Phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk - 2

- Về vốn hoạt động: Quy mô vốn hoạt động bình quân của HTXNN trong 5 năm gần đây (2009-2013) có xu hướng tăng dần, bình quân tăng 10,6%/năm. Quy mô vốn hoạt động bình quân/HTX luôn cao hơn vốn điều lệ bình quân từ 1,3-2,8 lần do được bổ sung từ nguồn tự tích lũy của HTX và tài trợ, trợ cấp khác, song phần lớn từ 

các nguồn vốn vay (chiếm từ 19,2% đến 58% tổng vốn hoạt động). Cơ cấu vốn cố định và vốn lưu động trong vốn hoạt động đều tăng dần, song vốn cố định có tốc độ tăng bình quân nhanh hơn (18,4% so với 4,2%) cho thấy các HTXNN trên địa bàn đã có sự gia tăng quy mô SXKD trong ngắn hạn, nhưng cũng chú trọng hơn vào việc đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất trong dài hạn.

b. Tình hình thành viên và lao động của HTXNN

- Về số lượng thành viên và lao động của HTXNN: Giai đoạn 2009–2013, thành viên của HTXNN có xu hướng giảm cả về tổng số và bình quân thành viên/HTXNN; lao động của HTXNN tăng về tổng số, nhưng lại có xu hướng giảm về bình quân lao động/HTX. Trong đó, tổng thành viên HTXNN giảm bình quân 0,6%/năm; bình quân thành viên/HTXNN giảm bình quân 9,6%/năm; tổng lao động trong HTXNN tăng bình quân 5,8%/năn, nhưng bình quân lao động/HTX giảm bình quân 3,8%/năm.

- Đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành HTX có sự cải thiện đáng kể về trình độ học vấn và chuyên môn. So với thời điểm năm 2009, đến năm 2013: Tỷ lệ có học vấn trung học phổ thông tăng 24%, tiểu học giảm 12,5%, trung học cơ sở giảm 11,5%; tỷ lệ cán bộ có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học tăng 13,1%; sơ cấp, trung cấp tăng 33,6%; tỷ lệ cán bộ chưa qua đào tạo giảm 46,7%.

c. Tình hình đất đai của HTXNN: Đến năm 2013, các HTXNN trên địa bàn Đắk Lắk quản lý, sử dụng trên 30,7 triệu m2, tăng trên 7 triệu m2 so với năm 2009, bình quân tăng 9%/năm. Cơ cấu nguồn gốc đất có xu hướng giảm về đất được nhà nước giao, cho thuê, nhưng tăng về đất do HTXNN tự thuê mượn. Điều này cho thấy các HTXNN trên địa bàn đã chủ động, không hoàn toàn chờ nhà nước hỗ trợ trong vấn đề về đất đai. Tuy vậy, thực tế ở Đắk Lắk cho đến nay còn trên 80% HTX chưa có đất xây dựng trụ sở cũng gợi lên vấn đề thực thi chính sách hỗ trợ đất đai đối với HTXNN cần được 

chính quyền quan tâm nhiều hơn.

d. Tình hình ứng dụng khoa học - công nghệ của HTXNN: Nhiều HTXNN trên địa bàn đã áp dụng và hướng dẫn cho hộ thành viên áp dụng các tiến bộ về giống, kỹ thuật canh tác, quản lý nguồn nước, dịch bệnh, công nghệ vi sinh và công nghệ mới trong thâm canh, thu hoạch, bảo quản sản phẩm... làm giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả cao hơn cho SXKD của HTXNN và hộ thành viên.

2.2.3. Tình hình hoạt động dịch vụ của HTXNN

a. Về số loại dịch vụ: Đến năm 2013, các HTXNN toàn tỉnh cung ứng tổng số 581 loại dịch vụ, bình quân 3,6 loại dịch vụ/HTX (năm 2011 bình quân 2,9% dịch vụ/HTX). Ngoài các dịch vụ như cung ứng vật tư nông nghiệp, khuyến nông, giống... đã có một số HTXNN thực hiện được dịch vụ tín dụng nội bộ cho thành viên.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 18 trang tài liệu này.

b. Về mở rộng dịch vụ cho thành viên: Số loại dịch vụ do HTXNN cung ứng tăng qua từng năm, song mức độ mở rộng dịch vụ không lớn. Năm 2011, bình quân 1 HTXNN cung ứng 2,9 loại dịch vụ; năm 2012, bình quân 1 HTXNN cung ứng 3,2 loại dịch vụ; năm 2013, bình quân 1 HTXNN cung ứng 3,6 loại dịch vụ. Doanh thu từ hoạt động dịch vụ cho thành viên trong tổng doanh thu từ dịch vụ của HTX năm 2011 đạt khoảng 44,5%; năm 2012 đạt khoảng 53,2%.

c. Về chất lượng dịch vụ của HTXNN cho thành viên: Mức độ đáp ứng nhu cầu của hoạt động kinh tế và đời sống thành viên là một trong 6 tiêu chí để thành viên trực tiếp đánh giá, phân loại HTX hàng năm (chiếm 1/5 tổng số điểm đánh giá). Năm 2013, tỷ lệ HTXNN xếp loại trung bình trở xuống chiếm 75% tổng số HTXNN toàn tỉnh. Điều đó phần nào cho thấy chất lượng các dịch vụ mà HTX cung ứng chưa làm cho thành viên hài lòng.

Phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk - 2

2.2.4. Tình hình hoàn thiện tổ chức sản xuất của HTXNN

a. Về cơ cấu tổ chức và quản lý, điều hành HTX: Sau khi Luật HTX năm 1996 và 2003 ra đời, ngoài một số HTXNN đã thực hiện giải thể, đến nay các HTXNN tiếp tục hoạt động đã tiến hành rà soát, đăng ký lại danh sách xã viên và vốn góp của xã viên; xây dựng phương án xử lý các tồn đọng của HTX về tài sản, vốn, quỹ, các khoản nợ phải đòi, nợ phải trả...; xây dựng phương án SXKD, dịch vụ; xây dựng Điều lệ HTX phù hợp với Luật HTX và Điều lệ mẫu HTXNN theo quy định của Chính phủ; bầu các cơ quan và chức danh quản lý, điều hành HTX. Cơ cấu tổ chức bộ máy của HTXNN bao gồm: Đại hội xã viên; ban quản trị; ban kiểm soát; chủ nhiệm HTX. Quá trình này đã từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy HTXNN theo hướng gọn hơn, duy trì tốt hơn các hoạt động quản lý, điều hành HTX, lành mạnh hơn về tài chính và có các phương án SXKD hợp lý hơn, tính tự nguyện hợp tác và tinh thần tham gia xây dựng HTX của thành viên cũng tăng lên.

b. Về mô hình hoạt động SXKD, dịch vụ: Cuối năm 2003, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 88 HTXNN, chủ yếu hoạt động chuyên ngành trong các lĩnh vực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, và thực hiện các dịch vụ tưới tiêu; cung ứng vật tư phân bón, giống cây trồng, vật nuôi... Đến năm 2013, phần lớn HTXNN đã chuyển sang mô hình SXKD, dịch vụ tổng hợp. Trong 123 HTXNN còn hoạt động, có 96 HTX (chiếm hơn 78%) là HTX đa chức năng, chỉ còn 12 HTXNN chuyên ngành (chiếm gần 9,8%). Việc chuyển dần mô hình SXKD từ đơn ngành sang đa ngành là hướng đi phù hợp, tạo ra điều kiện và cũng tạo ra áp lực để các HTXNN phải năng động hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu của thành viên HTX, nâng dần chất lượng hoạt động để tồn tại, cạnh tranh và phát triển.

c. Về mở rộng liên kết, thiết lập và tham gia các chuỗi giá trị trong SXKD: Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xuất hiện các hoạt động liên doanh, liên kết giữa HTXNN với nhau và giữa HTXNN với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phổ biến là các 

hình thức doanh nghiệp ứng vốn, ứng vật tư cho HTXNN sản xuất và thu mua sản phẩm hoặc HTXNN tự đầu tư, đảm nhận thực hiện một công đoạn sản xuất cho doanh nghiệp. Trong thời gian gần đây, bắt đầu có những liên kết rộng hơn theo mô hình liên kết “3 nhà”, “4 nhà” khá hiệu quả, nhưng chủ yếu là trong ngành hàng cà phê. Việc mở rộng liên kết đã giúp cho một số HTXNN tham gia vào chuỗi giá trị của các ngành hàng, tận dụng nguồn vốn SXKD và học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp bên ngoài... đồng thời mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh cho HTXNN.

2.2.5. Kết quả và hiệu quả hoạt động của HTXNN

a. Chất lượng hoạt động của HTXNN: Chất lượng hoạt động của HTXNN tuy được cải thiện dần qua từng năm, song số HTX yếu kém vẫn còn nhiều. Đến năm 2013, tỷ lệ HTXNN yếu kém vẫn còn 20%; HTXNN đạt loại khá, giỏi cũng chỉ chiếm 25%, còn phần lớn là HTXNN loại trung bình.

b. Kết quả hoạt động của HTXNN: Trong 5 năm gần đây, kết quả hoạt động của các HTXNN trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có tiến bộ. Các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận trước thuế bình quân và thu nhập của lao động trong HTX tăng dần qua từng năm. Năm 2013, doanh thu bình quân/HTXNN đạt 1.606 triệu đồng, bình quân giai đoạn 2009-2013 tăng 15,9%/năm; lợi nhuận trước thuế bình quân/HTXNN đạt 134 triệu đồng, bình quân tăng 14,8%/năm; thu nhập bình quân của lao động trong HTXNN đạt 18,8 triệu đồng/người, tăng bình quân 21,9%/năm. Tuy vậy, phần lớn HTX chỉ đạt lợi nhuận dưới 300 triệu đồng/năm.

c. Hiệu quả hoạt động của HTXNN: Trong 5 năm gần đây (2009-2013), kết quả hoạt động của các HTXNN trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có tiến bộ, song hiệu quả SXKD còn khá hạn chế; các chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trước thuế đạt thấp, tăng không nhiều qua từng năm và thiếu ổn định. Năm 2013, tỷ suất lợi nhuận/vốn điều lệ đạt 

17,9%; tỷ suất lợi nhuận/vốn hoạt động đạt 7,8%; tỷ suất lợi nhuận/doanh thu đạt 8,4%. Các tỷ suất lợi nhuận đạt thấp cho thấy chi phí hoạt động của HTX trong giai đoạn này đã tăng lên và việc đầu tư của các HTX cũng chưa phát huy tác dụng.

2.3. ĐÁNH GIÁ CHUNG

2.3.1. Những thành công trong phát triển HTXNN ở Đắk Lắk

- HTXNN trên địa bàn có sự phát triển khá về số lượng và tất cả các HTXNN đang hoạt động đã được chuyển đổi về tổ chức và hoạt động, phần lớn đã chuyển sang hoạt động theo mô hình SXKD, dịch vụ tổng hợp.

- Các HTXNN đã chủ động hơn trong việc huy động các nguồn lực để hoạt động. Các yếu tố về vốn, đất đai, cán bộ quản lý, điều hành HTX, ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng liên kết... được gia tăng. Các HTX đã chú trọng đầu tư tài sản cố định và đầu tư dài hạn để nâng cao năng lực sản xuất.

- Kết quả và hiệu quả hoạt động của HTXNN có bước cải thiện; thu hút, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho một lượng đáng kể lao động và mở rộng dịch vụ cho thành viên và cộng đồng.

2.3.2. Những hạn chế trong phát triển HTXNN ở Đắk Lắk

- Số lượng HTXNN tăng không nhiều, phân bố không đều trên các địa bàn và còn khá nhiều HTX chỉ tồn tại hình thức.

- Các nguồn lực của HTXNN còn rất kém; quy mô vốn nhỏ; bình quân thành viên và lao động tham gia HTXNN giảm; trình độ cán bộ quản lý, điều hành HTXNN còn thấp.

- Chất lượng hoạt động của HTXNN phần lớn chỉ đạt mức trung bình trở xuống, kết quả và hiệu quả hoạt động thấp; mức độ mở rộng dịch vụ và chất lượng dịch vụ chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của thành viên.

- Các hình thức liên doanh, liên kết giữa HTXNN với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác chưa nhiều, chủ yếu 

là trong ngành hàng cà phê.

2.3.3. Nguyên nhân làm hạn chế phát triển HTXNN ở tỉnh Đắk Lắk

a. Nguyên nhân khách quan: Thời gian qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nhiều đợt hạn hán, mưa bão đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk, qua đó ảnh hưởng xấu đến hoạt động SXKD của các HTXNN và thành viên HTX. Trình độ dân trí ở khu vực nông thôn của tỉnh nói chung còn thấp, tư tưởng làm ăn cá thể, tiểu chủ còn khá nặng, cùng với những ấn tượng không tốt về HTX kiểu cũ, thiếu niềm tin vào mô hình HTX kiểu mới là rào cản cho việc hình thành, phát triển các HTXNN. Các tổ chức hợp tác giản đơn đã hình thành nhưng số lượng còn ít; tác động cạnh tranh từ kinh tế thị trường đến các vùng nông thôn của tỉnh chưa nhiều, chưa thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu hợp tác trong nông dân. HTXNN hầu hết là hoạt động ở địa bàn có điều kiện cơ sở hạ tầng KT-XH yếu kém hơn các vùng khác của tỉnh nên điều kiện hoạt động cũng khó khăn hơn so với các doanh nghiệp khác.

b. Nguyên nhân chủ quan: Khả năng hoạch định chiến lược phát triển trong dài hạn, cũng như các phương án, kế hoạch SXKD trong ngắn hạn của HTXNN còn hạn chế. Tài sản, năng lực tài chính, khả năng tự tích lũy để tái đầu tư của HTX kém, hiệu quả SXKD thấp, khó tiếp cận các nguồn vốn vay, trong khi khả năng đóng góp về vốn của các thành viên và tích lũy, tái đầu tư của HTXNN không nhiều. Thu nhập của thành viên, người lao động thiếu ổn định nên chưa thuyết phục nông dân tham gia HTX. Việc thực thi các chính sách đối với HTXNN trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là chưa đầy đủ, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTXNN về đất đai, tín dụng và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường... Bộ máy và nhân sự quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn bất cập; vai trò của Liên minh HTX trong phát triển HTXNN còn khá mờ nhạt.

CHƯƠNG 3

CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN HTXNN Ở TỈNH ĐẮK LẮK

3.1. CÁC CĂN CỨ ĐỂ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

3.1.1. Quan điểm tiếp cận trong vấn đề phát triển HTXNN: Phát triển HTX là xu thế phù hợp với quy luật khách quan và là một quá trình lâu dài. Nhu cầu hợp tác và tự nguyện hợp tác phải là xuất phát điểm và là nền tảng của quá trình hình thành, vận động phát triển HTX, vì vậy cần phải thúc đẩy, tạo lập nhu cầu đó. Phát triển HTXNN không thể tách rời với quá trình phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, nông dân và phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện KT-XH của địa phương. HTXNN không chỉ có ý nghĩa kinh tế, mà còn có ý nghĩa xã hội - văn hóa sâu sắc, do đó phải có các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù của nhà nước.

