Phát triển du lịch tỉnh Bo Kẹo Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Lào giai đoạn 2010-2015 - 2

DANH MỤC CÁC HÌNH, BIỂU ĐỒ


Hình 2.1: Bản đồ hành chính tỉnh Bo Kẹo, Lào 32

Hình 2.2: Bản đồ hiện trạng du lịch tỉnh Bo Kẹo 52

Biểu đồ 2.1: Lượng mưa trung bình các tháng trong năm 33

Biểu đồ 2.2: Số giờ năng trung bình trong các năm 34

Biểu đồ 2.3: Quy mô dân số tỉnh Bo Kẹo giai đoạn 2010-2015 35

Biểu đồ 2.4: Tăng trưởng GDP tỉnh Bo Kẹo qua các năm 37

MỞ ĐẦU


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 119 trang tài liệu này.

1. Tính cấp thiết của đề tài

Ngày nay, du lịch đang phát triển rộng rãi với tư cách là ngành kinh tế quan trọng trên phạm vi toàn thế giới. Tài nguyên du lịch của cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào được phân bố tương đối tập trung và mỗi vùng lại có một sắc thái riêng. Việc tìm hiểu các điều kiện tự nhiên, KT - XH trong phạm vi một khu vực cụ thể để phục vụ hoạt động du lịch là một việc làm cần thiết.

Phát triển du lịch tỉnh Bo Kẹo Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Lào giai đoạn 2010-2015 - 2

Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, ngành du lịch CHDCND Lào mới bắt đầu hội nhập và hợp tác, đang trong quá trình tìm hiểu cơ chế và luật lệ quốc tế, nên khả năng chủ động đưa ra các dự án hợp tác còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, những yếu tố như dịch vụ chưa đa dạng, cơ sở hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển, chất lượng dịch vụ thấp, giá cả cao, sản phẩm chưa phong phú… là những thách thức lớn đối với ngành du lịch nói chung và đối với các doanh nghiệp du lịch nói riêng.

Tỉnh Bo Kẹo có vị trí nằm trong khu vực "Tam giác vàng", là một tỉnh có địa hình cả đồng bằng và miền núi, có vị trí thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, thương mại và du lịch, trên cơ sở liên kết giữa các tỉnh miền núi phía Tây Bắc Lào với Trung Quốc, Thái Lan và Myanma. Tỉnh Bo Kẹo không chỉ là một trung tâm buôn bán, mà còn là tỉnh có nhiều tiềm năng để khai thác và phát triển du lịch biên giới như: Có nhiều điều kiện thiên nhiên rất phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh, có truyền thống văn hoá các dân tộc, do vậy, nếu khai thác tốt các lợi thế đó, đáp ứng được nhu cầu du khách trong nước và phát triển du lịch quốc tế thì du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế chủ yếu.

Nhiều du khách mong muốn trong đời một lần được đến với Bo Kẹo để thưởng thức thắng cảnh thiên nhiên và những di tích lịch sử văn hóa mà bao thế hệ con người nơi đây tạo dựng nên. Với những lợi thế về tài nguyên du lịch, trong những năm qua ngành du lịch Bo kẹo đã có những bước phát triển nhanh chóng,

cơ sở vật chất phục vụ du lịch không ngừng được hoàn thiện, các di tích lịch sử và các thắng cảnh tự nhiên cũng được trùng tu, tôn tạo để khai thác phục vụ du lịch. Tuy nhiên sự phát triển du lịch Bo kẹo thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng và những lợi thế, còn mang tính riêng lẻ chưa tạo được sự gắn kết hữu cơ giữa các khu vực.

Xuất phát từ những lý do trên, với mong muốn đóng góp cho sự phát triển du lịch của quê hương mình, nhằm thúc đẩy ngành du lịch Bo kẹo bắt kịp xu thế hội nhập của cả nước và thế giới; Tôi lựa chọn đề tài: “Phát triển du lịch tỉnh Bo Kẹo CHDCND Lào giai đoạn 2010-2015” làm luận văn thạc sỹ chuyên ngành Địa lí học.

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

2.1. Trên thế giới

Từ khi du lịch xuất hiện và khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong đời sống kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, khu vực; Du lịch và ngành địa lý du lịch đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới dưới nhiều khía cạnh và mức độ khác nhau. Một trong những khía cạnh đầu tiên là nghiên cứu các yếu tố tác thành và các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Những công trình nghiên cứu đầu tiên về du lịch có tầm quan trọng trên thế giới có thể kể đến là những nghiên cứu đầu tiên về các loại hình du lịch, khảo sát về vai trò lãnh thổ, lịch sử, những nhân tố ảnh hưởng chính đến hoạt động du lịch… của Poser (1939), Christaleer (1955) … được tiến hành ở Đức năm 1930. Tiếp theo đó là các công trình đánh giá các thể tổng hợp tự nhiên phục vụ giải trí của Mukhina (1973); Nghiên cứu sức chứa và sự ổn định của các điểm du lịch của Khadaxkia (1972) Và Sepfer (1973). Các nhà địa lý cảnh quan học của trường Đại học Tổng hợp Matxcova như E. D Xmirnova, V. B Nhefedova… đã nghiên cứu các vùng cho mục đích nghỉ dưỡng trên lãnh thổ Liên Xô (cũ). Các nhà nghiên cứu Tiệp Khắc như Mariot (1971), Salavikova (1973) Đã tiến hành đánh giá và thành lập bản đồ tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Ngoài ra các nhà địa lý Mỹ như

Bôhart (1971), nhà địa lý Anh H. Robison (1976), các nhà địa lý Canada như Vônfơ (1966) … cũng đã tiến hành đánh giá các loại tài nguyên thiên nhiên phục vụ mục đích du lịch. Bên cạnh đó, một khía cạnh quan trọng trong nghiên cứu du lịch đã được quan tâm là vấn đề tổ chức lãnh thổ du lịch. Các nhà địa lý du lịch trên thế giới đã có nhiều công trình nổi tiếng về vấn đề này được xem là kim chỉ nan - là cơ sở lý luận có tính kế thừa cho các nghiên cứu về sau. I. I Pirojnik (1985) - nhà địa lý du lịch người Belarut đã phân tích hệ thống lãnh thổ du lịch các vùng du lịch là đối tượng quy hoạch và quản lý. M. Buchovarop (Bungari), N. X. Mironhenke (Anh) … đã xác định đối tượng nghiên cứu của địa lý du lịch là hệ thống lãnh thổ du lịch các cấp hoặc thể tổng hợp lãnh thổ du lịch và phân tích cơ cấu tổng hợp các yếu tố trên địa bàn để phát triển du lịch. Trong những năm gần đây, những lợi ích của du lịch trở nên rõ ràng hơn cũng như tác đông của nó đối với hàng loạt vấn đề nảy sinh mang tính toàn cầu thì việc nghiên cứu du lịch gắn với sự phát triển vùng lại càng trở nên cần thiết. Ở Pháp, Jean - Lozoto (1990) Đã nghiên cứu và phân tích các tụ điểm du lịch. Các nhà địa lý Anh, Mỹ gắn công việc nghiên cứu lãnh thổ du lịch với những dự án du lịch trên một miền hay một vùng cụ thể. Nhìn chung, nhiều nhà địa lý đã xác định đối tượng nghiên cứu của địa lý du lịch là các hệ thống lãnh thổ hoặc tổng hợp lãnh thổ du lịch, tức là xác định các hệ thống địa bàn phát triển du lịch trên lãnh thổ và phân tích cơ cấu tổng hợp các yếu tố trên địa bàn để phát triển du lịch

2.2. Việt Nam

Lịch sử ngành du lịch Việt Nam được đánh dấu bắt đầu từ năm 1960, từ đó đến nay các công trình nghiên cứu địa lý du lịch nhìn chung vẫn chưa nhiều. Phần lớn tập trung vào các vấn đề về tổ chức không gian du lịch, cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu du lịch với một số tác giả tiêu biểu như PGS. TS Vũ Tuấn Cảnh, GS. TS Lê Thông, PGS. TS Nguyễn Minh Tuệ, PGS. TS Đặng Duy Lợi, PGS. TS Phạm Trung Lương… Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị trong lĩnh vực này đã được thực hiện như: Đề tài “Tổ chức lãnh thổ du lịch Việt Nam”

do Vũ Tuấn Cảnh chủ trì (1991); “Cơ sở lý luận phương pháp nghiên cứu các điều kiện tự nhiên và tài nguyên du lịch biển Việt Nam” do Nguyễn Trần Cầu và Lê Thông chủ trì (1993); “Quy hoạch quốc gia và vùng, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu” do Vũ Tuấn Cảnh, Lê Thông thực hiện (1994); 2 cuốn sách “Địa lý du lịch” (1996) Và “Địa lý du lịch Việt Nam” (2010) do Nguyễn Minh Tuệ chủ biên; “Tài nguyên và môi trường du lịch Việt Nam” do Phạm Trung Lương chủ biên (2000) … Ngoài ra, còn có nhiều công trình nghiên cứu, một số dự án, đề tài tiêu biểu cấp Nhà nước, một số bài báo và các báo cáo trong các cuộc hội thảo về du lịch của các địa phương được thực hiện với sự tham gia các các nhà khoa học địa lý trong và ngoài nước. Tiêu biểu như luận án tiến sỹ: “Tổ chức lãnh thổ du lịch thành phố Hải Phòng” - Nguyễn Thanh Sơn (1997); “Phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh với việc khai thác tài nguyên du lịch vùng phụ cận” - Đỗ Quốc Thông (2004); “Tổ chức lãnh thổ du lịch Hòa Bình trên quan điểm bền vững” - Phạm Lê Thảo (2006); Và một số bài báo có giá trị trên các tạp chí Du lịch Việt Nam, Nghiên cứu kinh tế, Toàn cảnh sự kiện và dư luận…

2.3. Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

Ở Lào đặc biệt là sau khi tiến hành đổi mới (1975) thì ngành du lịch nói chung là đã được nhiều cơ quan và các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, bên cạnh đó có nhà nghiên cứu, nhà khoa học như: Keanchanh SINSAMPHAN và Sitha PHANTHABA “Địa lí Lào” NXB Thanh niên (1998) [12] đã đưa ra lí thuyết về du lịch Lào và các hình thức du lịch của Lào. Sinuk THILAVONG trong “Khu vực và các hoạt động kinh tế của con người trên thế giới ” NXB NUOL (1998) [19], đã đưa ra vai trò và tầm quan trọng của du lịch trên thế giới, hệ thống của du lịch và các hình thức du lịch trên thế giới. Amphonmali KHEOLA và Cheung SOMBUON KHAN đã nghiên cứu về “Kinh tế và tổ chức sản xuất nông nghiệp” với lí luận về vai trò của nông nghiệp trong nền kinh tế quốc gia, NXB KHAONA (1985). PGS.TS. Khammany SULIDED “Địa lí kinh tế Lào” đã đưa ra vai trò của du lịch và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế du lịch của Lào, NXB Giáo dục (2010) [13]. Nhiều nhà nghiên cứu

Lào đã viết sách về du lịch Lào nói chung, nói riêng là du lịch tỉnh Bo Kẹo, phần lớn là những cuốn sách viết về nơi du lịch nổi tiếng, thực trạng phát triển du lịch, phong tục tập quán, các lễ hội lớn, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc chùa tháp... Tiêu biểu là một số cuốn sách sau:

Tác giả Khăm Tăn XỔM VÔNG đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu về tài nguyên du lịch, đặc biệt là trung tâm du lịch cố đô Bo Kẹo . Sách ‘‘Địa lý du lịch Lào’’ vào năm 1997 đề cập về tài nguyên du lịch của các tỉnh và đánh giá thuận lợi khó khăn cho phát triển du lịch CHDCND Lào.

Năm 2008, tác giả Hum Phăn HƯA PA SÍT xuất bản cuốn “ Phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bo Kẹo trong giai đoạn hiện nay ’’ giới thiệu về thực trạng phát triển du lịch, phương hướng và giải pháp chủ yếu phát triển du lịch ở tỉnh Bo Kẹo từ những năm 2008 về trước.

Năm 2011, tác giả Phadone INSAVEANG đã viết cuốn sách “ Di sản văn hóa cố đô bo kẹo với việc phát triển du lịch’’ nghiên cứu về tổng quan về cố đô bo kẹo và di sản văn hóa, giá trị di sản văn hóa cố đô Bo Kẹo với tư cách là sản phẩm du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cố đô Bo Kẹo phục vụ du lịch.

Các cơ quan và các nhà nghiên cứu đã quan tâm đến cũng du lịch Lào cũng như du lịch Bo Kẹo. Một số cuốn sách viết về phát triển du lịch, phát triển kinh tế- xã hội đặc biệt là cuốn sách như: “ Phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam và Lào giai đoạn 2011-2020 ’’ của Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế (2011), trong đó đã có một số bài viết như: “ Những giải pháp cơ bản nhằm phát triển bền vững nghành du lịch của CHDCND Lào trong giai đoạn hiện nay’’ của Trần Mai Ước (2011)’’, “ Đề phát triển bền vững tại nước CHDCND Lào, của Nguyễn Văn Mạnh và Đỗ Thị Hồng Cẩm (2011) ’’, “Phát triển du lịch gắn với cộng đồng ở Lào theo hướng phát triển bền vững’’ của Bounchanh SINHTHAVONG (2011) ’’.

Riêng về du lịch tỉnh Bo Kẹo, hiện đã có một số bài viết đề cập đến phát triển du lịch, nhưng chưa phân tích toàn diện và làm rõ tiềm năng cũng như mặt tồn tại của các hình thức tổ chức lãnh thổ du lịch trong giai đoạn hiện nay. Hiện tại, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bo Kẹo chưa có công trình nghiên cứu nào dưới dạng luận văn đề cập dưới góc độ địa lí.

3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục tiêu nghiên cứu

Trên cơ sở làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về du lịch; thông qua việc nghiên cứu, phân tích thực trạng phát triển du lịch trong thời gian qua tại tỉnh Bo Kẹo, rút ra những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân, qua đó, đề xuất phương hướng và hệ thống giải pháp phát triển du lịch tỉnh Bo Kẹo trong thời gian tới.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu trên, đề tài tập trung giải quyết các nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Phân tích về mặt lý luận khái niệm, đặc điểm, vai trò, nội dung của du lịch và phát triển du lịch trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội ở Lào nói chung và ở cấp tỉnh nói riêng.

- Rút ra những bài học đối với tỉnh Bo Kẹo qua nghiên cứu kinh nghiệm phát triển du lịch của một số tỉnh của Việt Nam và một số tỉnh của Lào.

- Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển du lịch ở tỉnh Bo Kẹo trong thời gian qua. Chỉ ra những mặt tích cực, hạn chế và nguyên nhân.

- Đề xuất phương hướng và giải pháp chủ yếu phát triển du lịch tỉnh Bo Kẹo đến năm 2025.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu: Luận văn xác định phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bo Kẹo. Phát triển du lịch tỉnh Bo Kẹo, đặt mối quan hệ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phát triển trên phạm vi vùng, quốc gia.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Về không gian: Đề tài giới hạn không gian nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Bo Kẹo.

Về thời gian: Nghiên cứu phát triển du lịch chủ yếu từ năm 2010 - 2015 và phương hướng, giải pháp đến năm 2025.

5. Quan điểm và phương pháp nghiên cứu

5.1. Quan điểm nghiên cứu

- Quan điểm hệ thống cấu trúc: Đây là quan điểm thường được áp dụng trong nghiên cứu Địa lý. Quan điểm này đòi hỏi khi nghiên cứu một đối tượng cụ thể phải đặt nó trong mối quan hệ tương quan với các đối tượng khác, với các yếu tố khác trong hệ thống cấu trúc cao hơn cũng như thấp hơn.

- Quan điểm tổng hợp lãnh thổ: Áp dụng quan điểm tổng hợp lãnh thổ chúng ta xem xét các yếu tố, sự kiện trong mối quan hệ tương tác, phát hiện ra quy luật phát triển và các nhân tố tác động tới sự phát triển KT - XH.

- Quan điểm thực tiễn: Việc tìm hiểu các điều kiện tự nhiên và KT - XH phục vụ mục đích di lịch là việc làm có tính chất ứng dụng. Khi các tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn được sử dụng vào mục đích du lịch sẽ đem lại hiệu quả thiết thực về KT - XH.

5.2. Các phương pháp nghiên cứu chính

- Phương pháp thu thập, phân tích và tổng hợp tài liệu:

Đây là phương pháp cần thiết trong vấn đề tiếp cận và nghiên cứu đề tài sau khi thu thập cần phải xử lý các tài liệu, số liệu thống kê sao cho phù hợp với mục đích của đề tài. Từ đó lựa chọn các số liệu điển hình phục vụ cho phát triển du lịch.

- Phương pháp điều tra thực địa:

Phương pháp nghiên cứu này sẽ giúp chúng ta tiếp cận vấn đề một cách chủ động trong việc quan sát, điều tra, ghi chép để từ đó có nội dung nghiên cứu xác thực với thực tế. Đồng thời việc thực địa theo tuyến, theo điểm sẽ là phương pháp có hiệu quả nhất trong nghiên cứu vấn đề du lịch.

- Phương pháp bản đồ, biểu đồ: Trên cơ sở phân tích, đánh giá tổng hợp, phương pháp này được áp dụng nhằm thể hiện một cách trực quan các nội dung nghiên cứu, các số liệu cụ thể trên biểu đồ, cũng như xác định đặc điểm và sự phân bố theo lãnh thổ của các đối tượng nghiên cứu trên bản đồ.

Ngoài ra, luận văn cũng kế thừa, tiếp thu có chọn lọc kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học đã được công bố.

Xem tất cả 119 trang.

Ngày đăng: 06/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí