Một hình ảnh rất dễ nhận biết là trong các làng quê Việt Nam - và sau này là ở phố thị, việc xây dựng chùa chiền rất được coi trọng. Chùa chiền được xây dựng phát triển lên rất nhiều, được khơi dậy từ đời vua Đinh Tiên Hoàng, củng cố ở đời vua Lê Đại Hành và cực thịnh ở các triều vua nhà Lý. Tuy các đời sau (hậu Lê, Chúa Trịnh, Tây Sơn, vua Gia Long) không mấy quan tâm đến đạo Phật. Có thời kỳ đạo Phật bị ngăn trở, xem nhẹ, nhưng bên cạnh, đã có Chúa Nguyễn ở Đàng Trong cổ xúy, tôn trọng. Nhất là tư tưởng đạo Phật đã được thấm nhập vào con người Việt Nam, hòa nhịp cùng trái tim, khối óc của họ. Cho nên các tư tưởng của đạo Phật chỉ tạm thời ngưng trễ trong các sinh hoạt có vẻ hình thức (xây chùa, hành lễ, thuyết giảng,...) nhưng rồi lại trỗi dậy mạnh mẽ trong tâm hồn, lối sống người Việt. Trong thực tế của cuộc sống, ca dao ghi lại các sinh hoạt, suy tư, tình cảm chịu ảnh hưởng sâu rộng của tư tưởng Phật giáo thì rất nhiều, chiếm đa số trong những câu ca thuộc lĩnh vực này, nhưng với giới hạn của tiểu tiết có tính khái quát trong luận văn, chúng tôi xin đưa ra một số minh chứng tiêu biểu:
Ngay từ khi đạo Phật du nhập vào trung tâm Luy Lâu đã được tâm thức dân gian của người Việt ghi nhận qua những câu ca dao, tục ngữ mang tính chất truyền miệng. Đánh dấu sự xuất hiện của đạo Phật trên đất nước Giao Châu dân gian có câu:
"Từ Sơn phủ, huyện Tiên Du
Phượng Hoàng nơi ấy có chùa Linh Quang".
Chùa Linh Quang ở núi Phượng Hoàng là nơi mà nhà sư Khâu Đà La đến lập am truyền đạo. Để từ đó, đạo Phật dần thấm sâu rễ bền gốc trong tâm thức, tư tưởng, tình cảm và lối sống, đạo đức của người dân Việt Nam. Hình ảnh của Đức Phật đã trở nên quen thuộc và luôn luôn chiếm giữ một vị trí trang nghiêm nhất trong tâm thức dân gian người Việt. Với người Việt Nam Đức Phật thường được gọi là Bụt, được ví ngang với ông trời. Bằng tư duy
nông nghiệp, từ xa xưa người Việt Nam đã nhân cách hóa Trời thành một vị thần có khả năng làm mưa, gây giông tố, sấm sét, ban phúc, giáng họa. Đạo Phật du nhập vào Việt Nam không kích bác gì tín ngưỡng về ông trời, trong tâm thức dân gian của người dân Việt Nam ông trời lại kết hợp với ông Phật, Phật với Trời gần như có một sự đồng nhất với nhau, Phật được ví như trời và ngược lại:
"Nghiêng vai ngửa vái Phật Trời Đương cơn hoạn nạn độ người trầm luân"
Hay:
Có thể bạn quan tâm!
- Sự Tác Động Của Phật Giáo Đến Văn Hóa Dân Gian Việt Nam
- Ảnh hưởng của Phật giáo đến văn hoá dân gian Việt Nam - 4
- Ảnh Hưởng Của Phật Giáo Đến Văn Học Dân Gian Việt Nam
- Ảnh hưởng của Phật giáo đến văn hoá dân gian Việt Nam - 7
- Ảnh Hưởng Của Phật Giáo Đến Tín Ngưỡng, Lễ Hội Và Nghệ Thuật Biểu Diễn Dân Gian Việt Nam
- Ảnh hưởng của Phật giáo đến văn hoá dân gian Việt Nam - 9
Xem toàn bộ 110 trang tài liệu này.
