Cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu tại Việt Nam - 12

Xây dựng bộ phận chuyên trách về SHTT nói chung tại cơ quan Tổng cục hải quan cũng như tại các cơ quan Hải quan địa phương với trách nhiệm và thẩm quyền cụ thể. Thêm vào đó là không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của các công chức hải quan và trang bị hệ thống trang thiết bị thông tin đầy đủ, hiện đại.

Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh một cách có hiệu quả. Bởi đây chính là điểm khởi đầu, có vai trò then chốt đối với công tác đấu tranh chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu nói riêng. Cụ thể, theo ý kiến của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay thì hồ sơ xác minh liệu hàng hóa có vi phạm quyền sở hữu công nghiệp hay không nên kèm theo ảnh mẫu của hàng hóa, bởi đôi khi qua những mô tả khác như xuất xứ, đường đi… của hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, chưa đủ cơ sở để xác định thực hư.

Hợp tác quốc tế nhằm tiếp thu những kinh nghiệm của Hải quan các nước trong việc chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu.

Nâng cao năng lực của cảnh sát kinh tế

Cần đào tạo lực lượng cảnh sát kinh tế có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về quyền SHTT nói chung và cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu nói riêng. Thiết lập cơ chế trao đổi thông tin hai chiều giữa lực lượng cảnh sát điểu tra tội phạm kinh tế với các doanh nghiệp và công dân nhằm phát hiện tội phạm nói chung và tội sản xuất, buôn bán hàng giả nói riêng.

Ngoài ra, tại rất nhiều quốc gia trên thế giới còn thiết lập mạng lưới tình báo kinh tế nhằm phục vụ công tác điều tra các vụ việc vi phạm liên quan đến SHTT nói chung và liên quan đến nhãn hiệu nói riêng, kịp thời phát hiện và xử lý ngay từ đầu các hành vi cạnh tranh không lành mạnh này. Có như vậy, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong đó có hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu mới được xử lý có hiệu quả.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Thanh tra khoa học và công nghệ

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Thanh tra khoa học công nghệ, cần thiết phải tăng cường cán bộ thanh tra khoa học công nghệ cả về số lượng và chất lượng. Tổ chức các lớp huấn luyện về SHTT từ đó nâng cao kiến thức, năng lực của ban thanh tra trong việc giải quyết các vụ việc liên quan đến cạnh tranh khồng lành mạnh trong lĩnh vực SHCN.

3. Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh_ chủ thể quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu

Cho dù các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa của các cơ quan có thẩm quyền đạt hiệu quả cao đến đâu thì cũng chỉ là những biện pháp tạm thời, ngăn chặn hành vi vi phạm trong khoảng thời gian xác định. Để giảm thiểu các vụ việc cạnh tranh không lành mới sẽ phát sinh sau này và không để các vụ việc đã bị xử lý nhưng vẫn tái phạm nhiều lần thì ý thức, nhận thức của các doanh nghiệp về vấn đề này mới chính là chìa khoá giúp tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp trên thị trường hiện nay.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.

Do vậy, để làm được điều đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiện nay cần phải áp dụng các biện pháp cụ thể sau:

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần thiết lập bộ phận chuyên chăm lo về sở hữu trí tuệ, coi sở hữu trí tuệ như là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển của mình. Phải nhận thức được rằng tài sản trí tuệ cũng cần được quản lý chặt chẽ như các loại tài sản thông thường khác.

Cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu tại Việt Nam - 12

Một biện pháp quan trọng nhằm ngăn chặn có hiệu quả các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu từ phía doanh nghiệp đó là đẩy mạnh hoạt động nhượng quyền sản xuất các hàng hóa có gắn các nhãn hiệu có uy tín cao trên thị trường. Khi số lượng và giá cả của các hàng hóa có uy tín, chất lượng cao trên thị trưòng không đáp ứng được nhu cầu và khả

năng của người tiêu dùng thì các hàng hóa này rất dễ bị làm giả, làm nhái. Việc nhượng quyền sản xuất hàng hóa có gắn các nhãn hiệu có uy tín cao trên thị trường sẽ giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm do các hãng sản xuất có uy tín trên thế giới với giá cả hợp lý hơn so với sản phẩm cùng loại được sản xuất bởi chính chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp do các chi phí về nhân công, thuế, vận chuyển… được giảm đi rất nhiều. Khi đó, người tiêu dùng sẽ tránh được việc phải lựa chọn các loại hàng hóa, dịch vụ cùng loại có chất lượng thấp hoặc hàng hóa, dịch vụ cùng loại nhưng không rõ nguồn gốc. Do đó, biện pháp này sẽ góp phần ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu trên thị trường.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng cần đẩy mạnh hơn nữa cải tiến công nghệ, đưa ra các mẫu mã ký hiệu có hàm lượng công nghệ cao, bảo đảm tính an toàn cho các sản phẩm của doanh nghiệp mình, để tội phạm khó có thể thực hiện các hành vi xâm pham, làm nhái nhãn hiệu hàng hóa. Đồng thời cần chú trọng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

Trước khi tiến hành đăng kí nhãn hiệu cho các sản phẩm của mình, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần tìm hiểu kĩ càng, rà soát các nhãn hiệu đã được đăng kí trước đó cho các hàng hóa, dịch vụ cùng loại, nhằm tránh đăng kí các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với các nhãn hiệu đã được bảo hộ. Doanh nghiệp có thể thực hiện công việc này thông qua dịch vụ tra cứu tại Cục Sở hữu trí tuệ cũng như dựa vào sự tư vấn của các công ty tư vấn, đại diện về sở hữu công nghiệp.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh là chủ sở hữu của các nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận đăng kí cũng cần phải thường xuyên tự mình hoặc thông qua các công ty đại diện sở hữu công nghiệp theo dõi thường xuyên các Công báo được xuất bản hàng tháng bởi Cục Sở hữu trí tuệ nhằm sớm phát hiện các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của mình, gửi đơn khiếu nại đến Cục SHTT nhằm ngăn chặn ngay

từ đầu các hành vi nhái nhãn hiệu hàng hóa của các sản phẩm cùng loại. Việc làm này rất quan trọng trong việc ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt đông đăng kí nhãn hiệu tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nên phân tán việc kiểm soát các vi phạm bằng cách đẩy mạnh kênh phân phối hàng hóa. Việc cung cấp hàng hóa theo những kênh phân phối nhất định dẫn đến bất cứ nơi nào khách hàng dễ dàng chọn lựa và mua hàng hơn và việc cạnh tranh không lành mạnh sẽ khó có cơ hội phát triển.

Tăng cường việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng. Khi bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, các tổ chức, cá nhân phải chủ động cung cấp thông tin về hàng hóa, các chứng cứ về hành vi vi phạm cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý để các cơ quan chức năng có đủ cơ sở xử lý, sớm ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh này. Hơn nữa, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng cấn tích cực tham gia các hội thảo chuyên đề về sở hữu công nghiệp được tổ chức tại các cơ quan này để nhận được các giải đáp về các vấn đề còn thắc mắc và biết cách phòng vệ chính đáng trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Tăng cường mối quan hệ mật thiết với người tiêu dùng. Trong kinh doanh, người tiêu dùng đóng góp một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Trong công tác đấu tranh chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu cũng vậy, để có được các thông tin nhanh nhất, chính xác nhất về các sản phẩm vi phạm trên thị trường, doanh nghiệp cần có sự hợp tác, hỗ trợ từ phía người tiêu dùng, bởi người tiêu dùng là người trực tiếp sử dụng sản phẩm nên họ hiểu rõ hơn ai hết về chất lượng của sản phẩm. Cách tốt nhất để có được thông tin phản hồi từ phía người tiêu dùng đó là thành lập các đường dây nóng về chống hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu. Thông tin về đường dây nóng phải được thể hiện rõ trên bao bì sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tổ chức các buổi hội nghị

khách hàng nhằm giải đáp các thắc mắc của người tiêu dùng về các sản phẩm của mình, để họ có thể nhận biết được đâu là sản phẩm thật của công ty, đâu là sản phẩm bị nhái do hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong công tác chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp nói chung và liên quan đến nhãn hiệu nói riêng. Để chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh ngày càng tinh vi hơn hiện nay, thì việc phối hợp với các cơ quan chức năng hay người tiêu dùng là chưa đủ mà các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với nhau thông qua các diễn đàn doanh nghiệp, các hiệp hội các nhà sản xuất trong cùng ngành. Các diễn đàn, hiệp hội này sẽ có đủ sức mạnh kinh tế để chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh có ảnh hưởng đến các thành viên trong hiệp hội cũng như tạo tiếng nói đủ trọng lượng để khiếu kiện lên các cơ quan có thẩm quyền và phối hợp hoạt động một cách có hiệu quả với các cơ quan này.

4. Các giải pháp khác

a. Công khai và bài trừ một cách rộng rãi đối với hàng hóa có hành

vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu

Điều quan trọng nhất đối với mỗi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đó là làm sao để tối đa hóa lợi nhuận, hay nói khác đi là làm sao để tối đa hóa số lượng hàng hóa bán ra cho người tiêu dùng. Do vậy, việc xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan sở hữu công nghiệp nói chung và liên quan đến nhãn hiệu nói riêng của các doanh nghiệp vi phạm cần được công khai rộng rãi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này, sẽ giúp người tiêu dùng loại trừ các hàng giả, hàng nhái ra khỏi sự lựa chọn của mình và làm giảm doanh số hàng bán ra của các doanh nghiệp, làm giảm sút uy tín của doanh nghiệp. Cách làm này sẽ có tác động rất mạnh đối với các chủ thể có ý định sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu

công nghiệp nói chung, qua đó góp phần làm giảm tình trạng sản xuất, buôn bán loại hàng này.

b. Xã hội hoá hoạt động chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan

tới sở hữu công nghiệp nói chung cũng như liên quan tới nhãn hiệu nói riêng

Kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là các quốc gia phát triển cho thấy, vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp là rất lớn trong việc ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, trong đó có hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu. Xã hội hóa hoạt động này tạo ra một cơ chế xử lý chủ động thay vì một cơ chế bị động thông qua các cơ quan quản lý nhà nước cũng như Tòa án. Ngoài ra, cơ chế này còn giúp phòng ngừa từ xa và hạn chế các hành vi xâm phạm có thể xảy ra. Vì vậy, trong thời gian tới Việt Nam cần tích cực triển khai và đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu thông qua các hiệp hội quản lý tập thể, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm tạo ra một cơ chế xử lý chủ động.

c. Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế và

các quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Việc mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế và các nước trong lĩnh vực SHTT có thể giúp Việt Nam tranh thủ sự giúp đỡ về kỹ thuật, tổ chức và kinh nghiệm, nhằm nâng cao năng lực thự thi quyền SHTT nói chung và xử lý, ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu nói riêng. Do đó, nhiệm vụ cấp thiết hiện nay đối với Việt Nam là nhanh chóng đàm phán và ký kết các hiệp định song phương và đa phương liên quan đến SHCN nói chung và cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu nói riêng.

KẾT LUẬN

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, sở hữu trí tuệ được xem như hàn thử biểu thể hiện mức độ phát triển của nền kinh tế quốc gia. Do đó, việc xây dựng được một hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ nói chung và các quy định xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nói riêng là một việc làm hết sức quan trọng.

Qua việc tìm hiểu, phân tích, đánh giá, so sánh và đối chiếu các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau về cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu, có thể thấy rằng hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam khá tương thích và phù hợp với pháp luật của các quốc gia trên thế giới và các điều ước quốc tế quan trọng có liên quan. Tuy nhiên, bên cạnh đó, pháp luật sở hữu trí tụê Việt Nam vẫn còn có nhiều hạn chế: chưa rõ ràng, vẫn còn có sự chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.

Bên cạnh hệ thống luật pháp về sở hữu trí tuệ thì hệ thống các cơ quan thực thi cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xử lý và ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp nói chung và liên quan đến nhãn hiệu nói riêng. Trong thời gian qua, mặc dù các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm đã mở rộng công tác đấu tranh chống cạnh tranh không lành mạnh nhưng có thể nhận thấy rằng các hoạt động này chưa thực sự hiệu quả, các biện pháp xử lý chưa thực sự có tác dụng răn đe đối với các đối tượng vi phạm.

Do đó, để theo kịp với những đòi hỏi thực tiễn của nền kinh tế thị trường đặc biệt là yêu cầu hội nhập nền kinh tế thế giới, vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu nói riêng để phù hợp, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của pháp luật quốc tế trở nên thực sự cấp bách. Bên cạnh hoàn thiện hệ thống luật pháp về cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến

sở hữu công nghiệp nói chung và nhãn hiệu nói riêng, thì việc tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống thực thi pháp luật cũng cần được chú trọng. Để làm được điều này, cần có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi khác nhau, cùng với sự hợp tác tích cực từ phía các doanh nghiệp và người tiêu dùng tại Việt Nam.

Với thời gian và phạm vi nghiên cứu còn hạn chế nên khóa luận còn nhiều hạn chế và chưa thể đi sâu vào phân tích các vấn đề một cách sắc nét. Do vậy, khoá luận hi vọng sẽ nhận được những đóng góp quý báu của các thầy cô trong trường cũng như của bạn đọc.

Trong thời gian thực hiện đề tài, em đã nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện rất nhiều từ phía nhà trường, cô giáo hướng dẫn khóa luận. Em xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới thầy cô trong nhà trường và đặc biệt là cô giáo, ThS Lê Thị Thu hà đã trực tiếp hướng dẫn và tận tình chỉ bảo để em có thể hoàn thành khóa luận này.

Xem tất cả 112 trang.

Ngày đăng: 30/04/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí