Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế: trường hợp nghiên cứu cụ thể ở công ty gang thép Thái Nguyên - 11

nghiệp và nắm bắt các hoạt động hỗ trợ của các đoàn thể, tổ chức quốc tế từ đó quy các nguồn vốn này vào một đầu mối để quản lý, doanh nghiệp sẽ dễ tiếp cận khi cần vay vốn. Trên thực tế, hiện nay chỉ có một số quỹ hỗ trợ thực sự có hiệu quả đối với các doanh nghiệp.

* Tiếp tục cải cách hệ thống ngân hàng để tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Để có thể thu được nhiều lợi nhuận từ quá trình tự do hoá thương mại, cần phải tăng tính linh hoạt của các nguồn lực, đặc biệt là vốn giữa các ngành để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong điều kiện các ngân hàng thương mại và các ngân hàng Nhà nước thừa vốn nhưng các doanh nghiệp lại thiếu vốn, ngân hàng thương mại và ngân hàng Nhà nước cần có những chính sách giải quyết phù hợp:

- Cải cách thủ tục thẩm định tín dụng, áp dụng các tiêu chuẩn kế toán được quốc tế thừa nhận, đưa ra các khuyến khích nhằm làm tăng khả năng sinh lời vốn tín dụng.

- Đảm bảo hoạt động ngân hàng thận trọng và an toàn bằng khuôn khổ luật pháp, quy định và giám sát.

- Ban hành quy chế tạo lòng tin cho khách hàng, cải tiến các dịch vụ của ngân hàng thương mại.

- Nới lỏng việc quản lý ngoại hối, đơn giản hoá hơn nữa các thủ tục thế chấp và chuyển nhượng đất đai. Các ngân hàng nên thay đổi và bổ sung quá trình xét duyệt cho vay, không nên quá coi trọng tài sản thế chấp, vì trong những năm qua tài sản thế chấp đã chứng tỏ không phải là vật đảm bảo vay tiền phù hợp và duy nhất, mà nên cho vay dựa vào thực trạng doanh nghiệp. Cho vay cần chú ý đến khả năng, nhu cầu, thực trạng của doanh nghiệp để có tín dụng phù hợp với họ.

- Thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp. Quỹ này đóng vai trò như một tổ chức trung gian giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp, là một định chế tài chính phi lợi nhuận nằm trong hệ thống ngân hàng và sự giám sát của ngân hàng Nhà nước.

* Ngoài hệ thống ngân hàng thương mại, Nhà nước nên quan tâm đến việc thành lập các công ty cho thuê tài chính, các doanh nghiệp có thể đề nghị các công ty này thuê tài sản và bất động sản mà họ dự kiến, ký hợp đồng với các công ty cho

thuê tài chính và có sự hứa hẹn về bán tài sản tuỳ theo tình hình. Đây là cách thức cung cấp vốn rất khả thi cho doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện hiện nay.

* Tiếp tục cải cách các chính sách tài chính theo hướng phù hợp với các cam kết quốc tế, minh bạch, dễ dự đoán. Đó là việc tiếp tục hoàn thiện các luật thuế và triển khai thực hiện các sắc thuế để cùng lúc có thể đạt được các mục tiêu: tăng thu ngân sách, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích luỹ để mở rộng sản xuất.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.

* Nhà nước cần có các biện pháp quản lý giá cả những mặt hàng độc quyền nhằm giảm chi phí đầu vào như giá cước vận tải, giao thông, thông tin điện, nước,...để doanh nghiệp có thể cạnh tranh trên thị trường bằng giá cả sản phẩm.

3. Thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin

Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế: trường hợp nghiên cứu cụ thể ở công ty gang thép Thái Nguyên - 11

Để có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong môi trường hiện nay, Tisco cũng như các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều đến phát triển công nghệ và xây dựng hệ thống thông tin. Trong bước đầu khó khăn, Nhà nước cần tăng tỉ lệ chi ngân sách cho khoa học công nghệ và hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp.

- Nhà nước tăng cường công tác đào tạo, bổ sung, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên viên ở các bộ, ngành làm công tác hội nhập. Đồng thời có cơ chế tạo ra sự phối hợp giữa các bộ phận này một cách chặt chẽ hơn.

- Các phương tiện thông tin đại chúng cần mở rộng chương trình giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận với những nguyên tắc của nền kinh tế hội nhập, những cơ hội và thách thức với họ, những kinh nghiệm các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới đã thành công trong hội nhập, những điển hình trong nước chuẩn bị tốt cho hội nhập... để tạo ra tâm lý tích cực chuẩn bị hội nhập trong toàn nền kinh tế.

- Nhà nước cần có chính sách và tạo điều kiện để hình thành nên các “làng khoa học”, “chợ công nghệ”, khu công nghệ cao để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận mua bán công nghệ, và để các ứng dụng của nghiên cứu khoa học nhanh chóng đi vào sản xuất. Việc xây dựng “chợ công nghệ” có thể tham khảo mô hình của Trung Quốc hiện nay với một loạt các chính sách đồng bộ như: các quy định pháp lý về hoạt động của chợ, hình thức và địa điểm của chợ, những đối tượng tham gia chợ, các chế tài khuyến khích và đảm bảo quyền lợi của các bên mua và bán,..

- Các quy định về xuất nhập khẩu công nghệ cũng cần có những cải tiến để sự di chuyển của nguồn lực sản xuất này thực sự dễ dàng, đúng với yêu cầu của tự do hoá thương mại và hội nhập quốc tế.

- Áp dụng biện pháp tin học hoá vào hoạt động kinh doanh thông qua việc hoà mạng với hệ thống thông tin đã có trên thế giới. Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng mạng tin học có thể nối mạng với Internet nhằm thu thập thông tin ở thị trường. Cụ thể có thể tiến hành một số giải pháp sau:

Thành lập các ngân hàng dữ liệu về các loại hình doanh nghiệp, về thị trường, công nghệ, thể chế…để cung cấp hoặc bán cho các doanh nghiệp thường xuyên với giá thấp. Điều này vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong cạnh tranh nhưng vừa hạn chế được những tiêu cực, những hiện tượng lừa đảo trong kinh doanh…

Xây dựng website của tỉnh, thành phố và một số website chuyên ngành. Nối mạng giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp. Cập nhật hàng tuần (tháng, quý, năm) và thông báo rộng rãi những thông tin về pháp luật, chính sách quy định của Nhà nước; thông tin về nhu cầu, về tình hình biến động giá cả thị trường trong và ngoài nước…

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu và sử dụng các phương tiện quản lý thông tin hiện đại, tiếp cận với mạng Internet để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận và sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu hiện đại trong nước và ngoài nước.

- Dưới tác động của khoa học công nghệ, mà đặc biệt là công nghệ thông tin đã làm xuất hiện hình thức thương mại tiên tiến- thương mại điện tử. Doanh nghiệp nước ta tuy quy mô còn nhỏ và hoạt động trên một thị trường hạn chế, nhưng cũng phải chủ động áp dụng và phát triển thương mại điện tử, nếu không sẽ bị cô lập với thế giới bên ngoài. Việc triển khai áp dụng thương mại điện tử có thể tiến hành từng bước, từ thấp tới cao. Giai đoạn đầu có thể triển khai chủ yếu ở khâu xúc tiến kinh doanh, dưới hình thức mở website quảng cáo trên mạng, tìm kiếm thông tin về thị trường và bán hàng trên mạng,...Khi điều kiện cơ sở hạ tầng và cơ sở pháp lý cho phép thì có thể tiến tới ký kết hợp đồng và thực hiện thanh toán trên mạng.

4. Phát triển nguồn nhân lực

Cho đến nay, lao động có trình độ giáo dục cao và giá rẻ vẫn được xem là lợi thế so sánh lớn của Việt Nam so với nhiều nước đang phát triển khác trên thế giới nói chung và so với một số nước trong khu vực nói riêng. Tuy nhiên việc khai thác triệt để lợi thế này để trở thành lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, công nghệ hiện đại thường sử dụng rất ít lao động, do vậy lao động dồi dào, giá rẻ không còn là lợi thế trong tương lai nữa. Một nền kinh tế tri thức không chỉ được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin tiên tiến mà nó còn là sự phát huy trình độ dân trí để tiếp nhận tri thức. Vì vậy để tiếp tục phát huy ưu thế so sánh về lao động, các giải pháp cần thực hiện ngay là:

- Cần có những cải cách mạnh mẽ trong toàn bộ hệ thống giáo dục đào tạo, cùng lúc chú trọng xây dựng mặt bằng dân trí chung kết hợp với xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao và đào tạo nhân tài.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới phương pháp giảng dạy, nội dung đào tạo để phù hợp với trình độ khoa học công nghệ hiện đại của thế giới trong đó đặc biệt coi trọng đào tạo kỹ sư thực hành và công nhân lành nghề.

- Gắn chặt đào tạo với yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Các trường, trung tâm đào tạo ngoài việc căn cứ vào nhu cầu sử dụng của xã hội để xác định chỉ tiêu tuyển sinh còn có thể nhận đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Đồng thời tạo ra mối liên kết giữa thị trường sức lao động với các đơn vị sản xuất kinh doanh, với các trung tâm xúc tiến việc làm và các cơ sở đào tạo nghề.

- Coi trọng đào tạo nghề, nhằm khắc phục tình trạng thừa thầy thiếu thợ, tăng dần chất lượng của đội ngũ lao động, tiết kiệm chi phí xã hội và giảm dần sức ép đối với các trường đại học.

- Mở rộng các hình thức hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn tài trợ, các dự án và chuyên gia quốc tế, các công ty nước ngoài trong đào tạo tại chỗ, nhanh chóng nâng cao tay nghề của lao động.

- Các doanh nghiệp cũng tự xác định cho mình nhiệm vụ đào tạo thông qua đào tạo tại chỗ, không dừng lại ở chỗ chỉ nâng cao tay nghề, mà còn phải dành kinh phí để đào tạo lực lượng lao động kế cận cho chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Có thể nói, các giải pháp trình bày trên đây chỉ là một phần nhỏ và chỉ mang tính khái quát định hướng. Việc tìm ra các biện pháp cụ thể thiết thực hơn cần có sự nghiên

cứu sâu rộng, đầu tư lớn về tài chính và công sức. Không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ cấp bách nhưng cũng lâu dài nên Tisco và các doanh nghiệp cần căn cứ vào tình hình cụ thể, phán đoán những diễn biến của thị trường để có quyết sách phù hợp hơn, xác thực hơn. Đồng thời Nhà nước cũng cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ này, bởi sức cạnh tranh của các doanh nghiệp không chỉ quyết định sự hưng vong của riêng doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa sống còn với nền kinh tế quốc dân.

KẾT LUẬN


Việc phân tích, đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và công ty Gang Thép Thái Nguyên nói riêng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đã, đang và sẽ là yêu cầu cấp bách thường xuyên đối với các nhà nghiên cứu quản lý kinh tế và ban lãnh đạo từng doanh nghiệp. Để làm tốt công việc này cần có các giải pháp đồng bộ từ hai phía, phía Nhà nước và phía doanh nghiệp.

Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu của đề tài khoá luận, em đã nghiên cứu được một số nội dung chính sau:

Một là, khoá luận đã hệ thống hoá được một số cơ sở lý thuyết về cạnh tranh, năng lực cạnh tranh; lựa chọn phương pháp phân tích theo quan điểm tổng hợp với các nhân tố thích hợp để đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong giai đoạn mới. Đồng thời khóa luận cũng trình bày khái quát những thời cơ và thách thức của công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Chính những tác động này đã tạo nên tính cấp thiết cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Hai là, sử dụng khung lý thuyết đã trình bày để phân tích thực trạng năng lực cạnh tranh của công ty Gang Thép Thái Nguyên. Nhìn chung Tisco là công ty có năng lực cạnh tranh so với các doanh nghiệp trong nước. Nhưng trong môi trường cạnh tranh quốc tế như hiện nay Tisco đã bộc lộ những mặt còn yếu kém. Hiện tại Tisco còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết như: trình độ công nghệ còn thấp kém so với các doanh nghiệp liên doanh và so với trình độ trung bình của thế giới, nguồn

nhân lực có kỹ thuật cao còn hạn chế, chi phí sản xuất kinh doanh lớn, hoạt động marketing còn yếu...Những yếu kém này sẽ gây nhiều khó khăn cho Tisco trong môi trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Ba là, trên cơ sở thực trạng đó, khóa luận đã đưa ra những giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của Tisco từ phía công ty: hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư đổi mới công nghệ, tích cực giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tăng cường hoạt động marketing. Đồng thời khóa luận cũng trình bày các giải pháp từ phía Nhà nước: hoàn thiện chính sách, hỗ trợ về tài chính, công nghệ, cải tiến giáo dục đào tạo phát triển nhân lực.

Qua việc phân tích trường hợp nghiên cứu cụ thể là công ty Gang Thép Thái Nguyên, em hy vọng từ đó có thể hiểu hơn về năng lực cạnh tranh, góp phần đưa ra những biện pháp cho các doanh nghiệp thép nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, Nhà nước sẽ còn tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật theo hướng giảm sự bảo hộ. Do vậy, bản thân các doanh nghiệp phải có sự đoàn kết, thống nhất trong chiến lược phát triển vì lợi ích chung, tích cực nâng cao năng lực cạnh tranh, như vậy mới có thể tự bảo vệ mình, đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt

1. Bộ khoa học và đào tạo -Viện chiến lược phát triển, Tổ chức phát triển công nghệ liên hiệp quốc (1999), Tổng quan về cạnh tranh công nghiệp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Bộ Tài chính – Vụ Chính sách tài chính (2003), Những điều cần biết và khả năng cạnh tranh về giá cả một số hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa cùng loại nhập khẩu từ ASEAN trong khi thực hiện cắt giảm thuế tham gia hội nhập AFTA/ASEAN, Nxb Tài chính, Hà Nội.

3. C.Mác (1978), Các Mác – AngGhen toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội.

4. Chu Văn Cấp (2003), Nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Công ty Gang Thép Thái Nguyên – Ban Quản lý dự án (2005), Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II công ty Gang Thép Thái Nguyên, Thái Nguyên.

6. Công ty Gang Thép Thái Nguyên (2000 – 2006), Báo cáo tổng kết năm và phương hướng nhiệm vụ, Thái Nguyên.

7. Bạch Thụ Cường (2002), Bàn về cạnh tranh toàn cầu, Nxb Thông tấn, Hà Nội.

8. Nguyễn Văn Đễ (2004), Nhân lực Việt Nam trong chiến lược kinh tế 2001- 2010, Nxb Hà Nội, Hà Nội.

9. Hiệp hội thép Việt Nam, Bản tin nội bộ các tháng năm 2006, Hà Nội.

10. Trần Thanh Lâm (2006), Quản trị công nghệ, Nxb Văn hóa Sài Gòn, tp. Hồ Chí Minh.

11. Nguyễn Văn Ngọc (1980), Tìm hiểu công nghệ luyện thép, Nxb Khoa học kỹ thuật, Hà Nội.

12. Trần Sửu (2006), Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong điều kiện toàn cầu hóa, Nxb Lao động, Hà Nội.

13. Tạp chí Công nghiệp, Chuyên san công nghiệp thép Việt Nam trên con đường hội nhập (2000).

14. Võ Trí Thành (2001), Báo cáo chuyên đề “Những quan niệm và khung khổ phân tích tính cạnh tranh”- Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Hà Nội.

15. Nguyễn Vĩnh Thanh (2005), Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp thương mại của Việt Nam trong giai đoạn mới, Nxb Lao động xã hội, Hà Nội.

16. Thái Thanh, Nâng cao năng lực cạnh tranh: Cần làm từ nhiều phía, Thời báo kinh tế Sài Gòn, ngày 3/7/2003, tr11và 51, Tp. Hồ Chí Minh.

17. Trần Văn Tùng (2004), Cạnh tranh kinh tế: Lợi thế cạnh tranh quốc gia và chiến lược cạnh tranh của công ty, Nxb Thế giới, Hà Nội.

18. Từ điển thuật ngữ kinh tế học(2000), Nxb Từ điển Bách khoa Hà Nội, tr 349, Hà Nội.

19. Nguyễn Quốc Việt (2003), Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Nxb Thống kê, Hà Nội.


Tài liệu tiếng Anh


20. Adam J.H (1993), Longman dictionary of business English, Longman York Press.

21. John N. Petroff (1993), Handbook of MRP II and JIT- Strategies for Total Manufacturing Control, Prentice Hall.

22. Michael E. Porter (1990), The Competitive Advantage of Firms in Global Industries, The Competitive Advantage of Nations New Introduction, The Free Press.

23. Paul Krugman (1994), International Economics, MIT press.


Website


24. http://hanoi.vnn.vn/chuyen_de/ttvhdn/clbdn/bai02.asp, truy cập ngày 05/09/2007.

25. http://www.cktqp.gov.vn/news.php?id=242&id_subject=2,truy, truy cập ngày 25/09/2007.

26. http://www.dost.hanoi.gov.vn/default.aspx?tabid=387&ID=1116&CateID=368, truy cập ngày 01/10/2007.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 09/05/2022