3.1.2. Phương hướng, mục tiêu phát triển HTX của tỉnh

a. Phương hướng phát triển HTX: Đẩy mạnh việc củng cố và phát triển các loại hình HTX trong các ngành, lĩnh vực kinh tế. Tập trung củng cố, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các HTX hiện có; chú trọng phát triển mô hình HTX mới, HTX trong nông nghiệp, HTX ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với quy mô phù hợp.

b. Mục tiêu phát triển HTX: Đến năm 2015, nâng số lượng HTX toàn tỉnh lên 400 HTX; 60% HTX đạt tiêu chuẩn khá, giỏi; HTX yếu kém xuống dưới 10%; 85-90% số HTX SXKD ổn định và có lãi; thu nhập của thành viên tăng bình quân 15%/năm; thu hút khoảng 100 ngàn thành viên; giải quyết việc làm trên 75 ngàn lao động. Đến năm 2020, thu hút trên 75% số hộ nông dân tham gia; thu nhập bình quân thành viên HTX gấp hai lần so với năm 2015; thu hút khoảng 180 ngàn thành viên tham gia; giải quyết việc làm cho khoảng 90 ngàn lao động.

3.2. ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN HTXNN Ở TỈNH ĐẮK LẮK

3.2.1. Nhóm giải pháp để gia tăng các nguồn lực cho HTXNN

a. Đối với chính quyền, các ban, ngành địa phương

- Hỗ trợ HTXNN trong vấn đề gia tăng vốn cho SXKD: Tăng mức cân đối ngân sách bổ sung hàng năm cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX để nâng mức cho vay, kéo dài thời gian cho vay và cho áp dụng hình thức tín chấp đối với các dự án của HTXNN; đơn giản hóa các thủ tục cho vay, đồng thời kiểm tra, giám sát, đánh giá thường xuyên hoạt động của dự án, sử dụng, quản lý vốn sau cho vay.

- Hỗ trợ HTXNN trong vấn đề nâng cao chất lượng lao động: Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm về làm việc tại các HTXNN; tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, điều hành HTX; đổi mới, cập nhật nội dung, chương trình, cách thức đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu của các HTXNN; hướng dẫn, hỗ trợ các HTXNN xây dựng quy hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

- Hỗ trợ HTXNN trong vấn đề đất đai: Tiếp tục rà soát lại quỹ đất để tập trung xem xét, giải quyết giao đất cho HTXNN xây dựng trụ sở làm việc ổn định; hỗ trợ HTXNN thực hiện nhanh chóng các thủ tục để thuê đất; giải quyết kịp thời các ưu đãi, hỗ trợ về tài chính khi thuê đất, sử dụng đất; triển khai chương trình “cánh đồng mẫu lớn”, vận động nông dân dồn điền, đổi thửa tạo điều kiện tiến hành sản xuất hàng hóa trên quy mô lớn.

- Hỗ trợ HTXNN trong vấn đề áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật: Khuyến khích các HTXNN nêu yêu cầu để tỉnh đặt hàng cho các cơ quan, nhà khoa học nghiên cứu; mở rộng đào tạo, xây dựng hệ thống khuyến nông viên là người của các HTXNN; cung cấp thường xuyên các bản tin khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường cho cán bộ và thành viên HTXNN.

- Hỗ trợ HTXNN trong vấn đề tiếp thị, mở rộng thị trường: Hỗ trợ và động viên các HTXNN đưa sản phẩm tham gia các hội chợ 

trong và ngoài tỉnh; đưa các sản phẩm của HTXNN vào kế hoạch, chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư hàng năm của tỉnh; khuyến khích các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của HTXNN; hỗ trợ các HTXNN xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

b. Đối với các HTXNN trên địa bàn tỉnh: Gia tăng huy động vốn từ các thành viên thông qua các phương thức phân chia lợi nhuận hàng năm; tận dụng các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư do cơ quan nhà nước tổ chức và hoạt động tiếp thị, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội hợp tác, tăng khả năng tiếp cận thị trường, hợp tác, liên kết cho HTX và thành viên.

3.2.2. Nhóm giải pháp để mở rộng số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ của HTXNN

a. Đối với chính quyền, các ban, ngành địa phương: Hỗ trợ xây dựng đội ngũ cán bộ của HTXNN để đảm nhiệm việc cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, tưới tiêu, bảo vệ hoa màu, dự tính dự báo sâu bệnh... và hướng dẫn hộ thành viên trong từng mùa, vụ sản xuất; tăng cường kết nối, giới thiệu những đối tác có uy tín để liên kết, hỗ trợ HTXNN trong các hoạt động dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ đầu vào, đầu ra của quá trình sản xuất.

b. Đối với các HTXNN trên địa bàn: Tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và chủ động tìm kiếm, chọn lựa những nhà phân phối có uy tín để liên kết, làm đại lý để tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm của đối tác; mạnh dạn nghiên cứu mở rộng dịch vụ nông nghiệp, mở rộng SXKD các ngành nghề phù hợp với khả năng của HTX và nhu cầu của thành viên và cộng đồng.

3.2.3. Nhóm giải pháp để giúp các HTXNN mở rộng liên kết, tiếp tục hoàn thiện tổ chức sản xuất

a. Đối với chính quyền, các ban, ngành địa phương: Tiếp tục triển khai chương trình hợp tác “4 nhà” theo mô hình liên minh nông nghiệp cạnh tranh; khuyến khích mở rộng liên kết rộng hơn giữa doanh nghiệp và HTXNN; đẩy mạnh vận động tài trợ phi chính phủ 

hỗ trợ kỹ thuật giúp HTXNN nâng cao năng lực quản lý.

b. Đối với các HTXNN trên địa bàn: Chủ động mở rộng các hình thức tiếp thị, xây dựng thương hiệu của HTX để giới thiệu, tìm kiếm sự hợp tác, liên doanh, liên kết; coi trọng việc đào tạo, nâng cao tay nghề sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm đến từng hộ thành viên, từng người lao động.

3.2.4. Nhóm giải pháp để giúp các HTXNN gia tăng kết quả và hiệu quả SXKD

a. Đối với chính quyền, các ban, ngành địa phương: Hỗ trợ HTXNN tiếp tục củng cố tổ chức, nâng cao trình độ quản lý; xử lý dứt điểm các HTXNN tồn tại hình thức, hướng dẫn các HTXNN xử lý các tồn đọng; hỗ trợ HTXNN xây dựng chiến lược phát triển trong dài hạn và các phương án, kế hoạch SXKD hiệu quả trong ngắn hạn.

b. Đối với các HTXNN trên địa bàn: Tiếp tục phân định rõ chức năng quản lý, điều hành HTX và lựa chọn, sắp xếp, bầu chọn con người có đủ năng lực, tâm huyết đảm nhiệm các chức danh cho chủ chốt của HTX; mạnh dạn thực hiện việc thuê những người có năng lực đảm nhiệm việc quản lý, điều hành HTX.

3.2.5. Nhóm giải pháp để gia tăng số lượng HTXNN

- Thúc đẩy nhu cầu hợp tác và phát triển các hình thức hợp tác giản đơn thành các tổ chức HTXNN

- Hỗ trợ mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa đối với các HTXNN vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

- Tăng cường công tác tuyên truyền về HTX.

3.2.6. Nhóm giải pháp liên quan đến việc thực thi chính sách và quản lý nhà nước đối với HTX

- Đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách hiện có của Trung ương và địa phương đối với HTX.

- Kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương đối với HTX.

- Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX và sự tham gia thúc đẩy, hỗ trợ HTX của các đoàn thể nhân dân.

KẾT LUẬN

Mô hình kinh tế HTX không chỉ phù hợp với quy luật khách quan phải có sự hợp tác trong sản xuất và đời sống của xã hội loài người, mà còn phù hợp với yêu cầu cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Thực tiễn đã chứng minh tính tương thích với sự phát triển của kinh tế thị trường với tư cách là một thể chế vừa bổ sung, vừa cùng cạnh tranh với các doanh nghiệp trên thị trường, và kinh tế HTX ngày càng đóng góp nhiều hơn vào quá trình phát triển KT - XH của các nước trên thế giới.

Đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng, HTXNN là một trong những mô hình kinh tế phù hợp để phát triển nông nghiệp, cải thiện cuộc sống nông dân và giải quyết các vấn đề xã hội ở nông thôn. Với những yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, HTXNN có nhiều cơ hội, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển.

Trong giai đoạn 2009-2013 vừa qua, với những điều kiện khá thuận lợi về điều kiện tự nhiên, KT – XH và có sự hỗ trợ từ nhà nước, cũng như những nỗ lực của chính bản thân các HTXNN, quá trình phát triển HTXNN ở tỉnh Đắk Lắk đã có những thành công nhất định. Các HTXNN đã chuyển đổi về tổ chức và hoạt động theo mô hình mới, năng động, thích ứng hơn với cơ chế thị trường. Số lượng HTXNN tăng dần qua từng năm; năng lực SXKD và kết quả, hiệu quả hoạt động từng bước được cải thiện, hỗ trợ ngày một tốt hơn cho các thành viên, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm cho lao động, ổn định và phát triển KT-XH ở các vùng nông thôn của tỉnh.

Tuy có những thành công, song quá trình phát triển của HTXNN trên địa bàn còn khá nhiều hạn chế. Số HTXNN yếu kém, tồn tại hình thức còn nhiều. Năng lực SXKD, sức cạnh tranh của HTXNN trong nền kinh tế còn hạn chế, nhất là về vốn, cơ sở vật chất, trình độ áp dụng khoa học công nghệ và trình độ đội ngũ cán bộ quản lý. Việc mở rộng về dịch vụ cho thành viên có xu hướng tăng dần, nhưng mức độ đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ cho các thành viên HTX cao. Số HTXNN hoạt động có hiệu quả, có lợi nhuận tăng nhưng mức tăng không lớn. Thu nhập của thành viên và lao động trong HTXNN chưa được cải thiện nhiều, còn thấp so với lao động trong các thành phần kinh tế khác và thấp so với chính các HTX trong các lĩnh vực khác. Bộ máy quản lý, hỗ trợ phát triển HTXNN của tỉnh từng bước được củng cố nhưng còn nhiều bất cập. Nhiều chính sách của nhà nước đối với HTXNN đã được thực thi nhưng kết quả còn thấp. Tư tưởng SXKD cá thể, tiểu chủ và ấn tượng xấu về mô hình HTX trước đây còn khá nặng nề trong xã hội và trong một bộ phận cán bộ nhà nước, cán bộ HTXNN và thành viên, là một rào cản vô hình nhưng rất khó khăn đối với sự phát triển của HTXNN...

Để tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển mạnh mẽ các HTXNN trên địa bàn tỉnh theo phương hướng, mục tiêu của địa phương đã đề ra, các nhóm giải pháp cần phải được cả hai phía - Chính quyền địa phương và các HTXNN, thực hiện một các đồng bộ để gia tăng các nguồn lực; mở rộng số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ; mở rộng liên kết, tiếp tục hoàn thiện tổ chức sản xuất; gia tăng kết quả và hiệu quả SXKD; thúc đẩy gia tăng số lượng các HTXNN, đồng thời phải đảm bảo việc thực thi chính sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công quản lý nhà nước đối với các HTX trên địa bàn.

Xem tất cả 18 trang.

Ngày đăng: 02/04/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí