Đấu Tranh Chống, Phá Ấp Chiến Lược Của Quân Và Dân Các Tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ

Tháng 06 – 1961, Tỉnh ủy họp tại Nà Niêu (Trà Bồng) bàn về việc mở rộng vùng giải phóng xuống đồng bằng, học tập kinh nghiệm “hai chân, ba mũi” của Nam Bộ. Tiếp đó, tháng 12 – 1961, hội nghị Thường vụ Tỉnh ủy họp mở rộng nhằm: “kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong các hoạt động và cụ thể hóa việc tổ chức tiến công và nổi dậy ở đồng bằng, kết hợp chặt chẽ hai chân, ba mũi, kiên quyết giành lại nông thôn đồng bằng” [7, tr.186].

Ở Bình Định, đầu tháng 04 – 1961, Tỉnh ủy Bình Định tổ chức học tập Chỉ thị của Bộ Chính trị (01 – 1961) và thực hiện chủ trương của Liên Khu ủy V (02 – 1961) về việc giải phóng toàn bộ miền núi, nhanh chóng tiến xuống đồng bằng, đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở và phong trào đấu tranh ở đô thị.

Cuối tháng 01 – 1962, Thường vụ Tỉnh ủy họp kiểm điểm, đánh giá những khó khăn mới và đề ra nhiệm vụ:

“Tập trung sức phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm kẹp giành quyền làm chủ xã thôn, gắn với chống phá địch càn quét gom dân vào ấp chiến lược” [2, tr.69].

Cuối tháng 07 – 1962, hội nghị Tỉnh ủy xác định việc chống, phá ACL chính là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất ở đồng bằng nên chủ trương: “Về phá ấp chiến lược, không chỉ đưa quần chúng đốt phá hàng rào, bãi chông mà phát động quần chúng chống địch đánh phá thanh lọc dân, diệt lực lượng kìm kẹp tại chỗ” [2, tr.72-73].

Tỉnh ủy cũng nhận thấy những yếu kém của phong trào chống địch càn quét gom dân vào ACL, chủ yếu do sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ ở cơ sở còn nhiều thiếu sót, sai lầm. Đó là tình trạng xa dân, thiếu tinh thần tiến công liên tục, chưa tích cực bám dân, còn ỷ lại vào đấu tranh vũ trang của cán bộ đảng viên. Để nhanh chóng khắc phục những hạn chế, Tỉnh ủy chủ trương: “Đẩy mạnh phong trào đấu tranh ba mũi giáp công tại chỗ, tập trung vào nhiệm vụ chống địch càn quét, phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược” [2, tr.76-77].

Ở Phú Yên, Tỉnh ủy chủ trương thực hiện một số biện pháp:

- Đưa cán bộ luồn sâu, bí mật nằm trong các ấp chiến lược xây dựng cơ sở, phát động và hướng dẫn quần chúng đấu tranh đòi địch nới lỏng các quy định vào ấp, đòi đi lại làm ăn dễ dàng.

- Ở những ấp chiến lược mà bộ máy kìm kẹp của chính quyền VNCH yếu thì đồng thời phát động quần chúng xây dựng cơ sở chuẩn bị lực lượng từ bên trong, phải dùng lực lượng vũ trang chủ yếu là đội công tác tiến công từ bên ngoài kết hợp với nổi dậy của quần chúng ở bên trong theo kiểu nội công ngoại kích để phá banh các ấp chiến lược.

Tháng 07 – 1962, Tỉnh ủy ra Nghị quyết nêu cao nhiệm vụ “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang, tích cực tiến công địch bằng cả hai chân, ba mũi giáp công ở ba vùng chiến lược...Kiên quyết đánh bại chiến dịch Hải Yến và kế hoạch gom dân lập ấp chiến lược của địch” [11, tr.213-214].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 215 trang tài liệu này.

Để tăng cường hỗ trợ quần chúng đấu tranh chống địch càn quét, gom dân vào ACL, tháng 11 – 1962, Tỉnh ủy họp tại Suối Cối - Kỳ Lộ (Đồng Xuân) đưa vấn đề phá ACL ra thảo luận và xác định đây là nhiệm vụ trung tâm hàng đầu của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.

Triển khai các chủ trương của Khu ủy và Tỉnh ủy, tháng 03 – 1963, Tỉnh đội Phú Yên họp hội nghị quân chính tại Suối Trưởng - Kỳ Lộ (Xuân Quang, Đồng Xuân) xác định nhiệm vụ trung tâm trước mắt là: “tập trung mọi lực lượng, mọi khả năng vào chống càn quét, phá ấp chiến lược, coi đó là nhiệm vụ trung tâm quan trọng nhất hiện nay bất kỳ ở đâu, lúc nào cũng phải ra sức phá một cách kiên quyết ngay từ đầu và liên tục” [10, tr.221-222].

Phong trào chống, phá ấp chiến lược ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ 1961 – 1965 - 10

Ban Chấp hành Tỉnh đội cũng chỉ ra những hạn chế trong việc lãnh đạo chống càn quét, chống gom dân lập ACL, trong đó nhấn mạnh: “quân địch chủ yếu dùng sức mạnh quân sự đánh phá vùng ta để tiêu diệt lực lượng cách mạng, để gom dân, kìm kẹp quần chúng trong các ấp chiến lược. Do đó, đi đôi với phát động quần chúng chống địch, vai trò hỗ trợ của lực lượng vũ trang là hết sức quan trọng” [10, tr.227].

Ở Khánh Hòa, tháng 02 – 1962, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần ba đã đề ra chủ trương tập trung xây dựng cơ sở ở nông thôn đồng bằng, tiếp tục phá kế hoạch gom dân, lập ACL của địch, tích cực bám dân, bám cơ sở, chú trọng bám địa bàn vùng sâu, ven đường giao thông chiến lược, căn cứ quân sự địch, củng cố miền núi thành chỗ dựa vững chắc cho phong trào ở đồng bằng.

Tại Ninh Thuận, đầu tháng 03 – 1962, hội nghị Tỉnh ủy mở rộng đã nhận định và đề ra các chủ trương [5, tr.301]:

- Là thời kỳ diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt chống phá kế hoạch bình định, chống phá ấp chiến lược, chống càn quét để bảo vệ căn cứ.

- Tăng cường củng cố xây dựng căn cứ, kiên quyết đánh bại mọi cuộc càn quét. Giữ và tiếp tục mở rộng diện làm chủ và tranh chấp lỏng, rã kìm. Xây dựng cơ sở, mở rộng phong trào vào thị xã và vùng sâu.

Ở Bình Thuận, hội nghị Tỉnh ủy vào tháng 12 – 1962, đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 1963 là:“Chống phá âm mưu bình định, phá ấp chiến lược, mở rộng vùng làm chủ và tranh chấp, đánh diệt bọn ác ôn phá rã bộ máy kìm kẹp ở xã, ấp, giành quyền làm chủ” [3, tr.65-66].

Có thể thấy Đảng bộ các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đã chứng tỏ sự nhạy bén, kịp thời trong việc nắm bắt tình hình, đáp ứng được yêu cầu phát triển của cách mạng, nhất là trong việc lãnh đạo quần chúng chống, phá ACL. Đảng bộ các tỉnh đều coi chống, phá ACL là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân.

2.2.2. Đấu tranh chống, phá ấp chiến lược của quân và dân các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ

Trên cơ sở lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng ở địa phương, phong trào chống, phá ấp chiến lược diễn ra quyết liệt, sôi nổi ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.

2.2.2.1. Ở Quảng Nam – Quảng Đà

Thực hiện chủ trương của Khu ủy và Tỉnh ủy, các lực lượng vũ trang đẩy mạnh hoạt động diệt ác ôn, phá kìm kẹp để giành quyền làm chủ nông thôn đồng bằng. Chiều ngày 05 – 02 – 1961, lực lượng vũ trang huyện Duy Xuyên, Quế Sơn phối hợp với bộ đội chủ lực tỉnh, tổ chức tấn công bất ngờ vào hai trung đội địch tại làng Thu Bồn, Duy Xuyên, buộc chúng phải nới lỏng thế kìm kẹp. Đây là trận tập kích đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh diễn ra ở đồng bằng phía Bắc tỉnh.

Mùa Thu năm 1961, các lực lượng vũ trang Khu, tỉnh, huyện phối hợp tiến công, giải phóng thôn Tứ Mỹ (Kỳ Sanh, Tam Kỳ), phát triển mở rộng ra các thôn

Xuân Bình, Phú Thọ (Tam Trà), mở ra vùng giải phóng với khoảng 2.000 dân, phát động quần chúng nổi dậy phá banh ACL, lập chính quyền nhân dân tự quản. Đây là điểm phát động quần chúng nổi dậy phá ACL, giải phóng nông thôn đồng bằng đầu tiên của tỉnh.

Ngày 27 – 10 – 1961, bộ đội tỉnh và đội vũ trang huyện Tiên Phước vượt sông Tranh giải phóng hai xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc (Tiên Phước) với hơn 8.000 dân. Sau chiến thắng, bộ đội chủ lực tỉnh trụ lại phát động quần chúng phá ACL, xây dựng chính quyền tự quản ở xã, thôn. Như vậy, với việc giải phóng liên tiếp các xã Kỳ Sanh, Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, ta đã phá được một số ACL quan trọng, xứng đáng là “ngọn cờ của thời kỳ giải phóng nông thôn đồng bằng trong tỉnh”[6, tr.426].

Phối hợp với những hoạt động trên, trong các tháng 11, 12 – 1961, các đội vũ trang tỉnh đẩy mạnh hoạt động vũ trang, xây dựng cơ sở cách mạng, diệt ác, phá lỏng tiến tới phá banh ACL, giành quyền tranh chấp và làm chủ ở nhiều nơi. Ở Duy Xuyên, Đảng bộ địa phương tổ chức quần chúng mít tinh ở Mỹ Sơn, đốt cơ quan Hội đồng xã Xuyên Phú, Xuyên Thu, Xuyên Hòa, Xuyên Thanh, Xuyên Hiệp; lực lượng vũ trang đẩy mạnh tuyên truyền, phát động quần chúng nổi dậy ở Chợ Gò (Quế Xuân), An Thành (Xuyên Trà). Ở Quế Sơn, lực lượng vũ trang và du kích đẩy mạnh diệt ác ôn ở Khánh Bình, đánh tan bọn tổng đoàn ở Sơn Lợi, đánh địch ở Tứ Nhơn, Bãi Lớn (Sơn Hiệp). Ở Điện Bàn, du kích địa phương đã cải trang diệt các thành viên Hội đồng xã Thanh Thủy (Điện Ngọc) ngay giữa ban ngày, tấn công lực lượng bảo an, dân vệ giữ cầu Kỳ Lam, Câu Lâu; phá lỏng ACL ở các xã thuộc Điện Hòa, Điện Tiến, Điện Thọ, Điện Ngọc. Ở Hòa Vang, lực lượng vũ trang huyện tiêu diệt đồn Phò Nam, tổ chức tiến công các cơ quan Hội đồng, giải tán nhiều tề xã của chính quyền VNCH.

Như vậy, trong năm 1961, lực lượng vũ trang và các đội công tác của tỉnh đẩy mạnh hoạt động, tổ chức đánh gần 100 trận lớn nhỏ, phá tan 5 đồn bốt, diệt bọn ác ôn và tề xã, hỗ trợ cho quần chúng ở nhiều thôn xã phía Tây các huyện đồng bằng nới lỏng được thế kìm kẹp, đẩy mạnh phá ACL, phát triển cơ sở cách mạng, giành quyền làm chủ 15 thôn và hai xã với khoảng 10.000 dân, bước đầu tạo bàn đạp đẩy mạnh hoạt động xuống đồng bằng.

Sang năm 1962, phong trào giải phóng nông thôn đồng bằng tiếp tục phát triển. Ngày 25 – 09 – 1962, lực lượng vũ trang tỉnh mở chiến dịch “vượt sông Tiên”, đánh chiếm cơ quan Hội đồng ba xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà (huyện Tiên Phước), giải phóng 10.000 dân, lập chính quyền nhân dân tự quản ở các thôn, xã. Việc giải phóng các xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà đã tạo điều kiện thuận lợi giải phóng các huyện đồng bằng phía Nam của tỉnh. Nhân đà thắng lợi, lực lượng vũ trang tỉnh và bộ đội địa phương đẩy mạnh tiến công, mở rộng vùng giải phóng, phá ACL ở các huyện: Tiên Phước giải phóng thêm xã Tiên Dương, Tiên Trà; Quế Sơn giải phóng xã Sơn Thọ, Sơn Phúc; Duy Xuyên giải phóng các xã Khu Tây; Đại Lộc giải phóng các xã Khu B; Hòa Vang làm chủ các thôn của Hòa Ninh, Hòa Khương; Điện Bàn làm chủ nhiều thôn ở các xã Điện Thọ, Điện Tiến, Điện Hòa, Điện An, Điện Hồng, Điện Phước; Thăng Bình giải phóng các xã Thăng Phước, Bình Lâm. Tính đến cuối năm 1962, lực lượng vũ trang tỉnh đã phối hợp, hỗ trợ quần chúng phá rã 41 ACL (có ấp phá đến 6 lần), phát động quần chúng ở 244/989 thôn, 57/180 xã, lập chính quyền nhân dân tự quản ở 14 xã với hơn 20.000 dân [6, tr.430].

Cùng với các hoạt động vũ trang, đấu tranh chính trị cũng bắt đầu chuyển biến theo phương châm kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị. Ở các vùng do chính quyền VNCH kiểm soát và vùng tranh chấp, quần chúng đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ, chống dồn dân vào ACL, chống bắt lính… buộc chính quyền VNCH phải chấp nhận những yêu sách của nhân dân, tiêu biểu là cuộc đấu tranh của quần chúng ở khu Tây Duy Xuyên.

Đến năm 1963, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân phản đối việc dồn dân vào ACL diễn ra mạnh mẽ. Giữa lúc quân và dân Quảng Nam ra sức chống các cuộc hành quân càn quét của quân đội VNCH thì ở Quảng Đà, các lực lượng vũ trang và quần chúng nổi dậy diệt ác ôn, phá ACL, giành quyền làm chủ ở nhiều thôn xã. Quần chúng nhân dân huyện Duy Xuyên phá nhiều ACL ở khu Tây, khu Trung; lực lượng vũ trang huyện Điện Bàn đốt sạch trụ sở Hội đồng, giành quyền làm chủ hai xã Phú Tân, Phú Mỹ (Đông Gò Nổi). Tính đến cuối năm 1963, quân và dân Quảng Đà đã phá tan 94/320 ấp chiến lược, làm chủ 76/471 thôn, xây dựng được 36 làng chiến đấu, tranh chấp 85 thôn [6, tr.436].

2.2.2.2. Ở Quảng Ngãi

Quảng Ngãi là tỉnh trọng điểm xây dựng ACL của Mỹ - chính quyền VNCH, ấp Kim Sa (xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh) là một trong hai ấp thí điểm của toàn miền Nam nên quân đội VNCH tăng cường kìm kẹp, gom dân lập ACL. Tỉnh ủy đã phát động chiến dịch phá ACL, mở rộng giải phóng đồng bằng. Lực lượng vũ trang phối hợp với quần chúng nổi dậy giải phóng hàng chục thôn giáp ranh ở Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Đức Phổ, Nghĩa Hành, một số xã phía Đông Quốc lộ 1, hình thành các vùng giải phóng ở đồng bằng. Ở vùng rừng núi, cách mạng giải phóng quận Sơn Hà và các xã ven đường số 5 (Ba Tơ), tạo thành một vùng căn cứ liên hoàn gồm 60 xã từ Trà Bồng đi Sơn Hà đến Ba Tơ. Lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp với quân chủ lực Quân khu V tấn công tiêu diệt đồn Tà Ma (Sơn Hà) vào tháng 05 – 1961 và đồn Giá Vụt (Ba Tơ) tháng 07 – 1961. Đến cuối năm 1961, vùng giải phóng mở rộng gồm cả huyện Sơn Hà (trừ Hà Thành và trục lộ Đồng Ké

– Hà Thành), 8 xã Tây huyện Bình Sơn, Tây huyện Sơn Tịnh, 2 xã ở huyện Nghĩa Hành và hàng chục thôn ở huyện Đức Phổ, các xã miền núi hoàn toàn giải phóng (trừ các quận lỵ Trà Bồng, Ba Tơ, Minh Long), hàng chục ACL bị phá với nhiều mức độ khác nhau.

Ở miền núi, phong trào đấu tranh của đồng bào các dân tộc chống gom dân lập ACL diễn ra quyết liệt, liên tục. Tính trong năm 1962, có 40 lần nhân dân nổi dậy đấu tranh trực diện với chính quyền VNCH, 75 lần đưa kiến nghị, 89 cuộc mít tinh biểu tình với sự tham gia của hơn 400.000 người. Một số nơi, khi quân đội VNCH đàn áp, đồng bào chạy vào rừng không hợp tác với địch.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, phong trào chống, phá ACL trong tỉnh đã giành một số thắng lợi song phong trào phát triển chưa đều. Ở đồng bằng, phong trào ở Đức Phổ phát triển mạnh nhưng ở huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức thì còn yếu. Ở miền núi, phong trào ở huyện Minh Long chưa phát triển mạnh. Nguyên nhân là do một số địa bàn còn nặng về đấu tranh vũ trang; một số xã ở huyện Minh Long, Ba Tơ còn xem nhẹ phát triển du kích; một số cán bộ đảng viên còn ngại gian khổ, chưa hiểu hết mục đích phá ACL, nặng về phá rào, lấp hào nên về sau quân đội VNCH phản công và thiết lập lại các ACL.

Sang năm 1963, Mỹ - chính quyền VNCH đẩy mạnh thực hiện kế hoạch Staley - Taylor. Trong 6 tháng đầu năm 1963, quân đội VNCH tăng cường lực lượng lên mức cao nhất gồm Sư đoàn 25, 1 tiểu đoàn bảo an, 11 đại đội hải thuyền, 302 trung đội tự vệ, biệt kích, 12.000 thanh niên chiến đấu kết hợp với các đoàn cán bộ bình định ra sức đánh phá, càn quét, dồn dân lập ACL ở những vùng tranh chấp và vùng giải phóng của ta. “Binh lính địch được lệnh đốt sạch, phá sạch nhà cửa, hoa màu, cây cối, giết hết trâu, bò, heo, gà. Thậm chí một cái nồi nấu cơm, một con rựa cùn… chúng cũng lấy mang đi hay dùng lưỡi lê đâm thủng và vứt xuống sông, xuống suối” [55, tr.103], buộc nhân dân phải vào sống trong ACL. Từ tháng 01 đến tháng 10 – 1963, quân đội VNCH mở 375 cuộc càn quét với các chiến dịch “Phượng hoàng”, “Trung nghĩa” đánh vào các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long (cửa ngõ căn cứ vùng trung châu), Tân An, Vĩnh Tuy (Sơn Tịnh), Đông Sơn, Đức Phổ, Cà Ty (vùng núi nằm giữa hai huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh). Với thủ đoạn đánh phá quyết liệt, quân đội VNCH đã “lập được 474 ấp chiến lược với 446.000 dân ở đồng bằng, 51 ấp chiến lược ở miền núi. Hầu hết các thôn xã được giải phóng đều bị lấn chiếm lại” [7, tr.226-227].

Thực hiện chủ trương của Khu ủy V là các lực lượng phải bám trụ địa bàn, kết hợp hai chân, ba mũi giáp công, phối hợp với du kích và đấu tranh chính trị của quần chúng trong chống càn quét, phá ACL, tháng 04 – 1963, Tỉnh ủy quyết định mở “Chiến dịch 40”, trọng điểm là vùng Đông Bắc huyện Đức Phổ, Nam huyện Mộ Đức nhằm phá thế kìm kẹp và ACL của chính quyền VNCH ở các xã ven biển và dọc quốc lộ 1. Đêm 23 – 04 – 1963, được tỉnh tăng cường một đại đội, quân và dân huyện Đức Phổ nổi dậy phá banh hệ thống ACL của chính quyền VNCH ở hai xã Phổ An và Phổ Quang, nhân dân xã Phổ Thuận phá lỏng thế kìm kẹp của địch. Sáng 24 – 04 – 1963, gần 500 dân các xã ở xung quanh huyện lỵ Đức Phổ biểu tình để hỗ trợ cho phong trào trọng điểm của huyện.

Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, quân đội VNCH phản ứng mạnh bằng cách tập trung lực lượng, phương tiện quyết chiếm lại Phổ An, Phổ Quang. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, bộ đội và du kích của ta thiếu kinh nghiệm tác chiến nên phần lớn bộ đội huyện và du kích hy sinh, phong trào đấu tranh ở hai

xã tạm thời lắng xuống. Tiếp sau đó, quân đội VNCH chuyển sang đánh phá các xã Phổ Minh, Phổ Cường, Phổ Hiệp, Phổ Thạnh, Phổ Nhơn. Trước sự đàn áp khốc liệt của quân đội VNCH, huyện ủy Đức Phổ ra nghị quyết nhằm “xốc” lại lực lượng vũ trang và chính trị nên đến năm 1963, phong trào chống, phá ACL phát triển mạnh trở lại từ Phổ Thạnh, Phổ Minh, Phổ Cường, Phổ Hiệp, Phổ Nhơn đến Phổ An đã từng bước phá lỏng, phá rã nhiều ACL. Thắng lợi ở Đức Phổ đã củng cố tư tưởng cán bộ và là nguồn cỗ vũ cho phong trào chống, phá ACL trong toàn tỉnh.

Theo gương Đức Phổ, lực lượng tự vệ và du kích ở các địa phương khác đẩy mạnh diệt ác ôn, tổ chức nhân dân nổi dậy chống, phá ACL với những hình thức đấu tranh thích hợp như chống chế việc xây dựng hàng rào ấp, diệt ác ôn, vận động những người tham gia chính quyền và lực lượng dân vệ địa phương đi theo cách mạng, từng bước phá lõng, phá rã ấp, đưa dân về làng cũ làm ăn.

Phong trào đấu tranh phá thế kìm kẹp, không cho địch dỡ nhà, dồn dân lập ACL diễn ra mạnh mẽ ở các huyện Đức Phổ, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Mộ Đức với nhiều hình thức. Khi bị địch cưỡng bức đi làm hàng rào bảo vệ ấp, nhân dân chỉ cắm cây mà không buộc dây hay chỉ buộc sơ qua, hàng rào chỉ mười, mười lăm ngày đã hỏng, du kích và bộ đội ra vào hoạt động dễ dàng. Những ấp chiến lược địch tổ chức kìm kẹp dồn dân quá chặt chẽ, cơ sở ta bí mật thủ tiêu những tên cầm đầu, mua chuộc, lôi kéo bọn còn lại, từng bước phá lõng, phá rã ấp, đưa dân về làng cũ làm ăn. Những khu vực trọng điểm của địch như: Tịnh Bình, Bình Trung … nhân dân liên kết lại, liên tục phá đi phá lại nhiều lần các ACL, khu gom dân, từng bước làm thất bại kế hoạch bình định của địch [55, tr.216].

Sau khi anh em Diệm – Nhu bị lật đổ, phong trào đấu tranh chính trị và công tác binh vận diễn ra đều khắp tỉnh, sôi nổi nhất là ở Đức Phổ, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa. Tính đến cuối năm 1963, toàn tỉnh Quảng Ngãi có đến 126.358 lượt quần chúng tham gia đấu tranh, 348 lần phá ACL. Công tác binh vận cũng đạt kết quả khả quan, làm rã ngũ 1.992 binh sĩ VNCH, vận động 7 trung đội dân vệ làm binh biến ở các xã Phổ Thuận, Phổ Văn, Phổ Quang, Phổ An (huyện Đức Phổ), thu 122 súng các loại [7, tr.198]. Từ trong phong trào cách mạng sôi nổi ở Đức Phổ và Bình Sơn, nhiều tổ binh vận hợp pháp và các tổ đơn tuyến được xây dựng.

Xem tất cả 215 trang.

Ngày đăng: 11/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí