Tổng Quan Về Nông Nghiệp Ứng Dụng Công Nghệ Cao


- Dữ liệu sơ cấp để kiểm định ý định hành vi cấp tín dụng của các nhân viên tín dụng được thực hiện từ bộ mẫu tổng thể gồm 358 phiếu khảo sát các nhân viên tín dụng tại khu vực nghiên cứu.

- Dữ liệu sơ cấp để đánh giá nhu cầu, thực trạng vay vốn, mục đích sử dụng vốn vay, những khó khăn mà khách hàng đang mắc phải.., được thực hiện từ bộ mẫu gồm 161 phiếu khảo sát các nông hộ, DN, HTX tại khu vực nghiên cứu.

1.5. Những điểm mới và đóng góp của luận án

1.5.1. Những điểm mới

Một là, Luận án đã phân tích, đánh giá về hoạt động tín dụng của NHTM đối với NNCNC tại tỉnh Lâm Đồng với ba hướng tiếp cận: NHTM với vai trò là nhà tài trợ vốn, nhu cầu vốn từ góc nhìn khách hàng và các yếu tố ảnh hưởng đến ý định cấp vốn từ góc nhìn của các nhân viên tín dụng.

Hai là, Luận án đã tiếp cận lý thuyết về hành vi và kế thừa các mô hình tích hợp để xây dựng mô hình lượng hóa các yếu tố giải thích cho ý định cấp tín dụng cho sản xuất NNCNC của các nhân viên tín dụng tại các NHTM tỉnh Lâm Đồng từ kết quả khảo sát.

Ba là, Luận án đã luận giải, đưa ra khái niệm, đặc điểm, vai trò tín dụng NHTM cho NNCNC.

Bốn là, Luận án đã sử dụng kết hợp dữ liệu sơ cấp và dữ liệu thứ cấp với nhiều phương pháp phân tích khác nhau để tìm ra những khó khăn, điểm nghẽn cả từ phía cung và cầu vốn tín dụng cho NNCNC.

1.5.2. Các đóng góp về mặt khoa học

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 297 trang tài liệu này.

Một là: Hệ thống hóa khung lý luận về NNCNC và tín dụng NHTM, trên cơ sở đó phát triển thành các lý thuyết về tín dụng NHTM cho sản xuất NNCNC.

Hai là: Hệ thống hóa các khung lý thuyết về hành vi, đánh giá, kế thừa các nghiên cứu thực nghiệm để xây dựng mô hình giải thích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định cấp tín dụng của các nhân viên tín dụng.

Tín dụng ngân hàng thương mại đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng 1683910919 - 5

Ba là: Luận án đúc kết thêm bằng chứng thực nghiệm cho cơ sở lý thuyết về phát triển tín dụng ngân hàng đối với NNCNC tại các chi nhánh NHTM tại tỉnh Lâm Đồng.

1.5.3. Các đóng góp về mặt thực tiễn

- Luận án đã cung cấp thêm nhiều thông tin về thực trạng hoạt động tín dụng nông nghiệp, đặc biệt là NNCNC tại tỉnh Lâm Đồng.


- Tìm ra những khó khăn trong quá trình vay vốn sản xuất NNCNC và những điểm nghẽn trong hoạt động tín dụng NNCNC, từ đó giúp cho các NHTM tỉnh Lâm Đồng có căn cứ thực tiễn để xây dựng chiến lược kinh doanh.

- Đưa ra những giải pháp, khuyến nghị hữu ích cho các NHTM, các ngành có liên quan và UBND tỉnh Lâm Đồng để có những chính sách phù hợp, nhằm thúc đẩy phát triển tín dụng đối với NNCNC tại tỉnh Lâm Đồng nói riêng và của Việt Nam nói chung.

1.6. Kết cấu của luận án

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, luận án được cấu trúc thành 5 chương

Chương 1: Giới thiệu tổng quan nghiên cứu.

Chương này nhằm giới thiệu về tính cấp thiết của nghiên cứu; lược khảo các nghiên cứu và khoảng trống khoa học, mục tiêu nghiên cứu; đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu; những đóng góp của nghiên cứu về mặt khoa học và thực tiễn.

Chương 2: Cơ sở lý thuyết

Chương này giới thiệu tổng quan về NNCNC, cơ sở lý thuyết về tín dụng NHTM và tín dụng NHTM cho sản xuất NNCNC; các lý thuyết hành vi sử dụng trong luận án, lược khảo kết quả của các nghiên cứu trước, từ đó xây dựng mô hình nghiên cứu định lượng các yếu tố ảnh hưởng đến ý định hành vi cấp tín dụng.

Chương 3: Phương pháp nghiên cứu

Chương này trình bày về các quy trình và phương pháp nghiên cứu của luận án.

Chương 4: Kết quả nghiên cứu

Chương này trình bày kết quả của các nghiên cứu, sau đó thảo luận các kết quả đó.

Chương 5: Kết luận và giải pháp, khuyến nghị

Chương này đưa ra những giải pháp, khuyến nghị liên quan đến kết quả nghiên cứu; kết luận và đưa ra những hạn chế và hướng nghiên cứu tiếp theo.

Kết luận Chương 1

Chương 1 đã giới thiệu tính cấp thiết về lý luận và thực tiễn của nghiên cứu tín dụng NHTM cho NNCNC tại tỉnh Lâm Đồng. Sau khi đã lược khảo các nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan, Chương 1 đã tìm ra khoảng trống khoa học; trên cơ sở đó xác định nội dung, mục tiêu, đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu; những đóng góp của nghiên cứu về mặt khoa học và thực tiễn. Chương 1 là cơ sở để thực hiện các nghiên cứu ở các chương tiếp theo.


CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT


2.1. Tổng quan về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

2.1.1. Các khái niệm và đặc trưng của sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ

cao


2.1.1.1. Các khái niệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

- Khái niệm nông nghiệp công nghệ cao

Theo Luật Công nghệ cao (2008) “Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về

nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường, có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hoá ngành sản xuất, dịch vụ hiện có”.

Theo Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: Công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ”.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là yêu cầu tất yếu để hội nhập quốc tế, tuy nhiên qua quá trình triển khai thực tế tại một số địa phương, doanh nghiệp còn lúng túng, bị vướng ở cơ sở lý thuyết hoặc cơ sở thực tiễn. Qua lược khảo các khái niệm có liên quan đến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Phạm S, luận án nhận thấy đây là những khái niệm có ý nghĩa khoa học và mang tính thực tiễn cao, một số khái niệm đã được thể chế các chính sách phục vụ sản xuất và đời sống, được chia sẻ cộng đồng xã hội ở phạm vi quốc gia và quốc tế, được dịch ra trên 100 thứ tiếng khác nhau (Phạm S 2018). Vì vậy, việc luận dẫn các khái niệm của Phạm S là phù hợp. Theo Phạm S (2006) thì “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nông nghiệp ứng dụng tổng hợp các loại công nghệ mới phù hợp trong điều kiện không gian, thời gian cụ thể với tiềm lực cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến để đạt năng suất tối ưu, chất lượng tốt nhất, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá thành hạ; tăng tính cạnh tranh, có hiệu quả kinh tế cao, trên cơ sở đảm bảo môi trường sinh thái bền vững”

- Khái niệm khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao


Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khu quy hoạch có quy mô diện tích đất phù hợp; không có hoạt động nghiên cứu triển khai tập trung mà hoạt động này chủ yếu do các doanh nghiệp; hoạt động chủ yếu là sản xuất tập trung một lĩnh vực nào đó (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản), chế biến và xúc tiến thị trường tiêu thụ; đảm bảo môi trường sinh thái toàn vùng; làm chức năng hạt nhân liên kết trong vùng để sản xuất nông sản chất lượng cao, an toàn thực phẩm, chủ động thị trường trong và ngoài nước (Phạm S, 2006)

- Khái niệm vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô diện tích từ 50 - 100 ha trở lên; tập trung ứng dụng công nghệ cao để sản xuất đồng loạt một hoặc một số loại nông sản nhất định có tiềm năng phát triển tốt nhất trong vùng, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, đảm bảo môi trường sinh thái nông nghiệp nông thôn trong toàn vùng (Phạm S, 2014).

- Khái niệm doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP thì “doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận”. Việc phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận để trở thành DN nông nghiệp công nghệ cao đã làm hạn chế vai trò của DN trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm cơ hội tiếp cận các nguồn lực tài chính cho sản xuất. Theo Phạm S (2014) thì Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh trên một loại cây trồng, vật nuôi nào đó nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh nông sản, đồng thời liên tục ứng dụng và đổi mới công nghệ trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Khái niệm trang trại ứng dụng công nghệ cao

Trang trại ứng dụng công nghệ cao là trang trại ứng dụng công nghệ cao trong toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh trên một loại cây trồng, vật nuôi nào đó nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh nông sản, đồng thời liên tục ứng dụng và đổi mới công nghệ trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh (Phạm S, 2014).

- Khái niệm hộ nông dân ứng dụng công nghệ cao

Hộ nông dân ứng dụng công nghệ cao là các hộ nông dân có thể ở riêng lẻ hoặc nằm trong vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng các công nghệ cao trong toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh của hộ gia đình (Phạm S, 2014).

- Khái niệm dự án ứng dụng công nghệ cao


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2017), dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là dự án sản xuất nông nghiệp phải đáp ứng được một trong các tiêu chí:

+ Dự án đầu tư thực hiện trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập khu;

+ Dự án trong vùng nông nghiệp ứng dụng nghệ cao đã được ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định công nhận vùng;

+ Dự án của doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

+ Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khác không thuộc các điểm trên là dự án áp dụng các công nghệ được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường thuộc danh mục quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017.

- Khái niệm liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp

Liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp là hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Chính phủ (2015).

Như vậy, phát triển NNCNC là giải quyết mâu thuẫn giữa năng suất nông nghiệp thấp, sản phẩm chất lượng thấp, đầu tư công lao động nhiều, hiệu quả kinh tế thấp bằng việc áp dụng những thành tựu của khoa học công nghệ nhằm đảm bảo nông nghiệp tăng trưởng ổn định với năng suất, sản lượng vả chất lượng cao. Thông qua sự phát triển của khoa học công nghệ, con người đã tác động vào tài nguyên và làm cho ưu thế của nguồn tài nguyên đạt hiệu quả lớn nhất, hài hòa và thống nhất lợi ích xã hội, kinh tế và sinh thái môi trường.

2.1.1.2. Đặc trưng của sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Từ các khái niệm về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có thể rút ra một số đặc trưng chủ yếu của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như sau:

Một là, Sản xuất NNCNC vẫn là hoạt động nông nghiệp nên đối tượng sản xuất chính vẫn là cây trồng và vật nuôi nhưng bản chất của chúng có thể thay đổi dưới tác dụng của khoa học công nghệ. Vì thế, NNCNC tạo ra những cây giống, con giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt và thời gian sinh trưởng ngắn hơn;


Hai là, Sản xuất NNCNC ứng dụng tổng hợp các loại công nghệ mới, hiện đại trong toàn bộ quá trình sản xuất, qua đó tạo ra phương thức sản xuất mới theo hướng tập trung, sản phẩm hàng hóa được tạo ra với khối lượng lớn. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được xây dựng theo kiểu mới, có sự đồng nhất về công nghệ, kỹ thuật và tính chuyên môn hóa cao. Mỗi khâu của quá trình sản xuất có thể do một DN chuyên môn hóa đảm trách;

Ba là, Hình thành nên các khu, vùng sản xuất chuyên canh các sản phẩm đặc trưng vùng miền; qua đó tạo nên những sản phẩm du lịch canh nông đặc trưng;

Bốn là; Bằng việc áp dụng các công nghệ tiên tiến nên đất trồng dần được thay thế bằng các giá thể hay dung dịch chất dinh dưỡng; từ đó tạo nên các mô hình trồng thủy canh, trồng trên các giá thể ngày càng trở nên phổ biến;

Năm là: Lao động thủ công bị thu hẹp, máy móc thiết bị và lao động có trình độ chuyên môn hóa cao được thay thế trong toàn bộ quá trình sản xuất;

Sáu là, Tạo số lượng hàng hóa lớn với chất lượng cao, đồng đều; do đó, có thể tham gia chuỗi giá trị và thương mại toàn cầu nhờ đáp ứng được yêu cầu về nguồn cung ứng cũng như chất lượng sản phẩm theo tiêu chí của thị trường và có thể truy xuất được nguồn gốc;

Bảy là, Về phương diện kinh tế, việc đầu tư máy móc, trang thiết bị và công nghệ hiện đại sẽ làm tăng chi phí đầu tư trên một đơn vị diện tích; từ đó gia tăng nhu cầu vốn tín dụng từ các NHTM;

Tám là, Xuất hiện thêm những khó khăn như: Tính phong trào trong sản xuất NNCNC, qua đó tạo nên sự dư thừa nguồn cung, giảm hiệu quả kinh doanh; việc trà trộn của các nguồn hàng nông sản kém chất lượng sẽ làm thiệt hại cho người sản xuất;

Chín là, Hình thành nên các mô hình liên kết sản xuất giữa DN, HTX, liên hiệp HTX với các hộ dân trong việc cung ứng vật tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm;

Mười là, Sản xuất NNCNC là tiền đề để tiếp tục phát triển nông nghiệp thông minh

4.0 và nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại;

2.1.2. Những ưu điểm của sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Sản xuất NNCNC tạo ra một lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và đặc biệt là thân thiện với môi trường. Tạo giá trị gia tăng cho một số sản phẩm địa phương


(kể cả phụ phẩm nông nghiệp), hình thành các sản phẩm hàng hóa đặc sản chủ lực của quốc gia, vùng và địa phương (mỗi làng một sản phẩm).

Sản xuất NNCNC sẽ giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu do đó quy mô sản xuất được mở rộng.

Sản xuất NNCNC giúp giảm giá thành sản phẩm, đa dạng hóa thương hiệu và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.

Sản xuất NNCNC góp phần sử dụng tiết kiệm đất và làm tăng thêm vai trò của đất.

Sản xuất NNCNC giúp giảm thiểu những rủi ro mất mùa do thiên tai, dịch bệnh, tạo nguồn sản phẩm nông nghiệp đầu ra ổn định, giúp ổn định cung và cầu cho thị trường thực phẩm, đảm bao an ninh lương thực quốc gia. Đây cũng là giải pháp tối ưu để thích nghi với sự biến đổi khí hậu thế giới đang diễn ra ngày càng nhanh chóng và khắc nghiệt.

2.2. Cơ sở lý thuyết về tín dụng ngân hàng thương mại

2.2.1. Khái niệm tín dụng ngân hàng thương mại

Theo Lê Thị Tuyết Hoa, Nguyễn Thị Nhung (2011) thì tín dụng ngân hàng là quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với các chủ thể khác trong xã hội. Ngân hàng là một định chế tài chính trung gian, do vậy trong quan hệ tín dụng với các chủ thể kinh tế khác, ngân hàng có thể vừa là người đi vay, vừa là người cho vay.

- Với tư cách là người đi vay, ngân hàng huy động vốn dưới hình thức nhận tiền gửi của các chủ thể kinh tế, các cá nhân hoặc phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, trái phiếu ngân hàng.

- Với tư cách là người cho vay, ngân hàng cấp tín dụng đáp ứng kịp thời vốn cho quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng của các chủ thể kinh tế, cá nhân từ đó góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất lưu thông hàng hóa ngày càng phát triển.

Theo Lý Hoàng Ánh và Lê Thị Mận (2013) thì “tín dụng ngân hàng thực chất là sự chuyển nhượng tạm thời quyền sử dụng vốn từ ngân hàng sang khách hàng, sự chuyển nhượng này có thời hạn và chi phí theo sự thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng”. Nguyễn Minh Kiều (2009) lại cho rằng “tín dụng ngân hàng là quan hệ chuyển nhượng quyền sử dụng vốn từ ngân hàng cho khách hàng trong một thời gian nhất định với một khoản chi phí nhất định”.

Trầm Thị Xuân Hương, Hoàng Thị Minh Ngọc và cộng sự (2014) thì cho rằng “nghiệp vụ tín dụng ngân hàng thể hiện quan hệ tín dụng phát sinh giữa ngân hàng với khách hàng, trong đó ngân hàng là người cấp tín dụng cho khách hàng dưới hình thức bằng


tiền hoặc tài sản trong một khoảng thời gian đã thỏa thuận, với cam kết là khách hàng phải hoàn trả nợ gốc và lãi đúng hạn”.

Theo Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 thì “ Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác” và cho vay “Là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi”.

Có nhiều cách định nghĩa, nhưng tựu trung lại thì tín dụng ngân hàng chứa đựng ba nội dung chính như sau:

- Có sự chuyển nhượng tạm thời quyền sử dụng vốn từ người sở hữu sang người sử

dụng;


- Sự chuyển nhượng này là có thời hạn;

- Sự chuyển nhượng này có kèm theo tiền lãi và rủi ro tín dụng.

Cho vay là một hình thức cấp tín dụng của các NHTM; vì vậy, từ các khái niệm tín

dụng ngân hàng và luận giải như trên, có thể kết luận rằng, tín dụng ngân hàng thương mại (trên phương diện nghiệp vụ cho vay) là việc các ngân hàng thương mại sử dụng nguồn vốn tự có, nguồn vốn huy động để thực hiện cho vay đối với pháp nhân và cá nhân với những điều kiện và trong một thời gian nhất định mà hai bên đã thoả thuận dựa trên nguyên tắc có hoàn trả. Khi đến hạn, bên vay có nghĩa vụ hoàn trả giá trị vay ban đầu và tiền lãi.

2.2.2. Phân loại tín dụng ngân hàng

Có rất nhiều cách phân loại tín dụng ngân hàng dựa vào các căn cứ khác nhau tuỳ theo mục đích nghiên cứu. Theo Bùi Diệu Anh, Hồ Diệu và Lê Thị Hiệp Thương (2009), tín dụng của ngân hàng được phân loại như sau:

Căn cứ vào mục đích tín dụng

Tín dụng sản xuất kinh doanh: Ngân hàng cung cấp tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của các chủ thể trong nền kinh tế trên mọi lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải, bưu điện, dịch vụ v.v.

Tín dụng tiêu dùng: Ngân hàng cấp tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân như mua sắm các vật dụng đắt tiền, cho vay để trang trải các chi phí của đời sống, cho vay thông thường qua phát hành thẻ tín dụng v.v.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 13/05/2023