Đối với phát triển du lịch, tài nguyên vị thế được xét dưới các góc độ: giá trị vị thế tự nhiên với các giá trị và lợi ích có được từ vị trí không gian; giá trị vị thế kinh tế với các giá trị và lợi ích có được từ các đặc điểm địa lí ảnh hưởng đến tiến trình phát triển kinh tế; giá trị vị thế chính trị với lợi ích kết hợp của lợi thế về địa lí tự nhiên và nhân văn trong bối cảnh chính trị của từng quốc gia, khu vực.
- Địa hình: sự phân hóa của địa hình góp phần tạo nên sự đa dạng của cảnh quan, tuy nhiên, đặc trưng hình thái và trắc lượng hình thái của địa hình cũng có thể là những yếu tố thuận lợi hoặc trở ngại cho các hoạt động du lịch.
Ngoài ra, bề mặt địa hình còn là nơi diễn ra các hoạt động của du khách, là địa bàn xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng - vật chất kỹ thuật góp phần quyết định các loại hình du lịch, địa hình càng đa dạng thì càng có sức hấp dẫn du khách. Nhìn chung, địa hình miền núi thường có nhiều ưu thế hơn với hoạt động du lịch nhờ vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của thiên nhiên cùng với khí hậu mát mẻ, không khí trong lành.
Ngoài ra còn có các dạng địa hình có giá trị cao cho các hoạt động du lịch như: hồ, đầm, di tích tự nhiên,...
- Khí hậu: trong các chỉ tiêu về khí hậu, nhiệt độ và độ ẩm không khí là những yếu tố quan trọng nhất, ngoài ra, còn có các yếu tố khác như: gió, áp suất khí quyển, ánh nắng mặt trời, các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Điều kiện khí hậu được xem như một dạng tài nguyên đặc biệt và được khai thác, phục vụ cho các mục đích du lịch, nghỉ dưỡng khác nhau. Nhìn chung, đối với nhu cầu nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe và các hoạt động du lịch thuần túy, đòi hỏi nhiều yếu tố thuận lợi về áp suất không khí, nhiệt độ, độ ẩm, ánh nắng, lượng ôxy và độ trong lành của không khí. Tuy nhiên, đối với các loại hình du lịch đặc thù như: thể thao nhảy dù, tàu lượn, khinh khí cầu, thả diều, thuyền buồm,... lại yêu cầu các yếu tố thời tiết thích hợp như: hướng gió, tốc độ gió, quang mây,... Do các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng phụ thuộc nhiều vào điều kiện khí hậu nên tính mùa của khí hậu có ảnh hưởng rất rõ đến tính mùa vụ trong hoạt động du lịch.
- Thủy văn: tài nguyên nước bao gồm hệ thống nước mặt và nước ngầm được khai thác, sử dụng cho các mục đích tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng.
Tài nguyên nước mặt gồm: biển, sông, suối, hồ,... ngoài ý nghĩa khai thác cho các hoạt động dân sinh còn có vai trò điều hòa khí hậu, nhiều nơi tạo được cảnh quan đẹp đã trở thành những điểm đến hấp dẫn du khách.
Tài nguyên nước ngầm có giá trị cho hoạt động du lịch là các nguồn nước khoáng. Nhiều nguồn nước khoáng tự nhiên đạt tiêu chuẩn, được sử dụng trực tiếp làm nước uống, nước giải khát. Đối với mục đích du lịch chữa bệnh, nhiều nguồn nước khoáng có thành phần hóa học đa dạng, độ khoáng hóa và hàm lượng các vi nguyên tố khá cao như: nhóm nước khoáng cacbonic, nhóm silic, nhóm brôm-iôt-bo, nhóm sunfua hydrô, nhóm phóng xạ, và nhóm nước khoáng nóng. Các nguồn nước khoáng này đáp ứng được nhu cầu an dưỡng, chữa bệnh, đặc biệt với một số bệnh về hệ vận động, thần kinh, tiêu hóa, da liễu và nội tiết.
- Sinh vật: tài nguyên sinh vật bao gồm toàn bộ các loài thực vật, động vật sống trên lục địa và dưới nước vốn có sẵn trong tự nhiên và do con người thuần dưỡng, chăm sóc, lai tạo. Tài nguyên sinh vật có ý nghĩa quan trọng về tính đa dạng sinh học, đặc trưng của các loài quý hiếm, đặc hữu và các hệ sinh thái đặc thù thường tập trung tại các VQG, các khu rừng ngập mặn, các rạn san hô, sân chim,... Tài nguyên sinh vật vừa góp phần cùng với các loại tài nguyên khác tạo nên phong cảnh đẹp, hấp dẫn vừa có ý nghĩa bảo vệ môi trường (bảo tồn các nguồn gen, che phủ mặt đất, chống xói mòn), vừa có giá trị đối với các hoạt động du lịch, tham quan, nghiên cứu khoa học.
Có thể bạn quan tâm!
- Đánh giá điều kiện tự nhiên cho mục đích phát triển du lịch bền vững tỉnh Vĩnh Phúc - 1
- Đánh giá điều kiện tự nhiên cho mục đích phát triển du lịch bền vững tỉnh Vĩnh Phúc - 2
- Lý Luận Về Phân Vùng Địa Lí Tự Nhiên Phục Vụ Phát Triển Du Lịch
- Nhóm Các Công Trình Nghiên Cứu Về Đánh Giá Điều Kiện Địa Lí Và Tài Nguyên Du Lịch
- Vị Trí Địa Lí - Tài Nguyên Vị Thế
Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.
1.1.2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn
Theo Luật du lịch Việt Nam (2005), tài nguyên du lịch nhân văn gồm: truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch [37].
- Thành phần các dân tộc: các đối tượng du lịch gắn với dân tộc học được khai thác là điều kiện sinh sống, đặc điểm văn hóa, phong tục, tập quán, hoạt động sản xuất. Những sắc thái văn hóa riêng của các dân tộc trên cùng một lãnh thổ là những đặc điểm hấp dẫn, có giá trị cao đối với phát triển du lịch.
- Các di tích lịch sử văn hóa: là những không gian vật chất cụ thể, khách quan, trong đó chứa đựng các giá trị nhiều mặt điển hình, do tập thể hoặc cá nhân con người sáng tạo ra trong lịch sử để lại. Việc xếp hạng và phân loại các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của mỗi di tích được quy định trong Luật di sản văn hóa (2001) [36] nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo tồn, khai thác, sử dụng di tích phục vụ cho mục đích nghiên cứu, du lịch. Các di tích lịch sử văn hóa là một nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, giữ vai trò chính trong việc thu hút khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
- Các lễ hội truyền thống: lễ hội là loại hình sinh hoạt văn hóa tổng hợp rất đa dạng và phong phú, là một kiểu sinh hoạt tập thể của nhân dân sau thời gian lao động mệt nhọc, là dịp để con người hướng về một sự kiện lịch sử trọng đại như: thờ cúng tổ tiên, ôn lại truyền thống, hoặc để giải quyết những lo âu, những khao khát ước mơ mà cuộc sống thực tại chưa giải quyết được. Các lễ hội đặc biệt có sức hấp dẫn khách du lịch bởi các yếu tố: (1) biểu hiện sống động của nền văn hóa dân tộc; (2) thước đo sự phát triển của văn hóa dân gian; (3) đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp; (4) biểu hiện của tính cộng đồng [36].
- Các làng nghề và sản phẩm thủ công truyền thống: làng nghề thủ công là trung tâm sản xuất hàng thủ công, nơi quy tụ các nghệ nhân và nhiều hộ gia đình chuyên làm nghề mang tính truyền thống lâu đời. Các sản phẩm của làng nghề truyền thống là sự kết tinh, giao thoa và phát triển các giá trị văn hóa lâu đời của mỗi dân tộc. Các làng nghề truyền thống chính là một dạng tài nguyên du lịch nhân văn, bởi các sản phẩm du lịch làng nghề luôn bao gồm trong đó cả nội dung giá trị vật thể (hàng lưu niệm) và phi vật thể (kỹ năng làm nghề, cảm nhận văn hóa nghệ thuật,…) [36].
1.1.3. Phương pháp đánh giá điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch
1.1.3.1. Cơ sở phương pháp luận
Đánh giá điều kiện tự nhiên cho mục đích phát triển du lịch là xác định giá trị của các hợp phần tự nhiên phù hợp cho việc khai thác phát triển du lịch. Đánh giá tài nguyên du lịch được xác định theo các tính chất của tài nguyên bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Đánh giá tài nguyên du lịch chính là đánh giá các thành tạo, các tính chất của tự nhiên, đánh giá các sản phẩm do con
người hay cộng đồng tạo nên xem chúng có khả năng thu hút khách hay có khả năng khai thác phục vụ phát triển một loại hình du lịch nào đó nói riêng và phát triển du lịch nói chung hay không. Do vậy, trong nội dung nghiên cứu của luận văn, đánh giá điều kiện tự nhiên chính là đánh giá tổng hợp mức độ thuận lợi của tài nguyên du lịch tự nhiên nhằm xác định khả năng khai thác của các loại tài nguyên đối với hoạt động du lịch trên địa bàn của tỉnh Vĩnh Phúc.
1.1.3.2. Các phương pháp đánh giá
Cũng giống như phương pháp đánh giá tài nguyên du lịch, hiện phổ biến hai phương pháp chính đánh giá điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch là đánh giá theo từng dạng điều kiện tự nhiên (từng dạng tài nguyên) và đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên (tài nguyên) [14].
a) Phương pháp đánh giá theo từng dạng tài nguyên du lịch
Phương pháp đánh giá này dựa vào các tiêu chuẩn đã được xác định để lấy đó làm chuẩn mà đánh giá.
Đối với tài nguyên du lịch tự nhiên như: địa hình, khí hậu, thuỷ văn, sinh vật du lịch đều đã được xác định dựa trên một số tiêu chuẩn nhất định.
Đặc điểm địa hình là một dạng tài nguyên du lịch được đánh giá bằng sự thống kê, mô tả về đặc điểm hình thái và trắc lượng hình thái của các dạng địa hình và các kiểu địa hình đặc biệt hoặc đánh giá mức độ tương phản của các kiểu địa hình. Các di tích của tự nhiên về địa chất - địa hình như: hang động, thác nước, các hình thù tưởng tượng thường là các đối tượng du lịch đặc sắc.
Điều kiện khí hậu khai thác phục vụ du lịch được đánh giá bằng chỉ số các điều kiện thích hợp nhất với sức khoẻ con người và các điều kiện thích hợp nhất với các hoạt động du lịch.
Các điều kiện về thuỷ văn được khai thác với tư cách là tài nguyên du lịch được đánh giá dựa vào tiêu chuẩn chất lượng nước dùng cho sinh hoạt để đánh giá mức độ sử dụng nước phục vụ cho các hình thức hoạt động du lịch tắm, thể thao nước, các tiêu chuẩn về sóng, thuỷ triều, dòng biển để phục vụ cho các loại hình thể thao, nghiên cứu khám phá các hệ sinh thái biển,...
Đặc điểm các giá trị tài nguyên sinh vật phục vụ cho phát triển du lịch được đánh giá dựa vào các quy định và tiêu chuẩn đối với các VQG, các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng di tích lịch sử văn hoá, môi trường hoặc dựa vào các chỉ tiêu cụ thể để phát triển từng hình thức du lịch như: tham quan dã ngoại, quan sát nghiên cứu các loài sinh vật đặc hữu,... để đánh giá.
Ngoài việc đánh giá các dạng tài nguyên du lịch tự nhiên chủ yếu dựa trên các thành phần tự nhiên đã nêu trên, còn cần thiết phải tiến hành đánh giá chung vì có nhiều dạng tài nguyên du lịch đòi hỏi phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố tự nhiên. Ví dụ, VQG là một dạng tài nguyên du lịch sinh thái quan trọng bao gồm nhiều yếu tố tự nhiên như: thảm thực vật, đa dạng sinh học, khí hậu, thuỷ văn, cảnh quan,...
Đối với tài nguyên du lịch nhân văn, là các giá trị văn hoá bản địa, việc đánh giá các giá trị dạng tài nguyên cụ thể như: các phương thức canh tác, các lễ hội, sinh hoạt truyền thống gắn với các truyền thuyết của cộng đồng,... được xác định bằng việc kiểm kê, đánh giá về mặt số lượng (số lượng cụ thể, mật độ) và chất lượng (có ý nghĩa thế giới, quốc gia, vùng, địa phương) của các dạng giá trị văn hoá bản địa đã được thừa nhận hoặc theo đánh giá của các chuyên gia, các danh nhân.
Phương pháp đánh giá theo từng dạng điều kiện tự nhiên được coi là cơ sở để thực hiện đánh giá tổng hợp.
b) Phương pháp đánh giá tổng hợp
Căn cứ vào mục đích, nội dung và các yêu cầu đánh giá thì phương pháp đánh giá tổng hợp có điều kiện và khả năng đáp ứng được tốt và đầy đủ hơn cả. Tuy nhiên việc đánh giá tổng hợp cũng rất phức tạp.
Phương pháp đánh giá tổng hợp đã được sử dụng để đánh giá các thể tổng hợp tự nhiên phục vụ cho các mục đích khác nhau. Các thể tổng hợp tự nhiên luôn là khách thể, tồn tại và phát triển theo quy luật khách quan còn các mục đích đánh giá là những chủ thể có những yêu cầu cụ thể rất khác nhau.
Mục đích của việc đánh giá các điều kiện tự nhiên (ĐKTN)/tài nguyên du lịch (TNDL) phục vụ phát triển du lịch là nhằm xác định mức độ thuận lợi (tốt, trung bình, kém) của các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đối với toàn bộ hoạt động du lịch nói chung hay đối với từng loại hình du lịch, từng lĩnh vực hoạt động cụ thể phục vụ du lịch nói riêng.
Trong đánh giá tổng hợp các ĐKTN, việc xác định đối tượng đánh giá, là các thể tổng hợp tự nhiên các cấp khác nhau, phải phù hợp với quy mô và nội dung đánh giá để trên cơ sở đó lựa chọn các phương pháp và chỉ tiêu đánh giá thích hợp. Thông thường ở quy mô toàn quốc hoặc một vùng rộng lớn, ta thường lấy cảnh quan làm đối tượng đánh giá, ở quy mô nhỏ hơn như cấp tỉnh và cấp huyện đối tượng đánh giá là các nhóm dạng và dạng địa lí hoặc ở một điểm du lịch thì đối tượng đánh giá thường là các dạng và diện địa lí.
Việc đánh giá tổng hợp ĐKTN/TNDL tại mỗi điểm du lịch, khu du lịch thậm chí cả một vùng du lịch rộng lớn phức tạp hơn rất nhiều vì nó không chỉ đơn thuần đánh giá tài nguyên mà còn đánh giá cả các điều kiện để khai thác các tài nguyên đó.
c) Các bước tiến hành
Phương pháp đánh giá tổng hợp ĐKTN/TNDL được tiến hành theo 4 bước: lựa chọn đối tượng đánh giá, xây dựng thang đánh giá, tiến hành đánh giá và đánh giá kết quả.
Bước 1. Lựa chọn đối tượng đánh giá
Xác định các đối tượng cần đánh giá trên địa bàn nghiên cứu
Bước 2. Xây dựng thang đánh giá
Xây dựng thang đánh giá là bước quan trọng và quyết định nhất tới kết quả đánh giá.
Việc xây dựng thang đánh giá bao gồm các nội dung: chọn các tiêu chí đánh giá, xác định các cấp của từng tiêu chí, xác định chỉ tiêu của mỗi cấp và điểm của mỗi cấp, xác định hệ số tính điểm cho các tiêu chí.
- Chọn các tiêu chí đánh giá:
Có rất nhiều tiêu chí để đánh giá ĐKTN/TNDL cho phát triển du lịch như: độ hấp dẫn, sức chứa khách du lịch, thời gian khai thác, độ bền vững, vị trí và khả năng tiếp cận, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hiệu quả khai thác,...
(1) Độ hấp dẫn: là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá ĐKTN/TNDL vì nó quyết định sức hút khách du lịch. Độ hấp dẫn có tính chất tổng hợp cao và thường được xác định bằng vẻ đẹp của phong cảnh, sự thích hợp của khí hậu, sự đặc sắc và độc đáo của tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Độ hấp dẫn được thể hiện ở số lượng và chất lượng của tài nguyên, khả năng đáp ứng được nhiều loại du lịch.
Độ hấp dẫn của điểm du lịch là tiêu chí mang tính tổng hợp các yếu tố như: tính hấp dẫn của cảnh quan mà được nhiều du khách công nhận, sự thích hợp của khí hậu, tính đặc sắc và độc đáo của các đối tượng tham quan du lịch,… Độ hấp dẫn này thường được chia thành 4 cấp:
+ Rất hấp dẫn: có khoảng 3 loài sinh vật quý hiếm, đặc hữu; có trên 5 cảnh quan đẹp được thừa nhận; có ít nhất 5 di tích tự nhiên đặc sắc và những tài nguyên du lịch khác để có thể phát triển được ít nhất 5 loại hình du lịch dựa vào tự nhiên.
+ Khá hấp dẫn: có khoảng 2 loài sinh vật quý hiếm, đặc hữu; có từ 3 - 5 cảnh quan đẹp được thừa nhận; có ít nhất 2 di tích tự nhiên đặc sắc và những tài nguyên du lịch khác để có thể phát triển được 3 - 5 loại hình du lịch dựa vào tự nhiên.
+ Hấp dẫn: có khoảng 1 loài sinh vật quý hiếm, đặc hữu; có từ 1 - 2 cảnh quan đẹp được thừa nhận; có ít nhất 1 di tích tự nhiên đặc sắc và những tài nguyên du lịch khác để có thể phát triển được 1 - 2 loại hình du lịch dựa vào tự nhiên.
+ Kém hấp dẫn: không có loài sinh vật quý hiếm, đặc hữu nào; cảnh quan tự nhiên đơn điệu và chỉ có thể phát triển được 1 loại hình du lịch dựa vào tự nhiên.
Như vậy có thể thấy, đối với điểm du lịch ngoài những yếu tố về cảnh quan, độ hấp dẫn sẽ dựa trên yếu tố chủ yếu về tính đặc sắc và độc đáo của hệ sinh thái với các loài sinh vật quý hiếm, đặc hữu có giá trị quốc gia, khu vực hoặc quốc tế, cũng như những giá trị văn hoá bản địa.
(2) Sức chứa: của điểm du lịch phản ánh khả năng và quy mô triển khai hoạt động của điểm du lịch mà không nảy sinh những tác động tiêu cực đến tài nguyên, môi trường và xã hội. Điều này rất quan trọng đối với việc xây dựng phát triển du lịch bền vững.
Trong thực tế việc xác định “sức chứa” của một điểm du lịch nói chung rất khó bởi cần triển khai việc quan trắc bằng thực nghiệm. Trong nhiều trường hợp nhiệm vụ này được thực hiện bằng việc kế thừa có chọn lọc kết quả nghiên cứu của các nước, đặc biệt các nước trong khu vực có những điều kiện tương đồng hoặc bằng kinh nghiệm thực tiễn.
Sức chứa (chỉ khả năng tiếp nhận khách) của điểm du lịch cũng thường được chia thành 4 cấp:
+ Rất lớn: trên 1.000 lượt khách/ngày.
+ Khá lớn: từ 500 - 1.000 lượt khách/ngày.
+ Trung bình: từ 100 - 500 lượt khách/ngày.
+ Nhỏ: dưới 100 lượt khách/ngày.
Tuy nhiên có thể nhận thấy sức chứa của điểm du lịch phụ thuộc rất nhiều vào quy mô lãnh thổ của điểm du lịch đó.
(3) Thời gian khai thác: hoạt động du lịch quyết định tính thường xuyên hay mùa vụ của hoạt động du lịch từ đó có liên quan trực tiếp tới phương thức khai thác, kinh doanh phục vụ du lịch. Thời gian hoạt động du lịch lệ thuộc chặt chẽ vào đặc điểm khí hậu, tập quán sinh hoạt, lễ hội của địa phương nơi tổ chức du lịch.
Thời gian hoạt động của điểm du lịch được xác định bởi khoảng thời gian thích hợp về các điều kiện khí hậu và thời tiết đối với sức khoẻ và đảm bảo an toàn cho khách du lịch cũng như thời gian thuận lợi để đưa khách đi du lịch theo chương trình du lịch. Việc đánh giá thời gian hoạt động của điểm du lịch cũng có thể chia làm 4 cấp:
+ Rất dài: có trên 200 ngày trong năm có thể triển khai tốt các hoạt động du lịch và có ít nhất trên 180 ngày có điều kiện khí hậu thích hợp với sức khoẻ con người.
+ Khá dài: có từ 150 - 200 ngày trong năm có thể triển khai tốt các hoạt động du lịch và có từ 120 - 180 ngày có điều kiện khí hậu thích hợp với sức khoẻ con người.
+ Trung bình: có từ 100 - 150 ngày trong năm có thể triển khai tốt các hoạt động du lịch và có từ 90 - 120 ngày có điều kiện khí hậu thích hợp với sức khoẻ con người.
+ Ngắn: có dưới 100 ngày trong năm có thể triển khai tốt các hoạt động du lịch và dưới 90 ngày có điều kiện khí hậu thích hợp với sức khoẻ con người.
(4) Độ bền vững: tài nguyên du lịch phản ảnh khả năng tồn tại, tự phục hồi của các thành phần tự nhiên điểm du lịch trước áp lực tác động của hoạt động du lịch hoặc các tác động tự nhiên, kinh tế - xã hội khác. Độ bền vững này cũng được chia thành 4 cấp:
+ Rất bền vững: không có thành phần tự nhiên nào bị phá hủy, nếu có thì ở mức độ không đáng kể và được phục hồi lại sau một thời gian ngắn. Hoạt động du lịch không bị ảnh hưởng và có thể diễn ra liên tục.