* Trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông
- Khoản 10 Điều 29 Luật Bưu chính 2010 quy định doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính không được tiết lộ thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính của tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp quy định tại Điều 14 của Luật này, cụ thể: Có căn cứ xác định bưu gửi có liên quan hoặc dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia hoặc hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác; Bưu gửi có liên quan đến vụ án hình sự mà việc kiểm tra, xử lý bưu gửi và yêu cầu cung cấp thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính được pháp luật cho phép.)
- Khoản 4 Điều 6 Luật Viễn thông 2009 quy định doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, vị trí máy gọi, vị trí máy được gọi, thời gian gọi và thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
+ Người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin;
+ Các doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản với nhau về việc trao đổi cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông để phục vụ cho việc tính giá cước, lập hóa đơn và ngăn chặn hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng;
+ Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Thông tư số 06/2008/TTLT-BTTTT-BCA về bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng và an ninh thông tin trong hoạt động bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin quy định doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin có trách nhiệm bảo đảm bí mật của các thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật (điểm i, mục 3.III).
* Trong lĩnh vực y tế
- Pháp luật về y tế đều có quy định trách nhiệm của thầy thuốc, nhân viên y tế trong việc giữ bí mật tình trạng của bệnh nhân cũng như thông tin cá nhân liên quan đến người bệnh, ví dụ: khoản 3 Điều 33 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007; khoản 3 Điều 25 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006; khoản 5 Điều 37 Luật Khám bệnh, Chữa bệnh 2009…
- Nghị định số 10/2015/NĐ-CP Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cung cấp tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho tinh trùng (khoản 3 Điều 4); người gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi nếu sau đó muốn hiến tặng cơ sở lưu giữ tinh trùng, noãn, phôi cho người khác thì cơ sở lưu giữ phải sử dụng biện pháp mã hóa các thông tin về người cho. Trường hợp hiến tặng cho mục đích nghiên cứu khoa học thì không cần phải mã hóa thông tin (khoản 5 Điều 21).
Có thể bạn quan tâm!
- Đánh Giá Tổng Quát Về Khung Pháp Luật Hiện Hành Của Việt Nam Về Quyền Bất Khả Xâm Phạm Về Đời Sống Riêng Tư
- Về Việc Xử Lý Thông Tin Cá Nhân (Ngoại Lệ Của Quyền Bảo Vệ Thông Tin Cá Nhân)
- Về Trách Nhiệm Của Cơ Quan, Tổ Chức Nắm Giữ Thông Tin, Dữ Liệu Cá Nhân
- Quan Điểm Củng Cố Pháp Luật Về Quyền Bất Khả Xâm Phạm Về Đời Sống Riêng Tư Ở Việt Nam
- Giải Pháp Củng Cố Pháp Luật Về Quyền Bất Khả Xâm Phạm Về Đời Sống Riêng Tư Ở Việt Nam
- Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư trong pháp luật Việt Nam - 14
Xem toàn bộ 127 trang tài liệu này.
- Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế cũng quy định trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm y tế; cơ quan bảo hiểm xã hội; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong lưu trữ hồ sơ của người tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và cung cấp các thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (khoản 10.45 Điều 41, khoản
2.46 Điều 43 Luật Bảo hiểm y tế 2009, sửa đổi, bổ sung 2014; Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
* Trong lĩnh vực hình sự
- Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 đã có quy định về trách nhiệm bảo quản phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ, tạm giữ hoặc bị niêm phong (Điều 199); nghĩa vụ của người bào chữa (Điều 73), cụ thể: người bào chữa không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết khi thực hiện bào chữa; không được sử dụng tài liệu đã
ghi chép, sao chụp trong hồ sơ vụ án vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
* Trong lĩnh vực hành chính
- Theo quy định tại Luật Tố tụng hành chính 2015 thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải giữ bí mật cá nhân theo yêu cầu chính đáng của đương sự (khoản 3 Điều 22); không được tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết khi tiến hành giám định hoặc thông báo kết quả giám định cho người khác, trừ người đã quyết định trưng cầu giám định (điểm e khoản 2 Điều 63).
- Các văn bản quy phạm pháp luật về tố cáo cũng đã quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải bảo đảm bí mật thông tin cho người tố cáo (khoản 1 Điều 5 Luật tố cáo 2011; Điều 13 Nghị định số 76/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo; khoản 1 Điều 14 Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập...).
- Luật Hộ tịch 2014 quy định cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch có trách nhiệm bảo đảm bí mật cá nhân trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch (khoản 2 Điều 61).
- Luật Căn cước công dân 2014 quy định cơ quan quản lý căn cước công dân phải bảo đảm an toàn, bí mật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân (khoản 4 Điều 6); người được giao nhiệm vụ thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu có trách nhiệm giữ gìn, bảo mật thông tin, tài liệu có liên quan; không được sửa chữa, tẩy xoá hoặc làm hư hỏng tài liệu và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin đã cập nhật (điểm b khoản 2 Điều 13).
* Trong lĩnh vực thương mại, tài chính, ngân hàng
- Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại, tài chính, ngân hàng đều quy định thương nhân, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phải tuân thủ các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng (Điều 27, Điều 36, Điều 41 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử; Điều 85 Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16/7/2009 quy định về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại; Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng 2010...).
* Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ
- Pháp luật về sở hữu trí tuệ quy định trách nhiệm giữ bí mật thông tin liên quan đến vụ việc mà mình đại diện (điểm b khoản 1 Điều 35 Nghị định số 88/2010/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng); giám định viên sở hữu trí tuệ có trách nhiệm giữ bí mật về kết quả giám định, các thông tin, tài liệu giám định (điểm e khoản 4 Điều 44 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ).
2.3.1.9. Về trách nhiệm của cơ quan truyền thông, báo chí đối với bảo vệ thông tin cá nhân
Hiện nay chưa có quy định về vấn đề này.
Trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nhà nước trong bảo vệ thông tin cá nhân:
* Trong lĩnh vực an ninh mạng, công nghệ thông tin
- Khoản 1 Điều 20 Luật An toàn thông tin mạng 2015 quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, cụ thể: thiết lập kênh thông tin trực tuyến để tiếp nhận kiến nghị,
phản ánh của tổ chức, cá nhân liên quan đến bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng; định kỳ hằng năm tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân; tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất trong trường hợp cần thiết.
- Điều 23 Nghị định số 85/2016/NĐ-CP về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông như sau: thực hiện thẩm định hồ sơ đề xuất cấp độ theo thẩm quyền quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 12 Nghị định này; xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ...
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 72 Luật Công nghệ thông tin 2006 thì tổ chức, cá nhân không được thực hiện một trong những hành vi sau đây: xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng; bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng; hành vi khác làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng…
* Trong lĩnh vực hình sự
- Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 20/2012/NĐ-CP quy định cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự quy định: cơ quan, tổ chức, cá nhân được cung cấp thông tin về thi hành án hình sự có trách nhiệm sử dụng thông tin đúng mục đích, không được cung cấp, để lộ thông tin cho bên thứ ba dưới bất kỳ hình thức nào và phải kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý dữ liệu có thẩm quyền về những sai sót của dữ liệu được cung cấp.
Ngoài ra, pháp luật về tố tụng, hành chính, thương mại, ngân hàng cũng có những quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân của doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nhà nước (Điều 38 Luật Cư trú 2006; khoản 2 Điều 46 Luật
Giao dịch điện tử 2005; Khoản 3 Điều 38 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam 2010; Điều 13, Điều 15, Điều 254 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015; Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ).
2.3.2. Sự tương thích với pháp luật quốc tế và pháp luật của một số quốc gia
Như đã phân tích ở Chương 1, quyền bảo vệ bí mật về đời sống riêng tư hầu hết đều được pháp luật một số quốc gia trên thế giới thừa nhận với tên gọi và phạm vi khác nhau. Ví dụ, Bộ luật Dân sự Pháp ghi nhận mọi người đều có quyền được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ bằng nhiều tên gọi và phạm vi khác nhau. Ngày 13 tháng 4 năm 1988, Tòa án tối cao Pháp đã có phán quyết giải thích về phạm vi của quyền riêng tư, bao gồm đời sống tính cảm, bạn bè, gia đình, sinh hoạt hàng ngày, quan điểm chính trị, công việc làm ăn, tư tưởng tôn giáo, tình trạng sức khỏe. Theo pháp luật Pháp, phạm vi bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân bao gồm cả các thông tin đưa ra tại nơi công cộng và nơi riêng tư của cá nhân. Tuy nhiên, nếu cá nhân chủ động công bố những thông tin đó thì không được coi là bí mật đời tư. Tại Nhật Bản, Tòa án xác định sự xâm phạm quyền bí mật đời tư sẽ dựa trên các tiêu chí: (1) Có liên quan đến đời sống cá nhân; (2) Cá nhân đó mong muốn giữ bí mật; (3) Không phải thông tin, hiểu biết công cộng; (4) Gây ảnh hưởng nặng nề đối với cá nhân nếu bị xúc phạm.
