Quá Trình Nghiên Cứu Th Ố Ng Kê Các Hiện Tượng Kinh Tế - Xã Hội

1.2.4. Thang đo trong thống kê

1.2.4.1. Thang đo định danh

- Định nghĩa:Thang đo định danh là thang đo đánh số các biểu hiện cùng loại của cùng một tiêu thức.

Ví dụ:Với tiêu thức giới tính, người ta gán cho nam giá trị bằng 1, nữ giá trị bằng

0.

- Điều kiện vận dụng:Với những tiêu thức mà biểu hiện của nó có vai trò như

nhau và cùng loại, thường được sử dụng cho các tiêu thức thuộc tính.

Ví dụ:Tiêu thức giới tính, nghề nghiệp, thành phần kinh tế...

- Đặc điểm:Các con số trên thang đo không biểu thị quan hệ hơn kém, cao thấp nhưng khi chuyển từ số này sang số khác thì dấu hiệu đo đã có sự thay đổi về chất. Không áp dụng các phép tính khi sử dụng loại thang đo này mà chỉ đếm được tần số xuất hiện của từng biểu hiện.

Hạn chế của việc áp dụng loại thang đo này là giữa các phạm trù không thể so sánh được với nhau, do đó người ta đã sử dụng thang đo thứ bậc nhằm khắc phục nhược điểm này.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 166 trang tài liệu này.

1.2.4.2. Thang đo thứ bậc

- Định nghĩa: Thang đo thứ bậc là thang đo định danh nhưng giữa các biểu hiện của tiêu thức có quan hệ hơn kém, cao thấp.

Nguyên lý thống kê kinh tế - 3

Ví dụ: Bậc thợ (7 bậc), chất lượng sản phẩm, xếp hạng huân huy chương...

- Điều kiện vận dụng: Với những tiêu thức mà các biểu hiện của nó có quan hệ hơn kém, có thể sử dụng cho các tiêu thức thuộc tính và tiêu thức số lượng.

Loại thang đo này được dùng nhiều trong nghiên cứu xã hội, đo các tiêu thức mà các biểu hiện có quan hệ thứ tự như thái độ, quan điểm của con người đối với các hiện tượng xã hội.

- Đặc điểm: Sự chênh lệch giữa các biểu hiện không nhất thiết phải bằng nhau. Với thang đo này, có thể tính toán đặc trưng chung cho một tổng thể một cách tương đối qua tính số bình quân, còn đối với một đơn vị tổng thể thì không thực hiện được.

Ví dụ: Để đánh giá độ tự tin của bạn khi được giao một công việc mới, người ta đưa ra một thang đo thứ bậc với 3 nấc: 1. Rất tự tin, 2. Tương đối tự tin, 3. Không tự tin. Con số 1, 2, 3 ở đây không có nghĩa là bạn tự tin gấp 2, gấp 3 lần mà chỉ biểu thị quan hệ hơn kém. Tuy nhiên, ta không thể xác định được mức độ cao thấp giữa các nhóm, khoảng cách giữa các biểu hiện cũng không bằng nhau.

Chính vì những hạn chế trên, thang đo khoảng được sử dụng thay thế cho thang đo thứ bậc.

1.2.4.3. Thang đo khoảng

- Định nghĩa:Thang đo khoảng là thang đo thứ bậc nhưng có khoảng cách đều

nhau và không có điểm gốc không (0) tuyệt đối.

- Điều kiện vận dụng:Với những tiêu thức mà số 0 là một biểu hiện của tiêu thức đó chứ không có nghĩa là không có, thang đo này thường được sử dụng cho các tiêu thức số lượng.

Ví dụ: Tiêu thức nhiệt độ không khí, 0oC là một biểu hiện; tiêu thức điểm thi,

điểm 0 là một biểu hiện chứ không có nghĩa là không có điểm.

- Đặc điểm: Có thể sử dụng các phép tính cộng, trừ và có thể tính được các đặc trưng của dãy số như số bình quân, phương sai... nhưng không tính được tỷ lệ giữa các trị số đo.

Ví dụ: Nhiệt độ trung bình của thành phố A là 30oC, thành phố B là 10oC, nhưng

điều đó không có nghĩa là thành phố A nóng gấp 3 lần thành phố B.

Trong thực tế nghiên cứu xã hội, nhiều thang đo thứ bậc được dùng như thang đo khoảng, tức đã có những cải tiến thang đo thứ bậc theo hướng thang đo khoảng nhằm định lượng sự hơn, kém theo một dấu hiệu nào đó.

Ví dụ: Với câu hỏi ―bạn có tự tin khi nhận công việc mới này hay không, hãy cho điểm đánh giá theo thang đo sau?‖ thay vì trả lời theo 3 nấc rất tự tin, tương đối tự tin và không tự tin như ở trên, bạn có thể cho điểm theo thang đo khoảng, nếu rất tự tin thì cho điểm 10 còn hoàn toàn không tự tin thì cho điểm 0.

Mặc dù ở đây đã lượng hoá được phần nào mức độ tự tin của người được hỏi nhưng chưa có tiêu chuẩn cụ thể cho mỗi bậc của thang đo. Việc cho mấy điểm hoàn toàn do cảm tính của người được hỏi mà chưa có chuẩn chính thức.

Hạn chế cơ bản của thang đo khoảng là chưa có giá trị ―không tuyệt đối‖ mà chỉ có giá trị 0 quy ước. Chính vì vậy, để khắc phục được nhược điểm trên, người ta thường hay sử dụng loại thang đo tỷ lệ trong thống kê.

1.2.4.4. Thang đo tỷ lệ

- Định nghĩa: Thang đo tỷ lệ là thang đo khoảng có điểm gốc không (0) tuyệt đối.

- Điều kiện vận dụng: Thang đo tỷ lệ được sử dụng rất rộng rãi để đo lường các hiện tượng kinh tế – xã hội như: thu nhập, chi tiêu, tuổi,...

Các đơn vị đo lường vật lý thông thường (kg, m, lít,...) cũng là các đơn vị của thang đo loại này.

- Đặc điểm: Có thể thực hiện tất cả các phép tính với trị số đo và có thể so sánh các tỷ lệ giữa các trị số đo.

Tóm lại, thông thường thang đo sau có chất lượng đo lường cao hơn thang đo trước, đồng thời việc xây dựng thang đo cũng phức tạp hơn. Tuy nhiên, không phải cứ sử dụng thang đo tỷ lệ là tốt nhất mà phải tuỳ thuộc vào đặc điểm của hiện tượng vàtiêu thức nghiên cứu mà chọn thang đo thích hợp.

Hai loại thang đo định danh và thứ bậc chưa có tiêu chuẩn đo (đơn vị đo), thuộc

loại thang đo định tính. Đó là loại thang đo mà khi thay đổi từ giá trị này sang giá trị khác thì đối tượng đo có sự thay đổi về chất, chúng phù hợp với việc đo lường các tiêu thức thuộc tính.

Hai loại thang đo khoảng và tỷ lệ đã có tiêu chuẩn đo, khi chuyển từ một điểm này sang điểm khác trên thang thì có sự thay đổi về lượng nhưng chưa chắc đã có sự thay đổi về chất. Đây là loại thang đo định lượng, phù hợp để đo lường các tiêu thức số lượng. Theo tuần tự của 4 loại thang đo thì việc đo mức độ tập trung, phân tán và mối liên hệ của hiện tượng nghiên cứu cũng tăng dần. Với thang đo định danh ta chỉ có thể tính được tỷ lệ (%) phân bố của tổng thể cho từng biểu hiện và tính mốt (Mo). Sử dụng thang đo thứ bậc, ta có thể tính thêm được trung vị (Me), hệ số tương quan cặp và riêng phần. Muốn thực hiện được các phép tính cộng, trừ, tính bình quân, phương sai, tỷ lệ, các hệ số và tỷ số tương quan thì phải sử dụng thang đo khoảng. Với thang đo tỷ lệ, ta có thể sử dụng mọi độ đo thống kê.

1.3. Quá trình nghiên cứu thng kê các hiện tượng kinh tế - xã hội

Mục đích cuối cùng của một cuộc nghiên cứu thống kê là thu thập những thông tin định lượng về hiện tượng nghiên cứu trong điều kiện lịch sử cụ thể, trên cơ sở đó phát hiện bản chất, quy luật phát triển của hiện tượng, giải quyết được một vấn đề lý thuyết hoặc một yêu cầu nhất định của thực tiễn. Tất cả những công việc đó đều được gọi là hoạt động thống kê.

Hoạt động thống kê thường được chia thành hai loại: hoạt động thống kê Nhà nước và hoạt động thống kê của các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức Nhà nước. Ở Việt Nam, hoạt động thống kê Nhà nước là điều tra, báo cáo, tổng hợp, phân tích và công bố các thông tin phản ánh bản chất và tính quy luật của các hiện tượng kinh tế - xã hội trong điều kiện không gian và thời gian cụ thể do cơ quan Nhà nước tiến hành.

Diễn giải, phân tích thông tin (Phân tích và dự báo thống kê)

Các hoạt động thống kê đều phải trải qua một quá trình gồm nhiều giai đoạn, nhiều bước công việc kế tiếp nhau, có liên quan chặt chẽ với nhau. Có thể khái quát quá trình này bằng một sơ đồ đơn giản như sau:

Thu thập thông tin (Điều tra thống kê)

Xử lý thông tin (Tổng hợp thống kê)

Hình 1.1. Quá trình nghiên cứu thống kê

1.3.1. Điều tra thống kê

Điều tra thống kê là việc tổ chức một cách khoa học với một kế hoạch thống nhất việc thu thập, ghi chép nguồn tài liệu ban đầu về hiện tượng nghiên cứu trong điều kiện cụ thể về thời gian, không gian.

Như vậy, nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn này là thu thập được đầy đủ thông tin cần thiết cho việc nghiên cứu. Người ta thường gọi đây là những thông tin sơ cấp hay nguồn tài liệu ban đầu.

Đây là giai đoạn khởi đầu rất quan trọng. Có làm tốt giai đoạn này các thông tin, số liệu mới được thu thập một cách trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ và kịp thời, tạo điều kiện để thực hiện tốt các giai đoạn tiếp theo. Để thực hiện nhiệm vụ của giai đoạn này, người ta thường vận dụng nhiều hình thức tổ chức, nhiều phương pháp điều tra khác nhau, tùy thuộc mục đích nghiên cứu, nhu cầu thông tin, điều kiện cụ thể của người nghiên cứu và đặc điểm cơ bản của hiện tượng nghiên cứu.

1.3.2. Tổng hợp thống kê

Tổng hợp thống kê được hiểu là quá trình tập trung, chỉnh lý, hệ thống hóa các tài liệu thu được trong điều tra thống kê để làm cho các đặc trưng riêng biệt của từng đơn vị điều tra bước đầu chuyển thành những thông tin chung của toàn bộ hiện tượng nghiên cứu, làm cơ sở cho việc phân tích tiếp theo...

Do đối tượng nghiên cứu của thống kê là các hiện tượng số lớn, phức tạp, bao gồm nhiều đơn vị có những đặc điểm khác nhau nên việc tổng hợp thường được thực hiện đến từng tổ, từng nhóm đại diện cho các loại hình khác nhau. Vì vậy, phương pháp phân tổ thống kê được coi là quan trọng nhất của tổng hợp thống kê.

Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã làm cho tổng hợp thống kê càng có vai trò quan trọng phục vụ được nhiều yêu cầu của phân tích thống kê. Việc tổng hợp bằng máy thay thế cho tổng hợp thủ công chẳng những rút ngắn được thời gian tổng hợp, nâng cao độ chính xác của việc xử lý thông tin mà còn đáp ứng được các yêu cầu khác nhau về thông tin. Tuy nhiên, muốn thực hiện được việc tổng hợp bằng máy, cần phải xây dựng được chương trình phần mềm nhập số liệu và xác định rò phần mềm phân tích sẽ sử dụng.

1.3.3. Phân tích và dự báo thống kê

Phân tích và dự báo thống kêđược hiểu là việc nêu lênmột cách tổng hợp bản chất và tính quy luật của các hiện tượng và quá trình kinh tế - xã hội số lớn trong điều kiện lịch sử cụ thể qua các biểu hiện về lượng và tính toán các mức độ trong tương lai nhằm đưa ra những căn cứ cho quyết định quản lý.

Như vậy, phân tích và dự báo thống kê là biểu hiện tập trung kết quả của toàn bộ quá trình nghiên cứu thống kê. Phân tích và dự báo thống kê giúp ta thấy rò bản chất, quy luật phát triển của hiện tượng trong quá khứ, hiện tại, giúp tiên đoán được các mức độ của hiện tại trong tương lai. Đồng thời, nó còn giúp chỉ rò mối liên hệ nội tại giữa các bộ phận của tổng thể, mối liên hệ, tác động qua lại giữa hiện tượng nghiên cứu với các hiện tượng có liên quan. Trên cơ sở đó, giúp ta có nhận thức đúng đắn về

hiện tượng, tìm các biện pháp thích hợp thúc đẩy hiện tượng phát triển theo hướng tốt nhất, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội hiện tại.

Tuy nhiên, để phân tích và dự báo thống kê thực hiện được nhiệm vụ của mình, mang lại những kết quả nghiên cứu chính xác thì cần phải chú ý đến một số yêu cầu cơ bản sau:

- Thứ nhất: Phân tích và dự báo thống kê phải được tiến hành trên cơ sở phân tích lý luận kinh tế - xã hội.

- Thứ hai: Phân tích và dự báo thống kê phải căn cứ vào toàn bộ sự kiện thực tế và phải luôn đặt chúng trong mối liên hệ ràng buộc, tác động qua lại lẫn nhau. Không được bỏ qua hay xem nhẹ bất kỳ một sự kiện nào, dù là nhỏ nhất.

- Thứ ba: Đối với các hiện tượng có tính chất và hình thức khác nhau, phải áp dụng phương pháp phân tích và dự báo khác nhau, phù hợp với bản thân chúng, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Không có phương pháp phân tích và dự báo vạn năng, áp dụng cho mọi trường hợp.

TÓM TẮT CHƯƠNG


Thống kê học ra đời, phát triển từ nhu cầu thực tiễn của xã hội và là một trong những môn khoa học xã hội có lịch sử lâu dài nhất. Đó là một quá trình phát triển không ngừng từ đơn giản đến phức tạp, được đúc rút dần thành lý luận khoa học và nay đã thành một môn khoa học độc lập.

Ngày nay, thống kê được coi là một trong những công cụ quản lý vĩ mô quan trọng. Đồng thời, thống kê còn đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân trong xã hội, xây dựng, cung cấp các phương pháp phân tích, đánh giá về mặt lượng các hoạt động kinh tế, xã hội của các tổ chức, đơn vị. Đối tượng nghiên cứu của thống kê học là mặt lượng trong mối liên hệ mật thiết với mặt chất của các hiện tượng số lớn, trong điều kiện thời gian và địa điểm cụ thể.

Trong quá trình nghiên cứu thống kê, ta thường sử dụng các khái niệm:

- Tổng thể thống kê là một tập hợp những đơn vị, hoặc phần tử cấu thành hiện tượng, cần được quan sát, phân tích. Tổng thể thống kê được chia thành nhiều loại, như: tổng thể bộc lộ, tổng thể tiềm ẩn, tổng thể đồng chất, tổng thể không đồng chất,...

- Tiêu thức thống kê là một khái niệm chỉ đặc điểm của các đơn vị tổng thể được chọn ra để nghiên cứu. Tùy theo hình thức biểu hiện, tiêu thức thống kê được chia thành hai loại: tiêu thức thuộc tính và tiêu thức số lượng.

- Chỉ tiêu thống kê phản ánh mặt lượng trong mối liên hệ mật thiết với mặt chất của hiện tượng số lớn trong điều kiện thời gian, không gian cụ thể.

Tùy theo tính chất của dữ liệu thống kê thu được, ta có thể sử dụng các loại thang đo khác nhau để đo lường mức độ của hiện tượng. Có bốn loại thang đo chủ yếu là: thang đo định danh, thang đó thứ bậc, thang đo khoảng và thang đo tỷ lệ.

Mục đích cuối cùng của một cuộc nghiên cứu thống kê là thu thập những thông tin định lượng về hiện tượng nghiên cứu trong điều kiện lịch sử cụ thể, trên cơ sở đó phát hiện bản chất, quy luật phát triển của hiện tượng, giải quyết được một vấn đề lý thuyết hoặc một yêu cầu nhất định của thực tiễn. Tất cả các công việc đó được gọi là hoạt động thống kê. Các hoạt động thống kê đều phải trải qua một quá trình gồm nhiều giai đoạn kế tiếp nhau, có liên quan chặt chẽ với nhau, từ điều tra thống kê đến tổng hợp thống kê và phân tích, dự báo thống kê.

CÂU HỎI ÔN TẬP


1. Anh (chị) hãy phân tích vai trò của thống kê học và lấy ví dụ minh họa.

2. Anh (chị) hãy phân tích đối tượng nghiên cứu của thống kê học.

3. Anh (chị) hãy trình bày các khái niệm thường dùng trong thống kê. Nêu ý nghĩa của các khái niệm này và cho ví dụ cụ thể.

4. Anh (chị) hãy phân biệt hai khái niệm: tiêu thức và chỉ tiêu thống kê.

5. Anh (chị) hãy trình bày các loại thang đo trong thống kê. Cho ví dụ cụ thể về việc sử dụng các loại thang đo này trong thực tế.

6. Anh (chị) hãy phân tích các nhiệm vụ chủ yếu, vai trò và những yêu cầu của từng giai đoạn trong quá trình nghiên cứu thống kê.

7. Hãy giải thích ngắn gọn tại sao nói: ―Thống kê học là một môn khoa học xã hội,nó nghiên cứu mặt lượng trong sựliên hệchặt chẽvới mặt chất của các hiện tượngkinh tế- xã hội sốlớn trong điều kiện thời gian và địa điểm cụthể‖.

CHƯƠNG 2: ĐIỀU TRA VÀ TỔNG HỢP THỐNG KÊ


2.1. Điều tra thống kê

2.1.1. Khái niệm, ý nghĩa và yêu cầu của điều tra thống kê

Thu thập tài liệu về hiện tượng kinh tế - xã hội đáp ứng mục đích, yêu cầu nghiên cứu là công việc đầu tiên của quá trình nghiên cứu thống kê. Tài liệu thu thập được là những căn cứ số liệu và tình hình phục vụ cho phân tích thống kê hiện tượng kinh tế - xã hội. Phương pháp cơ bản thu thập tài liệu về hiện tượng kinh tế - xã hội là phương pháp điều tra thống kê – phương pháp quan sát số lớn.

Điều tra thống kê là tổ chức một cách khoa học và theo một kế hoạch thống nhất việc thu thập ghi chép các tài liệu thống kê theo mục đích yêu cầu nghiên cứu đối với hiện tượng và quá trình kinh tế - xã hội trong điều kiện địa điểm và thời gian cụ thể.

Ví dụ, muốn nghiên cứu tình hình dân số của đất nước phục vụ cho việc quy hoạch ―dài hơi‖ phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục… cần thiết phải tổ chức điều tra ghi chép các thông tin cần thiết như tổng dân số, độ tuổi, giới tính, dân tộc, thành phần giai cấp, nghề nghiệp, trình độ văn hóa… Điều tra thống kê không đơn thuần là việc ghi chép giản đơn mà là một công tác tổ chức, một công tác khoa học thực hiện theo kế hoạch thống nhất và phương án cụ thể của từng cuộc điều tra. Ví dụ, điều tra dân số phải xây dựng kế hoạch và phương án điều tra cụ thể theo từng bước công việc như tổ chức tuyên truyền để người dân thông suốt mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra để khai báo trung thực, đúng đắn; phải tổ chức nhiều tổ điều tra và tập huấn cho nhân viên điều tra cách phỏng vấn, ghi chép; chuẩn bị phương tiện di chuyển, văn phòng phẩm, kinh phí cần thiết cho cuộc điều tra – xác định thời điểm và thời gian điều tra… Việc xây dựng kế hoạch và phương án điều tra phải có căn cứ khoa học và đòi hỏi trình độ tổ chức cao.

Yêu cầu đối với tài liệu điều tra: Tài liệu điều tra thu được phải đạt 3 yêu cầu:

- Chính xác: Tài liệu điều tra thu được phải chính xác, phản ánh đúng tình hình tồn tại thực tế, khách quan không thêm bớt khác thực tế. Yêu cầu này đòi hỏi tính trung thực, tính thực tế khách quan của người tổ chức điều tra.

- Kịp thời: Tài liệu điều tra phải được cung cấp kịp thời, đảm bảo thời gian tính tồn tại của hiện tượng nghiên cứu, phục vụ kịp thời nhu cầu quản lý, phân tích và nghiên cứu sự phát triển biến động của hiện tượng.

- Đầy đủ: Tài liệu điều tra phải đầy đủ thông tin, đầy đủ dữ liệu cần thiết theo yêu cầu nghiên cứu, đảm bảo thực hiện đạt mục đích phân tích đối với hiện tượng cần nghiên cứu.

Ba yêu cầu cần đảm bảo thực hiện đồng bộ vì có quan hệ chặt chẽ mật thiết. Có vậy mới có thể đảm bảo kết quả phân tích nghiên cứu đạt chất lượng cao.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/07/2022