Đánh giá công tác bồi thường bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu chuyên chở bằng đường biển tại văn phòng công ty Pjico Hà Nội giai đoạn 2006-2008 và định hướng giai đoạn mới - 2


LỜI MỞ ĐẦU


1. Tính cấp thiết của đề tài


Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, cùng với sự phát triển về khoa học kỹ thuật đã giúp cho các quốc gia cải thiện năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và làm gia tăng lượng hàng hoá buôn bán giữa các quốc gia với nhau. Bên cạnh đó là những khó khăn, rủi ro mà các chuyến hàng vận chuyển bằng đường biển phải đối mặt tăng lên cả về số lượng và mức độ thiệt hại. Do đó, bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu (XNK) chuyên chở bằng đường biển ngày càng được quan tâm và phát triển. Trong bảo hiểm công tác tính toán, phân bổ số tiền bồi thường cho các bên là rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của các công ty bảo hiểm và đối với cả khách hàng tham gia bảo hiểm, nhất là khi giải quyết bồi thường không chính xác, kịp thời thì sẽ gây hậu quả xấu cho các bên. Ở Việt Nam hiện nay, công tác dự báo rủi ro, phòng ngừa và hạn chế tổn thất cho hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển còn yếu kém, chưa hiệu quả trong khi kim ngạch xuất nhập khẩu ngày càng gia tăng. Vì vậy nhu cầu nâng cao hiệu quả công tác bồi thường bảo hiểm hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển ngày càng trở nên cấp thiết.

Trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) là một trong 4 công ty bảo hiểm hàng đầu Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực bảo hiểm hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển, PJICO được đánh giá là Công ty hoạt động có hiệu quả nhất do tỷ lệ bồi thường thấp so với toàn thị trường. Tuy nhiên, Công ty vẫn phải đối mặt với những khó khăn khi giải quyết bồi thường như xác định tổn thất được bồi thường không chính xác, hiện tượng trục lợi bảo hiểm, thời gian giải quyết bồi thường còn kéo


dài… nhất là trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các công ty bảo hiểm cả trong và ngoài nước. Vấn đề đặt ra cho Công ty trong thời gian tới là làm thế nào để giải quyết được những khó khăn này, do đó em đã chọn đề tài Khoá luận tốt nghiệp là: “Đánh giá công tác bồi thường bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu chuyên chở bằng đường biển tại Văn phòng Công ty PJICO Hà Nội giai đoạn 2006 – 2008 và định hướng giai đoạn tới”.

2. Tình hình nghiên cứu trước đây

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 116 trang tài liệu này.


Trong các khoá luận trước đây cũng đã có một số bài nghiên cứu về bảo hiểm hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển tại Công ty Bảo Việt hoặc Bảo Minh, tuy nhiên cho đến nay chưa có khoá luận nào nghiên cứu về công tác bồi thường bảo hiểm hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển tại PJICO. Do vậy, đề tài này hoàn toàn không trùng lặp với các đề tài đã nghiên cứu trước đây.

Đánh giá công tác bồi thường bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu chuyên chở bằng đường biển tại văn phòng công ty Pjico Hà Nội giai đoạn 2006-2008 và định hướng giai đoạn mới - 2

3. Mục đích nghiên cứu

Khoá luận được thực hiện nhằm các mục đích nghiên cứu sau:

Nghiên cứu cơ sở lý luận về nghiệp vụ giám định – bồi thường hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển.

Phân tích, đánh giá công tác bồi thường bảo hiểm hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển tại PJICO giai đoạn 2006 – 2008.

Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bồi thường bảo hiểm hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển tại Công ty.

4. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: công tác giám định bồi thường tổn thất hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển tại Văn phòng Công ty PJICO Hà Nội.

Phạm vi nghiên cứu: công tác giám định bồi thường bảo hiểm hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển tại Văn phòng Công ty PJICO Hà Nội trong giai đoạn 2006 – 2008.

5. Phương pháp nghiên cứu


Khoá luận được hoàn thành dựa trên phương pháp phân tích, tổng hợp, diễn giải; phương pháp so sánh; phương pháp hệ thống; phương pháp phân tích SWOT…

6. Kết cấu khoá luận


Ngoài Lời mở đầu và Kết luận, Khoá luận được chia làm 3 chương với các nội dung sau:

Chương I: Khái quát về bồi thường bảo hiểm hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển

Chương II: Đánh giá công tác bồi thường bảo hiểm hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển tại Văn phòng Công ty PJICO Hà Nội giai đoạn 2006 – 2008

Chương III: Định hướng nâng cao hiệu quả công tác bồi thường bảo hiểm hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển tại Văn phòng Công ty PJICO Hà Nội giai đoạn tới

Và sau đây là toàn bộ bài Khoá luận của em.


CHƯƠNG I:‌

KHÁI QUÁT VỀ BỒI THƯỜNG BẢO HIỂM HÀNG HOÁ XNK CHUYÊN CHỞ BẰNG ĐƯỜNG BIỂN


I. BẢO HIỂM HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU CHUYÊN CHỞ BẰNG ĐƯỜNG BIỂN

Thương mại quốc tế là hoạt động buôn bán giữa các chủ thể kinh doanh của nước này với nước khác, bao gồm các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ. Thương mại quốc tế là một hoạt động phức tạp vì các bên tham gia vào hoạt động kinh doanh quốc tế thường là những chủ thể có quốc tịch khác nhau, có sự xa cách về mặt địa lý, khác biệt về truyền thống, pháp luật, tập quán thương mại và chính sách kinh tế đối ngoại, khác biệt về ngôn ngữ, đồng thời thiếu hiểu biết và tin cậy lẫn nhau so với các đối tác trong nước. Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên, kinh tế - chính trị - xã hội ở mỗi nước trong hành trình vận chuyển đều có thể gây ra những khó khăn không thể lường trước, đôi khi là bất khả kháng đối với các bên khi thực hiện hợp đồng như rủi ro về chính trị, rủi ro về tiền tệ và tỷ giá trong thanh toán, rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng hoá…

Hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế được thực hiện bởi nhiều hình thức vận tải khác nhau (đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không…), nhưng thực tế có trên 80% hàng hoá xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển. Vì vậy, rủi ro hay xảy ra nhất trong vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu là rủi ro trong hành trình vận chuyển bằng đường biển và thường gây ra những thiệt hại, mất mát to lớn cho các bên liên quan đến hành trình.


Đối mặt với rủi ro, các thương nhân đã tìm ra biện pháp để hạn chế, ngăn ngừa hậu quả và nguyên nhân dẫn đến rủi ro, tổn thất, đó chính là bảo hiểm. Do hình thức giao thương đầu tiên và phổ biến nhất là bằng đường biển nên bảo hiểm hàng hải nói chung, bảo hiểm hàng hoá vận chuyển bằng đường biển nói riêng cũng là loại hình bảo hiểm xuất hiện sớm và phát triển nhất cho đến ngày nay. Bảo hiểm hàng hải có các loại: Bảo hiểm thân tàu, Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu và Bảo hiểm hàng hoá chuyên chở bằng đường biển.

Những phần sau sẽ đi sâu nghiên cứu về bảo hiểm và bồi thường bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu chuyên chở bằng đường biển vì đây là hình thức bảo hiểm lâu đời nhất và phát triển nhất trong kinh doanh bảo hiểm.

1.1 Một số khái niệm và nguyên tắc áp dụng trong bảo hiểm hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển

1.1.1 Người bảo hiểm

Là người đứng ra nhận bảo hiểm cho các cá nhân hoặc tổ chức khi có yêu cầu; là người nhận trách nhiệm về rủi ro, được hưởng phí bảo hiểm và phải bồi thường tổn thất trong phạm vi bảo hiểm. [12]

Các công ty bảo hiểm thường thực hiện rất nhiều nghiệp vụ bảo hiểm khác nhau (bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm nội địa, tái bảo hiểm…) bên cạnh thực hiện các hoạt động kinh doanh khác. Một số các công ty bảo hiểm hiện nay như: Lloyd, Prudential, Bảo Việt, PJICO, PVI, Bảo Minh…

1.1.2 Người được bảo hiểm

Người được bảo hiểm là người có lợi ích bảo hiểm và là người bị thiệt hại khi rủi ro xảy ra và được người bảo hiểm bồi thường. Người được bảo hiểm là người nộp phí bảo hiểm và có tên trong hợp đồng bảo hiểm. [11]


Trong bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu chuyên chở bằng đường biển thì người mua bảo hiểm có thể là người bán hoặc người mua tuỳ theo điều kiện giao hàng là gì. Ví dụ nếu bán hàng theo điều kiện FOB Incoterms 2000 thì người bán không có trách nhiệm mua bảo hiểm cho hàng hoá, người mua vì quyền lợi của mình sẽ tiến hành mua bảo hiểm; ngược lại, bán hàng theo điều kiện CIF Incoterms 2000 thì người bán có trách nhiệm mua bảo hiểm cho chuyến hàng.

1.1.3 Đối tượng bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm

Đối tượng bảo hiểm của bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu chuyên chở bằng đường biển chính là hàng hoá. Theo định nghĩa trong Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2005, Điều 225: “Đối tượng bảo hiểm hàng hải có thể là bất kỳ quyền lợi vật chất nào liên quan đến các hoạt động hàng hải mà có thể quy ra tiền, bao gồm tàu biển, tàu biển đang đóng, hàng hoá, tiền cước vận chuyển hàng hoá, tiền công vận chuyển hành khách, tiền thuê tàu, tiền thuê mua tàu, tiền lãi ước tính của hàng hoá, các khoản hoa hồng, chi phí tổn thất chung, trách nhiệm dân sự và các khoản tiền được đảm bảo bằng tàu, hàng hoá hoặc tiền cước vận chuyển”.

Cùng với sự phát triển của các ngành và hoạt động ngoại thương giữa các quốc gia thì hàng hoá là đối tượng của bảo hiểm hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển ngày càng gia tăng và rất đa dạng như hàng rời (ngô, than đá, khô đậu tượng…), hàng lỏng (dầu, hoá chất…), hàng siêu trường siêu trọng (máy móc, thiết bị…), hàng đóng trong container… Tuy nhiên không phải tất cả hàng hoá đều là đối tượng của bảo hiểm hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển mà được phân thành hàng hoá nói chung và hàng hoá là đối tượng của bảo hiểm hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển căn cứ vào hợp đồng mua bán ngoại thương. Chỉ có những hàng hoá nào được xác định rõ trong các hợp đồng


mua bán ngoại thương là đối tượng của hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển thì mới được xem là đối tượng của bảo hiểm hàng hoá, còn các tài sản khác được mang theo để phục vụ sinh hoạt cá nhân chứ không có mục đích thương mại (được gọi là hành lý) thì không thuộc phạm vi của đối tượng bảo hiểm hàng hoá.

Ngoài quyền lợi bảo hiểm đối với hàng hoá, chủ hàng còn có quyền lợi bảo hiểm khác như lãi ước tính (theo tập quán thì chủ hàng có thể mua bảo hiểm cho phần lãi này với mức tối đa là 10% trị giá CIF của lô hàng), trị giá tăng thêm (được bảo hiểm riêng), thuế nhập khẩu.

Khi xảy ra tổn thất người được bảo hiểm phải chứng minh là mình có quyền lợi bảo hiểm nằm trong đối tượng bảo hiểm tại thời điểm bị tổn thất. Nếu không chứng minh được thì khiếu nại bồi thường sẽ bị từ chối. Ngay cả khi trong đơn bảo hiểm có ghi là người được bảo hiểm không cần thiết phải chứng minh thì nhà bảo hiểm cũng có thể từ chối khiếu nại khi nhà bảo hiểm nghi ngờ người được bảo hiểm không có quyền lợi đó.

1.1.4 Hợp đồng bảo hiểm

Hợp đồng bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu chuyên chở bằng đường biển là sự thoả thuận giữa người bảo hiểm và người được bảo hiểm, theo đó người bảo hiểm cam kết bồi thường cho người được bảo hiểm những hư hỏng hoặc mất mát của hàng hoá hay trách nhiệm liên quan đến hàng hoá bảo hiểm do một rủi ro đã thoả thuận gây ra, còn người được bảo hiểm cam kết trả phí bảo hiểm. [11]

Loại hợp đồng này mang tính chất là một hợp đồng bồi thường, một hợp đồng tín nhiệm và có thể chuyển nhượng được.

Có hai loại hợp đồng bảo hiểm chủ yếu:

Hợp đồng bảo hiểm chuyến: là hợp đồng bảo hiểm cho một chuyến hàng từ địa điểm này đến một địa điểm khác ghi trên hợp đồng bảo hiểm. Người bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm về hàng hoá trong phạm vi một chuyến hàng. Trên đó ghi rõ chi tiết về hàng hoá, sắp xếp, phương tiện vận chuyển, hành trình…

Hợp đồng bảo hiểm bao: là hợp đồng bảo hiểm cho nhiều chuyến hàng trong một thời gian nhất định (thường là một năm). Hợp đồng bảo hiểm bao có thể đưa ra dự kiến tổng số tiền bảo hiểm hoặc ấn định thời hạn trong đó việc bảo hiểm hàng hoá sẽ được thực hiện có tính chất tự động, linh hoạt khi có chuyến hàng xuất khẩu hay nhập khẩu mặc dù chưa kịp khai báo và nếu vì một lý do nào đó chưa kịp gửi giấy yêu cầu bảo hiểm mà hàng hoá đã bị tổn thất thì người bảo hiểm vẫn chịu trách nhiệm bồi thường.

Trong hợp đồng bảo hiểm có điều khoản “từ kho đến kho” thể hiện thời hạn của hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, trách nhiệm bảo hiểm bắt đầu có hiệu lực từ khi hàng hoá được bảo hiểm rời kho hoặc nơi chứa hàng tại địa điểm ghi trong hợp đồng bảo hiểm để bắt đầu vận chuyển và tiếp tục có hiệu lực trong suốt quá trình vận chuyển bình thường. Trách nhiệm của người bảo hiểm kết thúc tại một trong số các thời điểm sau tuỳ thuộc trường hợp nào xảy ra trước:

- Giao hàng vào kho hay nơi chứa hàng cuối cùng của người nhận hoặc người khác có tên trong hợp đồng, hoặc

- Khi giao hàng vào kho hay nơi chứa hàng khác dù trước khi đến địa điểm nhận hàng ghi trong hợp đồng mà người được bảo hiểm đã chọn dùng làm nơi chia hay phân phối hàng, hoặc là nơi chứa hàng ngoài hành trình vận chuyển bình thường, hoặc

- Sau 60 ngày kể từ ngày hoàn thành việc dỡ hàng khỏi tàu biển hoặc xà lan tại cảng dỡ hàng cuối cùng ghi trên hợp đồng bảo hiểm.

Xem tất cả 116 trang.

Ngày đăng: 29/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí