Điều 13, 104. Việc giao trách nhiệm khởi tố vụ án cho Tòa án (Điều 10) và HĐXX (Điều 104) như hiện nay là bất cập. Về mặt lý luận, khởi tố là chức năng của bên buộc tội, của CQĐT và Viện kiểm sát; về thực tiễn, nếu Tòa án vừa khởi tố vừa xét xử thì cũng như vừa đá bóng, vừa thổi còi, không đảm bảo được tính khách quan. Vì vậy, không nên quy định cho Tòa án trách nhiệm khởi tố vụ án hình sự mà chỉ quy định là Tòa án có quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án.
Thứ ba, bỏ quy định về thẩm quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung của Tòa án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Khi đã thụ lý hồ sơ mà Tòa án phát hiện ra việc thiếu các chứng cứ quan trọng hay nhận định bị cáo phạm một tội khác thì nên tiến hành xét xử và tuyên không đủ chứng cứ để buộc tội bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm là của CQĐT và VKS, nếu hai cơ quan này không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình thì phải chịu hậu quả cho sự yếu kém, tắc trách đó chứ không thể bắt bị can phải kéo dài thời gian tham gia tố tụng để chờ sự hoàn thiện về chứng cứ để buộc tội mình. Quy định như thế này trước hết để bảo đảm quyền không bị xét xử quá mức chậm trễ cho bị can. Mặt khác, Tòa án phải giữ vai trò khách quan để xét xử. Việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung các chứng cứ vô hình chung Tòa án đã có ý chí kết tội ngay từ đầu.
Thứ tư, bỏ các quy định HĐXX vẫn xét xử về toàn bộ vụ án dù Kiểm sát viên rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại Điều 195; Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố tại Điều 196; HĐXX vẫn tiếp tục xét xử khi VKS rút quyết định truy tố tại Điều 221.
Theo chúng tôi, xuất phát từ tư duy “Tòa án có chức năng khởi tố vụ án” nên BLTTHS 2003 mới có các quy định tại Điều 195, 196 và 221 như vậy. Các quy định đó là trái với cơ chế, nguyên tắc tố tụng là Tòa án chỉ xét xử khi có sự buộc tội. Sự buộc tội làm phát sinh việc xét xử. Khi VKS rút quyết định truy tố thì không còn căn cứ cho việc xét xử. Trong trường hợp này, việc xét xử phải được đình chỉ trong bất kỳ giai đoạn tố tụng nào. Nếu như Tòa án không đồng ý với việc rút quyết định truy tố thì có thể kiến nghị với Tòa án cấp trên để xem xét và phục hồi tố tụng đối
với vụ án [22]. Cũng xuất phát từ lập luận này, cần phải sửa đổi Điều 249 về quyền hạn tuyệt đối của Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng điều khoản BLHS về tội nặng hơn trong trường hợp có kháng nghị của VKS hoặc kháng cáo của người bị hại. Bản án, quyết định của cấp phúc thẩm có hiệu lực ngay mà BLTTHS giao cho Tòa án cấp phúc thẩm có quyền áp dụng điều khoản của BLTTHS về tội nặng hơn khi VKS chưa truy tố không chỉ là sự vi phạm phân công chức năng trong tố tụng hình sự mà còn vi phạm quyền bào chữa của bị cáo.
Thứ năm, Sửa đổi quy định để VKS tập trung thực hiện tốt chức năng buộc tội.
+ Bỏ quy định VKS kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại Điều 23. Việc quy định VKS vừa buộc tội vừa kiểm sát việc tuân theo pháp luật cả quá trình tố tụng là bất hợp lý, làm ảnh hưởng đến sự độc lập xét xử của Tòa án.
+ Bỏ quy định Viện kiểm sát là một trong ba cơ quan tiến hành tố tụng; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên là một trong những người tiến hành tố tụng tại Điều 33. Việc quy định địa vị pháp lý bên buộc tội ngang hàng với cơ quan xét xử là không phù hợp. Cần quy định Viện kiểm sát cũng chỉ là một bên tham gia tố tụng, có địa vị bình đẳng với bên bị buộc tội.
+ Cũng xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của VKS và Tòa án thì Điều 207 cũng cần phải được sửa đổi cho phù hợp với những điểm mà chúng tôi đã phân tích ở trên. Việc quy định trình tự xét hỏi của Kiểm sát viên sau Chủ tọa phiên tòa và các Hội thẩm nhân dân như Điều 207 là chưa hợp lý. Khi xét hỏi nên để bên buộc tội hỏi trước đồng thời cũng phải quy định cho bên bị buộc tội có quyền đặt câu hỏi ngược trở lại với bên buộc tội. Sau khi các bên hỏi đáp xong mọi vấn đề thì Hội đồng xét xử mới tham gia hỏi để làm sáng tỏ các vấn đề chưa được đề cập đến, đồng thời để xác định xem bên nào có lý hơn. Việc HĐXX hỏi trước rồi đến Kiểm sát viên hỏi vô hình chung làm cho hai cơ quan này lẫn lộn, không phân biệt được vai trò, vị trí của từng cơ quan. Mặt khác, quy định này dẫn đến thực tiễn là HĐXX hỏi hết những vấn đề trọng tâm, làm thay nhiệm vụ của Kiểm sát viên.
- Tiếp tục hoàn thiện quy định về quyền bào chữa theo hướng:
Có thể bạn quan tâm!
- Một Số Quy Định Của Luật Nhân Quyền Quốc Tế Về Bảo Đảm Quyền Con Người Trong Hoạt Động Xét Xử Vụ Án Hình Sự
- Quyền Bào Chữa Của Người Bị Tạm Giữ, Bị Can, Bị Cáo Chưa Được Bảo Đảm Triệt Để
- Một Số Kiến Nghị Đảm Bảo Quyền Con Người Trong Giai Đoạn Xét Xử Ở Việt Nam Hiện Nay
- Bảo đảm quyền con người trong hoạt động xét xử vụ án hình sự - 11
Xem toàn bộ 97 trang tài liệu này.
+ Mở rộng phạm vi người bào chữa. Điều 56 quy định người bào chữa gồm
luật sư, người đại diện hợp pháp và bào chữa viên nhân dân. Sự quy định như thế này là bất cập vì trên thực tế có nhiều người có trình độ, đạo đức, nhiệt tình nhưng lại không phải là 3 đối tượng trên nên không thể tham gia tố tụng. Trong đó, “bào chữa viên nhân dân” được xem như là một quy định mang tính hình thức. Bào chữa viên nhân dân “là người được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình” nhưng ngoài BLTTH thì không có một văn bản nào quy định về “bào chữa viên nhân dân” [10]. Hoạt động của bào chữa viên nhân dân cũng không được tổ chức thành một hệ thống, điều kiện để trở thành bào chữa viên nhân dân cũng không được quy định. Do đó, để khắc phục tính hình thức của “bào chữa viên” nhân dân cũng như để tránh sự lãng phí về nguồn lực thì cần phải mở rộng phạm vi người bào chữa. Theo đó, nên quy định người bào chữa là bất cứ người nào được bị cáo nhờ và được sự đồng ý của người đó.
+ Sửa đổi quy định về thời điểm tham gia tố tụng của người bào chữa. Điều 58 quy định người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp bắt người theo trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ. Theo tôi, nên quy định để người bào chữa có thể tham gia tố tụng ngay khi có quyết định tạm giữ trừ trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia.
+ Bỏ quy định về việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Việc quy định về cấp giấy chứng nhận người bào chữa như hiện nay là quy định mang tính thủ tục hành chính rườm rà cần phải bãi bỏ. Theo tôi, khi người bị tạm giữ/bị can/bị cáo muốn mời người bào chữa và được sự đồng ý của người đó (người bào chữa không thuộc trường hợp không được bào chữa) thì nên công nhận tư cách bào chữa ngay cho họ. Cơ quan tiến hành cần tạo điều kiện để người bào chữa thực hiện trách nhiệm của mình ngay, không nên kéo dài thời gian, sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị tạm giữ/bị can/bị cáo. Đặc biệt, việc quy định tư cách bào chữa ngay sẽ có tác dụng rất lớn đối với những vụ án áp dụng thủ tục rút gọn.
+ Sửa các quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 48, Điểm e Khoản 2 Điều 49,
Điểm e Khoản 2 Điều 50 từ “Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa” thành “Tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa”.
Xét cả lý luận và thực tiễn thì quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa không loại trừ lẫn nhau. Khoản 2 Điều 217 cũng quy định nếu bị cáo có người bào chữa thì người bào chữa trình bày lời bào chữa trước, sau đó, bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa. Trên thực tế thì với những vụ án có người bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng không loại bỏ quyền tự bào chữa của người bị buộc tội. Do đó, các điểm trên cần phải thay từ “hoặc” thành từ “và” mới là đúng đắn.
- Hoàn thiện quy định về thủ tục rút gọn để tăng tính khả thi trong thực tế; đảm bảo cho việc xét xử vụ án được nhanh chóng, không bị trì hoãn.
+ Thứ nhất, nên quy định việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với cả giai đoạn xét xử phúc thẩm để đảm bảo tính đồng bộ.
Theo quy định hiện nay, trình tự phúc thẩm vẫn áp dụng theo thủ tục chung, nghĩa là thời hạn xét xử phúc thẩm vẫn là 60 ngày (Điều 242) trong khi đó, nếu các giai đoạn trước áp dụng thủ tục rút gọn thì từ giai đoạn điều tra đến xét xử sơ thẩm chỉ mất 30 ngày. Việc thời hạn xét xử 60 ngày không chỉ làm kéo dài thời gian tố tụng, làm mất ý nghĩa việc áp dụng thủ tục rút gọn ở các giai đoạn trước mà còn tạo ra sự chênh lệch về thời gian tố tụng giữa các xét xử phúc thẩm với các giai đoạn trước. Do đó, nên áp dụng thủ tục rút gọn đối với cả giai đoạn phúc thẩm. Và thời hạn xét xử phúc thẩm nên quy định ở mức từ 15 – 20 ngày là phù hợp.
+ Sửa đổi điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn:
Theo quy định tại Điều 319 thì thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi có đủ bốn điều kiện: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang; Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rò ràng; Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; Người phạm tội có căn cước, lai lịch rò ràng.
Việc quy định bốn yếu tố như trên đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Thứ nhất là điều kiện “người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang”. Theo Điều 82 thì phạm tội quả tang là “người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt”. Số vụ án bị bắt quả tang trên
thực tế không nhiều. Mặt khác, có nhiều vụ án tuy không thuộc trường hợp phạm tội quả tang nhưng lại thỏa mãn các yếu tố còn lại, đặc biệt là sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rò ràng thì cũng không thể áp dụng thủ tục rút gọn. Do đó, quy định này đã thu hẹp số lượng vụ án có thể áp dụng thủ tục rút gọn trên thực tế. Theo tôi, trong các điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn thì điều kiện “sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rò ràng” là yếu tố quan trọng nhất. Đây là yếu tố ảnh hưởng nhất đến thời gian giải quyết vụ án chứ không phải là việc phạm tội quả tang. Do đó, nên bỏ điều kiện thứ nhất để thủ tục này có điều kiện thực thi nhiều hơn trên thực tế.
Thứ hai, về điều kiện “tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng” theo tôi cũng cần sửa đổi. Theo Khoản 3 Điều 8 BLHS thì “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù”. Trong khi đó, số lượng án ít nghiêm trọng trên thực tế không nhiều. Hiện nay, tình hình tội phạm gia tăng theo xu hướng ngày phức tạp, số lượng tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm số lượng lớn. Do đó, cần phải mở rộng phạm vi để áp dụng thủ tục rút gọn đối với cả những tội phạm nghiêm trọng (là tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt là đến bảy năm tù).
Thứ ba, về thời hạn hoạt động tố tụng nên điều chỉnh lại ở mức độ phù hợp hơn. Việc rút quá ngắn thời gian tố tụng như quy định hiện tại (thời hạn điều tra là 12 ngày, thời hạn truy tố là 4 ngày, thời hạn xét xử là 14 ngày) sẽ khiến các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là cơ quan điều tra e dè, ngại áp dụng thủ tục này vì sợ vi phạm thời gian. Theo tôi, sẽ điều chỉnh lại ở mức thời hạn điều tra là 20 ngày, thời hạn truy tố là 07 ngày, thời hạn xét xử là 20 ngày là tương đối phù hợp.
Thứ tư, để bảo vệ quyền con người của bị can, bị cáo, theo chúng tôi, cần bổ sung thêm một điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn nữa là có sự đồng ý của bị can, bị cáo. Áp dụng thủ tục rút gọn là lược bớt một số thủ tục, điều đó có thể dẫn đến bất lợi cho bị can, bị cáo trong thực hiện một số quyền và thủ tục tố tụng. Vì vậy, ý chí bị can, bị cáo trong trường hợp này cần được tôn trọng. Có như vậy, việc áp dụng thủ tục rút gọn mới không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
- Hoàn thiện thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng: Phiên tòa hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội phải được tiến hành theo thủ tục đặc biệt, đảm bảo môi trường thân thiện. Đặc biệt xét xử đối với những đối tượng này phải được xét xử kín đồng thời không được công bố hình ảnh của người đó lên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội như đã được chúng tôi phân tích trong kiến nghị hoàn thiện Hiến pháp 1992
- Ghi nhận nguyên tắc tranh tụng:
Điều 19 BLTTHS 2003 quy định: “Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa … bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Tòa án…” và chương XXI của BLTTHS cũng quy định về việc tranh luận tại phiên tòa. Tuy nhiên, với tất cả những điều trên thì đó vẫn chưa phải là sự ghi nhận nguyên tắc tranh tụng. Vậy có cần phải ghi nhận nguyên tắc này không? Hiện nay chúng ta đang duy trì mô hình tố tụng hỗn hợp giữa thẩm vấn và tranh tụng để kết hợp ưu điểm của cả hai mô hình này. Do đó, nhiều người e ngại việc ghi nhận nguyên tắc tranh tụng sẽ làm cho mô hình tố tụng của nước ta trở thành mô hình tố tụng tranh tụng. Từ đó dẫn tới phải sửa đổi toàn bộ hệ thống pháp luật, tổ chức bộ máy cũng như các thiết chế thượng tầng kiến trúc tương ứng, làm ảnh hưởng đến định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, theo ý kiến của chúng tôi, việc ghi nhận nguyên tắc tranh tụng là cần thiết, đồng thời phải đảm bảo mọi điều kiện để việc tranh tụng có chất lượng trong thực tế, không còn là quy định mang tính hình thức nữa. Quy định nguyên tắc tranh tụng không có nghĩa là chúng ta chuyển hẳn sang mô hình tranh tụng mà chỉ là chọn lọc những điểm tiến bộ của mô hình tranh tụng để áp dụng. Mặt khác, nếu như việc ghi nhận nguyên tắc tranh tụng đặt ra yêu cầu phải sửa đổi một số các quy định khác thì chúng ta cũng phải cố gắng thay đổi để tiến tới sự phù hợp nhất có thể.
- Ghi nhận quyền im lặng cho những người bị tình nghi phạm tội vào các điều 48, 49, 50 BLTTHS. Quyền im lặng được xem là “quyền văn minh” và quyền rất quan trọng trong tố tụng hình sự. BLTTHS tuy thừa nhận quyền im lặng nhưng
lại không ghi nhận trực tiếp vào quyền của những người bị tình nghi phạm tội tại các điều 48, 49, 50 mà quy định gián tiếp qua Điều 209. Khoản 4 Điều 209 BLTTHS nói rằng: “Nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì HĐXX, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu liên quan đến vụ án”.
- Ghi nhận quyền được xét xử không chậm trễ vào các nguyên tắc cơ bản của BLTTHS. Đồng thời có quy định rò ràng về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử cũng như thời hạn tạm giam để tránh việc lợi dụng tạm giam để điều tra, tạm giam vô thời hạn và việc giải quyết vụ án kéo dài từ năm này qua năm khác.
2.3. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là Tòa án
- Đẩy mạnh tiến độ thành lập và đi vào hoạt động mô hình VKS và Tòa án khu vực trên toàn quốc để bảo đảm độc lập xét xử.
- Xác định rò Tòa án là cơ quan thực hiện quyền Tư pháp đồng thời đảm bảo những điều kiện để Tòa án thực hiện quyền Tư pháp trong thực tế, đặc biệt là phải nâng cao chế độ lương, phụ cấp, công tác phí để cán bộ công chức Tòa án có thể đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình ở mức trung bình, yên tâm công tác mà không phải lo về “cơm, áo, gạo, tiền”. Các chế độ của cán bộ, công chức Tòa án hiện nay còn thấp. Trong khi đó, việc mở các phiên tòa lưu động tuy có ý nghĩa tích cực trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm nhưng cũng làm tiêu tốn một số kinh phí nhất định, ảnh hưởng đến ngân sách đơn vị. Do đó cần phải có những đảm bảo về tài chính nhất định để Tòa án thực hiện nhiệm vụ của mình.
Ngoài ra, để Thẩm phán yên tâm làm việc và làm việc có hiệu quả thì cần phải quy định lại nhiệm kỳ của Thẩm phán. Hiện nay, nhiệm kỳ của Thẩm phán là 05 năm trong khi đó thủ tục bổ nhiệm, tái bổ nhiệm chặt chẽ, nhiều quy trình, mất nhiều thời gian; nếu có vi phạm thì có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào. Do đó, nên quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán là 10 năm hoặc là vô thời hạn.
- Trong mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, cần xác định rò mối quan hệ “chế ước”, chứ không chỉ là “phối hợp” để tránh sự bao che lẫn nhau, dẫn đến tình trạng “sai một ly, đi một dặm”.
- Tăng cường đào tạo lực lượng Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán theo hướng đủ về số lượng và cao về chất lượng. Đặc biệt phải đào tạo kiến thức về quyền con người cho đội ngũ này.
- Trang bị cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc hiện đại, hiệu quả.
2.4. Triển khai việc thành lập Cơ quan nhân quyền Quốc gia Việt Nam
Tính đến thời điểm hiện nay thì Việt Nam vẫn chưa có cơ quan nào có thể coi là Cơ quan nhân quyền quốc gia. Các cơ quan như Ủy ban vì sự tiến bộ của phụ nữ, Ủy ban Dân tộc (của Chính phủ), Hội đồng Dân tộc (của Quốc Hội) tuy có một số hoạt động giống với mô hình Cơ quan nhân quyền quốc gia nhưng không thể coi là các Cơ quan nhân quyền quốc gia vì không phù hợp với Nguyên tắc Pa – ri về tính độc lập và chức năng, nhiệm vụ.
Với tình hình kinh tế, xã hội và chính trị hiện nay, thành lập Cơ quan Nhân quyền Quốc gia Việt Nam để bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người là phù hợp. Việc thành lập Cơ quan Nhân quyền Quốc gia trước hết là sự hoàn thiện cơ chế, bộ máy về bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền, phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Sau đó, chính những hoạt động của Cơ quan này sẽ giúp cho Nhà nước giải quyết nhanh chóng các vấn đề về nhân quyền (mà trong tương lai, xu hướng sẽ càng tăng về số lượng và tính phức tạp)[14]
Việc thành lập Cơ quan Nhân quyền Quốc gia theo mô hình nào đòi hỏi phải có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về mọi mặt. Tuy nhiên, chúng ta có thể học hỏi hai mô hình của cơ chế nhân quyền quốc gia mà chúng tôi đã nêu trong chương II (Thanh tra Quốc Hội và Ủy ban Nhân quyền). Ngoài mặt nghiên cứu về lý luận thì chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm thực tiễn của một số nước đã thành lập Cơ quan Nhân quyền Quốc gia như: Úc, Đan Mạch, Philipphin, Thái Lan, Indonesia, Tây Ban Nha, Venezuela …
Dù là theo mô hình nào đi nữa thì Cơ quan Nhân quyền Quốc gia cũng phải đảm bảo được những hiệu quả hoạt động sau đây:
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về quyền con người cho mọi đối tượng, tầng lớp trong xã hội.