Đại diện giữa vợ chồng trong quan hệ kinh doanh theo pháp luật Việt Nam hiện hành - 10

Vì vậy trong phạm vi luận văn này xin đưa ra ý kiến là khi giám định vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự hay hạn chế năng lực hành vi dân sự thì ngoài các yêu cầu về chuyên môn (như dựa vào các kết quả xét nghiệm, thực nghiệm….) theo quy định của pháp luật thì cần tìm hiểu thêm ý kiến của cộng động dân cư, tổ chức xã hội nơi mà người cần giám định sinh sống. Nó là một yếu tố vô cùng cần thiết vì đây là những người sống gần gũi, thường xuyên với người cần giám định. Họ sẽ có nhận xét khách quan ngoài yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, giúp cho cơ quan có chuyên môn đưa ra kết luận đúng về người cần được giám định, tránh sai sót và đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên.

Thứ ba, Theo khoản 1 Điều 25 Luật HN & GĐ 2014 thì vợ chồng là đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh. Quy định này thừa nhận vợ chồng có thể thay mặt nhau thực hiện mọi giao dịch liên quan đến khối tài sản mà vợ chồng kinh doanh chung. Tuy nhiên đây là một quy định khi áp dụng vào thực tế còn có nhiều bất cập.

Như đã phân tích ở Chương II, với việc loại trừ khoản 2 thì khoản 1 Điều 25 Luật HN & GĐ 2014 xác định trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung ở đây là bằng tài sản riêng. Và vợ hoặc chồng là đại diện của nhau trong quan hệ kinh doanh đó. Đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn nào làm rõ về vấn đề này.

Tuy nhiên có những quan hệ kinh doanh còn chịu ảnh hưởng của luật chuyên ngành khác mà trong đó việc đại diện đương nhiên này không phù hợp với bản chất của quan hệ.

Mặt khác, có những giao dịch mà vợ hoặc chồng vì lợi dụng quy định này mà đại diện cho người còn lại thực hiện các giao dịch vì mục đích cá nhân, ảnh hưởng đến quyền lợi của người còn lại cũng như ảnh hưởng đến người thứ ba ngay tình.

Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên cũng như đảm bảo quy định của pháp luật được chặt chẽ hơn, tác giả kiến nghị đối với khoản 1 Điều 25 Luật HN&GĐ 2014 cần quy định vợ chồng phải lập thỏa thuận cam kết về việc đại diện hoàn toàn vì mục đích chung, không vì lợi ích riêng của bản thân.

Thứ tư, Như đã phân tích ở chương 2, kinh doanh chung của vợ chồng có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Và điều này sẽ dẫn đến việc áp dụng và giải quyết vụ án khác nhau. Vì vậy, nên có hướng dẫn cụ thể và cách hiểu thống nhất về khái niệm “kinh doanh chung” của vợ chồng. Theo tác giả, có thể đưa khái niệm vợ chồng kinh doanh chung như sau: “Kinh doanh chung là việc vợ chồng cùng thực hiện hoạt động kinh doanh bằng tài sản riêng hoặc vợ chồng thỏa thuận đưa tài sản chung vào kinh doanh và do một người trực tiếp thực hiện hoạt động kinh doanh”.

Thứ năm, Quy định hiện hành cũng chỉ mới quy định về việc vợ chồng có quyền thỏa thuận trước khi tham gia quan hệ kinh doanh. Tuy nhiên có những vấn đề phát sinh trong quá trình sau khi tham gia vào quan hệ kinh doanh đó. Vì vậy tác giả kiến nghị cần có quy định về thỏa thuận sau khi kinh doanh chung, tuy nhiên cần quy định rõ “Trong quá trình kinh doanh, vợ chồng có quyền thỏa thuận bằng văn bản đối với giao dịch đang thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi của hai bên cũng như bên thứ ba” “Trường hợp có thỏa thuận hoặc thỏa thuận mới sau khi tham gia quan hệ kinh doanh, các bên phải có trách nhiệm thông báo cho bên thứ ba biết về thỏa thuận hoặc thỏa thuận mới. Nếu không thông báo với bên thứ ba thì thỏa thuận đó không được áp dụng trong trường hợp có tranh chấp xảy ra”.

Thứ sáu, nên có quy định về đại diện hiển nhiên, thẩm quyền đại diện hiển nhiên của người đại diện.

Vợ chồng có quyền đại diện cho nhau theo quy định của Luật HN & GĐ để xác lập quan hệ kinh doanh với bên thứ ba. Nếu việc đại diện hoàn toàn là ý chí của vợ chồng thì quyền lợi của hai bên sẽ được bảo đảm. Tuy nhiên vấn đề ở chỗ làm thế nào để bên thứ ba có thể biết được rằng, người mà mình đang giao dịch có thẩm quyền hay đã được ủy quyền hợp lệ hay chưa? Có những trường hợp vợ hoặc chồng lợi dụng quy định về đại diện đương nhiên để xác lập giao dịch với bên thứ ba và làm cho họ tin tưởng một cách hợp lý về thẩm quyền đại diện cho mình và thực hiện giao dịch. Trong trường hợp đó, người được đại diện không thể phủ nhận quan hệ đại diện và bị ràng buộc vào giao dịch mà người đại diện đã ký kết. Bên thứ ba có quyền suy luận một cách hợp lý rằng vợ hoặc chồng có quyền đại diện cho người còn lại để thực hiện giao dịch. Sẽ không công bằng với bên thứ ba nếu người được đại diện từ chối thực hiện giao dịch vì lý do vợ hoặc chồng của mình không có thẩm quyền đại diện.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 94 trang tài liệu này.

Ở một số quốc gia trên thế giới, nhằm mục đích bảo vệ bên thứ ba ngay tình, hệ thống pháp luật nhiều nước đã thiết lập nên nguyên tắc đại diện hiển nhiên. Tại Nhật Bản, BLDS Nhật Bản đã quy định 03 Điều luật rất quan trọng đó là “Đại diện biểu kiến”, “Đại diện biểu kiến khi vượt quá thẩm quyền” và “Đại diện biểu kiến khi hết thẩm quyền đại diện”.

Theo đó thì Điều 109 BLDS Nhật Bản quy định“Người khiến cho bên thứ ba tin tưởng rằng mình đã trao quyền đại diện nhất định cho một người khác phải chịu trách nhiệm cho hành vi trong phạm vi được cho là ủy quyền của người này đối với bên thứ ba”. Như vậy dù có hay không có hành vi ủy quyền, nếu người được đại diện khiến cho bên thứ ba tin rằng đã trao quyền đại diện cho vợ hoặc chồng của mình – người đại diện thì người này sẽ bị ràng buộc bởi giao dịch xác lập giữa người đại diện cho mình và bên thứ ba trong phạm vi được cho là ủy quyền đại diện.

Đại diện giữa vợ chồng trong quan hệ kinh doanh theo pháp luật Việt Nam hiện hành - 10

Thực tiễn pháp luật ở nước ta cũng đã có quy định về việc hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện bằng việc người được đại diện phải chịu trách nhiệm đối với phần vượt quá phạm vi đại diện nếu họ đồng ý hoặc biết mà không phản đối. Đây là quy định bảo vệ quyền lợi của bên ngay tình trong giao dịch. Tuy nhiên, cách tiếp cận lại không đủ và không hợp lý vì bảo vệ thái quá người được đại diện, coi nhẹ lợi ích của bên thứ ba ngay tình. Đó là việc yêu cầu bên thứ ba phải chứng minh rằng người được đại diện đã đồng ý hoặc biết mà không phản đối. Đây là việc hoàn toàn không dễ dàng và hoàn toàn không có tính khả thi vì quan hệ nội bộ của vợ chồng người bên ngoài rất khó xác minh. Đây là quy định khác với thông lệ của quốc tế khi xem xét vấn đề từ người được đại diện có lỗi hay không.

Vì vậy trong phạm vi luận văn này, tác giả đề nghị pháp luật Việt Nam nên có quy định về đại diện hiển nhiên, thẩm quyền đại diện hiển nhiên của người đại diện. Theo đó, khi người được đại diện đã có hành vi làm cho người thứ ba tin tưởng một cách hợp lý một chủ thể nào đó là có thẩm quyền đại diện thì người được đại diện không thể phủ nhận thẩm quyền đại diện của chủ thể đó, cũng như chịu sự ràng buộc với giao dịch hoặc công việc mà người đại diện có thẩm quyền đại diện hiển nhiên đã thực hiện. Quy định này không chỉ áp dụng trong các giao dịch vợ chồng đại diện cho nhau mà nên được quy định để áp dụng trong các giao dịch của các pháp nhân khi ủy quyền cho nhân viên thực hiện các giao dịch với bên thứ ba.

Thứ bảy, Về đại diện đương nhiên khi vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự.

Theo quy định của BLDS 2005 thì khi một người bị mất năng lực hành vi dân sự thì người còn lại đương nhiên trở thành người giám hộ chăm sóc, đại diện trong các giao dịch dân sự.

Tuy nhiên khi vợ chồng kinh doanh chung theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật HN & GĐ 2014 nếu vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự thì người còn lại trở thành người đại diện đương nhiên và được quyền quyết định các giao dịch liên quan đến quan hệ kinh doanh đó. Nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị tẩu tán tài sản của người đại diện bằng việc kê khai kinh doanh thua lỗ,….. Mặc dù BLDS 2005 quy định về khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn thì phải được sự đồng ý của giám sát giám hộ. Như vậy giữa quy định của Luật HN & GĐ và BLDS đã có điểm mâu thuẫn. Vậy áp dụng quy định nào thì mới là hợp lý?

Trong phạm vi luận văn này, tác giả kiến nghị việc BLDS và Luật HN & GĐ nên quy định cụ thể hơn về các trường hợp khi vợ chồng kinh doanh chung và một trong hai người bị mất năng lực hành vi dân sự thì người còn lại không thể đương nhiên trở thành người đại diện đương nhiên mà sẽ là người được thực hiện các giao dịch khi giá trị không quá lớn. Đối với những giao dịch có giá trị lớn cần phải được sự đồng ý của những người giám sát giám hộ. Quy định này đảm bảo sự hài hòa giữa quy định của Luật chuyên ngành và luật chung

KẾT LUẬN CHƯƠNG 3


Trong chương 3, tác giả nêu lên nhu cầu hoàn thiện các quy định của pháp luật từ phía các chủ thể cũng như cơ quan có thẩm quyền áp dụng pháp luật, chỉ ra nguyên nhân cũng như hạn chế trong việc thực thi các quy định của pháp luật Hôn nhân và gia đình về đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh. Từ đó, đề ra các định hướng nhằm đảm bảo việc thực thi các quy định của pháp luật về đại diện nói chung cũng như đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh. Bên cạnh đó, đưa ra các kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về đại diện giữa vợ và chồng, đảm bảo sự thống nhất trong việc thực thi cũng như sự hài hòa giữa các luật chuyên ngành.

KẾT LUẬN


Xã hội ngày càng phát triển thì các quan hệ kinh tế ngày càng phong phú, đa dạng. Đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh là một chế định pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm quyền lợi của vợ, chồng đối với tài sản của mình cũng như của các chủ thể thứ ba trong giao dịch với vợ, chồng.

Qua mỗi giai đoạn phát triển của xã hội thì các quy định về đại diện nói chung và đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh có sự thay đổi, kế thừa cho phù hợp với sự vận hành của xã hội. Trước khi được quy định trong Luật HN & GĐ 2014 thì quan hệ đại diện này cũng đã xuất hiện nhưng được thực hiện thông qua những quy phạm đạo đức.

Xu thế hội nhập quốc tế đã tạo cơ hội cũng như thách thức không chỉ cho mỗi quốc gia mà còn đối với mỗi chủ thể. Các giao dịch liên quan đến quan hệ đại diện giữa các chủ thể ngày càng phong phú, trong đó có cả việc đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những quy định của pháp luật về đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh có thể thấy được những điểm tích cực cũng như những hạn chế, bất cập của đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh. Đồng thời đưa ra kiến nghị và một số giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của pháp luật đối với đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh. Hy vọng các kiến nghị và giải pháp này sẽ là một kênh tham khảo hữu ích để các nhà làm luật định hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật về vấn đề này.

Đặc biệt trong bối cảnh đất nước còn khó khăn thì việc tham gia của vợ, chồng và tài sản của họ vào các hoạt động sản xuất kinh doanh càng được khuyến khích để nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển hôn nhân bền vững góp phần xây dựng đất nước ngày càng ấm no, hạnh phúc.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Bộ dân luật Bắc Kỳ (1931)

2. Bộ dân luật Trung Kỳ (1936)

3. BLDS Đức 1896

4. BLDS Pháp (2005), Nxb Tư pháp, Hà Nội.

5. Bộ Chính trị (2005), Nghị quyết số 48/2005/NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

6. Chính phủ (1950), Sắc lệnh số 97/SL ngày 22/5/1950 của Chủ tịch nước về sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật.

7. Ngô Huy Cương (2009), “Chế định đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam – Nhìn từ góc độ luật so sánh”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (04).

8. Nguyễn Văn Cừ (2008), Chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb Tư pháp, Hà Nội.

9. Nguyễn Văn Cừ, Ngô Thị Hường (2003), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Luật Hôn nhân và gia đình 2000, Sách tham khảo, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

10. Nguyễn Văn Cừ (2008), “Phương thức giải quyết tranh chấp về tài sản của vợ chồng trong hoạt động kinh doanh”, Đề tài khoa học cấp trường: Tài sản của vợ chồng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, do Nguyễn Phương Lan Chủ nhiệm, Trường Đại học Luật Hà Nội.

11. Nguyễn Ngọc Điện (2004), Bình luận khoa học Luật Hôn nhân và gia đình, tập II: Các quan hệ tài sản giữa vợ và chồng, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/11/2023