Giải pháp hạn chế rủi ro trong thanh toán hàng nhập khẩu bằng phương thức tín dụng chứng từ tại sở giao dịch 1 Eximbank - 2


Số tiền của L/C: Số tiền trong L/C phải vừa ghi bằng số, vừa ghi bằng chữ và phải thống nhất với nhau. Số tiền nên ghi dựa vào cách ghi số lượng (nếu số lượng có thể ghi chính xác thì số tiền phải ghi chính xác, nếu không thì ghi dung sai cho phép). Theo điều 30 của UCP600 thì các từ “vào khoảng”, “xấp xỉ”, “độ chừng” hoặc các từ tương đương được hiểu là cho phép dung sai 10%.

Thời hạn hiệu lực của L/C: Là thời hạn mà NH mở L/C cam kết trả tiền cho người XK nếu người XK xuất trình BCT thanh toán trong thời hạn hiệu lực đó và phù hợp với quy định trong L/C. Thời hạn hiệu lực của L/C bắt đầu tính từ ngày mở L/C đến ngày hết hiệu lực của L/C.

Thời hạn trả tiền của L/C: Tùy vào điều kiện của hợp đồng mà thời hạn trả tiền có thể nằm trong thời hạn hiệu lực của L/C (trả tiền ngay), hoặc nằm ngoài hiệu lực của L/C (trả tiền chậm bằng cách chấp nhận Hối phiếu). Nếu trả chậm bằng cách chấp nhận Hối phiếu có kỳ hạn thì thời hạn trả tiền được tính kể từ ngày chấp nhận Hối phiếu.

Thời hạn giao hàng: Là thời hạn cuối cùng người XK phải chuyển giao hàng hóa cho người NK, kể từ khi L/C có hiệu lực. Thời hạn này được quy định trong hợp đồng ngoại thương và L/C.

Điều khoản về hàng hóa: Là điều khoản chỉ ra những quy định có liên quan

đến hàng hóa như: tên hàng, số lượng, trọng lượng, giá cả, quy cách phẩm chất...

Những nội dung về vận chuyển giao nhận hàng hoá: Điều kiện giao hàng, nơi gửi hàng, nơi giao hàng, cách thức vận chuyển, cách giao hàng (cho phép hay không cho phép giao hàng từng phần, chuyển tải) được thể hiện đầy đủ và cụ thể trong L/C.

Các chứng từ mà người XK phải xuất trình: Cần phải được nêu rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ trong L/C. Các yêu cầu này xuất phát từ đặc điểm của hàng hóa, của phương thức vận tải, của công tác thanh toán và tín dụng, của tính chất hợp đồng và các nguồn pháp lý có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng đó.

Ngày và địa điểm hết hiệu lực của L/C:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 74 trang tài liệu này.

Ngày hết hiệu lực của L/C phải sau ngày mở L/C và sau ngày giao hàng một khoảng thời gian hợp lý, thường được tính bằng khoảng thời gian giao hàng cộng với thời gian lập và kiểm tra chứng từ cộng với thời gian lưu giữ và chuyển chứng từ từ NH thông báo qua NH mở L/C.


Giải pháp hạn chế rủi ro trong thanh toán hàng nhập khẩu bằng phương thức tín dụng chứng từ tại sở giao dịch 1 Eximbank - 2

Cam kết trả tiền của NH mở L/C: Đây là nội dung ràng buộc trách nhiệm của NH mở L/C đối với L/C này.

Những điều kiện ràng buộc khác: phí NH do bên nào chịu, dẫn chiếu số của UCP áp dụng…

Chữ ký của NH mở L/C: L/C thực chất là một khế ước dân sự. Do đó người ký L/C cũng phải là người có năng lực hành vi, năng lực pháp lý để tham gia vào thực hiện một quan hệ dân sự. Nếu gửi bằng TELEX, SWIFT thì không có chữ ký, khi đó căn cứ vào mã khóa (textkey).

1.2.3.4. Các loại Thư tín dụng

Thư tín dụng có thể hủy ngang (Revocable L/C): Là loại L/C mà người NK có thể sửa đổi, bổ sung hay hủy bỏ bất cứ lúc nào mà không cần báo trước cho người XK. Loại L/C này ít được sử dụng do không đảm bảo được quyền lợi của người XK.

Thư tín dụng không thể hủy ngang (Irrevocable L/C): Là loại L/C mà sau khi đã được NH phát hành thì không thể sửa đổi, bổ sung hay hủy bỏ nếu như không có sự đồng ý của các bên liên quan và NH mở L/C có trách nhiệm thanh toán tiền cho người XK trong thời hạn hiệu lực của L/C khi người XK xuất trình được BCT hợp lệ . Loại L/C này đảm bảo được quyền lợi cho người XK nên nó được sử dụng rộng rãi trong TTQT.

Thư tín dụng không thể hủy ngang, miễn truy đòi (Irrevocable without recourse L/C): Là loại L/C không hủy ngang mà sau khi người XK đã được NH thanh toán thì NH mở L/C sẽ không có quyền truy đòi lại số tiền của L/C trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả khi có tranh chấp về chứng từ. Khi sử dụng loại L/C này thì người XK phải ghi rõ “miễn truy đòi người kí phát” (without recourse to drawer) trên Hối phiếu.

Thư tín dụng không thể hủy ngang có xác nhận (Confirm Irrevocable L/C): Là loại L/C không hủy ngang, được một NH có uy tín đứng ra đảm bảo thanh toán tiền cùng với NH mở L/C. NH xác nhận phải đảm bảo cho việc thanh toán số tiền L/C và chịu trách nhiệm trả tiền cho người XK trong trường hợp NH mở L/C không thể thanh toán do bị phá sản hoặc gặp các rủi ro khác. Thông thường, trong trường hợp người XK nghi ngờ khả năng thanh toán và uy tín của NH mở L/C thì họ sẽ chọn loại L/C này để bảo đảm quyền lợi của mình.


Thư tín dụng chuyển nhượng (Transferable L/C): Là loại L/C không hủy ngang mà người hưởng lợi đầu tiên có thể yêu cầu NH phục vụ mình chuyển nhượng toàn bộ hay một phần số tiền của L/C cho một hay nhiều người khác. Thông thường, loại L/C này được sử dụng khi người hưởng lợi đầu tiên không tự cung tự cấp hàng hóa mà chỉ là người môi giới, khi đó người này có thể chuyển nhượng toàn bộ hay một phần quyền lợi và nghĩa vụ của mình cho người cung cấp hàng hóa (người hưởng lợi thứ hai). L/C chỉ được phép chuyển nhượng một lần, việc chuyển nhượng được thực hiện theo các điều khoản trong L/C gốc và chi phí chuyển nhượng do người hưởng lợi đầu tiên chịu.

Thư tín dụng tuần hoàn (Revolving L/C): Là loại L/C không hủy ngang mà sau khi sử dụng xong hoặc sau khi hết thời hạn hiệu lực thì nó sẽ tự động khôi phục lại giá trị như cũ và cứ như vậy nó tuần hoàn đến khi nào tổng giá trị hợp đồng được thực hiện. Thông thường loại L/C này được sử dụng khi hai bên mua bán số lượng hàng hóa lớn, đã có mối quan hệ hợp tác thường xuyên và giao hàng với số lượng đều đặn nhiều lần trong một thời gian dài.

Thư tín dụng đối ứng (Reciprocal L/C): Là loại L/C không hủy ngang chỉ bắt đầu có hiệu lực khi một L/C đối ứng với nó được mở. Thông thường, L/C đối ứng được sử dụng trong phương thức mua bán hàng đổi hàng hoặc trong thương mại gia công.

Thư tín dụng giáp lưng (Back to back L/C): Là loại L/C không hủy ngang do người XK mở ra cho người hưởng lợi khác, căn cứ vào L/C do người NK lập cho mình với nội dung gần giống như L/C ban đầu. L/C sau được gọi là L/C giáp lưng.

Thư tín dụng dự phòng (Stand by L/C): Đây là một hình thức bảo lãnh của NH. Trong đó, người NK yêu cầu người XK mở L/C dự phòng nhằm bảo đảm quyền lợi của mình trong trường hợp người XK không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các cam kết trong L/C. Khi đó, NH mở L/C dự phòng có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại cho người NK.

