- Thu nhập thực tế của lao động trong ngành du lịch còn quá thấp chưa đáp ứng được nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống.
- Đa số người dân địa phương chưa thật sự coi du lịch là ngành kinh tế chính có thể giải quyết được việc làm và thu nhập nuôi sống gia đình họ. Họ chỉ coi du lịch như một việc làm thêm lúc nông nhàn.
- Cư dân địa phương tham gia làm hướng dẫn viên du lịch chiếm số lượng ít ỏi, nếu có cũng không đáp ứng được yêu cầu bởi họ không được đào tạo bài bản kiến thức về du lịch họ chỉ làm việc này qua sự suy ngẫm và trải nghiêm thực tế cuộc sống hàng ngày trên mảnh đất nơi họ sinh ra.
- Lực lượng lao động do Sở quản lý cũng phần lớn chưa được đào tạo bải bản, chủ yếu mới qua các khóa đào tạo ngắn hạn, công nhân kỹ thuật, trung cấp từ đó làm cho năng lực chuyên môn bị hạn chế. Hầu hết họ chưa phân biệt được các loại hình du lịch, đặc biệt là kiến thức về DLST.
- Trình độ ngoại ngữ, tin học của đội ngũ lao động du lịch do sở quản lý còn rất yếu.
Như vậy lực lượng lao động trong ngành du lịch Ninh Bình trong những năm vừa qua tuy đã được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng kinh doanh, số lượng lao động cũng tăng lên đáng kể nhưng trên thực tế chưa đáp ứng được những yêu cầu thực tế. Những người làm công tác quy hoạch và quản lý du lịch cần nhận ra tầm quan trọng của lực lượng lao động để có hướng bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ trước tiên là cho lực lượng lao động du lịch chuyên nghiệp sau đó từng bước phổ cập kiến thức cho lao động không chuyên nghiệp và cư dân địa phương.
* Về hoạt động kinh doanh:
Ngành du lịch Ninh Bình trong những năm trước đây chưa chú trọng khai thác các sản phẩm DLST. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc xây dựng các chương trình DLST hiệu quả không cao do phải đầu tư tốn kém lại khá phức tạp do các điều kiện như: Bảo đảm an toàn cho du khách, hệ thống cơ sở hạ tầng đến các điểm có tài nguyên du lịch. Tuy nhiên trong những năm gần đây các đơn vị kinh doanh du lịch, các công ty lữ hành đã nhận thấy được “Thị trường tiềm năng” đầy sức hấp dẫn của Ninh Bình nên đã đầu tư, đưa vào giới thiệu chương trình DLST trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Bảng 2.4: Tình hình phát triển về du khách từ năm 1995 - 2005 [41]
Tổng số lượt khách (Lượt) | Kh. quốc tế (Lượt) | Kh. nội địa (Lượt) | Doanh thu (Triệu đ.) | Nộp ngân sách (Triệu đ.) | |
1995 | 180.500 | 73.000 | 107.500 | 8.500 | 1.500 |
1996 | 205.800 | 66.650 | 139.150 | 17.000 | 2.000 |
1997 | 234.104 | 60.667 | 174.437 | 20.000 | 2.500 |
1998 | 307.698 | 83.048 | 224.650 | 27.553 | 2.500 |
1999 | 405.600 | 96.400 | 309.200 | 27.275 | 3.100 |
2000 | 450.000 | 111.000 | 340.000 | 28.000 | 3.500 |
2001 | 510.700 | 159.850 | 350.850 | 30.560 | 3.500 |
2002 | 647.072 | 254.375 | 392.697 | 40.411 | 4.637 |
2003 | 739.671 | 218.805 | 520.866 | 41.612 | 4.500 |
2004 | 877.343 | 287.900 | 589.443 | 51.000 | 6.060 |
2005 | 1.021.236 | 371.053 | 650.183 | 63.170 | 6.732 |
Có thể bạn quan tâm!
- Thực Trạng Tiềm Năng Du Lịch Sinh Thái Trên Địa Bàn Tỉnh Ninh Bình
- Diện Tích Rừng Tự Nhiên Ở Ninh Bình [39]
- Thực Trạng Du Lịch Sinh Thái Trên Địa Bàn Tỉnh Ninh Bình
- Nhận Xét Chung Về Phát Triển Du Lịch Sinh Thái Trên Địa Bàn Tỉnh Ninh
- Phương Hướng Phát Triển Du Lịch Sinh Thái Trên Địa Bàn Tỉnh Ninh Bình
- Những Giải Pháp Chủ Yếu Thúc Đẩy Phát Triển Du Lịch Sinh Thái Ở Ninh Bình
Xem toàn bộ 110 trang tài liệu này.
Qua bảng tổng hợp kết quả kinh doanh của ngành du lịch từ năm 1995 đến 2005 trong bảng cho thấy:
- Năm 1995 số lượng khách đến Ninh Bình là: 180.500 lượt ở thời điểm này khách chủ yếu thăm quan rừng quốc gia Cúc Phương, khu Tam Cốc - Bích Động - Cố đô Hoa Lư. Đến năm 2005 là 1.021.236 lượt khách lúc này khách du lịch đã có thêm một số điểm DLST mới để thăm quan: Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, khu tắm ngâm Cúc Phương, khu suối khoáng Kênh Gà, hồ Đồng Chương, hồ Đồng Thái-Đoòng Đèn, như vậy, từ năm 1995 đến 2005 lượng khách đến thăm quan du lịch Ninh Bình tăng 5,7 lần, trong đó khách quốc tế tăng từ
73.000 lượt khách lên 371.053 lượt khách, tăng hơn 5 lần. Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt 18,92%/năm.
- Doanh thu thuần tuý du lịch (không tính doanh thu xã hội) năm 1995 là: 8.500 triệu đồng, năm 2005 là 63.170 triệu đồng, tăng 7,4 lần. Tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 22,2%/năm.
- Nộp ngân sách nhà nước (chỉ tính đơn vị ngành quản lý trực tiếp) năm 1995 là
1.500 triệu đồng, năm 2005 là 7.460 triệu đồng, tăng 5 lần tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm là 17,4%/năm.
- Thu nhập bình quân đầu người của cán bộ công nhân viên làm du lịch tăng từ
250.000 đồng/người/tháng năm 1995 lên 560.000 đồng/người/tháng năm 2004 [41].
Khách du lịch quốc tế, đáng kể là khách du lịch Nhật Bản chiếm 19,64%, Pháp chiếm 16,57%, khách Đức chiếm 6,32%, khách Australia chiếm 4,58%, khách các nước Bắc Âu: Na uy, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan… chiếm 7,62%; khách Mỹ chiếm 5,83% còn lại là các nước khác. Nếu xét cơ cấu theo độ tuổi thì đông nhất là đối tượng du khách ở vào độ tuổi từ 20-30 chiếm 37,97%; khách từ 30 - 49 chiếm 31,18%; khách trên 50 tuổi chiếm 27,7% còn lại khách dưới 20 tuổi thường đi cùng với gia đình [41].
Với khách nội địa thì ngoài khách ở địa phương khác đến đăng ký và đi theo các chương trình DLST thì còn một số lượng khá đông khách tại địa phương do các có quan đoàn thể, học sinh, sinh viên tham gia chương trình thông qua các đơn vị kinh doanh du lịch tổ chức. Đối tượng đông nhất ở vào độ tuổi từ 20 -30 chiếm 39,25%; từ 30 - 40 chiếm 35,44% còn lại là các đối tượng khác.
Khu du lịch Vân Long từ năm 2000 đến năm 2002, được giao cho cho xã Gia Vân tổ chức khai thác kinh doanh nên các số liệu không được thống kê đầy đủ. Lượng khách du lịch quốc tế đến khu du lịch Tam Cốc - Bích Động có xu hướng giảm đi. Bên cạnh đó, lượng khách nội địa cũng có biến động phức tạp, không có xu hướng rõ rệt. Điều này theo đánh giá của tôi, Tam Cốc - Bích Động hiện nay không đủ sức thuyết phục là một điểm DLST có sức thu hút khách quốc tế. Thậm chí khu du lịch này còn đang có nguy cơ đánh mất sức hấp dẫn đối với chính khách nội địa. Qua khảo sát thực tiễn cũng như đánh giá từ du khách và các nhà chuyên môn về du lịch, Tam Cốc - Bích Động đang bị “chợ hoá” sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó lượng khách đến quá đông trong thời gian qua đang làm quá tải đối với sức chứa của điểm du lịch này. Điều này không chỉ làm cho hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật bị xuống cấp mà ngay cả sự hấp dẫn của cảnh quan do đó mà cũng bị suy giảm.
Lượng khách đến với vườn quốc gia Cúc Phương, so với khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, có sự biến động không nhiều. Tuy nhiên lượng khách quốc tế 9 tháng đầu năm 2005 chưa cao. Điều này lý giải bởi tính mùa vụ du lịch gắn với đối tượng khách này và sự
thay thế bởi điểm du lịch mới là Vân Long. Tuy nhiên với lượng khách hàng năm không nhiều hơn các điểm du lịch khác, cũng cần phải đặt ra câu hỏi về sự hấp dẫn của điểm du lịch này. Mặc dù đánh giá của các chuyên gia du lịch, Cúc Phương là điểm du lịch rất hấp dẫn, đặc biệt là có tiềm năng rất lớn cho phát triển loại hình DLST.
DLST là loại hình du lịch còn khá mới mẻ ở Ninh Bình, vì vậy đến thời điểm này chưa có số liệu thống kê riêng về du khách đi theo loại hình này. Tuy nhiên, dựa trên số liệu của các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn Ninh Bình như: phòng kế hoạch sở du lịch, công ty cổ phần du lịch Ninh Bình, công ty cổ phần khách sạn du lịch Hoa Lư, trung tâm du lịch rừng quốc gia Cúc Phương, trung tâm du lịch Vân Long phần nào cho thấy xu hướng khách đến các điểm DLST của Ninh Bình trong thời gian qua.
Qua nghiên cứu về tình hình hoạt động kinh doanh du lịch của Ninh Bình, cũng như phân tích một cách khái quát các dữ liệu về khách du lịch đến Ninh Bình trong thời gian qua cho thấy:
Thứ nhất, khách đến Ninh Bình chủ yếu là khách tham quan thuần tuý, khách du lịch đại trà đi theo các tour được tổ chức thành các đoàn hoặc do công ty lữ hành hoặc khách tự tổ chức. Khách du lịch không nhiều, chủ yếu là khách thăm quan trong ngày.
Thứ hai, quan niệm rất đơn giản đặt tên cho khách du lịch, hoặc một điểm du lịch nào đó cái tên DLST và khách đến các điểm du lịch này đều được gọi là khách DLST.
Thứ ba, theo các tiêu chí của DLST và đặc điểm tiêu dùng của khách DLST, thấy rằng tại Ninh Bình hiện nay chưa có khách DLST, ngoại trừ số ít các nhà nghiên cứu môi trường sinh thái đến thăm và nghiên cứu rừng quốc gia Cúc Phương và khu bảo tồn Vân Long.
* Tình hình đầu tư xây dựng cơ bản:
Từ chỗ chỉ khai thác các sản phẩm tự nhiên và di tích lịch sử văn hóa, từ năm 2001 đến năm 2004 đã có 38 dự án lớn đầu tư phát triển du lịch, trong đó có 34 dự án của các thành phần kinh tế, 04 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Các dự án đầu tư và chấp thuận đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị trên 4.000 tỷ đồng, mở ra triển vọng mới, sức bật mới cho Du lịch Ninh Bình những năm sau. Ở Ninh Bình trong thời gian qua đã có nhiều đơn vị tham gia đầu tư vào kinh doanh DLST như:
- Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, vốn đầu tư được duyệt 199,85 tỷ đồng gồm các hạng mục: Nạo vét các thung, hang, sông, sửa chữa hang động, san lấp khu trung tâm bến thuyền, làm đường từ khu trung tâm đến khu hồ Đàm Thị, đền bù giải phóng mặt bằng, trồng thêm cây xanh, cây cảnh, tạo cảnh quan môi trường.
- Dự án đầu tư xây dựng khu du lịch Tràng An, vốn đầu tư được duyệt 1.034.839 triệu đồng. Đây là một dự án lớn có tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái với hệ thống hang động liên hoàn tuyệt đẹp (có thể nói là có một không hai), rừng cây, núi đá nguyên sơ, hệ sinh thái động thực vật phong phú, đa dạng, xen lẫn với hệ thống chùa chiền, miếu cổ đã tồn tại hàng ngàn năm. Dự án này sau khi hoàn thành tỉnh Ninh Bình có kế hoạch làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới. Nếu được công nhận thì đó sẽ là niềm vui, niềm tự hào không chỉ đối với nhân dân Ninh Bình mà mà còn cả đối với quốc gia.
- Dự án đầu tư xây dựng khu DLST Vân Long. Vốn đầu tư được duyệt cho giai đoạn I là 37,52 tỷ đồng, ước thực hiện đến 31/12/2005 là 18,5 tỷ đồng. Đây là khu vực được quy hoạch là khu bảo tồn thiên nhiên nên các dự án đầu tư xây dựng hạn chế tác động vào môi trường tự nhiên hoang dã. Các hạng mục đầu tư chủ yếu là: San lấp bến đỗ xe ở bên ngoài khu du lịch (thuộc xã Gia Vân, Gia Lập). Đổ bê tông đường vào khu du lịch, xây dựng hệ thống cấp thoát nước qua đường, hoàn thiện việc thi công nạo vét các tuyến đường thuỷ của khu du lịch.
- Tại khu du lịch Vân Long còn một số dự án khác đang được các đơn vị tự đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước như:
+ Cty TNHH Thảo Sơn với dự án đầu tư xây dựng nhà hàng khách sạn, bể bơi, khu vật lý trị liệu, khu đón tiếp khách DLST có vốn đầu tư 40,25 tỷ đồng hiện đã hoàn thành giai đoạn I và đang đi vào khai thác sử dụng.
+ Cty CP bất động sản Hợp Phát - Hà Nội với dự án xây dựng khu giao lưu, nghỉ dưỡng Vân Long. Tổng số vốn được duyệt đầu tư là 149,8 tỷ đồng đang tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng.
+ Cty TNHH Thương mại vận tải Hoàng Gia với dự án xây dựng khu DLST. Vốn đầu tư được duyệt là 18,4 tỷ đồng, đang tổ chức thi công, san lấp mặt bằng.
- DNXD Xuân Trường với dự án xây dựng khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương. (Đang làm dự án tiền khả thi.)
- Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đường làng nghề truyền thống 4 xã thuộc huyện Hoa Lư: Kế hoạch đầu tư 2 tỷ đồng, ước thực hiện 1,5 tỷ đồng.
- DNXD Xuân Hoà đầu tư vào khu tắm ngâm nước khoáng Cúc Phương (Nằm ở vùng đệm của rừng Cúc Phương). Dự án được duyệt cho giai đoạn I là 25 tỷ đồng. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng bể bơi, tắm ngâm nước khoáng nóng, nhà hàng, khách sạn, khu đón tiếp khách ước thực hiện đến 31/12/2005 là 10 tỷ đồng.
- Cty CP Việt Thái đầu tư vào khu du lịch nước khoáng nóng Kênh Gà. Dự án được duyệt cho giai đoạn I là 40 tỷ đồng. Đang tiến hành giải phóng mặt bằng, san nền, nạo vét giếng và xây dựng bể chứa nước nóng, kè bờ bao, xây dựng trạm biến thế. Ước thực hiện 4 tỷ đồng.
- Ngoài ra còn rất nhiều dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt và đang tiến hành xây dựng và các dự án khác đang chờ phê duyệt.
Việc có nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển DL (đặc biệt là DLST) thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với du lịch Ninh Bình tuy nhiên các dự án đầu tư vào các hoạt động kinh doanh lưu trú và nhà hàng chiếm số lượng tương đối nhiều, nếu không có sự quản lý chặt chẽ, khoa học từ các cơ quan chức năng sẽ rất dễ dẫn đến việc phá vỡ cảnh quan môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Ngoài các dự án lớn có đề án quy hoạch chi tiết còn có một số dự án nhỏ đầu tư xây dựng nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, các quán ăn nhỏ, các cửa hàng lưu niệm tự phát mọc lên không theo quy hoạch làm ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan và môi trường tại các điểm du lịch.
* Về công tác quản lý nhà nước:
Trong những năm qua, hoạt động DLST đã được các cấp lãnh đạo ở Ninh Bình quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đồng thời ngày càng chú trọng tới công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực du lịch. Một lĩnh vực liên quan tới nhiều thành phần xã hội, tổ chức trong và ngoài nước. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành để thống nhất quản lý đối với ngành kinh tế quan trọng này.
Với tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, của Tổng Cục Du lịch, Sở Du lịch Ninh Bình đã tiến hành điều tra, khảo
sát và lập được quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình được phê duyệt từ năm 1995 làm cơ sở cho quá trình xây dựng và phát triển Du lịch sau này: Năm 1997, xây dựng và phê duyệt quy hoạch chi tiết khu du lịch Tam Cốc - Bích Động; từ năm 2001 đến nay, tiến hành xây dựng:
- Chương trình du lịch của tỉnh, giai đoạn 2002 - 2005
- Quy hoạch chi tiết phát triển du lịch sinh thái Tràng An
- Quy hoạch khu du lịch tổng hợp hồ Yên Thắng thuộc địa bàn huyện Yên Mô và thị xã Tam Điệp.
- Quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái
Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch được đưa ra tại quyết định số 1086/2005/QĐ-UB ngày 18/8/2005 của UBND tỉnh Ninh Bình về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của sở du lịch Ninh Bình.
Về văn bản của nhà nước có Pháp lệnh Du lịch ngày 08/02/1999 và các văn bản hướng dẫn như: Nghị định số 27/2001/NĐ-CP ngày 06/6/2001 của Chính Phủ về kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch; nghị định số 47/2001/NĐ-CP ngày 10/8/2001 của Chính Phủ về chức năng quyền hạn và tổ chức của thanh tra du lịch.
Để phát triển du lịch có: “Chiến lược tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010” của Tổng cục Du lịch tháng 10/2001.
Các văn bản quy phạm pháp luật nói trên là những định hướng, chiến lược, tạo ra hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Ninh Bình nói riêng. Đưa công tác quản lý nhà nước về du lịch dần đi vào nền nếp và góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.
Về địa phương Ninh Bình, từ khi tái lập tỉnh đến nay, đã có nhiều văn bản, quy phạm pháp luật của tỉnh được ban hành nhằm quản lý, thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác tài nguyên du lịch Ninh Bình một cách hiệu quả và bền vững.
Bản “Dự án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh NB 1995-2010” do sở du lịch Ninh Bình chủ trì, đơn vị thiết kế quy hoạch là Viện nghiên cứu phát triển du lịch phối hợp với Goh hock Guan & Associates - Malaysia và Architecsts & Regional Planners tiến hành thực hiện một mặt làm cơ sở cho việc phát triển ngành du lịch của toàn tỉnh và mặt khác, góp phần hoàn thiện mạng lưới du lịch toàn quốc. Cùng với dự án quy hoạch tổng
thể này UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản cho các vùng và thời kỳ phát triển du lịch khác nhau của tỉnh Ninh Bình.
- Quyết định số 949/QĐ-UB ngày 22/9/1995 của UBND tỉnh Ninh Bình về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thời kỳ 1995-2010.
- Quyết định số 1713/QĐ-UB ngày 18/12/2001 của ban thường vụ tỉnh uỷ Ninh Bình về phát triển du lịch Ninh Bình đến 2010.
- Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 18/12/2001 của ban thường vụ Tỉnh uỷ Ninh Bình về phát triển du lịch Ninh Bình đến 2010.
- Quyết định số 1811/QĐ-UB ngày 09/10/2002 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt chương trình hành động du lịch của tỉnh, giai đoạn 2002-2005.
- Quyết định số 568/2002/QĐ-UB ngày 18/10/2004 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển khu du lịch sinh thái Tràng An.
- Quyết định số 2415/QĐ-UB ngày 08/10/2004 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt quy hoạch khu du lịch tổng hợp hồ Yên Thắng thuộc địa bàn huyện Yên Mô và thị xã Tam Điệp.
- Quyết định số 3337/QĐ-UB ngày 31/12/2004 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái.
Du lịch Ninh Bình có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, bám sát chỉ thị, nghị quyết của Tổng Cục Du lịch, Tỉnh Uỷ, HĐND, UBND tỉnh, chương trình quốc gia về du lịch, chương trình hành động quốc gia về du lịch Ninh Bình 2006-2010 để quản lý điều hành, tích cực triển khai các dự án trọng điểm về đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu du lịch Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, khu du lịch Vân Long, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cấp các ngành chấn chỉnh có hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường ở các khu du lịch.
Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong những năm gần đây hệ thống dịch vụ du lịch đã được xã hội hoá ngày càng rộng rãi với nhiều thành phần xã hội tham gia. Nhiều khu DLST gắn với di tích lịch sử - văn hoá, khu vui chơi giải trí… đã thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Theo đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên của ngành du lịch đã được quan tâm nhiều hơn.
.....