Trương Lương - Hình mẫu của tiểu loại nhân vật đế sư trong trước tác các tác giả nhà nho Khảo sát nguồn tư liệu Trung Quốc và Việt Nam - 2

Về khung thời gian khảo sát tư liệu, ở Trung Quốc chúng tôi khảo sát trước tác sĩ đại phu từ thời cổ đại nhưng chủ yếu là từ thời Hán đến hết thời đại nhà Thanh. Ở Việt Nam, luận án khảo sát trước tác nhà nho chủ yếu từ thời Lý thế kỷ X đến những năm đầu thế kỷ XX.

4. Phương pháp nghiên cứu

Luận án triệt để khai thác thế mạnh của phương pháp nghiên cứu truyền thống là phương pháp xã hội - lịch sử, phương pháp liên ngành, đa ngành (lịch sử, văn học, văn hoá, chính trị học…) phương pháp chủ yếu mang tính ưu tiên là loại hình học. Ngoài ra luận án sử dụng các biện pháp khác như: so sánh, thống kê, phân tích, phương pháp liên văn bản1… Những biện pháp này được sử dụng như những thao tác khoa học châu tuần và phục vụ cho phương pháp cốt lòi: loại hình học.

Phương pháp loại hình học được sử dụng trong luận án trên bình diện vĩ mô nhìn từ hai trục vấn đề lớn: trục lịch sử và trục cấu trúc. Trục lịch sử được định vị từ hai chiều. Chiều đồng đại, phương pháp loại hình học được dùng để loại hình hoá những mẫu hình anh hùng xuất hiện trong thời loạn. Sâu hơn nữa, loại biệt anh hùng thời loạn thành hai tiểu loại: anh hùng sáng nghiệp đế sư. Từ chiều lịch đại, phương pháp loại hình hoá cho phép nhìn ra được những loại hình nhân vật đồng dạng xuất hiện và phát triển trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, hoặc ở những quốc gia khác nhau nhưng có những điều kiện lịch sử, xã hội tương đồng. Từ trục cấu trúc, loại hình hoá cho phép nhìn ra được cội nguồn của mẫu hình nhân vật đế sư, sự biến sinh của nhà nho trong thời loạn, đặc điểm và cấu trúc tư tưởng của mẫu người này.

Mặt khác, như tên của luận án, Trương Lương - hình mẫu của tiểu loại nhân vật đế sư trong trước tác các tác giả nhà nho, đối tượng của luận án là nghiên cứu tiểu loại hình tượng nhân vật đế sư nhưng thông qua nghiên cứu trường hợp điển hình của nó là hình tượng nhân vật đế sư Trương Lương. Do vậy, phương thức triển khai của luận án, ưu tiên chứng minh có một loại hình nhân vật đế sư trong lịch sử,


1 Ngoài những phương pháp cơ bản nêu trên, trong những vấn đề nghiên cứu cụ thể, luận án còn sử dụng một số lý thuyết khác dùng trong nghiên cứu văn học, đặc biệt lưu ý lý thuyết diễn ngôn khi nghiên cứu diễn hóa Trương Lương thông qua chủ thể phát ngôn là các nhà nho hai nước.

ở đó Trương Lương là một nhân vật thuộc loại hình, đồng thời là nhân vật điển hình của loại hình (luận án sẽ chỉ ra và phân tích sâu trong so sánh Trương Lương với Phạm Lãi và Khổng Minh). Luận án lưu tâm chỉ ra những đánh giá, so sánh, bình luận của chính nhà nho qua các thời đại ở Trung Quốc và Việt Nam về Trương Lương; định vị, so sánh ông với các nhân vật khác cùng loại hình. Ở đó, nhà nho hai nước đồng thanh khẳng định Trương Lương là hình tượng nhân vật hình mẫu của tiểu loại này. Điều này cho phép không cần thiết chứng minh có một nhóm, tức thành một tiểu loại nhân vật, mà ở đó Trương Lương là hình mẫu.

Điều này khả dĩ đồng thuận được, có một tiểu loại nhân vật đế sư trong lịch sử và có một nhóm, tức tiểu loại hình tượng nhân vật đế sư, ở đó Trương Lương là hình tượng điển hình của tiểu loại này. Như vậy, hình tượng Trương Lương trong trước tác nhà nho hai nước được hiểu là hình tượng nhân vật đế sư tiêu biểu của nhóm, và qua phân tích hình tượng đế sư Trương Lương có thể khái quát được cấu trúc nghệ thuật, mô thức nghệ thuật hình tượng đế sư, xúc cảm thẩm mỹ qua hình tượng này và trầm tích những khát vọng của nhà nho tinh hoa hai nước qua hình tượng này.

5. Đóng góp của luận án

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.

Chứng minh có một loại hình tượng nhân vật đế sư trong lịch sử văn học cổ Trung Quốc và Việt Nam.

Ở mức độ nhất định, luận án lý thuyết hóa cấu trúc nghệ thuật hình tượng đế sư, đặc sắc của hình tượng nhân vật đế sư.

Trương Lương - Hình mẫu của tiểu loại nhân vật đế sư trong trước tác các tác giả nhà nho Khảo sát nguồn tư liệu Trung Quốc và Việt Nam - 2

Chỉ ra mạch cảm hứng hình tượng nhân vật đế sư qua mẫu hình đế sư Trương Lương trong lịch sử văn học cổ Trung Quốc và Việt Nam.

Chứng minh và khẳng định một loại hình nhân vật đặc biệt, một kiểu hình tượng ám ảnh lâu dài, sâu sắc, chi phối cả hành xử chính trị của những nhà nho tinh hoa nhất trong lịch sử Việt Nam.

Qua diễn hóa mẫu hình đế sư Trương Lương, chỉ ra quy luật, đặc sắc của quá trình giao lưu, tiếp nhận và chia sẻ nhân vật lịch sử, những quy luật và những khác biệt của quá trình diễn hóa từ nhân vật lịch sử đến hình tượng văn học ở Trung Quốc và từ Trung Quốc đến Việt Nam.

Chứng minh vị trí đặc biệt của Trương Lương trong loại hình và vị trí Trương Lương trong tâm thức nhà nho hai nước, đặc biệt là sự ám ảnh đế sư Trương Lương trong tâm thức nhà nho tinh hoa Việt Nam.

Đặc biệt, ở chiều sâu nhất, luận án chỉ ra qua Trương Lương, là trầm tích của lý tưởng, tư tưởng, khát vọng của nhiều thế hệ kẻ sĩ tinh hoa về giới mình được hiện lên sinh động và những biến thái khác nhau qua những giai đoạn lịch sử.

6. Cấu trúc của luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án được cấu trúc thành 3 chương:

Chương 1: Mấy vấn đề lý thuyết; những cơ sở về chính trị, tư tưởng, xã hội và cội nguồn, đặc điểm, cấu trúc tư tưởng nhân vật đế sư.

Chương 2: Trương Lương: Từ nhân vật lịch sử đến hình tượng văn học.

Chương 3: Nhìn sâu hơn cảm hứng hình tượng đế sư trong tâm thức nhà nho và dấu ấn của hình tượng này trong hành xử chính trị của họ.

7. Tổng quan vấn đề nghiên cứu

7.1. Lịch sử nghiên cứu “nhân vật đế sư”

7.1.1. Về nguồn gốc từ và thuật ngữ “đế sư”

Theo khảo sát của chúng tôi, từ “đế sư” và những từ liên quan, gần nghĩa hoặc đồng nghĩa với từ này (chẳng hạn: đế giả sư, vương giả sư, vương sư…) xuất hiện khá sớm trong lịch sử Trung Quốc. Người dùng từ “đế sư” sớm nhất là Ban Cố, nhà sử học lớn đời Hán, ở Truyện Chu Vân trong Hán Thư, có ghi việc đời Hán Thành đế, học giả đồng thời là Tể tướng Trương Vũ được “đặc tuyển” làm “đế sư”1. Nhưng có lẽ, cội nguồn sâu xa nhất của từ này phải tính từ Tư Mã Thiên2 với Sử ký lừng danh, mặc dù ông chưa dùng từ “đế sư” nhưng những cụm từ “vương giả sư” và “đế giả sư”, xét về nghĩa là tương đồng với từ “đế sư” như Ban Cố dùng sau này. Trong Sử ký, Lưu Hầu thế gia, Tư Mã Thiên hai lần dùng từ này. Lần đầu khi thuật chuyện Trương Lương được vị tiên ông tặng Thái Công binh pháp và dặn rằng: Đọc quyển sách này thì làm được thầy bậc vương giả3[156, tr. 281]. Sau này, khi


1 Về cội nguồn từ “đế sư” chúng tôi nhận được sự góp ý và thông tin từ . Trân trọng thông tin quý báu và sự góp ý của thầy.

2 Tư Mã Thiên (145 - 86 TCN), đại sử gia, đại văn hào Trung Quốc.

3 Nguyên bản Tư Mã Thiên dùng từ vương giả sư.

Trương Lương hoàn thành đại nghiệp, ông nói với Hán Cao Tổ: Gia đình tôi đời đời làm tướng quốc nước Hàn. Đến khi Hàn mất, tôi chẳng tiếc số tiền vạn lạng vàng, đối phó với nước Tần mạnh, để báo thù cho nước Hàn, làm cho thiên hạ đều rung động. Nay tôi lấy ba tấc lưỡi mà làm thầy bậc đế vương1, được phong vạn hộ, ở ngôi chư hầu, kẻ áo vải được thế là tột bậc2 [156, tr. 299].

Sau Tư Mã Thiên, sĩ đại phu hai nước cứ “tự nhiên nhi nhiên” sử dụng danh xưng này định loại Trương Lương. Những từ, tổ từ đế sư, đế vương sư, vương giả sư, vương sư, đế giả sư… xuất hiện liên tục và tăng dần trong trước tác thi ca của hai thời đại Đường - Tống và các thời đại Nguyên, Minh, Thanh, kéo dài cho đến tận ngày nay. Chẳng hạn:

Trong Giản đồng chí, Ôn Đình Quân thời Đường, viết:

Lưu Hầu công nghiệp hà dung dị, Nhất quyển binh thư tác đế sư3

Thi nhân Từ Dần, trong bài Ấn cựu sơn viết: Đào cảnh luyến thâm tùng hội ảnh, Lưu Hầu phao khước đế vương sư4

Bạch Cư Dị, trong Hoà đáp thi thập thủ. Đáp tứ hạo miếu, ông viết:

Cảnh tạp bá giả đạo, Đồ xưng đế giả sư5

Dày đặc trong trước tác của mình, thi nhân thời Đường dùng danh xưng này định vị Trương Lương. Vấn đề này, luận án sẽ tiếp tục chứng minh và luận giải ở các chương tiếp theo.

Sang thời Tống ta cũng bắt gặp sự tiếp tục của danh vị ấy. Đường Sĩ Sỉ trong Tống lâm giang giao đãi Trương Từ Lý, viết:

Tử Phòng đế vương sư6



1 Hai từ này trong nguyên bản, Tư Mã Thiên dùng “vương giả sư” để viết về Trương Lương ở giai đoạn đầu của sự nghiệp và từ “đế giả sư” viết về Trương Lương khi đại nghiệp đã thành công, theo góp ý của người phản biện độc lập, tại sao lại dùng hai từ này hẳn là có ý đồ của Tư Mã Thiên và là “chuyện đáng bàn”. Nhân đây cũng xin cảm ơn sự góp ý của người phản biện vì ý kiến quý báu này. Nghiên cứu sinh tiếp tục suy nghĩ và hoàn thiện.

2 Nguyên bản Tư Mã Thiên dùng từ đế giả sư.

3 Toàn Đường thi, Vương Toàn chủ biên, Trung Hoa thư cục xuất bản, 1960, tập 17, quyển 583, tr. 6762. 4 Toàn Đường Thi, Vương Toàn chủ biên,Trung Hoa thư cục xuất bản, 1960, tập 21, quyển 708, tr. 8154. 5 Toàn Đường Thi,Vương Toàn chủ biên, Trung Hoa thư cục xuất bản, 1960, tập 13, quyển 425, tr. 4683.

6 Toàn Tống thi, Hứa Dật Dân chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh, 1998, tập 60, quyển 3152, tr. 37827.

Trương Lỗi trong Tằng Thiên Khải hữu đệ, viết: Bất kiến Hán thời Trương Tử Phòng Thân tài lục xích tá thời vương

...

Vương sư hội khán truyền thành tường1

Trong bài Thứ vận Trương An Quốc nhị thủ, Châu Tất Đại viết:

...

Phương vi đế giả sư2, Cảm thỉnh bãi tịch cốc

Phạm Trọng Yêm trong bài Duyệt cổ đường thi viết:

Vương sư sinh thái bình3

Trong Lưu Hầu miếu hạ tác, Mai Thuấn Thần viết:

Tha nhật tắc vi vương giả sư4

Trong Thu nhật giang quán hỉ đàn cầm vũ nhân chí, Hạ Tủng viết:

Dĩ Kiều thư tại như tương thụ Bất độc Lưu Hầu thị đế sư5

Danh xưng đế sư xuất hiện ở Việt Nam6 khá muộn. Theo khảo sát của chúng chúng tôi, danh xưng này lần đầu tiên xuất hiện trong trước tác Trương Lưu hầu phú của Nguyễn Hữu Chỉnh7, khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII.


1 Toàn Tống thi, Hứa Dật Dân chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh, 1998, tập 20, quyển 1179, tr. 13307 2 Toàn Tống thi, Hứa Dật Dân chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh, 1998, tập 43, quyển 323, tr. 267133 Toàn Tống thi, Hứa Dật Dân chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh, 1999, tập 3, quyển 165, tr. 1878.

4 Toàn Tống thi, Hứa Dật Dân chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh, 1998, tập 5, quyển 257, tr. 390.

5 Toàn Tống thi, Hứa Dật Dân chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh, 1998, tập 3, quyển 159, tr. 1800.

6 Những trước tác đề vịnh Trương Lương của nhà nho Việt Nam, chúng tôi chủ yếu dẫn từ Tổng tập văn học Việt Nam và toàn tập của từng tác giả lớn và một số nguồn khác.

7 Về bài Trương Lưu hầu phú, gần đây, một số nhà nghiên cứu cho rằng bài phú này không phải của Nguyễn

Hữu Chỉnh mà của Nguyễn Bá Lân. Trong định hướng của luận án, chúng tôi không đi sâu biện luận và chứng minh tác quyền tác giả của bài phú. Tuy nhiên theo chúng tôi, quan sát tính cách, khát vọng, hành trạng và toan tính của Nguyễn Hữu Chỉnh ở những chặng lớn trong cuộc đời (chúng tôi chứng minh ở chương 3, mục Nhìn sâu trong luận án này), Nguyễn Hữu Chỉnh là tác giả bài phú phù hợp hơn Nguyễn Bá Lân. GS. Trần Ngọc Vương trong công trình Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam và Phong Châu, Nguyễn Văn Phú - tác giả sách Phú Việt Nam cổ và kim cũng có cùng quan điểm như vậy. Vì vậy, trước khi có những bằng chứng thuyết phục hơn đặng có thể khẳng định Nguyễn Bá Lân là tác giả bài phú, chúng tôi vẫn xem Nguyễn Hữu Chỉnh là tác giả bài phú. Hoặc giả, nếu sau này có thể khẳng định chắc chắn Nguyễn Bá Lân là tác giả bài phú thì mạch hình tượng Trương Lương trong văn học Việt Nam giai đoạn XVIII - XIX vẫn còn nguyên giá trị, không ảnh hưởng đến biện luận của luận án về mạch hình tượng này trong văn học Việt Nam. Vì Nguyễn Hữu Chỉnh và Nguyễn Bá Lân sống cùng thời: Nguyễn Hữu Chỉnh (? - 1787), còn Nguyễn Bá Lân (1701 - 1785).

Ngôi đế sư này chốc phúc tâm,

Việt trù sách vận trong duy trướng

(Trương Lưu hầu phú - Nguyễn Hữu Chỉnh)

Ở một đoạn khác, Nguyễn Hữu Chỉnh dùng lại danh xưng này ngợi ca và định vị Trương Lương

Đế sư cao một bậc, trọng đức tôn danh,

Hầu tước hậu ba muôn, luận công hành thưởng

(Trương Lưu hầu phú)

Và:


Ngẫm từ trên như Trọng Liên, Phạm Lãi nào hơn. So về dưới dầu Lý Tĩnh, Khổng Minh chưa đáng

Ngôi đế sư mà danh cao sĩ; ngoại vật há còn trong bụng, nghìn

thu chữ thắm chửa phai vàng

(Trương Lưu hầu phú)

Trong bài phú Trương Lương, Nguyễn Công Trứ cũng dùng danh xưng “đế sư” định vị Trương Lương1:

Đẩy đưa tấc lưỡi, đứng bậc đế sư

Xốc vác năm năm, dựng nền vương bá

Nhìn từ trục lịch sử, từ đế sư, hay đế vương sư, đế giả sư, vương sư… xuất hiện từ rất sớm trong trước tác sử học và văn chương qua các thời đại ở Trung Quốc. Từ đế sư xuất hiện ở Việt Nam tương đối muộn (giai đoạn thế kỷ XVIII - XIX). Căn cứ vào sự xuất hiện của từ đế sư, đế vương sư, đế giả sư trong trước tác sĩ đại phu Trung Quốc và Việt Nam, có thể hiểu được hàm nghĩa của từ này. Xét về từ nguyên, đế sư, đế vương sư, đế giả sư, vương sư… được hiểu là thầy, bậc thầy của vua chúa, bậc thầy của hoàng đế (Đọc quyển sách này thì làm được thầy bậc vương giả, nay tôi lấy ba tấc lưỡi mà làm thầy bậc đế vương, được phong vạn hộ). Trong trường hợp khác, từ này xuất hiện với ý nghĩa định ngôi vị của đối tượng. Trong Trương Lưu hầu phú, Nguyễn Hữu Chỉnh viết: “Ngôi đế sư mà danh cao sĩ,


1 Bài phú Trương Lương của Nguyễn Công Trứ hiện vẫn là bài tồn nghi. Bài này được chép và ghi tên tác giả Nguyễn Công Trứ trong Văn Đàn bảo giám của Trần Trung Viên. Theo chúng tôi được biết, đây là tác phẩm duy nhất chép bài phú này. Tác giả biên soạn cuốn Nguyễn Công Trứ theo dòng lịch sử dẫn lại bài này ở mục những bài tồn nghi của Nguyễn Công Trứ.

Ngôi đế sư này chốc phúc tâm/ Đẩy đưa tấc lưỡi đứng bậc đế sư, đế sư cao một bậc, trọng đức tôn danh ”… Không chỉ định ngôi đối tượng, sự xuất hiện của từ này trong nhiều trường hợp còn cấp một nghĩa khác, là sự định loại, loại biệt của đối tượng với đối tượng khác, đặc biệt là đối tượng cùng loại hình. Cũng trong Trương Lưu hầu phú, Nguyễn Hữu Chỉnh viết:

Ngẫm từ trên như Trọng Liên, Phạm Lãi nào hơn So về dưới dầu Lý Tĩnh, Khổng Minh chưa đáng Ngôi đế sư mà danh cao sĩ

Đế sư cao một bậc, trọng đức tôn danh

Bước ngoặt đánh dấu lịch sử nghiên cứu thuật ngữ đế sư từ một từ định danh, định vị, định loại đối tượng chuyển hóa thành thuật ngữ khoa học chỉ một kiểu loại nhân vật lịch sử. Cho tới nay, ông Trần Ngọc Vương là người đầu tiên dùng thuật ngữ đế sư như một thuật ngữ khoa học, chỉ một tiểu loại hình nhân vật anh hùng thời loạn. Ông viết: “Về phần mình, chúng tôi muốn nói thêm rằng người hào kiệt như ở Phan Bội Châu là sự tiếp biến của mẫu người anh hùng thời loạn trong bối cảnh lịch sử thay đổi. Trước kia, đã từng tồn tại hai “tiểu loại” người anh hùng thời loạn; đó là người anh hùng tạo thời thế (anh hùng sáng nghiệp) và “đế sư” [211, tr. 329]. Kết quả được trình trên giấy trắng mực đen này xuất hiện trong hoàn cảnh mà theo như ông kể là cuộc trao đổi khoa học với giáo sư Trần Đình Hượu (người thầy học của mình), trong đó giáo sư Trần Đình Hượu nhận định rằng, xét về loại hình nhân cách, Phan Bội Châu là “người hào kiệt tự nhiệm”. Theo ông Trần Ngọc Vương, nhận xét của giáo sư Trần Đình Hượu là xác đáng. Tuy nhiên theo ông, và đã được giáo sư Trần Đình Hượu thừa nhận, Phan Bội Châu xét từ loại hình nhân cách, là sự tiếp biến của mẫu hình người anh hùng thời loạn trong bối cảnh lịch sử đã thay đổi.

