Kiểm Soát Chặt Chẽ Và Tăng Cường Xử Lý Khoản Vay Có Vấn Đề


đó mới có các ứng phó thích hợp. Song song đó, ngân hàng cần nâng cấp khâu thẩm định thành dịch vụ tư vấn thẩm định để đạt 2 mục tiêu, vừa an toàn vốn vay, vừa hỗ trợ cho khách hàng thực hiện sản xuất kinh doanh tốt.


3.2.5. Kiểm soát chặt chẽ và tăng cường xử lý khoản vay có vấn đề

Ngăn ngừa và xử lý nợ quá hạn, nợ xấu là biện pháp nhằm hạn chế tối đa những khoản thiệt hại có thể xảy ra trong hoạt động cho vay. Để nâng cao chất lượng cho vay DNNVV, trước hết Chi nhánh phải sớm nhận biết, phát hiện được những khoản nợ có vấn đề; theo dõi chặt chẽ khả năng phục hồi của nhóm khách hàng khó khăn; tiến hành phân loại nợ theo quy định của NHNN và trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định. Từ đó, đưa ra những biện pháp phòng ngừa và xử lí kịp thời khi khoản vay có dấu hiệu rủi ro. Cán bộ tín dụng phải nắm bắt kịp thời tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, định kỳ hàng tháng, quý, thực hiện rà soát, đánh giá tình hình khoản vay.

Tình hình dịch bệnh phức tạp đã ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh của các DNNVV, khiến cho tỷ lệ nợ xấu của Chi nhánh năm 2020 tăng cao hơn so với những năm trước. Trong bối cảnh hiện nay, xử lý nợ quá hạn, nợ xấu cần có những biện pháp cụ thể như:

- Phân tích nguyên nhân nợ quá hạn của từng khách hàng, sau đó đưa ra các biện pháp tháo gỡ. Đối với các nguyên nhân khách quan bất khả kháng như dịch bệnh, Chi nhánh có thể áp dụng các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN mà Chính phủ ban hành ngày 13/03/2020, đồng thời giúp khách hàng vượt qua khó khăn và có biện pháp phục hồi kinh doanh, trả nợ ngân hàng. Cần kiểm soát chặt chẽ dòng tiền của doanh nghiệp để có thể thu hồi nợ kịp thời. Nếu khách hàng không có thiện chí trả nợ, có thể áp dụng các biện pháp mạnh, phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý, thu hồi nợ.

- Tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh gia tăng; xử lý nợ xấu thông qua sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo, hỗ trợ khách hàng tìm kiếm đối tác mua lại tài sản đảm bảo hoặc mua, bán sang nhượng công ty để có nguồn tiền thu hồi nợ xấu...


- Thực hiện đánh giá, xác định các khoản nợ xấu đủ điều kiện để bán nợ cho Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

- Đánh giá, nghiên cứu đẩy mạnh các biện pháp xử lý nợ theo hình thức bán nợ, gán nợ, chuyển nợ thành vốn góp, cơ chế linh hoạt trong xử lý miễn giảm lãi để khuyến khích khách hàng nỗ lực xử lý tài sản đảm bảo hoặc huy động nguồn khác để trả nợ ngân hàng.

- Đối với cán bộ để xảy ra nợ quá hạn, nợ tồn đọng phát sinh nhiều, thời gian kéo dài nhưng do nguyên nhân khách quan, lãnh đạo ngân hàng có thể giao chỉ tiêu cụ thể và tiếp tục thu hồi nợ. Đối với những khoản nợ quá hạn, nợ xấu do nguyên nhân chủ quan thì tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc, có những biện pháp xử lý thích hợp như buộc cán bộ cho vay phải chịu trách nhiệm đi đòi nợ, bồi thường bằng vật chất, đào tạo lại, sắp xếp lại lao động, nếu không đáp ứng yêu cầu công việc thì chuyển sang làm công việc khác.

Nâng cao chất lượng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hồng Hà - 12

3.3. Một số kiến nghị


3.3.1. Kiến nghị với Chính phủ


Thứ nhất, Nhà nước đã khẳng định vai trò của các DNNVV là rất quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt là trong điều kiện hội nhập. Do đó, cần phải có các biện pháp tạo điều kiện và hỗ trợ hơn nữa đối với loại hình doanh nghiệp này, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam đang chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-

19. Đồng thời phổ biến việc xếp loại đánh giá hiệu quả hoạt động của các DNNVV, xúc tiến triển khai chương trình bình chọn DNNVV kinh doanh có hiệu quả. Điều này giúp ngân hàng có thể yên tâm hơn khi cho vay đối với các doanh nghiệp này, sẽ nâng cao chất lượng cho vay của Ngân hàng.

Thứ hai, Chính phủ cần hoàn thiện pháp luật liên quan tới hoạt động tín dụng của ngân hàng đối với doanh nghiệp. Hệ thống pháp luật không đồng bộ, thường xuyên thay đổi sẽ gây trở ngại lớn cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Vì vậy, những biện pháp hỗ trợ cần được ban hành để tạo ra một môi trường pháp lý đồng bộ, làm cơ sở cho ngân hàng thương mại hoạt động trong việc nâng cao chất lượng cho vay đối với doanh nghiệp nói chung và cho vay DNNVV nói riêng.


3.3.2. Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước


Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước nên nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thông tin phòng ngừa rủi ro. Hơn nữa, cần nâng cao việc thực hiện nghiệp vụ trong phân tích và xếp hạng tín dụng, đánh giá doanh nghiệp chính xác hơn để phục vụ cho hoạt động cho vay. Do hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đều sử dụng nguồn thông tin từ hệ thống thông tin của NHNN để phục vụ cho hoạt động của mình. Chính vì hệ thống thông tin chưa hiệu quả, còn kém nhanh nhạy đã gây nhiều bất cập trong hoạt động tín dụng. Đặc biệt trong giai đoạn diễn biến dịch bệnh phức tạp, ngày càng nhiều các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và không bảo đảm được nguồn lực tài chính, thì cần nâng cao vai trò của hệ thống trong việc cảnh báo các ngân hàng trước khi cho vay.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu các giải pháp như tái cấp vốn, cấp bù lãi suất và có cơ chế xác định nhóm nợ, cơ chế trích lập dự phòng, xử lý rủi ro riêng… để hỗ trợ và khuyến khích các ngân hàng triển khai. Ngoài ra, cần có những cơ chế mới thích hợp hơn, thông thoáng hơn để các ngân hàng chủ động xem xét nhu cầu vay vốn của DN; tư vấn đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành để đưa ra các gói hỗ trợ DNNVV sát với thực tế thị trường, đưa ra các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DNNVV trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng để duy trì và mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cũng phải thường xuyên cập nhật tình hình thực tế để ban hành các văn bản quy định hoạt động của ngân hàng thương mại, từ đó có các biện pháp hỗ trợ DNNVV khi cần thiết và đảm bảo các ngân hàng có thể cạnh tranh công bằng. Để làm được điều đó, Ngân hàng Nhà nước nên ban hành quy chế cho vay DNNVV riêng phù hợp với đặc điểm của loại hình DNNVV.

3.3.3. Kiến nghị với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam Một là, xây dựng một chiến lược Marketing cho riêng sản phẩm khách hàng DNNVV. Hiện nay, một trong những việcs NHTMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam cần làm là ban hành chiến lược sản phẩm, trong đó chỉ rõ những đối tượng khách hàng và những ngành hàng nào cần tập trung hướng tới. Việc này sẽ giúp cho hoạt


động tín dụng của hệ thống đạt hiệu quả cao hơn, có tính định hướng lâu dài; từ đó mới có thể nâng cao được chất lượng tín dụng.

Hai là, có những hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính chi cho hoạt động khuyến mãi, duyệt bổ sung thêm chi tiêu cho hoạt động tiếp thị, khuyến mãi theo đề nghị của Chi nhánh, để Chi nhánh có thể mở rộng hoạt động tiếp thị nhằm tăng cường huy động vốn và tiếp cận thêm nhiều khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh về giao dịch và vay vốn tại Chi nhánh.

Ba là, hỗ trợ Chi nhánh trong công tác đào tạo, đào tạo lại cán bộ nhằm nâng cao hơn trình độ chuyên môn và các kỹ năng mềm, nhất là kiến thức về marketing, tiếp thị và kỹ năng bán hàng, kỹ năng giao tiếp.

Bốn là, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin để tăng cường khả năng khai thác dữ liệu nhằm đáp ứng yêu cầu công việc và yêu cầu của khách hàng. Hiện nay, khả năng khai thác thông tin của hệ thống chưa nhanh nhạy để đáp ứng cập nhật thông tin kịp thời. Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống là một yêu cầu cấp thiết hiện nay khi thông tin là một yếu tố quan trọng trong việc quyết định sự thành bại của chiến lược kinh doanh.

Năm là, tăng cường quản lý trước, trong và sau cho vay; quản lý thu nợ chặt chẽ để giảm thiểu nợ xấu, đảm bảo thu được nợ đã cho vay.

3.3.4. Kiến nghị với các doanh nghiệp nhỏ và vừa


Một là, tăng cường quản lý và khả năng tiếp cận thị trường. Nâng cao kỹ năng quản lý DNNVV trong môi trường kinh doanh đầy biến động hiện nay là một yêu cầu cấp thiết. Chủ các DNNVV cần trang bị cho mình những kinh nghiệm và kiến thức về thị trường, về hoạt động SXKD và về đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt, các DNNVV nên chú ý đến các chương trình hỗ trợ của Nhà nước hiện nay dành riêng cho đối tượng DNNVV trong bối cảnh Đại dịch Covid-19.

Hai là, phải xây dựng kế hoạch sản xuất hàng năm. Các DNNVV cần nhận thức rõ về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc lập phương án SXKD và kế hoạch SXKD định kỳ; việc này sẽ giúp DNNVV chủ động hơn trong kinh doanh và không bị động


những biến động bất ngờ của thị trường. Đây cũng là điều kiện sẽ giúp cho DNNVV có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng.

Ba là, sổ sách kế toán cần phải đầy đủ theo đúng quy định của Nhà nước. Các DNNVV cần thực hiện nghiêm túc chế độ hạch toán kế toán theo thông tư của Bộ tài chính ban hành nhằm đảm bảo tình hình tài chính minh bạch, báo cáo tài chính đầy đủ thông tin... để các cán bộ ngân hàng dễ dàng thẩm định, tạo sự tin tưởng cho ngân trong việc xét duyệt cho vay vốn.

Bốn là, tạo mối quan hệ tốt với khách hàng. Các DNNVV có thể bắt đầu bằng các hợp đồng đơn lẻ với các doanh nghiệp lớn, duy trì thường xuyên các mối quan hệ kinh tế và trở thành những người bạn hàng đáng tin cậy, làm doanh nghiệp vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn, là người cung cấp nguyên vật liệu đầu vào hoặc làm đại lý tiêu thụ, phân phối các sản phẩm đầu ra. Đây cũng là một lợi thế chứng tỏ khả năng của các DNNVV khi ngân hàng xét duyệt cho vay hoặc DNNVV có thể được chính đối tác doanh nghiệp lớn bảo lãnh giúp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.


KẾT LUẬN CHƯƠNG 3


Trong chương 3, tác giả đã đưa ra những định hướng, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cho vay đối với DNNVV tại NHTMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hồng Hà. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra một số kiến nghị với Chính phủ, với Ngân hàng Nhà nước, với NHTMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam và với DNNVV để phát triển hoạt động cho vay và cải thiện, nâng cao chất lượng cho vay đối với DNNVV tại NHTMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hồng Hà.


KẾT LUẬN


Trong những năm vừa qua, NHTMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hồng Hà đã rất nỗ lực hoàn thiện và đổi mới kịp thời để có thể nâng cao chất lượng cho vay đối với DNNVV và đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng cho vay DNNVV ở mức độ cao nhất thì Chi nhánh cần phải có sự chuẩn bị các nhân tố cần thiết cho sự hoàn thiện này.

Trong luận văn, tác giả hệ thống khung kiến thức cơ bản về chất lượng cho vay DNNVV. Trên cơ sở đó phân tích thực trạng cho vay DNNVV tại NHTMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hồng Hà, đánh giá khách quan những kết quả đạt được cùng một số vấn đề còn tồn tại, nhận định nguyên nhân và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cho vay đối với DNNVV tại Chi nhánh.

Việc nâng cao chất lượng cho vay đối với DNNVV không những giúp cho Chi nhánh giảm thiểu được rủi ro mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo dựng được uy tín, thương hiệu trong hệ thống ngân hàng. Mặc dù trong năm 2021, đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng nhờ việc nâng cao kỹ năng mềm của cán bộ tín dụng và triển khai thêm một số gói dịch vụ đã góp phần giúp cho chi nhánh Hồng Hà thu hút thêm được nhiều khách hàng hơn, đồng thời giúp các DNNVV có thể yên tâm vay vốn để duy trì hoạt động kinh doanh.

Những giải pháp đã trình bày có thể chưa đầy đủ và chi tiết do sự hạn chế về thời gian nghiên cứu cũng như sự hiểu biết của bản thân tác giả. Song, tác giả hy vọng sẽ đóng góp một phần nhỏ trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ cho vay DNNVV để NHTMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hồng Hà nói riêng và ngành ngân hàng Việt Nam nói chung ngày càng hoàn thiện hơn, có thể theo kịp các ngân hàng trên thế giới và tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam phát triển.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


Tiếng Việt

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo Hội thảo Công bố Báo cáo Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2015, Hà Nội 2016.

2. Bích Huệ (2017), Tăng hiệu quả hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thông tấn xã Việt Nam, https://bnews.vn/tang-hieu-qua-ho-tro-von-vay-cho-doanh- nghiep-nho-va-vua/70595.html , truy cập 20/11/2020.

3. Chính phủ, Nghị định 39/2018/NĐ-CP, ngày 11/03/2018“Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Hà Nội 2018.

4. Chính phủ, Nghị quyết 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 “Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”, Hà Nội 2016.

5. Chính phủ, Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2020, Hà Nội 2020.

6. Chu Thanh Hải, Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội 2020.

7. Hiệu quả kinh doanh của các Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2017.

8. GS.TS. Nguyễn Văn Tiến, Giáo trình nguyên lý và nghiệp vụ ngân hàng thương mại, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội 2013.

9. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN, ngày 22/4/2005 Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng, Hà Nội 2005.

10. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thông tư 02/2013/TT-NHNN, ngày 21/01/2013 “Quy định về phân loại tài sản Có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, Hà Nội 2013.

11. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thông tư 39/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016 về Hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, Hà Nội 2016.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/06/2023