gian từ hiện tượng đạo Dừa… trong các chương trình du lịch Bến Tre còn mờ nhạt.
Do đó, việc xây dựng các chương trình du lịch trải nghiệm sinh thái văn hóa của cư dân vùng biển, du lịch về nguồn, du lịch tâm linh, “du lịch trồng cây” [Phụ lục 25; tr.271] cần được chú ý đầu tư với điểm nhấn là lễ hội từ các di tích, các tín ngưỡng, tôn giáo… Các chương trình khai thác theo hướng này sẽ đưa du khách đến với cuộc sống của người dân, trải nghiệm ẩm thực xứ dừa [60; tr.79], thực hành lễ hội và các trò chơi dân gian, đi chợ quê mua sắm sản vật bản địa, đưa các tuồng tích như hát bội, diễn xướng dân gian vào các lệ cúng đình làng…
Theo các kế hoạch đã được UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt trong Quy hoạch tổng thể PTDL tỉnh Bến Tre đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, trong tổng số 15 điểm di tích, 9 làng nghề đưa vào khai thác du lịch hiện mới có 9 điểm di tích, 6 làng nghề khai thác được khách [114; tr.5] nhưng một bộ phận khá lớn dân cư xung quanh các DTLS-VH, nhất là 2 Di tích được khảo sát đã nhanh chóng tiếp cận chuyển đổi hoặc phát triển thêm sinh kế từ các hoạt động nông, ngư nghiệp sang phục vụ du lịch. Điều đó cho thấy, việc nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch tích hợp với các chương trình du lịch di sản và sinh thái miệt vườn xứ dừa gắn với cộng đồng dân cư làng nghề vừa phù hợp với lý thuyết về mối quan hệ kinh tế trong văn hóa, vừa thể hiện vai trò của du lịch di sản, sinh thái dưới góc độ quản lý văn hóa ngày càng càng rõ nét, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, xác lập và gìn giữ “linh hồn” của các điểm du lịch di sản, làng nghề, giải quyết sinh kế cho người dân. Từ đó tăng cường năng lực bảo vệ di tích ở cộng đồng (do người dân phải dựa vào di sản để sinh sống) và từng bước tiếp cận, kết nối mô hình “Đồng quản lý” của Hội nghề cá Bến Tre trong lĩnh vực QLDT.
Với định hướng trên, ngoài tổ chức các tour khám phá di sản Bến Tre trong 1 ngày như hiện nay, cần thiết kế những chương trình dài hơn 1 ngày, liên kết nhiều điểm di sản, làng nghề trong cùng 1 chương trình đem đến cho du khách những trải nghiệm chân thực, mới lạ nhất về đời sống, tín ngưỡng dân gian và sinh hoạt của người dân miệt vườn, sông nước xứ dừa vốn “hùng vĩ hơn cả núi cao” [39; tr.21].
Với chương trình hai ngày, có thể xây dựng tour “Xuôi dòng Ba Lai huyền
thoại” có lịch trình điểm xuyết bằng các di tích, danh thắng mang đậm dấu ấn văn hóa dừa: Cầu Rạch Miễu (điểm du lịch Làng Bè) – Cồn Phụng (danh thắng – kiến trúc di tích đạo Dừa) - Sông Ba Lai - xã An toàn khu Phước Thạnh (Lăng mộ ông đạo Dừa; Khu Lưu niệm Trần Văn Ơn) - Đền thờ Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - Cống đập Ba Lai - Sân chim Vàm Hồ - DTNĐC sau cùng với hành trình di sản gồm: Ngã Ba cây Da Đôi - Nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Bến Tre, Làng nghề Phú Lễ, trải nghiệm Hát sắc bùa Phú Lễ, Nói thơ Vân Tiên, Viếng Mộ Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản. Điểm đến sau cùng là DTNĐC, xã An Đức huyện Ba Tri kết thúc hành trình xuôi dòng Ba Lai đi qua 3 huyện từ cửa ngõ Bến Tre xuôi ra biển. Đến đây nếu du khách có nhu cầu khám phá có thể đăng ký tiếp tục hành trình theo tour 3 – 4 ngày Thạnh Phú qua phà An Đức về Cù lao Minh trải nghiệm du lịch biển cồn Bửng, đến DTĐK và điểm nhấn sau cùng là làng văn hóa du lịch Cái Mơn – nhà bia Trương Vĩnh Ký. Vào thời điểm có lễ hội truyền thống trên tuyến Ba Lai huyền thoại, du khách còn được trải nghiệm các lễ hội của cư dân bản địa.
Du lịch di sản văn hóa tâm linh, Bến Tre có nhiều DTLS-VH liên quan đến văn hóa tâm linh, trong đó Tòa thánh Cao Đài Ban Chỉnh (phường 6, Tp Bến Tre) là DTLS-VH cấp tỉnh và Tòa thánh Cao Đài Tiên Thiên (xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành) là 2 trung tâm Cao Đài giáo lớn của cả nước. Hiện nay, loại hình du lịch này của Bến Tre diễn ra chủ yếu vào thời gian lễ hội của điểm di tích với sự viếng thăm của hàng nghìn lượt khách mỗi năm, tập trung vào thời điểm sau Tết Nguyên Đán, sinh nhật Đức giáo tông Nguyễn Ngọc Tương (25/6 âm lịch); Rằm Trung thu… tạo nên sự đông đúc ở một thời điểm nhất định, nhưng sau đó lại vắng khách. Bên cạnh đó có lễ giỗ ông đạo Dừa – Nguyễn Thành Nam (18/4 âm lịch) là một điểm nhấn tín ngưỡng dân gian về dừa đặc thù của Bến Tre nhưng chưa được quan tâm kết nối ở cả các đơn vị QLDT và du lịch. Hiện nay, du khách đến với các di tích văn hóa tâm linh Bến Tre không có đủ điều kiện đề tìm hiểu khám phá hết những giá trị của di tích, thậm chí không thu nhận được thông tin vì chỉ tập trung lễ bái và chen lấn do sức chứa các di tích này quá tải. Do vậy loại hình du lịch tâm linh ở Bến Tre cần được các đơn vị QLDT quan tâm phối hợp đầu tư nghiên cứu đổi mới từ nhận thức
Có thể bạn quan tâm!
- Định Hướng Của Đảng Và Nhà Nước Ở Trung Ương Và Địa Phương Về Việc Gắn Kết Di Sản Văn Hoá Với Du Lịch
- Nhóm Giải Pháp Về Phát Huy Giá Trị Di Tích Gắn Với Du Lịch
- Về Mô Hình Quản Lý Di Tích Gắn Kết Với Du Lịch Để Phát Huy Giá Trị 2 Di Tích Quốc Gia Đặc Biệt Ở Bến Tre
- Nhóm Giải Pháp Xây Dựng, Phát Triển Thương Hiệu Và Xúc Tiến, Quảng Bá Du Lịch Gắn Với Di Tích
- Nhóm Giải Pháp Hợp Tác Quốc Tế Về Văn Hóa Và Du Lịch
- Quản lý di tích lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch ở tỉnh Bến Tre - 22
Xem toàn bộ 298 trang tài liệu này.
đến hành động nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn quản lý DTLS-VH và tín ngưỡng, tâm linh của người dân. Các DTLS-VH liên quan đến tâm linh có thể khai thác phục vụ du lịch ở mức độ thường xuyên trong năm. Theo chiến lược phát triển của Tòa thánh Cao Đài Tiên Thiên nơi đây sẽ quy hoạch mở rộng, có trung tâm sự kiện - lễ hội, bảo tàng Cao Đài Tiên Thiên, Học viện Cao Đài và khu nghỉ dưỡng... Do đó nếu các đơn vị QLDT, ngành du lịch phối hợp, hướng dẫn Hội thánh và kết nối doanh nghiệp du lịch sẽ tạo ra sản phẩm du lịch tâm linh mới gắn di tích và du lịch.
Ngoài ra, các tour du lịch tâm linh mang tính chất hành hương, đưa du khách đi theo lộ trình kết nối nhiều điểm di tích có liên quan với nhau từ giá trị vật thể lẫn phi vật thể trên địa bàn tỉnh trong một lịch trình tour có chủ đề cụ thể sẽ tạo ra khả năng thu hút mới đối với du khách và góp phần quảng bá, phát huy giá trị di tích.
Cần kết hợp PTDL văn hóa - tâm linh với hệ thống DTLS-VH của tỉnh theo các tuyến như: sinh thái và trải nghiệm Bắc Bến Tre với chùa cổ Hội Tôn, Tòa thánh Cao Đài Tiên Thiên (huyện Châu Thành), chùa Vạn Phước (huyện Bình Đại), trục sông Ba Lai huyền thoại vơi mộ ông Đạo Dừa; Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách với Nhà bia Trương Vĩnh Ký, chùa Kim Long, nhà thờ cổ Cái Mơn (huyện Chợ Lách); nhà thờ cổ La Mã, Lăng Cả Cọp (huyện Giồng Trôm); Đình Phú Tự - Cội Bạch Mai, Tòa thánh Cao Đài Ban Chỉnh Bến Tre – Nhà cổ (Tp Bến Tre),… tạo ra sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, dài ngày trên nền tảng kết nối của yếu tố tâm linh.
Du lịch di sản văn hóa biển
Là một tỉnh với bờ biển liên hoàn ở 3 huyện có tiềm năng kết nối với DTLS- VH từ vật thể đến phi vật thể. Bến Tre không chỉ có du lịch di sản với các giá trị của hệ thống DTLS-VH đặc trưng mà còn hàm chứa cả những giá trị sinh thái biển và tâm linh đặc biệt: vùng cồn Bửng với “Công viên nghĩa trang không hài cốt” theo ý tưởng của GS.TS. Vũ Gia Hiền, nay là Dự án Công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh - 1 trong 3 di tích trong hệ thống di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển [86] có vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng, tổng diện tích 635ha, gồm ba khu chính là khu nước Việt Nam thu nhỏ, khu bờ biển Việt Nam thu nhỏ và khu bảo tàng, đài tưởng niệm các bến tàu và đường đi trên biển của đoàn tàu không số… Cùng với biển Thừa Đức,
Cồn Bà Tư (Bình Đại), cồn Nhàn (Ba Tri) đem lại tiềm năng du lịch di sản và du lịch biển to lớn cho Bến Tre khi Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2020- 2025 xác định phát triển Bến Tre về hướng Đông tạo đột phá, gắn với chiến lược phát triển quốc gia và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Để hấp dẫn du khách và nâng cao chất lượng sản phẩm, hoạt động du lịch biển, du lịch di sản cần được kết hợp ở nhiều mức độ khác nhau tùy vào đối tượng du khách. Với khách nước ngoài ưa mạo hiểm, khám phá tìm hiểu, nội dung thông tin về di sản cần được giới thiệu tổng quát trước hành trình để khơi gợi sự hứng khởi ở du khách. Sau khi được giới thiệu chi tiết trong quá trình trải nghiệm cùng với tham quan thực tế điểm đến di sản sẽ giúp họ có cơ hội kiểm chứng, trao đổi và ghi nhận thông tin về di sản. Chính thông tin được chia sẻ bởi người bản xứ - là hướng dẫn viên, người chèo thuyền, người lái xe… sẽ giúp du khách trải nghiệm được giá trị của di sản văn hóa biển Bến Tre.
Có chiến lược phát triển thêm sản phẩm độc đáo dựa trên việc “thổi hồn” cho di sản ở vùng sinh thái sông nước miệt vườn, miệt biển từ giá trị văn hóa, các giai thoại, câu chuyện văn nghệ dân gian, truyền thuyết, các loại hình nghệ thuật, lễ hội truyền thống, chương trình nghệ thuật hiện đại, biểu diễn thực cảnh về dòng Ba Lai huyền thoại, nguồn gốc tín ngưỡng, ẩm thực văn hóa dừa, văn hóa biển Bến Tre…
3.2.3. Nhóm giải pháp về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực quản lý di tích lịch sử - văn hóa trong bối cảnh phát triển du lịch
Chất lượng nguồn nhân lực QLDT trong PTDL luôn là yếu tố quyết định chất lượng hoạt động bảo tồn di tích và sản phẩm du lịch. Đối với Bến Tre, theo khảo sát của nghiên cứu sinh đội ngũ cán bộ QLDT, lao động phục vụ du lịch cơ bản đáp ứng, song vẫn còn thiếu chuyên nghiệp, nhất là đội ngũ phục vụ trực tiếp trong ngành du lịch. Lực lượng lao động là cư dân địa phương chưa được sử dụng một cách hiệu quả. Với trọng tâm hướng đến QLDT gắn kết, tạo ra sản phẩm du lịch di sản lấy tài nguyên văn hóa, cụ thể là giá trị kinh tế của di tích làm cốt lõi; mục tiêu xây dựng đội ngũ lao động có chuyên môn trong ngành du lịch Bến Tre là:
1) Chuyển đổi cơ cấu dân cư địa phương từ các ngành nghề lao động khác sang lao động dịch vụ chuyên ngành du lịch; 2) Không ngừng bồi dưỡng, bổ túc nhằm nâng
cao năng lực đội ngũ lao động hiện có và kết nối mạng lưới cộng tác viên du lịch cộng đồng theo mô hình “đồng quản lý” di tích. Để thực hiện mục tiêu đó cần thực hiện các giải pháp cụ thể sau:
3.2.3.1. Đối với nguồn nhân lực quản lý di tích và du lịch
Đào tạo mới, đào tạo lại về quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ QLDT và du lịch, ngoại ngữ, tin học đối với các cán bộ hiện có trong ngành.
Đào tạo mới các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư, tiếp thị, quảng bá, QLDT gắn với các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí.
Cần có sự liên kết, thống nhất về chủ trương, cơ chế gắn kết, phối hợp giữa các di tích lân cận với nhau, đảm bảo vai trò liên kết vùng của Bến Tre trong PTDL.
Mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế về đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực QLDT và du lịch. Cử cán bộ, chuyên viên QLDT học về quản lý du lịch, học các khóa đào tạo quốc tế, đi nước ngoài học hỏi kinh nghiệm quản lý, tổ chức, kinh doanh du lịch di sản. Tăng cường hợp tác, trao đổi nghiệp vụ thông qua các đợt khảo sát, chuyến công tác chuyên đề, tham gia hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước về QLDT và du lịch.
Xây dựng cơ chế khuyến khích, thu hút nhân tài, chính sách phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, nguồn nhân lực đang học tập, nghiên cứu tại các trung tâm lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ...
3.2.3.2. Đối với nguồn nhân lực là dân cư địa phương
Cư dân địa phương là nguồn lao động quan trọng hơn cả, là chủ thể và đối tượng của nguồn tài nguyên du lịch chủ lực. Không ai ngoài họ có thể đóng vai trò chủ nhà tiếp đón du khách. Không ai thay thế họ truyền tải nguyên vẹn những thông điệp của các giá trị văn hóa đến du khách trong và ngoài nước. Cư dân địa phương có thể tham gia tất cả các khâu trong xây dựng khả năng cung ứng của điểm du lịch như phục vụ trong các cơ sở lưu trú, ăn uống, phục vụ du khách tại chính nhà và gia đình của mình. Đồng thời là hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm, người hướng dẫn du khách trải nghiệm các phương thức lao động của họ và cộng đồng bản địa. Tuy nhiên để có được sự tham gia mang tính cộng đồng này cần:
Tổ chức truyền thông, phổ biến đến tận hộ dân về lợi ích của kinh doanh du lịch đối với đời sống của người dân một cách thực tế, bằng những mô hình cụ thể.
Tổ chức các khóa học, đào tạo cho người dân về cách thức làm du lịch; đồng thời giáo dục ý thức bảo tồn tài nguyên và môi trường, ý thức giữ gìn DTLS-VH và những bản sắc riêng trong chính cuộc sống hàng ngày của họ.
Riêng đối với hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm du lịch di sản, cần:
Bồi dưỡng, nâng cao khả năng Ngoại ngữ, Tin học; bên cạnh đó địa phương cần thường xuyên tổ chức các lớp học ngoại ngữ, tin học miễn phí cho người dân.
Chuẩn hóa, áp dụng tiêu chuẩn nghề trong hoạt động đào tạo nghiệp vụ. Tất cả hướng dẫn viên, thuyết minh viên cần được tham gia các khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ có thẩm định trình độ trước khi cấp chứng chỉ hành nghề.
Đối với hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các điểm đến di tích, cần đảm bảo trong quá trình hướng dẫn cung cấp đầy đủ cho du khách những quy định, những điều được làm, nên làm và không nên làm khi đi du lịch ở khu DTLS-VH.
Tăng cường bồi dưỡng văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, nâng cao khả năng nắm bắt tâm lý du khách qua các lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn. Hình thành mạng lưới cộng tác viên du lịch cộng đồng hỗ trợ các di tích đón khách.
3.2.3.3. Đối với nguồn nhân lực mới từ nơi khác đến
Đây là nguồn nhân lực đã được đào tạo có chất lượng về văn hóa và du lịch có uy tín trong nước và quốc tế đến Bến Tre theo chân các nhà đầu tư du lịch lớn. Là những người có đầy đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, tin học và nghiệp vụ. Họ sẽ là người đặt nền mống tạo ra những sản phẩm du lịch di sản mới ở Bến Tre. Bên cạnh tiếp tục thực hiện chính sách, cơ chế thu hút nhân tài do UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành trước đây, cần có giải pháp thiết thực thu hút và giữ chân nhân tài du lịch, đây là lực lượng đem lại nhân tố phát triển mới cho du lịch di sản Bến Tre. Có chính sách thu hút và chế độ đãi ngộ tốt để họ có thể gắn bó lâu dài với các điểm du lịch di sản của tỉnh.
Mở lớp huấn luyện, cập nhật, bổ sung các kiến thức về phong tục, tập quán, văn hóa địa phương cho nhân lực ngành du lịch từ nơi khác đến, đặc biệt là những
yếu tố gắn với nguồn tài nguyên bản địa được khai thác, các di sản đặc hữu của địa phương nhằm gìn giữ hình ảnh, thương hiệu điểm đến du lịch Bến Tre – Xứ dừa.
Tận dụng kinh nghiệm và khuyến khích sự sáng tạo – khởi nghiệp của lực lượng mới này tạo ra những sản phẩm du lịch di sản mới và gia tăng tính kết nối thu hút khách du lịch dựa trên nền tảng kho tàng DTLS-VH Bến Tre.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo môi trường nâng cao khả năng sẵn có của nguồn nhân lực ngoài tỉnh hoạt động trong ngành du lịch Bến Tre nhằm thúc đẩy tạo ra những sản phẩm du lịch di sản mới lạ, chất lượng ngày càng cao hơn.
3.2.3.4. Đối với nguồn nhân lực tại các cơ sở kinh doanh du lịch hiện có
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao hiệu quả lao động phục vụ du lịch khi đưa khách đến di tích, trọng dụng, phát huy vai trò truyền dạy, phổ biến, thực hành diễn xướng dân gian, tín ngưỡng, nghi thức thờ cúng từ các nghệ nhân, chức sắc, chủ sở hữu di tích tâm huyết, có nhiều kinh nghiệm trong bảo tồn văn hóa bản địa, theo cách tiếp cận riêng của những thành tố văn hóa gia truyền.
Cải thiện điều kiện lao động và nâng cao chất lượng môi trường làm việc. Hoàn thiện và thực hiện tốt chế độ đãi ngộ, đánh giá, khen thưởng thích đáng, kịp thời đối với người lao động. Hoàn thiện hệ thống nội quy, tăng cường kỷ luật lao động trong hành nghề. Sắp xếp, phân công lao động thích hợp tại các bộ phận doanh nghiệp, hộ dân kinh doanh du lịch di sản.
3.2.3.5. Đối với các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 2 trường Cao đẳng Bến Tre, Cao đẳng Đồng Khởi và 1 Phân hiệu Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, nhưng chỉ có 2 trường Cao đẳng đào tạo chuyên ngành Văn hóa và Du lịch. Đây là cơ sở cho sự ra đời đội ngũ lao động có chuyên môn cho du lịch di sản Bến Tre. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại một số bất cập như chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp và giáo dục Đại học ở Bến Tre chưa được xác định rõ ràng, chưa có cơ chế điều phối các cơ sở đào tạo này cung cấp nguồn nhân lực đào tạo tại chỗ đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu của đơn vị QLDT, doanh nghiệp du lịch và khách du lịch. Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp ra trường không có thông tin định hướng lựa chọn việc làm, chưa có sự gắn
kết giữa nhà trường và doanh nghiệp du lịch. Do vậy, tỉnh Bến Tre và các cơ sở đào tạo cần quan tâm thực hiện những vấn đề sau:
Tỉnh cần sớm có một trường Đại học (trên cơ sở phát triển Phân hiệu Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tại Bến Tre và trường Cao đẳng Bến Tre) làm đầu mối điều phối đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, kết nối giao lưu văn hóa, hợp tác – đầu tư, cung cấp nguồn nhân lực cho ngành Văn hóa và Du lịch Bến Tre.
Thường xuyên cập nhật nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo bám sát thực tế, đưa sinh viên đi thực tập tại các điểm du lịch ở tỉnh, trực tiếp tham gia các khâu phục vụ khách du lịch trong xây dựng sản phẩm, có những dự án khuyến khích PTDL nông nghiệp gắn với di tích do sinh viên và nông dân cùng thực hiện...
Có thông tin định hướng về các điểm di tích, điểm du lịch, khu du lịch, tuyến du lịch, các dự án du lịch trong tỉnh để nguồn nhân lực các cơ sở đào tạo Văn hóa – Du lịch ra trường tiếp cận khai thác và được sử dụng đúng lúc, đúng địa chỉ.
Có chính sách ưu đãi học sinh, sinh viên giỏi thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cho các cơ sở kinh doanh du lịch và hộ dân hoạt động du lịch di sản.
Phối hợp với các cơ sở đào tạo Văn hóa - Du lịch như trường Cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Trà Vinh… trước mắt phát huy vai trò nòng cốt của Phân hiệu Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tại Bến Tre liên kết đạo tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực văn hóa - du lịch theo địa chỉ sử dụng thông qua các dự án văn hóa - du lịch cụ thể nhằm cung cấp nhân lực chuyên nghiệp, nhạy bén và sáng tạo, thích ứng với yêu cầu QLDT gắn với PTDL Bến Tre.
3.2.4. Nhóm giải pháp về đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật chất - kỹ thuật kết nối di tích với du lịch Bến Tre
3.2.4.1. Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng
Là một trong những địa phương có hoạt động du lịch khá sôi động, nhiều năm qua du lịch Bến Tre đã nhận được sự đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng. Về cơ bản các điểm du lịch trong tỉnh, các địa bàn có di tích tọa lạc đều có hệ thống thông tin, truyền thông, cấp điện, cấp nước, đường xá phủ khắp. Hạ