Thứ ba, tác động rõ nét nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến TTCK Việt Nam là ở yếu tố tâm lý. Thật ra, yếu tố tâm lý trên TTCK thì ở quốc gia nào cũng có, đặc biệt là các quốc gia có thị trường này mới hình thành. Yếu tố tâm lý đã làm cho TTCK Việt Nam bao phen lâm vào tình trạng mất cân đối cung cầu: khi giá chứng khoán lên thì mua không được, ngược lại khi giá rớt thì chỉ toàn lệnh bán mà không có lệnh mua. Sở dĩ có hiện tượng này là do phần nhiều các nhà đầu tư Việt Nam chưa chuẩn bị kiến thức và bản lĩnh cũng như kinh nghiệm cần thiết để tham gia mua bán chứng khoán, mặt khác môi trường thông tin chưa thật sự đảm bảo cho thông tin đến với tất cả các nhà đầu tư cùng một lúc và chuẩn xác.
Việc đầu tư theo đám đông đã gây khó khăn trong việc hoạch định chính sách và điều tiết thị trường của cơ quan quản lý và trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hành vi làm giá, giao dịch nội gián, tung tin đồn thất thiệt để trục lợi. Tâm lý mua bán theo đám đông lại trở nên nặng nề hơn khi nền kinh tế bị lạm phát. Mỗi khi các thông tin về việc tăng giá xăng dầu, NHNN tăng lãi suất cơ bản hoặc chỉ số giá tiêu dùng được công bố đều nhận được phản ứng tức thời từ TTCK. Trong giai đoạn này, các nhà đầu tư nước ngoài được xem là nhân tố dẫn dắt thị trường. Động thái mua vào hoặc bán ra của họ cũng sẽ làm cho giá chứng khoán tăng hoặc giảm theo. Nhưng từ cuối tháng 9/2008 đến nay, rất nhiều thông tin tốt về nền kinh tế được phát đi như lãi suất cơ bản và giá xăng liên tục giảm, chỉ số giá tiêu dùng giảm đáng kể đã không nhận được những phản ứng tích cực nào từ thị trường và chỉ số chứng khoán cả 2 sàn Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đều giảm.
Điều đó cho thấy nhà đầu tư Việt Nam đã không còn quan tâm đến các thông tin tốt từ nền kinh tế trong nước nữa. Cái mà họ quan tâm là diễn biến tình hình giao dịch ở các TTCK Mỹ, Anh, Nhật Bản thế nào và sẽ có hành vi đầu tư tương tự. Thời gian gần đây, diễn biến của các chỉ số chứng khoán Việt Nam luôn cùng chiều với chỉ số của các thị trường trên. Vậy là cuộc khủng
hoảng tài chính toàn cầu đã chuyển hướng tâm lý đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam: từ đầu tư theo nhà đầu tư nước ngoài ở trong nước sang đầu tư theo các “nhà đầu tư ngoài nước”. Tâm lý này trở thành một rào cản không nhỏ cho các nỗ lực của Chính phủ nhằm vực dậy TTCK. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, khi thị trường tài chính có biến động mạnh ở một hoặc nhiều nước phát triển, các TTCK toàn cầu có độ liên thông lớn hơn rất nhiều so với thời kỳ ổn định và Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Và cuối cùng, tâm lý giá xuống đã làm méo mó vai trò là phong vũ biểu phản ánh “sức khỏe” nền kinh tế và đe dọa tính thanh khoản của thị trường. Đó là khi, giá chứng khoán xuống quá thấp thì người bán lại không muốn bán nhưng người mua cũng sẽ không dám mua do vẫn còn lo sợ chứng khoán sẽ tiếp tục giảm nữa. Khi đó từ khủng hoảng niềm tin thị trường sẽ chuyển sang một cuộc khủng hoảng khác nguy hiểm hơn nhiều: khủng hoảng về tính thanh khoản.
2. Tổng quan về doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam
2.1. Đặc điểm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam
2.1.1. Đặc điểm chung
Cho đến nay, vẫn chưa có một tiêu chuẩn chung trên thế giới để phân loại các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo tiêu chuẩn chung của Ngân hàng thế giới WB và công ty tài chính quốc tế IFC, các doanh nghiệp được phân loại theo quy mô như sau:
Doanh nghiệp siêu nhỏ (Micro-enterprise): có đến 10 lao động, tổng số tài sản không quá 100.000 USD và tổng doanh thu một năm không quá
Có thể bạn quan tâm!
- Diễn Biến Của Cuộc Khủng Hoảng Tài Chính Tại Châu Âu Và Các Nước Khác
- Ảnh Hưởng Của Cuộc Khủng Hoảng Tài Chính Toàn Cầu Đến Nền Kinh Tế Việt Nam
- Ảnh Hưởng Đến Tổng Mức Bán Lẻ Hàng Hóa Và Doanh Thu Dịch Vụ Tiêu Dùng
- Tận Dụng Các Nguồn Vốn Cho Đầu Tư, Sử Dụng Tối Ưu Nguồn Lực Địa Phương
- Quan Điểm, Mục Tiêu Và Định Hướng Phát Triển Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ
- Mục Tiêu Phát Triển Các Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ
Xem toàn bộ 100 trang tài liệu này.
100.000 USD.
Doanh nghiệp nhỏ (Small enterprise): có không quá 50 lao động, tổng tài sản không quá 3 triệu USD và tổng doanh thu hàng năm không quá 3 triệu USD. Doanh nghiệp vừa (Medium enterprise): có không quá 300 lao động,
tổng tài sản không quá 15 triệu USD và tổng doanh thu hàng năm không quá 15 triệu USD.
Tại Việt Nam, Nghị Định 90/2000/NĐ-CP ngày 23/11/2001 định nghĩa: doanh nghiệp vừa và nhỏ là cơ sở sản xuất kinh doanh độc lập đã đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng hoặc số lao động trung bình hàng năm không quá 300 người.
Các DNVVN ở mỗi nước đều có những đặc điểm khác nhau về hình thức sở hữu, hình thức pháp lý, về ngành nghề hoạt động, địa bàn phân bố, thiết bị công nghệ và lao động. Trong mối tương quan so sánh với các nước với các nước trên thế giới, các DNVVN ở Việt Nam có đặc thù riêng đó là:
Về hình thức sở hữu: các DNVVN thuộc một trong ba hình thức sở hữu Nhà nước, tập thể hoặc tư nhân nhưng số đông là thuộc sỡ hữu tư nhân, và hầu hết đều mới thành lập.
Về hình thức pháp lý: các DNVVN Việt Nam chủ yếu hoạt động theo mô hình công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân.
Về ngành nghề hoạt động: hầu hết các DNVVN hoạt động trong ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến thực phẩm, thương mại, dịch vụ đòi hỏi ít vốn, quay vòng vốn nhanh. Theo số liệu cho đến hết năm 2006, các DNVVN tập trung vào khu vực thương mại và dịch vụ tới 50%, khu vực sản xuất công nghiệp và xây dựng chiếm 35%, khu vực nông nghiệp chỉ chiếm 2% và các ngành khác chiếm 13% (Nguồn: Báo cáo thường niên DNVVN năm 2008).
Địa bàn phân bố: các DNVVN tập trung phần lớn đang hoạt động trong các vùng đô thị và ven đô - nơi có nhiều yếu tố thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, tỷ lệ rất thấp hoạt động ở vùng nông thôn. Tỷ lệ phân bố cũng không đồng đều theo miền, có đến trên 60% ở miền Nam, khu vực miền Bắc và miền Trung chiếm khoảng 20% (Nguồn: Báo cáo thường niên DNVVN năm 2008).
Về thiết bị và công nghệ: các DNVVN Việt Nam sử dụng công nghệ lạc hậu, máy móc cũ kỹ (thường là lạc hậu 20 - 50 năm so với thế giới).
Về lao động: lao động ở các DNVVN phần lớn có tay nghề thấp, chưa qua đào tạo bài bản. Bên cạnh đó là việc thiếu hụt cán bộ quản lý có chuyên môn, tuy nhiên ở khu vực Nhà nước thì tình hình có khá hơn.
2.1.2. Những ưu thế và hạn chế ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ
2.1.2.1. Những ưu thế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ
So sánh với các loại hình doanh nghiệp khác đang tồn tại trong nền kinh tế quốc dân thì các DNVVN có các điểm mạnh sau:
Thứ nhất, các DNVVN có thể khởi nghiệp kinh doanh dễ dàng. Hầu hết các DNVVN đều có thể bắt đầu ngay sau khi có ý tưởng kinh doanh cho dù mặt bằng sản xuất không lớn. Chi phí sản xuất cố định thấp, bộ máy quản lý gọn nhẹ nên có thể bắt tay vào sản xuất kinh doanh được ngay. Rất nhiều doanh nghiệp lớn, các công ty đa quốc gia, các nhà kinh doanh lỗi lạc trên thế giới đều bắt đầu đi lên từ các DNVVN.
Thứ hai, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất năng động, linh hoạt, dễ thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh. Đây là đặc điểm và cũng là một ưu điểm nổi trội do các DNVVN có quy mô vốn nhỏ, bộ máy quản lý gọn nhẹ dễ dàng tìm kiếm và đáp ứng được yêu cầu có trong những thị trường có tính chuyên môn cao, lại thường xuyên giữ được quan hệ gần gũi và trực tiếp với khách hàng. Quy mô không lớn giúp các doanh nghiệp này dễ dàng chuyển đổi hay điều chỉnh sản xuất, quy mô mà không gây ra hậu quả nặng nề về mặt xã hội. Trong một số trường hợp các DNVVN còn năng động trong việc đón đầu những biến đổi đột ngột của thể chế, chính sách hay các biến động bất ngờ trên thị trường. Trên giác độ thương mại, nhờ tính năng động vốn có, các DNVVN dễ dàng tìm kiếm và xâm nhập các thị trường ngách.
Thứ ba, doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng khai thác, tận dụng tốt những lợi thế so sánh. Các DNVVN có rất nhiều lợi thế trong tuyển dụng lao động, tận dụng những nguyên liệu sẵn có tại địa phương, khai thác và phát
huy những ngành nghề truyền thống, sử dụng tốt những nguồn lực và lợi thế so sánh của địa phương và đất nước.
2.1.2.2. Những hạn chế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Thứ nhất, các DNVVN có khả năng tài chính rất hạn chế. Do được thành lập dễ dàng với một số vốn ít nên chủ sở hữu DNVVN bị hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn vồn tín dụng. Phần lớn các DNVVN ở trong tình trạng “khát vốn” để mở rộng hoạt động kinh doanh. Điều này khiến cho khả năng thu lợi nhuận bị giới hạn ngay cả khi có cơ hội kinh doanh, kéo theo sự hạn chế trong việc tích lũy và mở rộng sản xuất.
Thứ hai, các DNVVN gặp rất nhiều khó khăn trong việc mua máy móc thiết bị, công nghệ và tiêu thụ sản phẩm. Do quy mô vốn bé, tiềm lực tài chính chưa vững mạnh, lại khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tín dụng nên các DNVVN nhìn chung rất khó khăn trong việc mua sắm các công nghệ hiện đại. Doanh nghiệp cũng không đủ tiền để thực hiện các chiến lược marketing lớn do vậy khả năng vươn ra thị trường bên ngoài cũng bị hạn chế.
Thứ ba, các DNVVN ít có khả năng thu hút được các nguồn nhân lực chất lượng cao. Chế độ đãi ngộ cao là điều rất khó khăn đối với các DNVVN, vì vậy không dễ gì để thu hút được những lao động có trình độ chuyên môn.
Thứ tư, các DNVVN rất thiếu thông tin, và hạn chế về trình độ quản lý.Thông tin là một đầu vào quan trọng của sản xuất kinh doanh nhưng do tiềm năng nhỏ bé nên các DNVVN gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu thị trường, khó tiếp cận các bí quyết kinh doanh hiện đại. Và hệ quả của nó là trình độ quản lý của đội ngũ điều hành cũng bị hạn chế và có nguy cơ tụt hậu.
Thứ năm, các DNVVN hoạt động thiếu vững chắc. Dù năng động và linh hoạt trước biến động của thị trường nhưng trong những cú sốc hay khủng hoảng kinh tế kéo dài thì các DNVVN khó lòng trụ vững lại được nếu tiềm lực nhỏ.
Thứ sáu, các DNVVN thiếu các điều kiện để tham gia vào các dự án đầu tư, các công trình lớn. Rất khó khăn để các DNVVN có thể giành được
thầu của một công trình lớn bởi họ thiếu kinh nghiệm và không đủ các nguồn lực cần thiết.
Thứ bảy, nếu đứng ở góc độ thực tiễn thì nhóm các DNVVN là khu vực phá sản nhiều nhất. Kinh nghiệm ở nhiều nước và Việt Nam cho thấy, càng nhiều DNVVN ra đời thì cũng càng nhiều DNVVN phá sản nhất là trong các năm đầu hoạt động.
Ngoài các hạn chế trên, các DNVVN nhiều khi quan tâm tới lợi nhuận, áp lực thu hồi vốn kinh doanh khiến nảy sinh nhiều tiêu cực nhất là trong nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến chất lượng môi trường.
2.2. Vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, cho dù là ở các nước đang phát triển các DNVVN luôn luôn giữ được vai trò to lớn về mặt kinh tế và xã hội. Tại các nước thuộc Diễn đàn Châu á Thái Bình Dương APEC, tổng số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp được thành lập, đem lại 25% doanh thu và tạo ra gần 2/3 việc làm trong khu vực. Và thành tựu phát triển của các cường quốc trên thế giới cho đến ngày hôm nay đều cho thấy một kinh nghiệm chung đó là phải phát triển hệ thống các DNVVN vững mạnh.
2.2.1. Doanh nghiệp vừa và nhỏ góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, ổn định xã hội
Trong thời kỳ tăng trưởng cũng như suy thoái của nền kinh tế, sự tồn tại của các DNVVN là một phương tiện hiệu quả để giải quyết việc làm. Thực tế thì ở hầu hết các nước trên thế giới, dù đó là những quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay các nước đang phát triển như Việt Nam, số lượng các DNVVN đều chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp, và như vậy theo quy luật số đông, dù số lượng lao động không nhiều trong mỗi doanh nghiệp nhưng trên bình diện xã hội các DNVVN giải quyết việc làm cho khoảng 2/3 lực lượng lao động. Riêng ở Việt Nam hiện nay các DNVVN chiếm hơn 90%
tổng số doanh nghiệp và tạo ra 70% việc làm cho toàn xã hội (Nguồn: Báo cáo thường niên DNVVN năm 2008).
Do yêu cầu về lao động trong các DNVVN cũng không cao như các công ty lớn, các DNVVN cũng đi đầu trong việc tận dụng lao động nhàn rỗi, lao động ở các vùng nông thôn. Thông qua việc giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho phần đông lực lượng lao động các DNVVN góp phần tích cực trong việc giữ ổn định đời sống kinh tế xã hội.
2.2.2. Cung cấp khối lượng lớn sản phẩm, dịch vụ cho nền kinh tế quốc dân, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GDP
DNVVN với số lượng đông đảo trong nền kinh tế đã tạo ra một lượng lớn sản phẩm dịch vụ, thu nhập đáng kể cho xã hội. Các DNVVN có thể phục vụ đa dạng thị hiếu người tiêu dùng. Ngoài ra các DNVVN còn bổ trợ tích cực cho các doanh nghiệp lớn kinh doanh có hiệu quả hơn qua các hợp đồng phụ làm đại lý, đóng vai trò vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn, giúp sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, cung cấp nguyên liệu, linh kiện đầu vào. Với số lượng đông, năng động và linh hoạt, các DNVVN tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ trong nền kinh tế, giảm bớt sự thao túng, độc quyền của các doanh nghiệp lớn.
2.2.3. Góp phần tạo lập sự phát triển cân bằng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo các vùng lãnh thổ
Tại Việt Nam cũng như nhiều nước khác, các doanh nghiệp có quy mô lớn thường chỉ tập trung sản xuất kinh doanh ở các thành phố lớn, các khu trung tâm công nghiệp. Xu hướng này gây mất cân đối nghiêm trọng về trình độ phát triển kinh tế giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng trong một nước gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia.
Sự phát triển của các DNVVN góp phần quan trọng trong việc tạo lập sự cân đối trong phát triển kinh tế giữa các vùng. Nó giúp cho các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn có thể tận dụng các nguồn lực, điền kiện sản xuất sẵn có, từ đó có thể khai thác tốt tiềm năng của từng vùng, tạo ra sự dịch
chuyển cơ cấu kinh tế theo vùng, lãnh thổ, đồng thời giảm sức ép di dân về các thành phố lớn. Đấy cũng là một vấn đề rất có ý nghĩa để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
2.2.4. Doanh nghiệp vừa và nhỏ thúc đẩy công nghiệp hóa hiện đại hóa và phát triển kinh tế thi trường
Thực tiễn và lý luận đã chứng minh rằng, sự tồn tại của các DNVVN là một điều tất yếu trong nền kinh tế cho dù đó là một nền kinh tế thị trường phát triển hay sơ khai.
Là một nước nhiều năm chìm trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, xuất phát điểm là một nước nông nghiệp lạc hậu, các quy luật của nền kinh tế thị trường bị tê liệt hoàn toàn thì để tiến hành quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước thì không có cách nào khác là phát triển các DNVVN. Sự ra đời và phát triển của các DNVVN sẽ thổi một luồng sinh khí mới vào xã hội, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân sản xuất kinh doanh, khơi dậy được tinh thần làm giàu, khai thác được các nguồn lực trong dân. Mặt khác với một lực lượng đông đảo, sự cạnh tranh của các DNVVN sẽ phá vỡ tình trạng độc quyền của nền kinh tế, làm cho nền kinh tế sẽ vận hành một cách cạnh tranh, lành mạnh và sống động hơn.
Với ưu điểm vốn có của mình, các DNVVN đóng góp một vai trò tích cực trong việc chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ, từng bước chuyến đổi nền sản xuất mang nặng tính tự cung tự cấp, sản xuất nhỏ lẻ ở các vùng nông thôn sang sản xuất hàng hóa lớn. Chúng ta đã chứng kiến một thời kỳ “bùng nổ” của các DNVVN Việt Nam khi Luật Doanh nghiệp ra đời và theo đánh giá của nhiều chuyên gia nước ngoài thì đây là một trong những thành quả lớn nhất của công cuộc đổi mới ở Việt Nam trong thời gian qua.