Nâng cao nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lao động của Việt Nam đến năm 2020 - 2


CÁC SƠ ĐỒ

Sơ đồ 1.1: Các yếu tố cấu thành chất lượng NNL đáp ứng nhu cầu XKLĐ 31

Sơ đồ 1.2: Các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến chất lượng NNL đáp ứng nhu cầu XKLĐ 38

Sơ đồ 1.3: Hệ thống quản lý lao động ở ngoài nước của Hàn Quốc 52

Sơ đồ 1.4: Quy trình xuất khẩu lao động của Hàn Quốc 54


CÁC BIỂU ĐỒ

Biểu đồ 2.1: Tổng GDP tăng trưởng trung bình hàng năm 2000-2008 63

Biểu đồ 2.2: Hệ số co giãn việc làm với GDP các nước, 2004, 2008 64

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

Biểu đồ 2.3: Lao động Việt Nam đưa đi làm việc tại Đài Loan hàng năm từ năm 2000-2010 77

Biểu đồ 2.4: Số liệu thống kê về LĐ nước ngoài làm việc tại Đài Loan (tính đến tháng 4/2010) 79

Nâng cao nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lao động của Việt Nam đến năm 2020 - 2

Biểu đồ 2.5: Cơ cấu ngành nghề lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan tính đến tháng 4/2010 80

Biểu đồ 2.6: LĐ Việt Nam đưa đi làm việc hàng năm tại Malaysia 2000-2010 83

Biểu đồ 2.7: LĐ Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc 2000-2010 88

Biểu đồ 2.8: LĐ Việt Nam đưa đi làm việc tại Nhật Bản (2000-2010) 94


CÁC HỘP

Hộp 2.1 : Xuất khẩu lao động ở Hưng Yên 118

Hộp 2.2 : Xã sống bằng... ngoại tệ 120

Hộp 2.3 : 'Ôsin' xứ Đài thành bà chủ chè sạch 121


MỞ ĐẦU


1. Lý do chọn đề tài

Hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) được Đảng và Nhà nước ta xác định là lĩnh vực kinh tế đối ngoại quan trọng, một bộ phận của chính sách giải quyết việc làm, chỉ tiêu XKLĐ được Quốc hội đưa vào kế hoạch hàng năm. Chủ trương này đã được thể hiện cụ thể ở Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng là:“ Tiếp tục thực hiện chương trình XKLĐ, tăng tỷ lệ lao động xuất khẩu đã qua đào tạo, quản lý chặt chẽ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động”. Trong những năm qua hoạt động XKLĐ đã thu được một số kết quả khả quan, góp phần tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người lao động và gia đình họ. Một bộ phận lao động đã tiếp thu kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất của nước bạn. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có trên 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài (tại hơn 46 quốc gia và vùng lãnh thổ) với nhiều loại ngành nghề và trình độ khác nhau. Hằng năm số lao động này chuyển về nước gần 2 tỷ USD, nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội, tăng nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất. So với một số ngành khác, thu nhập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài có hiệu quả cao, vốn đầu tư ít, đem lại lợi ích nhiều mặt… Tuy nhiên lực lượng lao động (LLLĐ) Việt Nam đi XKLĐ phần lớn xuất thân là nông dân. Họ được gọi là những lao động “3 không” : không nghề, không ngoại ngữ, không tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động. Cho đến những năm gần đây, dù đã có chuyển biến nhưng tỷ lệ người đi XKLĐ có nghề vẫn rất thấp so với yêu cầu thực tế, hơn nữa tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động, cũng như hiểu biết về phong tục tập quán và pháp luật của nước sở tại còn rất kém, tỷ lệ lao động vi phạm kỷ luật và phải về trước thời hạn thường cao hơn so với các nước phái cử khác, ví dụ như sự việc hơn 200 công nhân nữ ngành may của Việt Nam đình công không đúng quy định ở Jordan năm 2008, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ hợp đồng ra ngoài làm ăn cư trú bất hợp pháp ở một số thị trường còn tương đối


cao như Đài Loan hơn 10%, Nhật Bản có lúc lên đến hơn 50%, Hàn Quốc có thời điểm hơn 30%....

Trong những năm tới, nền kinh tế thế giới phục hồi sau khủng hoảng, xu hướng nhập khẩu lao động của các nước trên thế giới vẫn rất cao, đặc biệt là những nước khu vực Trung Đông, các nước khu vực châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... . các thị trường đều có nhu cầu về lao động có tay nghề, ngay cả những nước nhận nhiều lao động như Malaysia, Đài Loan, Trung Đông... Nhất là, những thị trường có thu nhập cao và nhiều tiềm năng (Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia, Đông Âu) thì ngoài có tay nghề người lao động còn phải có một trình độ ngoại ngữ nhất định.

Nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam tại thị trường nước ngoài cũng đang có chiều hướng tăng, nhất là lao động chất lượng cao. Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế, mở rộng thị phần và tăng thu nhập cho người lao động. Trong khi đó chất lượng nguồn nhân lực (NNL) của Việt Nam còn thấp - Đó là thách thức lớn nhất đối với công tác XKLĐ trong thời gian tới.

Tại khoản 5 Điều 5 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nêu rõ: “ Khuyến khích đưa nhiều người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, đưa người lao động đi làm việc ở thị trường có thu nhập cao…”. Mục tiêu đưa người lao động (NLĐ) có nghề đi làm việc ở nước ngoài là 95 % vào năm 2015 và 100% vào năm 2020. Để thực hiện quy định của Luật và mục tiêu trên cần có sự chuẩn bị và phải có chiến lược nâng cao chất lượng NNL nói chung – đó cũng là nguồn cho XKLĐ.

Do vậy, việc nghiên cứu nâng cao chất lượng NNL của nước ta đi XKLĐ trong thời gian tới là rất cần thiết, mang tính thực tiễn và lý luận cao, vì vậy tác giả lựa chọn đề tài: "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lao động của Việt Nam đến năm 2020" làm đề tài luận án tiến sỹ của mình.

2. Đối tượng nghiên cứu

Chất lượng NNL đáp ứng nhu cầu XKLĐ.


3. Phạm vi nghiên cứu

Nội dung: Chất lượng NNL đáp ứng nhu cầu XKLĐ của Việt Nam.

Không gian: Trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng là các địa phương có nhiều doanh nghiệp XKLĐ. Về thị trường nghiên cứu chủ yếu là Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản – Đây là những thị trường XKLĐ chủ yếu của Việt Nam, chiếm khoảng 70% số lượng lao động đưa đi xuất khẩu hàng năm của nước ta. Luận án chỉ nghiên cứu lao động xuất khẩu ra nước ngoài, không nghiên cứu đối tượng được coi là xuất khẩu lao động tại chỗ. Luận án chỉ tập trung phân tích đối với lao động (lao động phổ thông và lao động có nghề) loại trừ đối tượng chuyên gia, tuy nhiên có hồi cứu giai đoạn hợp tác lao động, luận án có đề cập đến đối tượng chuyên gia để có nhận xét tổng thể.

Thời gian: Thực trạng đến hết năm 2010 và đề xuất giải pháp cho thời kỳ 2011-2020.

4. Mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu tổng quát của luận án là trên cơ sở nghiên cứu thực trạng về chất lượng NNL đáp ứng nhu cầu XKLĐ của nước ta trong thời gian vừa qua để đề xuất nâng cao chất lượng NNL đáp ứng nhu cầu XKLĐ của nước ta trong thời gian tới, do đó luận án sẽ hướng đến các mục tiêu cụ thể sau:

- Làm rõ các nội dung về chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu XKLĐ, cung - cầu của thị trường lao động nói chung và XKLĐ nói riêng.

- Phân tích các vấn đề thực tiễn của chất lượng NNL đáp ứng nhu cầu XKLĐ của nước ta trong thời gian vừa qua. Phân tích những hạn chế về chất lượng NNL đáp ứng nhu cầu XKLĐ của nước ta và nguyên nhân của những hạn chế đó.

- Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng NNL đáp ứng nhu cầu XKLĐ của Việt Nam đến năm 2020 và các điều kiện để triển khai, ứng dụng trong thực tiễn.

5. Tổng quan nghiên cứu

Trước đây, đã có một số công trình nghiên cứu liên quan đến XKLĐ như:

(1) Luận án của tiến sỹ Trần Văn Hằng (1996) “Các giải pháp nhằm đổi mới quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động ở Việt Nam trong giai đoạn 1995-2010”.


Luận án thuộc chuyên ngành kinh tế, quản lý và kế hoạch hóa quốc dân đã làm rõ vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về XKLĐ theo cơ chế thị trường, phân tích thực trạng quản lý nhà nước về XKLĐ và những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn của XKLĐ Việt Nam đồng thời đề xuất quan điểm, giải pháp đồi mới quản lý Nhà nước về XKLĐ.

(2) Công trình của PGS. TS Trần Thị Thu (2006): “Nâng cao hiệu quả quản lý xuất khẩu lao động của các doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay”. Công trình nghiên cứu được PGS.TS Trần Thị Thu tiến hành trên cơ sở thực tiễn XKLĐ tại Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và Thương mại (SONA) và một số doanh nghiệp với mục đích làm rõ khái niệm và sự cần thiết nâng cao hiệu quả quản lý XKLĐ tại các doanh nghiệp XKLĐ của Việt Nam, đưa ra một số chỉ tiêu đánh giá hiệu quả quản lý XKLĐ của các doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam và kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý XKLĐ của các doanh nghiệp XKLĐ.

(3) Luận văn chuyên ngành kinh tế thương mại của thạc sỹ Thái Thị Hồng Minh (2003): “Hoàn thiện quản lý dịch vụ XKLĐ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội”. Luận văn đã phân tích cơ sở lý luận về quản lý dịch vụ XKLĐ, đánh giá thực trạng của hoạt động quản lý dịch vụ XKLĐ của Bộ LĐTBXH giai đoạn 1996- 2002 và đề xuất các giải pháp hoàn thiện công tác quản lý dịch vụ XKLĐ của Bộ LĐTBXH.

(4) Luận văn chuyên ngành kinh tế lao động của thạc sỹ Bùi Sỹ Tuấn (2007): “Một số giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nuớc về XKLĐ của nước ta trong giai đoạn hiện nay”. Luận văn đã khái quát lý luận quản lý nhà nước về XKLĐ, phân tích từng khâu trong quản lý nhà nước đối với XKLĐ như hoạch định chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thực hiện đến công tác thanh tra, kiểm tra trong XKLĐ. Đồng thời phân tích thực trạng công tác quản lý nhà nước về XKLĐ của nước ta giai đoạn từ năm 2000-2006 và đưa ra các giải pháp tăng cường quản lý đến năm 2010.

(5) Đề tài của TS Nguyễn Thị Hồng Bích (2007): Xuất khẩu lao động của một số nước Đông Nam Á: Kinh nghiệm và bài học…Đề tài đã phân tích sự dịch chuyển


quốc tế về sức lao động, kinh nghiệm của các nước: Philippines, Indonesia, Thái Lan và Malaysia theo bối cảnh kinh tế, thực trạng XKLĐ và thị trường XKLĐ, tác động của XKLĐ của từng nước để rút ra bài học cho XKLĐ của Việt Nam.

(6) Ngày 19 và 20/7/2010, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức Diễn đàn lao động di cư ASEAN lần thứ 3 với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Nhóm công tác (TAFW). Chủ đề của Diễn đàn lao động di cư lần thứ 3 là “Nâng cao nhận thức và dịch vụ thông tin nhằm bảo vệ quyền của lao động di cư”, diễn đàn quy tụ nhiều chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế và các nước trong khu vực ASEAN với nội dung của diễn đàn là: thúc đẩy di cư an toàn và hợp pháp cho việc làm bền vững; Tăng cường việc làm bền vững cho LĐ di cư thông qua Dịch vụ thông tin nơi đến và thông qua các chương trình đào tạo trước phái cử và Tăng cường dịch vụ thông tin tại chỗ nhằm nâng cao nhận thức về Việc làm bền vững và di cư an toàn nhằm bảo vệ quyền của lao động di cư.

(7) Mới đây, nghiên cứu về "Tình hình và xu hướng xuất khẩu lao động Việt Nam - Situation and Trends of Vietnamese Labor Export" tác giả Kannika Angsuthanasombat đã phân tích thực trạng XKLĐ ở Việt Nam trong đó nêu rõ, LĐ Việt Nam ở nước ngoài tương đối thông minh, năng động, chăm chỉ làm thêm, tuy nhiên tác phong công nghiệp kém, những người đi XKLĐ chủ yếu từ nông thôn và nghèo, trình độ văn hoá thấp, ngoại ngữ không đủ để giao tiếp và làm việc ở nuớc ngoài. Tác giả cũng nêu khuyến nghị là Việt Nam cần nâng cao chất luợng LĐ đi làm việc ở nuớc ngoài – tăng khả năng cạnh tranh XKLĐ của Việt Nam, đặc biệt là tăng số lượng LĐ kỹ thuật, LĐ có nghề.

Các nghiên cứu nêu trên đã khái quát lý luận về xuất khẩu lao động và thực trạng hoạt động XKLĐ và quản lý nhà nước về XKLĐ, quản lý hoạt động xuất khẩu lao động của các doanh nghiệp ở nước ta và đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện và đổi mới hệ thống tổ chức và cơ chế quản lý hoạt động XKLĐ của nước ta như giải pháp hoàn thiện pháp luật và chính sách, phát triển thị trường lao động ngoài nước, chấn chỉnh, sắp xếp, tổ chức lại các doanh nghiệp XKLĐ, tăng cường


công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động XKLĐ, cần thiết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, cũng đúc rút một số kinh nghiệm của các nước trong khu vực Đông Nam Á trong hoạt động XKLĐ nói chung. Tuy nhiên, để phát triển hoạt động XKLĐ trong tương lai, nâng cao sức cạnh tranh của lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế, theo tác giả thì điều kiện tiên quyết ở đây là phải nâng cao chất lượng NNL của Việt Nam đáp ứng nhu cầu XKLĐ, vấn đề này chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập đến một cách có hệ thống và phân tích để tìm giải pháp nâng cao chất lượng NNL nhằm đáp ứng nhu cầu XKLĐ của nước ta.

6. Phương pháp nghiên cứu

Luận án sử dụng một số phương pháp sau đây:

- Phương pháp luận duy vật biện chứng, xem xét NNL đáp ứng nhu cầu XKLĐ trong xu thế vận động của di cư lao động quốc tế và xu thế phát triển của thị trường lao động Việt Nam và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta;

- Phương pháp tổng hợp, phân tích, so sánh: Tổng hợp số liệu lao động Việt Nam đi XKLĐ qua các thời kỳ để so sánh sự tăng trưởng và phân tích xu thế phát triển chung cũng như phát triển riêng đối với từng thị trường;

- Phương pháp điều tra xã hội học (được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2010): khảo sát về chất lượng NNL đáp ứng nhu cầu XKLĐ tại 21 doanh nghiệp, lao động đang làm việc và chủ sử dụng lao động tại 4 thị trường chính là Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản, thông qua bảng hỏi đối với 4 nhóm đối tượng gồm; Cán bộ xuất khẩu lao động (bao gồm: cán bộ quản lý Nhà nước, cán bộ thị trường của doanh nghiệp XKLĐ, cán bộ đào tạo của doanh nghiệp): 190 người; Người lao động chuẩn bị đi làm việc ở nước ngoài: 355 người; Người lao động ở nước ngoài (Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản): 20 lao động; Chủ sử dụng lao động ở nước ngoài (Malaysia, Nhật Bản): 31 chủ sử dụng lao động nước ngoài.

- Tổng kết kinh nghiệm thực tiễn thông qua trực tiếp phỏng vấn, các hội nghị, hội thảo chuyên đề để trao đổi với một số cá nhân, tổ chức có liên quan như: cán bộ quản lý các cấp, các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, các địa phương, người


lao động đã đi làm việc ở nước ngoài; Học tập kinh nghiệm của một số nước về nâng cao chất lượng NNL đáp ứng nhu cầu XKLĐ.

7. Đóng góp của luận án

7.1. Về lý luận:

- Tập hợp một cách có hệ thống các vấn đề liên quan đến chất lượng NNL đáp ứng nhu cầu XKLĐ;

- Phân tích những nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng NNL đáp ứng nhu cầu XKLĐ, khảo sát để chứng minh sự ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến chất lượng NNL đáp ứng nhu cầu XKLĐ;

- Phân tích bài học kinh nghiệm của một số nước trong việc nâng cao chất lượng NNL đáp ứng nhu cầu XKLĐ.

7.2. Về thực tiễn:

- Phân tích tình hình thực trạng của chất lượng NNL đáp ứng nhu cầu XKLĐ của Việt Nam.

- Phân tích những hạn chế về chất lượng NNL đáp ứng nhu cầu XKLĐ của nước ta và những nguyên nhân của hạn chế đó;

- Kiến nghị một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng NNL của Việt Nam phục vụ XKLĐ.

8. Cấu trúc của Luận án

Luận án gồm các phần: Mở đầu; nội dung; kết luận, danh mục các công trình của tác giả, tài liệu tham khảo, phụ lục, nội dung chính của luận án có 3 chương:

- Chương 1: Cở sở lý luận về chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lao động

- Chương 2: Phân tích thực trạng chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lao động của Việt Nam trong thời gian vừa qua

- Chương 3: Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lao động của Việt Nam đến năm 2020

Xem tất cả 232 trang.

Ngày đăng: 06/10/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí