về chính sách của Nhà nước cũng như sự tác động của Hội nhập kinh tế đối với các tập đoàn kinh tế có thể những phân tích đánh giá đó không còn giữ nguyên giá trị và cần được cập nhật.
Thứ hai, tác phẩm dưới dạng sách giáo khoa có tựa đề: “Quản trị tài chính doanh nghiệp hiện đại” do NXB thống kê năm 2009 của tác giả Dương Hữu Hạnh. Tác phẩm này tuy không đề cập trực tiếp đến cụm từ “cơ chế quản lý tài chính trong các tập đoàn kinh tế”, song nội dung đề cập trong tác phẩm phần nào cũng đề cập đến vấn đề quản lý tài chính trong các doanh nghiệp hiện đại, dưới góc nhìn quản trị tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là tác phẩm được biên soạn trên cơ sở các tác phẩm của các giáo sư Mỹ, Úc và mang đậm nét một cuốn sách giáo khoa, nghiêng về phần lý luận nhiều hơn.
Thứ ba, tác phẩm “Thành lập và quản lý các tập đoàn kinh doanh ở Việt Nam” do NXB Chính trị quốc gia Hà Nội ấn hành năm 1996 của tác giả Nguyễn Đình Phan. Trong tác phẩm này, tác giả cũng có dành một số trang viết bàn về vấn đề quản lý tài chính trong các tập đoàn kinh doanh, song vẫn dừng lại ở mức độ hạn chế và cũng mang tính chất gợi ý ban đầu. Từ đó đến nay, tình hình hoạt động của tập đoàn kinh tế Nhà nước ở Việt Nam đã có nhiều biến động, do đó cơ chế quản lý tài chính trong các tập đoàn kinh tế cũng đã có nhiều thay đổi. Nói chung, xung quanh vấn đề cơ chế quản lý tài chính trong các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam cũng có một số tác phẩm dưới dạng sách trong đó có đề cập những góc cạnh khác nhau, song tất cả đều ra đời từ những năm 2000 trở về trước. Ngày nay, dưới tác động mạnh của hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, và sự quản lý Nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế Nhà nước, tất yếu nẩy sinh nhiều vấn đề mới trong cơ chế quản lý tài chính đối với các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam.
Gần đây, trong năm 2009 Chính phủ đã có Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ban hành quy chế quản lý tài chính trong các tập đoàn kinh tế nhà nước. Đó là một Nghị định mới có nhiều tác dụng tích cực trong công tác quản lý tài chính
đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước; tuy nhiên theo nhận định của các nhà kinh tế, vẫn còn nhiều điểm bất cập so với yêu cầu đổi mới và phát triển các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay.
Vấn đề cơ chế quản lý tài chính trong các Tập đoàn kinh tế không chỉ nhận được sự quan tâm của các học giả trong nước, ngay cả ở nước ngoài cũng được nhiều nhà kinh tế quan tâm đến. Chẳng hạn như Eugene F.Brigham một nhà nghiên cứu người Đức trong tác phẩm “Fundamentals of Financial Management” cũng có đề cập đến vấn đề quản trị tài chính trong các tập đoàn kinh tế dưới góc độ lý luận chung về khái niệm, đặc điểm, nội hàm và phương pháp quản lý.
3. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài luận án
Luận án hướng trọng tâm vào những mục tiêu chủ yếu sau đây:
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lý tài chính góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế Việt Nam - 1
- Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Năng Lực Cạnh Tranh Của Tđkt
- Cơ Chế Quản Lý Tài Chính Trong Tđkt Và Tác Động Của Nó Đến Việc Nâng Cao Năng Lực Cạnh Tranh Của Các Tđkt
- Mô Hình Tập Đoàn Mà Các Thành Viên Đồng Cấp Có Sự Đầu Tư Và Kiểm Soát Lẫn Nhau
Xem toàn bộ 190 trang tài liệu này.
- Nghiên cứu lý thuyết về quản lý tài chính với năng lực cạnh tranh của tập đoàn kinh tế.
- Phân tích đánh giá thực trạng quản lý tài chính với vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế nhà ở Việt Nam trong những năm qua.
- Đề xuất các giải pháp hoàn thiện quản lý tài chính nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là:
Tác động của các chủ trương, biện pháp của nhà nước về quản lý các hoạt động tài chính trong các tập đoàn kinh tế nhà nước đối với vấn đề nâng cao năng lực cạnh của các tập đoàn kinh tế từ góc độ lý thuyết cũng như thực tiễn.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài luận án, trên góc độ lý thuyết về cơ chế quản lý tài chính chung của các TĐKT, song khi đi sâu đánh giá thực trạng cơ chế quản lý tài chính đối với các TĐKTNN ở Việt Nam chỉ tập trung nghiên
cứu tác động quản lý tài chính của Nhà nước đối với vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam, không đi sâu nghiên cứu những quy định quản lý tài chính do bản thân các TĐKT nhà nước đề ra. Việc nghiên cứu thực tế quản lý tài chính của Nhà nước trong các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam được thực hiện từ năm 2006 đến năm 2010.
Tuy nhiên, để có thể xem xét, đánh giá một cách toàn diện, luận án có khảo sát và nghiên cứu những vấn đề có liên quan, kinh nghiệm quốc tế trong quản lý các tập đoàn đa quốc gia, từ đó có thể xem xét, vận dụng có chọn lọc và phù hợp với điều kiện Việt Nam.
5. Phương pháp nghiên cứu
Nhằm hoàn thành những mục tiêu đề ra, luận án đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu bao gồm:
- Tổng hợp, phân tích và so sánh kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm sử dụng cơ chế quản lý tài chính của Chính phủ ở một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp đối với các Tập đoàn kinh tế nhà nước.
- Phương pháp duy vật lịch sử và duy vật biện chứng.
- Phương pháp tổng hợp, thống kê, phân tổ, phân tích đối chiếu, so sánh các tư liệu lý luận cũng như thực tiễn.
- Phương pháp sơ đồ, biểu mẫu để khái quát hóa những vấn đề cần nghiên cứu.
- Phương pháp định lượng: sử dụng các kỹ thuật thống kê và kinh tế lượng để mô hình hoá và kiểm định về việc ảnh hưởng của cơ chế quản lý tài chính của nhà nước đối với các Tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua và phương hướng trong giai đoạn tới.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài luận án
Cung cấp thêm những kiến thức lý luận về năng lực cạnh và cách thức quản lý tài chính của nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế nói chung, góp
phần nâng cao những nhận thức của xã hội đối với quá trình hình thành, phát triển và vận hành của các tập đoàn kinh tế dưới góc nhìn về năng lực cạnh tranh và cơ chế quản lý tài chính tác động đến năng lực cạnh tranh.
Đưa ra những gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà quản lý đối với các tập đoàn kinh tế về những giải pháp hoàn thiện phương thức quản lý tài chính của nhà nước đối với các hoạt động tài chính trong các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt nam trong bối cảnh mới.
7. Kết cấu luận án
Luận án được kết cấu thành 3 chương theo truyền thống:
Chương 1: Cơ chế quản lý tài chính với vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của tập đoàn kinh tế
Chương 2: Thực trạng cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước với nâng cao năng lực cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế Việt Nam
Chương 3: Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các tập đoàn kinh tế Việt Nam
CHƯƠNG 1:
CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VỚI VẤN ĐỀ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA TẬP ĐOÀN KINH TẾ
1.1 Tổng quan về năng lực cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế
1.1.1 Khái quát về tập đoàn kinh tế
1.1.1.1 Khái niệm về TĐKT
Ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ khi nói đến tập đoàn kinh tế người ta thường dùng đến cụm từ “Consortium”, “Cartel”, “Trust”, “Alliance” hay “Group”…
Ở các nước Châu Á như ở Nhật người ta dùng từ “Zaibatsu” ở Hàn Quốc dùng từ “Cheabol” để chỉ tập đoàn kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề về TĐKT kinh tế cho đến nay, cả trên thế giới cũng như ở Việt Nam chưa được nghiên cứu giải quyết một cách trọn vẹn được công luận thừa nhận trong đó có vấn đề khái niệm về TĐKT. Dưới góc độ khái niệm, hiện có nhiều các tiếp cận khác nhau về TĐKT, song cho đến nay chưa đưa ra được một khái niệm có tính chuẩn tắc.
Leff- một nhà kinh tế của Mỹ, năm 1978 đưa ra quan niệm: “Tập đoàn kinh tế là một tập hợp các công ty hoạt động kinh doanh trên thị trường khác nhau dưới sự kiểm soát về tài chính hoặc quản trị chung, trong đó các thành viên của chúng ràng buộc với nhau bằng các mối quan hệ tin cậy lẫn nhau trên cơ sở sắc tộc hoặc bối cảnh thương mại”.
Hai nhà kinh tế học Powell và Smith Doestt thì cho rằng “Tập đoàn kinh tế là hệ thống các công ty hợp tác thường xuyên với nhau trong một thời gian dài”.
Một số nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế như: Frank, Myer, Kojma, cho rằng TĐKT có thể dựa trên các kiểu liên minh khác nhau như:
quan hệ ngân hàng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban giám đốc, các liên minh về sở hữu, sự liên minh chia sẻ thông tin…
Tóm lại, dưới góc độ khái niệm có nhiều cách tiếp cận khác nhau về TĐKT, chắt lọc những hạt nhân hợp lý của các cách tiếp cận trên chúng tôi cho rằng: “Tập đoàn kinh tế là một tổ hợp gồm nhiều công ty có tư cách pháp nhân độc lập, hoạt động trong một ngành hay những ngành khác nhau trong phạm vi một nước hay nhiều nước, tự nguyện liên kết với nhau theo những nguyên tắc và phương thức nhất định nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường và tối đa hóa lợi nhuận trong kinh doanh”.
1.1.1.2 Đặc điểm TĐKT
Do đặc thù về tình hình kinh tế xã hội của mỗi quốc gia nên nói chung tập đoàn kinh tế ở mỗi nước cũng có những đặc điểm khác nhau, song nhìn một cách khái quát nhất so với những thực thể kinh tế khác, TĐKT có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, về mặt tổ chức tập đoàn kinh tế là một tổ hợp các công ty có tư cách pháp nhân độc lập liên kết với nhau một cách tự nguyện có cùng mục tiêu chung là tối đa hóa lợi nhuận.
Thứ hai, mối liên kết của các thành viên trong tập đoàn hết sức đa dạng, có thể liên kết về vốn, công nghệ, liên kết trong các hoạt động sản xuất kinh doanh…
Thứ ba, nói chung phạm vi hoạt động của tập đoàn kinh tế rất đa dạng, không chỉ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chính mà còn với tay ra cả các hoạt động dịch vụ, tài chính, ngân hàng, bất động sản, hoạt động của các tập đoàn có thể ở trong biên giới của một quốc gia cũng có vươn ra ngoài biên giới quốc gia.
Thứ tư, hầu hết các TĐKT có quy mô lớn về vốn, lao động, doanh thu và phạm vi hoạt động.
Một trong những yêu cầu hình thành các TĐKT là tận dụng lợi thế về quy mô trong cạnh tranh, do đó, có quy mô lớn về vốn, lao động, doanh thu là một đòi hỏi khách quan khi hình thành TĐKT.
Thứ năm, TĐKT thường có tổ chức đa dạng và đa sở hữu. Đặc điểm này thường phụ thuộc vào lịch sử hình thành của TĐKT ở mỗi nước, quan điểm quản lý kinh tế của mỗi nước.
Thứ sáu, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa, mở cửa, hội nhập, hầu hết các TĐKT đều có trung tâm nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ (R&D).
Thứ bảy, về cơ bản các TĐKT được tổ chức, quản lý theo thứ bậc rõ ràng và được điều hành tập trung. Tuy nhiên, do lịch sử hình thành TĐKT của mỗi nước mà đặc điểm này có một số ngoại lệ.
Đó là những đặc điểm chung của các tập đoàn kinh tế được thừa nhận một cách phổ biến. Tuy nhiên, tùy theo đặc điểm kinh tế xã hội của mỗi nước và ở mỗi một thời kỳ phát triển khác nhau mà tập đoàn kinh tế mang những dấu ấn riêng của mỗi nước ở những thời kỳ khác nhau.
Lịch sử hình thành của các tập đoàn kinh tế trên thế giới cũng rất đa dạng. Song tựu trung lại có hai phương thức hình thành tập đoàn kinh tế trên thế giới:
- Phương thức truyền thống: Doanh nghiệp phát triển tuần tự, tự phát triển, tự tích tụ, tập trung vốn và đầu tư chi phối các doanh nghiệp khác hoặc biện pháp sáp nhập, hợp nhất, thôn tính, mua cổ phần, góp vốn vào các doanh nghiệp khác để trở thành tập đoàn. Ở phương thức này hầu như không có sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước. Trong những trường hợp khác, các doanh nghiệp, công ty tự nguyện liên kết với nhau để tạo thành tập đoàn kinh doanh
có tiềm lực kinh tế tài chính đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, khi đã lớn mạnh chúng có thể tách ra để hình thành một tập đoàn kinh tế mới. Nói chung cách thức hình thành tập đoàn kinh tế mang tính truyền thống đều bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là xu hướng cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường trong và ngoài nước.
- Phương thức thứ hai: hình thành tập đoàn kinh tế dựa trên cơ sở một công ty nhà nước có quy mô rất lớn hoặc tổng công ty nhà nước có mối quan hệ mật thiết bên trong và cơ cấu tổ chức theo hướng tập đoàn. Phương thức hình thành tập đoàn kinh tế này thường thấy ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi như Trung Quốc và Việt Nam.
1.1.1.3 Cấu trúc của TĐKT
Tùy theo đặc điểm hoạt động khác nhau mà mỗi tập đoàn kinh tế có cấu trúc cụ thể khác nhau ở mỗi quốc gia.
Thí dụ: Các Keiretu của người Nhật được tổ chức theo chiều dọc hoặc theo chiều ngang và phát triển tùy theo ngành nghề. Các Keiretsu thường có một ngân hàng, một công ty mẹ hoặc một công ty thương mại và một nhóm gồm các hãng sản xuất. Ngược lại, các Chaebol của Hàn Quốc thường được kiểm soát bởi một gia đình hoặc một nhóm ít gia đình và tổ chức theo chiều dọc. Các Guanxi quiye của Đài Loan thường có quy mô nhỏ, liên kết lỏng lẻo giữa các thực thể với phong cách quản lý nặng về lý thuyết, trái với phong cách độc đoán, gia trưởng của các Chaebol và Keiretsu. Các tập đoàn kinh tế của Trung Quốc theo cấu trúc riêng biệt đó là các tập đoàn đa ngành quy mô lớn có mối ràng buộc chặt chẽ với nhà nước.
Nói chung, tùy theo đặc điểm kinh doanh và đặc điểm của mỗi nước mà cấu trúc của các tập đoàn kinh tế không giống nhau. Để hiểu rõ hơn cấu trúc của TĐKT có thể đi sâu nghiên cứu cách phân loại của các TĐKT. Có nhiều tiêu thức phân loại các TĐKT.