Kết cấu phóng sự ngắn truyền hình - 1

Đại học quốc gia Hà Nội

Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn

Khoa Báo chí & Truyền thông

----------//---------

Trần Văn Long

Kết cấu phóng sự ngắn truyền hình ( Khảo sát phóng sự ngắn trong ch-ơng trình thời sự 19h của VTV1 từ tháng 1/ 2007 đến tháng 6/2008)

Chuyên ngành: Báo chí học

Mã số 60 32 01

Luận văn thạc sỹ khoa học báo chí

Người hướng dẫn khoa học: TSKH. Đinh Thuý Hằng

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.

Hà Nội 2008

MỤC LỤC

Kết cấu phóng sự ngắn truyền hình - 1


Trang

PHẦN MỞ ĐẦU 1

Chương 1 : NHẬN DIỆN PHÓNG SỰ NGẮN TRUYỀN HÌNH………8

1.1. Phóng sự và phóng sự truyền hình 8

1.1.1. Phóng sự 8

1.1.2. Phóng sự truyền hình 11

1.2. Phóng sự ngắn truyền hình trên sóng truyền hình Việt Nam...16

1.2.1. Sự ra đời của phóng sự ngắn truyền hình trên sóng

truyền hình Việt Nam 16

1.2.2. Các quan niệm về phóng sự ngắn truyền hình 18

1.2.3. Đặc trưng phóng sự ngắn truyền hình 21

1.2.4. Vị trí của phóng sự ngắn trong hoạt động sáng tạo truyền hình

trên sóng truyền hình Việt Nam 34

Chương 2: KẾT CẤU PHÓNG SỰ NGẮN TRUYỀN HÌNH 40

2.1.Kết cấu hình thức của phóng sự ngắn truyền hình 41

2.1.1. Kết cấu tuyến tính 42

2.1.2.Kết cấu theo kiểu “lấy điểm để nói diện” 47

2.1.3.Kết cấu theo kiểu diễn giải vấn đề 52

2.1.4. Kết cấu song hành 56

2.2. Kết cấu nội dung của phóng sự ngắn truyền hình 62

2.2.1 Đề tài 62

2.2.2. Sự kiện 66

2.2.3. Chi tiết 71

2.2.4. Quan điểm tư tưởng 76

Chương 3 : ỨNG DỤNG PHÓNG SỰ NGẮN TRUYỀN HÌNH VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THỂ LOẠI...85

3.1. Ứng dụng phóng sự ngắn trong chương trình Thời sự trên VTV1 84

3.1.1. Thành công 84

3.1.2. Hạn chế… 92

3.2 Xu hướng báo chí tác động tới chất lượng phóng sự ngắn truyền hình 97

3.2.1. Xu hướng co ngắn về dung lượng tác phẩm 98

3.2.2. Xu hướng đan xen hoà trộn giữa các thể loại báo chí 98

3.3.Giải pháp nâng cao chất lượng phóng sự ngắn truyền hình 99

3.3.1 Về mặt lý luận 99

3.3.2 Về mặt đội ngũ 101

3.3.3 Về mặt cơ chế 103

KẾT LUẬN 105

TÀI LIỆU THAM KHẢO 108

PHỤ LỤC 113

PHẦN MỞ ĐẦU


1 - Tính cấp thiết của đề tài

Phóng sự ngắn truyền hình là dạng thể loại đang được sử dụng khá phổ biến trên sóng truyền hình trong và ngoài nước. Với ưu thế ngắn gọn, thông tin trực diện, phóng sự ngắn là công cụ quan trọng của những người làm truyền hình trong việc phản ánh phân tích mổ xẻ sự kiện vấn đề. Cũng vì lý do này mà phóng sự ngắn được sử dụng khá hiệu quả trong các chương trình tin tức thời sự. Hiện tại trung bình Chương trình Thời sự 19 giờ của Đài Truyền hình Việt Nam sử dụng từ 5-6 phóng sự ngắn, chiếm chừng một nửa lượng tin bài thời sự trong nước. Qua khảo sát của tác giả tại một số đài truyền hình địa phương như Hà Nội, Hà Tây, Nghệ An, Hà Tĩnh, thời lượng dành cho phóng sự ngắn trong một chương trình thời sự cũng chiếm từ 40 – 50%. Có thể khẳng định: phóng sự ngắn đã góp phần làm thay đổi diện mạo các chương trình thời sự truyền hình.

Tại các kỳ liên hoan truyền hình toàn quốc ( sân chơi nghiệp vụ lớn nhất dành cho người làm truyền hình trong cả nước), số lượng phóng sự ngắn luôn chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng số tác phẩm dự thi. Không những vậy, số lượng phóng sự ngắn tham dự kỳ Liên hoan sau bao giờ cũng cao hơn kỳ Liên hoan trước. Ví dụ Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 21 (năm 2002) có 538 tác phẩm thuộc 8 thể loại dự thi thì phóng sự ngắn đã lên tới 149 tác phẩm, cao hơn hẵn thể loại phóng sự (123 tác phẩm), phim tài liệu (62 tác phẩm); liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 22 (năm 2003) có 150 tác phẩm phóng sự ngắn trong tổng số 548 tác phẩm dự thi; liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 25 (năm 2006) có 160 phóng sự ngắn trong tổng số 635 tác phẩm dự thi; liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 27 (năm 2008) có 212 tác phẩm phóng sự ngắn trong tổng số 742 tác phẩm dự

thi. Tác giả Quang Ninh trong một bài viết đăng trên báo Truyền hình số ra ngày 17/1/2001 đưa ra lời nhận xét về vị trí của phóng sự ngắn tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 20 như sau: “ trái với quan niệm lâu nay về sức hấp dẫn của các chương trình tuyền hình, vượt qua cả phim truyện và phim ca nhạc, phóng sự ngắn đã thu hút được sự chú ý của người xem nhiều nhất” [ 37].

Phóng sự ngắn đang ngày càng khẳng định vai trò xung kích trong các chương trình thời sự, thế nhưng ở góc độ lý luận lại còn rất thiếu những công trình nghiên cứu công phu, đầy đủ. Còn nhiều ý kiến tranh luận về tên gọi, dấu hiệu đặc trưng cũng như vị trí của dạng thể loại sinh động, hiệu quả này. Trong cách sử dụng của các đài truyền hình nước ngoài, phóng sự ngắn được xác định như là một dạng của tin, còn trong quan niệm của những người làm truyền hình ở Việt Nam phóng sự ngắn lại được xem là một dạng của phóng sự. Điều này giải thích vì sao phóng sự ngắn rất ít khi trở thành đối tượng nghiên cứu độc lập. Đặc biệt việc đi sâu nghiên cứu để rút ra những đặc điểm tương đồng về kết cấu hình thức cũng như kết cấu nội dung, từ đó đề xuất những căn cứ khoa học cho công việc sáng tạo tác phẩm là chưa có. Người làm nghề chủ yếu tự đúc rút kinh nghiệm từ chính hoạt động thực tiễn hoặc tiếp thu kinh nghiệm từ các đài truyền hình nước ngoài. Hệ quả tất yếu là chất lượng phóng sự ngắn trên sóng không đều. Nhiều phóng sự ngắn bộc lộ sai sót hoặc không phát huy được những thế mạnh vốn có. Trong khi đó trước yêu cầu ngày càng khắt khe của công chúng và trước sự cạnh tranh quyết liệt của các loại hình truyền thông, hoạt động sáng tạo truyền hình nói chung, sáng tạo phóng sự ngắn truyền hình nói riêng đang thường xuyên phải đối diện với áp lực đổi mới. Một trong những giải pháp đổi mới đó là phải tiếp tục hoàn thiện về mặt lý luận, xác định lý luận là cơ sở cho hoạt động sáng tạo.

Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết này, tác giả quyết định lựa chọn đề tài “ Kết cấu phóng sự ngắn truyền hình” với mong muốn vừa khái quát thực tiễn vừa xây dựng những căn cứ khoa học cho hoạt động sáng tạo thực tiễn.


2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

Trong khi các thể loại báo chí truyền hình như phóng sự truyền hình, tin truyền hình, phỏng vấn trên truyền hình… được nghiên cứu khá kỹ lưỡng thì số công trình nghiên cứu về phóng sự ngắn lại còn hết sức khiêm tốn. Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu một cách bài bản công phu về phóng sự ngắn truyền hình. Phóng sự ngắn thường chỉ được đề cập đến một cách gián tiếp khi các tác giả nghiên cứu một số thể loại khác như phóng sự truyền hình hoặc tin truyền hình. Chẵng hạn trong tác phẩm Phóng sự truyền hình (NXB Thông tấn 2003), nhóm tác giả Brigitte Besse, Didier Desormeaux đã chỉ ra cách lựa chọn góc độ tiếp cận vấn đề đối với những phóng sự có thời lượng chưa đầy 2 phút và những phóng sự có thời lượng từ 2 đến 4 phút. Nhóm tác giả cũng xây dựng công thức chung của phóng sự “một phút 30 giây” (còn gọi là phóng sự một ba mươi) là: “một chủ đề = một phóng sự = một phút 30 giây hình ảnh âm thanh” [ 4, tr. 60]. Đây là những dạng phóng sự được sử dụng phổ biến trong chương trình thời sự với các đặc điểm tương đồng đặc điểm phóng sự ngắn.

Công trình được xem là đã đề cập đến những nét cơ bản và những thủ thuật sáng tạo phóng sự ngắn rò nhất là cuốn: “Sổ tay phóng viên, Tin- Phóng sự truyền hình” của Neil Everton do Quỹ Reuters xuất bản năm 1999 ( Lê Phong dịch, Trần Bình Minh hiệu đính). Mặc dù tác giả không trực tiếp gọi tên đối tượng nghiên cứu là phóng sự ngắn hay phóng sự thời sự nhưng nội dung được đề cập đều hướng tới phóng sự trong chương trình thời sự. Tác phẩm chỉ ra được những kinh nghiệm và nguyên tắc khi thực hiện một

tác phẩm phóng sự sử dụng trong chương trình thời sự như nguyên tắc về ghi hình, dựng hình, phỏng vấn, thể hiện lời bình…

Liên quan đến hoạt động nghiên cứu phóng sự ngắn còn có thể kể ra những bài báo của các nhà nghiên cứu hoặc những người làm truyền hình đăng tải rải rác trên các báo, tạp chí, các website điện tử... Mỗi bài báo chỉ có thể đưa ra một góc nhìn, một cách đánh giá cụ thể và phụ thuộc nhiều vào quan điểm cá nhân, do vậy thường chỉ mang ý nghĩa tham khảo về mặt khoa học.

Gần đây sinh viên và học viên cao học tại một số cơ sở đào tạo báo chí như Học viện báo chí và tuyên truyền, Khoa Báo chí – Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)…đã chọn phóng sự ngắn làm đối tượng nghiên cứu cho khoá luận hoặc luận văn tốt nghiệp. Mỗi luận văn xác định một hướng nghiên cứu riêng như tính độc đáo của phóng sự ngắn, nhận dạng phóng sự ngắn, vai trò xung kích của phóng sự ngắn… qua đó có những đóng góp thiết thực vào hệ thống lý luận. Tuy nhiên ở góc độ kết cấu phóng sự ngắn lại chưa có bất cứ một công trình nghiên cứu nào.


3. Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu

- Mục đích nghiên cứu

Mục đích của luận văn là nghiên cứu và đề xuất các dạng kết cấu về hình thức và nội dung của phóng sự ngắn truyền hình. Qua đó luận văn gợi mở những nguyên tắc sáng tạo trong hoạt động sáng tạo tác phẩm phóng sự ngắn truyền hình.

- Nhiệm vụ nghiên cứu

+ Phân tích những dấu hiệu đặc trưng như thời lượng, lời dẫn, hình ảnh, âm thanh, phỏng vấn, dẫn hiện trường…để nhận diện phóng sự ngắn truyền hình trong chương trình Thời sự 19h của VTV1.

+ Vận dụng lý luận kết cấu tác phẩm báo chí vào thực tiễn sáng tạo tác phẩm phóng sự ngắn trong chương trình thời sự 19h của VTV1, luận văn đề cập tới các dạng kết cấu về hình thức cũng như kết cấu về nội dung phóng sự ngắn.

+ Đánh giá vị trí của phóng sự ngắn trong các chương trình truyền hình, đặc biệt là trong chương trình thời sự, từ đó đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng phóng sự ngắn.

- Phạm vi nghiên cứu

Nếu căn cứ vào tiêu chí thời lượng thì trong thực tế những phóng sự có thời lượng dưới 5 phút được sử dụng khá phổ biến trong rất nhiều chương trình truyền hình. Tuy nhiên không phải phóng sự nào dưới 5 phút cũng là phóng sự ngắn bởi “ngắn” ở đây không có nghĩa là sự rút ngắn cơ học mà phải là sự rút ngắn sáng tạo. Nói cách khác ngoài yếu tố thời lượng, một phóng sự ngắn đúng nghĩa còn phải hội tụ nhiều dấu hiệu đặc trưng khác. Theo tác giả, phóng sự ngắn hội tụ được đầy đủ các yếu tố đặc trưng nhất là những phóng sự sử dụng trong chương trình thời sự.

Hiện tại trên VTV1 có 6 chương trình thời sự tổng hợp nhưng chương trình được đầu tư công phu nhất, có độ chọn lọc thông tin cao nhất là chương trình thời sự 19 giờ. Chương trình thời sự 19 giờ có tổng thời lượng 45 phút, trong đó 32 phút giành cho tin tức trong nước. Đây là chương trình được nhiều người xem nhất vì phát vào thời điểm công chúng có khả năng tiếp nhận lớn nhất (giờ vàng). Do vậy các phóng sự ngắn sử dụng trong chương trình thời sự 19 giờ, về nguyên tắc phải là những phóng sự tốt nhất.

Xuất phát từ nhận thức nói trên, luận văn xác định phạm vi nghiên cứu là các phóng sự ngắn sử dụng trong chương trình thời sự 19 giờ trên VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam. Thời gian khảo sát là từ tháng 1 năm 2007 cho đến tháng 6/2008.

Xem tất cả 126 trang.

Ngày đăng: 20/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí