Các giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch MICE tại Tp. Hồ Chí Minh - 2

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Du lịch MICE là loại hình du lịch kinh doanh trên cơ sở tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm và khen thưởng. Đây là loại hình du lịch có xu thế phát triển nhanh trong những năm gần đây ở nhiều nước trên thế giới và khu vực.

Du lịch MICE đem lại hiệu quả tích cực đối với nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội đặc biệt là kinh tế. Vì du lịch MICE tập trung vào đối tượng khách đông, có khả năng chi trả cao và thời gian lưu trú dài ngày như các doanh nhân, nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị – xã hội… nên đóng góp thu nhập du lịch MICE thường cao hơn các loại hình du lịch khác. Du lịch MICE có thể phát triển quanh năm cả trong mùa thấp điểm du lịch. Hơn thế nữa, du lịch MICE còn đóng vai trò là nhân tố xúc tác, kích thích, bổ trợ các ngành kinh tế khác phát triển.

Tuy có vai trò tích cực như vậy nhưng không phải địa phương nào muốn phát triển du lịch MICE cũng được. Địa điểm phát triển du lịch MICE phải đáp ứng các điều kiện nhất định về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực du lịch.

Tp. Hồ Chí Minh là nơi hội tụ nhiều điều kiện để phát triển du lịch MICE thành công tại Việt Nam: cửa ngõ quốc tế vào Việt Nam, đầu mối giao thông quan trọng ở khu vực phía Nam, là thành phố phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính năng động nhất, là trung tâm văn hóa, giáo dục lớn, là nơi giải trí, mua sắm, ẩm thực hàng đầu tại Việt Nam với số lượng khách du lịch quốc tế và doanh thu du lịch chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cả nước… Thời gian qua, du lịch MICE đã phát triển nhanh, mạnh tại Tp. Hồ Chí Minh đem lại nguồn thu lớn nhưng còn thiếu tính chuyên nghiệp, bài bản, phát triển chưa có tính định hướng và tương xứng với tiềm năng.

Là một người công tác trong ngành du lịch, học viên lựa chọn đề tài “Các giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch MICE tại Tp. Hồ Chí Minh” cho luận văn của mình vì những lý do sau:

Thứ nhất, Đề tài có vị trí quan trọng và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, có thể đi vào cuộc sống. Thứ hai, hướng nghiên cứu là phù hợp với xu hướng thế giới vì việc phát triển du lịch MICE đang được nhiều nước trong khu vực và trên thế giới ưu tiên đầu tư, đặc biệt là các nước

tại Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia… trong thời gian gần đây.

Thứ ba, vấn đề du lịch MICE tuy không còn mới nhưng cũng chưa được nghiên cứu nhiều, đầy đủ và hệ thống tại Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 127 trang tài liệu này.

Cuối cùng, do du lịch MICE có liên quan đến thương mại, phát triển kinh tế là những yếu tố động nên các thông tin luôn thay đổi, biến chuyển không ngừng đòi hỏi phải có sự nghiên cứu và cập nhật những thông tin mới.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Các giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch MICE tại Tp. Hồ Chí Minh - 2

Trên thế giới, Tổ chức Du lịch Thế giới - UNWTO đã có những nghiên cứu về xu hướng, đặc điểm thị trường du lịch MICE, Tổ chức Hiệp hội Hội thảo và Đại hội quốc tế - ICCA đã có những báo cáo về số liệu và đặc tính thị trường hội nghị các tổ chức quốc tế. Các nước có du lịch MICE phát triển trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia… đều có những nghiên cứu và chính sách ưu tiên phát triển du lịch MICE.

Tại Việt Nam, năm 2007, Tổng cục Du lịch đã triển khai đề tài khoa học về “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển du lịch MICE và khả năng áp dụng tại Việt Nam”. Tuy nhiên, đề tài chỉ là những nghiên cứu mang tính tổng thể, chung chung, các thông tin và số liệu so với hiện nay đều đã cũ và chưa được cập nhật.

Đối với Tp. Hồ Chí Minh, năm 2004, UNWTO đã cử chuyên gia vào khảo sát tại Tp. Hồ Chí Minh và có báo cáo ngắn đánh giá và đề ra những giải pháp về phát triển du lịch MICE tại Thành phố. Năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tp. Hồ Chí Minh (Phòng Khách sạn) cũng đã có những nghiên cứu sơ bộ về việc đẩy mạnh phát triển du lịch MICE tại Thành phố. Tuy nhiên, những nghiên cứu này đều mang tính nhỏ lẻ, số liệu đã cũ, chưa được hệ thống và mang tính chuyên sâu và đặc biệt chưa đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển du lịch MICE tại Tp. Hồ Chí Minh.

3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục tiêu nghiên cứu

Đề ra các giải pháp cụ thể và có tính thực tiễn nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch MICE tại Tp. Hồ Chí Minh.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu đã đề ra, Luận văn tập trung giải quyết các nhiệm vụ sau đây:

- Nghiên cứu tổng quan về du lịch MICE bao gồm hệ thống cơ sở lý luận và bài học kinh nghiệm về phát triển du lịch MICE của các thành phố tại Châu Á.

- Nghiên cứu về thực trạng phát triển du lịch MICE tại Tp. Hồ Chí Minh.

- Đề xuất các giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch MICE tại Tp. Hồ Chí Minh.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

- Cơ sở lý luận về du lịch MICE

- Hoạt động du lịch MICE tại Tp. Hồ Chí Minh bao gồm thực trạng và các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch MICE tại Tp. Hồ Chí Minh.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

- Phạm vi về nội dung:

+ Chỉ nghiên cứu về du lịch MICE của điểm đến, tức là chỉ nghiên cứu về du lịch MICE dưới góc độ cung du lịch.

+ Tập trung nghiên cứu vào du lịch MICE phục vụ đối tượng khách du lịch quốc tế tại Tp.

Hồ Chí Minh.

Du lịch MICE phục vụ khách du lịch nội địa tại Tp. Hồ Chí Minh cũng đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên do những hạn chế của công tác thống kê tại Việt Nam nên các số liệu về Du lịch MICE nội địa tại thời điểm này chưa được thống kê đầy đủ nên không được tập trung nghiên cứu trong Luận văn này.

- Phạm vi không gian: Tp. Hồ Chí Minh.

- Phạm vi thời gian: 2000 – tháng 5/2013.

5. Phương pháp nghiên cứu

Trong quá trình nghiên cứu và thực hiện, luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây:

- Phương pháp thu thập và xử lý tài liệu

Phương pháp này cho phép kế thừa, tích lũy thành tựu của quá khứ. Đây là phương pháp được sử dụng hầu như xuyên suốt trong đề tài, bao gồm hai giai đoạn: thu thập tài liệu và xử lý tài liệu. Nguồn tài liệu sử dụng trong đề tài có thể gồm các dạng: tài liệu chuyên khảo, các văn bản pháp luật, số liệu thống kê từ các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trung ương và địa phương, một số đề tài khoa học, luận văn, tài liệu nghiên cứu của các tổ chức nước ngoài, các trang website trong nước và nước ngoài... Kết quả của quá trình thu thập và xử lý tài liệu sẽ ảnh hưởng đến kết quả của quá trình nghiên cứu, tính chính xác và tính khoa học của đề tài.

- Phương pháp phỏng vấn chuyên sâu các chuyên gia

Phương pháp chuyên gia được thực hiện thông qua các cuộc phỏng vấn chuyên sâu 03 chuyên gia du lịch tại Tp. Hồ Chí Minh bao gồm:

+ 01 đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tp. Hồ Chí Minh

+ 01 đại diện khách sạn 5 sao chuyên khai thác du lịch MICE


gồm:‌

+ 01 đại diện công ty lữ hành chuyên khai thác du lịch MICE

Bên cạnh đó, học viên cũng tiến hành phỏng vấn chuyên sâu 02 chuyên gia tại Hà Nội bao


+ 01 đại diện Tổng cục Du lịch

+ 01 đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch

Và 01 chuyên gia nước ngoài là TS. Dietmar Kielnhofer, nguyên Tổng giám đốc Khách

sạn Sheraton tại Sài Gòn, hiện đang công tác tại Tokyo, Nhật Bản.

- Phương pháp dự báo

Phương pháp dự báo được sử dụng để tính toán một số số liệu hiện nay chưa được thống kê trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước và thực tiễn.

6. Cấu trúc của luận văn Luận văn gồm các phần sau : Mở đầu

Chương 1: Những lý luận cơ bản về du lịch MICE

Chương 2: Thực trạng phát triển du lịch MICE tại Tp. Hồ Chí Minh

Chương 3: Đề xuất giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch MICE tại Tp. Hồ Chí Minh. Kết luận

7. Những đóng góp của đề tài

Những giải pháp, kiến nghị sẽ là cơ sở để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tp. Hồ Chí Minh xây dựng, bổ sung và hoàn chỉnh các chính sách và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, có định hướng trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, sản phẩm du lịch cũng như quảng bá, xúc tiến du lịch MICE hiệu quả. Đề tài sẽ giúp các công ty lữ hành, khách sạn trong việc định hướng thị trường khách và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút khách du lịch MICE. Bên cạnh đó, đề tài sẽ giúp các nhà đầu tư cân nhắc, lựa chọn hướng đầu tư vào du lịch MICE hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao.

Chương 1: NHỮNG LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ DU LỊCH MICE

1.1. Khái niệm

Theo quy luật phát triển, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa, khu vực hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên toàn thế giới dẫn đến việc trao đổi, giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa, thương mại, đầu tư ngày càng phát triển. Điều này kéo theo những hoạt động liên quan như tổ chức hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm, sự kiện… diễn ra ngày một nhiều, từ đó nảy sinh những dịch vụ phục vụ những hoạt động này bao gồm cơ sở lưu trú, địa điểm tổ chức hội thảo, hội chợ, triển lãm, sự kiện, ăn, uống, vui chơi, đi lại, thiết bị phục vụ phòng họp… Và khi dịch vụ này phát triển đến mức trở thành phổ biển và chuyên nghiệp thì một loại hình du lịch mới ra đời: Du lịch MICE.

- Đề tài nghiên cứu khoa học của Tổng cục Du lịch năm 2007 [11] đưa ra khái niệm về du lịch MICE như sau:

MICE là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng và các sự kiện đặc biệt, được tổ chức trên quy mô rộng cả về không gian và lượng người tham gia.

Như vậy, MICE không phải là một loại hình du lịch đơn nhất, nhỏ lẻ mà là loại hình du lịch kết hợp giữa việc tổ chức các sự kiện (hội nghị, hội thảo, khen thưởng, triển lãm) với dịch vụ du lịch (ăn, lưu trú, đi lại…) và/hoặc đi du lịch (tham quan, giải trí, mua sắm…) trên quy mô rộng cả về không gian và số lượng người tham dự.

- Trang website Wikipedia đưa ra khái niệm về du lịch MICE như sau:

Đây là một loại hình du lịch đi thành những đoàn lớn, thường được lập kế hoạch từ trước và nhằm thực hiện một mục đích riêng biệt

Bên cạnh đó, MICE là chữ viết tắt chữ cái đầu của:

+ M (Meetings-hội họp, họp mặt, gặp gỡ),

+ I (Incentives-khen thưởng, động viên),

+ C (Conferences/ Conventions/ Congress-hội thảo, hội nghị, đại hội),

+ E (Exhibitions/ Events-triển lãm, sự kiện).

Phần lớn các nhân tố cấu thành MICE được hiểu rất rõ trừ du lịch khen thưởng. Du lịch khen thưởng thường được sử dụng như một phần thưởng của chủ một doanh nghiệp hoặc tổ chức nhằm thúc đẩy nhân viên làm tốt hơn công việc của mình. Không như các phân khúc khác của du lịch MICE, du lịch khen thưởng đơn thuần được tổ chức nhằm mục đích giải trí hơn là mục đích nghề và giáo dục.

- Trang website www.onecaribbean.orgđưa ra khái niệm về du lịch MICE như sau:

MICE là một loại hình du lịch liên quan đến việc thúc đẩy kinh doanh, thương mại. Theo đó, việc đi lại, du lịch trước hết là nhằm thực hiện nhiệm vụ, nghĩa vụ. Riêng du lịch khen thưởng có sự khác biệt với các phân khúc khác nằm trong du lịch MICE vì mặc dù liên quan đến kinh doanh nhưng du lịch khen thưởng được tổ chức cho nhân viên, nhà môi giới, phân phối như là phần thưởng và được xây dựng trên cơ sở giải trí, nghỉ dưỡng.

Từ những khái niệm trên, ta có thể hiểu:

Khách du lịch MICE thường đi thành đoàn lớn, lên kế hoạch từ trước, nhằm thực hiện một mục đích riêng biệt. MICE là loại hình du lịch kết hợp trên quy mô rộng cả về không gian và lượng người tham gia.

Các phân đoạn của Du lịch MICE bao gồm hội nghị, hội thảo, triển lãm thường đặt yếu tố công việc, nhiệm vụ lên đầu tiên. Chỉ riêng du lịch khen thưởng là khác vì mặc dù có liên quan đến kinh doanh nhưng được xây dựng trên cơ sở tập trung vào yếu tố giải trí, nghỉ dưỡng. Gần đây có sáng kiến sử dụng thuật ngữ “ngành hội nghị” bao hàm tất cả các nhân tố trên. Tuy nhiên, thuật ngữ MICE hiện nay vẫn được sử dụng phổ cập và phổ biến.

1.2. Các phân khúc thị trường du lịch MICE

Theo tài liệu “MICE Industry-An Asia Pacific Perspective” (Ngành Du lịch MICE-Triển vọng tại Châu Á Thái Bình Dương) của Tổ chức Du lịch thế giới-UNWTO năm 2012 [29] thì UNWTO chia du lịch MICE thành 04 phân khúc chính:

- Coprorate Meetings: hội nghị do tập đoàn, công ty, doanh nghiệp đứng ra tổ chức.

- Incentives: du lịch khen thưởng, động viên.

- Conventions (hội nghị): Theo UNWTO, các hiệp hội (associations) là những cơ quan tổ chức hội nghị (convention) và đại hội (congress). Do vậy, UNWTO sử dụng khái niệm “conventions” để đề cập đến “association meetings” (hội nghị của các hiệp hội). Hiệp hội ở đây bao gồm các tổ chức thuộc chính phủ và các tổ chức phi chính phủ.

- Exhibitions and Trade Shows: Triển lãm và hội chợ thương mại

Theo tài liệu “Statistic report 2002-2011” (Số liệu thống kê 2002-2011) của tổ chức International Congress and Covention Association (Hiệp hội hội thảo và đại hội quốc tế) [22] - ICCA (ICCA cùng với UIA là một trong hai tổ chức có uy tín nhất trên thế giới về du lịch hội nghị quốc tế) thì “International meetings” (Hội nghị quốc tế) được chia thành 02 loại:

+ Corporate Meetings: hội nghị do tập đoàn, công ty, doanh nghiệp đứng ra tổ chức

+ Non-corporate meetings: những hội nghị không do tập đoàn, công ty, doanh nghiệp đứng ra chủ trì mà do các hội hoặc hiệp hội chủ trì. Các hội và hiệp hội bao gồm tổ chức thuộc

chính phủ và tổ chức phi chính phủ, hay còn được gọi dưới cái tên khác là “association meetings”.

Theo tài liệu “2011 MICE Statistic” (Số liệu thống kê MICE năm 2011) của Thailand Convention and Exhibition Bureau (Cục Triển lãm và Hội nghị Thái Lan-TCEB) [23] thì TCEB chia số liệu thống kê về Du lịch MICE của Thái Lan như sau:

- M: Corporate meetings (hội nghị do tập đoàn, công ty, doanh nghiệp đứng ra chủ trì).

- I: Incentives (du lịch khen thưởng).

- C: Non-corporate meetings (hội nghị do các hội hoặc hiệp hội chủ trì).

- E: Exhibitions (triển lãm).

Giữa phân khúc M và I có mối liên hệ chặt chẽ với nhau vì cùng chung chủ thể đứng ra chủ trì tổ chức là tập đoàn, công ty, doanh nghiệp.

Như vậy, theo các tổ chức du lịch chuyên ngành như UNWTO và ICCA cũng như các nước trong khu vực như Thái Lan và để thuận lợi cho công tác thống kê trên thực tiễn, du lịch MICE được chia thành 04 phân khúc chính:

- M: Corporate meetings (hội nghị của tập đoàn)

- I: Incentives (du lịch khen thưởng)

- C: Convention hay Non-corporate meetings hay Association meetings (hội nghị của hiệp hội)

- E: Exhibitions, trade shows (du lịch triển lãm, hội chợ thương mại)

Cũng theo cách chia của UNWTO và ICCA thì các thị trường hội nghị tập đoàn và hội nghị hiệp hội (M C) có thể thống kê được là thị trường hội nghị quốc tế. Riêng thị trường hội nghị nội địa bao gồm hội nghị của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (trường đại học, bệnh viện...) cũng đóng vai trò quan trọng nhưng rất khó thống kê trên thực tiễn nên không nằm trong phạm vi nghiên cứu này.

Sau đây, học viên sẽ tập trung lãm rõ các đặc tính riêng biệt của 04 phân khúc chính của thị trường du lịch MICE theo cách chia của UNWTO và ICCA cụ thể như sau:

1.2.1. Hội nghị tập đoàn (Corporate meetings)

a) Khái niệm

Hội nghị của các tập đoàn bao gồm 2 loại:

Hội nghị nội bộ thường tập trung vào vấn đề tổ chức bộ máy hoặc nội bộ. Do vậy, những hội nghị nội bộ hầu như luôn luôn được tổ chức gần nơi tập đoàn, công ty đặt trụ sở và do vậy có rất ít cơ hội cho các nhà tổ chức du lịch MICE xúc tiến điểm đến.

Hội nghị bên ngoài bao gồm 2 loại:

- Hội nghị bên ngoài tập đoàn tập trung vào quản lý quan hệ chuỗi Cung hoặc phát triển khách hàng. Ví dụ: Một công ty sản xuất tổ chức hội nghị tại một địa điểm nơi công ty lấy được nguồn nguyên liệu thô như một phần của hoạt động quản lý chuỗi cung, hoặc tổ chức hội nghị tại 1 địa điểm nơi các nhà lắp ráp là khách hàng của những sản phẩm mà công ty sản xuất. Do vậy, những hội nghị dạng này sẽ được tổ chức tại một nơi cụ thể vì một lý do cụ thể, ví dụ tại một địa điểm-nơi là thị trường lớn cho những sản phẩm của công ty hoặc là nguồn cung chính. Đối với những hội nghị bên ngoài tập đoàn dạng này, các công ty thường quyết định nơi tổ chức hội nghị mà cũng không thực sự liên quan đến việc “bán điểm đến”.

- Hội nghị bên ngoài tập đoàn tập trung vào đầu ra (kích Cầu) nhằm tìm kiếm cơ hội khuyến khích người mua từ những khu vực địa lý lớn. Những hội nghị này là những “hội nghị xúc tiến thị trường”. Liên quan đến vấn đề này, công ty tập trung hơn vào điểm đến, nhưng tập trung vào việc chọn một điểm đến mà đáp ứng được mục đích của công ty – tức là thu hút một số lượng lớn khách hàng tiềm năng đến hội nghị. Tuy nhiên phần lớn những hội nghị xúc tiến “thị trường” sẽ vẫn tổ chức tại những địa điểm có sự tiếp cận bằng đường hàng không tốt nhất và là những thị trường tiềm năng nhất. Đây là dạng hội nghị mà các công ty khai thác du lịch MICE có thể “bán được điểm đến”.

b) Đặc tính

- Quan tâm đến giá cả và tập trung vào giá trị.

- Muốn nhiều sự lựa chọn và những gói hội nghị linh hoạt phù hợp với nhu cầu và ngân sách của họ.

- Để thắng trong giao dịch này, trong quá trình đàm phán, các địa điểm tổ chức phải đưa ra những giá trị thêm vào chẳng hạn đường truyền internet miễn phí.

- Sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội như Linkedln và YouTube, với những phiên quay video nhóm và gửi video trên mạng để các đại biểu khi kết thúc phiên họp có thể sử dụng, xem lại các điểm chính được thảo luận tại cuộc họp.

- Mặc dù “hội nghị xanh” vẫn đóng vai trò quan trọng và vẫn có những nhà lập kế hoạch hội nghị tập đoàn tìm kiếm các địa điểm có những sáng kiến như vậy để tổ chức nhưng nếu được lựa chọn giữa bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí thì vấn đề chi phí vẫn được ưu tiên hơn.

- Bảo hiểm, tài chính, tư vấn, công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe và giáo dục vẫn là những ngành chính tổ chức các hội nghị tập đoàn.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/10/2023