"Tay bưng quả nếp vô chùa Thắp nhang lạy Phật xin bùa em đeo"
Do ảnh hưởng của đạo Phật, ông Trời trong tâm thức dân gian Việt Nam không những chỉ làm mưa, làm nắng, mà còn cùng với ông Phật làm sự nghiệp cứu người trong cơn hoạn nạn, vớt người trong cảnh trầm luân của biển khổ. Đức Phật hay còn gọi là Bụt ở người bình dân là một hình ảnh đàng hoàng, chững chạc nên người đời thường nói: “No nên Bụt, đói nên ma”. Không chỉ có vẻ bề ngoài, Bụt còn hiện thân cho tư cách đạo đức bên trong: “Đi với Bụt mặc áo Cà sa, đi với ma phải mặc áo giấy”. Rò ràng, Bụt tượng trưng cái thiện, cái đẹp, còn ngược lại ma quỉ tượng trưng cho cái xấu, cái ác (xấu như ma, dữ như quỉ). Tấm lòng Bồ Tát hay Bụt rất quảng đại vị tha mà người đời phải cố gắng noi theo, dù biết là khó khăn vì bản tính con người là tham lam ích kỷ: “Của người Bồ Tát, của mình lạt buộc”. Vì thế, địa vị của Bụt ở trên cao, được mọi người tôn sùng: “Bụt ngồi trên tòa, không gà nào dám mổ mắt”, “Của Bụt mất một đền mười, Bụt hãy còn cười Bụt chửa nhận cho”.
Đối với người Việt Nam hình ảnh đức Phật gần gũi và thân thương đến vậy, giáo lý mà Ngài đã truyền giảng cho con người trong tâm thức dân
gian cũng khác với các học thuyết tôn giáo của phương Đông. Phật giáo phát triển về mặt tự nhiên của con người: sinh, lão, bệnh, tử. Đó là bốn chặng của cuộc đời con người, tuy bị coi là khổ, nhưng ở đó phản ánh một sự phát triển của cơ thể sống con người. Những tư tưởng từ bi, bác ái, chủ trương hỉ, xả, cứu khổ, cứu nạn của Phật giáo đã gây xúc động lòng người và trở thành một trong những cội nguồn của chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam. Triết lý bình đẳng, hòa bình, bác ái của Phật giáo phù hợp với bản chất của văn hóa nông nghiệp, ưa sống ổn định, thái bình, trọng tình nghĩa. Thuyết nhân quả, nghiệp báo, luân hồi chuyển kiếp của Phật giáo đã ăn sâu trong tư tưởng người Việt: Khi khuyên dạy về thuyết nhân quả dân gian có câu:
“Có tiền thì hậu mới hay,
Có trồng cây đức, mới dầy nên nhân”.
Hoặc thuyết luân hồi của đạo Phật cũng có ý nghĩa như một lời nhắn nhủ con người hãy làm lành, lánh dữ. Xuất phát từ ý tưởng đạo đức cao cả, mong muốn con người trong xã hội có một cuộc sống tốt đẹp, luôn phấn đấu theo điều lành, điều thiện, tránh điều ác, Phật giáo đưa ra quan niệm về nhân quả báo ứng, kiếp, nghiệp người. Theo quan niệm của nhà Phật, mọi hoạt động của con người từ thân, khẩu, ý đều để lại một kết quả nhất định, trong đó nhân có trước, quả có sau, quả phụ thuộc vào nhân và nhân nào quả ấy. Tùy thuộc vào việc con người gieo nhân như thế nào mà họ nhận lại được quả tương ứng. Nhà Phật gọi đó là Nghiệp báo.
Quan niệm về nghiệp, kiếp con người trong Phật giáo có ý nghĩa giáo dục, răn dạy mọi người trong cuộc sống phải luôn có ý thức giữ gìn phẩm chất đạo đức, “tu nhân tích đức” thì mới mong chuộc được những lỗi lầm của “kiếp trước” và có được một cuộc sống tốt đẹp ở “kiếp sau”.
“Người trồng cây hạnh người chơi
Ta trồng cây đức để đời về sau”
Nói tới nghiệp, kiếp người cũng có nghĩa là nói tới sự sinh ra và mất đi của mỗi người. Phật giáo cho rằng, sự sinh ra của một kiếp người thực chất chỉ là sự tiếp nối của vô lượng lần sinh ra trước đó, cũng là bước chuẩn bị cho vô lượng lần sinh ra sau này. Sự sống mỗi kiếp thực ra chỉ là ngắn ngủi, vô ngã, vô thường, vì thế chẳng nên tham lam. Chết không phải là hết mà là sự chuyển hóa từ một kiếp này sang một kiếp khác.
“Sinh không, tử lại hoàn không Khó ta, ta chịu, đừng mong giàu người.”
Con người muốn có nghiệp tốt, muốn được giải thoát đạt tới Niết bàn phải tự mình tu luyện theo "Bát chính đạo", phải "làm lành, lánh ác", "không màng lợi danh", bởi mọi sự vật trong thế giới này đều là "vô thường", ngay cả bản thân con người cũng là "vô ngã". Chính vì vậy, dân gian khuyên con người hãy tìm đến chân tu, diệt dục:
“Mặc ai chuộc lợi, mua danh Miễn ta học đặng đạo lành thì thôi”
Khuyên con người hãy "làm lành, lánh ác" kinh Pháp cú cũng có câu: "Không làm mọi điều ác.
Thành tựu các hạnh lành, Tâm ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy"[PC.183].
Thấu hiểu sâu sắc được lời khuyên dạy của đức Phật với chúng sinh hãy còn tham đắm, vui say trong "nhà lửa", khuyên chúng sinh hãy tránh điều ác, làm điều thiện nuôi lòng từ bi ca dao đã kêu gọi:
“Tu cho trọn kiếp bụi hồng
Kẻo già lại tiếc rằng lòng từ bi”
Từ sự hòa nhập, đắm mình trong giáo lý đạo Phật một cách thuần thục, sâu sắc, đã làm đổi thay nếp nghĩ cũ, rất tiến bộ về sự "giàu" và "nghèo" của người đời, về nghiệp quả tương báo của mỗi cá nhân:
“Thiên cao đã có Thánh tri (A La Hán, Bồ Tát) Người nhân nghĩa chẳng hàn vi bao giờ”
Do vậy, trong bể khổ trầm luân (còn gọi là "cửa thần phù" theo ca dao và "Ngũ uẩn" theo Phật pháp) người nào sớm giác ngộ, sống và hành theo lời Phật, sẽ được an lạc, giải thoát, còn kẻ xấu ác, chướng nghịch, sẽ mãi quay cuồng trong sinh tử khổ đau:
“Lênh đênh qua cửa Thần phù Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm”
Chính vì thấy được cái ngắn ngủi của kiếp nhân sinh, sự khổ đau không ai tránh khỏi trong cuộc sống: "tất cả các hành là vô thường là khổ đau" (lời Phật dạy), dân gian có câu:
“Đời người như bóng phù du Sớm còn tối mất, công phu lỡ làng”
Chữ "công phu" ở đây, theo ý nghĩa toàn câu, được xem như là "những xây dựng vật chất, tranh giành quyền lợi, danh vọng". Những cái tạm bợ, vọng tưởng ấy, sẽ bị tiêu diệt trong từng sát na, mà người đời không hề hay biết, lại cố "ái thủ".
Giáo lý của Phật giáo với tư tưởng từ, bi, hỉ, xả, vô ngã, vị tha, nhân quả, nghiệp báo đã ảnh hưởng rất sâu đậm trong lẽ sống, chết của mỗi người dân Việt Nam. Dù họ không xuất gia vào chùa tu, nhưng họ vẫn sống theo tinh thần Phật giáo. Những giáo lý của Phật giáo trong tư tưởng dân gian Việt
Nam tuy rằng vẫn còn ở mức độ giản dị, sơ đẳng nhưng đã góp phần khuyến thiện, trừng ác và mở đường cho con người tiến gần đạo pháp chân chính:
“Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Tư tưởng từ, bi, hỉ, xả, luân hồi, nghiệp báo trong giới luật, giáo lý của Phật giáo có tác dụng khuyên răn, giáo dục về mặt đạo đức. Khuyên răn người đời tu dưỡng đạo đức: “Tham thì thâm, Bụt bảo rằng chớ có tham”, “Thứ nhất là tu tại gia, Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”, khuyên răn người đời làm phúc, cứu khổ cứu nạn:
“Dù xây chín cấp phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người” “Ai ơi, hãy ở cho lành
Kiếp này chẳng được để dành kiếp sau”.
Giáo lý Phật giáo cũng đề cao truyền thống đạo hiếu trong gia đình. Người con phải luôn tỏ lòng biết ơn cha mẹ. Cha mẹ sinh thành, nuôi dạy con cái, công ơn ấy rất lớn, rất rò rệt. Đó là nguyên do mà tất cả các nhà luân lý xưa nay đều khuyên dạy loài người phải biết báo đền công ơn cha mẹ. Theo đạo Phật, con người ta đầu thai vào nhà này hay nhà khác không phải là không có nhân duyên, và những nhân duyên ấy đã được tạo ra từ các kiếp trước. Chỉ riêng trong đời hiện tại, lòng yêu thương của cha mẹ đối với con cái đã rất to lớn, đến nỗi có thể vì con cái mà hy sinh tất cả, như ca dao Việt Nam có câu:
„„Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra‟‟.
Lòng yêu thương vô bờ bến của cha mẹ, sự chăm sóc vô điều kiện là
một nguyên do quan trọng để những người làm con có bổn phận báo hiếu cha mẹ. Ân đức của cha mẹ bao la như trời biển. Tình thương của cha mẹ núi nặng mà ân sâu. Dẫu rằng bổn phận làm con có báo hiếu bằng sự cung dưỡng về vật chất, báo hiếu bằng sự thương yêu, kính trọng về tinh thần cũng chưa bao giờ cho đủ. Trong Nho giáo có “Hiếu kinh”, đặc biệt trong Phật giáo có “Vu Lan kinh” là những thuyết rất sâu sắc về đạo hiếu. Cao hơn nữa, cách báo hiếu của người theo đạo Phật còn là sự khuyên nhủ cha mẹ học hỏi, tu tập theo Phật pháp để được giải thoát. Vì thế mà người xuất gia, mặc dầu thoát ly gia đình, vẫn có thể báo hiếu cha mẹ một cách thiết thực. Ảnh hưởng của tư tưởng đó dân gian xưa có câu:
“Tu đâu cho bằng tu nhà, Thờ cha, kính mẹ ấy là chân tu”.
Phật giáo có sức sống bền bỉ, sâu rộng và chiếm giữ một vị trí trong yếu trong tâm thức dân gian, trong lối sống bình dân giản dị của người Việt. Đã từ lâu, ca dao, tục ngữ là hình thức phản ánh những khát vọng, ước mơ và trạng thái xúc cảm, tình cảm, tâm tư, nguyện vọng về "nhân tình thế thái" của người dân lao động vừa bình dị, vừa mộc mạc mà chứa đựng đầy ẩn ý về một cuộc sống tốt đẹp, một truyền thống đạo đức, luân lý của người Việt. Phật giáo vào Việt Nam với những tư tưởng từ, bi, hỉ, xả, vô ngã, vị tha đã nhanh chóng trở thành chủ đề sáng tác của ca dao tục ngữ. Ngược lại Phật giáo cũng vận dụng ca dao, tục ngữ như một phương tiện để truyền tải đức tin của mình đến người dân lao động. Chắc hẳn đối với mỗi người Việt Nam chúng ta đều rất quen thuộc với câu ca dao:
"Trăm năm tích đức tu hành Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu".
Đối với các tín đồ Phật giáo Việt Nam, Yên Tử được coi là "Thánh địa" của đạo. Yên Tử thuộc thị xã Uông Bí, Quảng Ninh. Đây là trung tâm Phật giáo của Đại Việt thuở trước, là nơi phát tích của Thiền phái Trúc Lâm. Yên Tử xưa được gọi là Tượng Sơn (Núi Voi) có lẽ bởi hình dáng núi giống như một con voi khổng lồ. Sử sách cũ cũng gọi Yên Tử là Bạch Vân Sơn (núi mây trắng), do vùng núi này quanh năm mây phủ. Sự huyền bí linh thiêng của Yên Tử đã thu hút tín đồ Phật giáo như: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang… đến đây tu hành và xây dựng chùa tháp để hình thành trung tâm Phật giáo Đại Việt.
Tóm lại, hình ảnh Đức Phật với những tư tưởng vô thường, vô ngã, từ, bi, hỉ, xả, nhân quả, luân hồi nghiệp báo đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho ca dao, tục ngữ dân gian Việt Nam. Kho tàng ca dao, tục ngữ dân gian Việt Nam với sự ảnh hưởng của Phật giáo biểu hiện rất phong phú, đa dạng giúp chúng ta hiểu được tâm hồn, tình cảm, cũng như luân lý đạo đức của người Việt dưới nhãn quan Phật giáo về cái đẹp và cuộc sống hướng thiện giàu nhân tính. Biết bao câu ca dao tục ngữ với ảnh hưởng của Phật giáo chứa đựng những tư tưởng cao đẹp, hào hùng, phản ánh sức mạnh bảo vệ cuộc sống tự do, lối sống lạc quan, yêu người, yêu đời, yêu quê hương đất nước mà vẫn đằm thắm mượt mà, dung dị, tinh tế. Không chỉ được thể hiện một cách sâu sắc và thâm túy trong ca dao, tục ngữ Việt Nam, sự ảnh hưởng của Phật giáo với văn hóa dân gian Việt Nam còn biểu hiện trong các tích truyện cổ dân gian Việt Nam.
2.1.2. Ảnh hưởng của Phật giáo đến các tích truyện dân gian
Truyện dân gian Việt Nam có rất nhiều thể loại như: Thần thoại, truyện cổ tích, truyền thuyết và giai thoại, các truyện cười…gọi chung là dòng tự sự dân gian. Dòng tự sự dân gian dưới ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đã tạo ra được những tác phẩm có nội dung rất đa dạng và