Tình Hình Nghiên Cứu Vấn Đề Ở Nước Ngoài

ASEAN + 3 là do khủng hoảng tài chính - tiền tệ Đông Á 1997-1998. Trong các công trình trên, vai trò của các nước đối với tiến trình ASEAN +3 và Hợp tác Đông Á được đánh giá cụ thể, đồng thời cũng đã đề cập đến quá trình hợp tác giữa ASEAN với ba nước Đông Bắc Á cả trên lĩnh vực chính trị, an ninh. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, thành tựu chính của hợp tác ASEAN + 3 cũng như ASEAN + 1 (với Trung Quốc, Nhật Bản) vẫn là kinh tế, chính trị. Vấn đề hợp tác an ninh cũng được các tác giả nghiên cứu, nhưng chủ yếu thiên về hợp tác an ninh phi truyền thống mà tiêu điểm là đối phó với chủ nghĩa khủng bố, hải tặc và buôn bán ma túy…

Dù không trực tiếp đề cập đến quan hệ ASEAN với Trung Quốc hay ASEAN với Nhật Bản, nhưng những công trình như Hợp tác Á – Âu và vai trò của Việt Nam (2004) do Nguyễn Duy Quý chủ biên, Quan hệ Nga – ASEAN trong những thập niên đầu thế kỉ XXI (2008) do Nguyễn Quang Thuấn chủ biên, Quan hệ Mỹ – Trung hợp tác và cạnh tranh luận giải dưới góc độ cân bằng quyền lực (2011) do Nguyễn Thái Yên Hương chủ biên…đã phân tích vị thế địa chính trị của ASEAN cũng như sự tương tác quan hệ của các nước lớn ảnh hưởng đến khu vực. Trên cơ sở tham chiếu đó, tác giả có cái nhìn sâu hơn về quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc và Nhật Bản.

2.2. Tình hình nghiên cứu vấn đề ở nước ngoài

Có thể khẳng định, việc nghiên cứu ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản cũng như mối quan hệ giữa ba chủ thể này đã được giới chính trị và học giả nước ngoài quan tâm sớm, cách tiếp cận đa chiều và có tính hệ thống. Việc tiếp cận nguồn tư liệu của các tác giả nước ngoài của tác giả luận án đến từ những cách thức khác nhau.

Trước hết, trong quá trình tiếp xúc với các công trình nghiên cứu trong nước như được trình bày ở trên, tác giả đã tìm thấy những tư liệu trích dẫn từ các nguồn khác nhau bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc phản ánh hay nhận định về lĩnh vực mà tác giả quan tâm. Ưu điểm của nguồn tư liệu này là đã được xử lí, nguồn gốc rõ ràng, có tính chính xác cao, trong đó có những nguồn tư liệu gốc rất có giá trị. Vì vậy, những trích dẫn này được tác giả luận án dẫn lại trong công trình nghiên cứu của mình.

Nguồn tài liệu nghiên cứu của các tác giả nước ngoài đã chuyển dịch sang tiếng Việt; bao gồm những công trình nghiên cứu được các nhà xuất bản phát hành hoặc là những bài viết đăng tải trên tài liệu tham khảo của Thông tấn Xã Việt Nam.

Trước hết, phải kể đến tuyển tập Quan hệ ASEAN – Nhật Bản tình hình và triển vọng (1989) là tập hợp từ 10 bài viết của các học giả đến từ Nhật Bản và ASEAN trình bày tại Hội nghị Nhật Bản – ASEAN năm 1987 với chủ đề “Xu hướng toàn cầu và những vấn đề khu vực”. Theo các tác giả, trải qua 20 năm (1967 – 1987), quan hệ Nhật Bản – ASEAN đã có sự phát triển mạnh mẽ nhưng cũng xuất hiện những thách thức trong bối cảnh mới đối với cả hai phía về cả kinh tế lẫn chính trị. Các học giả đưa ra nhiều khuyến nghị về chính sách, biện pháp trên cơ sở khả năng hiện có và các tiềm năng có thể của Nhật Bản và ASEAN nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ này. Bàn về quan hệ Nhật Bản – ASEAN là chủ yếu, nhưng tuyển tập này cũng có bài viết của học giả Tatsumi Okabe bình luận về chính sách của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á. Hai công trình viết về Nhật Bản khác đáng quan tâm là Chiến lược quốc gia của Nhật Bản trong thế kỉ XXI (2004) của Yasuhiro Nakasone, nguyên Thủ tướng Nhật Bản trong những năm 80 của thế kỉ XX; Ngoại giao Nhật Bản sự lựa chọn của Nhật Bản trong thời đại toàn cầu (2012) của Iriye Akira, giáo sư Đại học Harvard. Điểm tương đồng của hai công trình trên là nghiên cứu khá hệ thống về tình hình của nước Nhật từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phân tích yêu cầu về một chiến lược tương thích toàn diện cả về đối nội lẫn đối ngoại mà Nhật Bản cần phải định ra trong bối cảnh mới của tình hình trong nước, quốc tế và phải tỏ rõ vai trò của Nhật Bản một cách tích cực hơn trong quan hệ với châu Á. Theo Iryie Akira, đường hướng ngoại giao của Nhật là không hướng tới trật tự khu vực châu Á trong đó Nhật Bản đóng vai trò chủ đạo mà là nhằm góp phần thúc đẩy phồn vinh, chia sẻ các giá trị nhân quyền, dân chủ, hợp tác nhằm nâng cao mức sống vật chất, tinh thần tại châu Á.

Liên quan đến Trung Quốc có công trình Trung Quốc những chiến lược lớn (2003) do Hồ An Cương thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh chủ biên. Trên cơ sở tư liệu phong phú và đa dạng, các tác giả đã phân tích một cách sâu sắc về chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, ngoại giao, quốc phòng của Trung Quốc từ đầu thế kỉ XXI cho tới năm 2020 và xa hơn. Sau hơn 30 năm tiến hành cải cách mở cửa, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc và về phương diện quốc tế “ngày càng in nhiều dấu ấn trên những vấn đề toàn cầu”. Theo các tác giả, châu Á – Thái Bình Dương là khu vực tập trung các lợi ích chính trị, an ninh và kinh tế của Trung Quốc. Do đó, đứng vững ở đây là trọng điểm những toan tính chiến lược đối ngoại trong giai đoạn hiện nay của Trung Quốc. Để đạt được mục tiêu đó, những

chiến lược trong quan hệ với Mỹ, Nhật Bản đã được đề xuất. Đối với Đông Nam Á, Trung Quốc tiếp tục coi khu vực này là lực lượng trung gian và là cái máy cân bằng quan hệ giữa các nước lớn, tránh để họ ngã theo Mỹ về mặt chiến lược; đồng thời bảo vệ hòa bình và ổn định ở xung quanh Trung Quốc. Về lĩnh vực đối ngoại của Trung Quốc, công trình Ngoại giao Trung Quốc (2012) của Trương Thanh Mẫn đã cung cấp bức tranh toàn cảnh của nền ngoại giao Trung Quốc sau hơn 30 năm tiến hành cải cách mở cửa; cung cấp một cái nhìn xuyên suốt về tính nhất quán của chính sách đối ngoại nước này đối với quốc tế nói chung và khu vực nói riêng. Cùng với những thành công của cải cách mở cửa, vị thế của Trung Quốc ngày càng gia tăng và ảnh hưởng lớn đến các khu vực trên thế giới, nhất là Đông Nam Á.

Ngoài những công trình do chính các nhà nghiên cứu là người Trung Quốc thực hiện, việc nghiên cứu Trung Quốc như một hiện tượng của cuối thể kỷ XX – đầu thế kỷ XXI có thể tìm thấy trong rất nhiều công trình của các học giả ngoại quốc như Daniel Bursteir và Arne De Keijzer với Trung Quốc con rồng lớn châu Á (2008), Fareed Zakaria với Thế giới hậu Mỹ (2009), G.M. Lokshin với Đối tác Trung Quốc – ASEAN: chìa khóa tiến tới hòa bình và thịnh vượng ở Đông Nam Á (2010). Công trình của Daniel Bursteir và Arne De Keijzer đã trích dẫn nhiều đánh giá của những chính khách, học giả uy tín như cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Bin Mohamad, Bộ trưởng cấp cao Singapore Lý Quang Diệu, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton hay cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Henry Kissinger …về tình trạng hiện nay cũng như vai trò tương lai của Trung Quốc đối với thế giới. Theo các tác giả, có thể trong thế kỉ XXI, Trung Quốc sẽ trở thành một siêu cường chưa hề có trước đây trong lịch sử. Điểm chung của các công trình này là đưa ra những nhận xét đánh giá về sự trỗi dậy của Trung Quốc đã tác động đến khu vực theo cả hai chiều nghịch và thuận. Những cơ chế để ràng buộc người “khổng lồ” Trung Quốc trong trật tự thế giới hiện hành cũng được tìm thấy đây đó ở trong các công trình trên.Tuy nhiên, nhìn chung theo số liệu cung cấp, phần lớn các nước trong ASEAN đánh giá cao vai trò của Trung Quốc như là nhân tố tạo ra động lực cho sự phát triển kinh tế và là quốc gia không thể thiếu đối với môi trường an ninh ở khu vực.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 246 trang tài liệu này.

Hai công trình khác có liên quan trực tiếp đến đề tài luận án nghiên cứu là Vấn đề an ninh ở khu vực Đông Nam Á (1994) của Viện Nghiên cứu bảo vệ hòa bình - an ninh Nhật Bản và Các vấn đề chính trị quốc tế ở châu Á – Thái Bình Dương (2006) của Michael Yahuda. Trong Vấn đề an ninh ở khu vực Đông Nam Á cho thấy

môi trường chiến lược ở Đông Nam Á đã thay đổi một cách căn bản sau Chiến tranh lạnh. Theo các tác giả, sau khi Mỹ rút quân khỏi Philippines và Nga không đủ sức để can dự vào khu vực như Liên Xô trước đây, khoảng trống quyền lực đang tạo ra cơ hội cho Trung Quốc và Nhật Bản thực hiện ý đồ của mình. Sự hiện diện của Trung Quốc cũng như Nhật Bản ở khu vực buộc các quốc gia trong khối ASEAN phải tìm kiếm và xây dựng các thể chế hợp tác trong lĩnh vực an ninh, chính trị để thích ứng. Công trình cũng đã phác thảo chính sách của Trung Quốc và hướng phát triển của Nhật Bản tại Đông Nam Á. Điểm mạnh của công trình là nghiên cứu tập trung vào lĩnh vực an ninh khu vực, chú trọng đến hợp tác song phương, đa phương trong nội bộ ASEAN. Tuy nhiên, công trình chưa đề cập quan hệ an ninh giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc và Nhật Bản cũng như thời điểm nghiên cứu chỉ giới hạn trong một thời gian ngắn sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

Quan hệ chính trị - ngoại giao, an ninh của ASEAN với Trung Quốc và Nhật Bản 1991 - 2010 - 3

Trong Các vấn đề chính trị quốc tế ở châu Á – Thái Bình Dương, Michael Yahuda phân tích tình hình khu vực thông qua việc mô tả hoạt cảnh của đấu trường chính trị tại châu Á – Thái Bình Dương từ sau năm 1945 đến năm 2005, trong đó có đề cập đến chính sách chính trị, an ninh của Trung Quốc và Nhật Bản đối với khu vực Đông Nam Á.Tuy nhiên, là công trình đề cập đến quan hệ quốc tế trong toàn phạm vi châu Á – Thái Bình Dương, việc tìm hiểu mối quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc và Nhật Bản chưa được tác giả nghiên cứu sâu.

Thứ hai, các công trình khai thác trực tiếp bằng tiếng Anh. Về quan hệ ASEAN – Nhật Bản có Diplomatic Bluebook 1992 Japan's Diplomatic Activities của Bộ Ngoại giao Nhật Bản; trong đó trên cơ sở phân tích tình hình quốc tế và khu vực đã định hướng chính sách đối ngoại của Nhật Bản sau Chiến tranh lạnh. Phần về Đông Nam Á được trong trình bày trong chương IV, trong đó nêu bật mối quan hệ giữa Nhật Bản với từng thành viên của khu vực trong những năm 1991 và 1992, cho thấy sự điều chỉnh chính sách của Nhật Bản trong bối cảnh mới cũng như vai trò của Nhật Bản tại khu vực. Xuất phát từ nhận thức, vấn đề Campuchia là yếu tố gây bất ổn lớn nhất Đông Nam Á, Nhật Bản đã tăng cường nỗ lực ngoại giao, góp phần quan trọng cho tiến trình hòa bình ở Campuchia.

Các công trình của Tomotaka Shoji bao gồm Southeast Asia - Elections and New Governments (2005), Pursuing a Multi-dimensional Relationship: Rising China and Japan’s Southeast Asia Policy (2009), Japan’s Security Outlook: Security Challenges and the New National Defense Program Guidelines (2011),

Vietnam, ASEAN, and the South China Sea: Unity or Diverseness? (2012) đã xem xét quan hệ ASEAN – Nhật Bản dưới nhiều góc độ. Trong Pursuing a Multi- Dimensional Relationship: Rising China and Japan’s Southeast Asia Policy tác giả trình bày tổng quan về quan hệ Nhật Bản với Đông Nam Á từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, theo hướng mở rộng từ hợp tác kinh tế sang hợp tác toàn diện. Nghiên cứu cũng cho thấy trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, vị thế của Nhật Bản bị suy giảm tương đối tại khu vực và phân tích việc Nhật Bản thực hiện chính sách cạnh tranh với Trung Quốc, thông qua nhiều nỗ lực để mở rộng và đa dạng hóa vai trò của mình trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có việc tăng cường quan hệ với ASEAN trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Trong Japan’s Security Outlook: Security Challenges and the New National Defense Program Guidelines tác giả tập trung phân tích các thách thức an ninh đối với Nhật Bản đặt trong bối cảnh an ninh khu vực. Tác giả dành một phần xem xét chính sách an ninh của Nhật Bản đối với Đông Nam Á và tác động của nó đối với môi trường chiến lược ở Đông Nam Á; và cho rằng việc thiết lập quan hệ an ninh, quốc phòng gần gũi hơn với Đông Nam Á, cho phép Nhật Bản mở rộng sự lựa chọn chiến lược của mình để đối phó với các thách thức từ Trung Quốc.

Nishihara Masashi trong Japan’s Political and Security Relations with ASEAN (2003) đã xem nhân tố Đông Nam Á như một thể nghiệm thành công của việc mở rộng vai trò chính trị, an ninh của Nhật Bản tại khu vực. Hơn nữa, công trình đã đề cập quá trình hợp tác chính trị, an ninh giữa Nhật Bản với ASEAN từ sau Chiến tranh lạnh đến năm 2003, chủ yếu đi sâu vào lĩnh vực an ninh phi truyền thống, đồng thời, nêu lên những nhân tố thách thách thức trong quan hệ của hai thực thể này như sự đa dạng của ASEAN, hiệu quả của ngoại giao phòng ngừa; Nishihara Masashi cho rằng Trung Quốc là một nhân tố cản trở lớn.

Công trình Southeast Asian Receptiveness to Japanese Maritime Security Cooperation (2007) của Yoichiro Sato đã nghiên cứu quan hệ Nhật Bản với ASEAN dưới góc độ an ninh hàng hải. Nghiên cứu này cho thấy vai trò của Nhật Bản trong việc đảm bảo an ninh hàng hải ở Đông Nam Á đã gây được sự chú ý trong những năm gần đây, trong đó tập trung chủ yếu trên eo biển Malacca thông qua hợp tác chặt chẽ với ba quốc gia Singapore, Malaysia và Indonesia. Yoichiro Sato cũng cho rằng, Nhật Bản mong muốn đạt được sự hợp tác đa phương bao gồm sự hiện diện các quốc gia trong khu vực Đông Á, nhưng theo tác giả, những khác

biệt về lợi ích cũng như trong việc thiết lập thể chế giữa Nhật Bản với các nước

Đông Nam Á đã gây ra một số trở ngại đối với tiến trình hợp tác này.

Liên quan đến quan hệ ASEAN – Trung Quốc, Alice D. Ba trong China and ASEAN Navigating Relations for a 21s tCentury Asia (2003) nghiên cứu các giai đoạn phát triển quan hệ Trung Quốc – ASEAN và nêu lên những diễn biến chính cũng như đưa ra những nhận xét cụ thể ở mỗi giai đoạn, đồng thời dự báo về triển vọng của mối quan hệ này trong thế kỉ XXI.

China ASEAN Relations: Perspectives, Prospects and Implications for U.S. Interests (2006) của Jing-dong Yuan nghiên cứu sự phát triển mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN trong 15 năm từ khi thiết lập quan hệ năm 1991 đến năm 2006, phân tích những biểu hiện cụ thể của từng giai đoạn trên các lĩnh vực hợp tác kinh tế, chính trị, an ninh; làm rõ những nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN trong việc quản lý các tranh chấp chưa được giải quyết như tranh chấp lãnh thổ. Theo tác giả của công trình, với sự gia tăng hợp tác kinh tế và những lợi ích chung về một khu vực ổn định đã góp phần vào sự phát triển tích cực đối với quan hệ song phương giữa hai chủ thể này. Thông qua việc nghiên cứu quan hệ Trung Quốc – ASEAN, Jing-dong Yuan cũng đưa ra những hàm ý đối với chính sách của Mỹ ở khu vực này.

Trong Anti-Terrorism, Maritime Security, and ASEAN China Cooperation: A Chinese Perspective (2005), Guo Xinning tập trung nghiên cứu tính tương đồng trong nhận thức của ASEAN và Trung Quốc cũng như quá trình hợp tác giữa hai bên để đối phó với vấn đề chống khủng bố và an ninh hàng hải. Bên cạnh những thành tựu, Guo Xinning cũng chỉ ra bốn trở ngại trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc. Thứ nhất, sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc gây lo ngại cho các nước ASEAN; thứ hai, tranh chấp và giải quyết vấn đề Biển Đông; thứ ba, thái độ của các nước ASEAN khác nhau trong việc hợp tác với Trung Quốc; và cuối cùng, quan hệ ASEAN – Trung Quốc chịu tác động bởi sự cạnh tranh của Mỹ và Nhật Bản.

Về vấn đề Biển Đông trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc cũng nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu ngoài nước. Trước hết là công trình Chinese Debates of South China Sea Policy: Implications for Future Developments (2012) của Mingjiang Li – một học giả người Trung Quốc. Công trình này đã cung cấp cái nhìn tổng quan, đa chiều về những tranh luận ở Trung Quốc liên quan đến Biển Đông; trong đó làm rõ các quan điểm tư tưởng khác nhau về tranh chấp ở Biển Đông, về những dạng chính sách tiếp cận giải quyết, về những vấn đề đồng thuận và gây bất đồng trong dư

luận xã hội Trung Quốc. Tác giả đã dẫn lại quan điểm chính thống từ Nhân dân Nhật báo về ba nhân tố làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông trong những năm gần đây. Đó là việc các quốc gia lân cận ngày càng chú ý khai thác nguồn lợi kinh tế, đặc biệt là tài nguyên năng lượng ở Biển Đông, là sự dịch chuyển chiến lược sang Đông Á của Mỹ và sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc đã khiến cho các quốc gia láng giềng tìm cách lôi kéo Mỹ nhằm cân bằng quyền lực tại khu vực. Những nhân tố làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông cũng được nghiên cứu trong The South China Sea: Oil, Maritime Claims, and U.S - China Strategic Rivalry (2012) của Leszek Buszynski. Leszek Buszynski coi vấn đề dầu mỏ, lợi ích hàng hải là hai nhân tố chủ chốt trong chiến lược cạnh tranh của Trung Quốc và Mỹ tại Biển Đông. Theo tác giả, trong bối cảnh Mỹ xoay trục về Đông Nam Á thì hành động cứng rắn của Trung Quốc tại Biển Đông đã đẩy các thành viên ASEAN có tranh chấp tăng cường chạy đua vũ trang và đứng về phía Mỹ.

Nghiên cứu mối quan hệ ASEAN – Trung Quốc và ASEAN – Nhật Bản có công trình China – ASEAN and Japan – ASEAN Relations during the Post-Cold War Era (2005) của Lai Foon Wong. Công trình này đã phân tích sự tiến triến của mối quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc và ASEAN với Nhật Bản từ 1990 đến 2005 trên cơ sở đối sánh chính sách đối ngoại của Trung Quốc và Nhật Bản sau Chiến tranh lạnh. Theo nghiên cứu trên, mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN trải qua biến đổi lớn trong năm 1997 và phát triển nhanh chóng trong các năm tiếp theo và đã bắt kịp quan hệ Nhật Bản – ASEAN. Giải thích hiện tượng này, Lai Foon Wong cho rằng sự thống nhất về chính sách hội nhập khu vực của ASEAN và Trung Quốc và những mâu thuẫn của chính sách hội nhập khu vực của ASEAN và Nhật Bản là yếu tố quan trọng trong tốc độ tương phản của sự phát triển quan hệ song phương của họ.

Qua việc tìm hiểu tình hình nghiên cứu trong nước và ngoài nước về quan hệ chính trị - ngoại giao, an ninh của ASEAN với Trung Quốc và Nhật Bản ở cả trong và ngoài nước có thể rút ra một số nhận xét sau:

Thứ nhất, ở trong nước, số lượng công trình nghiên cứu về sự phát triển kinh tế- xã hội, chính sách và quan hệ đối ngoại của ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản cũng như quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc và với Nhật Bản rất phong phú về nội dung và đa dạng trong cách tiếp cận. Điều dễ dàng nhận thấy là nghiên cứu của các tác giả trong nước chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực hợp tác cụ thể như

kinh tế, khoa học kĩ thuật, giáo dục đào tạo. Quan hệ trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, an ninh giữa ba đối tác này chưa được nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống. Đối với vấn đề an ninh, các công trình nghiên cứu trên chủ yếu tập trung vào lĩnh vực an ninh phi truyền thống.

Thứ hai, những công trình nghiên cứu ở nước ngoài nhìn chung đi sâu phân tích về mối quan hệ ASEAN với Trung Quốc và Nhật Bản từ sau Chiến tranh lạnh đến nay, trong đó có lĩnh vực chính trị - ngoại giao và an ninh. Trong khả năng tiếp cận của mình, tác giả nhận thấy vẫn chưa có một công trình nào phản ánh đầy đủ và có hệ thống về vấn đề mà luận án nghiên cứu.

Thứ ba, trong các nghiên cứu về quan hệ ASEAN với Trung Quốc và với Nhật Bản cả ở trong nước lẫn ngoài nước còn thiếu sự đánh giá có tính hệ thống về quan hệ giữa các chủ thể này cũng như tác động của nó đối với mỗi bên và khu vực. Những chuyển dịch quan hệ quốc tế tại khu vực nảy sinh từ quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc và Nhật Bản cũng chưa được nghiên cứu một cách thỏa đáng.

Trên cơ sở kế thừa và chọn lọc, đây là nguồn tư liệu hết sức quí giá đốí với tác giả luận án, đặt cơ sở cho việc tái dựng mối quan hệ chính trị - ngoại giao, an ninh của ASEAN với Trung Quốc và Nhật Bản sau Chiến tranh lạnh cùng với những nhận xét, đánh giá mà tác giả rút ra trong quá trình nghiên cứu.

3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục tiêu nghiên cứu

Làm rõ tiến trình và những nội dung trong quan hệ chính trị - ngoại giao, an ninh của ASEAN với Trung Quốc và với Nhật Bản sau Chiến tranh lạnh, phân tích làm rõ những nhân tố tác động, bản chất của các mối quan hệ trên, so sánh sự tương đồng và khác biệt giữa cặp quan hệ ASEAN –Trung Quốc với ASEAN – Nhật Bản cũng như đánh giá tác động của các mối quan hệ trên đối với từng bên và đối với tình hình chính trị, an ninh khu vực.

3.2. Nhiệm vụ

Để đạt được mục tiêu trên, trên cơ sở những tư liệu lịch sử và tài liệu nghiên cứu tiếp cận được, luận án thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

- Nghiên cứu một cách có hệ thống tiến trình quan hệ chính trị - ngoại giao, an ninh của ASEAN với Trung Quốc và Nhật Bản từ năm 1991 đến năm 2010;

- Tìm hiểu những cơ chế, nguyên nhân thúc đẩy cũng như hạn chế về quan hệ của ba chủ thể trên sau Chiến tranh lạnh;

Xem tất cả 246 trang.

Ngày đăng: 14/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí