kế hoạch, đang điều quân và làm thí điểm thì ta phải tập trung lực lượng thọc sâu vào các khu, ấp chiến lược, đánh phá mạnh mẽ, phá đều khắp, phá thường xuyên, phá đợt, phá mảng, phá cả nội dung lẫn hình thức làm cho chúng không kịp đối phó. Hiện nay, sau hai lần đảo chính và trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của lực lượng vũ trang và chính trị của ta, địch trong các khu, ấp chiến lược đang hoang mang, dao động,

nhiều nơi tê liệt, ta lại có sẵn nhiều kinh nghiệm. Đó chính là điều kiện thuận lợi cho ta đẩy mạnh công tác này. Ấp chiến lược phá đến đâu cần xây dựng ngay thành xã chiến đấu chuyển thành thế đấu tranh chính trị, không để cho chúng khôi phục trở lại thế kìm kẹp. Đồng thời, để hỗ trợ cho công tác chống, phá ấp chiến lược, TW Cục miền Nam đã đề ra các kế hoạch cụ thể, chi tiết về công tác binh vận, nhất là công tác phát động phong trào nổi dậy của nông dân.

3.2.2. Chủ trương của Khu ủy V, Khu ủy VI

Cuối năm 1963 đầu năm 1964, dựa trên cơ sở những khả năng thuận lợi mới cũng như thế và lực cụ thể ở từng địa phương, phong trào chống, phá ATS của quân và dân các tỉnh duyên Nam Trung Bộ đều có những bước phát triển mới so với thời gian trước đó.

Tháng 01 – 1964, Khu ủy V xác định ba mục tiêu chủ yếu phải đạt được trong năm 1964 và nửa đầu năm 1965, đó là: phá ấp chiến lược, phá kìm kẹp của địch giành lại và làm chủ phần lớn nông thôn đồng bằng, làm chủ vùng rừng núi, xây dựng vùng căn cứ và vùng giải phóng vững mạnh, tiêu diệt sinh lực địch, làm tan rã từng bộ phận quân địch, tiến lên thực hiện tốt nhiệm vụ tiêu diệt một phần quân địch;…Trong đó vấn đề mấu chốt trước mắt, quyết định sự phát triển của phong trào là giành dân (chủ yếu ở nông thôn đồng bằng), giải phóng và làm chủ nông thôn đồng bằng.

Nhờ được tăng cường lực lượng và vũ khí từ hậu phương miền Bắc chi viện vào, cùng với việc tổ chức khối bộ đội chủ lực là các trung đoàn bộ binh 1 và 2, các tiểu đoàn đặc công 407 và 409, tiểu đoàn súng máy phòng không 303 và tiểu đoàn 20, Khu ủy V và Bộ Tư lệnh Quân khu V đẩy mạnh phát triển khối bộ đội địa phương ở các tỉnh Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum – mỗi tỉnh có 1 tiểu đoàn, Phú Yên có 2 tiểu đoàn. Thời cơ thuận lợi được nhân lên khi lực lượng vũ trang ba thứ quân không ngừng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng thì lực lượng quân đội VNCH lại có sự thay đổi, đó là Bộ Tổng tham mưu quân đội VNCH đã rút Sư đoàn 9 đứng chân ở Bình Định, Sư đoàn 25 ở Quảng Ngãi vào tăng cường cho miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Đây thực sự là thời cơ để phong trào đấu tranh chống, phá ATS trên chiến trường Khu V phát triển mạnh và giành thêm những thắng lợi to lớn.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/05/2023