Các Yếu Tố Thuộc Về Nguồn Lực Của Chính Sách Thuế Nhà Ở, Đất Ở


- Phân công phối hợp thực hiện chính sách: chính sách thường được thực hiện trên một quy mô rộng lớn với nhiều bộ phận liên quan, do đó phải có sự phối hợp, phân công hợp lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Duy trì chính sách: đây là bước làm cho chính sách tồn tại được và phát huy tác dụng trong môi trường thực tế. Để duy trì được chính sách thuế nhà ở, đất ở đòi hỏi phải có sự đồng tâm, hiệp lực của nhiều yếu tố, như: Nhà nước là người tổ chức thực thi chính sách phải tạo điều kiện và môi trường để chính sách được thực thi tốt, còn người chấp hành chính sách thuế nhà ở, đất ở phải có trách nhiệm tham gia tích cực vào thực thì chính sách.

- Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chính sách: bất cứ triển khai chính sách nào đều cần phải đôn đốc để đảm bảo các chính sách được thực hiện đúng, và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực và chính sách thuế nhà ở, đất ở cũng không nằm ngoài quy trình đó. Công tác theo dõi, đôn đốc giúp cho Bộ Tài chính nắm bắt được các đối tượng của chính sách, cũng như nắm rõ được tiến trình thực thi chính sách, qua đó nhận ra những hạn chế để điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách.

c). Kiểm soát sự thực hiện chính sách thuế nhà ở, đất ở

Để chính sách đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả, cũng như giúp kịp thời phát hiện các sai lệch và sửa chữa khi cần thiết, thì không thể không có hoạt động kiểm soát chính sách. Hoạt động kiểm soát chính sách thuế nhà ở, đất ở bao gồm rất nhiều khâu công việc, cụ thể:

- Thiết lập mạng lưới thông tin phản hồi: thường xuyên thiết lập mạng lưới thông tin phản hồi từ đối tượng nộp thuế nhà ở, đất ở, cũng như từ những người tổ chức thực thi chính sách thuế từ dưới lên trên, kết hợp với việc khảo sát, điều tra xã hội học nhằm nắm bắt cả những thông tin tốt và xấu về các khâu chính sách;

- Kiểm tra sự thực hiện: thông qua hệ thống kiểm tra của nhà nước, như thanh tra Bộ Tài chính, thanh tra thuế… để thường xuyên hoặc định kỳ kiểm tra các khâu chính sách, nhất là trong khâu thực thi chính sách thuế nhà ở, đất ở;


- Đánh giá tổng kết rút kinh nghiệm: khâu này được tiến hành liên tục trong thời gian duy trì chính sách. Trong quá trình này ta có thể đánh giá từng phần hay toàn bộ chính sách. Việc đánh giá này phải tiến hành đối với cả các cơ quan nhà nước và đối tượng thực hiện chính sách.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 231 trang tài liệu này.

- Điều chỉnh chính sách: việc làm này là cần thiết, và được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như Tổng cục thuế, Bộ Tài chính, Chính phủ và nếu cần thiết có thể việc điều chỉnh được thực hiện bởi Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội. Việc điều chỉnh này phải đáp ứng được việc giữ vững mục tiêu ban đầu của chính sách thuế nhà ở, đất ở, chỉ điều chỉnh các biện pháp, cơ chế thực hiện mục tiêu. Hoạt động này phải hết sức cẩn thận và chính xác, không làm biến dạng chính sách thuế nhà ở, đất ở ban đầu.

1.2.5.3. Các yếu tố thuộc về nguồn lực của chính sách thuế nhà ở, đất ở

Chính sách thuế nhà ở, đất ở tại Việt Nam - 9

Đây là những nguồn lực cần thiết phục vụ cho các khâu của quá trình chính sánh, các nguồn lực có thể kể đến là: nguồn nhân lực, nguồn thông tin và nguồn tài chính.

a). Nguồn nhân lực: đảm bảo cho chính sách thuế nhà ở, đất ở được thực hiện và đi vào cuộc sống tất yếu cần có sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia pháp lý, các chuyên gia về bất động sản, tài chính, cũng như một đội ngũ cán bộ thuế và quản lý thuế. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong các khâu của quy trình chính sách, vì vậy cần phải có phương pháp để khai thác tối đa chất xám, trí tuệ của đội ngũ này trong việc hoạch định chính sách, tổ chức thực thi chính sách, cũng như kiểm soát và điều chỉnh chính sách thuế nhà ở, đất ở sau này. Một đội ngũ nhà hoạch định chính sách giỏi sẽ giúp ban hành được những chính sách tốt, bền vững; một đội ngũ cán bộ thuế được phân công, phân cấp hợp lý có trình độ, cũng như những người nộp thuế có hiệu biết, có nhận thức đầy đủ về chính sách thuế sẽ giúp triển khai chính sách vào cuộc sống thuận lợi và đạt kết quả cao.

b). Nguồn thông tin: việc đảm bảo các dòng thông tin đi, cũng như thông tin phản hồi được thông suốt là một yêu cầu bắt buộc trong mỗi chính sách, trong đó có chính sách thuế nhà ở, đất ở. Đối tượng chịu ảnh hưởng của chính sách thuế nhà ở, đất ở là rất rộng lớn, vì vậy cần đảm bảo được thông tin về các nội dung của chính


sách, như: đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế, giá tính thuế, thuế suất, cũng như các thông tin về miễn giảm thuế, quản lý thuế đến được với các đối tượng đó để trước hết họ có những phản hồi đóng góp cho việc hoạch định chính sách thuế, cũng như quán triệt các nội dung của chính sách trong quá trình thực hiện. Đồng thời nhờ có thông tin mà Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành có thể nắm bắt được những phản hồi từ các đối tượng về chính sách, qua đó nhằm có giải pháp hoàn thiện chính sách.

c). Nguồn tài chính: trong tất cả các khâu của chính sách, đều cần thiết phải có nguồn tài chính để đảm bảo, vì vậy, đây được cho là một nguồn lực đầu vào quan trọng của chính sách. Nguồn tài chính tốt sẽ giúp cho việc nghiên cứu, điều tra chính sách được thực hiện bài bản và có chất lượng, cũng như quy tụ và thu hút được các chuyên gia giỏi góp phần tạo ra một chính sách tốt. Nguồn tài chính tốt cũng sẽ là một thuận lợi lớn trong việc tuyên truyền, triển khai đưa chính sách thuế nhà ở, đất ở vào thực hiện và ngược lại.

1.3. Chính sách thuế nhà ở, đất ở tại một số nước, vùng lãnh thổ trên thế giới và bài học cho Việt Nam

1.3.1. Chính sách thuế nhà ở, đất ở tại một số nước và vùng lãnh thổ trên thế giới

Chính sách thuế nhà ở, đất ở tại các nước thường ra đời ngay từ những buổi đầu sơ khai của hệ thống thuế và cho đến nay, các sắc thuế này đang được sử dụng rộng rãi ở các nước trên thế giới. Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi, việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách thuế là một đòi hỏi tất yếu, mà một trong những cơ sở quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách thuế đó là tham khảo, học hỏi kinh nghiệm ở các quốc gia khác. Vì vậy, phần này tập trung vào sưu tầm, tìm hiểu và phân tích nội dung các chính sách thuế nhà ở, đất ở chủ yếu của 6 quốc gia và vũng lãnh thổ là: Pháp, Trung Quốc, Indonesia, Đài Loan, Thái Lan và Hàn Quốc. Luận án chọn 6 quốc gia và vùng lãnh thổ này vì hệ thống chính sách thuế có những đặc trưng nhất định, trong đó, Pháp, Hàn Quốc là quốc gia có nền kinh tế phát triển, đại diện cho các quốc gia phát triển; Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc là quốc gia có điều kiện kinh tế tương đồng với Việt Nam và Đài Loan là vùng lãnh thổ đã có hệ thống chính sách thuế đánh vào nhà, đất rất lâu


đời. Việc xem xét chính sách thuế đánh vào nhà, đất ở các quốc gia và vùng lãnh thổ này cho phép rút ra những kinh nghiệm bổ ích cho Việt Nam trong việc hoàn thiện chính sách thuế nhà ở, đất ở.

1.3.1.1. Chính sách thuế nhà ở, đất ở tại Cộng hoà Pháp [45]

Tại Cộng hoà Pháp, thuế đánh vào nhà ở, đất ở được thể hiện trong các sắc thuế tiêu biểu: thuế đánh vào đất đai xây dựng, thuế nhà ở, cụ thể

a). Thuế đánh vào đất đai xây dựng: thuế đánh vào đất đai xây dựng do các chủ sở hữu đất đai nộp hàng năm. Thuế đất xây dựng được xác định bằng giá tính thuế đất nhân với thuế suất.

- Giá tính thuế được xác định bằng 50% giá trị lợi tức cho thuê đất. Lợi tức cho thuê làm căn cứ tính thuế đất được xác định theo định kỳ đánh giá giá trị đất căn cứ vào hiện trạng của tài sản, được khoán cố định trong nhiều năm. Trường hợp lợi tức cho thuê thực tế tăng hoặc giảm trên 10% so với giá trị khoán, Luật cho phép được điều chỉnh lại.

- Thuế suất cũng được xây dựng theo từng xã và được thay đổi hàng năm tuỳ thuộc vào số thu và nhu cầu chi tiêu của ngân sách xã trong từng năm. Các chủ sở hữu thuộc đối tượng nộp thuế đất phải kê khai trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày hoàn thành công trình hoặc các công trình xây dựng mới cũng như mọi sự thay đổi liên quan như: công trình xây dựng thêm, phá huỷ một phần công trình, hoặc những thay đổi có liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng của nhà từ mục đích kinh doanh thương mại sang mục đích ở hoặc ngược lại.

- Miễn thuế cho các đối tượng nộp thuế là người già yếu hoặc có điều kiện khó khăn. Miễn thuế đối với một số trường hợp sử dụng đất cho mục đích cung cấp dịch vụ công cộng, hoặc được sử dụng không vì mục tiêu sinh lời của Nhà nước, chính quyền địa phương vùng, tỉnh, xã, một số tổ chức công cộng. Cũng được miễn thuế đối với nhà cao tầng, công trình phục vụ mục đích tôn giáo, đại sứ quán và các công trình xây dựng nông thôn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

b). Thuế nhà ở: đối tượng nộp thuế nhà ở là những người đang sử dụng nhà ở, dù người đó là chủ sở hữu hoặc người đi thuê. Đối tượng được miễn thuế bao gồm


các đơn vị nhà nước hoạt động khoa học, giảng dạy hoặc tổ chức cứu trợ, cũng như các thành viên đoàn ngoại giao, những người nghèo hoặc người trên 60 tuổi với thu nhập thấp hơn một ngưỡng quy định.

Cơ sở tính thuế nhà ở được xác định dựa trên giá trị cho thuê của nhà ở mà không tính đến khả năng đóng góp của người nộp thuế. Do vậy, để làm cho thuế này trở nên cá nhân hơn, người ta áp dụng rất nhiều các điều khoản giảm thuế hoặc giảm thu nhập chịu thuế; một số đối tượng có thể áp dụng tự nguyện và tuỳ thuộc vào quyết định của chính quyền địa phương, một số khác là bắt buộc.

1.3.1.2. Chính sách thuế nhà ở, đất ở tại Hàn Quốc [17]

Hàn Quốc hiện cũng đang vận hành chính sách thuế nhà ở, đất ở; trong đó:

- Đối tượng chịu thuế: nhà và đất do các tổ chức, cá nhân sử dụng. Hàn Quốc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý dữ liệu về nhà, đất, quản lý đối tượng nộp thuế trên phạm vi cả nước.

- Thuế suất: biểu thuế suất của Hàn Quốc được thiết kế theo hai loại tài sản đất và nhà riêng biệt: đối với tài sản là đất: thuế suất được tính từ 0,2% đến 0,5% đối với các loại đất; 0,4% đối với đất cho sân golf; đối với tài sản là nhà: thuế suất được tính từ 0,15% đến 0,5% đối với nhà riêng; 0,25% đối với nhà chung cư; 4% đối với nhà trong khu sân golf, biệt thự, các khu vui chơi giải trí; 5% đối với nhà tại các khu đô thị lớn.

- Giá nhà, đất để tính thuế: cơ quan định giá địa phương xây dựng khung giá nhà, đất hàng năm làm cơ sở cho việc tính thuế, tuy nhiên, hệ thống giá này thấp hơn nhiều so với thị trường, chỉ khoảng 15% đến 20% giá thị trường (có hiện tượng này chính là do yếu tố chính trị, những người lãnh đạo địa phương cần sự ủng hộ của cư tri địa phương, hơn nữa là tâm lý trông chờ nguồn kinh phí từ trung ương)

- Phương pháp tính thuế: thuế nhà, đất phải nộp tính trên cơ sở cộng số thuế nhà (thuế nhà được tính bằng cách lấy diện tích nhà nhân với giá tính thuế và nhân tiếp với thuế suất) và thuế đất phải nộp (thuế đất được tính bằng cách lấy diện tích đất nhân với giá tính thuế và nhân tiếp với thuế suất).


1.3.1.3. Chính sách thuế nhà ở, đất ở tại Trung Quốc [29], [45]

Hiện nay ở Trung Quốc đang tồn tại nhiều sắc thuế khác nhau mà đối tượng chịu thuế là nhà ở và đất ở, như: thuế sử dụng đất đô thị và thị trấn, thuế sở hữu đất nông trại, thuế nhà.

a). Thuế sử dụng đất đô thị và thị trấn

- Đối tượng chịu thuế: đất ở, đất sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân sử dụng đất tại khu vực đô thị, nông thôn.

- Thuế suất: áp dụng khung thuế suất tuyệt đối hàng năm theo diện tích đất thực tế sử dụng và phân theo từng khu vực, các địa phương căn cứ vào khung thuế suất quy định cụ thể cho địa phương mình, khung thuế suất được quy định như sau:

+ Từ 0,5 đến 10 nhân dân tệ/m2 đối với đô thị lớn;

+ Từ 0,4 đến 8 nhân dân tệ/m2 đối với đô thị trung bình;

+ Từ 0,3 đến 6 nhân dân tệ/m2 đối với đô thị nhỏ;

+ Từ 0,2 đến 4 nhân dân tệ/m2 đối với thị trấn và khu mỏ;

- Phương pháp tính thuế: thuế phải nộp tính trên cơ sở diện tích đất thực tế sử dụng nhân với mức thuế suất tuyệt đối được xác định.

- Chính sách miễn giảm thuế: thực hiện miễn giảm thuế đối với đất của các cơ quan nhà nước, quân đội, các cơ sở tôn giáo, công viên và các di tích lịch sử, công trình phúc lợi, các công trình tưới tiêu, đường phục vụ hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

b). Thuế nhà

- Đối tượng chịu thuế: nhà ở, nhà sử dụng cho kinh doanh tại các thành phố, thị xã, thị trấn.

- Thuế suất: đối với nhà chính chủ, thuế suất là 1,2% trên giá trị ngôi nhà sau khi trừ 10% đến 30% giá trị ban đầu; đối với nhà thuê, thuế suất là 12% trên tiền thuê nhà.

- Giá nhà: do các địa phương quy định cụ thể trên cơ sở chi phí xây dựng nhà tại địa phương đó.


- Phương pháp tính thuế: thuế phải nộp tính bằng thuế suất nhân với giá trị nhà hoặc tiền thuê nhà

- Chính sách miễn giảm thuế: không thu thuế nhà ở đối với nhà sử dụng cho các cơ quan nhà nước, quân đội; nhà cho các mục tiêu tôn giáo; nhà quản lý trong các công viên, khu di tích.

1.3.1.4. Chính sách thuế nhà ở, đất ở tại Đài Loan [17], [38]

Đài Loan là vùng lãnh thổ có chính sách thuế đánh vào tài sản từ rất lâu đời. Hiện nay, thuế đánh vào nhà ở, đất ở tại Đài Loan được thể hiện qua các chính sách thuế đánh vào đất và vào nhà.

a). Thuế đánh trên giá trị đất

- Đối tượng chịu thuế: là tất cả các loại đất không dùng vào sản xuất nông nghiệp;

- Đối tượng nộp thuế: đất thuộc sở hữu cá nhân do chủ sở hữu đất hoặc chủ cho thuê đất nộp. Đất thuộc sở hữu nhà nước do cơ quan phụ trách nộp. Đất sở hữu chung do người quản lý nộp. Đất liên doanh do các chủ sở hữu nộp thuế tính trên phần đất thuộc sở hữu của mình. Trong trường hợp chưa xác định được chủ sở hữu thì người đang sử dụng đất là đối tượng phải nộp thuế.

- Căn cứ tính thuế: thuế được xác định căn cứ vào giá trị đất tính thuế và thuế suất.

+ Giá đất tính thuế do Hội đồng định giá đất ở các địa phương chịu trách nhiệm xác định theo giá thị trường và công bố chính thức theo từng khu vực.

+ Thuế suất: đối với các loại đất thông thường, áp dụng biểu thuế suất luỹ tiến từng phần từ 1,5% đến 7%. Thuế suất 1,5% chỉ áp dụng đối với trường hợp có giá trị đất thấp hơn giá trị khởi điểm được xác định trên cơ sở giá trị bình quân của 700 mét vuông đất ở, quy định cho từng tỉnh, thành phố. Đối với mảnh đất có giá trị cao hơn giá trị khởi điểm, nhưng không quá 5 lần mức khởi điểm thì nộp thêm 2% trên phần giá trị vượt. Đối với mảnh đất có giá trị vượt mức khởi điểm trên 5 lần thì cứ mỗi phần vượt 1 lần trong khung, đóng thêm 1% trên phần giá trị vượt cho đến khi

đạt mức thuế suất tối đa 7%. Đối với đất ở thuộc sở hữu nhà nước chịu thuế suất 0,5% (chỉ đối với phần diện tích không quá 300m2 đối với đất đô thị và 700m2 đối với đất nông thôn). Đất thuộc công trình công cộng theo quy hoạch thành phố nếu


để ở chịu thuế suất 0,5%, nếu dùng vào mục đích khác chịu thuế suất 1%. Đất do Nhà nước sở hữu và sử dụng vào mục đích công cộng theo thuế suất 1,5%.

- Miễn thuế, giảm thuế:

Đối với đất thuộc sở hữu tư nhân, được miễn thuế về phần diện tích đất của các đối tượng không kinh doanh, đất giao cho các trường tư đã đăng ký; đất trực tiếp dùng làm thư viện, viện bảo tàng khoa học, bảo tàng lịch sử của tư nhân, phòng trưng bày mỹ thuật, viện nghiên cứu khoa học; đất xây dựng bệnh viện tư, xây dựng các cơ sở nhân đạo; đường bộ, đường xe lửa do tư nhân xây dựng sử dụng cho lợi ích công cộng; đất đền chùa.

b). Thuế đánh vào nhà

- Đối tượng chịu thuế: tổng giá trị nhà và công trình kiến trúc phụ trợ.

- Đối tượng nộp thuế: là chủ sở hữu nhà hoặc chủ sử dụng nhà trong trường hợp có tranh chấp, chưa xác định được chủ sở hữu. Nếu là nhà thuê (người đứng ra thuê khu nhà trong thời hạn tối đa 30 năm), người thuê nhà là người nộp thuế và được trừ số thuế đó vào tiền thuê nhà.

- Căn cứ tính thuế: là giá trị nhà tính thuế và thuế suất.

+ Giá trị nhà tính thuế: là giá do Hội đồng định giá BĐS quy định, có tham khảo giá thị trường. Hội đồng định giá BĐS được thành lập ở mỗi tỉnh, thành phố, trong đó, tối thiểu 2/5 số thành viên là đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, ngoài ra còn có các chuyên gia về xây dựng.

Giá trị nhà tính thuế được căn cứ vào các tiêu chuẩn về loại nhà và cấp nhà theo tính chất của vật liệu xây dựng; tuổi thọ của nhà và tiêu chuẩn, tỷ lệ khấu hao áp dụng; giá chuẩn của nhà căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, các yếu tố về địa điểm kinh doanh, trục đường giao thông trong khu vực, so sánh với giá nhà thuộc khu vực khác trong vùng sau khi đã trừ giá trị đất đã xây dựng nhà trên đó. Giá trị nhà chịu thuế sẽ được trừ khấu hao theo thời gian. Khi chỉ số giá tăng, giảm trên 30% thì giá nhà chuẩn phải điều chỉnh lại và giá trị hiện tại của nhà sẽ được điều chỉnh theo thời hạn khấu hao và mức khấu hao.

Xem tất cả 231 trang.

Ngày đăng: 14/09/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí