Lý Luận Cơ Bản Về Phân Tích Hiệu Quả Kinh Doanh Trong Các Doanh Nghiệp Sản Xuất.


hiệu quả sử dụng vốn trong ngành công nghiệp dệt Việt Nam” (năm 1999) [80], các đề tài này chỉ nghiên cứu hiệu quả sử dụng lao động, hiệu quả sử dụng vốn – một phần của hiệu quả kinh doanh.

Thứ hai, đối với nhóm luận án mà tác giả đã tiến hành phân tích toàn bộ nội dung hiệu quả kinh doanh, có thể kể đến một số luận án như: “Đánh giá hiệu quả kinh tế xí nghiệp thương nghiệp và một số biện pháp nâng cao hiệu quả” (năm 1991) của tác giả Phùng Thị Thanh Thuỷ [88]; tác giả Phạm Thị Thu Phương với đề tài “Những giải pháp chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh ngành may mặc Việt Nam” (năm 1999) [66].

Với hướng nghiên cứu này, các tác giả đã vận dụng hệ thống chỉ tiêu phân tích hiệu quả kinh doanh chung trong quá trình phân tích với mục đích đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh chứ chưa quan tâm nhiều đến việc tìm ra quy trình, chỉ tiêu cũng như phương pháp phân tích phù hợp với từng ngành cụ thể.

Hướng thứ ba, nghiên cứu hiệu quả kinh doanh dưới góc độ xây dựng hệ thống chỉ tiêu cũng như quy trình và phương pháp phân tích hiệu quả kinh doanh cho một ngành cụ thể. Hướng nghiên cứu này tuy chưa được nhiều tác giả chọn lựa như hai hướng nghiên cứu trước nhưng cũng đã có khá nhiều công trình và được nghiên cứu chủ yếu trong các luận án tiến sĩ. Từ năm 1988, PGS.TS Phạm Thị Gái đã nghiên cứu hệ thống chỉ tiêu phân tích hiệu quả kinh doanh và ứng dụng vào phân tích ở các doanh nghiệp khai thác (lấy ví dụ trong công nghiệp than) trong đề tài luận án “Hiệu quả kinh tế và phân tích hiệu quả kinh tế trong công nghiệp khai thác” [36]; tác giả Huỳnh Đức Lộng cũng đã xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước trong đề tài “Hoàn thiện chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước” (năm 1999) [54]; và gần đây nhất là đề tài “Phân tích hiệu quả kinh doanh trong các doanh nghiệp khai


thác khoáng sản Việt Nam” (năm 2008) của tác giả Nguyễn Thị Mai Hương đã xây dựng quy trình, nội dung, chỉ tiêu và phương pháp phân tích hiệu quả kinh doanh trong các doanh nghiệp khai thác sa khoáng Titan dựa trên các nghiên cứu thực tiễn tại doanh nghiệp [50].

Hướng nghiên cứu này cho thấy các tác giả đã tập trung nghiên cứu hoàn chỉnh về hoạt động phân tích hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc một lĩnh vực cụ thể trên tất cả các mặt tổ chức phân tích, phương pháp phân tích, nội dung và hệ thống chỉ tiêu phân tích để từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện hoạt động này.

Như vậy, có thể thấy mặc dù đã có khá nhiều nghiên cứu về hiệu quả kinh doanh nhưng các đề tài đều phổ biến ở góc độ nghiên cứu hiệu quả kinh doanh cho các ngành dựa trên hệ thống chỉ tiêu phân tích chung mà chưa có hệ thống chỉ tiêu phân tích cho từng ngành cụ thể. Tuy nhiên, cũng có một số đề tài đã xây dựng hệ thống chỉ tiêu phân tích cho một ngành cụ thể. Mặc dù vậy, cho đến nay ở Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu nào nghiên cứu về hiệu quả kinh doanh cũng như xây dựng quy trình, phương pháp và hệ thống chỉ tiêu phân tích hiệu quả kinh doanh riêng cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam nói chung và ngành chế biến gỗ xuất khẩu khu vực Nam Trung bộ nói riêng.

Xuất phát từ những nghiên cứu về phân tích hiệu quả kinh doanh, cũng như từ định hướng của tập thể giáo viên hướng dẫn, tác giả đã thực hiện luận án tiến sĩ của mình với đề tài “Hoàn thiện phân tích hiệu quả kinh doanh trong các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu khu vực Nam Trung bộ”.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 278 trang tài liệu này.

Như vậy, để các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu khu vực Nam Trung bộ có thể vận dụng tốt các kiến thức về hiệu quả và phân tích hiệu quả kinh doanh nhằm đạt được kết quả tốt nhất, cần có những nghiên cứu sâu sắc về vấn đề hiệu quả kinh doanh cũng như xây dựng quy trình, phương pháp và


Hoàn thiện phân tích hiệu quả kinh doanh trong các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu Khu vực Nam Trung bộ - 3

hệ thống chỉ tiêu phân tích hiệu quả kinh doanh phù hợp với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn cần giúp cho các nhà quản lý doanh nghiệp nhận ra rằng: quản lý doanh nghiệp tốt không thể thiếu sự hỗ trợ của hoạt động phân tích hiệu quả kinh doanh, để hoạt động này trở thành một hoạt động thường xuyên, liên tục .

Tác giả đã lựa chọn đề tài cho luận án này là nhằm mục đích như vậy.

4. CÂU HỎI NGHIÊN CỨU

Các câu hỏi nghiên cứu cần đề cập trong luận án có nội dung như sau:

1. Lý luận về hiệu quả kinh doanh và phân tích hiệu quả kinh doanh trong các doanh nghiệp sản xuất nói chung và doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu nói riêng cần được hiểu như thế nào?

2. Thực trạng hoạt động phân tích hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu khu vực Nam Trung bộ hiện nay như thế nào?

3. Những điểm cần hoàn thiện trong hoạt động phân tích hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu khu vực Nam Trung bộ (về tổ chức phân tích, nguồn thông tin phục vụ phân tích, phương pháp phân tích, nội dung và hệ thống chỉ tiêu phân tích) là gì?

5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Với mục tiêu nghiên cứu đã đề ra, dựa trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tác giả luận án xác định phương pháp nghiên cứu được sử dụng sẽ là phương pháp nghiên cứu định tính, cụ thể:

* Về nguồn thu thập thông tin

Để đánh giá thực trạng phân tích hiệu quả kinh doanh trong các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu khu vực Nam Trung bộ, nguồn cung cấp thông tin chủ yếu là từ các doanh nghiệp, bao gồm hệ thống sổ sách, báo cáo kế toán, báo cáo phân tích hiệu quả kinh doanh, ý kiến của các nhà quản lý, nhân viên của doanh nghiệp... (thông tin sơ cấp) và các thông tin được cung cấp bởi các


tổ chức cung cấp thông tin chuyên nghiệp (thông tin thứ cấp) như: Thư viện quốc gia Việt Nam, cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công thương các địa phương...), các hiệp hội (Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định...)

* Về cách thức thu thập thông tin

Tác giả luận án tiến hành thu thập thông tin bằng 2 cách: phỏng vấn sâu cán bộ quản lý, nhân viên phân tích kinh doanh của doanh nghiệp và nghiên cứu tại bàn.

Đối với thông tin thứ cấp: tác giả luận án sử dụng cách thức nghiên cứu tại bàn. Các thông tin nghiên cứu sẽ được tác giả kế thừa và phát triển để xây dựng hệ thống lý luận cơ bản của đề tài luận án.

Đối với thông tin sơ cấp: cách thức thu thập thông tin được sử dụng bao gồm nghiên cứu tại bàn và phỏng vấn sâu, các bước tiến hành cụ thể như sau:

+ Bước 1: Chọn các doanh nghiệp thu thập thông tin tại bàn:

Trong ngành chế biến gỗ xuất khẩu khu vực Nam Trung bộ, luận án lựa chọn nghiên cứu nhóm các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất xuất khẩu. Sở dĩ luận án lựa chọn như vậy là vì nhóm các doanh nghiệp này chiếm đa số trong các doanh nghiệp chế biến gỗ ở Việt Nam nói chung và khu vực Nam Trung bộ nói riêng (ngoài các doanh nghiệp chế biến gỗ nội, ngoại thất xuất khẩu thì các doanh nghiệp còn lại là các doanh nghiệp chế tác đồ gỗ mỹ nghệ và sản xuất sản phẩm mộc tiêu thụ nội địa).

Số liệu minh họa thực tế sử dụng trong luận án được lấy ở 4 doanh nghiệp chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất xuất khẩu tại ba địa phương có phát triển ngành này trong khu vực, bao gồm: Công ty Cổ phần công nghệ gỗ Đại Thành (tại tỉnh Bình Định), Xí nghiệp chế biến lâm sản An Nhơn (tại tỉnh Bình Định), Công ty cổ phần Gia Đại Toàn (tại tỉnh Quảng Nam), Công ty cổ phần gỗ xuất


khẩu Tân Thành Dung Quất (tại tỉnh Quảng Ngãi). Đây là các doanh nghiệp có hoạt động phân tích hiệu quả kinh doanh diễn ra khá đầy đủ và thường xuyên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được lựa chọn là các doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ ở các mức lớn, vừa và nhỏ bởi vì quy mô vốn khác nhau nên sự quan tâm đến hoạt động phân tích hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng có sự khác biệt.

+ Bước 2: Chọn mẫu phỏng vấn:

Tại khu vực Nam Trung bộ ngành chế biến gỗ xuất khẩu chỉ phát triển ở 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên với tổng số doanh nghiệp là 176. Trong đó có đến khoảng 80% doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đang hoạt động của khu vực tập trung tại Bình Định, tại Phú Yên chỉ có 2 doanh nghiệp, số còn lại nằm ở 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Thêm vào đó, hầu hết các doanh nghiệp này là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Vì thế, cách chọn mẫu được áp dụng là chọn mẫu ngẫu nhiên theo cụm với cỡ mẫu là 30, trong đó số lượng phỏng vấn tại Bình Định là 23, 4 tại Quảng Ngãi và 3 tại Quảng Nam, không phỏng vấn được tại Phú Yên do các doanh nghiệp hoạt động bấp bênh và không có sự hợp tác với tác giả.

Dựa trên danh sách các doanh nghiệp mà tác giả thu thập được, mẫu được chọn ngẫu nhiên bằng cách bắt thăm sau khi trừ đi 8 cuộc phỏng vấn đã được tiến hành tại 4 doanh nghiệp mà luận án đã sử dụng số liệu minh họa.

Do những thông tin cần thu thập vừa mang tính chuyên sâu, vừa là những thông tin quan trọng nên đối tượng được phỏng vấn sẽ là lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên làm công tác phân tích.

+ Bước 3: Thiết kế câu hỏi phỏng vấn:

Các câu hỏi bao trùm các vấn đề về thực trạng hoạt động phân tích hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp, hiểu biết và mối quan tâm của doanh nghiệp đối với hoạt động này.


+ Bước 4: Thực hiện phỏng vấn sâu:

Dựa vào mối quan hệ của bản thân và sự giúp đỡ của một số chuyên gia, tác giả luận án sẽ tiến hành phỏng vấn trực tiếp tại chính văn phòng của người được phỏng vấn và ghi chép lại các thông tin. Việc ghi âm chỉ được thực hiện khi người được phỏng vấn chấp thuận.

+ Bước 5: Xử lý dữ liệu thu thập được:

Thông tin thu thập được từ việc phỏng vấn sẽ được tập hợp dưới dạng văn bản theo các chủ điểm định trước, đồng thời kết hợp với các thông tin thu thập được từ việc khảo sát trực tiếp 4 doanh nghiệp tiêu biểu sẽ được tác giả sử dụng để đánh giá thực trạng hoạt động phân tích hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu khu vực Nam Trung bộ.

6. CÁC KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU DỰ KIẾN

Luận án này có ý nghĩa to lớn cả về mặt khoa học và thực tiễn, cụ thể:

Về mặt khoa học, luận án hệ thống hóa và hoàn thiện những vấn đề lý luận về hiệu quả kinh doanh và phân tích hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất nói chung và các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu nói riêng. Bên cạnh đó, luận án tiến hành xây dựng hệ thống chỉ tiêu phân tích hiệu quả kinh doanh trong các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.

Về mặt thực tiễn, luận án tiến hành xem xét, đánh giá thực trạng hoạt động phân tích hiệu quả kinh doanh tại các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu khu vực Nam Trung bộ trên cơ sở các tài liệu doanh nghiệp cung cấp. Căn cứ vào kết quả phân tích, đánh giá, luận án sẽ chỉ ra những ưu, nhược điểm trong hoạt động phân tích hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp này. Từ đó, đề xuất các giải pháp hoàn thiện hoạt động phân tích hiệu quả kinh doanh bao gồm hoàn thiện tổ chức phân tích, hoàn thiện phương pháp phân tích, hoàn thiện nguồn thông tin phục vụ phân tích, hoàn thiện nội dung và hệ thống chỉ tiêu phân tích. Các giải pháp luận án đề xuất có tác dụng giúp


các doanh nghiệp có hoạt động phân tích hiệu quả kinh doanh hoàn chỉnh, tiến hành thuận tiện, các kết luận có tác dụng định hướng cho quá trình ra quyết định chiến lược, sách lược kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

7. KẾT CẤU ĐỀ TÀI

Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận án gồm có 3 chương chính sau:

Chương 1: Lý luận cơ bản về phân tích hiệu quả kinh doanh trong các doanh nghiệp sản xuất.

Chương 2: Thực trạng phân tích hiệu quả kinh doanh trong các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu khu vực Nam Trung bộ.

Chương 3: Quan điểm và giải pháp hoàn thiện phân tích hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu khu vực Nam Trung bộ.

Ngoài ra, phần phụ lục của luận án sẽ trình bày các bảng số liệu của các doanh nghiệp khảo sát cũng như các mẫu, biểu do tác giả đề xuất.


Chương 1

LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ PHÂN TÍCH HIỆU QUẢ KINH DOANH TRONG CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT


1.1. HIỆU QUẢ VÀ HIỆU QUẢ KINH DOANH TRONG CÁC DOANH NGHIỆP

1.1.1. Khái niệm, bản chất hiệu quả và hiệu quả kinh doanh

1.1.1.1. Khái niệm, bản chất của phạm trù “hiệu quả”

Liên quan đến khái niệm hiệu quả, có các cách tiếp cận khác nhau, cụ thể gồm hai cách tiếp cận sau:

Thứ nhất, nếu tiếp cận theo phương pháp truyền thống có thể đưa ra khái niệm: Hiệu quả là khái niệm thể hiện mối quan hệ giữa kết quả thực hiện các mục tiêu hoạt động và chi phí phải bỏ ra để đạt được kết quả đó của một chủ thể trong những điều kiện nhất định.

Với khái niệm này, có thể nhận thấy rằng hiệu quả có thể được biểu diễn ở hai dạng khác nhau, bao gồm: dạng hiệu số và dạng thương số. Ở dạng hiệu số, hai chỉ tiêu kết quả và chi phí phải có cùng đơn vị đo lường. Ở dạng thương số, đơn vị đo lường của các chỉ tiêu kết quả và chi phí có thể hoàn toàn khác nhau.

Như vậy, với cách xác định hiệu quả này thì kết quả đạt được càng lớn hơn chi phí bỏ ra bao nhiêu thì hiệu quả càng cao bấy nhiêu. Tuy nhiên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, trong rất nhiều trường hợp, hiệu số của một chỉ tiêu kết quả và một chỉ tiêu chi phí sẽ là một chỉ tiêu kết quả khác. Như vậy, theo khái niệm truyền thống này, khái niệm hiệu quả và kết quả bị trùng lắp.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 24/09/2022