Do nhiều lý do khác nhau, ông Trần Ngọc Vương chưa có điều kiện đi sâu lý thuyết hoá và nghiên cứu chuyên biệt về tiểu loại nhân vật đế sư. Tuy nhiên, ở những vấn đề có liên quan, ông đã từng bước chỉ ra những đặc điểm của loại hình nhân vật đặc biệt này. Cụ thể hoá những nghiên cứu này, chúng tôi tiếp tục triển khai ở lịch sử nghiên cứu loại hình anh hùng thời loạn - đế sư.

7.1.2. Lịch sử nghiên cứu nhân vật đế sư

Ở cả Trung Quốc và Việt Nam, trong thời đại chuyên chế không xuất hiện những nghiên cứu lý thuyết hoá về nhân vật đế sư.

Ngay tại thời điểm này, ở Trung Quốc vì nhiều lý do khác nhau, không xuất hiện định hướng nghiên cứu loại hình hoá mẫu người này. Một điểm hết sức đáng lưu ý là, trong nghiên cứu ở Trung Quốc ngày nay, từ đế sư vẫn được các học giả Trung Quốc dùng để đặt tít cho các công trình nghiên cứu Trương Lương nhưng đây hoàn toàn không phải là lối nghiên cứu theo hướng loại hình hoá nhân vật. Chẳng hạn, trong công trình nghiên cứu tương đối mới, đồ sộ về “tam kiệt” nhà Hán, có tên Trung Quốc tư tưởng gia bình truyện tùng thư, Trương Lương, Tiêu Hà, Hàn Tín bình truyện, do Khuông Á Minh chủ biên, ở chương 4: Mưu lược cái thế đích đế vương sư Lưu Hầu Trương Lương [229, tr.107], hoặc trong cuốn sách 10 đại mưu lược gia Trung Quốc, Tang Du biên soạn, Nhà xuất bản Văn học Việt Nam dịch đặt Trương Lương- đế vương sư [30, tr. 107].

Đọc kỹ phần viết về Trương Lương của hai cuốn sách này, đặc biệt là cuốn sách khá công phu do Khuông Á Minh chủ biên, các tác giả chỉ đơn thuần dùng từ đế sư đặt tít cho bài viết nhưng không triển khai theo phương pháp loại hình học mà miêu tả tiểu sử và sự nghiệp của Trương Lương. Cuốn 10 đại mưu lược gia Trung Quốc cũng đơn thuần lược tiểu sử và công lao của thập đại mưu lược gia, trong đó có Trương Lương đế sư.

Về cơ bản, hướng nghiên cứu loại hình hoá và nghiên cứu Trương Lương với tư cách là một loại hình nhân cách trong hệ thống nhân vật anh hùng thời loạn chưa xuất hiện trong những nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Ở Việt Nam, do định hướng nghiên cứu loại hình học được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm hơn nên trong những công trình nghiên cứu của các học giả đã bước đầu lý thuyết hoá loại hình nhân cách đế sư. Như đã chỉ ra, ông Trần Ngọc Vương là người mở đầu dùng thuật ngữ đế sư với ý nghĩa là một thuật ngữ khoa học chỉ một loại hình nhân cách trong lịch sử tư tưởng, lịch sử văn hoá khu vực. Vì là người có ý thức quan tâm sớm nhất về vấn đề này, nên ông cũng là người tiên phong chỉ ra ở những nét phác thảo nhất đặc điểm của mẫu hình nhân cách văn hóa này.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/07/2022