Tăng Cường Vai Trò Quản Lý Phối Hợp Của Bộ Máy Nhà Nước

theo hai hướng vừa nâng cấp lực lượng lao động hiện có vừa tăng cường hỗ trợ đào tạo cho lực lượng lao động mới với nhiều biện pháp khác nhau.

Một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng mà chính quyền Clinton thực hiện là coi trọng giáo dục và đào tạo bởi nếu khoa học là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, thì ngành giáo dục và đào tạo là nơi cung cấp những nhà bác học, những nhà chuyên gia giỏi, những công nhân bậc cao cho sự phát triển phát triển KH&CN. Chính phủ cũng đề xuất những thay đổi như: xem xét lại toàn bộ hệ thống trường công, hỗ trợ đào tạo việc làm cho sinh viên và hỗ trợ cho học đại học, cùng với doanh nghiệp phát triển hệ thống học nghề quốc gia và yêu cầu mỗi người làm việc phải dành một phần tiền lương để tiếp tục học tập.

Chính phủ thực hiện một số chương trình nhằm đào tạo nguồn nhân lực kịp thời đáp ứng những thay đổi căn bản trong thị trường lao động như: GEARUP, TRIO chuẩn bị cho học sinh vào học; HOPE Scholarship và Lifetime Learning cho vay tiền để học đại học; Pell, The Workfoce Investment Act hỗ trợ đào tạo nghề và nghiên cứu; Yiuth Opportunity Grants giúp nâng cao tay nghề cho số thanh niên gặp khó khăn…

Chính phủ sử dụng giải pháp tái đào tạo nhằm giúp người lao động có việc làm đồng thời bổ sung kiến thức mới cho người lao động nhằm đáp ứng những thay đổi nhanh và không ngừng của tiến bộ KH&CN trong sản xuất. Để thực hiện điều này, một mặt Chính phủ đầu tư trực tiếp, mặt khác khuyến khích các công ty, cá nhân tăng cường hoạt động tái đào tạo.

Bên cạnh việc đào tạo lại lực lượng lao động, chính quyền Clintơn cũng đã tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc phát triển nguồn nhân lực mới để phù hợp với nền kinh tế mới. Nhà nước tập trung vào việc đào tạo nghề, giáo dục đại học và trên đại học, nâng cao chất lượng đào tạo phổ thông. Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp như: hỗ trợ thí sinh thi vào đại học, giảm chi phí và đưa giáo dục đại học đến với tất cả các công dân Mỹ, từ những học sinh tốt nghiệp phổ thông đến người lớn tuổi và người lao động bị

mất việc làm. Chính phủ ủng hộ sự sáng tạo của các sinh viên có năng lực, các nghiên cứu sinh, các nhà bác học và tầng lớp trí thức trực tiếp làm công tác nghiên cứu ứng dụng KH&CN.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ tài chính cho giáo dục được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Năm 1997, lần đầu tiên Chính phủ Liên bang chi ra một khoản đầu tư lớn cho giáo dục nâng cao trong 50 năm với hai chương trình: học bổng HOPE và tín dụng thuế học tập suốt đời. Tín dụng thuế học tập suốt đời hướng tới hỗ trợ những người lớn tuổi muốn trở lại trường học, muốn thay đổi nghề nghiệp, hay muốn tham gia các khóa học nâng cao tay nghề, đồng thời cũng hướng tới các học sinh năm đầu, năm cuối đại học hay sinh viên đã tốt nghiệp. Năm 2000, Mỹ đã đầu tư 600 tỷ USD cho giáo dục [6; tr.15].

Những thành tựu trong chính sách giáo dục Mỹ dưới thời Clintơn được ghi nhận là nền tảng đánh dấu bước chuẩn bị cho lực lượng lao động Mỹ trong thế kỷ XXI. Với tốc độ phát triển nền kinh tế nhanh, một bằng tốt nghiệp trung học chưa đủ là giấy thông hành cho thanh niên Mỹ bước vào cuộc cạnh tranh mới. Tổng thống Clinton đã từng tuyên bố: “…đầu tiên và trên hết, thời đại thông tin là thời đại giáo dục, trong đó giáo dục phải xuất phát từ lúc con người mới được sinh ra và đi cùng con người đến hết cuộc đời….”[28; tr.202], do đó chính quyền của ông chủ trương đem lại cho các công dân Mỹ sự tự do, công bằng dân chủ và một nền giáo dục chất lượng.

2.2.5 Tăng cường vai trò quản lý phối hợp của bộ máy nhà nước

Cùng với những biện pháp trên, chính quyền Clinton cũng tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động KH&CN, trước hết là tăng cường vai trò quản lý phối hợp của các cơ quan thuộc bộ máy hành chính nhà nước.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 125 trang tài liệu này.

Việc phát triển KH&CN ở Mỹ cũng như ở một số quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển được tác động bởi ba bộ phận chủ yếu, đó là: cơ quan nhà nước (tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu triển khai); các đơn vị khoa học kỹ thuật như các trường tổng hợp, các trung tâm khoa học và các phòng thí nghiệm Liên bang; các đơn vị công nghiệp trực tiếp tài trợ cho các chương

trình nghiên cứu ứng dụng của mình.Như vậy, cơ chế tác động lên khoa học kỹ thuật khá phức tạp. Trong quá trình phát triển ở lĩnh vực này, các bộ phận trên thường theo đuổi các mục đích khác nhau, đôi khi mâu thuẫn với nhau. Tình trạng thiếu phối hợp này đã dần được các chính quyền tiền nhiệm khắc phục. Do xuất hiện các dự án lớn cần tập trung sức lực của các nhà khoa học để giải quyết, các chính quyền này đã thành lập các cơ quan tư vấn, hành chính Liên bang như: cơ quan quản lý khoa học - kỹ thuật, ban cố vấn khoa học kỹ thuật trực thuộc Tổng thống và viện Hàn lâm quốc gia để giúp Tổng thống thực hiện nhiệm vụ. Dưới thời Clinton, Hội đồng khoa học kỹ thuật quốc gia đã thành lập do chính Tổng thống đứng đầu vào năm 1993 để phối hợp thực hiện chính sách khoa học kỹ thuật quốc gia trong mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ do các bộ phận trong chính phủ Liên bang chủ trì. Hội đồng được xem là cơ quan quan trọng nhất của chính quyền Clinton trong lĩnh vực KH&CN.

Chính sách khoa học và công nghệ của Mỹ dưới thời Tổng Thống Bill Clinton (1993-2001) - 7

Bốn cơ quan trên tạo thành một tổ hợp quản lý khoa học kỹ thuật quốc gia và thực hiện nhiệm vụ định hướng cho sự phát triển của KH&CN Hoa Kỳ.

2.2.6 Tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin

Để phát triển KH&CN, đưa KH&CN vào sản xuất và đời sống xã hội, việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chính phủ triển khai tích cực những biện pháp như: tăng cường đầu tư vào nghiên cứu thử nghiệm và phát triển sản xuất, tăng cường vai trò phối hợp nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm công nghệ thông tin, tạo môi trường thuận lợi... Chính phủ đề ra chương trình “Công nghệ thông tin khởi đầu thế kỷ XXI” (The Information Technology for the 21st Century Initiative) với mục tiêu chủ yếu là phát triển công nghệ phần mềm, sản xuất máy tính tốc

độ cao, xây dựng cơ sở hạ tầng mạng thông tin và xã hội hóa cách mạng thông tin. Chương trình này có khoản chi ngân sách vào năm 2000 là 309 triệu USD và năm tài chính 2001 là 704 triệu USD [28; tr.75].

Bên cạnh việc bảo vệ bản quyền, chính quyền Clinton cũng ủng hộ tích cực việc sửa đổi một số luật, tạo môi trường thuận lợi cho ứng dụng công nghệ thông tin và hạ giá thành của những sản phẩm này. Ví dụ, Luật miễn thuế đối với Internet (the Internet Tax Freedom Act) giúp các nhà doanh nghiệp mở rộng trao đổi thương mại thông qua mạng lưới công nghệ thông tin. Chính phủ cũng đã ủng hộ cải cách Luật viễn thông năm 1996 (the Telecommunications Atc) nhằm giảm giá các loại dịch vụ này, mở rộng khả năng lựa chọn cho khách hàng và phát triển nhanh hơn nữa mạng lưới thông tin trong nước và quốc tế. Sự sửa đổi này đã dỡ bỏ những hàng rào để nhiều công ty tham gia vào thị trường điện thoại trong nước. Các công ty mới cũng như các công ty đang hoạt động đã đầu tư hàng chục tỷ USD cho các thiết bị, dịch vụ và hoạt động nghiên cứu và triển khai. Nhịp độ tăng hàng năm của đầu tư vào thiết bị viễn thông trong thời kỳ 1993-1998 là 14% và khối lượng đầu tư đạt tới 86 tỉ đô la [72; tr.76]. Một số trang thiết bị đó được sử dụng để phát triển cung cấp dịch vụ viễn thông không dây. Chỉ tính riêng năm 1998, tổng giá trị đầu tư của các công ty cũng cấp điện thoại di động lên tới 50 tỷ USD [28; tr.77]. Chính đầu tư này đã quay lại giúp tăng công suất của mạng, phát triển công nghệ mới và đưa ra những dịch vụ truyền thông mới.

2.2.7 Sử dụng các công cụ gián tiếp để thúc đẩy phát triển KH&CN

Chính sách ưu đãi về thuế

Công cụ gián tiếp đầu tiên mà chính phủ Mỹ dùng để lôi kéo các công ty tư nhân đầu tư vào công nghệ là chính sách khuyến khích về thuế. Chế độ ưu đãi của Chính phủ đã thu hút thêm đươc đầu tư của các công ty tư nhân vào nghiên cứu, tăng cường sáng tạo công nghệ, nâng cao năng suất lao động và việc làm mới cho nước Mỹ.

Ưu đãi về thuế được Chính phủ áp dụng ở nhiều lĩnh vực gắn với những ưu tiên phát triển KH&CN. Ví dụ, để mở rộng phổ biến công nghệ, giáo dục và đào tạo, mở rộng hợp tác giữa các trường tổng hợp và các nhà công nghiệp... Nhà nước đã thực hiện những chính sách ưu đãi về thuế.

Luật bảo vệ quyền tác giả

Trong giai đoạn cầm quyền của Clinton, một biện pháp gián tiếp được thực hiện rất tích cực là thực thi Luật bảo vệ quyền tác giả. Đây là một công cụ hiệu quả để tạo ra thị trường công nghệ cao. Trong lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả, Mỹ cũng có những quy định rõ ràng hơn Nhật Bản và các nước châu Âu đối với những mặt liên quan đến sản phẩm trí tuệ thuộc công nghệ tin học. Ví dụ ở châu Âu trong quy định về quyền sáng chế, các chương trình của máy tính không được xem là những sáng chế, còn ở Nhật Bản quyền sáng chế đối với phần mềm máy vi tính bị hạn chế; ngược lại, ở Mỹ, quyền này được mở rộng hơn.

Chính sách thương mại và hợp tác quốc tế

Ngoài những biện pháp trên, nhà nước còn đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển KH&CN. Nhà nước đóng vai trò chủ yếu trong việc tạo ra những hình thức để các đối tác quốc tế có thể đầu tư và tham gia vào các chương trình nghiên cứu của Mỹ, đồng thời cũng tạo điều kiện để các công ty và các dự án nghiên cứu của Mỹcó thể tham gia vào các dự án nghiên cứu của nước ngoài. Các cơ quan chính thức của Chính phủ Mỹ đều cho rằng đây là một phương pháp để có được những tri thức mới và những công nghệ mới có hiệu quả cao.

Trong quan hệ quốc tế, để mở rộng thị trường cho công nghệ thông tin phát triển, trong các hiệp định thương mại như: Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và thỏa thuận của vòng đàm phán Uruguay thành lập WTO, Mỹ đã tích cực vận động đưa hàng hóa công nghệ thông tin vào danh sách hoãn đánh thuế. Chính phủ Mỹ đã kí Hiệp định công nghệ thông tin thuộc WTO (the WTO’s Information Technology Agreement) cho phép loại bỏ thuế với mặt hàng này trị giá lên tới 600 tỷ USD và Hiệp định thông tin liên lạc cơ sở (the WTO’s Communications Agreemet) để thúc đẩy cạnh tranh và tư nhân hóa dịch vụ thông tin liên lạc lên tới 1000 tỷ USD [29; tr.45]. Ở giải pháp thúc đẩy hình thành những liên minh công nghệ hình thành chiến

lược, chính phủ Mỹ không những khuyến khích tạo ra nhiều liên minh khoa học trong nước (riêng năm 1998 đã hình thành tới 250 liên minh (nguồn: National Science Foundation)) mà còn khuyến khích cả những liên minh công nghệ với nước ngoài.

Một số biện pháp khác

Đồng thời với việc nâng cấp và điều chỉnh một số ngành kinh tế, Nhà nước khuyến khích hình thành các ngành tiên tiến có công nghệ cao nhằm tạo ra một bộ phận cơ cấu kinh tế mạnh phù hợp với cuộc cách mạng thông tin như ngành công nghiệp sản xuất phần mềm, ngành sản xuất thiết bị thông tin, các ngành gắn với việc sử dụng tiến bộ của công nghệ sinh học, công nghệ laze, các ngành dịch vụ đi cùng với chúng và ngành công nghiệp giải trí hiện đại, v.v.. Đây là những ngành Mỹ vượt trước các đối thủ cạnh tranh và mang lại thu nhập đáng kể. Trong ba hướng điều chỉnh nhằm tạo ra một cơ cấu mạnh làm tăng sức cạnh tranh và tạo đà tăng trưởng này, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Mỹ dành cho các ngành công nghiệp mới, các ngành công nghiệp hiện đại hay các doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm mới, dịch vụ mới. Đây là một hướng đi thiết thực bởi nước Mỹ có truyền thống và tiềm năng nghiên cứu dồi dào hơn nhiều nước tư bản phát triển khác. Hướng ưu tiên thứ ba này chắc chắn là một hướng ưu tiên lâu dài và là một thách thức đối với tất cả các quốc gia có tham vọng giành vị trí hàng đầu trong thế giới tư bản.

Tiểu kết

Trước sự chuyển biến của tình hình thế giới cùng những yêu cầu cấp thiết từ nhu cầu phát triển nội tại trong nước, khi lên nắm quyền, Bill Clinton đã mạnh dạn thực hiện những thay đổi trong chính sách phát triển kinh tế mà mũi nhọn là KH&CN. Nhà nước đã chuyển từ ưu tiên chủ yếu phục vụ quốc phòng sang ưu tiên phục hồi sức mạnh kinh tế Mỹ; chuyển từ phương pháp “phân chia trách nhiệm” trong phát triển khoa học công nghệ sang liên kết giữa nhà nước và tư nhân để tạo ra công nghệ phục vụ cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Chính phủ Clinton cũng thực thi nhiều biện pháp

hỗ trợ cho chính sách KH&CN như: tăng nguồn tài chính phục vụ công nghiệp dân dụng, khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường vai trò quản lý phối hợp của bộ máy nhà nước; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin...Đáng chú ý, những chính sách này được đề ra và duy trì nhất quán trong suốt cả hai nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống Bill Clinton (1993-2001). Nhờ đó, KH&CN được đặt đúng vị trí, được tạo điều kiện tối đa, có khoảng thời gian dài vừa đủ để phát huy cao nhất tiềm lực hiện có.

Đánh giá về chính sách KH&CN của Tổng thống Bill Clinton đã có những ý kiến khác nhau. Một số người của Đảng Cộng hòa cho rằng chính sách KH&CN dưới thời Clinton về căn bản không có gì mới. Tất cả những gì mà chính quyền này làm chỉ là bước gặt hái những gì mà Chính phủ tiền nhiệm đã làm đất gieo trồng. Những người ủng hộ đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực quốc phòng phê phán gay gắt rằng những đầu tư ưu tiên của chính quyền Clinton là sai lầm, nó đã làm yếu đi tiềm năng quốc phòng của nước Mỹ. Ngược lại, có nhiều quan điểm lại cho rằng chính sách của chính phủ Mỹ thời kỳ này là thành công bởi nó đạt được mục tiêu mà Chính phủ đặt ra, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin - một công nghệ nền tảng cho phát triển KH&CN, kinh tế xã hội trong tương lai. Cá nhân tác giả ủng hộ quan điểm này. Rõ ràng những chính sách KH&CN mà chính quyền Clinton đã triển khai rất tích cực, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và tình hình trong nước. Đó là sự chuyển hướng kịp thời, đúng đắn, cho thấy được sự nhạy bén và tầm nhìn chiến lược của Clinton cùng cộng sự của ông. Dẫu rằng, ngay sau khi Clinton hết nhiệm kỳ, nước Mỹ đã phải gánh chịu hậu quả do chủ nghĩa khủng bố gây ra ngày 11/9/2001. Nhưng xét cho cùng, ở mỗi một thời kỳ, người ta lại phải tập trung giải quyết những yêu cầu lịch sử khác nhau. Chính phủ Clinton đã làm rất tốt khi kịp thời thay đổi chính sách để đưa nền kinh tế

- xã hội Mỹ phát triển trong một bối cảnh hoàn toàn mới, tạo nên một giai đoạn tăng trưởng dài chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. Đến khi Bush lên

cầm quyền (2001) - khi nước Mỹ phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt là chủ nghĩa khủng bố thì vị tân Tổng thống lại phải đề ra những chính sách khác nhau để giải quyết yêu cầu của đất nước. Và một điều chắc chắn dễ nhận thấy rằng, những chính sách KH&CN của Bill Cliton khi ông cầm quyền đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt mà các Chính phủ sau đó rất khó để có thể vượt qua.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/05/2022