Điều 17 Công ước về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR) và Bình luận chung số 16 khẳng định: Không có sự can thiệp nào về đời tư được chấp nhận trừ những trường hợp được quy định bằng luật pháp, tức là việc can thiệp vào đời sống riêng tư chỉ được phép dựa trên nền tảng của pháp luật, phải tuân thủ các quy định và mục đích của Công ước.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện chưa có các quy định ngoại lệ về các trường hợp nêu trên, nếu có thì mới chỉ dừng lại ở một số lĩnh vực hạn chế
như giao dịch thương mại, hợp đồng. Các văn bản pháp luật chuyên ngành chủ yếu sử dụng cụm từ “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” để hạn chế việc làm rò các quy định cụ thể về các trường hợp xử lý thông tin cá nhân, đời tư một cách hợp pháp. Hệ thống pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định chung đối với việc xử lý thông tin về giới, xu hướng tình dục, chủng tộc… như Pháp hoặc Hàn Quốc.
Đến thời điểm hiện tại, pháp luật Việt Nam vẫn chưa đưa ra định nghĩa chính thức về khái niệm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình cũng như chưa có một luật riêng điều chỉnh về đời sống riêng tư như một số nước. Các quy định về quyền này hiện nằm rải rác ở một số văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, như đã phân tích ở các tiểu mục nêu trên, các văn bản pháp luật chuyên ngành của Việt Nam có diễn giải về các khái niệm này. Ví dụ, Điều 33 Nghị định 56/2017 NĐ – CP hướng dẫn Luật trẻ em năm 2016 giải thích đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em bao gồm: Tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, thông tin về tình trạng sức khoẻ được ghi trong bệnh án, hình ảnh cá nhân, thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em, tài sản cá nhân, số điện thoại, địa chỉ thư tín cá nhân, địa chỉ thông tin về nơi ở, quê quán, địa chỉ, thông tin về trường lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em, thông tin về dịch vụ cung cấp cá nhân cho trẻ em.
Dù vậy, xét chung, tính tương thích của pháp luật Việt Nam về quyền con người nói chung, về bảo vệ bí mật đời sống riêng tư nói riêng đối với pháp luật quốc tế đã được nâng lên. Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận, nội luật hóa sâu rộng nhiều quyền con người được ghi nhận trong các điều ước quốc tế, trong đó có những điều ước quốc tế liên quan trực tiếp đến quyền riêng tư như Công ước về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR); Công ước về quyền trẻ em năm 1989; Công ước về quyền của người khuyết tật năm
2006… So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung thêm nhiều quyền hoàn toàn mới và sửa đổi, bổ sung hầu hết các quyền được kế thừa, trong đó có những quyền liên quan trực tiếp tới bảo vệ thông tin bí mật cá nhân, bí mật đời tư.
Ở cấp độ dưới Hiến pháp, các quy định hiện hành về bảo vệ quyền về đời sống riêng tư cũng cho thấy sự tương thích tương đối cao với quy định của pháp luật quốc tế, như Luật bảo đảm An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật trẻ em năm 2016…
Tuy nhiên, mô hình phổ biến trên thế giới nói chung là thành lập các cơ quan chuyên trách, độc lập chức năng giám sát thi hành pháp luật quyền về đời sống riêng tư cũng như việc hướng dẫn, giải thích pháp luật hay giải quyết các vấn đề liên quan. Trong khi đó, ở Việt Nam chưa có quy định nào về cơ chế bảo đảm thi hành quyền này, mà chủ yếu chỉ được bảo đảm thông qua cơ chế giám sát của cơ quan dân cử, hoạt động tố tụng tại tòa án và cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Tóm lại, xét trên các tiêu chí về tính đầy đủ, toàn diện; thống nhất, đồng bộ, khả thi, rò ràng, minh bạch, có thể xác định những hạn chế của khung pháp luật Việt Nam về quyền được bảo đảm sự riêng tư như sau:
Thứ nhất: Như đã đề cập ở các mục trên, quyền này được ghi nhận rải rác trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật nên thiếu tập trung, giá trị pháp lý không đồng đều, gây khó khăn cho việc hiểu, tra cứu, viện dẫn, tiếp cận và thi hành. Nội dung các quy định pháp luật về quyền này vẫn còn khá chung chung, chưa có một định nghĩa cụ thể về thế nào là “đời sống riêng tư”, và chưa được tiếp cận dưới góc độ về quyền con người. Bên cạnh đó, các chế tài xử lý những hành vi vi phạm quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư thiếu và chưa phù hợp.