Ảnh Hưởng Công Nghệ Thông Tin Đến Thành Phần Kiểm Soát Nội Bộ


KẾT LUẬN CHƯƠNG 4


Trong chương 4, tác giả đã trình bày kết quả nghiên cứu định lượng chính thức bao gồm các nội dung: đánh giá thực trạng về KSNB của các DNBHPNT; thống kê mô tả mẫu nghiên cứu; kiểm định độ tin cậy của thang đo; phân tích các nhân tố khám phá; phân tích nhân tố khẳng định; kiểm định mô hình cấu trúc; kiếm định sự khác biệt giữa các nhóm của DN với tính hữu hiệu của KSNB. Kết quả phân tích dữ liệu EFA, hệ số tin cậy Cronbach’s alpha hầu như đều cho kết quả tốt, có giá trị, và độ tin cậy cao (với tổng là 77 biến qua sát thỏa mãn độ tin cậy của thang đo, loại 8 biến quan sát). Kết quả phân tích CFA với mô hình đo lường toàn phần cho thấy mô hình đo lường phù hợp tốt với dữ liệu sau khi loại bớt một số biến quan sát do không đạt yêu cầu. Kết quả kiểm định mô hình và giả thuyết nghiên cứu, các giả thuyết đề xuất hầu hết đều được sự ủng hộ, loại trừ giả thuyết: H1. Bên cạnh đó, nghiên cứu đánh giá tính hữu hiệu KSNB có sự khác nhau giữa các nhóm DN theo vốn điều lệ, thời gian hoạt động và loại hình sở hữu của DN. Chương tiếp theo, luận án sẽ trình bày thảo luận kết quả nghiên cứu, các khuyến nghị.


CHƯƠNG 5: THẢO LUẬN KẾT QUẢ VÀ KHUYẾN NGHỊ


5.1. Thảo luận kết quả nghiên cứu

Các nhân tố như: CNTT, Chiến lược kinh doanh, Văn hóa tổ chức, Nhận thức về sự không chắc chắn môi trường doanh nghiệp, Cấu trúc tổ chức được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên ảnh hưởng đến thành phần/cấu trúc của KSNB. Kết luận này cũng phù hợp với các nghiên cứu khác về thành phần KSNB mà tác giả đã tổng hợp từ tổng quan nghiên cứu. Điểm mới trong nghiên cứu, tác giả cũng phân tích được vai trò của biến trung gian thành phần KSNB đến tính hữu hiệu KSNB. Ngoài ra, tác giả đã kiểm định được biến kiểm soát quy mô, thời gian hoạt động và loại hình sở hữu có sự khác biệt đáng kể trong mối quan hệ giữa thành phần KSNB và tính hữu hiệu KSNB.

5.1.1. Ảnh hưởng công nghệ thông tin đến thành phần kiểm soát nội bộ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 245 trang tài liệu này.

Công nghệ thông tin có ảnh hưởng trực tiếp và thuận chiều đến thành phần KSNB, kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Alles và cộng sự (2002), Klamm và Watson (2009), Fauzi và cộng sự (2009), Li và cộng sự (2012), Rubino và cộng sự (2017), Chen và cộng sự (2014), và có tác động gián tiếp thông qua biến trung gian thành phần KSNB đến tính hữu hiệu KSNB. Công nghệ thông tin có tác động thuận chiều đến thành phần KSNB với trọng số hồi quy đã chuẩn hóa: 0,294 và với số điểm khảo sát đánh giá trung bình là 3.83/5 điểm (Phụ lục số 13) thể hiện mong muốn và kỳ vọng của DN. Mối liên hệ này cũng được đề cập trong lý thuyết ngẫu nhiên trong các tổ chức cần được minh chứng bằng các bằng chứng thực nghiệm. Li và cộng sự (2012) cho rằng có mối liên hệ giữa CNTT và hệ thống thông tin quản lý, đạo luật Sarbanes-Oxley năm 2002 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát hệ thống thông tin bằng cách yêu cầu ban Giám đốc và kiểm toán viên báo cáo về tính hữu hiệu KSNB đối với cấu phần BCTC của hệ thống thông tin quản lý của công ty. Rubino và cộng sự (2017) cho rằng khuôn khổ quản trị CNTT (COBIT) ảnh hưởng đến hệ thống KSNB với các quy trình của nó cho phép cải thiện việc thực hiện và đánh giá môi trường kiểm soát.

Ứng dụng CNTT được phổ biến rộng rãi trong DN nói chung, trong KSNB nói riêng đang là vấn đề sống còn trong thời đại cách mạng 4.0. Việc ứng dụng CNTT làm thay đổi KSNB truyền thống trước kia theo hướng như: các công đoạn của quá trình kinh doanh từ xử lý nghiệp vụ trên mạng nội bộ và mạng diện rộng trên toàn hệ thống của DN, thiết kế các chốt kiểm soát tự động nhằm giám sát các hoạt động và giao dịch một cách nhanh chóng, với việc xử lý dữ liệu lớn tập trung của các khâu, các công đoạn của DN từ đó phát hiện, ngăn chặn kịp thời được những sai sót, những hành vi gian lận,

Nghiên cứu kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam - 17



tiêu cực hoặc không tuân thủ các qui định về KSNB. Vậy, ứng dụng CNTT có tác động mạnh đến thông tin và truyền thông nhanh nhạy, chính xác và kịp thời hơn; với việc xử lý dữ liệu lớn tập trung là cơ sở xây dựng hệ thống đánh giá rủi ro và cảnh báo sớm cho DN; các quy trình thủ tục được tinh gọn với các chương trình được thiết kế và kết nối tích hợp các công đoạn, phòng ban và khách hàng tăng tốc độ đáp ứng như cầu của khách hàng và xử lý nhanh chóng các nghiệp vụ; các chốt kiểm soát được thiết kế tự động và giám sát các giao dịch theo thời gian thực giúp các nhà quản trị tập trung vào các chốt kiểm soát có tính chiến lược hơn. Các DN chịu sức ép áp dụng CNTT trên các khía cạnh như: lựa chọn phần mềm hợp lý, tích hợp các chức năng của các khâu, các bộ phận và phục vụ đến tận khách hàng, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn tập trung phục vụ cho việc xử lý các hoạt động kinh doanh và kiểm soát, có nguồn lực và cơ sở vật chất kỹ thuật đủ mạnh để khai thác vận hành hệ thống CNTT, cần có cơ chế đảm bảo an toàn dữ liệu và thông tin cho các hoạt động giao dịch. Chính vì vậy, thành phần KSNB cần điều chỉnh theo hướng: tăng cường thông tin và truyền thông, hoạt động kiểm soát, đánh giá rủi ro nhằm phản ứng nhanh trước sự thay đổi của môi trường kinh doanh và công nghệ.

