Xây dựng cơ chế quản lý hoạt động định giá chuyển giao của các TNC tại Việt Nam - 13

4.3. Nâng cao trình độ quản lý đối với đội ngũ cán bộ thuế

Yếu tố con người luôn mang tính quyết định trong lĩnh vực quản lý thuế nói chung và công tác quản lý hoạt động định giá chuyển giao nói riêng. Đối với một vấn đề mang tính phức tạp như định giá chuyển giao thì kiến thức của cán bộ thuế lúc nào không chỉ bó hẹp trong phạm vi kiến thức truyền thống chuyên môn bao gồm thuế, tài chính, kế toán,.. mà còn phải am hiểu về các lĩnh vực kinh doanh và mối quan hệ phức tạp cũng như những thủ thuật của các TNC. Có như vậy thì họ mới đủ tỉnh táo để phát hiện ra vấn đề và như vậy việc điều tra các vụ việc mới đem lại kết quả.

5. Các biện pháp khác

5.1. Tuyên truyền, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện kiểm soát các chính sách định giá chuyển giao và các chính sách về thuế

Lâu nay, chúng ta vẫn không coi trọng hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho doanh nghiệp để họ hiểu hơn về những quy định, chế độ, chính sách thuế. Nếu được tuyên truyền đầy đủ về những quy định của pháp luật cũng như những chính sách thuế liên quan, doanh nghiệp sẽ tránh được những sai sót trong quá trình kê khai thuế, mà quan trọng hơn, doanh nghiệp sẽ có những phản hồi xác đáng có tính xây dựng đối với công tác lập chính sách thuế của chính phủ. Nhờ đó, những chính sách này trở nên thực sự hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, thúc đẩy sự phát triển của từng chủ thể riêng lẻ và cả toàn bộ nền sản xuất.

Trong những năm gần đây, một hình thức khá tích cực mà Việt Nam đã thực hiện trong công tác tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp FDI thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước đó là Giải thưởng Rồng vàng tôn vinh các doanh nghiệp FDI có đóng góp cho ngân sách nhiều nhất. Thiết nghĩ, những hoạt động như vậy cần phải được triển khai rộng rãi, vì nó thực sự có

tác động mạnh mẽ về mặt uy tín của những doanh nghiệp của các tập đoàn xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.

5.2. Kết hợp với cơ quan kiểm toán tư vấn trong việc kiểm tra giám sát tài chính của doanh nghiệp

Trong điều kiện Việt Nam đang mở rộng cánh cửa hội nhập kinh tế quốc tế, phải đối mặt với nhiều vấn đề tiêu cực phát sinh trong lĩnh vực kêu gọi đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như hiện tượng chuyển giá, thì các công ty tư vấn, kiểm toán có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hạn chế những tiêu cực này. Thông qua hoạt động kiểm toán của các công ty kiểm toán mà có quan thuế sẽ có những báo cáo tài chính trung thực và chính xác về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, về các vấn đề có liên quan đến chuyển giao nội bộ của TNC. Những thông tin này giúp cho cơ quan thuế có thể phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận, trốn thuế và đặc biệt là hiện tượng chuyển giá. Vì vậy, một trong những giải pháp đồng bộ nhằm đấu tranh chống chuyển giá là cơ quan thuế phải có sự phối hợp nhịp nhàng với các công ty kiểm toán và tư vấn.

Để sự kết hợp này đạt hiệu quả, cần nâng cao hơn nữa vai trò và chất lượng của hoạt động kiểm toán và tư vấn. Muốn vậy, trước hết phải nâng cao đạo đức nghề nghiệp của các kiểm toán viên. Đạo đức nghề nghiệp chính là quy tắc hướng dẫn cho các kiểm toán viên ứng xử và hành động một cách trung thực, phục vụ cho lợi ích chung của nghề nghiệp và xã hội. Kiểm toán viên phải thực hiện công việc với một tinh thân thẳng thắn, không vụ lợi, không được phán quyết vấn đề một cách vội vàng hoặc áp đặt để đám bảo tính chính xác của các báo cáo tài chính. Ngoài ra, đội ngũ kiểm toán viên phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, phải nắm vững các chuẩn mực kế toán quốc tế, am

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 109 trang tài liệu này.

hiểu sâu rộng hệ thống kế toán quốc tế được sử dụng trong các doanh nghiệp FDI.

5.3. Kết hợp với ngân hàng trong việc kiểm tra giám sát tài chính của doanh nghiệp

Xây dựng cơ chế quản lý hoạt động định giá chuyển giao của các TNC tại Việt Nam - 13

Cơ quan thuế cần thiết phải thiết lập chặt chẽ với ngân hàng để nhanh chóng phát hiện và ngăn chặn những hoạt động nhằm mục đích chuyển giá tại các doanh nghiệp FDI. Bởi vì, thông qua việc thu chi quan ngân hàng một cách minh bạch, ngân hàng có thể kiểm soát được tất cả các hoạt động thu chi có liên quan đến nghiệp vụ chuyển giao của các doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, với chức năng tín dụng của mình, ngân hàng cung cấp cho các công ty vay vốn tại ngân hàng, đảm bảo rằng các công ty này sử dụng vốn đúng mục đích và trong giới hạn phạm vi cho phép, nhất là nguồn vốn sử dụng cho nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị, vật tư,.. ngân hàng phải tham gia thẩm định tính năng, chất lượng và định giá lại nhằm tránh tình trạng nâng giá quá mức mà một số công ty lớn đã thực hiện trong thời gian qua. Chính những điều này cho thấy ngân hàng có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần hạn chế chuyển giá của các TNC.

5.4. Tăng cường hợp tác quốc tế


Trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế như hiện nay, sự hợp tác quốc tế là cần thiết trong hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt, công tác quản lý hoạt động định giá chuyển giao có đối tượng quản lý là các công ty xuyên quốc gia, hoạt động kinh doanh với một mạng lưới liên kết ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việc điều tra hoạt động định giá chuyển giao của các công ty này đòi hỏi Cơ quan thuế phải có được thông tin của các bên liên kết nước ngoài. Nếu có được sự giúp đỡ của cơ quan quản lý thuế nước ngoài thì chúng ta sẽ có được những thông tin giá trị, cung cấp một cái nhìn toàn diện hơn về đối tượng. Từ đó, có những biện pháp xử lý hợp lý.

Bên cạnh đó, sự hợp tác của các quốc gia sẽ hạn chế những kẽ hở để các TNC có thể lợi dụng và thực hiện chính sách định giá chuyển giao có lợi cho mình. Mặt khác, hợp tác quốc tế cũng cho chúng ta những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý hoạt động định giá chuyển giao của các nước trên thế giới.

Tóm lại, có thể nói, công tác quản lý định giá chuyển giao đòi hỏi nhiều sự hợp tác, đặc biệt trong hai lĩnh vực: sự trao đổi thông tin và sự quản lý thống nhất đối với hoạt động của các TNC. Thứ nhất, các đánh giá về hoạt động của công ty con bởi chính cơ quan thuế của chính nước sở tại sẽ không thể chính xác vì công ty con này không hoạt động độc lập mà chịu ảnh hưởng bởi nhiều chinh nhánh khác. Vì thế, cơ quan tài chính của các nước khác nhau cần có sự trao đổi thông tin để có cái nhìn tổng quát hơn. Thứ hai, các quốc giá cần có sự thông tin trong hệ thống các quyết định của mình đối với một TNC vì một quyết định của nước này có tác động tới nước khác. Trong hoạt động định giá chuyển giao, các nước nên tránh tình trạng một TNC phải chịu thuế hai lần. Muốn như vậy, các nước phát triển và đang phát triển phải có nhiều hiệp ước được ký kết hơn. Điều này sẽ cho phép giảm các “nơi ẩn trú thuế” cũng như giảm được hiện tượng đánh thuế hai lần.

KẾT LUẬN

Rõ ràng, chúng ta không thể phủ nhận những tác động tích cực trong việc ban hành các cơ chế quản lý giá chuyển giao trong thời gian qua tại Việt Nam. Đặc biệt, sự ra đời của Thông tư 117/TT/TT-BTC là tiếng nói có giá trị mạnh mẽ, có hiệu lực pháp lý nhằm đưa hoạt động định giá của các TNC vào khuôn khổ và tuân thủ đúng pháp luật của Việt Nam. Tuy nhiên, mặc dù chất lượng của các quy tắc xác định giá thị trường mà Việt Nam đưa ra là hoàn toàn phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế thì việc thực hiện chúng vẫn còn là một vấn đề nhức nhối.

Vì vậy, công tác thực hiện và giám sát thực hiện đòi hỏi phải chú trọng hơn nữa. Để làm được điều này, chúng ta khắc phục những yếu kém hiện tại, nhất là trong vấn đề chất lượng nguồn nhân lực của các nhân viên, cán bộ có trách nhiệm thực hiện cơ chế. Đồng thời, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban, ngành từ Bộ kế hoạch đầu tư đến Bộ tài chính và Cơ quan quản lý thuế là cần thiết bởi quản lý định giá chuyển giao yêu cầu nhiều cơ quan chức năng cùng tham gia để thống nhất một chính sách hợp lý cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng quan trọng hơn cả là tuyên truyền ý thức chấp hành quy định của các TNC khi kinh doanh tại Việt Nam nhằm đảo bảo một môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng, đảm bảo lợi ích cho mọi thành phần kinh tế.

Danh mục tài liệu tham khảo

1. Thông tư 117 – Bộ tài chính, ban hành ngày 19 tháng 12 năm 2005.


2. Phan Hiển Minh – Luận án tiến sĩ “Hoàn thiện phương pháp định giá chuyển giao trong chính sách thuế ở Việt Nam – 2003”.

3. Nguyễn Ngọc Thanh – Nguyễn Hoàng Dũng - Định giá chuyển giao và thủ thuật chuyển giá của các TNC tại Việt Nam – Nhà xuất bản Tài chính.

4. Phan Thị Thành Dương – Chống chuyển giá ở Việt Nam – Tạp chí Khoa học Pháp luật số 2/2006.

5. Đoàn Ngọc Phi Anh (ĐH Đà Nẵng) - Định giá chuyển nhượng trong kinh doanh quốc tế – Tạp chí Tài chính doanh nghiệp tháng 3/2005.

6. Đoàn Văn Trường – Chống chuyển giá - Kinh nghiệm của một số nước – Tạp chí Kinh tế và dự báo số 9/2007.

7. Nguyễn Thiết Sơn – Giáo trình các công ty xuyên quốc gia – NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

8. Báo cáo Đầu tư nước ngoài – 20 năm nhìn lại – Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch và Đầu tư.

9. Báo cáo đầu tư thế giới 2007.


10. Hướng dẫn của OECD về định giá chuyển giao đối với các cơ quan thuế.


11. Báo cáo toàn cầu của Ernst&Young về Định giá chuyển giao 2008.


12. Các Website của Bộ Tài chính, Bộ kế hoạch đầu tư, Tổng cục thuế

Xem tất cả 109 trang.

Ngày đăng: 17/09/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí