Bảng 2.13. Thay đổi sinh kế từ nông nghiệp sang các hoạt động khác từ năm 1997 đến nay
Thay đổi sinh kế | Số lượng (người) | Tỷ lệ % | |
1 | Từ nông nghiệp sang buôn bán, làm dịch vụ DL | 98 | 72,6 |
2 | Từ nông nghiệp sang làm thủ công nghiệp phục vụ DL | 29 | 21,5 |
3 | Thay đổi khác (ghi rõ):…………………………….. | 0 | 0 |
Có thể bạn quan tâm!
- Khái Quát Về Hoạt Động Du Lịch Tại Mai Châu, Hòa Bình
- Các Loại Nhà Ở Của Người Thái Mai Châu Hiện Nay
- Những Thời Điểm Người Thái Mai Châu Mặc Trang Phục Truyền Thống
- Nhận Thức Của Người Tmc Về Ý Nghĩa Của Lễ Hội Truyền Thống
- Phương Thức Biến Đổi Văn Hóa Truyền Thống Của Người Thái Ở Mai Châu, Hòa Bình
- Giao Lưu, Tiếp Xúc Với Khách Du Lịch Đa Dạng Về Văn Hóa
Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.
Nguồn: Kết quả điều tra của tác giả
Bên cạnh đó, để đảm bảo vệ sinh môi trường cho hoạt động KDDL nên các hộ gia đình không chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới sàn nhà và xung quanh nhà nữa. Do đó người Thái phải mua phần lớn lương thực để phục vụ KDL và nhu cầu của gia đình. Chính vì vậy đã kích thích trồng trọt, chăn nuôi ở các bản lân cận không KDDL phát triển mạnh hơn. Trồng trọt, chăn nuôi đã giúp cho các bản này không những đảm bảo cho cuộc sống thường ngày mà còn giúp họ tích lũy để làm giàu, đặc biệt giúp họ chuyển đổi sang hình thức làm KT cao hơn như phát triển KT theo mô hình trang trại. Từ đây, hình thành một cơ cấu sản xuất mới, đó là sản xuất lương thực, thực phẩm phục vụ KDL và làm thêm các công việc liên quan đến thủ công nghiệp và dịch vụ để tăng thu nhập cho gia đình.
Các nghề phụ trước đây như mộc, nề cũng chỉ còn những hộ không KDDL làm. Những nhà tham gia KDDL hầu như không làm nữa mà dành thời gian phần lớn để phục vụ KDL và làm các dịch vụ khác liên quan đến DL.
“Tôi đã nhẩm tính rồi: 1000m2 một năm, nếu làm cả 2 vụ liên tục, mỗi hôm đi
một lúc rồi về từ lúc gieo mạ, làm đất, bón phân cho đến lúc thu hoạch cũng chỉ mất 3 tháng thôi. Còn lại 9 tháng ở không. Vì vậy, ngoài DL mang lại nguồn thu nhập chính thì vẫn làm nông nghiệp 2 vụ/năm. Nếu đông khách, bận quá thì thuê người làm. Còn lại các nghề phụ như nề, mộc thì không làm nữa, sức người có hạn thôi. Những nhà không làm du lịch thì có thời gian người ta vẫn làm”.
(Ông H.C.T, bản Lác, Chiềng Châu, Mai Châu)
- Nghề dệt truyền thống bị mai một được khôi phục, phát triển, sản phẩm dệt có nhiều thay đổi
Nghề dệt thủ công truyền thống của người TMC nổi tiếng trong cả nước bởi chất lượng sản phẩm dệt tốt, mẫu mã, hoa văn đẹp, màu sắc tươi thắm và bền màu, thể hiện sự tài hoa khéo léo của người phụ nữ TMC. Tuy nhiên, thông qua hoạt động di dân, buôn bán, những sản phẩm may mặc của người Kinh với những ưu điểm vượt
trội về tiết kiệm thời gian, công sức và sự thuận tiện trong sinh hoạt và lao động đã được người TMC đón nhận. Vì vậy, nghề dệt truyền thống trước đây của người Thái đã bị mai một.
Hiện nay, cùng với sự hình thành và phát triển của HĐDL tại địa phương, nghề dệt thủ công ở đây đã được khôi phục và dần có sự khởi sắc trở lại. Ở những bản PTDL như bản Lác và bản Pom Coọng, nơi đây đã thực sự trở thành một khu chợ bán hàng dệt thổ cẩm mà các mặt hàng chủ yếu là của người Thái. Có thể nói, đây là những địa phương tiêu thụ sản phẩm dệt lớn nhất của huyện Mai Châu.Trong những năm đầu PTDL tại địa phương, việc bán những sản phẩm dệt thổ cẩm là những hoạt động sinh lợi nhất vì những sản phẩm này có sức hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Điều đó đã góp phần tạo thêm nguồn thu nhập cho các hộ gia đình bên cạnh nguồn thu nhập từ nông nghiệp.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, HĐDL phát triển mạnh, các hộ gia đình phải dành nhiều thời gian cho việc phục vụ KDL, họ cũng không có thời gian để dệt vải phục vụ cho cuộc sống của mình và làm hàng hóa bán cho KDL nữa. Vì vậy, những bản như bản Lác đã trở thành đầu mối tiếp xúc và đại lý tập kết hàng hóa của những bản khác và của các tộc người sống lân cận với những sản phẩm như: “váy của người Mường ở Tân Lạc, thổ cẩm của người Thái ở Thanh Hóa, áo gối in hoa văn của người Dao ở Tân Mai, váy thổ cẩm, súng săn, nỏ, khèn của người H’Mông ở Pà Cò, một số ít thổ cẩm của người Chăm và lụa tơ tằm của người Việt được đưa lên từ Hà Nội...”[55, tr.118].
“Phục vụ KDL bận lắm, mọi người không có thời gian dệt vải nữa. Chỉ dệt số ít để mặc thôi, còn lại là thuê các bản khác dệt hoặc mua lại của họ để bán cho KDL.”
(Theo ông H. C. T, bản Lác, xã Chiềng Châu, mai Châu).
Cũng chính vì không có thời gian để dệt vải, sản phẩm dệt truyền thống lại tốn nhiều thời gian, để đáp ứng nhu cầu của KDL, người Thái ở bản Lác phải thuê những bản khác dệt và nhập hàng hóa của một số vùng lân cận, để giảm chi phí và tiết kiệm người ta đã dệt ra những sản phẩm thủ công không còn như trước đây.
Hoa văn truyền thống trên nền thổ cẩm của dân tộc TMC đa dạng kiểu dáng, màu sắc như chim muông, hoa lá, voi, ngựa, nhà sàn... và được người dệt bài trí tùy theo công dụng của từng loại. Mỗi mặt phà, cạp váy, khăn có kiểu hoa văn khác nhau và được người dệt gửi tâm hồn, ước mơ trong đó.
Hiện nay: “chất truyền thống chứa đựng trong các sản phẩm dệt thủ công cũng bị quá trình thương mại hóa làm phai nhạt”[55, tr.119]. Hoa văn trên nền thổ cẩm đang bị cách tân đơn giản hơn nhằm để sản phẩm ra đời được nhanh hơn. Dệt thổ cẩm ở Mai Châu không giữ được sự tinh tuý như vốn có.
“Ngày xưa để dệt một tấm thổ cẩm, các mế, các chị phải mất 7 tháng trồng bông, trồng dâu rồi sau nhiều công đoạn như phơi bông, nhuộm chàm mới xe được sợi vải để dệt nên tấm thổ cẩm truyền thống. Hiện nay, đồng bào hầu như không trồng bông, trồng dâu để dệt vải nữa đâu. Bây giờ, những tấm vải thổ cẩm truyền thống của người TMC được dệt từ những sợi tổng hợp qua xử lý mang từ dưới xuôi lên. Sản phẩm làm ra nhiều nhưng du khách không thích”. (Chị H.T.D, bản Lác, xã Chiềng Châu, Mai Châu).
Như vậy, có thể thấy trong bối cảnh PTDL, nghề dệt đã được phục hồi sau một thời gian bị mai một lãng quên. Chính nhờ DL mà nghề dệt truyền thống được khởi sắc trở lại cùng với những GTVH khác. Tuy nhiên, cũng chính trong môi trường này, bản sắc của riêng của nghề dệt các sản phẩm truyền thống đã bị mai một. “Nhiều người thợ dệt và kinh doanh sản phẩm dệt đã rất lúng túng khi những vị khách am hiểu về VH đưa ra câu hỏi: đâu là nét truyền thống trên sản phẩm dệt của họ” [55, tr. 119]. Đây chính là một sự biến đổi rõ nét trong sinh kế của người TMC.
- Xuất hiện nhiều hoạt động sinh kế mới
Hoạt động DL phát triển tại địa phương đã mang lại công ăn việc làm cho người dân. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của KDL, ngoài các dịch vụ cơ bản như: cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú, biểu diễn văn nghệ thì người TMC còn làm thêm một số dịch vụ khác. Một số hộ không phục vụ dịch vụ lưu trú nhưng là điểm tham quan các xưởng dệt thổ cẩm hoặc làm hàng lưu niệm. Một số hoạt động khác như làm hướng dẫn viên, người dẫn đường, mang vác, nấu ăn tuy không thường xuyên nhưng đã đem lại cho họ một nguồn thu nhập đáng kể.
Ngoài những hoạt động sinh kế trên, người TMC ở các bản PTDL còn cho thuê xe đạp, xe điện đi dạo quanh bản, lái xe taxi, mở cửa hàng dịch vụ internet, xưởng sản xuất đồ thủ công, gội đầu, massage, bán nước giải khát, sản vật địa phương, bán đồ lưu niệm, trồng hoa bán vé tham quan chụp ảnh cho khách du lịch... Những hoạt động sinh kế này chủ yếu diễn ra tại những bản tập trung đông KDL như bản Lác, bản Pom Coọng và một số ít ở bản Nhót, bản Văn. Điều đó được thể hiện qua những số liệu ở bảng sau:
Bảng 2.14. Các hoạt động sinh kế của người Thái Mai Châu hiện nay
Dịch vụ | Số lượng (người) | Tỷ lệ (%) | |
1 | Cho thuê nhà nghỉ | 77 | 38,5 |
2 | Dịch vụ ăn uống | 137 | 68,5 |
3 | Bán hàng phục vụ du khách | 181 | 90,5 |
4 | Cắt tóc, gội đầu, masage | 5 | 2,5 |
5 | Bán hàng rong | 6 | 3,0 |
6 | Kinh doanh Internet và trò chơi điện tử | 11 | 5,5 |
7 | Phục vụ biểu diễn văn nghệ | 65 | 32,5 |
8 | Cung cấp lương thực, thực phẩm | 130 | 65,0 |
9 | Hướng dẫn tham quan cho khách du lịch | 106 | 53,0 |
10 | Dịch vụ khác: taxi, cho thuê xe máy, xe đạp,… | 130 | 65,0 |
Ghi chú: Một người có thể chọn nhiều phương án Nguồn: Kết quả điều tra của tác giả
Qua bảng thống kê trên, có thể thấy, các hoạt động sinh kế của người TMC gắn với sự phát triển của HĐDL chiếm tỷ lệ lớn. Trong đó, số lượng người dân tham gia hoạt động bán hàng phục vụ KDL chiếm tỷ lệ lớn nhất (90,5%), sau đó là cung cấp dịch vụ ăn uống (chiếm 68,5%) và các dịch vụ khác.
Những bản không PTDL thì người dân chủ yếu làm nông nghiệp và các công việc liên quan đến thủ công nghiệp và dịch vụ để tăng thu nhập cho gia đình.
Sự thay đổi trong hoạt động sinh kế của người TMC không chỉ thể hiện ở sự thay đổi về phương thức, cơ cấu KT mà còn biểu hiện ở sự phân công lao động trong mỗi gia đình người Thái.
- Thay đổi sự phân công lao động trong mỗi gia đình
Trong gia đình người Thái theo truyền thống trước đây có sự phân công các công việc giữa vợ và chồng tương đối rõ ràng. Người chồng thường lo việc nặng hơn như cày, bừa, chài lưới, kiếm gỗ, dựng nhà, dạy bảo con trai các công việc của đàn ông (cày bừa, săn bắn, đánh cá, bãy thú, đan lát...). Người vợ lo nội trợ, chăm sóc con, nương rẫy, cấy hái, dệt vải, thêu thùa, chăn nuôi... Việc lớn, việc nhỏ, khi khỏe mạnh cũng như ốm đau, vợ chồng đều chia sẻ, giúp đỡ, cùng có trách nhiệm nuôi dạy con cái. Việc dệt vải tưởng chừng như công việc chỉ dành cho người phụ
nữ thì cũng có sự phân công công việc giữa người chồng và người vợ. Người chồng lo việc chế tác các công cụ dệt như: đóng khung cửi, làm công cụ bật bông, cán bông, se sợi, guồng quay, thùng gỗ nhuộm sợi, đóng bàn sợi, khi có thời gian họ cũng đi rừng tìm các nguyên liệu để nhuộm vải giúp phụ nữ trong nhà. Các công việc còn lại do người phụ nữ trong gia đình như: vợ, con gái, con dâu đảm nhiệm.
Hiện nay: Với sự phát triển của HĐDL, nhiều hoạt động sinh kế mới xuất hiện, các thành viên trong gia đình cùng tham gia vào nhiều dịch vụ phục vụ KDL khác nhau. Trong việc kinh doanh phục vụ KDL, người phụ nữ đóng vai trò chính, đảm nhiệm nhiều công việc trong quá trình phục vụ khách. Vì vậy, công việc làm nương rẫy, cấy hái, chăn nuôi trước đây là của phụ nữ thì hiện nay nam giới đảm nhiệm phần nhiều công việc này.
Phân tích bảng số liệu dưới đây cho thấy: Trong số 200 người được hỏi, người phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm phần lớn các công việc chính trong khâu phục vụ KDL với tỷ lệ: nấu nướng phục vụ KDL, nữ chiếm 72%, nam giới cũng tham gia vào trợ giúp phụ nữ trong gia đình ở công việc này nhưng chỉ chiếm 28%; công việc dệt vải do phụ nữ trong nhà đảm nhiệm chiếm 100%, nam giới chỉ tham gia hỗ trợ chế tác công cụ phục vụ cho việc dệt; bán hàng lưu niệm, sản phẩm thổ cẩm, sản vật địa phương, hướng dẫn tham quan cho khách, nữ giới chiếm 26%, con số này ở nam giới là 74%. Những công việc khác phần nhiều do nam giới đảm nhận như: làm nương rẫy, cấy hái: nam giới 80,5%, phụ nữ trong gia đình chỉ tham gia với tỷ lệ thấp là 19,5%, chăn nuôi: có 67,5% số người được hỏi là nam giới tham gia vào công việc này, trong khi đó ở phụ nữ là 32,5% vì phần lớn thời gian họ dành cho các công việc chính phục vụ KDL. Ở hoạt động biểu diễn văn nghệ phục vụ KDL, tỷ lệ nam giới và phụ nữ tham gia là: nam giới là 34,5%%, nữ giới là: 65,5%. Như vậy, sự phân công lao động trong gia đình không còn quá rạch ròi như trước nữa mà đã có sự linh hoạt chuyển đổi, hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình.
“Bà ấy (vợ) và các cháu nó phụ trách nấu nướng phục vụ KDL thì tôi đi làm cỏ lúa thôi. Mỗi người hỗ trợ nhau một chút”.
(Ông H.C.T, bản Lác, xã Chiềng Châu, Mai Châu)
Bảng 2.15. Phân công giữa các thành viên trong gia đình người Thái Mai Châu hiện nay
Công việc | Nam giới | Phụ nữ | |||
Số lượng | Tỷ lệ % | Số lượng | Tỷ lệ % | ||
1 | Làm nương rẫy, cấy hái | 161 | 80,5 | 39 | 19,5 |
2 | Chăn nuôi | 135 | 67,5 | 65 | 32,5 |
3 | Nội trợ, nấu nướng phục vụ khách du lịch | 56 | 28,0 | 144 | 72,0 |
4 | Dệt vải | 0 | 0,0 | 200 | 100,0 |
5 | Cày bừa, chài lưới, đan lát, đẵn gỗ, dựng nhà | 184 | 92,0 | 16 | 8,0 |
6 | Bán hàng (thổ cẩm, đồ lưu niệm, sản vật địa phương) | 75 | 37,5 | 125 | 62,5 |
7 | Biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch | 69 | 34,5 | 131 | 65,5 |
8 | Hướng dẫn tham quan cho khách du lịch | 148 | 74,0 | 52 | 26,0 |
Ghi chú: Môt người có thể chọn nhiều câu trả lời Nguồn: Kết quả điều tra của tác giả
Ngoài ra, trẻ em trong các gia đình cũng được huy động hỗ trợ phụ giúp người lớn những công việc khác những lúc gia đình đón nhiều KDL như: dọn bàn ghế, bát đĩa chuẩn bị cho bữa ăn, quét nhà, trông hàng, trông em phụ giúp bố mẹ, bán sản vật địa phương, bán đồ lưu niệm...
Với sự phát triển của DL trong khoảng 20 năm, bản Lác, bản Poom Coọng, và một số bản khác ở MC, HB đã được cải thiện đáng kể về đời sống KT, đời sống VH- XH. Sự thay đổi đó gắn với sự thay đổi về các hoạt động sinh kế trong quá trình PTDL của người dân địa phương. Sự thay đổi về cơ cấu KT với sự xuất hiện của nhiều hoạt động sinh kế mới, sự phân công lao động trong mỗi gia đình thể hiện sự linh hoạt và thích ứng nhanh với bối cảnh PTDL của người TMC.
2.3. Biến đổi văn hóa tinh thần của người Thái ở Mai Châu, Hòa Bình
2.3.1. Ngôn ngữ
Trong quá trình PTDL, ngôn ngữ của người Thái đã có nhiều biến đổi được biểu hiện ở những điểm sau:
- Tăng cường sử dụng song ngữ
Người TMC trước đây chỉ nói tiếng của tộc người mình. Sau này, cùng với sự phát triển về KT, sự phát triển của các phương tiện truyền thông và đặc biệt là sự
giao lưu giữa các vùng thông qua hoạt động buôn bán, di dân, người TMC còn nói tiếng của người Kinh và một số tộc người lân cận trong vùng nhưng không nhiều. Hiện nay, với sự phát triển của HĐDL, để có thể giao lưu và phục vụ KDL, người TMC không chỉ nói tiếng của dân tộc mình mà còn sử dụng cả ngôn ngữ phổ thông (tiếng Việt) và tiếng nước ngoài. Ngôn ngữ của đồng bào TMC đã có nhiều biến đổi theo hướng tăng cường sử dụng song ngữ. Tiếng Kinh, tiếng Thái được sử dụng phổ biến. Tiếng Anh và một số tiếng nước khác cũng được sử dụng, nhất là trong hướng dẫn du khách và bán hàng lưu niệm.
Qua kết quả khảo sát với 200 người được hỏi thì có hơn 90% số người thành thạo cả hai tiếng là tiếng Kinh và tiếng Thái, mức độ sử tiếng nước ngoài chủ yếu là tiếng Anh ở mức độ thấp chỉ chiếm 1,5%.
Bảng 2.16. Ngôn ngữ mà người Thái Mai Châu đang sử dụng hiện nay
Nói thành thạo những ngôn ngữ | Số lượng (người) | Tỷ lệ (%) | |
1 | Tiếng dân tộc mình | 187 | 93,5 |
2 | Tiếng dân tộc Kinh | 184 | 92,0 |
3 | Tiếng nước ngoài | 3 | 1,5 |
Ghi chú: Một người có thể chọn nhiều phương án trả lời Nguồn: Kết quả điều tra của tác giả
Khi giao tiếp trong gia đình, người Thái chủ yếu sử dụng tiếng dân tộc mình. Nhưng trong cộng đồng, họ vừa sử dụng tiếng Kinh, vừa sử dụng tiếng dân tộc để giao tiếp. Tiếng Thái vẫn được duy trì bởi họ phải hiểu, biết tiếng Thái thì mới hiểu biết VH và hướng dẫn du khách được.
Tỷ lệ sử dụng song ngữ, đa ngữ trong giao tiếp có sự khác nhau giữa các địa phương. Đối với các bản mà DL phát triển hơn như bản Lác, Poom Cọong thì chủ yếu là song ngữ là tiếng Thái và tiếng Việt, họ phải sử dụng như vậy để phục vụ du khách. Có thể thấy sự khác biệt này qua bảng số liệu dưới đây:
Bảng 2.17. So sánh việc sử dụng tiếng Kinh của người Thái Mai Châu hiện nay
Bản | Sử dụng thành thạo tiếng Kinh | Tỷ lệ (%) | |
1 | Bản Lác | 120 | 65,2 |
2 | Bản Poom Cọong | 64 | 34,7 |
Nguồn: Kết quả điều tra của tác giả
Ở các bản làng mà DL kém phát triển hơn như bản Văn, bản Nhót thì tỷ lệ sử dụng tiếng Thái vẫn nhiều hơn.
Thống kê từ số liệu điều tra cho thấy việc sử dụng ngôn ngữ cũng thay đổi theo địa điểm, bối cảnh giao tiếp. Ở những nơi công cộng, hội họp người Thái sử dụng tiếng dân tộc mình là 94,5%, tiếng Kinh là 69,5%. Tiếng nước ngoài không được sử dụng trong những nơi đông người và hội họp. Đặc biệt, trong số 60 gia đình điều tra ở 2 bản DL phát triển mạnh (bản Lác, bản Pom Coọng) đều có trên 1/2 số thành viên gia đình sử dụng thành thạo tiếng Kinh.
Hiện nay, người TMC thường xuyên sử dụng tiếng Kinh trong giao tiếp, thậm chí họ sử dụng tiếng Kinh cả khi giao tiếp giữa người Thái với người Thái. Tiếng Kinh ở đây được sử dụng song hành với tiếng Thái, thậm chí còn thông dụng hơn cả tiếng Thái. Nhiều trẻ em của nhiều gia đình người TMC thậm chí chỉ hiểu tiếng Thái nhưng nói bằng ngôn ngữ Thái thì rất khó khăn. Các trẻ nhỏ cả ngày đi học và giao tiếng bằng tiếng Kinh tại trường, khi về nhà, tối bố mẹ lại bận kinh doanh nên thời gian tiếp xúc và sử dụng tiếng Thái rất ít, có khi bắt buộc giao tiếp với mọi người bằng tiếng Kinh, tần suất đối thoại và giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình giảm đi rất nhiều.
“Trẻ con đi học cả ngày từ thứ hai đến thứ 6, ở trường học toàn nói tiếng Kinh. Cả tuần thì chỉ được nghỉ hai ngày cuối tuần, thời điểm đó khách du lịch đến đông, người lớn thì lại bận phục vụ khách. Vậy nên hầu như các cháu toàn nói tiếng Kinh”.
(Ông H.C.T, bản Lác, Chiềng Châu, Mai Châu)
Tiếng Anh cũng được người TMC sử dụng nhưng ở mức độ rất thấp, chỉ đủ giao dịch khi bán hàng. Để có thể hiểu và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, chính quyền cũng có những chính sách hỗ trợ bà con học ngoại ngữ. Liên minh hợp tác xã tỉnh Hòa Bình đã triển khai tổ chức những lớp học ngoại ngữ, tuy lớp học tổ chức trong thời gian ngắn nhưng cũng giúp bà con có thể giao tiếp đơn giản với du khách trong phục vụ ăn uống, lưu trú, bán hàng. Một số con em của người TMC hiện đang được đào tạo tại các trường chuyên nghiệp đã học tiếng Anh khá bài bản và sử dụng ngôn ngữ này để làm dịch vụ hướng dẫn tham quan cho KDL nhưng số người sử dụng thành thành thạo tiếng Anh cũng không nhiều. Ngoài ra, một số ít người ở các bản còn nói được tiếng tiếng Pháp, tiếng Hoa.