Thư tín dụng có điều khoản đỏ (Red clause L/C): Là loại L/C có điều khoản đặc biệt cho phép người NK ứng trước một khoản tiền nhất định theo quy định của L/C cho người XK nhằm cung cấp vốn cho người XK sản xuất hàng hóa. Loại L/C này thường được sử dụng kèm theo L/C dự phòng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người NK.


Thư tín dụng thanh toán chậm (Deferred payment L/C): Là loại L/C không hủy ngang mà NH mở L/C hay NH xác nhận L/C cam kết sẽ thanh toán cho người XK toàn bộ số tiền L/C vào thời hạn cụ thể quy định trên L/C sau khi nhận được BCT.

1.2.3.5. Quy trình thanh toán Tín dụng chứng từ

8



Ngân hàng phát hành L/C (Ngân hàng bên NK)

7

3

2

10

Ngân hàng thông báo L/C (Ngân hàng bên XK)

Người NK

(Người xin mở L/C)

Người XK

(Người hưởng lợi L/C)

9 6 4


1




5

Sơ đồ 1.1 Quy trình thanh toán Tín dụng chứng từ

+ Bước 1: Hai bên ký kết hợp đồng ngoại thương.

+ Bước 2: Người NK làm đơn xin mở L/C dựa trên hợp đồng ngoại thương đã ký kết gửi cho NH phục vụ mình, yêu cầu NH mở một L/C với một số tiền nhất định và theo đúng những điều khoản nêu trong đơn.

+ Bước 3: Sau khi đã kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ xin mở L/C của người NK, NH phục vụ người NK sẽ tiến hành mở L/C và gửi cho NH bên XK.

+ Bước 4: Sau khi nhận được L/C từ NH phát hành, NH thông báo sẽ gửi L/C kèm theo chứng từ thông báo cho người XK.

+ Bước 5: Căn cứ vào các nội dung của L/C và những thỏa thuận đã ký trong hợp

đồng, người XK sẽ tiến hành giao hàng qua bên NK.

+ Bước 6: Sau khi đã giao hàng, người XK lập BCT thanh toán theo đúng những chỉ thị trong L/C rồi gửi các chứng từ này cho NH thông báo để yêu cầu thanh toán.

+ Bước 7: NH thông báo sau khi kiểm tra BCT và xác nhận đúng với yêu cầu trong L/C thì chuyển BCT qua cho NH phát hành.

+ Bước 8: Sau khi nhận được BCT, NH phát hành sẽ tiến hành kiểm tra thật kỹ. Nếu BCT hoàn toàn hợp lệ thì sẽ tiến hành trả tiền hay chấp nhận Hối phiếu rồi


chuyển tiền hay Hối phiếu qua cho NH thông báo. Nếu BCT có sai sót thì từ chối thanh toán và báo cho NH thông báo.

+ Bước 9: NH thông báo ghi Có và báo cho người XK.

+ Bước 10: Người NK tiến hành thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán để nhận BCT.


1.3. RỦI RO TRONG PHƯƠNG THỨC TÍN DỤNG CHỨNG TỪ

1.3.1. Khái niệm rủi ro

Cho đến nay vẫn chưa có được định nghĩa thống nhất về rủi ro. Những trường phái khác nhau, các tác giả khác nhau đưa ra những định nghĩa về rủi ro khác nhau. Những định nghĩa này rất phong phú và đa dạng, nhưng tập trung lại có thể chia thành hai trường phái lớn. Theo trường phái truyền thống, rủi ro được xem là sự không may mắn, sự tổn thất mất mát, nguy hiểm. Nó được xem là điều không lành, điều không tốt bất ngờ xảy đến. Đó là sự tổn thất về tài sản hay là sự giảm sút lợi nhuận thực tế so với lợi nhuận dự kiến. Rủi ro còn được hiểu là những bất trắc ngoài ý muốn xảy ra trong quá trình kinh doanh, sản xuất của DN, tác động xấu đến sự tồn tại và phát triển của một DN. Theo trường phái hiện đại, rủi ro là sự bất trắc ngẫu nhiên có thể đo lường được bằng xác suất. Mỗi quan điểm trên sử dụng ngôn từ khác nhau nhưng đều có điểm chung là đề cập đến một hay một chuỗi sự kiện mà nó xảy ra sẽ tạo nên các tổn thất. Qua các định nghĩa trên, ta có thể thấy được rủi ro trong hoạt động thanh toán TDCT là những biến cố không mong đợi xảy ra trong hoạt động thanh toán gây thiệt hại cho các bên có liên quan. Rủi ro trong hoạt động này xảy ra khi quyền lợi của một hoặc các bên tham gia bị vi phạm, là vấn đề xảy ra ngoài ý muốn trong quá trình tiến hành hoạt động thanh toán TDCT.

1.3.2. Rủi ro đối với người xuất khẩu

NH phát hành dựa vào tính hợp lệ của BCT để ra quyết định thanh toán hay không thanh toán cho người XK. Nếu BCT người XK xuất trình có những sai sót, bất hợp lệ không phù hợp với L/C thì đều có thể bị NH trì hoãn, từ chối thanh toán. Khi đó người XK sẽ phải tự giải quyết bằng cách dỡ hàng, lưu kho…cho đến khi vấn đề được giải quyết hoặc phải bán đấu giá, tìm người mua mới hay chở hàng quay về nước. Mọi chi phí phát sinh như: lưu tàu quá hạn, phí lưu kho, mua bảo hiểm hàng hoá…đều do người XK chịu. Thời gian không được thanh toán càng dài thì người XK càng gặp nhiều khó khăn như: tốc độ xoay vòng vốn bị chậm lại, bị ứ


đọng vốn, có thể gặp phải rủi ro về tỷ giá. Ngoài ra, người XK sẽ gặp phải rủi ro nếu như NH phát hành mất khả năng thanh toán. Lúc đó cho dù BCT có hoàn hảo cỡ nào chăng nữa cũng vẫn sẽ không được thanh toán.

1.3.3. Rủi ro đối với người nhập khẩu

Mặc dù người NK đã mở L/C, thực hiện ký quỹ tại NH nhưng việc thanh toán của NH phát hành cho người thụ hưởng chỉ căn cứ vào BCT xuất trình có hợp lệ hay không mà không căn cứ vào việc kiểm tra hàng hoá. Vì thế, người NK sẽ chịu thiệt hại nặng nề nếu người XK giao hàng không đúng về số lượng, chất lượng, bị hư hại hay thậm chí là không giao hàng nhưng vẫn xuất trình ra một BCT được làm giả hoàn hảo. Người NK khi đó sẽ phải tốn thêm chi phí cho việc kiện tụng, tranh chấp. Những điều này sẽ làm người NK gặp khó khăn trong việc xoay vòng vốn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, người NK có thể gặp rủi ro khi hàng hóa đến nơi trước khi BCT đến. Khi đó, nếu người NK cần gấp ngay hàng hoá thì phải thu xếp để NH phát hành một thư bảo lãnh gửi hãng tàu hoặc ký hậu B/L trong trường hợp B/L được phát hành theo lệnh của NH để nhận hàng. Để được NH bảo lãnh nhận hàng hay ký hậu B/L, người NK sẽ phải trả thêm một khoản phí cho NH. Hơn nữa, nếu người NK không nhận hàng theo qui định thì tiền bồi thường giữ tàu quá hạn sẽ phát sinh.

1.3.4. Rủi ro đối với Ngân hàng

1.3.4.1. Rủi ro đối với Ngân hàng phát hành Thư tín dụng

Rủi ro do người NK mất khả năng thanh toán hoặc phá sản: Đây là loại rủi ro gây thiệt hại nặng nề nhất cho NH mở L/C, bởi vì NH vẫn buộc phải thanh toán cho người XK theo quy định của L/C ngay cả trong trường hợp người NK có ý định không hoàn trả hoặc không có khả năng hoàn trả do nhiều nguyên nhân (tỷ giá thay đổi theo hướng bất lợi cho người NK, phá sản, thiếu tiền, thua lỗ trong sản xuất kinh doanh…) trong khi do người NK ký quỹ không đủ 100% trị giá L/C nên số tiền ký quỹ không đủ để bù đắp tổn thất.

Ngoài ra, NH phát hành cũng sẽ gặp rủi ro trong trường hợp người XK cố ý lừa đảo. NH phát hành chỉ có thể kiểm tra tính phù hợp của chứng từ trên bề mặt so với L/C chứ không thể thẩm định tính chân thật của chứng từ và tình trạng hàng hóa. Vì thế, người XK có thể cố tình lừa đảo bằng cách xuất trình một BCT được giả mạo hoàn hảo với sự tiếp tay của các cơ quan trong việc lập chứng từ gốc, phù hợp


với các quy định trong L/C cho NH trong khi lại không giao hàng hoặc cố tình giao hàng không đúng như các điều khoản đã quy định trong L/C. Và khi NH phát hành thanh toán cho người XK do BCT hoàn toàn hợp lệ thì sẽ là người gánh chịu rủi ro.

NH sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu mắc phải các sai sót về tác nghiệp như: chuyển tải không hết hoặc không đúng nội dung trên đơn đề nghị mở L/C của nhà NK, thông báo những bất hợp lệ và từ chối chứng từ vượt quá 5 ngày làm việc làm việc của NH, không kiểm tra kỹ lưỡng BCT để BCT có lỗi…

1.3.4.2. Rủi ro đối với Ngân hàng thông báo Thư tín dụng

NH thông báo chịu trách nhiệm đảm bảo rằng L/C là chân thật, hợp lệ bao gồm cả việc xác thực chữ ký, khóa mã, mẫu điện trước khi gửi thông báo cho người XK. Trong trường hợp NH thông báo không kiểm tra được tính xác thực phải gửi thông báo ngay cho NH phát hành L/C và đến người thụ hưởng. Bất kỳ sự chậm trễ hay thiếu chính xác của việc thông báo L/C do sai sót của NH thông báo làm thương vụ không thành thì NH thông báo có thể bị người NK và NH phát hành kiện và buộc phải bồi thường cho các thiệt hại. Ngoài ra, NH thông báo phải chịu trách nhiệm khi người XK đã giao hàng nhưng không được thanh toán khi xuất trình BCT bất hợp lệ.

1.3.4.3. Rủi ro đối với Ngân hàng xác nhận Thư tín dụng

NH xác nhận thường là NH lớn có uy tín hoặc là NH có quan hệ tiền gửi, tiền vay với NH phát hành, được NH phát hành yêu cầu xác nhận và cam kết trả tiền cho người XK nếu như NH phát hành không thực hiện được nghĩa vụ của mình hoặc không được người XK tin cậy. Nếu NH xác nhận không nắm vững được năng lực tài chính của NH phát hành mà tiến hành xác nhận thì khi có vấn đề xảy ra sẽ phải chịu trách nhiệm thanh toán thay cho NH phát hành do NH phát hành thiếu thiện chí hay mất khả năng thanh toán, thậm chí bị phá sản.

1.3.4.4. Rủi ro đối với Ngân hàng chiết khấu Thư tín dụng

NH chiết khấu là NH được chỉ định cụ thể hoặc bất cứ NH nào nếu L/C cho phép chiết khấu tự do (any bank negotiation). Cũng như NH phát hành, NH chiết khấu có thể gặp phải rủi ro nếu như không thực hiện chính xác, mắc sai sót trong nghiệp vụ kiểm tra sự hợp lệ của BCT. NH chiết khấu sẽ gặp rủi ro không được hoàn trả tiền thanh toán nếu chiết khấu BCT bất hợp lệ bị người NK từ chối thanh toán. Ngoài ra, NH chiết khấu còn gặp phải rủi ro khi NH phát hành bị phá sản, người NK không đủ khả năng thanh toán, trì hoãn thanh toán.


KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Trong chương 1, khóa luận đã trình bày cơ sở lý luận về hoạt động TTQT nói chung và phương thức TDCT nói riêng như khái niệm về TDCT, phân loại L/C, quy trình thanh toán TDCT. Từ những cơ sở đó khóa luận đã đề cập, phân tích những rủi ro ẩn chứa trong phương thức TDCT cho tất cả các bên có liên quan: người XK, người NK và các NH. Sau khi đã nhận biết được các rủi ro chung có thể phát sinh đối với các bên tham gia phương thức TDCT, khóa luận sẽ căn cứ vào những rủi ro này để làm nền tảng phân tích những rủi ro trong thanh toán hàng NK bằng phương thức TDCT tại SGD 1 EIB ở chương 2.

Xem tất cả 74 trang.

Ngày đăng: 01/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí