Nghi lễ vòng đời của người Dao Quần Chẹt ở huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội - 19


Hiện nay, thanh niên người DQC không muốn trở thành thầy cúng. Họ cho rằng công việc đó rất khó khăn nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế. Với một đám cấp sắc, họ phải gần như thức trắng 2 ngày 2 đêm và chịu các qui định vô cùng nghiêm ngặt. Kết thúc lễ, họ chỉ được trả công bằng thịt lợn của gia chủ. Số thịt đó, họ mang về làm lễ tại nhà mình trước khi bỏ ra chế biến cho gia đình. Do thời gian cấp sắc kéo dài, thời tiết không thuận lợi khiến thực phẩm ôi thiu. Số thịt họ mang về có khi không thể dùng được. Trong khi, nếu họ đi làm thêm, mỗi ngày cũng có thu nhập khoảng 250 – 300.000 đồng và được nghỉ ngơi thoải mái. Một số người còn đề xuất việc qui định về trả tiền công khi đi cúng lễ. Họ muốn coi thầy cúng là một nghề để kiếm kế sinh nhai chứ không phải làm vì mục đích bảo tồn văn hóa của dân tộc.

Thực tế trên cũng đặt ra vấn đề, các cấp chính quyền cần quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ thầy cúng phát huy vai trò của họ. Có những chính sách phù hợp trong truyền nghề, truyền chữ của các thầy cúng cho thế hệ kế cận. Quản lý tốt để việc thực hành nghi lễ đúng với bản chất văn hóa của nó, tránh những hiện tượng mê tín, dị đoan làm ảnh hưởng tới nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người DQC.

4.3.5. Vấn đề dạy và học chữ Nôm Dao

Chữ Nôm Dao là một kho tàng văn hóa vô cùng quí báu của dân tộc Dao nói chung và người người DQC ở Ba Vì nói riêng. Tất cả lịch sử tộc người, tri thức dân gian, nghi lễ, phong tục tập quán,… đều được ghi lại chi tiết trong những cuốn sách viết bằng chữ Nôm Dao. Chính vì vậy, bảo tồn và khai thác giá trị của chữ Nôm Dao sẽ góp phần tích cực vào việc bảo tồn văn hóa truyền thống của người DQC trong đó có NLVĐ.

Tuy nhiên, hiện nay, số người đọc và hiểu sách viết bằng chữ Nôm Dao không nhiều. Đọc và có thể dịch sang tiếng phổ thông lại càng hạn chế. Ông T.Đ.T (thôn Hợp Nhất) là một người thường xuyên chép sách cúng cho biết: “ chú cũng chỉ sao chép từ quyển này sang quyển khác được thôi chứ không hiểu hết sách viết gì”.

Hơn nữa, số người thực sự muốn học chữ Nôm Dao cũng không nhiều nhất là thanh niên. Trước kia, một trong những điều kiện để được thực hiện lễ cấp sắc là biết chữ Nôm Dao thì hiện nay tiêu chuẩn đó không còn. Hầu hết thanh niên DQC


không thể đọc, viết và hiểu chữ Nôm Dao. Những người đọc và hiểu được chữ Nôm Dao là các thầy cúng có tuổi. Vì vậy, nếu như thế hệ lớn tuổi qua đi, kho tàng sách cổ Nôm Dao cũng sẽ bị mai một. Văn hóa truyền thống trong đó có NLVĐ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Trong thời gian qua, tại thôn Hợp Nhất của xã Ba Vì có lớp học chữ Nôm Dao do ông Đặng Xuân Th (60 tuổi, thầy cúng) đứng ra mở lớp (bắt đầu từ 20 tháng Hai năm 2015). Ban đầu, có 84 người đăng ký học, chia thành 2 lớp. Học sinh nhỏ tuổi nhất là 13 tuổi, lớn nhất là 50 tuổi. Các lớp học 3 buổi/ 1tuần, 2 giờ/buổi (từ 20h đến 22h). Tuy nhiên trong quá trình dạy và học đã nảy sinh mâu thuẫn giữa ông Th và một số người trong thôn do ông Th không phải gốc là người DQC ở Ba Vì. Sau đó ông Triệu Phú Th (thầy cúng, thôn Hợp Nhất) đã dạy cùng với ông Đặng Xuân Th. Kinh phí của lớp do người học tự đóng góp là 50 nghìn/người/tháng. Đến đầu năm 2016 lớp học chỉ còn 18 người và sau đó bị hủy vì không còn người học. Lớp học tan rã do nhiều người bận việc riêng, một số thì chán nản vì học chữ quá khó, tốn thời gian. Lớp học là tự phát và không có sự quản lý cũng như hỗ trợ của UBND xã Ba Vì nên chưa thực sự hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 237 trang tài liệu này.

Hơn nữa, người DQC ở Ba Vì hiện nay vẫn chỉ dạy chữ cho nam giới, phụ nữ thậm chí còn không được đến gần khu vực học tập. Trước mỗi buổi dạy học, thầy cúng đều làm lễ trước bàn thờ tổ xin phép được đi dạy chữ. Vì vậy việc truyền dạy chữ Nôm Dao không được phổ biến rộng rãi. Thiết nghĩ, trong xã hội hiện đại, nam nữ bình đẳng thì việc dạy chữ cho nữ giới có nhu cầu học để hiểu về văn hóa của dân tộc mình là một việc làm cần được xem xét.

Ông T.P.T (thầy cúng, thôn Hợp Nhất) cho biết “nếu mỗi người DQC có thể học để đọc và hiểu chữ Nôm Dao thì sẽ không bao giờ sa vào các tệ nạn xã hội, vì trong sách đã dạy rất kỹ các đạo đức và lý lẽ để trở thành một người tốt”. Nếu không biết chữ, những người cao tuổi trong làng qua đi, thế hệ trẻ sẽ không biết phải thực hiện nghi lễ như thế nào cho đúng. Lúc đó, văn hóa của người DQC sẽ bị mai một thực sự.

Nghi lễ vòng đời của người Dao Quần Chẹt ở huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội - 19


Theo thống kê sơ bộ, hiện chưa đến 10% đàn ông DQC biết đọc chữ Nôm Dao, số lượng đó lại chủ yếu tập trung vào những thầy cúng lớn tuổi. Trong đó số người đọc và viết thành thạo chữ Nôm Dao chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những người biết chữ vẫn có mong muốn truyền lại chữ Nôm Dao nhưng đành bất lực vì thế hệ trẻ không muốn học.

Từ thực trạng trên cần có những chính sách thích hợp để mở rộng việc học chữ Nôm Dao có hiệu quả, phục vụ cho việc bảo tồn văn hóa truyền thống của người DQC ở Ba Vì. Cần đầu tư mở nhiều lớp học chữ Nôm Dao, khuyến khích lớp trẻ tham dự, thời gian, địa điểm các lớp học linh hoạt để đảm bảo không ảnh hưởng đến việc đi học và làm việc của những người muốn tham dự lớp học. Tiến hành nghiên cứu, dịch chữ Nôm Dao ra tiếng phổ thông để nhiều người tiếp cận được với nguồn tư liệu quí này.

Tiểu kết chương 4

Trong bối hội nhập phát triển KT - XH ở Ba Vì hiện nay đã tạo điều kiện cho người DQC tiếp cận với những nét văn hóa mới một cách dễ dàng. Điều này đã góp phần tạo nên sự biến đổi của NLVĐ. Tính thiêng trong các nghi lễ giảm dần. Các cá nhân thụ lễ không còn thấy được sự chuyển đổi rò rệt khi trải qua nghi lễ. Từ đó, chức năng tâm lý, xã hội và giáo dục của nghi lễ biến đổi. Nghi lễ không còn giữ vai trò chủ đạo để điều tiết các mối quan hệ xã hội. Tính cố kết cộng đồng giảm dần. Những nội dung và hình thức thực hiện các nghi lễ cũng có sự biến đổi đặc biệt là nghi lễ trong giai đoạn mang thai, sinh đẻ và nghi lễ cưới xin. Nguyên nhân của sự biến đổi do nhiều yếu tố trong đó có sự tác động của kinh tế thị trường, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng ở Ba Vì và đặc biệt do sự nhận thức, tiếp thu văn hóa mới của chính người DQC.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy, một số NLVĐ của người DQC vẫn giữ được những nét truyền thống. Nghi lễ cấp sắc, tang ma chủ yếu chỉ rút ngắn thời gian thực hiện và thay đổi các điều kiện vật chất chuẩn bị cho nghi lễ, phần nghi lễ chính được bảo tồn khá nguyên vẹn. Điều này là do người DQC cư trú thành cộng đồng liền kề với người Kinh và người Mường nhưng không có sự đan xen. Toàn bộ phía


nam của xã giáp dãy Ba Vì. Với cuộc sống gắn bó với tự nhiên, mưu sinh dựa nhiều vào rừng núi nên tâm lý hướng núi, bám rừng thể hiện rất rò trong cuộc sống người Dao. Quá trình hạ sơn cũng chia làm nhiều đợt và chuyển thành nhiều bậc theo chiều thấp dần. Hiện tại, ruộng nước chỉ chiếm một phần canh tác rất nhỏ còn phần lớn mọi người vẫn làm nương, lấy dược liệu trên rừng để làm thuốc nam, ăn nước suối,… Do vậy, họ vẫn còn môi trường tốt để tồn tại những nét văn hóa truyền thống đặc biệt là NLVĐ. Bên cạnh đó, tín ngưỡng truyền thống của người DQC vẫn còn tồn tại khá đậm nét ở thế hệ cao tuổi.

Tuy nhiên, hiện nay người DQC chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của NLVĐ, một số người còn có những nhận thức sai lệch trong việc tổ chức. NLVĐ không còn giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống của người DQC. Vì vậy, mai một và biến đổi văn hóa là tất yếu. Bên cạnh đó, xu hướng tiếp nhận những nét văn hóa mới đang diễn ra mạnh mẽ trong thế hệ trẻ người DQC. Hầu hết thế hệ trẻ người DQC không hiểu rò về phong tục tập quán của dân tộc mình, không thể đọc, hiểu và viết chữ Nôm Dao. Nền kinh tế thị trường và quá trình đô thị hóa cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới NLVĐ

Công tác quản lý của các cơ quan, ban ngành chưa thực sự có hiệu quả đối với vùng người DQC. Chưa gắn việc bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống cho người dân. Nghiên cứu về NLVĐ còn nhiều hạn chế. Vấn đề khai thác và truyền dạy chữ Nôm Dao cũng chưa được quan tâm đúng mực. Đây là những vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Trong bối cảnh hiện nay, NLVĐ càng biến đổi mạnh hơn. Do vậy các nhà quản lý văn hóa cần có biện pháp tích cực để bảo tồn văn hóa truyền thống của người DQC trong đó có NLVĐ.


KẾT LUẬN


1. Xã Ba Vì, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội là địa bàn cư trú tập trung của hơn 2000 người DQC. Trước cách mạng Tháng Tám, họ sống du canh, du cư trên núi Ba Vì. Sau cuộc vận động hạ sơn những năm 1960 của Đảng và nhà nước cho đến nay, người DQC chuyển xuống chân núi định cư tại 3 thôn: Hợp Nhất, Hợp Sơn và Yên Sơn. Tuy nhiên, quá trình chuyển cư được diễn ra thành nhiều đợt, người DQC vẫn bám rừng và thích nghi với cuộc sống mới; họ không sống đan xen mà chỉ liền kề với người Kinh và người Mường trong khu vực; bên cạnh đó, ý thức bảo tồn văn hóa tộc người khá tốt. Do vậy, người DQC vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng trong đó có NLVĐ.

2. Qua việc nghiên cứu các cách thức và nghi thức tiến hành NLVĐ của người DQC có những đặc điểm chính:

(1): NLVĐ là bắt buộc đối với mỗi con người. Nó có ảnh hưởng đến vị thế của họ trong cộng đồng. Tính bắt buộc của NLVĐ không chỉ ở việc thực hiện các nghi lễ mà ở cả trình tự, việc thực hành những nghi thức, những phong tục tập quán và kiêng kỵ đi kèm trong mỗi nghi lễ. Mặc dù, nghi lễ cấp sắc người thụ lễ chính là nam giới nhưng lại có ảnh hưởng đến địa vị của người phụ nữ và họ cũng trực tiếp tham gia vào nghi lễ. Cấp sắc là cấp cho cả vợ và chồng.

(2): NLVĐ của người DQC chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Tam giáo (tín ngưỡng vật linh giáo kết hợp với Đạo giáo, Phật giáo) mà sâu sắc nhất là Đạo giáo, một số tư tưởng của Nho giáo trong quan niệm về trinh tiết của người phụ nữ, thứ bậc trong gia đình. Ảnh hưởng của Phật giáo ở việc trai tịnh, ăn chay trong một số nghi lễ và đặc biệt là tính hướng thiện.

(3): NLVĐ người DQC có mối quan hệ mật thiết với nhau, nghi lễ trước là tiền đề để nghi lễ sau được thực hiện. Việc thực hiện nghi lễ sau cũng củng cố thêm cho những nghi lễ trước vững chắc hơn.

(4): NLVĐ mang tính chuyển đổi sâu sắc tương ứng với lý thuyết chuyển đổi của Arol Van Gennep. Ba giai đoạn chuyển đổi trước ngưỡng, trong ngưỡng và sau


ngưỡng được thể khá rò. Trải qua mỗi nghi lễ, cá nhân bước sang một vị thế mới, vai trò mới trong cả gia đình và cộng đồng. Từ đó nó quyết định đến cách thức ứng xử của mỗi cá nhân với nghi lễ.

3. NLVĐ của người DQC ở Ba Vì có nhiều nét tương đồng và khác biệt so với người DQC ở các địa phương khác. Sự tương đồng thể hiện trong tổng thể các NLVĐ cũng như nhiều nghi thức trong nghi lễ. Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất là sự tiếp nhận tín ngưỡng thờ cúng Thánh Tản và những người có công khai lập mảnh đất Ba Vì trong các nghi lễ. Ngoài ra trong từng nghi lễ cụ thể lại có những khác biệt làm nổi rò bản sắc văn hóa của người DQC ở Ba Vì như: quan niệm về trinh tiết của người phụ nữ; chỉ cấp sắc cho người đàn ông đã có vợ, cấp duy nhất 1 lần bao gồm cả 3 đèn và 7 đèn; chỉ xem ngày chết chứ không xem giờ khâm liệm và chôn cất; không chỉ tiễn hồn người chết về Dương Châu mà còn tiễn hồn lên thiên đàng (địa phận của Thái Thượng Lão Quân);…

4. NLVĐ của người DQC ở Ba Vì có chức năng tâm lý, chức năng xã hội, chức năng văn hóa và giáo dục khá rò nét. Những NLVĐ là giải pháp tâm lý giúp nâng đỡ tinh thần tình cảm cho người thụ lễ vượt qua những giai đoạn chuyển đổi khó khăn, giúp người thụ lễ vững tin vào cuộc sống. Bên cạnh đó, NLVĐ cũng tạo bối cảnh xã hội thừa nhận sự chuyển đổi của mỗi cá nhân. Nó cũng giúp duy trì các trật tự và nguyên tắc của cộng đồng, thể hiện vị thế của mỗi cá nhân và gia đình trong cộng đồng đó. Điều này hoàn toàn phù hợp với những gì mà Malinowski và Radcliff Brown đưa ra trong những nghiên cứu của mình khi nói về chức năng tâm lý và chức năng xã hội của nghi lễ. NLVĐ giúp chuyển tải và củng cố văn hóa của cộng đồng và giáo dục con người sống hướng thiện, làm theo lẽ phải, trọng chữ tín, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

5. NLVĐ của người DQC ở Ba Vì có giá trị lịch sử, cố kết cộng đồng và bảo tồn văn hóa truyền thống. Thông qua NLVĐ, chúng ta có thể biết nguồn gốc lịch sử của người DQC, quá trình di cư và tụ cư của họ tại Ba Vì. Nghi lễ cũng giúp cho mối thân tình giữa các thành viên trong cộng đồng ngày càng được gắn kết. Đây cũng là môi trường để lưu giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống như: trang phục, ẩm thực hay các loại hình nghệ thuật dân gian như: múa, hát, nhạc cụ (chuông, trống, kèn, tù và,…). Thông qua NLVĐ chữ Nôm Dao cũng được duy trì và phát huy giá trị.


6. NLVĐ của người DQC ở Ba Vì hiện nay có những biến đổi nhất định. Sự biến đổi thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau như tính thiêng trong các nghi lễ hiện nay đã giảm dần; nhận thức về sự chuyển đổi vai trò, vị trí của người thụ lễ qua các nghi lễ cũng mờ nhạt; một số nội dung của các nghi lễ cũng biến đổi. Nhiều người trẻ quan niệm thực hiện nghi lễ cho đủ thủ tục, họ không còn quá tin vào sức mạnh của nghi lễ.

Sự biến đổi nội dung và hình thức của nghi lễ rò nét nhất là trong nghi lễ cưới xin. Hầu hết các nghi thức trong cưới xin đều được thay đổi phù hợp với cuộc sống hiện tại và làm cho mọi người cảm thấy thoải mái nhất. Rất khó có thể phân biệt đám cưới của người Kinh, Mường, Dao nếu chỉ quan sát bên ngoài. Đặc biệt với những đám cưới hỗn hợp dân tộc, sự phân biệt này càng trở nên khó khăn.

Nguyên nhân của những biến đổi trên là do sự thay đổi các điều kiện KT – XH, quá trình đô thị hóa, giao lưu tiếp biến văn hóa và đặc biệt là ý muốn chủ quan của người DQC. Sự biến đổi này cho thấy, so với văn hóa vật chất, NLVĐ có sự biến đổi chậm hơn. Những nghi lễ tính thiêng càng đậm đặc thì sự biến đổi diễn ra ít hơn.

7. Trước những biến đổi trên của NLVĐ đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm. Trước tiên là nhận thức của người DQC về vai trò của NLVĐ. Hiện nay, người DQC nhất là thế hệ trẻ không thực sự coi trọng các NLVĐ. Nhiều nghi lễ được thực hiện mang tính hình thức, giảm tính thiêng. Đội ngũ cán bộ quản lý ở địa phương chưa có những giải pháp hiệu quả trong công tác bảo tồn văn hóa. Việc nghiên cứu toàn diện về văn hóa của người DQC trong đó có NLVĐ chưa được quan tâm đúng mực. Bên cạnh đó, số lượng thầy cúng giỏi ngày càng giảm. Số lượng người biết đọc và viết chữ Nôm Dao rất hạn chế, lại tập trung vào những người cao tuổi. Thế hệ kế cận không thực sự có mong muốn tìm hiểu về văn hóa của dân tộc mình.

Từ những vấn đề đặt ra kể trên các nhà quản lý văn hóa ở địa phương cần đưa ra những giải pháp thiết thực, gắn bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế, đảm bảo nhu cầu cuộc sống của người dân. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chú trương chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân. Vận động tốt người dân thực hiện các tiêu chí của xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa. Mở các lớp dạy chữ Nôm Dao, dạy hát pả dung và các điệu múa truyền thống của người Dao để


thế hệ trẻ hiểu về phong tục tập quán đặc biệt là các nghi thức, ý nghĩa của NLVĐ. Bên cạnh đó, cần tổ chức nhiều buổi giao lưu văn hóa, làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc của thế hệ trẻ người DQC.

Cần có những nghiên cứu sâu, rộng về tổng thể văn hóa của người DQC đặc biệt là các NLVĐ. Tiến hành dịch sách Nôm Dao sang tiếng phổ thông để thế hệ trẻ dễ tiếp cận với những tư liệu quí, phục vụ cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống.

8. Trong quá trình thực hiện luận án, bản thân NCS gặp nhiều khó khăn do không hiểu tiếng Dao và không thể đọc, dịch chữ Nôm Dao. Những tư liệu mà NCS thu được chủ yếu từ phỏng vấn sâu người dân. Do vậy, vẫn còn những khía cạnh của NLVĐ chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng đặc biệt là hiểu sâu về tín ngưỡng của người DQC. Một số thực hành nghi lễ chưa có sự phân tích sâu và giải thích thỏa đáng. NCS cũng chưa khai thác hết được các giá trị của NLVĐ qua tư liệu bằng chữ Nôm Dao. Hơn nữa, do thời gian có hạn, NCS không thể đi điền dã tại những địa phương có người DQC sinh sống để so sánh với nhóm DQC ở Ba Vì. Những tư liệu so sánh phần lớn là kế thừa từ các nghiên cứu khoa học đã được công bố. Vì vậy, việc so sánh chưa thực sự sâu sắc và thuyết phục. Những hạn chế này cũng là khoảng trống rất cần có những nghiên cứu kế tiếp để góp phần tìm hiểu sâu sắc và toàn diện về NLVĐ của người DQC ở Ba Vì.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/06/2022