5.1.2. Ảnh hưởng của chiến lược kinh doanh đến thành phần kiểm soát nội bộ

Chiến lược kinh doanh có ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc KSNB, kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Jokipii (2010), Phạm Quang Huy (2014), Herath (2007) và có tác động gián tiếp qua biến trung gian thành phần KSNB đến tính hữu hiệu KSNB. Điều này cho thấy, thành phần KSNB phải điều chỉnh sao cho phù hợp với các chiến lược DN lựa chọn. Kết quả khảo sát đánh giá chiến lược kinh doanh có điểm số trung bình là 3,43/5 điểm (Phụ lục số 13) thể hiện mong muốn và kỳ vọng của DN. Dựa trên kết quả phân tích tác động mạnh yếu của chiến lược phân tích, chiến lược phòng thủ, chiến lược tấn công đến thành phần KSNB có trọng số hồi quy đã chuẩn hóa: 0,276; 0,218; 0,211. Điều này cho thấy, chiến lược phân tích tác động đến thành phần KSNB mạnh nhất trong số ba chiến lược, hơn cả chiến lược phòng thủ và chiến lược tấn công. Kết quả này, khác với nghiên cứu của Jokipii (2010) lại cho rằng chiến lược kinh doanh tác động đến cấu trúc KSNB theo thứ tự mạnh yếu như sau: chiến lược tấn công, chiến lược phòng thủ và yếu nhất chiến lược phân tích. Sự khác biệt kết quả có thể lý giải như sau: Thứ nhất, tùy theo bối cảnh khác nhau giữa các quốc gia, DN hoạt động; Thứ hai, nghiên cứu của Jokipii (2010) sử dụng phương pháp theo đoạn xem xét chiến lược của tổ chức (phương pháp này sử dụng đoạn văn ngắn mô tả từng loại chiến lược và sau đó yêu cầu người trả lời chọn một loại chiến lược phù hợp), điều này gây ra nhiều khó khăn cho người trả lời đã được nhiều nhà nghiên cứu đưa ra: Khái niệm chưa được nắm bắt đầy đủ dẫn đến kết quả đo có thể không còn phù hợp (Nunnally, 1978), cách này chỉ áp



dụng được với những khái niệm đơn giản và có thể đo được các sai số tối thiểu (Conant và cộng sự, 1990); Phương pháp theo đoạn để đánh giá chiến lược vì khó có thể nắm bắt được tính toàn diện và bản chất tích hợp của chiến lược (Hambrick's, 1983). Trong khi đó, nghiên cứu sử dụng thang đo chiến lược với nhiều chỉ mục giúp cho đánh giá các khía cạnh chiến lược được chính xác hơn cho các khái niệm phức tạp

- Chiến lược phân tích có tác động thuận chiều đến thành phần KSNB với trọng số hồi quy đã chuẩn hóa: 0,276. Áp dụng chiến lược này, DN đang cố gắng làm tốt nhất để duy trì thị phần hiện có, tìm kiếm các cơ hội khai thác thị trường và sản phẩm mới nên cần có chút sáng tạo trong kinh doanh. Do vậy, DN phải tìm kiếm công nghệ kỹ thuật để tinh gọn các công đoạn để giảm thấp chi phí, đồng thời DN phải phát triển sản phẩm và dịch vụ mới để đáp ứng được những thay đổi của nhu cầu thị trường. Để áp dụng chiến lược này, thành phần KSNB điều chỉnh theo hướng: tăng cường yếu tố thông tin và truyền thông nhằm duy trì thị trường và tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh mới, hoạt động kiểm soát điều chính đáp ứng với những thay đổi cho môi kinh doanh khi cần thiết.

- Chiến lược phòng thủ có tác động thuận chiều đến thành phần KSNB với trọng số hồi quy đã chuẩn hóa: 0,218. Áp dụng chiến lược này, DN đang cố gắng duy trì các dịch vụ cho phân khúc thị trường hạn hẹp và bằng các giải pháp mức giá cạnh tranh cùng chất lượng sản phẩm dịch vụ. Chính vì vậy, DN sẽ tìm mọi biện pháp để tập trung vào kiểm soát chặt và tiết giảm chi phí để có được mức giá bán thấp bằng việc sử dụng tối đa công nghệ kinh doanh để tinh gọn các công đoạn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Khi áp dụng chiến lược này, DN thường không thích ứng kịp thời với thay đổi của môi trường kinh doanh, e ngại hay né tránh rủi ro. Để áp dụng chiến lược này, thành phần KSNB cần thích ứng theo hướng: tăng cường môi trường kiểm soát với việc xác định các tiêu chuẩn kiểm soát để bảo vệ thị trường, hoạt động kiểm soát cần đưa ra được các quy trình thủ tục hợp lý, các hướng dẫn công việc cụ thể cho mọi cấp mình phụ trách. Từ đó, DN có thể kiểm soát, tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động nhờ tinh gọn các công đoạn của các khâu kinh doanh.

- Chiến lược tấn công có tác động thuận chiều đến thành phần KSNB với trọng số hồi quy đã chuẩn hóa: 0,211. Áp dụng chiến lược này, DN đang cố gắng duy trì vị thế cạnh tranh, khai thác các sản phẩm/dịch và cơ hội mới. Những DN áp dụng chiến lược này thường dẫn đầu ngành với việc luôn mở rộng thị phần sản phẩm/dịch vụ bằng cách tạo ra sự khác biệt về sản phẩm và mức chi phí hấp dẫn. Do đó, DN cần môi trường kiểm soát vững mạnh để giúp họ vững vàng đối mặt với các áp lực bên trong và bên ngoài. Để khuyến khích sự sáng tạo và linh hoạt với những thay đổi của môi trường kinh



doanh thì thành phần KSNB cần thích ứng theo hướng tăng cường đánh giá rủi ro, hoạt động kiểm soát cần thích ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.

5.1.3. Ảnh hưởng của văn hóa tổ chức đến thành phần kiểm soát nội bộ

Văn hóa của tổ chức có ảnh hưởng trực tiếp đến thành phần KSNB, kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Bimberg và Snodgrass (1988), Covaleski và cộng sự (1996), Harrison và McKinnon (1999), Herath (2007), và có tác động gián tiếp qua biến trung gian thành phần KSNB đến tính hữu hiệu KSNB. Vì vậy, thành phần KSNB phải điều chỉnh sao cho phù hợp với các loại văn hóa DN lựa chọn. Kết quả khảo sát đánh giá văn hóa tổ chức có điểm số trung bình là 3,02/5 điểm (Phụ lục số13) thể hiện mong muốn và kỳ vọng của DN. Dựa trên kết quả phân tích văn hóa DN tác động mạnh yếu như: văn hóa hợp tác, văn hóa thứ bậc, văn hóa sáng tạo, văn hóa cạnh tranh có trọng số hồi quy đã chuẩn hóa: 0,249; 0,195; 0,184, 0,181. Dữ liệu cho ta thấy, văn hóa hợp tác có tác động đến thành phần KSNB mạnh nhất, sau đến văn hóa thứ bậc, văn hóa sáng tạo.

- Văn hóa hợp tác của DN có tác động thuận chiều đến thành phần KSNB với trọng số hồi quy đã chuẩn hóa: 0,249. Văn hóa hợp tác có tính hướng nội, gắn kết chặt chẽ, sự hòa hợp và hỗ trợ mọi thành viên trong tổ chức như một gia đình; Nó đề cao giá trị đạo đức từ đó tạo ra thái độ của các thành viên có ảnh hưởng tích cực đối với tổ chức. Văn hóa hợp tác đòi hỏi sự tin tưởng của tổ chức đối với sự đóng góp của mọi thành viên từ đó giúp cải thiện sự giao tiếp cởi mở và sự tham gia của mọi thành viên. Văn hóa này, gắn với các hoạt động nhóm, tham gia của các thành viên, giao tiếp cởi mở, sự hài lòng và cam kết gắn bó và đóng góp của các thành viên với tổ chức cho nên thường hạn chế hoạt động kiểm soát. Nó cho thấy tồn tại môi trường kiểm soát ở bên trong văn hóa văn hóa hợp tác. Do văn hóa hợp tác có tính hướng nội cho nên cần tăng cường thành phần KSNB linh hoạt.

- Văn hóa thứ bậc của DN có tác động thuận chiều đến thành phần KSNB với trọng số hồi quy đã chuẩn hóa: 0,195. Văn hóa thứ bậc sẽ đem đến sự hiệu quả khi có sự kiểm soát, ổn định và dự đoán. Mọi thành viên của tổ chức được thỏa mãn khi vai trò của họ được xác định rõ ràng. Văn hóa thứ bậc có tính nghiêm túc chặt chẽ, phân công tỉ mỉ, chính thức hóa và sự chắc chắn, mọi thành viên phải có ý thức cao tuân thủ các quy trình thủ tục, chính sách, để duy trì hoạt động tổ chức. Điều này cho thấy tồn tại môi trường kiểm soát ở bên trong văn hóa văn hóa thứ bậc. Áp dụng văn hóa này đối với DN cần tăng cường hoạt động kiểm soát và đánh giá rủi ro. Thêm vào đó, cần tăng cường hoạt giám sát để khẳng định rằng các quy trình thủ tục và chính sách được thực hiện như đề ra.



- Văn hóa sáng tạo của DN có tác động thuận chiều đến thành phần KSNB với trọng số hồi quy đã chuẩn hóa: 0,184. Văn hóa sáng tạo nuôi dưỡng sự sáng tạo và nguồn lực mới. Nó cho ta tầm nhìn lý tưởng và khuyến khích sự sáng tạo. Mọi thành viên trong tổ chức năng động cam kết cùng nhau đổi mới, phát triển và cùng nhau sẵn sàng đương đầu với những thách thức mới, chấp nhận rủi ro. Điều này, giúp cho DN có tính năng động góp phần đem lại tăng trưởng, đa dạng và tính tự chủ. Nó cho thấy tồn tại môi trường kiểm soát ở bên trong văn hóa sáng tạo. Văn hóa sáng tạo có tính hướng ngoại được bổ sung thêm thành phần KSNB linh hoạt theo hướng thông tin và truyền thông để kết nối mọi thành viên sẽ đem lại hiệu quả cho tổ chức.

- Văn hóa cạnh tranh của DN có tác động thuận chiều đến thành phần KSNB với trọng số hồi quy đã chuẩn hóa: 0,181. Văn hóa cạnh tranh quan tâm đến thành tích, do đó sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh nhấn mạnh đến việc hoàn thành mục tiêu, hoàn thành công việc dẫn đến hiệu quả kinh doanh, giá trị cho các cổ đông trong ngắn và trung hạn. Nó thường gắn với các hành động như: lập kế hoạch, tập trung vào công việc, đưa ra quyết định có tính tập trung cao, trao đổi các mục tiêu thực hiện một cách rõ ràng. Mọi thành viên của tổ chức cần hiểu rõ mục tiêu và phần thưởng khi họ hoàn thành tốt nhiệm vụ nên thường tăng yếu tố thông tin và truyền thông, và môi trường kiểm soát tốt. Thêm vào, mọi thành viên có xu hướng hạn chế hợp tác, chia sẻ và đặt nặng mục tiêu công việc dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro cần nhận diện, đánh giá và phân tích. Từ đó, giúp DN có thể chiến thắng trong cạnh tranh như đạt các mục tiêu: thị phần, lợi nhuận, giá trị của cổ đông và hiệu quả kinh doanh. Điều này cho thấy tồn tại môi trường kiểm soát ở bên trong văn hóa văn hóa cạnh tranh. Áp dụng văn hóa này đối với DN cần có thành phần KSNB linh hoạt theo hướng tăng cường môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, và thông tin và truyền thông.

5.1.4. Ảnh hưởng nhận thức về sự không chắc chắn môi trường doanh nghiệp đến thành phần kiểm soát nội bộ

Nhận thức về sự không chắc chắn về môi trường có ảnh hưởng trực tiếp và thuận chiều đến thành phần KSNB, kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Gul và Chia (1994), Chong và Chong (1997), Jokipii (2010) và có tác động gián tiếp thông qua biến trung gian thành phần KSNB đến tính hữu hiệu KSNB. Khi sự không chắc chắn về môi trường của DN bên ngoài càng bất ổn bao nhiêu thì cần phải có thành phần KSNB vững mạnh. Kết quả khảo sát đánh giá nhận thức về sự không chắc chắn về môi trường của DN có điểm số trung bình là 3,38/5 điểm (Phụ lục số 13) thể hiện mong muốn và kỳ vọng của DN. Nhận thức về sự không chắc chắn về môi trường có tác động thuận chiều đến thành phần KSNB với trọng số hồi quy đã chuẩn hóa: 0,178. Với môi trường bên



ngoài, các DN phải luôn đối mặt sức ép như: các quy định chính sách nhà nước, nguồn cung lao động, toàn cầu hóa hay tình hình kinh tế của quốc gia, xu hướng phát triển công nghệ thông tin. Những yếu tố bên ngoài DN thường gây khó khăn trong việc có đầy đủ thông tin hay cơ chế kiếm soát không theo kịp dẫn đến lỏng lẻo gây khó khăn cho việc xử lý của các nhà quản trị. Vậy, môi trường bên ngoài của DN không ổn định thì cần phải có thành phần KSNB đem lại độ tin cậy nhiều hơn. Do đó thành phần KSNB xem xét theo hướng tăng cường công tác thông tin và truyền thông như đảm bảo tính chắc chắn với các quyết định của nhà quản trị, Nhà quản trị sẽ thận trọng hơn thông qua hoạt động giám sát chặt chẽ. Từ đó sẽ giúp các nhà quản trị có quyết định chính xác hơn.

5.1.5. Ảnh hưởng của cấu trúc tổ chức đến thành phần kiểm soát nội bộ

Cấu trúc tổ chức có ảnh hưởng trực tiếp và thuận chiều đến thành phần KSNB, kết quả này phù hợp với nghiên cứu của (Herath, 2007; Batool, 2011), và có tác động gián tiếp qua biến trung gian thành phần KSNB đến tính hữu hiệu KSNB. Cấu trúc tổ chức tương xứng với mức độ phức tạp của môi trường mà nó đang hoạt động. Cấu trúc tổ chức hợp lý cho phép các DN quản lý và kiểm soát tác động của môi trường (Bums và Stalker, 1961; Palmer và cộng sự, 2001; Fauzi và cộng sự, 2009). DN phải có ưu thế về đội ngũ nhân viên chuyên môn hóa cao trong môi trường ổn định; khi các nhiệm vụ được xác định rõ ràng và ồn định, các cá nhân thực hiện thuần thục công việc của mình sẽ đem lại hiệu quả cao. DN theo cẩu trúc cơ học mức độ phức tạp cao trong các nhiệm vụ và cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ cao xuống thấp. Các DN cơ học tương đối khép kín và phù hợp với điều kiện môi trường tương đối ổn định. Các DN này được lập trình rõ ràng và có cấu trúc phân cấp thứ bậc chặt chẽ. DN theo cấu trúc hữu cơ đặc trưng bởi khả năng linh hoạt trong DN vả phân công công việc. DN theo cấu trúc hữu cơ hoạt động chủ yểu căn cứ theo kết quả đạt được hay nói một cách khác, kết quả hoạt động là mục tiêu cuối cùng định hướng toàn bộ hoạt động của DN. Chính vì vậy, cấu trúc KSNB phải điều chỉnh sao cho phù hợp với cấu trúc tổ chức lựa chọn. Kết quả khảo sát đánh giá cấu trúc tổ chức có điểm số trung bình là 3,23/5 điểm (Phụ lục số 13) thể hiện mong muốn và kỳ vọng của DN. Cấu trúc tổ chức có tác động thuận chiều đến thành phần KSNB với trọng số hồi quy đã chuẩn hóa: 0,169. Khi tổ chức có mức độ tập trung cao gây nhiều khó khăn trong trao đổi thông tin như giảm tốc độ truyền đạt các quyết định vì phải qua nhiều cấp quản trị và gặp trở ngại cho việc tiếp nhận thông tin phản hồi từ cấp dưới. Chính vì vậy, DN theo hướng cơ học thì thành phần KSNB có điều chỉnh linh hoạt hơn theo hướng tăng cường thông tin và truyền thông giữa các cấp quản lý; môi trường kiểm soát vững mạnh ở đó mọi thành viên phải tuân thủ chặt các quy định thủ tục và mục tiêu của tổ chức, do đó công tác giám sát cần được thực hiện nhiều hơn.


5.1.6. Ảnh hưởng của thành phần kiểm soát nội bộ đến tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ

Thành phần KSNB có ảnh hưởng trực tiếp và thuận chiều đến tính hữu hiệu KSNB. Điều này cho thấy, các nhân tố làm tăng tính hữu hiệu KSNB thông qua mối quan hệ gián tiếp thành phần KSNB ảnh hưởng đến tính hữu hiệu KSNB. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Jokipii (2010), Amudo và Inanga (2009), Hồ Tuấn Vũ (2016), Nakiyaga và Dinh (2017), Nguyễn Thị Hoàng Lan (2019). Nghiên cứu chưa tìm thấy mối quan hệ trực tiếp giữa các nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu KSNB mà chỉ có các nghiên cứu chỉ ra tác động tích cực đến tính hữu hiệu KSNB thông qua thành phần KSNB. Trong khi đó, thành phần KSNB được phản ánh bởi các biến quan sát sau: Môi trường kiểm soát, Đánh giá rủi ro, Hoạt động kiểm soát, Thông tin và truyền thông, Giám sát được đánh giá với số điểm trung bình khảo sát tương ứng: 3,32/5 điểm, 3,33/5 điểm, 3,16/5 điểm, 3,25/5 điểm, 3,50/5 điểm (Phụ lục số 13) cho thấy mong muốn và kỳ vọng của các yếu tố thành phần KSNB. Dựa trên kết quả phân tích mức độ mạnh yếu của các biến phản ánh này cho thành phần KSNB, môi trường kiểm soát, hoạt động kiểm soát, đánh giá rủi ro, giám sát, thông tin và truyền thông có trọng số hồi quy đã chuẩn hóa: 0,539; 0,312; 0,284; 0,272; 0,235. Từ đó cho thấy, môi trường kiểm soát có ảnh hưởng rất mạnh đến tính hữu hiệu trong 5 biến phản ánh của thành phần KSNB, sau đó là hoạt động kiểm soát hơn cả đánh giá rủi ro, giám sát, thông tin và truyền thông. Kết quả này có sự khác biệt với Jokipii (2010) của các biến phản ảnh của thành phần KSNB theo tính mạnh yếu ưu tiên như sau: đánh giá rủi ro, môi trường kiểm soát, hoạt động kiểm soát, giám sát, thông tin và truyền thông có trọng số hồi quy: 0,79; 0,63; 0,58; 0,44; 0,32 và có sự khác biệt nghiên cứu của Nguyễn Thị Hoàng Lan (2019) với tính mạnh yếu thông tin và truyền thông, hoạt động kiểm soát, môi trường kiểm soát, giám sát, đánh giá rủi ro có trọng số hồi quy tương ứng: 0,832; 0,827; 0,789; 0,787; 0,752

Thành phần KSNB có tác động thuận chiều với tính hữu hiệu KSNB với trọng số hồi quy đã được chuẩn hóa: 0,343 và đánh giá số điểm khảo sát trung bình là 3,31/5 điểm. Bên cạnh đó kết quả nghiên cứu tính hữu hiệu của KSNB được đánh giá với số điểm trung bình là 3,52/5 điểm (Phụ lục số 13) thể hiện mong muốn và kỳ vọng của DN. Điều này cho thấy, DN cần có thành phần KSNB một cách linh hoạt, phù hợp cho đặc tính của DN và biến động môi trường bên ngoài để đảm bảo tính hữu hiệu KSNB. Để làm được điều này, DN khi thiết kế thành phần KSNB cần quan tâm sự thích ứng của nó với các nhân tố mang đặc tính của DN như: Công nghệ thông tin, Chiến lược, văn hóa tổ chức, Nhận thức về sự không chắc chắn của môi trường DN, Cấu trúc tổ chức.

Xem tất cả 245 trang.

Ngày đăng: 15/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí