Truyền thông chính sách phát triển du lịch trên báo chí Cà Mau Khảo sát báo Cà Mau, Đài PT-TH Cà Mau năm 2019 - 2

MỞ ĐẦU


1. Lý do chọn đề tài

Đảng và Nhà nước nước ta đã định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, và là điểm đến có sức cạnh tranh cao của du lịch thế giới.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường hoạt động truyền thông về du lịch” (Quyết định 44/QĐ-TTg ban hành ngày 09/01/2019), theo đó xác định đẩy mạnh truyền thông quảng bá hình ảnh, văn hoá, đất nước, con người Việt Nam góp phần xây dựng, định vị hình ảnh thương hiệu du lịch Việt Nam [53].

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Kế hoạch đẩy mạnh hoạt động truyền thông về du lịch, qua đó, tạo sự đột phá trong nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch bền vững và hiệu quả của hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.

Báo chí là một bộ phận quan trọng trong lĩnh vực truyền thông. Tại Hội thảo quốc tế “Vai trò của báo chí với sự phát triển du lịch” diễn ra ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, ngày 22/5/2019 cũng đã khẳng định du lịch không thể phát triển nếu thiếu truyền thông báo chí. Đồng thời nhấn mạnh vai trò, thế mạnh của tất cả các loại hình báo chí để từ đó có chiến lược truyền thông dài hạn, tận dụng lợi thế của công nghệ 4.0; đổi mới phương thức truyền thông, nâng cao tính chuyên nghiệp; có sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, sự thống nhất trong truyền thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cơ quan quản lý báo chí, các địa phương có điểm đến và cơ quan báo chí.

Tại Cà Mau - vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc, được thiên nhiên ưu đãi “rừng vàng, biển bạc, đất phù sa”, có tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái, với trên 100.000 ha rừng tràm, rừng đước đặc trưng đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (diện tích khoảng 42.000 ha) và Vườn quốc gia U Minh Hạ (diện tích trên 8.200 ha) đang được quy hoạch, kêu gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch, nhất là phát triển du lịch sinh thái xứng tầm trong tương lai không xa.

Tài nguyên du lịch của Cà Mau còn là nét rất đặc trưng gắn liền với văn hóa bản địa đặc sắc: lễ hội dân gian, công trình kiến trúc, nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực và giai điệu ngọt ngào của loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ cùng câu chuyện hài hước, dí dỏm của nghệ danh lừng danh Bác Ba Phi.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 150 trang tài liệu này.

Các sản phẩm du lịch nơi đây ngày càng đa dạng, phong phú. Nhiều điểm du lịch mới đưa vào hoạt động như khu du lịch Mũi Cà Mau đã được đầu tư, nâng cấp, là điểm hấp dẫn đối với du khách; khu du lịch Hòn Đá Bạc, Vườn sưu tập động vật hệ sinh thái rừng tràm Lâm ngư trường Sông Trẹm, Vườn chim trong lòng Thành phố Cà Mau… cũng là những nhân tố quan trọng không kém trong chuỗi phát triển du lịch Cà Mau trong tương lai. Nếu như Hà Giang - vùng đất địa đầu cực Bắc với Lũng Cú, với ruộng bậc thang Mù - Cang - Chải huyền thoại thì Vườn quốc gia Mũi Cà Mau - vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc thiêng liêng có điểm du lịch Công viên Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau mà bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng mong ước một lần được đến.

Tuy nhiên, năm 2019 tổng lượt khách du lịch đến Cà Mau chỉ đạt gần 2 triệu lượt (trong đó, khách quốc tế chỉ hơn 28 nghìn lượt), so với một số tỉnh trong khu vực ĐBSCL như Kiên Giang, An Giang thì còn rất thấp. Theo kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Cà Mau đặt mục tiêu trở thành điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, uy tín, hấp dẫn với sức cạnh tranh cao; đưa thương hiệu du lịch Cà Mau trên bản đồ quốc gia và quốc tế.

Truyền thông chính sách phát triển du lịch trên báo chí Cà Mau Khảo sát báo Cà Mau, Đài PT-TH Cà Mau năm 2019 - 2

Góp phần để du lịch Cà Mau phát triển, trong nhiều năm qua, báo chí Cà Mau luôn đồng hành, bám sát chủ trương của địa phương và đã làm tốt vai trò của mình trong công tác tuyên truyền về đất và người Cà Mau. Cụ thể báo Cà Mau, Đài PT-TH Cà Mau có hẳn chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về du lịch, với những bài viết giới thiệu những địa danh du lịch, về đời sống người Cà Mau, về những phong tục tập quán, những giá trị văn hóa truyền thống, những giá trị nghiên cứu lịch sử,...

Song, phải nhìn nhận, mỗi năm thông tin trên báo chí Cà Mau đăng tải hàng trăm tin, bài, chùm ảnh, video clip, nhiều chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề dài kỳ, nhưng chỉ chủ yếu xoay quanh: định hướng công tác chỉ đạo điều hành; xúc

tiến, quảng bá du lịch; và liên kết vùng. Vấn đề truyền thông chính sách phát triển du lịch còn chưa nhiều, chưa thể giúp ngành du lịch nhìn rõ về tình hình du lịch tỉnh nhà trong thời hội nhập hiện nay.

Từ thực tế đó, tác giả chọn đề tài luận văn là “Truyền thông chính sách phát triển du lịch trên báo chí Cà Mau” (Khảo sát báo Cà Mau, Đài PT-TH Cà Mau năm 2019) nhằm nghiên cứu thực trạng, đánh giá những thành công và hạn chế hoạt động truyền thông chính sách phát triển du lịch trên báo chí Cà Mau, cụ thể là khảo sát trên báo Cà Mau, Đài PT-TH Cà Mau năm 2019; từ đó đề xuất một số giải pháp mang tính khả thi nhằm góp phần nâng cao chất lượng truyền thông chính sách du lịch trên báo chí Cà Mau trong thời gian tới.

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

Tại Việt Nam, việc nghiên cứu, tìm hiểu về truyền thông chính sách du lịch và truyền thông về du lịch thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và nhà kinh tế. Tuy nhiên, đến nay chưa có luận văn thạc sĩ nào nghiên cứu toàn diện, sâu sắc về vai trò, tác động của truyền thông báo chí đối với chính sách phát triển ngành công nghiệp không khói này, cũng như nghiên cứu sâu về truyền thông chính sách ở từng địa phương, trong đó có Cà Mau.

- Một số đề tài nghiên cứu có liên quan đến truyền thông và truyền thông chính sách, như:

Nguyễn Hương Thảo (2014), Truyền thông trong doanh nghiệp du lịch Việt Nam hiện nay (Khảo sát hai công ty lữ hành là Công ty DVLH Saigontourist và Công ty Lữ hành Hanoitourist từ tháng 01/2013 đến tháng 6/2014), luận văn thạc sĩ chuyên ngành Báo chí học, do Nguyễn Thị Thanh Huyền hướng dẫn. Luận văn đã phân tích hoạt động truyền thông tại các doanh nghiệp lữ hành hiện nay, từ đó, đánh giá hiêụ quả hoạt động của bộ phận truyền thông tại các công ty lữ hành, mối quan hệ giữa báo chí, truyền thông với doanh nghiệp du lịch lữ hành, từ đó rút kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động của bộ phận truyền thông tại các doanh nghiệp du lịch lữ hành của nước ta hiện nay.

Nguyễn Thị Như Quỳnh (2018), Truyền thông chính sách giáo dục trên hệ thống báo chí của ngành giai đoạn 2016 - 2017, luận văn thạc sĩ chuyên ngành Báo

chí học, do Đặng Thị Thu Hương hướng dẫn. Tác giả đã hệ thống hóa lý luận về truyền thông chính sách giáo dục. Phân tích đánh giá ưu, nhược điểm và thực trạng hoạt động của báo chí ngành giáo dục trên hệ thống báo chí ngành giai đoạn 2016 - 2017. Trên cơ sở đó, đưa ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông các chính sách giáo dục trên hệ thống báo chí ngành trong những năm về sau.

Đồng Thị Thu, Truyền thông chính sách dân số trên sóng phát thanh các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, luận văn thạc sĩ chuyên ngành Báo chí học, do Nguyễn Thị Thoa hướng dẫn. Luận văn nghiên cứu thực trạng, đánh giá những thành công và hạn chế hoạt động truyền thông chính sách dân số trên sóng phát thanh ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ hiện nay (qua nghiên cứu ở 3 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam), từ đó đề xuất những giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng truyền thông chính sách dân số trên sóng phát thanh ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Thái Hà (2007), Báo chí với vấn đề quảng bá phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ hội nhập, luận văn thạc sĩ chuyên ngành Báo chí học, do Dương Xuân Sơn hướng dẫn. Luận văn đã đi sâu phân tích những thế mạnh của báo chí trong công tác tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch. Kết quả nghiên cứu của luận văn cũng đã giúp các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch phần nào thấy được sự cần thiết phải đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp liên ngành giữa báo chí và du lịch. Trên cơ sở phân tích những hạn chế trong công tác tuyên truyền báo chí về phát triển du lịch.

Có thể thấy, hoạt động truyền thông có vị trí rất quan trọng. Từ các công trình nghiên cứu trên, tác giả có thể dựa trên nền tảng lý luận, thực hiện các khảo sát, và phân tích cụ thể vấn đề cần nghiên cứu trên báo chí địa phương.

- Một số đề tài liên quan đến tuyên truyền, quảng bá du lịch, như:

Đề tài cấp Bộ - Tổng cục du lịch (1997), Cơ sở lý luận, thực tiễn của hoạt động thông tin tuyên truyền quảng cáo du lịch và một số ấn phẩm thử nghiệm. Đề tài này chỉ mới tập trung nghiên cứu mảng quảng cáo du lịch trên các ấn phẩm : tờ rơi, catalogue, sách hướng dẫn du lịch. Đây là một phần rất nhỏ trong công tác quảng bá.

Đề tài cấp Bộ - Tổng cục du lịch (2002), Nghiên cứu cơ sở khoa học và giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Việt Nam trước những thách thức khoa học công nghệ hiện nay. Trên cơ sở nghiên cứu hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch mà cụ thể là trong xây dựng các website du lịch, nhóm tác giả đã đề xuất những giải pháp tiến tới triển khai ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ và toàn diện trong mọi hoạt động của ngành.

Bên cạnh còn có một số công trình khoa học nghiên cứu về hoạt động truyền thông dưới góc độ tìm hiểu mối quan hệ giữa cơ quan/bộ phận truyền thông với báo chí như: Nguyễn Thị Thuận (2008), Mối quan hệ giữa PR và báo chí (khảo sát một số doanh nghiệp và cơ quan báo chí giai đoạn 2006 - 2008). Đỗ Thị Hoa Quỳnh (2009), Vai trò của báo chí trong việc phát triển thương hiệu. Từ những phân tích cụ thể để các hoạt động quan hệ công chúng với doanh nghiệp cụ thể, các tác giả đã đưa ra được những đánh giá về thành công và hạn chế của các hoạt động này, đề xuất những giải pháp để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Đây là những công trình nghiên cứu tham khảo có ý nghĩa đối với đề tài. Tuy nhiên, những bài viết, công trình nghiên cứu hầu hết chỉ hướng tới việc khẳng định vị trí, vai trò của hoạt động truyền thông đối với việc phát triển du lịch nói chung, gắn với vấn đề quảng bá thương hiệu du lịch của quốc gia hay địa phương, chứ không bàn tới vấn đề truyền thông chính sách du lịch như thế nào trên báo chí để có được những kết quả như mong đợi.

- Một số đề tài liên quan đến chính sách phát triển du lịch như:

Ngô Phú Mười (2018), Thực hiện chính sách phát triển du lịch biển từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng, luận văn thạc sĩ chuyên ngành Chính sách công, do Bùi Nhật Quang hướng dẫn. Luận văn đã làm rõ những lý luận về thực hiện chính sách phát triển, qua đó phân tích, đánh giá thực trạng phát triển du lịch biển, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhằm phát triển du lịch biển tại thành phố Đà Nẵng.

Hoàng Văn Thiện (2013), Chính sách phát triển ngành du lịch tỉnh Thái Nguyên, luận văn thạc sĩ Quản lý kinh tế. Luận văn đã đề cập được khái niệm về du lịch, ngành du lịch; các nhân tố môi trường ảnh hưởng tới chính sách phát triển du

lịch. Luận văn khái quát được thực trạng chính sách phát triển du lịch tại tỉnh Thái Nguyên và đưa ra một số giải pháp để hoàn thiện.

Vũ Đức Minh (2009), Giáo trình Kinh tế du lịch, NXB Thống kê, Hà Nội. Giáo trình này đã đề cập một số vấn đề về sự phát triển ngành du lịch - một ngành kinh tế dịch vụ, thị trường du lịch và các chính sách đối với cán cân thanh toán trong du lịch.

Kế thừa nghiên cứu của những đề tài trên, tác giả khái quát được thực trạng chính sách phát triển du lịch tại tỉnh Cà Mau, từ đó mở rộng nghiên cứu về truyền thông chính sách phát triển du lịch trên báo chí địa phương.

- Ở Cà Mau, đã có một số công trình nghiên cứu khác về du lịch. Tuy nhiên, các nghiên cứu liên quan đến truyền thông chính sách phát triển du lịch vẫn đang cần bổ khuyết. Có thể kể đến một số chương trình, công trình nghiên cứu liên quan đến phát triển du lịch của tỉnh như:

Phạm Việt Hưng (2008), Nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái tỉnh Cà Mau, luận văn thạc sĩ Địa lý học. Luận văn tập trung nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái tỉnh Cà Mau, đặc biệt đi sâu vào nghiên cứu tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch sinh thái của tỉnh. Trên cơ sở đó đã xây dựng được một số định hướng phát triển du lịch sinh thái trong tương lai.

Nguyễn Thị Khánh Linh (2013), Phát triển du lịch tỉnh Cà Mau theo hướng bền vững, luận văn thạc sĩ Địa lý học. Luận văn đã làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về tình hình phát triển du lịch của tỉnh, từ đó định hướng cho ngành du lịch có những bước đi hiệu quả nhất.

Dương Kim Chuyển (2014), Nghiên cứu phát triển du lịch biển tỉnh Cà Mau, luận văn thạc sĩ Du lịch. Luận văn đã nhấn mạnh việc phát triển sản phẩm du lịch biển có tầm quan trọng đối với ngành du lịch Cà Mau, bởi, Cà Mau là một tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch biển cần được chú trọng xây dựng và phát triển chiến lược biển.

Trần Xuân Trường (2014), Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch sinh thái tại tỉnh Cà Mau, luận văn thạc sĩ Kinh tế. Luận văn đã phân tích mức độ hài lòng của du khách về chất lượng dịch vụ du lịch sinh thái, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Cà Mau nhằm

thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch.

Đặc biệt tại Hội thảo Khoa học Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Cà Mau vào đầu tháng 10/2018 đã tiếp cận các đánh giá, những giải pháp để phát triển du lịch Cà Mau qua tham luận của các diễn giả, để từ đó lãnh đạo tỉnh Cà Mau ban hành những chính sách phù hợp, khả thi nhằm phát triển du lịch Cà Mau trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nhìn chung các đề tài nghiên cứu đều quan tâm đến vấn đề lý luận và thực tiễn về thực trạng phát triển du lịch Cà Mau.

Điều đó cho thấy, vấn đề phát triển du lịch Cà Mau mới chỉ được quan tâm ở một khía cạnh, chủ yếu tập trung tìm giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong khi, tỉnh Cà Mau đã và đang tăng cường đầu tư cho du lịch trên nhiều mặt; bên cạnh đó, các chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch của tỉnh không ngừng quan tâm triển khai thực hiện.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp ngành du lịch mang lại lợi nhuận cao nhất chính là các chiến dịch quảng bá và xúc tiến đa dạng với nhiều hình thức, nhiều phương tiện, đặc biệt, muốn du lịch phát triển không thể thiếu truyền thông báo chí. Do đó, đề tài luận văn “Truyền thông chính sách phát triển du lịch trên báo chí Cà Mau” (Khảo sát báo Cà Mau, Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau năm 2019) là cấp thiết và không trùng lặp với các công trình đã công bố trước đó.

Để làm nền tảng lý luận vững chãi thông qua việc tham khảo các công trình nghiên cứu đã nêu trên, tác giả còn nghiên cứu các tài liệu liên quan như: các văn kiện về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về phát triển du lịch và về vai trò của truyền thông báo chí trong phát triển du lịch; những chủ trương, nghị quyết của Cà Mau về du lịch trung và dài hạn.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Luận văn nghiên cứu thực trạng, đánh giá những thành công và hạn chế hoạt động truyền thông chính sách phát triển du lịch trên báo chí Cà Mau, cụ thể là khảo

sát trên Báo Cà Mau, Đài PT-TH Cà Mau trong năm 2019; từ đó đề xuất một số giải pháp mang tính khả thi nhằm góp phần nâng cao chất lượng truyền thông chính sách du lịch trên báo chí Cà Mau trong thời gian tới.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được mục đích trên, tác giả luận văn thực hiện những nhiệm vụ sau:

- Hệ thống hóa các vấn đề lý luận có liên quan đến đề tài.

- Làm rõ những quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch; chiến lược phát triển thông tin, báo chí – truyền thông.

- Khảo sát các bài báo, chuyên mục, chuyên đề có nội dung liên quan đến vấn đề truyền thông chính sách phát triển du lịch; đánh giá những thành công và hạn chế hoạt động truyền thông chính sách phát triển du lịch trên báo chí Cà Mau trong năm 2019.

- Đề xuất một số giải pháp mang tính khả thi nhằm giúp các cơ quan báo chí làm tốt vai trò đồng hành cùng ngành du lịch, góp phần nâng cao chất lượng truyền thông chính sách du lịch trên báo chí Cà Mau trong thời gian tới.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là truyền thông chính sách phát triển du lịch trên báo chí.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Luận văn khảo sát truyền thông chính sách phát triển du lịch trên báo chí Cà Mau.

- Nội dung khảo sát:

+ Các văn bản về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch và vai trò của truyền thông trong việc phát triển du lịch.

+ Các lý thuyết liên quan đến việc tổ chức và triển khai hoạt động truyền thông chính sách phát triển du lịch.

+ Khảo sát và đánh giá thực trạng truyền thông chính sách phát triển du lịch trên báo chí Cà Mau.

- Phạm vi không gian: 2 cơ quan báo chí: Báo Cà Mau, Đài PT-TH Cà Mau.

- Thời gian khảo sát: Năm 2019.

Xem tất cả 150 trang.

Ngày đăng: 06/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí