Biến đổi gia đình người Dao Quần Trắng ở xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái - 2

Vì vậy, việc nghiên cứu những khía cạnh trong biến đổi của gia đình người Dao Quần Trắng được đặt ra như một nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng về cả lý luận và thực tiễn trong việc bảo lưu và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống tộc người nói chung, phát huy những giá trị của gia đình nói riêng trong việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn miền núi. Hơn nữa, nghiên cứu về chủ đề này sẽ góp phần làm cơ sở cho các chủ trương, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước đối với vùng dân tộc miền núi trong thời gian tới, thiết thực góp phần vào công cuộc phát triển cộng đồng người Dao Quần Trắng và các dân tộc nước ta.

Cho đến nay, mặc dù đã có một số công trình nghiên cứu về người Dao nói chung, về gia đình người Dao nói riêng nhưng chưa có một công trình chuyên khảo về biến đổi gia đình của người Dao Quần Trắng ở một địa phương cụ thể. Với ý nghĩa đó, tôi quyết định chọn đề tài: “Biến đổi gia đình người Dao Quần Trắng ở xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái” làm đề tài luận văn thạc sĩ dân tộc học của mình.

2. Mục đích nghiên cứu

1. Tìm hiểu cấu trúc, chức năng, các mối quan hệ và một số nghi lễ trong gia đình truyền thống của người Dao Quần Trắng.

2. Chỉ ra sự biến đổi của gia đình trên các phương diện chính là cấu trúc, chức năng, mối quan hệ gia đình và các phong tục, nghi lễ có liên quan đến chu kỳ đời người.

3. Phân tích và đánh giá những biến đổi của gia đình người Dao Quần Trắng từ Đổi mới đến nay.

4. Lý giải những nguyên nhân của sự biến đổi và chỉ ra xu hướng biến đổi của gia đình người Dao Quần Trắng hiện nay.

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là sự biến đổi gia đình của người Dao Quần Trắng ở xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái trước và sau thời kỳ Đổi mới.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 141 trang tài liệu này.

3.2. Phạm vi và địa bàn nghiên cứu

Phạm vi nội dung của luận văn tập trung vào nghiên cứu những vấn đề về truyền thống và biến đổi trong gia đình của nhóm Dao Quần Trắng tại địa bàn nói trên. Bên cạnh đó, luận văn có so sánh đối chiếu vấn đề nghiên cứu với một số địa phương khác. Do biến đổi gia đình là mảng đề tài rộng lớn gồm nhiều nội dung nên trong khuôn khổ luận văn này, tập trung vào tìm hiểu một số nội dung

Biến đổi gia đình người Dao Quần Trắng ở xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái - 2

cơ bản của biến đổi gia đình về cấu trúc, chức năng, mối quan hệ và một số nghi lễ cơ bản trong gia đình.

Về phạm vi thời gian, chúng tôi chủ yếu tập trung vào những biến đổi của gia đình ở hai giai đoạn trước và sau Đổi mới.

Địa bàn nghiên cứu mà chúng tôi chọn là xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Tân Hương là xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) của huyện Yên Bình và cũng là một trong những xã tập trung đông người Dao Quần Trắng.

4. Nguồn tài liệu và giả thiết khoa học

4.1. Nguồn tài liệu

Nguồn tài liệu chủ yếu được sử dụng trong luận văn là tài liệu điền dã được thu thập qua các đợt khảo sát tại địa bàn nghiên cứu. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát tại địa bàn làm hai đợt. Đợt 1, từ tháng 01 đến tháng 3 năm 2013; đợt 2, tháng 5 năm 2013.

Bên cạnh đó, luận văn còn sử dụng các công trình nghiên cứu, các bài viết về người Dao, về gia đình và biến đổi gia đình của các học giả đã được xuất bản bao gồm sách, báo, tạp chí, thông báo khoa học, báo cáo khoa học, các luận án, luận văn, khóa luận của chuyên ngành nhân học/dân tộc học cũng như các số liệu thống kê, báo cáo tổng kết về kinh tế - văn hoá - xã hội của xã Tân Hương, huyện Yên Bình và tỉnh Yên Bái.

4.2. Giả thiết nghiên cứu

Với đề tài này, chúng tôi xác định một số giả thiết làm cơ sở cho việc nhận thức, đánh giá vấn đề cũng như quá trình quan sát, thu thập thông tin tại địa bàn, cụ thể như sau:

Dưới tác động của biến đổi kinh tế - xã hội từ khi Đổi mới đến nay, gia đình người Dao Quần Trắng tại xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đang có sự biến đổi mạnh mẽ trên nhiều phương diện.

Tuy có sự biến đổi mạnh mẽ, nhiều yếu tố của gia đình truyền thống mất đi, một số yếu tố mới được khẳng định. Song, không vì thế mà mà gia đình mất đi vai trò của của nó với tư cách là một thiết chế xã hội quan trọng cả trong phạm vi bản làng và xã hội tộc người.

Sự biến đổi của gia đình của người Dao Quần Trắng có tác động trở lại đến nhiều mặt trong đời sống văn hóa xã hội của họ.

5. Đóng góp của luận văn

Luận văn là công trình đầu tiên nghiên cứu có tính hệ thống về biến đổi gia đình người Dao Quần Trắng ở một địa bàn cụ thể. Nghiên cứu này có những đóng góp sau đây:

Trên cơ sở điền dã, luận văn góp phần bổ sung những tư liệu mới về biến đổi gia đình qua nghiên cứu trường hợp xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho các nghiên cứu về gia đình của nhóm Dao Quần Trắng nói riêng, người Dao ở nước ta nói chung.

Những phân tích nhân học/dân tộc học chủ yếu từ tư liệu thực địa của luận văn đã làm rò xu thế biến đổi của gia đình người Dao Quần Trắng trước sự tác động của những nguyên nhân kinh tế - xã hội trong bối cảnh xã hội đang biến đổi mạnh mẽ ở nước ta thời kỳ Đổi mới, CNH - HĐH.

Luận văn đã phân tích mối quan hệ biện chứng giữa truyền thống và biến đổi của gia đình người Dao Quần Trắng ở địa phương về cấu trúc, chức năng, mối quan hệ và một số nghi lễ tiêu biểu trong gia đình.

Nghiên cứu này góp phần phát huy các giá trị văn hoá truyền thống trong sự thích ứng của gia đình trước sự biến đổi của xã hội nhằm xây dựng gia đình văn hóa ở cơ sở.

6. Cấu trúc luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và phụ lục, nội dung chính của luận văn được cấu trúc thành 4 chương:

Chương 1: Tổng quan về tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

Chương 2: Người Dao Quần Trắng và gia đình truyền thống của họ

Chương 3: Biến đổi cấu trúc, chức năng, mối quan hệ gia đình trước và sau Đổi mới

Chương 4: Biến đổi các phong tục, nghi lễ của chu kỳ đời người trong gia đình trước và sau Đổi mới

Chương 1

TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU‌


1.1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu

1.1.1. Những nghiên cứu về gia đình và biến đổi gia đình

Cùng với gia đình, biến đổi gia đình là một hiện tượng xã hội phổ biến trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, đặc biệt từ khi xã hội loài người chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang xã hội công nghiệp. Biến đổi gia đình là một đề tài có sức hấp dẫn lớn nên đã được nhiều ngành khoa học quan tâm nghiên cứu ở các góc độ tiếp cận khác nhau như xã hội học, dân tộc học/nhân học, tâm lý học… Nhiều thập kỷ đã qua, những khía cạnh của biến đổi gia đình như cấu trúc, chức năng hay các mối quan hệ trong gia đình đã được tìm tòi, phát hiện và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm khoa học.

Một trong những công trình nổi tiếng bàn về gia đình là tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” (1884) của F. Engels. Dựa trên các kết quả nghiên cứu của nhà dân tộc học H. Morgan và quan điểm duy vật, F. Engels đã phân tích lịch sử nhân loại ở giai đoạn sớm, luận chứng quá trình tan rã của chế độ công xã nguyên thủy và quá trình hình thành xã hội có giai cấp dựa trên chế độ sở hữu tư nhân. Trong tác phẩm này, F. Engels đã dành cả một chương (chương hai) để phân tích về gia đình. Bắt đầu bằng việc nghiên cứu nguồn gốc của gia đình trong sự vận động khách quan của quá trình phát triển gia đình từ chế độ quần hôn đến gia đình một vợ một chồng. Ông đã đề cập đến các loại hình gia đình trong lịch sử, các thiết chế hôn nhân và giải thích sự phát triển của các quan hệ gia đình trong các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau. F. Engels khẳng định, gia đình là sản phẩm của lịch sử và nó tác động tích cực đến tiến trình xã hội. Theo ông, gia đình là một “khái niệm động”, thường xuyên có sự biến đổi về quy mô, kết cấu và chức năng theo diễn trình lịch sử. Có thể nói đây là một tác phẩm kinh điển chứa đựng những lý luận cơ bản về gia đình của chủ nghĩa Mác.

Sau đó, những công trình nghiên cứu đáng kể về biến đổi gia đình đã xuất hiện ngay từ những năm 50 – 60 của thế kỷ XX gắn liền với tên tuổi của các nhà nhân học/xã hội học hàng đầu phương Tây như Talcott Pasons, G.P. Murdock, Wiliam Goode…

Theo nhà nghiên cứu Mai Huy Bích, William Goode là một trong những

nhà nhân học/xã hội học với những nghiên cứu về biến đổi gia đình được đánh giá cao, tiêu biểu là công trình “Cách mạng thế giới và những hình mẫu gia đình” (1963). Trong cuốn sách này, ông đã tìm hiểu gia đình trong xã hội công nghiệp hóa và cho rằng dưới tác động của công nghiệp hóa các mẫu hình gia đình đều thay đổi theo hướng trở lên giống nhau và giống với gia đình phương Tây. Đó là mẫu hình “gia đình vợ chồng” mà ở đó ít có quan hệ với họ hàng nội ngoại, cá nhân ít phụ thuộc vào gia đình và được mở rộng quyền tự do. Xã hội công nghiệp đã giải phóng con người vì nó tạo ra một mô hình gia đình tự do và bình đẳng hơn các xã hội trước đó.

Sau Talcott Pasons và Wiliam Goode, các nhà nhân học Emily A.Schultz và Rober H. Lavanda cũng có những nghiên cứu về gia đình được công bố. Trong cuốn “Nhân học – một quan điểm về tình trạng nhân sinh” (2001), ở các chương XVIII – Thân tộc và chương XIX – Hôn nhân và gia đình, hai tác giả này đã đề cập đến những vấn đề cơ bản trong nghiên cứu nhân học về gia đình như các kiểu hôn nhân, các loại hình gia đình, cấu trúc gia đình và biến đổi gia đình theo thời gian.

Nhìn lại tình hình nghiên cứu ở Việt Nam, những nghiên cứu về biến đổi gia đình xuất hiện nhiều từ những năm 90 của thế kỷ XX trở lại đây với những nhà nghiên cứu tiêu biểu Mai Huy Bích, Nguyễn Linh Khiếu, Lê Ngọc Văn, Vũ Tuấn Huy, Khuất Thu Hồng… Cho đến nay đã có số lượng lớn công trình nghiên cứu, sách, bài viết, các hội nghị và hội thảo về chủ đề này được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu sau:

Trong hàng loạt các ấn phẩm đã xuất bản, đáng chú ý hơn cả, có một công trình mang tính hệ thống lý luận và thực tiễn về vấn đề gia đình và biến đổi gia đình ở nước ta là chuyên khảo “Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam” của tác giả Lê Ngọc Văn (2011). Tác phẩm này được kết cấu thành ba phần lớn.

Phần thứ nhất, tác giả giới thiệu những vấn đề lý luận về gia đình và biến đổi gia đình1.

Phần thứ hai đề cập đến thực trạng biến đổi gia đình ở Việt Nam, trong đó tác giả tập trung làm rò sự biến đổi về chức năng, cấu trúc của gia đình.


1 Phần này gồm ba chương dựng nên “nền móng lý luận khá vững chắc” về gia đình và biến đổi gia đình. Nhiều khái niệm then chốt như gia đình, văn hóa gia đình và biến đổi gia đình cùng với những nhân tố và quá trình ảnh hưởng đến biến đổi gia đình như công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, chính sách pháp luật của Nhà nước về gia đình được giới thiệu và làm rò. Những quan điểm lý thuyết cơ bản dùng đề nghiên cứu gia đình cũng được giới thiệu và phân tích

Phần thứ ba đề cập đến các quan điểm và giải pháp chính sách về những vấn đề đặt ra từ sự biến đổi của gia đình Việt Nam hiện nay. Trong phần này, tác giả chỉ ra những vấn đề mới đặt ra từ sự biến đổi các chức năng của gia đình và cấu trúc của gia đình. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra năm nhóm giải pháp kiến nghị chủ yếu xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh việc khái quát và hệ thống những vấn đề cơ bản của gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam hiện nay, tác giả đưa ra gợi ý cho những nghiên cứu về gia đình và biến đổi gia đình. Song, cuốn sách chủ yếu dừng lại ở việc nghiên cứu về biến đổi gia đình ở khu vực đồng bằng và đô thị mà chưa đề cập nhiều đến gia đình của các dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi.

Tiếp theo, công trình nghiên cứu “Sự biến đổi và liên tục của gia đình nông thôn Việt Nam: những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu thử nghiệm ở Yên Bái” của Vũ Tuấn Huy và cộng sự dựa trên kết quả nghiên cứu liên ngành khá toàn diện về biến đổi gia đình nông thôn các dân tộc từ khảo sát thực địa tại Yên Bái. Đây là một nghiên cứu như tác giả đã chỉ rò là thuộc dự án của nhóm “Micro” gồm sự liên kết của bốn cơ quan chuyên ngành: Viện Xã hội học, viện Dân tộc học, Trung tâm Địa lý nhân văn và Trung tâm nghiên cứu Gia đình và Phụ nữ nhằm xác định các vấn đề và phương pháp nghiên cứu liên ngành. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, trong thời kỳ đổi mới, đời sống gia đình đã có nhiều thay đổi. Chẳng hạn, nếu như trước đây, hôn nhân chỉ diễn ra ở nội bộ tộc người thì hiện nay đã mở ra với các tộc người khác. Trong đời sống thường ngày, vị trí của người phụ nữ đã được nâng lên, quyền bình đẳng được tôn trọng và người phụ nữ có điều kiện hơn để tham gia vào các công việc bên ngoài gia đình. Mỗi gia đình sẵn sàng thay đổi và hình thành chiến lược sống mới để thích nghi với điều kiện xã hội mới v.v…

Bên cạnh đó, Vũ Tuấn Huy còn có bài viết chuyên khảo “Những khía cạnh của sự biến đổi gia đình” in trong sách “Những nghiên cứu Xã hội học về gia đình” (1996) do Tương Lai chủ biên. Thông qua phân tích các khía cạnh như những vấn đề về hôn nhân và những quan hệ trong đời sống gia đình, nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, gia đình Việt Nam đã và đang biến đổi dưới sự tác động của những biến đổi xã hội và giao lưu văn hóa, sự biến đổi đó không tách rời hoàn toàn với những đặc trưng của gia đình truyền thống Việt Nam, mà là một sự điều chỉnh, thích nghi với những hoàn cảnh và điều kiện xã hội mới. Tác giả cũng cho rằng, hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa và các quá trình dân số là những yếu tố tác động đến đời sống gia đình. Tuy nhiên, những yếu tố này

vẫn chưa đủ mạnh để tạo ra những biến đổi căn bản trong mô hình nơi ở và các quan hệ thân tộc.

Gần đây, Hội thảo “Gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa và hội nhập” do Viện Gia đình và Giới tổ chức vào ngày 26/3/2012 tại Hà Nội là một trong những diễn đàn lớn thu hút nhiều nhà khoa học nghiên cứu về gia đình2. Hội thảo đã đề cập và làm rò nhiều khía cạnh của gia đình trong đó có biến đổi gia đình do tác động của công nghiệp hóa và hội nhập.

Mặt khác, gia đình và biến đổi gia đình ở các dân tộc Việt Nam cũng là chủ đề được nhiều luận văn, luận án chọn làm đề tài nghiên cứu. Gần đây nhất, luận văn thạc sĩ Lịch sử, chuyên ngành Dân tộc học của tác giả Hoàng Phương Mai với tên đề tài “Gia đình người Sán Dìu ở xã Ninh Lai huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang - truyền thống và biến đổi” (2011) là một nghiên cứu về biến đổi gia đình của một tộc người ở một địa phương cụ thể. Luận văn đã đề cập đến các khía cạnh trong gia đình truyền thống và chỉ ra những biến đổi trong gia đình của người Sán Dìu trên các phương diện như quy mô, cấu trúc, chức năng, mối quan hệ và các nghi lễ trong gia đình, đồng thời cũng làm rò các nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi trong gia đình.

Nhìn chung, trong các công trình nghiên cứu về biến đổi gia đình ở nước ta mấy thập kỷ nay, chúng ta thấy rằng chưa có nhiều những nghiên cứu chuyên sâu về biến đổi gia đình của các dân tộc, nhất là ở một tộc người tại một địa phương cụ thể.

1.1.2. Những nghiên cứu về người Dao và nhóm Dao Quần Trắng

Cho đến nay, người Dao là một trong những tộc người nhận được nhiều quan tâm nghiên cứu dân tộc học/nhân học ở Việt Nam của các nhà khoa học tên tuổi như Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Trần Quốc Vượng, Phan Hữu Dật, Lê Sỹ Giáo, Nguyễn Đình Khoa, Phạm Quang Hoan, Nguyễn Ngọc Thanh, Vương Xuân Tình, Lý Hành Sơn… Trong số đó, các tác giả đã đề cập đến hầu hết các lĩnh vực từ nguồn gốc lịch sử đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, ngôn ngữ v.v… của cộng đồng cư dân này. Những công trình trên đã đem đến cái nhìn khá tổng quát về dân tộc Dao ở Việt Nam. Tuy vậy, chỉ có một số công trình đề cập đến người Dao Quần Trắng.

Từ rất sớm, nhóm tác giả Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Nông Trung, Nguyễn Nam Tiến đã xuất bản công trình nghiên cứu khái quát về “Người Dao


2 Có 40 tham luận được trình bày chia làm bốn chủ đề: Những vấn đề chung về gia đình; tính đa dạng của gia đình; mối quan hệ gia đình; giá trị gia đình.

ở Việt Nam” (1971). Có thể nói, cho đến nay đây vẫn là công trình phản ánh toàn diện và đầy đủ nhất về người Dao ở Việt Nam. Trên cơ sở các tài liệu điền dã, các tác giả đã khái quát về nguồn gốc lịch sử, tên gọi, địa bàn cư trú, các đặc trưng sinh hoạt kinh tế - xã hội…và những chuyển đổi trong đời sống của dân tộc Dao từ sau cách mạng tháng Tám 1945. Trong công trình này, nhóm Dao Quần Trắng nước ta đã được các tác giả đề cập đến ở một số nội dung (tuy còn sơ lược).

Những nghiên cứu chuyên sâu trên nhiều khía cạnh đời sống xã hội tộc người về người Dao ở nước ta đã được công bố trong cuộc Hội thảo ở tầm quốc gia do Trung tâm Khoa học xã hội & Nhân văn quốc gia tổ chức năm 1995 với chủ đề “Sự phát triển văn hóa xã hội của người Dao: Hiện tại và tương lai”. Kỷ yếu hội thảo khoa học quan trọng này đã được xuất bản năm 1998, trong đó tập hợp nhiều nghiên cứu sâu về dân tộc Dao. Những tham luận tại hội thảo đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về đặc điểm dân tộc, sự phát triển kinh tế - xã hội và biến đổi văn hóa của dân tộc Dao. Tại hội thảo này, có một số bài viết dưới nhiều góc độ đã đi sâu nghiên cứu về nhóm Dao Quần Trắng.

Bên cạnh đó, còn có một số công trình và bài viết về người Dao Quần Trắng ở một số địa phương như “Các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang” của Hà Văn Viễn và Hà Văn Phụng (1972); “Một sinh hoạt văn hóa lễ hội của người Dao Họ ở Lào Cai” của Lê Hồng Lý (1997); “Ứng xử của người Dao Họ (Dao Quần Trắng) ở Lào Cai với nguồn nước” của Trần Hữu Sơn (2008); “Thầy Shaman người Dao Họ ở Lào Cai (Nghiên cứu trường hợp ông Bàn Văn Xiêm)” của Phạm Văn Dương (2009) v.v …và một số bài báo giới thiệu về một số phong tục tập quán đặc sắc của người Dao Quần Trắng.

Tựu trung lại, những công trình đề cập đến người Dao Quần Trắng ở nước ta còn rất sơ lược và tản mạn, hoặc chỉ khảo cứu ở một khía cạnh cụ thể. Đặc biệt, chưa có công trình nào nghiên cứu về biến đổi gia đình của người Dao Quần Trắng ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Chính vì vậy, nghiên cứu của chúng tôi nhằm bổ sung vào vấn đề còn bỏ ngỏ này.‌

1.2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

1.2.1. Một số khái niệm sử dụng trong luận văn

Để thống nhất nội dung của một số thuật ngữ sử dụng trong luận văn, chúng tôi xin đưa ra một số khái niệm chính như sau:

1.2.1.1. Khái niệm gia đình

Như đã đề cập ở trên, cho đến nay, trong các nghiên cứu khoa học trên thế giới và ở Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu về gia đình từ những cách

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/06/2022