Côn trùng chuyên khoa Nghề Bảo vệ thực vật - Cao đẳng Phần 1 - Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp - 17

mặt dưới lá và được xếp thẳng đứng với mặt lá. Trứng dài từ 1,2 - 1,5 mm. Một thành trùng cái có thể đẻ từ 250 - 1000 trứng trong thời gian từ 3 - 5 ngày. Thời gian một thành trùng cái đẻ 1 ổ trứng kéo dài 20 - 30 phút. Khi sắp nở trứng có màu vàng sậm. Trứng của loài này nở rất đồng loạt và có tỉ lệ nở từ 95 - 100%.

Ấu trùng có 4 tuổi, phát triển trong thời gian từ 16 - 23 ngày. Khi sắp nở, ấu trùng cắn đỉnh vỏ trứng rồi dùng cử động của chân để chui ra ngoài. Thời gian chui ra của một ấu trùng mất trung bình 30 phút. Sau khi nở, ấu trùng tập trung tại vỏ trứng từ 12 - 15 giờ và ăn hết vỏ trứng hay ăn các trứng chưa nở kịp hoặc không nở đến khi không còn trứng nào chúng mới phân tán tìm thức ăn. Ấu trùng màu vàng khi mới nở, lớn đủ sức màu đậm. Trên khắp mình có gai nhỏ màu nâu đậm mọc thẳng góc với da.

- Tuổi 1: cơ thể có chiều dài từ 1 - 1,2 mm và chiều rộng từ 0,5 - 0,6 mm; toàn thân màu vàng, trên thân có 6 hàng gai, phát triển từ 2 - 3 ngày.

- Tuổi 2: cơ thể có kích thước 2,1 x 0,9 mm; màu vàng, 6 hàng gai trên thân đã hiện rõ, phát triển từ 2 - 4 ngày, trung bình 2,3 ngày.

- Tuổi 3: cơ thể có kích thước 3,5 x 1,2 mm; màu vàng, các chi tiết khác giống như tuổi 2 và phát triển từ 2 - 4 ngày, trung bình 2,7 ngày.

- Tuổi 4 kéo dài từ 4 - 5 ngày, trung bình 4,6 ngày. Cơ thể có kích thước khoảng 5 x 2 mm

Nhộng màu vàng nhạt gần như trắng với nhiều đốm màu nâu đậm trên thân và chuyển sang vàng khi sắp vũ hóa. Nhộng có chiều dài từ 5 - 6 mm, rộng từ 3 đến 4 mm. Nhộng phát triển trong thời gian từ 2 - 7 ngày và thường được hình thành ở mặt dưới lá. Trước khi làm nhộng 1 ngày, ấu trùng nằm bất động, không ăn phá và màu sắc có thay đổi chút ít, từ vàng chuyển sang vàng nhạt. Ấu trùng gắn phần cuối bụng vào lá cây xong lột xác lần cuối để thành nhộng. Trên mình nhộng có vài điểm đen, trong đó hai đốm đen ở đầu nhộng rất rõ, phần cuối nhộng có phủ một lớp gai.

* Tập quán sinh sống và cách gây hại

Cả ấu trùng và thành trùng đều sống ở mặt dưới lá, cạp biểu bì và nhu mô diệp lục của lá, chỉ còn lại biểu bì trên và gân. Mật số cao bọ rùa có thể cạp ăn trụi lá trên cây và sau đó có thể tấn công tiếp phần ngọn, trái non và cuống trái. Ấu trùng có khả năng ăn mạnh hơn thành trùng, nhất là ấu trùng tuổi 4, ăn mạnh gấp 2 - 3 lần thành trùng.

Hình 3 18 Thành trùng ấu trùng và sự gây hại của bọ rùa nâu b Ruồi đục lá 1

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 145 trang tài liệu này.

Hình 3.18: Thành trùng, ấu trùng và sự gây hại của bọ rùa nâu


b) Ruồi đục lá Liriomyza trifolii Burgess

Họ Ruồi đục lá (Agromyzyiidae) - Bộ Hai cánh (Diptera)

* Ký chủ: Đây là loài côn trùng phá hại trên nhiều loại cây như bầu bí dưa leo dưa gan, cà chua, ớt, đậu nành, đậu trắng v. v....

* Đặc điểm hình thái và sinh học

Thành trùng rất nhỏ, dài từ từ 1,3 - 1,5 mm, màu đen bóng, nhưng một phần cơ thể, gồm cả phiến mai trên ngực có màu vàng. Mắt kép màu đen bóng. Cánh trước có chiều dài khoảng 1,4 mm, rộng 0,60 mm. Cánh sau thoái hóa còn rất nhỏ, màu vàng nhạt. Bụng và chân có nhiều lông, chân màu vàng, đốt chày và đốt bàn màu đen, bàn chân 5 đốt, đốt cuối có 2 móng cong màu đen.

Trứng rất nhỏ, màu trắng hồng, tròn, đường kính khoảng 0,2 mm.

Ấu trùng có chiều dài khoảng 2 mm, màu vàng nhạt khi mới nở, sau chuyển thành màu vàng đậm. Cơ thể có 10 đốt, miệng dạng móc câu màu đen. Thời gian phát triển của ấu trùng từ 3 - 4 ngày.

Nhộng có chiều dài khoảng 1,5 mm, rộng 0,7 mm. Thời gian phát triển của nhộng từ 6 - 8 ngày.


Hình 3 18 Thành trùng ấu trùng và nhộng của ruồi đục lá Tập quán sinh sống 2

Hình 3.18: Thành trùng, ấu trùng và nhộng của ruồi đục lá

* Tập quán sinh sống và cách gây hại

Thành trùng hoạt động mạnh từ 7 - 9 giờ sáng và từ 4 - 5 giờ chiều. Thành trùng cái dùng bộ phận đẻ trứng rạch mặt lá tạo nhiều lỗ. Trong số đó có một số lổ chứa trứng, chỉ khoảng 1%, phần lớn các lỗ còn lại dùng làm thức ăn cho thành trùng cái và đực do chất lỏng ứa ra từ vết chích. Các lỗ đục thường xuất hiện ở chóp lá hay dọc theo 2 bìa lá.

Ruồi gây hại cho cây bằng cách đục thành những đường ngoằn ngoèo ở mặt trên lá, lúc đầu đường đục nhỏ, càng lúc càng to dần cùng với sự phát triển của cơ thể ấu trùng. Đường đục xuất hiện ở cả hai mặt lá nhưng thấy rõ nhất là ở mặt trên lá. Khi trưởng thành, dòi đục thủng biểu bì chui ra ngoài và làm nhộng trên mặt lá hay trên các bộ phận khác của cây hoặc buông mình xuống đất làm nhộng.

Các vết đục khắp mặt lá làm cho lá bị khô, trái nhỏ, giảm phẩm chất của trái, nếu trầm trọng làm năng suất giảm.



Hình 3 19 Triệu chứng gây hại của ruồi đục lá c Bù lạch Thrips palmi Karny Họ 3

Hình 3.19: Triệu chứng gây hại của ruồi đục lá


c) Bù lạch Thrips palmi Karny

Họ Thripidae - Bộ Cánh tơ (Thysanoptera)

* Phân bố và ký chủ

Loài bù lạch này có diện phân bố rất rộng và có thể tấn công trên nhiều loại cây trồng từ các loại rau cho đến các loại cây ăn trái. Đặc biệt, gần đây chúng phát dịch và gây hại trầm trọng trên dưa hấu và dưa leo.

* Đặc điểm hình thái và sinh học

Bù lạch có cơ thể rất nhỏ, khoảng 1 mm, màu vàng hơi nâu, hai mắt đen. Miệng phát triển cho việc chích hút, chân của bù lạch rất đặc biệt là đốt bàn không

có móng mà tận cùng bằng một mảnh nhỏ, râu màu đen gồm sáu đốt. Thành trùng có thể sống đến 2 tháng và đẻ khoảng 200 trứng.

Trứng bù lạch hình trái thận, do con cái dùng bộ phận đẻ trứng ghim thẳng vào trong gân lá non, trứng nở trong thời gian khoảng 3 ngày.

Ấu trùng rất giống thành trùng nhưng màu nhạt hơn, gồm 2 tuổi kéo dài 3-4 ngày. Nhộng phát triển trong từ 3- 4 ngày.



Hình 3.20: Thành trùng, ấu trùng bọ trĩ Thrips palmi Karny

* Tập quán sinh sống và cách gây hại

Bù lạch thường đẻ trứng trong mô lá. Cả ấu trùng và thành trùng bù lạch thường sống ở mặt dưới lá và hay chui vào gần gân để trốn, do đó rất khó nhìn thấy, và thuốc trừ sâu cũng rất khó tiếp xúc được với chúng. Bù lạch thường chích cho nhựa cây chảy ra để hút ăn, đôi khi còn cạp cả mô lá hoặc cây. Lá cây bị bù lạch gây hại bị quăn queo, lá non biến dạng và cong xuống phía dưới. Đọt non bị bù lạch tấn công không phát triển dài ra được mà chùn lại và cất cao lên, được nên nông dân thường gọi là hiện tượng “đầu lân” hay “bắn máy bay” trên dưa hấu. Bù lạch còn tryền bệnh khảm do vi rút làm vàng và xoăn lá, cây không chết nhưng ra hoa mà không cho trái.

Hình 3.21: Triệu chứng gây hại của bọ trĩ trên bầu bí dưa


d) Ruồi đục trái Dacus cucurbitae Coquillet

Họ Ruồi trái cây (Trypetidae) - Bộ Hai cánh (Diptera)

* Ký chủ: ruồi gây hại trên các loại cây thuộc họ Cucurbitaceae như dưa, bầu bí, mướp, khổ qua... Có phân bố giới hạn trong vùng nhệt đới.

* Đặc tính sinh học

Ruồi có hình dáng tương tự ruồi đục trái cây Bactrocera dorsalis nhưng khác nhau là ở phần ngực có thêm một vạch màu vàng ngay chính giữa, cánh trước có một vệt màu đậm dọc gân ngang ở gần cuối cánh.



Hình 3 22 Thành trùng ruồi đục trái Dacus cucurbitae Coquillet Trứng hình bầu dục 4

Hình 3.22: Thành trùng ruồi đục trái Dacus cucurbitae Coquillet

Trứng hình bầu dục màu trắng bóng, đẻ thành chùm bên trong vỏ trái. Thời gian ủ trứng từ 2 - 3 ngày.

Dòi màu trắng ngà, đầu nhọn với mó của miệng màu đen. Thời gian phát triển của dòi từ 7- 9 ngày.

Nhộng hình trụ, màu vàng khi mới hình thành, nhưng khi sắp vũ hoá có màu nâu. Thời gian nhộng từ 8 - 10 ngày.

Chu kỳ sinh trưởng của ruồi từ 16 - 23 ngày.

* Tập quán sinh sống và cách gây hại

Ruồi cái chọn các trái non và dùng bộ phận đẻ trứng để đục vỏ trái và đẻ trứng vào bên trong thành từng chùm 5-10 trứng. Dòi nở ra đục thành đường hầm bên trong trái làm cho trái bị hư thối. Khi sắp làm nhộng dòi đục vỏ trái, chui ra ngoài và búng mình cho rơi xuống đất để làm nhộng dưới mặt đất một lớp không sâu lắm, nhưng trong mùa mưa dòi làm nhộng ngay bên trong trái.



Hình 3.23: Sự gây hại của ruồi đục trái Dacus cucurbitae Coquillet

2. Biện pháp quản lý côn trùng hại trên cây rau màu

2.1. Biện pháp canh tác

a) Làm đất

- Chọn đất trồng thích hợp có độ pH từ 5 – 7, có khả năng giữ ẩm và thoát nước tốt.

- Làm đất tơi xốp và phơi ải đất: giúp vi sinh vật háo khí trong đất hoạt động tốt, làm cho đất tơi xốp, thông thoáng và cây dễ hấp thu các chất dinh dưỡng có trong đất. Ngoài ra, phơi ải đất còn có tác dụng diệt một số mầm bệnh, cỏ dại còn tồn dư trong đất ở vụ trước. Thời gian phơi ải phải đạt từ 5 – 7 ngày.

b) Luân canh, xen canh

Tùy từng mùa vụ, chọn loại rau trồng cho thích hợp. Luân canh với cây khác họ, tốt nhất là cây lúa nước.

Có thể trồng xen canh với cây khác họ cũng có tác dụng làm gián đoạn nguồn thức ăn và xua đuổi sâu hại.

Ví dụ trồng cà chua xen với cây rau thập tự như cải bắp, cải thảo, súp lơ…vv, mùi cây cà chua có tác dụng xua đuổi sâu tơ hại trên cây rau thập tự.

c) Bón phân và tưới nước hợp lý. Tùy thuộc loại cây và thời gian sinh trưởng mà áp dụng các phương pháp tưới nước khác nhau: tưới phun lên cây, tưới rãnh, tưới nhỏ giọt, tưới đủ ẩm không đọng nước… giúp rau sinh trưởng phát triển tốt và hạn chế được sâu bệnh hại trên rau.

d) Trồng cây khỏe , không bị sâu bệnh hại, loại bỏ cây yếu, chết.

2.2. Biện pháp vật lý

Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng; ngắt những lá già, lá bị sâu bệnh, cây bị bệnh và các tàm dư thực vật, thu gom để vào một khu vực sau đó mang đi tiêu hủy.

Đối với đặc tính của một số sâu, như sâu tơ đẻ trứng và hại mặt dưới của lá, sâu xanh bướm trắng đẻ trứng và hại ở mặt trên của lá..vv.. Các đối tượng sâu này, cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để ngắt bỏ ổ trứng mới nở và giết nhộng của chúng, hạn chế việc sử dụng thuốc hoá học về sau..

Ngoài ra, có thể sử dụng bẫy dính màu vàng hoặc màu xanh để bẫy một số con trưởng thành có cánh như rệp, ruồi đục lá, đục quả, bọ nhảy…hại nhiều loại cây trồng. Những loại bẫy này chi phí thấp, có thể tận dụng các vật liệu tái chế sẵn có để làm bẫy. Bẫy nên đặt ở độ cao 40 – 60 cm tính từ bệ cây là thích họp nhất.

Sử dụng bẫy cây trồng để dẫn dụ sâu hại hoặc xua đuổi sâu hại.

Ví dụ: trồng cây hoa hướng dương trên đầu các bờ ruộng rau, để thu hút sâu khoang đến đẻ trứng.

2.3. Biện pháp sinh học

Biện pháp sinh học phòng trừ sâu bệnh hại rau là lợi dụng các thiên địch để tiêu diệt sâu hại trên đồng ruộng.

Bảo vệ thiên địch của sâu hại rau: các loài bọ rua ăn rệp ăn sâu hại; các loài ong ký sinh trứng, sâu non, nhộng của sâu hại; các loài kiến, nhện…ăn sâu hại; các loài nấm đối kháng: Trichoderma, Beauveria…Để bảo vệ được các loài có ích này, không nên sử dụng sử dụng thuốc hóa học.

Bên cạnh đó, có thể sử dụng bẫy pheromon treo trên ruộng rau để thu hút con trưởng thành cái đến các bẫy mà không giao phối được, không đẻ được trứng.

Cách đặt bẫy pheromon: Sử dụng lọ nhựa hoặc bát nhựa đã dùng một lần, có đường kính 18-22cm, buộc mồi vào dây thép theo kiểu quang treo, sau đó đổ nước 1/3 thể tích bát có pha thêm một ít xà phòng, xà phòng có tác dụng khi bướm bay vào bẫy, rơi xuống nước, sẽ bị bịt lỗ thở lại và chết rất nhanh.

Tùy từng loại rau mà chúng ta treo bẫy khác nhau. Đối với loại cây thấp như su hào, bắp cải, hành … đặt bẫy ở vị trí cao hơn bề mặt tán cây trên ruộng chừng 20- 30cm. Đối với cây trồng như đậu leo, cà chua, dưa chuột… thì treo bẫy ở vị trí sát mặt giàn cây để tạo thuận lợi cho pheromon lan tỏa rộng.

Cách đặt bẫy pheromon cho các cây leo

Các loại mồi pheromon có hiệu quả hấp dẫn sâu hại trong thời gian ít nhất là 21-24 ngày, tùy theo điều kiện thời tiết và theo từng vùng thì thay bã, tốt nhất thay mồi pheromon mới theo định kỳ 20 ngày kể từ ngày sử dụng.

Chú ý đặt bẫy liên tục từ khi trồng đến khi thu hoạch sản phẩm. Cần thường xuyên kiểm tra các bẫy để vớt những con bướm đã chết và bổ sung thêm nước xà phòng khi cần thiết.

2.4. Biện pháp hóa học

Trước khi sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh, cần thường xuyên điều tra ruộng, chỉ sử dụng thuốc khi thật cầ thiết.

3. Thực hành

3.1. Mục đích - yêu cầu

Giúp sinh viên phân biệt triệu chứng gây hại và nhận biết hình thái một số loài sâu hại phổ biến trên cây rau họ đậu, họ thập tự, bầu bí dưa.

3.2. Vật liệu

Mẫu côn trùng: Sâu đục quả đậu, sâu tơ, Bọ nhảy hại cây họ thập tự, Sâu xanh đục quả, Sâu khoang, Ruồi đục lá, Bọ trĩ, Sâu xanh da láng, Bọ rùa nâu, Bọ dưa, Rầy mềm.

Kính lúp cầm tay, kính lúp soi nổi Giấy A4, viết chì, kẹp nhọn.

3.3. Thực hành

Với sự hướng dẫn của giảng viên, mỗi sinh viên thực hành quan sát đặc điểm của các loại sâu hại.

3.4. Phúc trình

Ghi nhận các đặc điểm đặc trưng để nhận diện từng loài sâu hại.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 07/06/2023