CHƯƠNG 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ KẾ TOÁN CHI PHÍ DOANH THU VÀ KẾT QUẢ KINH DOANH TRONG DOANH NGHIỆP.
1.1 Một số khái niệm, định nghĩa liên quan đến kế toán chi phí, doanh thu và kết quả kinh doanh trong doang nghiệp
1.1.1 Một số khái niệm, định nghĩa liên quan đến doanh thu
Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam – Chuẩn mực số 14 “Doanh thu và Thu nhập khác: Doanh thu: Là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu. Doanh thu chỉ bao gồm tổng giá trị của các lợi ích kinh tế doanh nghiệp đã thu được hoặc sẽ thu được. Các khoản thu hộ bên thứ ba không phải là nguồn lợi ích kinh tế, không làm tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp sẽ không được coi là doanh thu. Các khoản góp vốn của cổ đông hoặc chủ sở hữu làm tăng vốn chủ sở hữu nhưng không là doanh thu. Doanh thu được xác định theo giá trị hợp lý của các khoản đã thu hoặc sẽ thu được.
Theo hiệp hội kế toán viên công chứng của Mỹ (AICPA) thì “Doanh thu là tổng số gia tăng tài sản hay là sự giảm gộp các khoản nợ được công nhận và được định lượng theo đúng các nguyên tắc kế toán được chấp thuận, là kết quả của các hoạt động có lợi nhuận của doanh nghiệp và có thể làm thay đổi vốn chủ sở hữu”.
Theo Chuẩn mực kế toán quốc tế số 18 định nghĩa: “Doanh thu là luồng thu gộp của các lợi ích kinh tế trong kỳ, phát sinh trong quá trình hoạt động thông thường, làm tăng nguồn vốn chủ sở hữu, chứ không phải phần đóng góp của những người tham gia góp vốn cổ phần. Doanh thu không bao gồm những khoản thu cho bên thứ ba”.
Có thể bạn quan tâm!
- Kế toán chi phí, doanh thu và kết quả kinh doanh tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước SCIC - 1
- Kế toán chi phí, doanh thu và kết quả kinh doanh tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước SCIC - 2
- Kế Toán Chi Phí, Doanh Thu Kết Quả Theo Qui Định Của Chế Độ Kế Toán Hiện Hành
- Kế Toán Doanh Thu Bán Hàng Nội Bộ
- Kế Toán Chi Phí, Doanh Thu, Kết Quả Kinh Doanh Theo Quyết Định Số 45/2008/qđ/btc Ngày 27/06/2008.
Xem toàn bộ 147 trang tài liệu này.
Theo Thông tư 200/2014/TT-BTC, doanh thu là lợi ích kinh tế thu được làm tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ngoại trừ phần đóng góp thêm của các cổ đông. Doanh thu được ghi nhận tại thời điểm giao dịch phát sinh, khi chắc chắn thu được lợi ích kinh tế, được xác định theo giá trị hợp lý của các khoản được quyền nhận, không phân biệt đã thu tiền hay sẽ thu được tiền.
Tóm lại có rất nhiều khái niệm về doanh thu, nhưng khái quát chung lại thì doanh thu là tổng các lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp thu được trong một thời kỳ nhất định, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp một cách gián tiếp. Doanh thu trong một thời kỳ nhất định là tổng số tiền và khoản phải thu có được từ hàng hoá dịch vụ đã cung cấp cho khách hàng trong suốt thời kỳ đó. Nói như vậy không phải tất cả các nghiệp vụ làm tăng tiền và tăng những tài sản khác đều liên quan đến doanh thu mà chỉ những giao dịch có ảnh hưởng làm tăng vốn chủ sở hữu một cách gián tiếp và cũng không chỉ có doanh thu làm thay đổi vốn chủ sở hữu.Ví dụ như giao dịch vốn góp bằng tiền hay tài sản củ chủ sở hữu thì không được coi là doanh thu....
Trong doanh nghiệp thì có nhiều loại doanh thu khác nhau như doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh được tạo ra từ quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đây được coi là doanh thu cốt lõi, sương sống của doanh nghiệp, nó quyết định đến sự tồn tại của doang nghiệp trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Ngoài doanh thu chính từ hoạt động sản xuất kinh doanh ra thì còn có doanh thu cho hoạt động tài chính, doanh thu do nhượng bán, thanh lý tài sản cố định…..Như vậy doanh thu của doanh nghiệp bao gồm doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác. Trong đó:
- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ: là toàn bộ số tiền thu được, hoặc sẽ thu được từ các hoạt động từ các giao dịch và nghiệp vụ phát sinh doanh thu như bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng bao
gồm các khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá bán (nếu có).. (Kế toán doanh nghiệp, Học viện tài chính, NXB Thống kê, 2008)
- Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ: Là phần còn lại của doanh thu sau khi đã trừ đi các khoản giảm trừ (chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế GTGT của doanh nghiệp nộp theo phương pháp trực tiếp) trong kỳ kế toán, là căn cứ tính kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. (TTư 200/2014/TT-BTC ngày 24/12/2014)
Để xác định kết quả kinh doanh phải dựa trên doanh thu thuần, doanh thu thuần được xác định trên cơ sở doanh thu sau khi điều chỉnh các khoản giảm trừ doanh thu. Theo chuẩn mực kế toán 14, các khoản giảm trừ doanh thu bao gồm:
+ Chiết khấu thương mại: là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn.
+ Giảm giá hàng bán: là khoản giảm trừ cho người mua do hàng hóa kém phẩm chất, sai qui cách hoặc là hậu thị hiếu.
+ Giá trị hàng bán trả lại: là giá trị khối lượng hàng bán đã xác định là tiêu thụ bị khách hàng trả lại và từ chối thanh toán.
- Doanh thu hoạt động tài chính: Là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được từ hoạt động tài chính hoặc kinh doanh về vốn trong kỳ kế toán. Doanh thu hoạt động tài chính phát sinh từ các khoản tiền lãi, tiền bản quyền, cổ tức và lợi nhuận được chia của doanh nghiệp chỉ được ghi nhận khi thỏa mãn hai điều kiện sau: Có khả năng thu được lợi ích từ giao dịch đó, doanh thu được xác định tương đối chắc chắn. (Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, Bộ Tài chính, NXB Thống kê, 2006).
- Thu nhập khác: Là khoản thu góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu từ hoạt động ngoài các hoạt động tạo ra doanh thu (Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam – Chuẩn mực số 14 “Doanh thu và thu nhập khác”). Bao gồm:
+ Thu thanh lý, nhượng bán TSCĐ
+ Giá đánh giá lại vật tư, hàng hóa, TSCĐ được thỏa thuận giữa nhà đầu tư và công ty liên kết, cơ sở liên doanh đồng kiểm soát > giá trị ghi sổ hàng hóa, giá trị còn lại của TSCĐ
+ Thu tiền phạt, tiền bồi thường do khách hàng vi phạm hợp đồng, điều kiện thanh toán
+ Thu về các khoản nợ phải trả không xác định được chủ, các khoản thu năm trước bỏ sót nay phát hiện ra ghi bổ sung
+ Thu từ vật tư, hàng hóa dôi thừa hoặc tài sản thừa phát hiện trong kiểm kê hoặc thừa chờ giải quyết, nay xử lý vào thu nhập khác
+ Thu hồi các khoản nợ khó đòi đã xử lý xóa sổ
+ Ngân sách thoái thu thuế, miễn giảm thuế
+ Thu nhập về quà biếu, quà tặng của các tổ chức các nhân cho DN
Như vậy doanh thu là một trong những yếu tố quan trọng trong việc tạo ra lợi nhuận trong doanh nghiệp. Do đó cần phải hạch toán đúng và đủ, kịp thời, chính xác doanh thu sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp xác định đúng đắn kết quả kinh doanh, để từ đó để các nhà quản trị, các nhà đầu tư, các cơ quan chức năng...có các quyết định hợp lý.
1.1.2 Một số khái niệm, định nghĩa liên quan chi phí
Mục đích cuối cùng của các doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận (trừ các doanh nghiệp hoạt động vì mục đích phi lợi nhuân) để làm được điều đó thì doanh nghiệp không những phải làm tăng doanh thu mà còn phải tiết kiệm chi phí. Ngay từ thời kỳ trung cổ thuật ngữ chi phí đã được sử dụng, điều đó chứng tỏ từ xa xưa loài người đã nhận thức được rằng để có được sự thu về
một điều gì đó người ta phải bỏ ra những hao phí tương ứng. Hiện nay đã có nhiều khái niệm chi phí được đưa ra như sau:
Theo IASC định nghĩa về chi phí như sau: “Chi phí là các yếu tố làm giảm các lợi ích kinh tế trong niên độ kế toán dưới hình thức xuất đi hay giảm giá trị tài sản hay làm phát sinh các khoản nợ, kết quả là làm giảm nguồn vốn chủ sở hữu mà không do việc phân phối nguồn vốn cho các bên chủ sở hữu”.
Theo chuẩn mực VAS 01 “Chi phí là tổng giá trị các khoản làm giảm lợi ích trong kỳ kế toán dưới hình thức các khoản chi tiền ra, các khoản khấu trừ tài sản hoặc phát sinh các khoản nợ dẫn đến làm giảm vốn chủ sở hữu, không bao gồm khoản phân phối cho cổ đông hoặc chủ sở hữu”.
Theo quan điểm của các trường đại học khối kinh tế: Chi phí của doanh nhiệp được hiểu là toàn bộ các hao phí về lao động sống, lao động vật hóa và các chi phí cần thiết mà doanh nghiệp phải chi ra trong quá trình hoạt động kinh doanh, biểu hiện bằng tiền và tính cho một thời kỳ nhất định.
Theo thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 của BTC về Hướng dẫn chế độ kế toán DN “CP là những khoản làm giảm lợi ích kinh tế, được ghi nhận tại thời điểm giao dịch phát sinh hoặc khi có khả năng tương đối chắc chắn sẽ phát sinh trong tương lai không phân biệt đã chi tiền hay chưa”.
1.1.3 Một số khái niệm liên quan đến kết quả kinh doanh
- Kết quả kinh doanh: Là kết quả cuối cùng về các hoạt động của doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định, là biểu hiện bằng tiền phần chênh lệch giữa tổng doanh thu và tổng chi phí của các hoạt động kinh tế đã được thực hiện. Nếu doanh thu lớn hơn chi phí thì doanh nghiệp lãi, nếu doanh thu nhỏ hơn chi phí thì doanh nghiệp lỗ.
- Kết quả hoạt động kinh doanh : Là số chênh lệch giữa doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ và doanh thu tài chính với trị giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính.
- Kết quả hoạt động khác: Là số chênh lệch giữa các khoản thu nhập khác và các khoản chi phí khác ngoài dự toán của doanh nghiệp, hay những khoản thu không mang tính chất thường xuyên, hoặc những khoản thu có dự tính nhưng ít có khả năng xảy ra do nguyên nhân chủ quan hay khách quan mang lại.
Kết quả kinh doanh là chỉ tiêu cần thiết để đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong một kỳ kế toán nhất định. Kết quả kinh doanh cho biết liệu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có đem lại lợi nhuận hay không. Đồng thời, kết quả kinh doanh còn cho biết doanh nghiệp đã chi tiêu bao nhiêu tiền để sinh lợi; từ đó xác định được tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của doanh nghiệp đó.
Việc xác định kết quả kinh doanh chính xác còn giúp lãnh đạo doanh nghiệp lựa chọn được những phương án kinh doanh, phương án đầu tư hiệu quả nhất.
1.2 Kế toán chi phí, doanh thu và kết quả kinh doanh trong doanh nghiệp
1.2.1 Ảnh hưởng của các chuẩn mực kế toán Việt Nam đến kế toán chi phí, doanh thu và kết quả.
* Theo VAS 01 – Chuẩn mực chung: “Chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí khác được ghi nhận trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh khi các khoản chi phí này làm giảm bớt lợi ích kinh tế trong tương lai có liên quan đến việc giảm bớt tài sản hoặc tăng nợ phải trả và chi phí này phải xác định được một cách đáng tin cậy”
Chi phí sản xuất kinh doanh phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, như: giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí lãi tiền vay, và những chi phí liên quan đến hoạt động cho các bên khác sử dụng tài sản sinh ra lợi tức, tiền bản quyền,… Những chi phí này phát sinh dưới dạng tiền và các khoản tương đương tiền, hàng tồn kho, khấu hao máy móc, thiết bị
*Theo VAS 02 – Hàng tồn kho: Theo chuẩn mực này thì chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp không được tính vào giá gốc hàng tồn kho.
Giá trị hàng tồn kho và giá vốn hàng hóa được xác định theo các phương pháp: Phương pháp tính theo giá đích danh; Phương pháp bình quân gia quyền; Phương pháp nhập trước, xuất trước; Phương pháp nhập sau, xuất trước.
Phương pháp tính theo giá đích danh được áp dụng đối với doanh nghiệp có ít loại mặt hàng hoặc mặt hàng ổn định và nhận diện được.
Theo phương pháp bình quân gia quyền, giá trị của từng loại hàng tồn kho được tính theo giá trị trung bình của từng loại hàng tồn kho tương tự đầu kỳ và giá trị từng loại hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất trong kỳ. Giá trị trung bình có thể được tính theo thời kỳ hoặc vào mỗi khi nhập một lô hàng về, phụ thuộc vào tình hình của doanh nghiệp.
Phương pháp nhập trước, xuất trước áp dụng dựa trên giả định là hàng tồn kho được mua trước hoặc sản xuất trước thì được xuất trước, và hàng tồn kho còn lại cuối kỳ là hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất gần thời điểm cuối kỳ. Theo phương pháp này thì giá trị hàng xuất kho được tính theo giá của lô hàng nhập kho ở thời điểm đầu kỳ hoặc gần đầu kỳ, giá trị của hàng tồn kho được tính theo giá của hàng nhập kho ở thời điểm cuối kỳ hoặc gần cuối kỳ còn tồn kho.
Khi bán hàng tồn kho, giá gốc của hàng tồn kho đã bán được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ phù hợp với doanh thu liên quan đến chúng được ghi nhận. Tất cả các khoản chênh lệch giữa khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập ở cuối niên độ kế toán năn nay lớn hơn khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã lập ở cuối niên độ kế toán năm trước, các khoản hao hụt, mất mát của hàng tồn kho, sau khi trừ (-) phần bồi thường do trách nhiệm cá nhân gây ra, và chi phí sản xuất chung không phân bổ, được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ. Trường hợp khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho được lập ở cuối niên độ kế toán năm nay nhỏ hơn khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã lập ở cuối niên độ kế toán năm trước, thì số chênh lệch lớn hơn phải được hoàn nhập ghi giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.
*Theo VAS 03 – Tài sản cố định hữu hình: Giá trị phải khấu hao của TSCĐ hữu hình được phân bổ một cách có hệ thống trong thời gian sử dụng hữu ích của chúng. Phương pháp khấu hao phải phù hợp với lợi ích kinh tế mà tài sản đem lại cho doanh nghiệp. Số khấu hao của từng kỳ được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ, trừ khi chúng được tính vào giá trị của các tài sản khác, như: Khấu hao TSCĐ hữu hình dùng cho các hoạt động trong giai đoạn triển khai là một bộ phận chi phí cấu thành nguyên giá TSCĐ vô hình (theo quy định của chuẩn mực TSCĐ vô hình), hoặc chi phí khấu hao TSCĐ hữu hình dùng cho quá trình tự xây dựng hoặc tự chế các tài sản khác. Phương pháp khấu hao có ảnh hưởng đến chi phí kinh doanh từng kỳ, từ đó ảnh hưởng đến KQKD từng kỳ.
* Theo VAS 17- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp:
Lợi nhuận kế toán: Là lợi nhuận hoặc lỗ của một kỳ, trước khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, được xác định theo quy định của chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.