Hoàn Thiện Các Quy Định Của Luật Tố Tụng Hình Sự Về Các Biện Pháp Ngăn Chặn Hạn Chế Quyền Tự Do

là biện pháp tạm giam trong thực tiễn. Theo quan điểm của chúng tôi, cần hoàn thiện các BPNC hạn chế quyền tự do theo những định hướng sau:

- Hoàn thiện các quy định về căn cứ áp dụng các BPNC theo hướng cụ thể, rõ ràng.

Thể chế hóa đầy đủ yêu cầu của Đảng để quy định chặt chẽ căn cứ tạm giam và hạn chế việc áp dụng biện pháp này trong thực tiễn; phát huy hiệu quả những BPNC có tính chất thay thế biện pháp tạm giam (như: Bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản đảm bảo); đồng thời phải đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời ngăn chặn tội phạm, không để người phạm tội gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án [2, tr.7].

Theo chúng tôi, mỗi BPNC đều có tính chất, mức độ nghiêm khắc khác nhau vì vậy thì ngoài các căn cứ chung cần phải có thêm những căn cứ riêng cho từng biện pháp và chỉ áp dụng các BPNC hạn chế quyền tự do, đặc biệt là biện pháp tạm giữ, tạm giam trong trường hợp thật cần thiết. Không nên dựa trên cách phân loại tội phạm của BLHS để quy định điều kiện áp dụng biện pháp tạm giam.

- Cùng với việc hoàn thiện các quy định của pháp luật thì cần phải tăng cường công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật để có sự nhận thức một cách thống nhất các quy định của pháp luật trên cơ sở đó vận dụng vào quá trình giải quyết vụ án được chính xác, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng áp dụng các BPNC không có căn cứ hoặc không cần thiết.

- Để đảm bảo việc bảo vệ quyền con người thông qua các BPNC hạn chế quyền tự do thì cần phải hoàn thiện các quy định về quyền và nghĩa vụ của những người bị áp dụng các BPNC này. Đồng thời cũng cần phải hoàn thiện quy định về trách nhiệm của những người THTT trong việc để xảy ra oan sai khi áp dụng các BPNC.

Cụ thể, theo chúng tôi cần phải thực hiện một số giải pháp sau:

3.1. Giải pháp về việc hoàn thiện pháp luật

3.1.1. Hoàn thiện các quy định của Luật tố tụng hình sự về các biện pháp ngăn chặn hạn chế quyền tự do

3.1.1.1. Hoàn thiện quy định về biện pháp bắt người

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 114 trang tài liệu này.

Bắt người là BPNC mang tính đặc thù thường được áp dụng liền trước các BPNC như tạm giữ, tạm giam. BPNC này làm hạn chế một số quyền tự do của cá nhân người bị bắt, buộc họ phải có mặt tại địa điểm quy định để làm việc với các cơ quan và người có thẩm quyền theo quy định của BLTTHS. Việc bắt người đúng quy định, kịp thời sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tội phạm, ngăn chặn kịp thời những hành vi phạm tội gây thiệt hại cho xã hội và lợi ích của công dân, ngăn ngừa người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trốn tránh pháp luật, bảo đảm cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được thuận lợi. Và ngược lại, việc bắt người không đúng quy định của pháp luật (như bắt những trường hợp không đảm bảo căn cứ và sự cần thiết hoặc không bắt những trường hợp mà lẽ ra cần phải bắt) sẽ xâm phạm quyền tự do thân thể, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm đến quyền con người của người bị áp dụng, làm giảm uy tín của các cơ quan nhà nước nói chung và các cơ quan bảo vệ pháp luật nói riêng. Vì vậy, theo chúng tôi cần phải hoàn thiện những vấn đề sau:

- Trước tiên, cần sửa đổi khoản 1 Điều 84 BLTTHS năm 2003: “Biên bản về việc bắt người”. Theo quy định tại điều luật này thì đã liệt kê đầy đủ các điều kiện, nội dung, yêu cầu của một biên bản bắt người. Tuy nhiên dưới góc độ bảo vệ quyền con người thì quy định như trên chưa bảo vệ được quyền lợi của người bị bắt bởi trong những quy định trên không quy định cho người bị bắt được quyền nhận biên bản bắt người. Mặt khác BLTTHS năm 2003 cũng không có điều luật quy định về quyền của người bị bắt. Vì vậy theo

Bảo vệ quyền con người thông qua các biện pháp ngăn chặn hạn chế quyền tự do theo quy định - 11

chúng tôi cần phải bổ sung vào BLTTHS một điều luật quy định về quyền của người bị bắt trong đó ghi rõ những quyền của họ và tại khoản 1 Điều 84 nêu trên cũng cần phải quy định rõ về việc người bị bắt cũng có quyền nhận biên bản bắt nhằm tránh sự thất lạc, mất mát, sai sót, tùy tiện của những người có quyền THTT đồng thời thể hiện sự tôn trọng người bị bắt. Theo đó, khoản 1 Điều 84 BLTTHS sẽ được bổ sung như sau: “Biên bản bắt người được lập thành hai bản, người bị bắt được giao 01 bản”.

- Sửa đổi quy định tại điểm b, c khoản Điều 81 BLTTHS về Bắt khẩn cấp theo hướng cần quy định cụ thể căn cứ xác định việc người đã thực hiện tội phạm có hành vi bỏ trốn hay tiêu hủy chứng cứ, hạn chế mức thấp nhất việc áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp sau đó phải trả tự do vì không đủ căn cứ xử lý hình sự. Theo đó, điểm b, c khoản 1 Điều 81 sẽ được sửa đổi như sau:

b. Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà có căn cứ xác định người đó đang có hành vi chuẩn bị bỏ trốn.

c. Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và có căn cứ xác định họ đang chuẩn bị bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

- Tiếp theo quy định tại Điều 85 BLTTHS năm 2003 cũng có những bất cập cần phải hoàn thiện nhằm bảo vệ quyền con người, đó là: theo quy định của điều luật này thì thông báo về việc bắt là một trong các quyền của người bị bắt tuy nhiên vấn đề bảo đảm quyền này trên thực tế vẫn chưa được chú trọng và việc thực hiện cũng chưa được thống nhất do hiện tại điều luật quy định về việc “phải thông báo ngay” là không có định lượng về một khoảng thời gian nhất định. Vậy ngay là trong khoảng bao nhiêu giờ?. Hay việc cản trở việc điều tra thì những trường hợp như thế nào là cản trở hoạt động điều tra. Mặt khác, việc thông báo sẽ được thực hiện thế nào khi người bị bắt là đối

tượng lang thang không nơi cư trú nhất định và không có gia đình hay người bị bắt là công dân nước ngoài (hiện nay đang có xu hướng gia tăng tình trạng công dân nước ngoài sang Việt Nam và thực hiện hành vi phạm tội). Vì vậy cần phải có quy định cụ thể thông báo ngay là trong thời hạn bao nhiêu lâu và những trường hợp nào nếu thông báo ngay sẽ cản trở cho hoạt động điều tra; trong trường hợp đối tượng bị tạm giữ không có gia đình và nơi cư trú nhất định thì thông báo cho người nào?. Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, có thể thấy theo quy định của BLTTHS nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thì thời hạn thông báo này là 24 giờ. Còn theo quy định tại BLTTHS của Cộng hòa liên bang Đức thì:

Thẩm phán đã ra lệnh bắt và tạm giam bị can phải thông báo cho một người thân thích của bị can hoặc người mà bị can tin tưởng về việc bắt bị can và các quyết định khác có liên quan đến việc tiếp tục giam bị can. Ngoài ra, chính bản thân người bị bắt phải được tạo điều kiện để trực tiếp thông báo cho một người thân hoặc người mà họ tin tưởng về việc họ bị bắt với điều kiện không làm ảnh hưởng tới mục đích của việc điều tra [39].

Theo chúng tôi thì thời hạn thông báo là không quá 24 giờ kể từ khi bị bắt là phù hợp và đối tượng nhận thông báo về việc bắt là gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc, trong trường hợp người bị bắt không có gia đình và không có nơi cư trú xác định thì phải thông báo cho những người thân thích khác của người bị bắt nếu họ có đề nghị, còn trong trường hợp người bị bắt là công dân nước ngoài thì cần phải thông báo cho Đại sứ quán nước có công dân bị bắt. Và Điều 85 BLTTHS năm 2003 sẽ được sửa đổi như sau:

Người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt trong thời hạn 24 giờ phải thông báo cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thì

trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết; trong trường hợp người bị bắt không có gia đình và không có nơi cư trú xác định thì phải thông báo cho những người thân thích khác của người bị bắt nếu họ có đề nghị; trường hợp người bị bắt là công dân nước ngoài thì phải thông báo cho cơ quan ngoại giao đẻ thông báo cho Đại sứ quán nước có công dân bị bắt biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay.

3.1.1.2. Hoàn thiện quy định về biện pháp tạm giữ

Tạm giữ là BPNC được quy định trong BLTTHS do cơ quan có thẩm quyền áp dụng nhằm buộc những người bị áp dụng biện pháp này phải cách li khỏi xã hội trong một thời gian nhất định để ngăn chặn hành vi phạm tội, hành vi gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Chính vì vậy, đây là BPNC có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, ngăn chặn hành vi phạm tội, tạo điều kiện cho cơ quan điều tra thu thập chứng cứ, tài liệu, bước đầu xác định hành vi, tính chất của hành vi phạm tội, qua đó làm rõ thêm căn cứ để quyết định việc có khởi tố về hình sự đối với họ hay không. Với thời hạn của biện pháp này không dài nhưng người bị tạm giữ cũng bị cách li khỏi xã hội một thời gian theo luật định, bị hạn chế tự do đi lại và tự do cư trú cùng một số quyền khác… Chính vì vậy, tất cả các vấn đề như về đối tượng, căn cứ, điều kiện áp dụng, trình tự, thủ tục, thời hạn, thẩm quyền ra lệnh cần phải được quy định khá chặt chẽ, cụ thể thì việc bảo vệ quyền con người thông qua biện pháp này mới có thể được bảo đảm trên thực tế. Đối với biện pháp này theo chúng tôi cần phải sửa đổi một số vấn đề sau:

Thứ nhất: Về căn cứ tạm giữ

Ngoài căn cứ áp dụng các BPNC được quy định tại Điều 79 của BLTTHS thì đối với biện pháp tạm giữ cần phải đảm bảo có căn cứ sau: Khi cần phải thu thập, xác minh thêm những tình tiết quan trọng để làm căn cứ cho việc khởi tố bị can.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 86 BLTTHS năm 2003 thì Viện kiểm sát có quyền ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết. Đây là quy định nhằm đảm bảo cho việc áp dụng biện pháp tạm giữ của đúng quy định thông qua đó nhằm bảo vệ quyền con người. Tuy nhiên việc quy định như trên là chưa đầy đủ và thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy hàng năm còn nhiều trường hợp Viện kiểm sát không đủ căn cứ xác định việc tạm giữ có căn cứ hay cần thiết hay không để ra quyết định hủy bỏ tạm giữ mà chỉ đến khi gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát mới có đủ căn cứ để xem xét tính có căn cứ hay cần thiết của việc tạm giữ. Vì vậy, theo chúng tôi, để kịp thời bảo vệ quyền con người thông qua biện pháp tạm giữ, đảm bảo việc tạm giữ là có căn cứ và cần thiết điều luật cần phải sửa đổi theo hướng cùng với việc gửi quyết định tạm giữ cho Viện kiểm sát thì CQĐT cần phải gửi kèm theo các tài liệu liên quan đến việc tạm giữ cho Viện kiểm sát để Viện kiểm sát có đủ căn cứ xác định việc tạm giữ là có căn cứ và cần thiết hay không để quyết định có hủy bỏ quyết định tạm giữ hay không. Theo đó khoản 3 Điều 86 của BLTTHS sẽ được sửa đổi như sau:

Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp cùng các tài liệu liên quan đến việc tạm giữ. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

Quyết định tạm giữ phải ghi rõ lý do tạm giữ, ngày hết hạn tạm giữ và phải giao cho người bị bắt một bản.

- Thứ hai: Về thời hạn tạm giữ

Theo quy định tại khoản 1 Điều 87 BLTTHS năm 2003 thì thời hạn tạm giữ được tính kể từ khi CQĐT nhận người bị bắt. Như vậy, BLTTHS năm

2003 mới chỉ điều chỉnh thời hạn tạm giữ của người có thẩm quyền ra lệnh tạm giữ là Thủ trưởng và Phó Thủ trưởng CQĐT mà chưa có sự điều chỉnh về thời hạn tạm giữ của những người có thẩm quyền ra lệnh tạm giữ khác (người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương, người chỉ huy đồn biên phòng, người chỉ huy tàu bay, tàu biển và Chỉ huy trưởng vùng Cảnh sát biển). Để đảm bảo quyền con người của người bị tạm giữ, theo chúng tôi nên quy định thời hạn tạm giữ được tính từ khi có lệnh tạm giữ của người có thẩm quyền theo quy định của BLTTHS.

Đối với các trường hợp gia hạn tạm giữ, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất và cần thiết, tránh việc lạm dụng gia hạn tạm giữ, bảo vệ được quyền con người thì cần phải quy định rõ trường hợp nào là cần thiết và trường hợp nào là đặc biệt.

3.1.1.3. Hoàn thiện các quy định về biện pháp tạm giam

Tạm giam là BPNC nghiêm khắc nhất trong BLTTHS năm 2003 của nước ta, biện pháp này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do thân thể và tự do đi lại của người bị áp dụng. Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ:

Phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm quyền hạn tư pháp trong hoạt động tố tụng tự pháp theo hướng tăng quyền và trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán để họ chủ động trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định tố tụng của mình. Xác định rõ căn cứ tạm giam; hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với một số loại tội phạm; thu hẹp đối tượng người có thẩm quyền quyết định việc áp dụng các biện pháp tạm giam [4].

Để đáp ứng được yêu cầu nêu trên, theo chúng tôi cần phải hoàn thiện một số quy định sau:

- Cần phải hoàn thiện các quy định về căn cứ tạm giam:

Bị can, bị cáo mới chỉ là người bị nghi đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà BLHS quy định là tội phạm, việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ nhằm mục đích không để họ trốn tránh cản trở hoạt động của các cơ quan THTT hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, không thể suy luận bất kỳ một người nào đã phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hay phạm tội rất nghiêm trọng thì họ sẽ tiếp tục thực hiện tội phạm hoặc sẽ có hành vi trốn tránh gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan và người THTT nên đối với những người này cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm giam. Mặt khác, việc xác định hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ đã thực hiện là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hay tội rất nghiêm trọng có nhiều trường hợp không thể xác định được ngay từ khi khởi tố bị can mà phải qua một quá trình điều tra. Thực tế có nhiều trường hợp ban đầu khởi tố đối với họ về tội rất nghiêm trọng nhưng trong quá trình điều tra, sau khi đã thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ thì xác định hành vi mà họ đã thực hiện không phải là tội rất nghiêm trọng. Trong trường hợp này, nếu chỉ căn cứ vào việc bị can phạm tội rất nghiêm trọng để áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ theo như quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 BLTTHS là không chính xác. Đồng thời việc quy định căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam như quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 BLTTHS là không phù hợp với mục đích, căn cứ áp dụng BPNC chung quy định tại Điều 79 BLTTHS. Trong quá trình áp dụng các BPNC, bất kỳ BPNC nào cũng cần phải có một trong các căn cứ, đó là: Bị can, bị cáo có thể tiếp tục phạm tội; Bị can, bị cáo gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; Cần đảm bảo cho việc thi hành án. Tuy nhiên quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 BLTTHS năm 2003 không thể hiện bất kỳ một căn cứ nào trong số những căn cứ nêu trên.

+ Về căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam theo quy định tại điểm b khoản

Xem tất cả 114 trang.

Ngày đăng: 21/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí