Pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa tại Ngân hàng thương mại ở Việt Nam - 2

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các quy định hiện hành về bảo vệ quyền lợi NTD sử dụng dịch vụ thẻ tại NHTM ở Việt Nam. Trên cơ sở đối chiếu các quy định của pháp luật hiện hành với thực tiễn bài viết phân tích, đánh giá làm rõ ưu, nhược điểm của các quy định trong thực tiễn áp dụng pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi NTD sử dụng dịch vụ thẻ tại NHTM ở Việt Nam. Từ đó mạnh dạn đề xuất một số kiến nghị cho việc tiếp tục xây dựng pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD sử dụng dịch vụ thẻ tại NHTM ở Việt Nam trong thời gian tới.

Phạm vi nghiên cứu: khoá luận chỉ làm rõ những vấn đề lý luận chung của pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD sử dụng dịch vụ thẻ tại NHTM ở Việt Nam như quy định liên quan đến hoạt động thẻ tại Ngân hàng, các quy định từ phía NHNN…

4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu


Trong quá trình tiếp cận và giải quyết các vấn đề mà luận văn đặt ra, tác giả đã sử dụng phương pháp biện chứng duy vật của Chủ nghĩa Mác-Lê-nin, chính sách của Nhà nước về các vấn đề có liên quan, Trong những trường hợp cụ thể, tác giả kết hợp sử dụng phương pháp nghiên cứu phù hợp như phương pháp thống kê, so sánh, phân tích, tổng hợp…nhằm kết hợp giữa kiến thức lý luận và thực tiễn, góp phần làm sáng tỏ vấn đề cần nghiên cứu.

5. Kết cấu của khoá luận


Ngoài Lời mở đầu, Kết luận, Mục lục, Danh mục tài liệu tham khảo, Luận văn được thiết kế gồm ba chương như sau:

Chương 1. Những vấn đề lý luận về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa tại Ngân hàng thương mại ở Việt Nam.

Chương 2. Thực trạng pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa tại Ngân hàng thương mại ở Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 81 trang tài liệu này.

Chương 3. Kiến nghị nhằm hoàn thiện và thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa tại Ngân hàng thương mại ở Việt Nam.

1. CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG SỬ DỤNG DỊCH VỤ THẺ GHI NỢ NỘI ĐỊA TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM

Pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa tại Ngân hàng thương mại ở Việt Nam - 2

1.1. Khái niệm và đặc điểm NTD sử dụng dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa tại NHTM ở Việt Nam.

1.1.1. Khái niệm “NTD sử dụng dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa tại NHTM”


Khái niệm “NTD” và “dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa” là các khái niệm rất cơ bản, được sử dụng xuyên suốt trong các quy định của Luật bảo vệ NTD cũng như pháp luật liên quan đến hoạt động thẻ của NHTM. Vì trọng tâm của pháp luật bảo vệ NTD chính là NTD, còn “dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa” là cơ sở quan trọng để hình thành quan hệ giữa NTD và nhà cung cấp, do vậy nên nội hàm của các khái niệm này sẽ là kim chỉ nam cho các nội dung khác được phân tích trong bài viết này, đặc biệt là xác định phạm vi điều chỉnh của các pháp luật có liên quan.

Trước hết với khái niệm “NTD”, xét tổng quan quy định của một số nước, có thể nhận thấy pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD các nước có ba cách quy định, cụ thể như sau:

(i) Cách thứ nhất quy định NTD chỉ là cá nhân. Xét Luật của Liên minh châu Âu (EU), trước đây, khi chưa có giải thích rõ ràng, đã từng có vụ tranh chấp vào năm 1991 trong đó các đương sự đề nghị Tòa Công lý châu Âu (European Court of Justice) giải thích khái niệm NTD bao gồm cả các doanh nghiệp khi mua sản phẩm, dịch vụ không nhằm mục đích hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, Tòa Công lý Châu Âu đã bác bỏ đề nghị này và cho rằng, NTD chỉ được hiểu là các cá nhân NTD, không bao gồm các chủ thể khác. [27] Khái niệm NTD trong các văn bản pháp luật về bảo vệ NTD của Liên minh Châu Âu đã được giải thích trong Chỉ thị số 1999/44/EC ngày 25/5/1999 về việc mua bán hàng hóa tiêu dùng và các bảo đảm có liên quan (Directive 1999/44/EC of the European Parliament and of the Council of 25 May 1999 on certain aspects of the sale of consumer goods and associated guarantees). Chỉ thị này giải thích ““NTD là bất cứ cá nhân nào …

tham gia vào các hợp đồng điều chỉnh trong Chỉ thị này… vì mục đích không liên quan tới hoạt động kinh doanh hoặc nghề nghiệp của mình” [28]

Một trường hợp cũng quy định về NTD là cá nhân là pháp luật Nhật Bản. Cụ thể, Điều 2(1) Luật về Hợp đồng tiêu dùng (tức là hợp đồng giao kết giữa NTD với thương nhân) của Nhật Bản năm 2000 giải thích rõ: “As used in this Act, the term “consumer” means individuals (however, the same shall not apply in cases where said individual becomes a party to a contract as a business or for the purpose of business. As used in this Act, the term “business” mean juristic person, associations and individuals Who become a party to a contract as a business or for the purpose of business. [29]. Tạm dịch là “NTD theo quy định của luật này là cá nhân nhưng không bao gồm cá nhân tham gia hợp đồng là pháp nhân hoặc với mục đích kinh doanh.”

Cách quy định này thể hiện rõ luật bảo vệ NTD chỉ bảo vệ đối với cá nhân, còn pháp nhân do họ có những vị thế và điều kiện tốt hơn so với cá nhân trong quan hệ với nhà cung cấp nên luật bảo vệ NTD không cần thiết phải can thiệp vào quan hệ tiêu dùng của họ. Tuy nhiên cách tiếp cận này cũng có một số điểm hạn chế bởi lẽ theo quy định của pháp luật thì pháp nhân có nhiều loại bao gồm cả doanh nghiệp và các cơ quan tổ chức khác trong xã hội. Các đối tượng này ngoài họ cũng có hoạt động tiêu dùng thông thường mà không nhất các quan hệ mua bán của họ đều là các quan hệ thương mại. Do đó trong quan hệ tiêu dùng họ cũng không phải là những người chuyên nghiệp và cũng như NTD, họ cũng không có sẵn nguồn lực để đối phó với những hành vi vi phạm từ phía nhà sản xuất và cũng rất cần tới sự bảo vệ của pháp luật bảo vệ NTD.

(ii) Cách thứ hai quy định rõ về bản chất NTD là cả cá nhân và pháp nhân. Theo quy định này thì NTD bao gồm cả cá nhân và pháp nhân. Quy định này tuy có vẻ hơi rộng và có thể có quan điểm cho rằng nó sẽ làm loãng đi hiệu lực của Luật bảo vệ NTD. Tuy nhiên cách quy định này đã khắc phục được hạn chế của cách quy định thứ nhất vì không

phải lúc nào pháp nhân cũng là người đủ khả năng để đối mặt được với các vi phạm từ phía nhà sản xuất kinh doanh và hậu quả là nếu Luật bảo vệ NTD không bảo vệ họ như đối với các cá nhân tiêu dùng khác thì quyền lợi của một nhóm đối tượng khá lớn trong xã hội bị xâm phạm, gây thiệt hại chung cho toàn xã hội. Một số trường hợp như quy định của Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan... Luật Bảo vệ NTD của Ấn Độ năm 1986 có một số quy định như sau (Điều 2(1d) và 2(1m)): Điều 2(1d): “NTD là bất cứ người nào mua … hàng hóa… mà không có mục đích để bán lại hoặc vì mục đích thương mại khác.” Điều 2(1m) giải thích chữ “người” (nhân) ở đây được hiểu bao gồm: hãng (doanh nghiệp), cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, tổ chức xã hội. Theo pháp luật Thái Lan, khái niệm NTD có thể bao gồm cả thể nhân và pháp nhân và họ phải là người mua hoặc sử dụng dịch vụ của nhà kinh doanh. Tuy quy định của Thái Lan không đề cập tới các chủ thể sử dụng hàng hóa dịch vụ nhưng không mua hàng hóa hay thuê dịch vụ đó có là NTD hay không nhưng lại có sự mở rộng thêm cả giai đoạn được chào hàng hoặc được đề nghị mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ. Như vậy, tại thời điểm được nhà kinh doanh chào hàng hoặc đề nghị mua hàng, các chủ thể nói trên đã được coi là NTD và được bảo vệ theo các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD. [14]

(iii) Cách thứ ba là không nêu rõ chỉ là cá nhân hay bao gồm cả cá nhân và pháp nhân. Cách quy định này chỉ nói là “người nào” hoặc “những ai” như của Malaysia. Cách quy định này có thể dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau và khó có thể được áp dụng trong thực tiễn bởi lẽ nó có thể được hiểu là gồm cả cá nhân và pháp nhân, nhưng cũng có thể giải thích theo hướng chỉ là cá nhân.

Đối với pháp luật Việt Nam, tại khoản 1 Điều 3 Luật bảo vệ NTD 2010 quy định: “NTD là người mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức. Như vậy, pháp luật Việt Nam thuộc cách quy định thứ ba như đã phân tích ở trên. Điều này gây khó khăn cho việc nghiên cứu các nội dung pháp luật liên quan do cách hiểu của mỗi người về vấn đề này là khác

nhau. Tuy nhiên, trong bài nghiên cứu này, tác giả từ tham khảo các quy định của các pháp luật liên quan cũng như cách hiểu được sử dụng phần lớn trên thực tế, sẽ hiểu NTD ở đây theo nghĩa bao gồm cả cả nhân và tổ chức mua, sử dụng hàng hoá vì mục tiêu tiêu dùng.

Tiếp theo sẽ đến đến khái niệm “sử dụng dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa tại NHTM”. Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ Ngân hàng: “Thẻ Ngân hàng là phương tiện thanh toán do tổ chức phát hành thẻ phát hành để thực hiện giao dịch thẻ theo các Điều kiện và Điều khoản được các bên thoả thuận.” Cũng tại thông tư này, NHNN đã phân loại các loại thẻ theo tính chất thanh toán của thẻ như sau: Thẻ ghi nợ là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi số tiền và hạn mức thấu chi (nếu có) trên tài khoản thanh toán của chủ thẻ mở tại tổ chức phát hành thẻ. Thẻ tín dụng là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thoả thuận với tổ chức phát hành thẻ. Thẻ trả trước là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ tương ứng với số tiền đã trả trước cho tổ chức phát hành thẻ. Theo số liệu của NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2014, cả nước có 52 tổ chức phát hành thẻ với hơn 69,7 triệu thẻ được phát hành, gồm 461 thương hiệu thẻ. Trong đó thẻ ghi nợ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 92,1%, thẻ tín dụng là 3,7% và thẻ trả trước là 4,2%. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu cho thấy số vụ việc xâm phạm về quyền lợi NTD của thẻ ghi nợ cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất,. Do đó, vì những lý do trên, trong bài viết này, tác giả sẽ tập trung nghiên cứu các quy định của pháp luật về việc phát hành, giao dịch thẻ ghi nợ nội địa (hay thường được gọi là thẻ ATM).

Về các bên liên quan trong việc sử dụng dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, trên thực tế bao gồm những chủ thể sau:

(i) Tổ chức phát hành: là tổ chức tín dụng, chí nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện phát hành thẻ theo quy định tại Điều 9 Thông tư 19/2016/TT-NHNN. Ngân hàng phát hành sẽ quy định các điều khoản, điều kiện sử dụng thẻ cho chủ thẻ tuân thủ.

(ii) Đơn vị chấp nhận thẻ: là tổ chức, cá nhân chấp nhận thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ theo hợp đồng thanh toán thẻ ký kết với tổ chức phát hành thẻ.

(iii) Chủ thẻ: là cá nhân hoặc tổ chức được tổ chức phát hành thẻ cung cấp thẻ để sử dụng, bao gồm chủ thẻ chính và chủ thẻ phụ. Chủ thẻ chính là cá nhân hoặc tổ chức đứng tên ký hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với tổ chức phát hành thẻ. Chủ thẻ phụ là cá nhân được chủ thẻ chính cho phép sử dụng thẻ và chủ thẻ chính cam kết bằng văn bản thực hiện toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh liên quan đến việc sử dụng thẻ theo hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ.

Xét theo các khái niệm liên quan đến “NTD” đã nêu ra ở trên, có thể thấy rằng chủ thẻ sẽ được đặt vào vị trí cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ ngân hàng, hay chính là NTD trong lĩnh vực ngân hàng. Với cách hiểu đã được nêu ra ở trên là NTD bao gồm cả cá nhân và pháp nhân đến đây đã hoàn toàn hợp lý và có sự thống nhất với các quy định pháp luật tại pháp luật chuyên ngành ngân hàng. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với các hợp đồng phát hành hay điều khoản giao dịch chung áp dụng cho thẻ ghi nợ của các NHTM khi mà trong hợp đồng lúc nào cũng có quy định về hai đối tượng yêu cầu phát hành thẻ: cá nhân hoặc người đại diện của pháp nhân.

Để giao dịch thẻ được hình thành, hai chủ thể: chủ thẻ - NTD và tổ chức phát hành hay chính là NHTM – bên cung cấp dịch vụ sẽ ký với nhau một hợp đồng mang tên “Hợp đồng phát hành”: “Hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ là thỏa thuận bằng văn bản giữa TCPHT với chủ thẻ về việc phát hành và sử dụng thẻ.”[Điều 3 thông tư 19/2016/TT/NHNN]. Về bản chất của hợp đồng phát hành này, qua một số vụ án và khiếu nại về thẻ, có thể thấy một số chủ thẻ cho rằng quan hệ giữa ngân hàng phát hành thẻ với chủ thẻ là quan hệ gửi giữ tài sản. Bằng chứng cho sự tồn tại quan hệ gửi giữ tài sản giữa ngân hàng và chủ thẻ là chiếc thẻ ATM và tài khoản mang tên chủ thẻ tại ngân hàng. Do đó, số tiền trên tài khoản là tài sản mà chủ thẻ gửi giữ tại ngân hàng. Chính vì vậy, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ đó (trừ trường hợp bất khả kháng), thì ngân hàng giữ tài sản phải bồi thường thiệt hại cho người gửi tài sản [Điều 554,557 BLDS 2015]. Tuy nhiên, căn cứ quy

định tại Điều 554 BLDS 2015 thì việc cho rằng quan hệ gửi giữa chủ thẻ và NHTM là quan hệ gửi giữ tài sản là chưa đủ cơ sở và chưa phù hợp với quy định của pháp luật vì những lý do sau đây:

(i) Thứ nhất, người giữ tài sản là pháp nhân và thực hiện dịch vụ này nhằm mục đích sinh lợi (NHTM), trong khi một bên là cá nhân gửi tài sản hầu như không có mục đích kinh doanh (chủ thẻ). Mục đích chính của cá nhân sử dụng dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa tại NHTM không phải hưởng lãi theo lãi suất không kỳ hạn do NHTM quy định mà để cất giữ hoặc thuận tiện cho việc thanh toán hàng hoá, dịch vụ.

(ii) Thứ hai, hiện nay không có văn bản pháp luật nào định nghĩa tài sản mà chỉ có quy định mang tính liệt kê “tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản” (Điều 105 BLDS 2015). Cho nên, tiền trên tài khoản của chủ thẻ là tài sản mà chủ thẻ gửi tại ngân hàng. Tuy nhiên, số tiền gửi giữ này khác với tài sản gửi giữ được nêu trong hợp đồng gửi giữ tài sản theo quy định trong Bộ luật Dân sự. Trong quan hệ giữa chủ thẻ với ngân hàng phát hành thẻ, bên giữ tài sản (ngân hàng) có trách nhiệm bảo quản tài sản cho người gửi tài sản (chủ thẻ) nhưng không có nghĩa vụ trả lại chính tài sản đó cho bên gửi tài sản khi hết thời hạn hợp đồng. Trường hợp chủ thẻ phải trả lại chính số tiền mà người gửi đã nộp, thì chủ thẻ không được sử dụng thẻ ATM để rút tiền mặt hoặc thanh toán hàng hoá, dịch vụ trong suốt thời gian có hiệu lực của hợp đồng gửi giữ tài sản. Hơn nữa, hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ ATM giữa ngân hàng với chủ thẻ là loại hợp đồng dân sự không xác định thời hạn và bên gửi tài sản không phải trả tiền công cho bên giữ. Chẳng hạn như, khi mở tài khoản, chủ thẻ nộp cho ngân hàng mười triệu đồng, trong đó có 5 triệu đồng loại tiền 500.000 đồng, 3 triệu đồng loại tiền 100.000 đồng và 2 triệu đồng loại tiền 50.000 đồng với số seri xác định. Số tiền này sẽ được ngân hàng đưa vào lưu thông và không còn là tài sản thuộc sở hữu của chủ thẻ ngay sau khi nộp. Do đó, khi sử dụng thẻ ATM để rút tiền mặt hoặc thanh toán hàng hoá, dịch vụ, thì chủ thẻ không thể nhận lại số tiền mà mình đã nộp vào tài khoản tại

ngân hàng và cũng không có quyền yêu cầu ngân hàng thanh toán hàng hoá, dịch vụ bằng chính số tiền đó.

(iii) Thứ ba, theo quy định của Bộ luật Dân sự, trong quan hệ gửi giữ tài sản, bên gửi tài sản có nghĩa vụ giao tài sản cho bên giữ tài sản và thông báo ngay cho người giữ tài sản biết tình trạng tài sản, biện pháp bảo quản thích hợp đối với tài sản gửi giữ. Đối chiếu với quan hệ phát hành và sử dụng thẻ ATM giữa ngân hàng phát hành thẻ với chủ thẻ, số tiền trên tài khoản của chủ thẻ không nhất thiết là tiền do chủ thẻ trực tiếp nộp tại ngân hàng mà có thể tiền từ bên thứ ba chuyển đến thông qua hệ thống tài khoản của ngân hàng. Bên thứ ba có thể là người sử dụng lao động trả lương cho người lao động, người mua hàng hoá, dịch vụ thanh toán hàng hoá, dịch vụ cho bên bán hàng, cung ứng dịch vụ...

Từ những lý lý do trên đây, chúng tôi cho rằng quan hệ giữa chủ thẻ với NHTM chỉ là quan hệ dân sự thông thường chứ không thuộc một trong những hợp đồng dân sự thông dụng được quy định trong Bộ luật Dân sự như hợp đồng gửi giữ tài sản mà một số chủ thẻ đã nói ở trên. Do đó, những quy định chung về hợp đồng dân sự trong Bộ luật Dân sự được áp dụng đối với quan hệ phát hành và sử dụng thẻ giữa chủ thẻ với ngân hàng phát hành thẻ. Ngoài ra, mối quan hệ giữa chủ thẻ với ngân hàng phát hành thẻ còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành như Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.

Như vậy, từ những sự phân tích trên, tác giả mạnh dạn đưa ra khái niệm “NTD sử dụng dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa tại NHTM” như sau: NTD sử dụng dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa của NHTM là cá nhân hoặc tổ chức (thông qua người đại diện) đăng ký việc mở và sử dụng thẻ tại NHTM để thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi số tiền và hạn mức thấu chi (nếu có) trên tài khoản thanh toán của mình mở tại NHTM đó, trên cơ sở hợp đồng phát hành theo quy định của pháp luật phù hợp với mục đích, yêu cầu của khách hàng và TCTD.

1.1.2. Đặc điểm của dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa và của NTD sử dụng dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa tại NHTM .

Xem tất cả 81 trang.

Ngày đăng: 19/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí